BỎ MÌNH VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN
CN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Một ngày trong những tháng gần cuối năm 2013, tôi nhận một tin dữ: Một người trẻ trong hàng ngũ chúng tôi chết trong tư thế bị treo. Xét nghiệm cho biết: người anh em chết vì tự tìm đến cái chết. Thông tin đau lòng này làm tôi nhớ lại, nhiều năm trước, cũng người trẻ, cũng cùng theo đuổi một ơn gọi, cuối cùng, cũng đã tự mình tìm đến sự rủi ro đáng sợ này.
Những cái chết như thế, với người bình thường, đã gây chấn động. Với những người có ảnh hưởng cách này, cách khác nơi cộng đồng, trên đời sống chung, càng tạo nhiều bàn tán trong dư luận, thu hút nhiều sự chú ý, gây nhiều sửng sốt, bàng hoàng, xót xa…
1. Tương quan mà thất bại thì...
Đây là thất bại trong tương quan của đời sống. Tương quan gồm cả hai phía. Không thể đơn lẻ một mình mà có thể có tương quan. Tương quan nghiêng ngã, hậu quả là tổn thương, đau buồn trong nhau. Đổ vỡ tương quan, hậu quả thật bẽ bàng. Đánh mất tương quan, hậu quả không thể lường hết.
Vì sống là sống trong tương quan. Sống bao giờ cũng phải có tương quan. Do đó, mất tương quan, người ta không có sự sống, hoặc không có lý tưởng sống đúng nghĩa. Vì thế, tương quan mà đổ vỡ, nó sẽ kéo về những xót đau, những nỗi niềm đáng suy nghĩ.
ĐỂ CỦNG CỐ TƯƠNG QUAN, NHẤT THIẾT PHẢI GỌI VỀ SỰ TỪ BỎ. Từ bỏ lớn nhất là thu nhỏ cái tôi của mình. Cái tôi mà đặt đúng chỗ đúng lúc, tương quan trổi vượt. Cái tôi mà thể hiện hợp lý, tương quan rộng mở. Cái tôi được biểu lộ là sự thanh thoát, là những nghĩ suy thông thoáng, tương quan đầy đặn, thắm thiết, chân thành.
2. Tương quan giả thiết cần lối sống "bỏ mình".
Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu đòi: "Hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy". Dựa trên chính lời Chúa, chúng ta nói đến sự "BỎ MÌNH". Và bởi những tương quan trong đời, nhiều khi là chính thập giá cho mình, nên chúng ta bàn về sự bỏ mình để sống những tương quan, nhất là tương quan ngay với chính người đang sống bên cạnh mình.
Ngày xưa, một khi chấp nhận lời mời gọi của Chúa, các tông đồ chấp nhận lang thang cùng Chúa rày đây mai đó trên mọi nẻo đường, mọi làng quê, mọi nơi phố thị, dù ở giữa dân ngoại hay giữa cộng đoàn Dothái giáo…
Các tông đồ gác lại việc đang làm, gác lại sự nghiệp, gác lại nghề nghiệp, gác lại việc phải kiếm tiền cho cuộc sống gia đình. Các tông đồ còn chấp nhận bỏ lại sau lưng một ít của cải mà mình có được, là thuyền và lưới.
Các ngài cũng gác lại thói quen sống tự do giữa mênh mông trời biển, gác lại não trạng của một ngư dân bình thường để chấp nhận đời sống cộng đoàn, gác lại thói quen vùng vẫy để khép mình vào đời sống lề luật, khép mình vào nếp sống không phải của riêng mình, để thuận theo nếp sống chung của cả cộng đoàn…
Từ bỏ quá nhiều như thế không dễ chút nào, nếu các tông đồ không ý thức để tự từ bỏ chính bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chắc chắn, các tông đồ phải thu nhỏ cái tôi của bản thân để tôn trọng, để sống chung, để hòa hợp cùng mọi anh em.
3. Ngay việc "bỏ mình" đã là "vác thập giá".
Vận dụng lời Chúa dạy: “Hãy bỏ mình"; "hãy vác thập giá" để sống trong một cộng đoàn là chấp nhận từ bỏ chính mình để đời sống cộng đoàn trổi vượt, để thượng tôn các tương quan trong đời sống, thì sự từ bỏ chính là vác thập giá. Sự từ bỏ ấy cần thiết để theo Chúa. Theo Chúa là hướng nhắm, là đích đến cuối cùng của việc từ bỏ, của việc vác thập giá.
Cho nên từ bỏ chính bản thân là một hy sinh lớn vô cùng. Nó là cây thập giá mà những người trong cuộc phải kiên trì vác lấy. Nó không miễn trừ ai. Nó đòi hỏi cả người lớn, kẻ nhỏ, có quyền hay không có quyền… phải ra sức thực hiện cho bằng được.
Sự bỏ mình có thể đến từ người đồng phận dành cho nhau; bề trên dành cho bề dưới; hoặc bề dưới đối lại bề trên. Càng chung sống, chung nhiệm vụ, chung những hoạt động… càng phải thực hành sự bỏ mình.
Khi sống cùng nhau, nếu từng cá nhân, ai cũng biết bỏ mình, tương quan sẽ ùa về, sẽ mỗi ngày một thêm lớn, thêm đẹp, thêm keo sơn, thắm thiết, bền chặt. Một cộng đoàn thấm đẫm tương quan, cộng đoàn ấy đầy tình yêu, niềm hạnh phúc, lòng tương trợ, nghĩa bao dung… Từng thánh lễ, từng giờ kinh nguyện của cộng đoàn không giả tạo, không bên ngoài, nhưng sốt sắng, dễ rung động tâm hồn, làm lắng sâu cõi lòng. Cá nhân của cộng đoàn ấy sẽ an bình, sẽ thấy nơi mình sống đáng để sống, đáng để hiến thân phụng sự, đáng để đời mình nương ẩn.
Sở dĩ có những cái chết oan uổng, gây kinh ngạc, gây suy nghĩ nhiều, là bởi trước đó, những ai hiện diện bên nhau đã để xảy ra tình trạng thiếu vắng hy sinh, thiếu vắng đặt mình vào nhau, thiếu vắng từ bỏ chính mình, hoặc từ bỏ ấy đã không tới được mức độ cần thiết của nó.
Khi rơi vào cô đơn hay cùng quẫn, bản thân sẽ quay quắt, thậm chí có những quyết định dại dột, đáng tiếc.
Phải chấp nhận cô đơn giữa tập thể, bản thân đau khổ. Phải cô đơn triền miên giữa tập thể, bản thân rơi vào bế tắc. Cô đơn đến mức bế tắc, tình trạng sẽ rất xấu…
Vì thế, đừng vội trách móc người đã tự mình hoàn tất số phận. Đơn giản, vì chỉ cần để xảy ra những đổ vỡ tương quan, thì dù người đang sống hay kẻ đã chết ít nhiều đều có trách nhiệm. Tuy nhiên, với tinh thần "nghĩa tử, nghĩa tận" hãy để cho người nằm xuống được an phần...
4. Sống bên Chúa như các tông đồ.
Hãy nhớ, để giữ tương quan vững chắc, hãy luôn trung thành sống bên Chúa như các tông đồ của Chúa xưa. Hãy cố ra sức mà nắm chắc tương quan trong từng thời điểm sống.
Tương quan là cần thiết. Chẳng những tương quan giúp giải quyết tình trạng cô đơn, nhưng còn thăng tiến, phát triển con người; còn giúp con người rút tỉa nhiều bài học sống, nhiều kinh nghiệm sinh động.
Có tương quan tốt, chúng ta không chăm chăm nhìn mình, nhưng sẽ khôn ngoan hướng cái nhìn vào anh chị em, đặt mình vào họ, vào hoàn cảnh của họ, để có thể hiểu, cảm thông, đón nhận, yêu thương… nhau hơn.
Hòa bình, tình tương thân tương ái sẽ phát sinh nếu tương quan diễn ra tốt. Chúng ta sẽ trưởng thành tư duy, lớn lên tình cảm, sâu sắc nội tâm, nhạy bén tầm nhìn…, nếu tương quan của ta mỗi ngày một được nâng cấp, được mở rộng.
Nếu sống bên Chúa, các tông đồ cần có tương quan tốt, thì TƯƠNG QUAN CHÍNH LÀ ƠN GỌI. Đó là ơn gọi sống cùng và sống cho Chúa; sống cùng và sống cho anh chị em. Ơn gọi xây dựng tương quan là một trong những ơn gọi căn bản của người tông đồ. Không thể nói, mình theo Chúa, mà lại thiếu tương quan. Nếu tương quan không được đề cao, những người theo Chúa dễ bị xem là đội lốt, là phản chứng, là hình thức.
Có tương quan, ta sống mạnh mẽ cho niềm tin vào Thiên Chúa; giới luật yêu thương của Chúa mà ta áp dụng để cùng sống sẽ thành công. Vì thế, ơn gọi sống tương quan mà được lưu tâm, nó nâng đỡ mọi ơn gọi khác. Bởi một trong những lý do thất bại về sự sống, thất bại trong chọn lựa bậc sống, thậm chí thất bại cả về lý tưởng, là vì tương quan không thể xác lập, hoặc tương quan bị đổ vỡ. Vì thế, sống ơn gọi tương quan là vô cùng cần thiết, cấp bách.
Tương quan và sự từ bỏ bản thân luôn cần đến nhau, song hành cùng nhau, bổ túc cho nhau. Phải biết từ bỏ bản thân để có tương quan. Khi tương quan được nâng cao, càng thực hành từ bỏ bản thân dễ hơn. Người ta khó lòng từ bỏ bản thân vì kẻ thù của mình. Đã xảy ra tình trạng người này khó ưa, kẻ kia khó thương, nghĩa là tương quan đã biến mất, hoặc ở mức độ thấp, sự từ bỏ bản thân sẽ khó khăn, gượng ép, giả hình…
Chúng ta hãy theo chân các tông đồ, sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa, bằng việc hiến dâng sống ơn gọi đời mình. Nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta phải noi gương các tông đồ tập tành việc từ bỏ chính mình, để ở với Chúa và sống cùng anh chị em. Khi biết bỏ mình, tương quan nảy sinh. Bỏ mình tốt, tương quan sẽ đi lên. Bỏ mình đến mức quên mình, tương quan đạt tới đỉnh cao.
Từ bỏ chính mình để gầy dựng tương quan, kinh nghiệm cho biết, sẽ đau đớn như thể bị sát thương. Nhưng chính lúc bị sát thương vì phải sống tương quan, có thể nói, đó là chính lúc sống lời Chúa mời gọi “bỏ mình, vác thập giá” theo Chúa.
Hãy hướng nhìn các tông đồ, những người đã đi trước chúng ta, sống thành công sự từ bỏ bản thân; xác lập thành công tương quan với Chúa, với anh em; và đã vác thập giá đời mình cách trung thành đến cùng.
Nhìn các tông đồ, giúp chúng ta sống như các tông đồ…