CHỊU NHÌN XUỐNG
“Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống;
ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Một người tự cho mình là kỳ vương; một hôm đánh cờ, ông thua liên tiếp ba bàn. Có người hỏi, “Hôm qua anh đánh mấy bàn?”; ông đáp, “Ba bàn”. Người ấy hỏi, “Ai thắng, ai thua?”; ông đáp, “Bàn một, tôi không thắng; bàn hai, họ không thua; bàn ba, tôi muốn hoà, người ấy không chịu”.
Kính thưa Anh Chị em,
Dường như chúng ta không bao giờ ‘chịu nhìn xuống’ để có thể tra vấn lương tâm một cách đầy đủ và thường xuyên về những gì liên quan đến nghịch thường của khiêm nhường, đó là sự kiêu ngạo. Kiêu ngạo được ví như ‘mẹ của mọi tội lỗi’, ‘dẫn đến mọi tội lỗi’ và là ‘cội nguồn mọi tội lỗi’; đang khi khiêm nhượng không gì khác hơn là việc nhìn nhận mọi sự như chúng vốn có.
Khi dạy chúng ta chọn chỗ rốt hết, Chúa Giêsu biết chắc một điều, đó là chỗ tốt nhất, thích hợp nhất để mỗi người có thể nên thánh cách dễ dàng nhất. Tại sao như vậy? Bởi lẽ, khi vừa xuống đến chỗ thấp tột cùng, chúng ta phát hiện ở đó, đã có Chúa Giêsu, vì không ai có thể xuống thấp hơn Ngài. Được gần Chúa Giêsu, là nên thánh; sống với Chúa Giêsu, là thiên đàng. Dạy chúng ta chọn chỗ rốt hết, tức là tìm kiếm sự nhỏ bé và ẩn mình, Ngài muốn chúng ta đặt mình trước Thiên Chúa đúng trong một chiều kích tốt nhất cho linh hồn mỗi người, một chiều kích có tên “Giêsu”; vì chỉ từ đó, Thiên Chúa mới có thể cúi xuống nâng chúng ta lên, lên tận chính Người. Chúa Giêsu đã hạ mình đến mức chết trên thập giá và Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài lên, vượt trên muôn ngàn danh hiệu, đúng như lời Ngài nói, “Ai nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống; ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
‘Khiêm nhường’ có gốc Latin là humus, là mùn, là đất, cũng là người. Nếu chấp nhận định nghĩa này thì người khiêm nhường là người sát với đất nhất, người có nền tảng nhất; nền tảng đó chính là Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận làm người rốt cùng; thập giá Ngài cắm sâu trong đất, thân xác Ngài được vùi trong đất. Người khiêm nhường có chân đạp đất, tiếp xúc với đất, mang mùi đất, không tách khỏi đất; người đó sẽ toả ra một mùi hương của đất hoà quyện với hương đất Giêsu, hương thiên đàng, và đó là một quà tặng của trời.
Khiêm nhượng là một đức tính được Thiên Chúa yêu thích tựa những chỗ trũng khi so với sự tự tôn như những ngọn đồi cao; như nước luôn tìm xuống chỗ thấp thế nào thì ân sủng Thiên Chúa cũng tràn trề với kẻ rốt hèn như vậy. Khiêm nhượng giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp để đón nhận ân sủng Chúa vốn không ở lâu trên những chỏm cao; trái lại, chảy xuống và đọng dưới chân đồi. ‘Chịu nhìn xuống’ linh hồn mình, con người nhìn nhận mình là một kẻ ăn mày trước mặt Thiên Chúa, bấy giờ, việc hạ mình sẽ nên dễ dàng hơn. Lúc ấy, họ thấy mình yếu đuối, phụ thuộc vào Thiên Chúa và biết rằng, dẫu thành công, họ vẫn không bao giờ có được hạnh phúc trừ khi họ nhìn nhận Thiên Chúa là tất cả.
Trong thư Philipphê hôm nay, Thánh Phaolô xác tín, “Với tôi, sống là Chúa Kitô”; Phaolô không tìm hư danh, nhưng tìm vinh quang cho Thiên Chúa; ngài coi sự sống, sự chết nhẹ tựa hồng mao, “Dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi”. Phaolô không mơ tưởng thế gian, một chỉ khát khao Thiên Chúa, đúng như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống”.
Anh Chị em,
Không ai cao tới mức không phải ngước lên, chẳng ai thấp đến nỗi không phải nhìn xuống; ngước lên thật dễ, cúi xuống thật khó; đang khi cuộc đời, đôi lúc, cần phải ngước lên và đôi khi, lại phải ‘chịu nhìn xuống’. Lời Chúa mời gọi chúng ta thường xuyên ngước nhìn Chúa Giêsu, và cúi xuống lòng mình để xem chúng ta đang ở trũng sâu hay ở chỏm cao. Hôm nay thứ Bảy, cuối tháng Mân Côi, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta mẫu gương Maria, Mẹ tuyệt vời. Mẹ đã ‘chịu nhìn xuống’ lòng mình, Mẹ đã bước vào đời như bao thiếu nữ đương thời, nhưng Mẹ đã chọn bước xuống chỗ thật thấp, nơi đó Chúa chờ đợi Mẹ. Trong cung lòng khiêm tốn nhu mì của Mẹ, mùi hương của đất nhân loại quyện với mùi hương của đất Nước Trời tạo nên nguồn sống Giêsu, Đấng cứu độ trần gian.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày, xin cho con biết ‘chịu nhìn xuống’ linh hồn con để con hằng ao ước được ở chỗ thấp, xin cho con yêu mến nó; vì ở đó, con hứng được nhiều, Amen.
(Tgp. Huế)