Washington (Catholic Online) - Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy sự tập trung đông đảo người Công giáo Hoa kỳ trước đây ở vùng New England (gồm các bang Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, và Connecticut) nay đã di chuyển xuống khu vực Tây nam.

Cuộc thăm dò về tôn giáo tại Mỹ (American Religious Identification Survey, gọi tắt là ARIS) được Chương trình nghiên cứu các giá trị công cộng tại trường Đại học Trinity ở Hartford (bang Connecticut) thực hiện.

Ông Barry Kosmin, điều tra viên chính của ARIS năm 2008 nói: “Việc suy giảm của Giáo hội Công giáo tại vùng Tây bắc không thiếu yếu tố gây ngạc nhiên. Do việc nhập cư và tăng trưởng tự nhiên của người gốc Latino, bang California hiện nay có tỷ lệ người Công giáo cao hơn vùng New England.”

Cuộc nghiên cứu cũng đưa ra kết luận rằng chủ nghĩa thế tục đã tiếp tục lớn mạnh khắp nơi trong nước. Theo ước tính của Chương trình nghiên cứu các giá trị công cộng, cứ cho rằng sự gia tăng phỏng định số người Hoa kỳ trưởng thành từ 207 triệu trong lần thống kê dân số mới nhất nay lên đến 228 triệu, thì đã có thêm tới 4.7 triệu người “Nones” (những người trả lời “Không” khi được hỏi về căn tính tôn giáo của mình).

Vùng phía bắc New England nay đã thay thế vùng tây bắc Thái bình dương để trở thành khu vực ít theo tôn giáo nhất của Hoa kỳ, với bang Vermont, nơi có tới 34% người “Nones”, dẫn đầu mọi bang khác tới 9 điểm.

ARIS 2008 được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 11 năm ngoái bằng một loạt những cuộc thăm dò lớn trên toàn quốc với số người được phỏng vấn lên đến 54,461 người trưởng thành trong 48 bang ở Hoa kỳ (không kể Alaska và Hawaii), nói tiếng Anh hoặc tiếng Spanish.

Hướng dẫn cuộc nghiên cứu này là các giáo sư Kosmin and Ariela Keysar, theo thứ tự là giám đốc và phó giám đốc Viện nghiên cứu Chủ nghĩa tục hóa trong xã hội và văn hóa thuộc trường đại học Trinity. Đây là lần định lượng thứ ba sau hai lần thực hiện năm 1990 và 2001.

Kết quả cuộc định lượng năm 2008, theo các nhà nghiên cứu, đã xác nhận sự chuyển hướng tìm thấy trong cuộc thăm dò năm 2001.

Keysar phát biểu: “Nhiều người nghĩ những sự kiện tìm được trong cuộc nghiên cứu năm 2001 là bất thường. Nay thì chúng ta thấy không phải thế. Tại mọi bang trong toàn quốc Hoa kỳ, chỉ có một nhóm người duy nhất đã gia tăng số lượng, đó là “Nones”(những người trả lời “Không” khi được hỏi về căn tính tôn giáo của mình).

Kết quả cuộc thăm dò cho thấy những sự kiện sau đây liên quan đến Kitô giáo:

1. Tỷ lệ người theo Kitô giáo tại Mỹ, từ thập niên 1990 đã giảm từ 86.2% xuống 76.7%, nay ở mức 76%.

2. 90% sự suy giảm nói trên là ở nơi các giáo phái ngoài Công giáo, phần lớn là các giáo phái chính thống (như Methodist, Lutheran, Presbyterian, Episcopalian/Anglican, và the United Church of Christ.)

3. Những nhóm nói trên, xét theo tỷ lệ đối với dân số toàn nước Mỹ, đã giảm từ 18.7% năm 1990 xuống còn 17.2% năm 2001, và chỉ còn 12.9% năm 2008.

4. Hầu hết những sự gia tăng số người Kitô giáo đã xẩy ra trong số những người chỉ tự nhận mình là “Kitô hữu”, “Evangelican/Tái sinh (Born Again)” hoặc “Kitô hữu không thuộc giáo phái nào”.

5. Hầu hết những chuyện gia tăng là do sự lớn mạnh của các “megachurches” (siêu thánh đường, những nhà thờ có 2000 người hoặc hơn tới tham dự lễ thường xuyên hàng tuần), tăng từ dưới 200 ngàn năm 1990 lên đến 2 triệu rưỡi năm 2001 và ngày nay đạt đến con số 8 triệu người. Xét theo tỷ lệ dân số, những nhóm này tăng từ 5% năm 1990 lên 8.5% năm 2001, tới 11.8% năm 2008.

6. Điều đáng nói là 38.% số người Tin lành dòng chính, nay tự nhận mình là evangelical hoặc tái sinh (born again).

Phát biểu của Mark Silk, giám đốc Chương trình nghiên cứu các giá trị công cộng: “Coi cứ như là hệ thống lưỡng đảng (tức là dòng chính và evangelical) trong giáo hội Tin lành ở Mỹ nay đang sụp đổ. Một loại hình tương tự evangelical nay đang nổi lên thành một hình thức tiêu chuẩn của Kitô giáo ngoài Công giáo tại Mỹ.”

Về Giáo hội Công giáo, cuộc thăm dò cho biết: “Người Công giáo gia tăng tại California và Texas, lên đến 1/3 số người trưởng thành, còn tỷ lệ ở Florida là ¼.” Quy ra con số, số người Công giáo gia tăng tại ba bang này trong hai thập niên qua là khoảng 8 triệu người.

Bản phúc trình cho biết tiếp: “Vùng New England mất đi 1 triệu người Công giáo. Chuyện mất mát lớn cả về số người lẫn tỷ lệ cũng xảy ra tại bang Massachusetts, và riêng tại Rhode Island, bang đông dân Công giáo nhất nước Mỹ, tỷ lệ người Công giáo nay đã giảm từ 62% xuống còn 46%. Bang New York mất 800 ngàn người Công giáo, tỷ lệ giảm từ 44% xuống còn 37% số người trường thành.”

Cuộc nghiên cứu của ARIS năm 2008 ước tính rằng số người tự nhận mình là Công giáo năm 2008 là khoảng 57.2 triệu tức là 25.1% dân số. Năm 2001 con số này là 50.9 triệu (24.5% dân số), và năm 1990 là 46 triệu (26.2% dân số).

Những kết quả khác được tường trình trong cuộc thăm dò:

1. Đạo Baptist, lớn mạnh nhất trong các giáo phái ngoài Công giáo, đã gia tăng 2 triệu tín đồ kể từ năm 2001, nhưng tiếp tục suy giảm về tỷ lệ đối với dân số toàn quốc.

2. Đạo Mormon đã gia tăng đủ số tín đồ để duy trì được tỷ lệ là 1.4% dân số.

3. Đạo Hồi, tỷ lệ tăng từ 0.3% dân số năm 1990 lên 0.5% năm 2001, và đến 0.6% năm 2008.

4. Con số những người theo các tôn giáo Đông phương, trong thập niên 1990 đã tăng hơn gấp đôi, nay giảm xuống chút đỉnh, khoảng trên dưới hai triệu tín đồ. Những người Mỹ gốc Á châu thường xác nhận mình không theo đạo nào cả hơn các nhóm sắc tộc khác.

5. Những người tự nhận theo Do thái giáo tiếp tục suy giảm, từ 3.1 triệu năm 1990 xuống 2.8 năm 2001 và còn 2.7 triệu năm 2008, chiếm 1.2% dân số. Nếu xét về phương diện những người tự nhận là Do thái thuần tuý theo yếu tố sắc tộc, thì dân số người Mỹ gốc Do thái trong hai thập niên qua vẫn duy trì được mức ổn định.

6. Chỉ có 1.6% dân số Mỹ tự gọi mình là người vô thần hoặc bất khả tri. Nhưng căn cứ trên cách kê khai về niềm tin, 12% là vô thần (không tin có Chúa) hoặc bất khả tri (không biết chắc), trong khi đó 12% khác là theo thần thuyết (deistic, tin ở một quyền lực cao cả nhưng không phải là một Thiên Chúa). Con số người vô thấn triệt để gần như gấp đôi kể từ năm 2001, từ 900 ngàn tăng thành 1.6 triệu. Có 27% người Mỹ không muốn có một nghi lễ tống táng theo tôn giáo nào lúc chết.

7. Những người theo các phong trào Tôn giáo mới, như Wicca, và tự nhận là ngoại giáo, đã gia tăng mau chóng trong thập niên này, hơn hẳn thập niên 1990.

Toàn văn bản tường trình của ARIS 2008 có thể tìm đọc tại:

http://b27.cc.trincoll.edu/weblogs/AmericanReligionSurvey-ARIS/reports/ARIS_Report_2008.pdf