NHỎ NHƯNG VẪN LÀ Giáo Hội !

Cảm nhận ngày giáo họ Phú Long mừng Bổn mạng và khánh thành trùng tu nhà thờ

Từ xa xưa trong Cựu ước, danh xưng tượng hình và “hình động” đó là “Đại Hội”, “Tập hợp”, “quy tụ”…đã được Lời Chúa sử dụng để chỉ một thực thể nhiệm mầu là “Dân Chúa”, là “cộng đoàn đức tin họp nhau thờ phượng”, là cuộc “tập họp để nghe Lời và thực hiện Giao ước”. Rồi khi chuyển sang thời Lịch sử cứu rỗi với Đức Kitô và “Dân Mới” được hình thành, danh xưng trên chính thức cô đọng và viên mãn để biểu thị thực tại “Giáo Hội”, “Hội Thánh” mà từ La-tinh là Ecclesia viết hoa.

Xem Hình

Chúng ta dễ dàng hiểu được ý nghĩa nầy khi đọc lại lịch sử Hội Thánh, nhất là vào thời những thế kỷ đầu bách hại, ý nghĩa “Giáo Hội” được biểu thị rõ nét qua các cuộc tập họp của tín hữu chung quanh các Tông Đồ và các vị Mục tử nơi các hang toại đạo, các khu ổ chuột dân nghèo, các vùng xa xôi hẻo lánh…

Chính vì thế, chúng ta có thể nói được rằng: Ở đâu có cuộc tập họp của các Kitô hữu, của một “cộng đoàn Hội Thánh địa phương”, cho dù cộng đoàn đó chỉ là một “đàn chiên nhỏ”, chỉ là một cuộc tập họp giản đơn, nghèo nàn, thì vẫn ắp đầy ý nghĩa của 2 từ Giáo Hội.

Và chắc chắn cũng từ ý nghĩa nầy, mà ngôi nhà để các cộng đoàn tập họp thờ phượng và lắng nghe Lời Chúa, Bẻ bánh và cầu nguyện chung cũng được Giáo Hội sử dụng một danh từ tương tự: ecclesia (viết thường): nhà thờ.

Vào ngày 29.9.2015, ngày lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần, nơi một vùng quê của giáo xứ Phú Hòa, đã có một cuộc “tập họp” của một cộng đoàn Hội Thánh nhỏ bé tại một ngôi nhà thờ bé nhỏ mới được trùng tu: nhà thờ giáo họ Phú Long. Đây là họ đạo kỳ cựu nằm về phía Bắc gần họ chính Phú Hòa thuộc thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, trong địa bàn mới quy hoạch thuộc thành phố Quảng Ngãi. Họ đạo nầy trước kia còn có tên là Hà Nhai. Giáo dân thuần nông với cây lúa nước. Vào thập niên 60, cha sở Phú Hòa Khổng Văn Giám đã xây dựng một ngôi nhà thở nhỏ tường gạch mái ngói. Tuy nhiên, sau bao nhiêu thăng trầm chiến tranh loạn lạc trong 2 thập niên 60-70, giáo dân xiêu tán, nhà thờ hoang phế. Sau biến cố 1975, nhất là từ khi thầy Tađêô Lê Văn Ý được Bề Trên điều về phụ giúp mục vụ tại Phú Hòa, việc bảo quản, trùng tu từng bước được thực hiện. Và rồi, khi cha Tađêô Lê Văn Ý chính thức trở thành cha sở Phú Hòa, việc “tái tạo” bên trong lẫn bên ngoài cộng đoàn và nhà thờ Phú Long được xúc tiến mạnh mẽ hơn và trong những điều kiện thật khó khăn phức tạp. Và cho đến ngày Bổn Mạng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae năm nay, ngày 29.9.2015, trong một buổi sáng đẹp trời, một thánh lễ Bổn Mạng và Tạ ơn làm phép ngôi nhà thờ mới đã được cử hành trong hoan vui, hiệp nhất, cho dù, cũng trong thời điểm nầy, cha Lê Văn Ý đã chuẩn bị tâm lý cho cộng đoàn trong biến cố mục vụ chuyển xứ vào ngày 8.10 sắp tới.

Không riêng gì giáo họ Phú Long, mà tại vùng đất Núi Ấn-Sông Trà bao la nầy, còn biết bao nhiêu các “cộng đoàn Giáo Hội” nhỏ bé, nghèo nàn rải rác trên nhiều vùng sâu vùng xa; có rất nhiều những cộng đoàn không có được cái may mắn hạnh phúc là có nhà thờ như Phú Long, như các cộng đoàn Cù Và, Phước Thọ, Nghĩa Lâm, Trà Câu, Đức Phổ, Ba Tơ, Trà Bồng, Trung Tín, An Hội, Châu Me, Xóm bàu…Riêng giáo xứ Châu Me, có 14 cộng đoàn giáo họ trong tình trạng “trống trơn” như thế.

Nhưng không sao. Cho dù nhỏ nhưng vẫn là Giáo Hội. Cho dù chưa có nhà thờ để làm nơi quy tụ thường xuyên, thì vẫn hiện diện một Giáo Hội địa phương khi Thánh lễ được cử hành tại một góc sân nhỏ xa xôi nào đó, khi bà con giáo dân vẫn trung thành họp nhau để lần chuỗi Mân Côi…Vâng ! Nhỏ nhưng vẫn là Giáo Hội !