Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp lần thứ XIV GXVN Paris

Paris, ngày 01/05/2013, Phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp đã cử hành Đại Hội thứ XIV, xoay quanh ba việc : cầu nguyện chung qua lễ thánh Giuse Thợ, gặp gỡ qua bữa cơm huynh đệ và trao đổi thảo luận về đề tài « Sống Đức Tin qua các ngành nghề ».

A. Lễ Bổn Mạng Thánh Giuse Thợ

Như một ngày Chúa Nhật, hay lễ trọng, Đại Hội lần thứ XIV của Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp (LĐNN) đã được khởi đầu bằng thánh lễ 11g30. Từ 10 giờ, nhiều anh chị đã đến giáo xứ. Đến 11g00 thì số người đã lên đến cả trăm. 11g20, nhà nguyện đã gần đầy.

11g30, đoàn đồng tế gồm 12 linh mục và 3 phó tế tiến ra bàn thờ. Ca đoàn đặc biệt của LĐNN đã hướng dẫn cả cộng đoàn hát Bài ca hiệp nhất « Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa,.. ». Chia sẻ Lời Chúa, linh mục chủ tế đã gợi ra nhiều điều về cuộc đời thánh Giuse, trong đó có những điểm trùng phùng với những ý tưởng mà Đức Thánh Cha đã nhắc đến trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 1-5-2013 hôm nay, đặc biệt là 3 ý tưởng sau đây : 1- « Chúa Giêsu sinh ra và sống trong một gia đình, trong Thánh Gia, học từ thánh Giuse nghề thợ mộc, trong xưởng thợ Nagiarét, chia sẻ với thánh nhân sự dấn thân, sự mệt nhọc, hài lòng và cả các khó khăn thường ngày nữa. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết phẩm giá và sự quan trọng của công việc làm. 2- Công việc làm là một phần của chương trình tình yêu của Thiên Chúa; chúng ta được mời gọi vun trồng và giữ gìn tất cả các thiện ích của thụ tạo, và như thế tham dự vào công trình tạo dựng! Công việc làm là một yếu tố nến tảng đối với phẩm giá của một người. Công việc, để dùng một hinh ảnh, ”xức dầu ” phẩm giá cho chúng ta, làm cho chúng ta được tràn đầy phẩm giá; khiến cho chúng ta giống Thiên Chúa, là Đấng đã làm việc và đang làm việc, là Đấng luôn hành động (x. Ga 5,17). Công việc làm trao ban cho chúng ta khả năng nuôi sống chính mình, gia đình mình, góp phần vào việc phát triển quốc gia mình. 3- Tôi muốn hướng tới tất cả mọi người lời mời gọi liên đới, và hướng tới các vi hữu trách của cuộc sống công cộng lời khích lệ làm mọi cố gắng để tái tạo công ăn việc làm ».

Trước khi thánh lễ chấm dứt, Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh, cũng là tuyên úy sáng lập của Phong Trào LĐNN đã đại diện Phong Trào, nói đôi lời « Giới thiệu Liên Đới Nghề Nghiệp ». Ngài nói :

GIỚI THIỆU LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP

1. Năm thành lập : Liên Đới Nghề Nghiệp (LĐNN) được thành lập tại Giáo Xứ từ năm 2000, gồm năm ngành : Chuyên Gia, Dịch Vụ, Doanh Thương, Taxi, Xây Dựng.

2. Quan thày của LĐNN : Thánh Giuse Thợ (mừng mỗi năm vào ngày 01. 05)

3. Mục đích của LĐNN :

Để sống Phúc Âm : LĐNN là một thể hiện sâu đậm Thánh Kinh trong đời sống chúng ta : Như Chúa Giêsu đã liên đới với chúng ta (Dt 3,14-18), chúng ta phải liên đới với nhau như các chi thể trong một thân thể (1Cr 11,12-30). Nhờ đó, chúng ta biết khóc với người khóc, vuì với người vui (1Cr 9,19-23), không phân biệt ‘tự do’ hay ‘nô lệ’, ‘Do Thái’ hay ‘Hy Lạp’ nữa, nhưng tất cả là ANH EM TRONG ĐỨC KITÔ (Cl 3,11).

Để sống tình người : Càng gần với Phúc Âm, LĐNN là một trong những tương quan cao độ, cần thiết, cụ thể và luôn thích hợp với tình người : Tức là trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp. LĐNN mang những đặc tính con người tự nhiên và giá trị mãi như lời dạy của ông bà chúng ta : ‘Anh em như thể tay chân’, ‘Chị ngã em nâng’, ‘Học thày không tày học bạn’, ‘chia rẽ thì chết’, ‘Hợp quần xây sức mạnh’…

Để xây dựng Giáo Xứ : Càng biết sống Phúc Âm, càng biết thể hiện tình người trong nếp sống nghề nghiệp của mình, chúng ta càng ý thức được rằng : đây là hai điều kiện tối cần để xây dụng Giáo Xứ chúng ta. Giáo Xứ chỉ tồn tại và phát triển khi mỗi chúng ta biết đoàn kết và liên đới với nhau. Đây là mục đích cụ thể, gần gũi và cơ bản của phong trào LĐNN.

4. Sinh hoạt của Liên Đới Nghề Nghiệp : Để cùng nhau chung sức thể hiện ba mục đích trên đây, LĐNN có những sinh hạt cụ thể :

Chung của Liên Nghành: Đại Hội LĐNN mỗi năm một lần, vào ngày lễ Thánh Giuse Thợ, ngày 01 tháng 05. - Bữa cơm Liên Đới Truyền Giáo vào một trưa thứ bảy của tuần ‘Truyền Giáõ, thường là cuối tháng 10.

Riêng của từng ngành :

+ Nghành Chuyên Gia : - Cố vấn về Nha-Y- Dược- Luật (khi cần) - Phục vụ Cao Niên -Ngày Văn hóa chung với nhóm Thư Viện ; - Cầu nguyện (gia đình trong nhóm bệnh tật, qua đời…tuần thứ ba trong tháng).

+ Ngành Dịch Vụ : - Hội và chia sẻ Thánh Kinh năm hai lần ; - Tổng vệ sinh cơ sở Giáo Xứ năm hai lần : mùa Vọng và mùa Chay.

+ Ngành Doanh Thương : không có sinh hoạt gì đặc biệt, nhưng vẫn tích cực tha gia các sinh hoạt chung của Liên Ngành.

+ Ngành Thân hữu Taxi : - Mỗi tháng gặp nhau cầu nguyện một lần, - mỗi năm tổ chức ‘Tiệc Xuân huynh đệ giữa các anh chị Taxi Việt, Lào, Cao Miên, Trung Hoa để có món tiền giúp các cô nhi viện, bệnh phong cùi …’, - ‘Xuất du chung với nhau một ngày’.

+ Ngành Xây Dựng : Lo bảo trì toàn bộ cơ sở ; - ‘Mỗi năm họp mặt đốt Tết, hoạch định chương trình làm việc’.

5. Cơ cấu tổ chức :

Ban Đại Diện Liên Ngành : Gồm các Đại Diện, các vị Đồng Hành của mỗi ngành. Nhưng điều hành và phối hợp Ban Đại Diện Liên Ngành, hiện nay là ông Trần Văn Cảnh, chánh đại diện liên ngành, ông Nguyễn Đình Chiểu, phó đại diện liên ngành, và cha Mai Đức Vinh đồng hành liên ngành.

Đại Diện của mỗi ngành : Mỗi ngành có hai vị đại diện. Hai vị đại diện cũng là thành viên của Hội Đồng Mục Vụ.

Đồng Hành của mỗi ngành : Mỗi ngành có hai hay nhiều đồng hành là thành phần của Ban Giám Đốc và của Ban Thường Vụ.

Xét rằng Đại Diện của Liên ngành hay của mỗi ngành là thành phần hoạt động chính yếu, nên tôi xin muốn gìới thiệu với quý ông bà và anh chị em những người hoạt động cốt cán này :

Đại Diện Liên Ngành : Ông Trần Văn Cảnh – Ông Nguyễn Đình Chiểu.

Đại Diện Chuyên Gia : Bà Lê Xuân Phương, Anh Nguyễn Antoine

Đại Diện Dịch Vụ : A. Huỳnh Công Thành,

Đại Diện Doanh Thương : Anh Lương Thành Trung, Ông Ngyuễn Văn Hòa,

Đại Diện Taxi : Anh. Vũ Hoàng Thanh, Anh. Nguyễn Văn Báu.

Đại Diện Xây Dựng : Ông Nguyễn Văn Thơm, Ông Trương Thành Nam

6. Kính mời ghi danh vào Phong Trào LĐNN.

Chúng tôi tha thiết mời gọi quý ông bà, nhất là các bạn trẻ, ghi danh sinh hoạt trong Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp, tuỳ theo nghề nghiệp đã sống hay đang sống.

Để cùng nhau tuyên chứng Niềm Tin - Hiệp Nhất của người Công Giáo.

Để cùng nhau chia sẻ, học hỏi, trao truyền kinh nghiệp sống đạo trong nghề nghiệp.

Để cùng nhau gây tạo tình Liên Đới - Huynh Đệ trong Cộng Đoàn, giữa những anh chị em làm chung một nghề.

Để cùng nhau đốt sáng Văn Hóa Dân Tộc : Hợp quần gây sức mạnh …

………………………….

XIN PHỔ BIẾN TỔ CHỨC LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP

XIN GHI DANH VÀO LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP.

XIN THAM GIA SINH HOẠT LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP.

7. Chân thành cám ơn :

Quý Ông Bà, Anh Chị Em đến dâng lễ Thánh Giuse Thợ Mộc, quan thày của LĐNN, bữa cơm Liên Đới – Huynh Đệ, và chia sẻ về ‘kinh nghiệm sống Đức Tin trong nghề nghiệp’.

Quý Ông Bà và Anh Chị đã bán vé, đã chuẩn bị dưới nhiều hình thức cho ngày Đại Hội.

Đặc biệt cám ơn Ban Ẩm Thực đã hy sinh sức khoẻ, thời giờ, tài gia chánh cho bữa cơm thanh đạm, ngon miệng và đầy ắp mùi vị quê hương … hôm nay.

Mỗi năm chỉ có một ngày,

Tháng Năm Mồng Một xum vầy bên nhau.

Cây hoa Liên Đới muôn mầu,

Xin Anh, xin Chị rủ nhau cùng về

Gặp nhau vui thỏa tính tình tang tang… ! ! !

B. Gặp gỡ thân thiện qua bữa cơm huynh đệ

Sau thánh lễ, một bữa cơm huynh đệ đã được tổ chức. Nhóm tầu 101 đã tình nguyện giúp làm bếp. Một bữa cơm thuần túy Việt Nam đã được các anh chị thiết đãi, gồm 3 món : khai vị với chả giò cuộn với rau diếp và lá húng ; món chính là một tô phở tái to, tô to như tô phở tầu bay, mà ai muốn, có thể dùng 2 hay 3 tô ; món tráng miệng là chè xôi nước. Ngoài ra còn có nước uống đầy đủ, mỗi bàn đều có 2 chai nước suối lọc, 1 chai cocacola và 1 chai rượu chát « Bordeaux Supérieur ».

Trong bữa ăn, cả một chương trình văn nghệ đã được nhóm Du Ca thiết kế giúp vui, với nhiều ca sĩ và nghệ sĩ điêu luyện.

320 người đã đến tham dự bữa cơm huynh đệ của LĐNN.

C. Trao đổi thảo luận về « Sống Đức Tin qua các ngành nghề »

Sau bữa cơm huynh đệ, một buổi thảo luận đã được tổ chức cho tất cả những ai muốn tham dự. Khoảng trên dưới 70 người đã ở lại tham dự buổi trao đổi này. Quả đúng là một cuộc trao đổi và thảo luận. Dưới sự dẫn nhập, hướng dẫn và tổng kết của cha Vũ Minh Sinh, các hội thảo viên đã tích cực trao đổi về đề tài « Sống Đức Tin qua các ngành nghề ».

Lời dẫn nhập của cha Vũ Minh Sinh. Trong năm Đức Tin, Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta tìm hiểu và đào sâu Đức Tin của mình. Cũng trong tinh thần ấy, ban điều hành Liên Đới Nghề Nghiệp tổ chức một buổi chia sẽ về đời sống Đức Tin thể hiện qua công ăn việc làm của mỗi người, trong truyền thống liên đới như mọi năm, vào ngày Lễ Thánh Giuse Lao Động.

Chia sẽ Đức Tin trong công việc của mình giúp chúng ta nhận ra được tình liên đới đối với người xung quanh và cũng nâng đỡ họ trong đời sống Đức Tin hay đó cũng là một cách truyền giáo đem Thiên Chúa đến với tha nhân.

Mọi ngành nghề đều như nhau, không ai cao trọng hay thấp hèn cả, tất cả đều cùng mục đích phục vụ công việc của mình, công sở, gia đình, xã hội và Giáo hội.

Câu hỏi được đưa ra là chúng ta sống đời sống Đức Tin như thế nào trong nghề nghiệp của mình ? Đức Tin có hổ trợ, giúp ích hay nâng đỡ trong công việc của chúng ta hay không ? Ngành nghề có ảnh hưởng đến Đức Tin của chúng ta không ? Hay Đức Tin có làm cản trở ngành nghề không ? Có gặp khó khăn khi thể hiện Đức Tin cách cụ thể như làm dấu trước khi ăn, treo tượng trong xe không … ?

Tham gia chia sẽ của các anh chị trong các ngành chuyên gia, dịch vụ, doanh thương, thân hữu taxi và xây dựng tham dự Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp.


Đức Tin được thể hiện qua tình yêu nghề nghiệp và hoàn thành công việc cách công tâm. Vui thích làm việc, không làm che mắt, không dối trá, không phá phách, không oán hận. Dùng chuyên môn và kỷ năng hiểu biết để tránh tai nạn, rắc rối và không làm buồn phiền lòng người khác. Ngành xây dựng là ngành liên quan nhiều đến Chúa Giêsu, con thánh Giuse thợ mộc.

Đức Tin được thể hiện qua việc sử dụng tiền của, sống trong tinh thần nghèo khó, không làm tôi hai chủ như lời Chúa Giêsu dạy. Tiền của được sử dụng cho thân xác và giúp ích lợi cho linh hồn. Tiền của là ơn của Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng ta sức lực và trí tuệ. « Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ». Đời sống Đức Tin được thể hiện qua việc chia sẽ tiền của với tha nhân, cụ thể qua các công việc đạo đức như giúp người nghèo, đóng góp tiền giúp Giáo hội, xây dựng giáo xứ, yểm trợ ơn gọi, các hội từ thiện …

Cùng với công việc, Đức Tin được thể hiện qua đời sống cầu nguyện để xin Chúa trợ giúp cho công việc được trôi chảy, thuận tiện. Phải có « Tín » thì công việc mới ăn nên làm ra : đó cũng là đều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải trung tín trong việc nhỏ cũng như việc lớn. Qua việc trung tín với khách hàng, chúng ta cũng thể hiện lòng trung tín với Thiên Chúa.

Nhiều khi công việc quá nhiều, nhưng nhờ Đức Tin, chúng ta dung hòa giữa công việc và gia đình để sống với gia đình, lo lắng cho con cái, dạy dỗ chúng …

Đức Tin còn được sống qua các cử chỉ như treo tượng Chúa và Đức Mẹ trong xe taxi, treo chuỗi hạt Mân Côi, và đó không chỉ là một cách thể hiện Đức Tin mà còn là lối truyền giáo cho hành khách. Những CD thánh ca, bài giảng của linh mục và radio Vatican là những công cụ thiết thực giúp chúng ta sống và làm vững mạnh Đức Tin. Công việc không chỉ để kiếm tiền mà còn mang tinh thần phục vụ tha nhân. Đó là cơ hội cho chúng ta nói về Chúa.

Đức Tin đã khiến cho chúng ta đặt lương tâm lên trên lợi ích riêng và tiền bạc. Cho dù có thiệt thòi cho cá nhân, vì trái lương tâm và trái với lối sống đạo, chúng ta vẫn chấp nhận cư xử theo người Kitô hữu với thiệt thòi vật chất để được rỗi phần hồn : thể hiện Đức Tin và đặt Thiên Chúa lên hàng đầu.

Cũng qua công việc, chúng ta có cơ hội làm chứng nhân cho Chúa : nâng đỡ và an ủi bệnh nhân mua thuốc, mang thuốc đến nhà họ khi họ không đến lấy được…

Đức Tin nâng đỡ công việc khi chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa để chúng ta có sức mạnh, kiên nhẫn để có thể hoàn thành công việc như chăm sóc người cao niên. Cầu nguyện liên lỉ để có Đức Tin. Đọc kinh làm dấu trước khi ăn cũng là cách thể hiện Đức Tin sống động và cũng là cách truyền giáo cho người xung quanh.

Đức Tin là một hành trình, giúp chúng ta nhận ra lẽ phải và biết lựa chọn : không làm tôi hai chủ.

Qua công việc, chúng ta cũng có cơ hội giao tiếp và thể hiện Đức Tin với những người khác tôn giáo với chúng ta bằng việc làm lương tâm ngay thẳng (ví dụ không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi)

Đức Tin còn được thể hiện qua việc làm giàu công đức bằng cách thực hành một công đức nhỏ mỗi ngày nhưng liên lỉ trong nhiều năm thì chúng ta sẽ được một vốn liếng thật lớn lao cho phần hồn và Chúa sẽ thưởng công bội hậu. Đó cũng là chiến lược mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta làm lời qua dụ ngôn nén bạc.

Đúc kết của cha Vũ Minh Sinh. Mối dây liên kết giữa chúng ta với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau là mối dây Đức Tin. Trên hết, thánh Phaolô nhấn mạnh thành quả Đức Tin được thể hiện qua Đức Ái. Mỗi ngành nghề đều như nhau và đụng chạm đến đời sống Đức Tin. Chúng ta hãy nhìn lên thánh Giuse thợ mộc đã tận tâm phục vụ trong nghề nghiệp và chu toàn trong bổn phận lo lắng cho gia đình, cho Chúa Giêsu, như là một gương sáng để chúng ta noi theo. Thánh Giuse đã phục vụ cho gia đình thánh gia, phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, Chúa dạy chúng ta hãy sống trọn trong ơn gọi của mình được thể hiện trong đời sống gia đình, trong môi trường Kitô hữu, trong các mối tương quan, để xây dựng gia đình, giáo xứ, xã hội và Giáo hội. Như công đồng Vaticano II định nghĩa : mỗi gia đình là một hội thánh thu nhỏ. Vì vậy, gia đình tốt thì Hội thánh tốt. Sống Đức Tin tốt là chúng ta phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức tin tác động trên nghề nghiệp. Người không có đức tin vững thì có thể bị lôi cuốn vào bất chính. Người có Đức Tin vững mạnh thì lại là một tông đồ của lương thiện, của công lý và của Tin Mừng.

Paris, ngày 01 tháng 05 năm 2013

Thục Hiền, Minh Đức và Văn Cảnh