PHỤ NỮ Công Giáo VIỆT NAM Ở HỒNG KÔNG - CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

(Bài viết như một lời cảm ơn chân thành của chúng tôi gửi đến cộng đoàn các anh chị em Việt Nam tại Hồng Kông - Cộng đoàn Hy Vọng - cách riêng tất cả các chị em trong cộng đoàn) Tu sĩ John Baptist, SVD.

Thấm thoát cũng đã mười mấy năm sinh sống ở Hồng Kông. Kỷ niệm buồn vui đều có cả. Nhiều khi “tức cảnh” mà “sinh tình” cũng muốn viết mấy dòng cho ra vẻ trí thức, nhưng viết gì mới được chứ? Suy đi nghĩ lại, thôi thì viết về người phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông vậy. Ấy bậy, đi tu mà viết về người phụ nữ à! Không sợ lỗi “đức trong veo” à! Thì cứ viết đại, dẫu sao các chị em cũng là người nhà mình cả, nếu có lỡ lời còn mong được đại xá, viết về người Hồng Kông lỡ lời thì biết phải ăn nói sao với người ta. Nói viết về phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng có đá qua quý “phụ nam” đôi chút.

Xem hình ảnh

Tại sao tôi lại chọn viết về người phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông? Bởi đến với công đoàn của chị em có những điều làm chúng tôi ngạc nhiên, khâm phục, rồi nể trọng và còn phải học hỏi.

Những ngày xa xưa ấy...
Đặt chân tới Hồng Kông vào tháng 08 năm 2005, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ ngay là: Không biết có người Việt Nam nào sinh sống ở đây không? Nếu như có được vài người thì cũng đỡ đi được cảnh nhớ nhà, lại có thể học hỏi được đôi chút kinh nghiệm sống giữa người Hồng Kông. Một tuần, rồi lại một tuần trôi qua, … trong vô vọng. Rồi một hôm, Chúng tôi đi thăm mấy cha trong dòng đang làm việc ở các giáo xứ người Hoa. Các vị bảo trước đây ở nhà thờ bên cạnh cũng có một thánh lễ tiếng Việt, nhưng không biết nay còn nữa hay không. Vậy là có hy vọng rồi! Có lễ việt ắt sẽ có người Việt, không lẽ người Hồng Kông nói tiếng Việt à!

Tra xét địa chỉ cụ thể, vẽ sơ đồ hẳn hoi, sáng Chúa Nhật chúng tôi đánh liều bắt xe đi dò la tin tức. Đúng như sơ đồ, chúng tôi xuống xe mò vào trong nhà thờ, gặp ngay bà gác cổng. Bà này không biết tiếng Anh, còn chúng tôi lại chưa biết tiếng Quảng, gà vịt một hồi thì bà cũng đoán ra hai chữ Việt Nam, bà liền dẫn tôi vào gặp người Việt. Trời ơi, mừng! Có người Việt rồi! Cả một cộng đoàn chứ đâu phải ít. Từ mừng tôi chuyển sang ngạc nhiên. Quái lạ, cả một cộng đoàn mà không có dáng một anh đàn ông Việt nào. Lác đác có hai ba mạng thì đều là đàn ông Hồng Kông cả.

Trừ ông cha đứng giữa bàn thờ, bao quanh toàn là phụ nữ: Phụ nữ lớn, “phụ nữ bé”, phụ nữ giúp lễ, phụ nữ đọc bài đọc, phụ nữ ca đoàn, “phụ nữ” đang bế trên tay, “phụ nữ” vừa mới chào đời đang nằm trong xe nôi… Lạ thật, cái cộng đoàn này sao mà hay thế, “sản xuất” toàn là phụ nữ! Thế “Phụ nam” đi đâu hết? Mới đầu tôi cứ tưởng hôm đó có sự kiện gì đặc biệt nên cánh đàn ông đi vắng. Nhưng sau rồi tôi mới biết, cái cộng đoàn này nó vẫn thế từ thời nào chứ riêng gì hôm nay đâu! Ở cái xứ này có nhiều đàn ông Việt lắm. Nghe đâu, nhóm đàn ông có đạo cũng được khá khá, song le quý ông bận công to việc lớn cả.

Trừ một số có “hộ khẩu” thường trú ở “các trại” và một số vốn có “mối thù truyền kiếp” với cảnh sát ra thì không tính. Phần còn lại cánh đàn ông Việt ở đây đều có lý do, giá có rảnh rang đi chăng nữa thì khó lòng mà đi lễ được. Lí do gì thì chỉ có Chúa biết, mấy ông biết với nhau, vợ con các ông biết, người ngoài thì kẻ biết người không! Bởi vậy nên chúng tôi không dám ăn không nói thừa cho những người chưa biết là tốt hay xấu được! Chỉ biết thi thoảng gặp được họ thì họ bảo bận túi bụi. Bận bịu như thế thì sao mà đến nhà thờ được! Thôi thì đành cáo lỗi với Chúa vài chục năm đã sao nào!?

Hồi tưởng lại muôn vàn kỷ niệm...
Bởi cánh đàn ông bận, nên việc nhà Chúa tất nhiên là khoán trắng cho chị em phụ nữ. Do đó không lạ gì khi đội ngũ Ban Hành Giáo toàn là phụ nữ. Ở Việt Nam ta quen gọi các vị trong Ban Hành Giáo là: ông Trùm (ông Chánh Trương hoặc Chủ Tịch); ông thư ký, ông thủ quỹ hay ông ca đoàn trưởng, v.v. Bởi lẽ từ Nam chí Bắc có mấy khi những chức vụ này rơi vào tay các bà đâu. Nhưng cộng đoàn này không biết phải gọi làm sao cho không chỉ có “văn hóa” mà còn đúng “thời trang” nữa.

Gọi bà Trùm, bà Thủ quỹ, bà Ca đoàn trưởng, …nghe xuôi tai và sang thật đấy, nhưng coi chừng “phù mỏ”, bởi không “thời trang” chút nào. Chị em người ta còn trẻ thế kia mà gọi bà được hả! Còn gọi bằng “em trùm”, “em thủ quỹ”, “em ca đoàn trưởng” thì hơi nhột cái lỗ tai và có vẻ cải lương quá. Chỉ còn gọi bằng chị là an toàn hơn cả, tuy nhiên, cũng còn tùy vào “thời tiết” mà gọi! Bởi đôi khi cao hứng chúng tôi gọi mấy chị em trong ban điều hành là “bà”, thì ngay lâp tức có những cái “nguýt” sắc như dao phóng từ đàng xa lại, đúng là ông bà mình dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” quả không sai!

Hồi ở nhà cứ mỗi lần đến kỳ bầu Ban hành giáo là chúng tôi thấy mỗi lần lôi thôi. Có những nơi như chỗ xứ chúng tôi, đôi khi phe này nỗi lên chống phe kia, có viết cả truyền đơn chửi nhau ỏm tỏi. Ấy vậy mà khi trúng cử ra làm việc, lắm lúc cha xứ phải gào khan cả cổ công việc mới chạy cho. Còn với chị em thì nào thấy bầu bán gì phức tạp đâu. Chị em ngồi lại với nhau, chị làm việc này em làm việc kia… thế là xong, công việc đâu ra đấy cả.

Điều ngạc nhiên nữa là chẳng có cha xứ trực tiếp lãnh đạo, chi em tự bàn tính với nhau, tuần tới, tháng tới lễ gì, mời cha nào làm lễ; tiền bạc chi tiêu làm sao; con cái ai rửa tội, cặp nào cưới hỏi … được sự đồng ý của cha phụ trách, rồi chị em cứ vậy mà làm. Thế đấy, nhưng kinh hạt lễ lạc rập ràng, trật tự và vẫn long trọng như thường. Lại còn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam nữa chứ: lễ lạy chị em cũng mặc áo dài chỉnh tề, cũng rước, cũng dâng hoa, dâng của lễ, … nói chung, ở Việt Nam làm sao thì ở đất Hồng Kông này chị em người ta cũng tổ chức được làm vậy. Chúng tôi thấy đây là một hình thức tự quản rất tốt và hiệu quả.

Có lẽ trong tất cả các nhà thờ trong giáo phận Hồng Kông thì cái cộng đoàn này là nhiều trẻ con nhất. Cứ đến Chúa Nhật là mẹ nào con đó dắt díu nhau đến nhà thờ. Có chị mang tới hai, ba đứa con, đứa dắt đứa bế, đứa nằm trong xe nôi, tung tăng đến nhà thờ trông thật là dễ thương. Vì đông trẻ em nên cộng đoàn lúc nào cũng rộn ràng vui tươi. Các bà mẹ cứ phải vừa giữ lễ, vừa phải để mắt trông chừng con cái.

Thật là cảm động khi thấy chị em dắt những đứa nhỏ con 2, 3 tuổi lại cạnh giếng nước thánh, cầm tay đứa nhỏ nhúng vào giếng rồi dạy con làm dấu Thánh Giá, dạy con cúi đầu chào Chúa. Nhìn thấy những hình ảnh này chúng tôi chợt nghĩ về người mẹ của mình, về những bài học rất vỡ lòng mà mẹ đã dạy. Nếu không có những gợi ý và nhắc bảo nho nhỏ như thế này của mẹ từ tấm bé thì không biết ngày ấy và giờ đấy chúng tôi có biết Chúa là ai không nữa?

Cứ mỗi Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, đến phần dâng của lễ là mỗi em bé được các chị chẩn bị cho một bông hoa tươi, rồi các em đi nghiêm trang thành hai hàng lên dâng cho Chúa. Nhìn những em bé bước đi còn chập chững tay cầm cành hoa ai ai cũng phải mĩm cưởi trìu mến. Tôi nghĩ đây là hình ảnh đẹp nhất và dễ thương nhất mà chị em đã nghĩ ra được. Trẻ em thì đứa nào trông cũng thật hớn hở. Chúng không thấy buồn khi theo mẹ đến nhà thờ.

Thế đấy, cộng đoàn của chị em luôn có những cái khang khác rất dễ thương khiến cho những ai mới đến tham dự cũng phải ngạc nhiên.

Ta thường thấy đây đó trên báo chí có những tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam trong các lãnh vực học thuật, thương mại hoặc những nganh nghề nào đó. Điều đó thật xứng đáng cho ta tự hào. Còn chị em phụ nữ Việt Nam ở cộng đoàn này thì sao? Có đấy, cũng có những người thật thành công trong công việc làm ăn buôn bán, hoặc các lĩnh vực khác, nhưng những cái đó không làm cho chúng tôi ấn tượng để viết ngay bài này.

Ngày xưa nhữ những Thiên Thần...
Điều mà khiến chúng tôi rất mừng và vô cùng khâm phục là dầu trưởng thành nơi đất khách quê người (đa số chị em không có cha mẹ ở gần bên kềm cặp, chỉ dạy, bảo ban) ấy vậy mà bây giờ đến tuổi làm mẹ cái bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nơi chi em vẫn thế: “rất Việt Nam.” Chị em vẫn là những người vợ tảo tần chịu thương chịu khó, người mẹ hết mực thương yêu con cái, hiếu thảo với cha mẹ và sống có trách nhiệm với anh em ruột thịt ở quê nhà. Có lẽ cái đức tính này đã làm nên nét đẹp rất riêng của người phụ nữ Việt Nam nơi đây, nhưng cũng chính cái đức tính tốt này nó trở thành như một thứ “nghiệp chướng” cột chặt vào cuộc đời các chị, và cứ thế đời các chị phải khổ. Giá như cứ như người ta, vô lo, ích kỷ, chỉ biết sống hưởng thụ, sống chết mặc ai, thi có lẽ đời các chị nó đã khác, ít ra cũng không phải khổ thế này.

Thật vậy, nếu chỉ nhìn cái bề ngoài yếu đuối mong manh của chị em, ít ai nghĩ rằng chị em phải vất vả cực nhọc. Nhưng, thật nhầm to. Có thể nói được ở cái đất Hồng Kông này, những người cực nhọc, vất vả nhất vẫn là chị em phụ nữ mình.

Hồng Kông là nơi mà người phụ nữ và trẻ em có nhiều ưu đãi thì đáng ra chị em mình có quyền được sống sung sướng hơn mới phải, nhưng những cái ưu đãi và sung sướng đó dường như là thứ xa xỉ phẩm, còn xa vời với chị em mình lắm. Họ chẳng còn giờ đâu để tận hưởng những ưu đãi đó. Một năm mười hai tháng đầu tắt mặt tối quần quật với công việc, nhiều khi ăn còn không có giờ để ăn cho tử tế thì còn giờ đâu mà nghĩ tới ưu đãi!

May mắn cho chị em nào lấy được anh chồng Hồng Kông tử tế biết đỡ đần vợ con thì cuộc đời đôi khi còn có chút an ủi. Nhưng khổ nỗi đa phần chị em mình “gánh gồng” chồng con. Hừm! Toàn là kết bằng dấu chấm than (!) hình giọt nước mắt cả! Lí do tại sao thì muôn vàn cái để nói. Nếu có dịp và được phép chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này một cách dài dòng hơn. Vì không không mà nói ra điều này chúng tôi sợ chạm đến vết thương lòng của chị em.

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến điều này ở đây là chỉ muốn được bày tỏ lòng khâm phục sâu xa đối với chị em phụ nữ mình, những người đã cố để sống, đấu tranh để tồn tại ở cái đất mà của chỉ có một bát trong khi người thì hàng vạn này! Một sự thực đáng mừng là chị em mình đã chiến thắng số phận để trở thành công dân chính thức của Hồng Kông, một thành phố đắt đỏ có thể ví được là tấc đất tấc kim cương, chứ chẳng phải tấc vàng như ông bà mình thường nói. Thú thật, nếu đặt chúng tôi vào chỗ của các chị thì chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào để sống.

Bây giờ làm tài tử Hồng Kông...
Còn chị em mình thì có thể nói bỏ đâu cũng sống được bởi chẳng nề hà công việc. Đa phần chị em chọn những việc làm thật nặng nhọc bên ngành xây dựng. Nói xây dựng là nói cho nó văn hoa vậy, chứ thực tình thì lam lũ lắm! Mới nghe, tôi quả thật giật mình. Vì cứ nghĩ các chị nói đùa. Trông chị em còn trẻ, vóc người nhỏ nhắn mong manh thế kia ma lại cáng đáng công việc của cánh đàn ông, như xây dựng công trường, đập đá vá thành... thật khó tin. Tưởng các chị cũng làm văn phòng hay buôn bán gì mới phải. Ấy vậy mà nhiều chị cũng chinh chiến với nghề mười mấy năm có thừa.

Có lần chúng tôi hỏi các chi tại sao không đỏi nghề cho đỡ vất vả. Chị em bảo làm cái nghề này tuy vất vả nhưng được cái tự do, thu nhập cũng ổn định hơn, mà thu nhập có ổn định thì mới giúp được gia đình ở Việt Nam, và Chúa Nhật nghỉ để đi lễ nhà thờ cũng dễ. Làm các nghề khác không dễ gì được nghĩ vào Chúa Nhật và các ngày lễ để đến nhà thờ đâu. Đấy, mọi người nghe vậy có phục sát đất không kia chứ! Không phải nghỉ để đi chơi, mà để đi nhà thờ!

Ngày ngày phải thức khuya dậy sớm lo cho con cái chuyện ăn chuyện học, suốt tuần lao động cực nhọc, được ngày nghỉ Chúa Nhật (đa phần quý ông nhà mình nằm phơi ra ngủ, lễ lạy không cần thiết) còn chị em mình vẫn dắt dìu con cái đến nhà thờ. Có khi nhà xa đi xe buýt cả vài tiếng đồng hồ nhưng tuần nào cũng như tuần nấy, mưa cũng như nắng đều đặn viếng thăm Chúa. Đúng là chị em muôn năm!

Bỏ lễ, bỏ nhà thờ và gần như suyn suýt bỏ Chúa, suyn suýt chối Chúa vẫn là cánh đàn ông mình nhiều! Tôi thì tôi cứ nói thẳng như vậy!

Nói tới chuyện đi đạo bỏ đạo chúng tôi lại càng phải nghiêng mình trước quý chị em, lấy chồng Hồng Kông không có đạo, nhưng cố nài nỉ chồng đi đạo, cho con cái được học đạo rửa tội hẳn hoi. Giáo phận Hồng Kông có thêm người đi đạo cũng một phần công lao nho nhỏ của chị em ta. Công bằng mà nói, cộng đoàn Việt Nam ở Hồng Kông này có được, tồn tại được cũng là nhờ quý chị. Nếu để cho cánh đàn ông mình thì không chỉ không có cộng đoàn này, mà nếu có thì cũng chỉ dăm bữa nữa tháng rồi cũng giải tán, vì có ma nào đi lễ đâu. Ai lo việc “đại sự” cho các ông để các ông có giờ đi lễ!

Với các chị ở đây, không những lo việc đạo nghĩa cho con cái không thôi, mà còn lo cho con cái được học chữ Việt, làm quen với văn hóa Việt. Nếu bây giờ có đứa trẻ Việt Nam nào còn nói được tiếng việt, còn viết được tiếng việt, biết lễ nghĩa của người Việt đều do một tay các chị lo cả. Nhà nào mà bố là người Việt, mẹ là người Hồng Kông thì con cái coi như “đui” tiếng việt luôn. Mỗi lần ông bà, anh em, người thân ở quê sang thăm, các cháu chỉ nhìn người thân bằng cặp mắt “trừng trừng”, kèm mấy câu ú ớ không biết là chúng đang nói bằng thứ tiếng gì, rồi lao vào phòng đóng sập cửa lại, nằm im thin thít trong đó không dám ra nữa! Nhiều lúc cũng không phải tại các cháu muốn bất lịch sự, nhưng khổ nỗi tụi nó có nói được tiếng việt đâu mà ngồi tiếp chuyện chứ, tốt nhất là vào phòng chơi cho yên chuyện.

Đạo nghĩa lễ lạy coi như chuyện trong tiểu thuyết, chẳng biết một tí gì. Nếu ông bà, cô bác có hỏi tại sao, thì ông bố phân bua một cách rất “hiện đại” rằng ở bên này tự do, trẻ em nó thế, không như ở Việt Nam! Bố nó cũng thế thì làm sao con nó không thế! Thôi thì kệ tụi mày, đạo không đạo thì đời, tiếng việt tiếng vẹt làm gì cho rắc rối, miễn có cơm ngày ba bữa. Còn không biết tiếng việt chẳng ai chết cả, nếu cần thì đã có bố mày làm phiên dịch. Bố mày mà nhở có “hai cái năm mươi” (qua đời), thì tốt nhất đừng về Việt Nam nữa, về chỉ tổ tốn tiền chứ được gì!

Ôi nói ra thì bảo là chúng tôi nói xấu cánh đàn ông mình, nhưng đó là sự thật. Tất nhiên chị em cũng có cái xấu, cái yếu kém, nhưng đó là những trường hợp cá biệt, còn đa phần chị em mình không chê vào đâu được! Ở đâu thì chúng tôi không biết, nhưng ở cái cộng đoàn của chị em đây nếu còn chút phong tục tập quán nào của người Việt thì đều nhờ chị em mà có.

Thường ở đòi người ta nể trọng người có chức có quyền, hay ít ra cũng là bậc cao niên, điều này tất nhiên rồi, nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến việc nể trọng các chị em phụ phụ nữ Công Giáo ở Hồng Kông.

Các Chị làm điệu nè...
Tại sao phải nể trọng họ? Cũng như nhiều người khác, mới đầu chúng tôi cứ nghĩ: ồ, thì các bà ham giàu sang phú quý nên bỏ quê cha đất tổ mà đi thôi! Nhưng không, chúng tôi đã nhầm to! Thật là hồ đồ và vô cùng bố láo nếu có ai nghĩ như vậy! Họ, các chị em ở Hồng Kông, ra đi vì hạnh phúc của người khác. Tất cả cũng chỉ vì thương cha thương mẹ, thương anh chị em nghèo khổ mà chị em phải liều lĩnh ra đi. Chị em ra đi chẳng phải vì ham giàu sang phú quý hay vì một động cơ chính trị chính triếc gì cả. Tất cả chỉ vì cái đói, cái khổ của những năm (sau giải phóng) luôn rình rập hù dọa, đã thúc dục họ phải ra đi.

Đó là thời gian kinh hoàng và hãi hùng của những ngày tháng lênh đênh trên biển; sống chết chỉ trong gang tấc. Đó là những ngày của tủi nhục và nước mắt…! Sự kiện ra đi của những ngày đó giờ còn để lại những vết thương lòng mãn tính nơi chị em mà không thuốc gì chữa khỏi. Mỗi lần có ai vô tình nhắc lại là vết thương ấy lại rỉ máu, ác mộng và hãi hùng lại sống dậy, và thế là nước mắt lại được dịp tuôn trào.

Mỗi chị em nơi đây là một pho chuyện đời tự bạch, là chứng minh cho một giai đoạn lịch sử hãi hùng và lầm than của con dân đất Việt nói chung và chị em ở Hồng Kông nói riêng! Tất cả chỉ vì tình thương bố mẹ và anh chị em nghèo khổ đã thôi thúc mà các chị liều ra đi.

Thật vậy, nếu không nghĩ đến bố mẹ anh chị em ở quê nhà nghèo khổ thì chẳng ai ngu gì, sung sướng gì mà hy sinh tuổi thanh xuân, tình cảm gia đình, bạn bè và nhất là tình yêu lứa đôi chỉ để đổi lấy khổ cực, cô đơn và cả tủi nhục…đánh đổi tất cả để chỉ bám trụ cái mảnh đất người thì quá khôn mà của thì quá khó này!

Và cũng chính cái tình thương bố mẹ anh chị em hết mực đó đã trỗi dậy như một bản năng thôi thúc các chị em chấp nhận biến mình thành thân tỵ nạn, rồi thành “cô dâu may rủi”, rồi làm bà mẹ bât đắc dĩ. Tất cả với các chị em hôm nay đó là chuyện đã rồi không bao giờ thay đổi được, đã rồi của một quá khứ nước mắt nhiều hơn nụ cười. Nụ cười nếu có cũng là nụ cười mếu máo hay gượng gạo mà thôi.

Thế nhưng trong mớ bòng bong của tủi nhục và nước mắt ấy ẩn chứa nhịp đập thổn thức của những trái tim biết thương yêu và vẻ đẹp của những tấm lòng hiếu thảo. Mỗi lần nhắc đến điều này là một lần tự sâu trong đáy lòng chúng tôi không thể không nể trọng chị em.

Chúng tôi nể trọng chị em không chỉ là chuyện của hôm qua không thôi mà cả những gì họ đang sống, đang làm và mong muốn làm được. Nếu ai có dịp đến Hồng Kông, đi thăm từng nhà chị em thi sẽ thấy. Chị em mình chẳng giàu có gì. Nói cách khác, chị em chẳng dám mua sắm, tiêu pha gì, chắt bóp từng đồng, nhưng không phải đễ gửi vào ngân hàng làm giàu cho riêng mình, mà để gửi về giúp gia dình ở Việt Nam - giúp bố mẹ, giúp anh giúp chị, có khi giúp cả bên nội lẫn bên ngoại, …. Với những mong ước hết sức thực tế: mong bố mẹ đỡ khổ, có cái nhà tử tế để ở, anh chị em có cái vốn làm ăn.

Dăm bữa nửa tháng lại thấy có chị em nước mắt ngắn nước mắt dài, hỏi tại làm sao thì mới hay lại là chuyện ở quê nhà khi thì bố bệnh, lúc thì mẹ đau, có khi thì đứa em ham chơi bị tai nạn xe máy, tệ hơn có lúc thằng em vì nghiện ngập, cờ bạc mà dính vào vòng lao lung tù đày. Mọi chuyện lại đổ lên đầu chị em. Cứ hễ ở nhà có chuyện là có điện thoại gọi sang. Nhiều chị em còn nửa đùa nửa thật: cứ mỗi lần có điện thoại bên nhà điện sang là một lần lo, vì không có chuyện gì thì chẳng có ai không không lại điện sang cho tốn tiền.

Thế đấy, buồn bực, vất vả quá thì chị em dỗi mà nói vậy thôi, trong lòng thì không phải vậy, chị em chẳng mấy khi từ chối giúp gia đình bao giờ. Nhiều chị em thực sự chẳng có tiền để giúp cũng cố chạy vạy, vay bạn bè để gửi về cho bên nhà lo việc.

Nào các bậc cha mẹ, các anh các chị, quý anh em họ hàng có hay chăng, có hiểu cho đứa con gái, người chị, người em, người cháu gái mình vẫn phải sống khổ, sống tằn tiện, sống trong lo toan vất vả, đôi khi sống trong nợ nần chỉ vì chúng mình chăng? Thật đau lòng nếu một khi những đồng tiền từ lao nhọc, tằn tiện mà có được gửi về Việt Nam bị sử dụng sai mục đích, hoặc làm cớ cho những chểnh mảng và hư hỏng của người thân!

Chúng tôi lại càng nể trọng khi một số chị em vì duyên số vẫn còn một tấm “chồng” ở Việt Nam, vì lí do này nọ chưa thể đoàn tụ được, một mình tần tảo nuôi con và vẫn một lòng chung thủy. Thật nếu những hy sinh này đền bù bằng một người “chồng” tử tế, nhược bằng vớ phải anh chàng trắc nết suốt ngày đàng điếm, thì nỗi đau còn hơn xát muối vào lòng. Đa số lòng chung thủy của chị em bị lạm dụng bằng nhiều hình thức, đến lúc phát hiện ra được thì mọi cái dường như đã quá muộn màng.

Cuộc đời đôi khi thật trớ trêu, duyên số đưa đẩy làm sao mà chị em luôn gặp phải những đức ông “chồng” trời ơi đất hỡi cả! Thế nhưng, “chồng” không ra gì đã là một lẽ, có được anh “chồng” bên nhà tử tế một chút lại cũng là một cái khổ, bởi vì bỏ thì thương mà vương thì “héo quắt” thôi! Do chính sách nhập cư khắt khe của Hồng Kông mà chị em mình đành đành phải ôm cảnh anh ở trời Tây em ở trời Đông vậy.

Thử tưởng tượng mười mấy năm trời cứ trông cho đến ngày lễ, ngày hè con cái được nghỉ học, là nhiều chị em lo gom góp tiền bạc, khăn gói về Việt Nam thăm “chồng”. Thăm “chồng” được năm bữa nửa tháng lại phải lật đật lầy đầy trở lại Hồng Kông cho con đi học, mẹ đi làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống và lại góp nhóp để chuẩn bị cho ngày về thăm “chồng” kế tiếp. Cứ thế cái điệp khúc “Ngưu Lang Chức Nữ” không biết đến bao giờ mới chấm dứt! Con cái thì sắp lấy chồng rồi mà bố mẹ vẫn chỉ mãi “yêu nhau”, vẫn hàng đêm ôm điện thoại hát hoài điệp khúc “anh ở đầu sông em cuối sông”.

Bởi vậy nên đời các chị vẫn khổ mãi không biết cho đến bao giờ. Thường khổ quá thì người ta hay quẩn mà làm điều sai, thế nhưng với chị em thì không. Đạo lý của cha ông vẫn được chị em sống và dạy con cái cùng sống và gìn giữ. Một trong những đạo lý căn bản đó là đạo biết ơn những người đã giúp đỡ minh.

Hiểu biết đạo lý là một chuyện, mà sống đạo lý lại là một chuyện khác. Ở đây chúng tôi không chắc là chị em ta hiểu được hết cái đạo lý làm người mà cha ông minh đã dạy không, nhưng sống cái đạo lý đó thị được lắm, đáng khen lắm!

Cứ mỗi dịp lễ tết là chúng tôi lại thấy chị em, không ai bảo ai rủ nhau đi thăm hỏi và chúc tết quý cha và quý sơ. Hỏi ra thì mới biết là mấy vị này hồi xưa từng giúp người Việt trong Trại Cấm (cách chị em gọi trại ti nạn). Mỗi lần đi các chị cũng không quên dắt con cái theo, nhiều chị còn kéo cả anh chồng đi. Sở dĩ các chị làm thế là vì muốn cho chồng con cũng được biết cái phong tục tập quán của người Việt và đặc biệt là học cái đạo “ăn quả nhớ người trông cây.” Có lẽ nhờ vậy mà quý cha, quý sơ cũng cảm kích mà gắn bó nhiều hơn với cộng đoàn; hễ điều kiện cho phép là các vị lại về thăm con cái mình. Nói chung, các vị luôn luôn giành cho con cái Việt một tình cảm đặc biệt hơn cả.

Các ngài thương cộng đoàn một phần là duyện nợ với người Việt, một phần vì thương con cái Việt bơ vơ, nhưng phần quan trọng là nhờ chị em trong cộng đoàn biết sống có tình có nghĩa, lại biết đoàn kết thương yêu nhau. Giả sử các vị có duyên nợ với cộng đoàn bao nhiêu đi nữa, có thương cộng đoàn đến mấy đi nữa mà chị em sống không ra gì thì rồi cũng không ai muốn đến. Ngay cả chúng tôi cũng vậy, luôn xem cộng đoàn như là nhà của mình vậy, mỗi người trong cộng đoàn là anh chị em mình cũng là vì nhìn thấy chị em sống với nhau có tình, mọi người đều cố gắng chung tay xây dựng cộng đoàn, tự giác lo việc nhà Chúa.

Chúng tôi cũng thật ấn tượng khi thấy có một có một cha nào trước đây đã từng giúp cộng đoàn mà phải điều đi xa, nay có dịp quay trở lại thăm cộng đoàn là nhất định các chị cũng tìm gặp cho bằng được, rồi thay phiên nhau đưa đón, lo nơi ăn chốn ở cho các ngài thật chu đáo.

Nói lên điều này có lẽ những người ngoài cuộc sẽ thấy nhạt nhẽo vì quá bình thường, nhưng ở cái Hồng Kông này thì không dễ chút nào. Các chị em ở đây làm được những điều này là cả một cố gắng lớn, vì nào các chị có rảnh rang gì, đôi khi vừa tan tầm, mặt mày chưa kịp rữa, quần áo chưa kịp thay, đã vội vội vàng vàng đi làm nhiệm vụ mà cộng đoàn trao, có khi con cái phải gửi người khác trông hộ.

Cái đạo lý biết ơn người đã giúp mình của chị em nó không chỉ thể hiện qua việc tìm cơ hội để đền đáp công ơn những người đã giúp mình, mà còn là những chia sẽ trong điều kiện có thể với người nghèo, người không may mắn ví như quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, nuôi các trẻ mồ côi, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, … ở Việt Nam. Cái ly lẽ mà các chị đưa ra để làm việc thiện thật đơn giản: khi mình khổ thì người khác giúp mình, giờ mình đỡ khổ chút ít rồi mình phải có trách nhiệm giúp lại người khác vậy. Âu cũng là một cách tích đức cho con cháu sau này.

Hơn ai hết, những người đang dấn thân theo Chúa như chúng tôi cũng cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn, vì giáo dân như các chị còn làm được nhiều việc tốt như thế, vậy tại sao tu sĩ chúng tôi lại sợ khó, sợ khổ, sợ thiệt thòi mà từ chối lời mời gọi của Chúa!

Rõ ràng những người đi tu như chúng tôi không cố ý chọn vào con đường này để được phục vụ, để được người ta kính trọng; và sự thật chúng tôi chẳng có quyền để đòi hỏi bất cứ điều gì từ giáo dân cả. Thế nhưng lòng kính trọng và quan tâm giúp đỡ đến những người không một ‘tấc đất cắm dùi’, không một chỗ đứng cụ thể trong xã hội như chúng tôi từ phía giáo dân như quý chị, quả là một nguồn động viên lớn đối với đời sống tinh thần của chúng tôi. Về điều này chúng tôi thật lấy làm biết ơn cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hồng Kông, mà chúng tôi quen gọi là “Cộng đoàn của các chị em.”

Như một lời kết

Mấy năm trước đài truyền hình Hồng Kông đã cữ một nhóm phóng viên làm một phim phóng sự về đời người Việt ở Hồng Kông. Cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé của chị em là một địa điểm được đoàn làm phim chú ý khá đặc biệt. Vì cả Hồng Kông duy chỉ có nơi đây là có người Việt tập trung thành cộng đoàn, cũng chỉ có nơi đây mới thấy được nét sinh hoạt riêng, văn hóa riêng của người Việt. Nhờ vậy cộng đoàn chị em lại được dịp để diễn xướng (trình bày) những phong tục tập quán của cha ông, của tổ tiên truyền lại thành lời nói như tự giới thiệu về sinh hoạt và nếp sống của người Việt thông qua ngày lễ ngày tết; thành những hoạt động thánh thiêng như việc tham giữ thánh lễ hàng tuần; thành những món ăn ngon miệng trong ngày lễ tết như bánh chưng, bánh tét, nem, giò, chả, v.v.

Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với đoàn làm phim ngay từ khi phóng sự chưa được trình chiếu. Họ đánh giá khá lạc quan về khả năng hội nhập vào nhịp sống ở Hồng Kông của người Việt nói chung và cộng đoàn Công Giáo nói riêng. Họ cho biết, nhìn chung, so với các nhóm thiểu số khác, người Việt mình hội nhập nhanh hơn cả. Nói đến hội nhập nhanh vào môi trường sống mới phải nói đến vai trò của người phụ nữ hàng đầu!

Thực sự có lẽ từ khi người Việt mình có mặt tại Hồng Kông tới nay thì đây là lần đầu tiên người Việt được lên truyền hình với tư cách khá đàng hoàng và tạo ân tượng đẹp trong long người dân bản địa. Phóng sự do đài truyền hình Hồng Kông thực hiện đã giúp người Việt tự tin hơn trong cuộc sống; nói hộ những điều bấy lâu nay chất chứa trong lòng người Việt mà chưa được dịp để nói ra; phóng sự còn là một lời khẳng định người Việt ở Hồng Kông là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân cư Đặc khu tự trị này. Điều đáng lưu ý đặc biệt là thành công của thiên phóng sự có một phần đóng góp không nhỏ của chị em Cộng Đoàn Hy Vọng... Vâng, vẫn lại là công của chị em ta cả!

Fr. John Baptist. SVD.