Giới Thiệu

Đức Phanxicô khuyến khích việc tản quyền hay đúng hơn, ngài mời gọi và dành khá nhiều không gian tự lập cho các hội đồng giám mục quyết định một số vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống các giáo hội địa phương. Điều này, theo ngài, vốn có từ ngàn xưa trong sinh hoạt của Giáo Hội, qua giáo thuyết synodality, một từ ngữ chúng tôi mạn phép dịch là tính đồng nghị. Có lẽ một phần vì các quyết định của Đức Phanxicô gần đây, bề ngoài có vẻ như đi ngược lại giáo thuyết này, nên Ủy Ban Thần Học Quốc Tế trực thuộc Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, dưới sự điều khiển của Đức Hồng Y Ladara S.J., đã cho phổ biến một tài liệu tựa là "Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội" để soi sáng. Nhận thấy tài liệu rất hữu ích, chúng tôi mạn phép chuyển sang tiếng tiếng Việt. Mời bạn đọc cùng nghiên cứu.

Một Phiên Họp của Thượng Hội Đồng Về Giới Trẻ


Ủy Ban Thần Học Quốc Tế
Tính Đồng Nghị trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội



Ghi Chú Sơ Khởi



Trong Kỳ Họp 5 Năm lần Thứ Chín, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã nhận lãnh thực hiện một cuộc nghiên cứu về tính đồng nghị (synodality) trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Công trình này được thực hiện bởi một tiểu ban chuyên biệt dưới sự chủ tọa của Đức Ông Mario Ángel Flores Ramos và gồm các thành viên: Nữ Tu Prudence Allen RSM, Nữ Tu Alenka Arko của Cộng Đồng Loyola, Đức Ông Antonio Luiz Catelan Ferreira, Đức Ông Piero Coda, Cha Carlos María Galli, Cha Gaby Alfred Hachem, Giáo Sư Héctor Gustavo Sánchez Rojas SCV, Cha Nicholaus Segeja M’hela và Cha Gerard Francisco Timoner III OP.

Các cuộc thảo luận chung về chủ đề này diễn ra trong các phiên họp của tiểu ban và trong các Phiên Khoáng Đại của chính Ủy Ban, được tổ chức giữa các năm 2014 và 2017. Bản văn hiện nay được đa số thành viên của Ủy Ban chấp thuận trong Phiên Họp Toàn Thể năm 2017, bằng cách bỏ phiếu viết. Sau đó, nó đã được sự chấp thuận của vị Chủ Tịch, Đức Hồng Y Luis F. Ladaria S.J., Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, người đã cho phép công bố nó vào ngày 2 tháng Ba, năm 2018, sau khi nhận được đáp ứng thuận lợi từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Dẫn Nhập



Thời (kairos) của Tính Đồng Nghị

1. "Chính con đường đồng nghị này được Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba" [1]: cam kết có tính lên chương trình này đã được đưa ra bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại lễ kỷ niệm lần thứ 50 việc thiết lập ra Thượng Hội đồng Giám mục của Chân Phúc (nay là Thánh) Phaolô VI. Thực vậy, ngài nhấn mạnh rằng tính đồng nghị “là một chiều kích thiết yếu của Giáo Hội”, theo nghĩa “những gì Chúa đang yêu cầu nơi chúng ta đã hiện diện, theo một nghĩa nào đó, trong chính hạn từ 'công nghị' (synod)” [2].

2. Tài liệu này nhằm cung cấp một số hướng dẫn hữu ích để đi sâu hơn vào ý nghĩa thần học của lời hứa này và một số định hướng mục vụ về những gì nó hàm ngụ đối với sứ mệnh của Giáo Hội. Phần Dẫn Nhập sẽ xác định các dữ kiện có tính tầm nguyên và khái niệm cần thiết cho việc minh giải sơ khởi nội dung và việc sử dụng hạn từ ‘tính đồng nghị [synodality]’; sau đó nó đưa vào bối cảnh những gì giáo huấn quan trọng và mới mẻ của Huấn Quyền từng cung cấp cho chúng ta về chủ đề này trong thời gian liền sau Công Đồng Vatican II.

Công nghị, Công đồng, Tính đồng nghị

3. “Công nghị” (synod) là một từ ngữ cổ xưa và đáng kính trong Truyền thống Giáo hội, mà ý nghĩa của nó rút tỉa từ những chủ đề sâu sắc nhất của Mặc Khải. Gồm một giới từ συν (với) và danh từ όδός (nẻo đường), nó chỉ con đường được dân Thiên Chúa cùng đi với nhau. Nó cũng ám chỉ Chúa Giêsu, Đấng tự trình bày là “đường, sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), và ám chỉ sự kiện này là các Kitô hữu, những kẻ theo Người, thuở ban đầu vốn được gọi là “những người theo đường” (xem Công vụ 9,2; 19,9,23; 22,4; 24,14,22).

Trong tiếng Hy lạp được giáo hội sử dụng, nó diễn tả việc các môn đệ của Chúa Giêsu được triệu tập với nhau như một cộng đồng và trong một số trường hợp, nó đồng nghĩa với cộng đồng giáo hội [3]. Ví dụ, Thánh Gioan Chrysostom viết rằng Giáo Hội là “một tên thay cho việc “cùng đi với nhau” (σύνοδος, synodos) [4]. Ngài giải thích rằng Giáo Hội thực sự là một cộng đồng được triệu tập để cảm tạ và vinh danh Thiên Chúa như một ca đoàn, một thực tại hòa hợp giữ cho mọi sự liên kết với nhau (σύστημα, systema), vì, nhờ các mối liên hệ hỗ tương và có phẩm trật của chúng, tất cả những ai lập thành ra nó hội tụ với nhau trong αγάπη [agapé, đức ái] và όμονοία [homonoia, hoà hợp] (một tâm một trí chung).

4. Từ những thế kỷ đầu tiên, từ ngữ "công nghị" đã được áp dụng, với một ý nghĩa chuyên biệt, vào các hội đồng giáo hội được triệu tập ở nhiều bình diện khác nhau (giáo phận, giáo tỉnh, giáo miền, thượng phụ hoặc phổ quát) để biện phân, dưới ánh sáng Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần, các vấn đề tín lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ xuất hiện cùng với thời gian.

Chữ Hy lạp σύνοδος được dịch sang tiếng Latinh là synodus hoặc concilium. Concilium, trong cách sử dụng phàm tục của nó, đề cập đến một hội đồng được triệu tập bởi một thẩm quyền hợp pháp. Mặc dù gốc rễ của "công nghị" (synod) và "hội đồng" (council) khác nhau, ý nghĩa của chúng gặp nhau. Thực thế, "hội đồng" làm phong phú nội dung ngữ nghĩa của "công nghị" bằng cách tham chiếu đến tiếng Do Thái קָהָל (qahal), một hội đồng được Chúa triệu tập, và được dịch sang tiếng Hy Lạp là έκκλησία [ekklesia], một từ ngữ, trong Tân Ước, đề cập đến việc triệu tập cánh chung dân Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

Trong Giáo Hội Công Giáo, sự khác biệt giữa việc sử dụng các từ ngữ “công đồng” và “công nghị” mới có gần đây. Tại Vatican II, chúng đồng nghĩa với nhau, cả hai đều đề cập đến phiên họp công đồng [5]. Một sự phân biệt chính xác được dẫn nhập bởi Bộ Giáo Luật của Giáo hội Latinh (1983), phân biệt giữa một Công đồng đặc thù (toàn thể hoặc cấp tỉnh) [6] và một Công đồng chung [7] một đàng, và một thượng hội đồng các giám mục [8] và một thượng hội đồng giáo phận [9] đàng khác [10].

5. Trong văn chương thần học, giáo luật và mục vụ của những thập niên gần đây, một kiểu nói mới đã xuất hiện, danh từ "tính đồng nghị" (synodality), một tĩnh từ có liên quan "có tính đồng nghị" (synodal), cả hai đều phát xuất từ chữ "công nghị" (synod). Vì thế, người ta nói đến tính đồng nghị như một "chiều kích cấu thành" của Giáo Hội hoặc ngắn gọn hơn là "Giáo hội có tính đồng nghị" (synodal Church). Sự mới lạ về ngữ học cần được làm sáng tỏ một cách cẩn thận về thần học này là dấu hiệu của một điều gì mới đang chín mùi trong ý thức giáo hội bắt đầu từ Huấn Quyền của Vatican II, và từ kinh nghiệm sống của các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ kể từ Công đồng cuối cùng cho đến nay.

Sự hiệp thông, tính đồng nghị, tính hợp đoàn

6. Mặc dù tính đồng nghị không minh nhiên được tìm thấy như một thuật ngữ hay một khái niệm trong giáo huấn của Vatican II, nhưng công bằng mà nói, tính đồng nghị vốn là trọng tâm của công trình đổi mới mà Công đồng từng khuyến khích.

Giáo hội học về Dân Thiên Chúa nhấn mạnh phẩm giá và sứ mệnh chung của mọi người đã chịu phép rửa, trong việc thực hiện sự đa dạng và tính phong phú có phẩm trật của các đặc sủng, ơn gọi và các thừa tác vụ của họ. Trong bối cảnh này, khái niệm hiệp thông nói lên bản chất sâu sắc của mầu nhiệm và sứ mệnh của Giáo Hội, mà nguồn gốc và đỉnh cao là Cộng Đoàn Thánh Thể (Eucharist Synaxis) [11]. Đây là thực tại (res) của Bí Tích Giáo Hội (Sacramentum Ecclesiae): sự hợp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thống nhất giữa các nhân vị, được làm cho hiện thực nhờ Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu Kitô [12].

Trong bối cảnh giáo hội học này, tính đồng nghị là một modus vivendi et operandi (cách sống và hành động) chuyên biệt của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa; nó tỏ lộ và đem lại cho hữu thể Giáo Hội bản thể hiệp thông khi mọi chi thể của Giáo Hội cùng hành trình với nhau, tụ họp thành cộng đoàn và tích cực tham gia sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội.

7. Trong khi khái niệm tính đồng nghị đề cập đến sự can dự và sự tham gia của toàn thể Dân Thiên Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, thì khái niệm tính hợp đoàn (collegiality) xác định ý nghĩa thần học và hình thức của a) việc thi hành thừa tác vụ của các Giám Mục trong việc phục vụ của Giáo Hội địa phương được giao phó cho sự chăm sóc của mỗi vị, và b) sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương giữa lòng Giáo Hội phổ quát duy nhất của Chúa Kitô, được mang đến nhờ sự hiệp thông về phẩm trật của Hợp Đoàn Giám Mục (college of bishops) với Giám mục Rôma.

Do đó, tính hợp đoàn là hình thức chuyên biệt trong đó tính đồng nghị của giáo hội được biểu lộ và làm cho hiện thực qua thừa tác vụ của các Giám mục trên bình diện hiệp thông các Giáo hội địa phương trong một khu vực và trên bình diện hiệp thông mọi Giáo hội trong Giáo hội hoàn cầu. Một biểu hiện chân thực của tính đồng nghị tự nhiên đòi phải thực hiện thừa tác vụ hợp đoàn của các Giám mục.

Một ngưỡng cửa mới sau Vatican II

8. Các hoa trái của cuộc canh tân do Vatican II hứa hẹn trong việc cổ vũ sự hiệp thông giáo hội, tính hợp đoàn giám mục và lối tư duy và hành động 'hợp tính đồng nghị' rất phong phú và quý giá. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để đi theo hướng được Công đồng vẽ đường [13]. Thực thế, ngày nay, cố gắng tìm ra một hình thức thích hợp cho một Giáo hội có tính đồng nghị - mặc dù nó được chia sẻ rộng rãi và được đưa vào thực hành một cách tích cực - dường như vẫn còn cần có các nguyên tắc thần học rõ ràng và các định hướng mục vụ dứt khoát.

9. Do đó, mà có ngưỡng cửa mới được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta bước qua. Sau Vatican II, bước theo các vết chân của vị tiền nhiệm, ngài nhấn mạnh rằng tính đồng nghị nói lên hình dạng của một Giáo Hội phát xuất từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, một Giáo Hội được mời gọi nhập thể vào lịch sử, vào sự trung thành đầy sáng tạo đối với Truyền thống.

Phù hợp với giáo huấn của Lumen Gentium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét cách riêng rằng tính đồng nghị "cung cấp cho chúng ta cái khung thích hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật" [14] và, dựa trên giáo thuyết sensus fidei fidelium (cảm thức đức tin của các tín hữu) [15], mọi chi thể của Giáo Hội đều là các tác nhân của việc truyền giảng Tin Mừng [16]. Do đó, biến Giáo Hội có tính đồng nghị trở thành một thực tại là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với một năng lực truyền giáo mới có sự can dự của toàn thể Dân Thiên Chúa.

Ngoài ra, tính đồng nghị còn nằm ở tâm điểm cam kết đại kết của các Kitô hữu: vì nó nói lên lời mời cùng đi với nhau trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn và vì - khi được hiểu một cách chính xác - nó cung cấp một cách hiểu và trải nghiệm Giáo Hội, trong đó, các dị biệt hợp pháp tìm được chỗ đứng trong luận lý học trao đổi hỗ tương các ơn phúc dưới ánh sáng sự thật.

Mục đích và cấu trúc của tài liệu

10. Trong hai chương đầu tiên, tài liệu này đề nghị đáp ứng nhu cầu đi sâu hơn vào ý nghĩa thần học của tính đồng nghị theo các đường hướng của Giáo hội học Công Giáo, hòa hợp với giáo huấn của Vatican II. Trong chương đầu tiên, chúng ta trở lại với các nguồn qui phạm của Thánh Kinh và Thánh Truyền để làm sáng tỏ việc hình ảnh đồng nghị của Giáo Hội có nguồn gốc của nó ra sao theo cách Mạc Khải đã tỏ lộ trong suốt lịch sử và chỉ ra những nghĩa rộng nền tảng (fundamental connotations) và các tiêu chuẩn thần học chuyên biệt có thể định nghĩa và cho biết nó có thể được đưa vào thực hành như thế nào.

Chương thứ hai đưa ra các nền tảng thần học về tính đồng nghị phù hợp với giáo thuyết giáo hội học của Vatican II, liên kết các nền tảng này với viễn tượng dân Chúa đang lữ hành và truyền giáo và với mầu nhiệm Giáo hội như hiệp thông, trong tương quan với các đặc điểm dị biệt của Giáo hội: hợp nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Cuối cùng nó đi vào mối tương quan giữa sự tham gia của mọi thành phần Dân Thiên Chúa vào sứ mệnh của Giáo Hội và vào việc thực thi thẩm quyền của Mục Tử của họ.

Trên cơ sở đó, các chương thứ ba và thứ tư nhằm đề nghị một số định hướng mục vụ: chương thứ ba liên quan đến vấn đề thực tế 'làm cho tính đồng nghị xảy ra' ở mọi bình diện, trong Giáo hội địa phương, trong sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương trong một khu vực, trong Giáo hội phổ quát; chương thứ tư đề cập đến sự hồi tâm thiêng liêng và mục vụ và sự biện phân cộng đồng và tông đồ cần thiết cho việc trải nghiệm có tính đồng nghị chân chính về Giáo hội, với sự đánh giá cao các tác dụng tích cực của nó đối với phong trào đại kết và phụng sự (diakonia) xã hội của Giáo hội.

Kỳ sau: Chương 1: TÍNH ĐỒNG NGHỊ TRONG THÁNH KINH, TRONG THÁNH TRUYỀN VÀ TRONG LỊCH SỬ