CON NGƯỜI CÓ LÝ TRÍ VÀ TỰ DO (3)

Trong những ngày đầu tháng 05.2011, nhiều bài hay đăng trên các báo mạng, nhưng hai trong đó đã gây sự chú ý đặc biệt nơi chúng tôi: ‘Chuyện kể của một Giám Mục Việt Nam’ được phổ biến trên nhiều báo mạng và ‘"State priests'', a real challenge for the Vietnamese Church’ trên Asia-News. Từ hai bài đó, chúng ta sẽ lướt qua những bài cần thiết khác.

Tuy nhiên, chúng ta cùng bắt đầu bài này với vài đoạn trong Chương 8 ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’.

I. NỀN TẢNG VÀ MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ.

A. Cộng đồng chính trị, con người và dân tộc.

Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Con người, có lý trí Thiên Chúa ban, chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình và có thể cho những dự tính mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Tính cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân là đặc điểm và là nét đặc trưng của con người. Chỉ như vậy, con người mới đạt được sự thành toàn bản thân cách trọn vẹn và đầy đủ. Như thế, con người, một hữu thể có bản tính xã hội và chính trị, nên ‘đời sống xã hội không phải là một cái gì thêm vào’ mà là một khía cạnh thiết yếu và không thể phai mờ.

Cộng đồng chính trị phát sinh từ tính cởi mở ấy của con người; lương tâm hướng dẫn con người biết và thúc đẩy con người nghe theo trật tự mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong hết mọi thụ tạo: ‘một trật tự luân lý và tôn giáo. Trật tự này là tiêu chuẩn hữu hiệu nhất giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống trong tư cách là cá nhân cũng như là thành viên của xã hội’. Trật tự này cần phải dần dần khám phá và phát triển trong tình nhân loại. Cộng đồng chính trị, một thực tại đã có sẵn nơi con người, hiện hữu để hoàn thành một mục tiêu: sự phát triển trọn vẹn mỗi thành viên trong cộng đồng, được mời gọi cộng tác với nhau bền bỉ để đạt được công ích, dưới sự thúc đẩy của các khuynh hướng tự nhiên hướng con người đến những gì là chân là thiện (số 384).

Cộng đồng chính trị đạt được chiều hướng đích thực của mình là nhờ biết tham khảo nhân dân: ‘cộng đồng chính trị là và cần phải là một đơn vị hữu cơ, có tổ chức của một dân tộc đích thực’. Danh từ ‘nhân dân’ không có nghĩa là một đám đông không có hình thù, một quần chúng thụ động, dễ dàng bị điều khiển và bị lợi dụng, nhưng đó là một tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có ý kiến riêng về các vấn đề chung và được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình, đồng thời tận dụng những ý kiến và quan điểm ấy để làm lợi cho công ích, ‘trong vị thế đúng với mình và theo đường lối riêng của mỗi người’. Thực tại nhân dân ‘tồn tại trong đời sống sung mãn của mọi người nam lẫn nữ, mà từ đó nhân dân được hình thành, và trong đó mỗi người… ý thức trách nhiệm riêng và những xác tín riêng của mình’. Những thành viên liên kết thành một cộng đồng chính trị một cách có tổ chức thành một dân tộc, vẫn duy trì được sự tự trị không thể chối bỏ ở mức độ hiện hữu cá nhân và đối với những mục tiêu mình theo đuổi (số 385).

Đặc điểm trước tiên của một dân tộc là cùng nhau chia sẻ cuộc sống và các giá trị, mà đây chính là nguồn đem lại sự hiệp thông trên bình diện tâm linh và luân lý. ‘Xã hội loài người phải được coi đầu tiên như một điều có liên hệ tới tâm linh. Nhờ đó, dưới ánh sáng chân lý, con người sẽ chia sẻ cho nhau sự hiểu biết, thi hành các quyền lợi và chu toàn các bổn phận, được thúc giục đi tìm các giá trị tâm linh, cùng nhau thu nhận niềm vui chân chính từ vẻ đẹp của bất cứ trật tự nào, luôn sẵn sàng truyền lại cho người khác điều hay cái đẹp trong kho tàng văn hoá của mình, hăng hái phấn đấu một cách tích cực để biến những thành tích thiêng liêng của người khác thành của mình. Những thiện ích này không chỉ gây ảnh hưởng mà đồng thời còn mang lại mục tiêu và tầm vóc cho tất cả những gì có liên quan tới các hình thái diễn đạt văn hoá, các định chế kinh tế và xã hội, các phong trào và hình thức chính trị, luật pháp, và các cơ chế khác, nhờ đó xã hội được thể hiện ra bên ngoài cách cụ thể và được phát triển không ngừng’ (số 386).

B. Bênh vực và phát huy các quyền con người.

Xem con người là nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị có nghĩa là trước hết phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người: ‘Hiện nay, công ích được thật sự bảo đảm là khi các quyền và nghĩa vụ của con người được tôn trọng’. Trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người đã thu hẹp các đòi hỏi luân lý và pháp lý chính yếu, là những đòi hỏi phải chi phối việc xây dựng cộng đồng chính trị. Những đòi hỏi này tạo nên một chuẩn mực khách quan, mà Luật thiết định sẽ căn cứ vào đó mà thành hình, cũng là những chuẩn mực mà cộng đồng chính trị không thể bỏ qua, vì xét theo thứ tự hiện hữu cũng như xét theo thứ tự mục tiêu cuối cùng, con người luôn đi trước cộng đồng chính trị. Luật thiết định phải bảo đảm làm sao cho các nhu cầu căn bản của con người được đáp ứng (số 388).

Cộng đồng chính trị theo đuổi công ích, nhằm tìm cách tạo ra một môi trường nhân bản, cho phép các công dân thực thi các nhân quyền và thi hành trọn vẹn các nghĩa vụ tương ứng của mình. ‘Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng nếu các chính quyền không có những hành vi thích hợp đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá, thì các sự bất bình đẳng giữa các công dân sẽ càng ngày càng lan rộng, nhất là trong thế giới hiện nay, và kết quả là các quyền của con người sẽ trở nên vô hiệu hoàn toàn, việc thi hành các nghĩa vụ sẽ bị phương hại’.

Để thực hiện được công ích cách trọn vẹn, cộng đồng chính trị cần phải đẩy mạnh những hành động có hai mặt bổ sung cho nhau, là vừa bảo vệ vừa phát huy các nhân quyền. ‘Không thể để xảy ra tình trạng một thiểu số (cá nhân hay tập thể) được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên. Cũng không nên để xảy ra tình trạng trong lúc tìm cách bảo vệ các nhân quyền, các chính phủ vô tình biến mình thành trở ngại không cho các công dân bày tỏ trọn vẹn và sử dụng tự do các quyền ấy của mình’ (số 389).

C. Đời sống xã hội dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân.

Đời sống dân sự và chính trị có ý nghĩa sâu xa không phải trực tiếp từ những bản danh sách liệt kê các quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Nhưng đời sống trong xã hội có được đầy đủ ý nghĩa là do nó được xây dựng dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân và dựa trên tình huynh đệ. Thật vậy, nói tới các nhân quyền là nói tới các lợi ích của con người được bảo vệ, nói tới sự tôn trọng bên ngoài dành cho con người, và nói tới các của cải vật chất được bảo vệ, cũng như được phân phối theo luật định. Tình hữu nghị còn là nói tới thái độ vô vị lợi, thái độ siêu thoát đối với của cải vật chất, cũng như sự cho đi cách tự nguyện và đón nhận các nhu cầu từ người khác cách chân thành. Tình hữu nghị công dân, được hiểu theo ý này, chính là sự thực hiện đúng đắn nhất nguyên tắc huynh đệ, là nguyên tắc không thể tách khỏi nguyên tắc tự do và bình đẳng. Phần nhiều, nguyên tắc này chưa được ứng dụng trong hoàn cảnh cụ thể ở các xã hội chính trị hiện nay, chủ yếu là do ảnh hưởng quá lớn của các ý thức hệ cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa (số 390).

Một cộng đồng có nền tảng vững chắc là khi nó nhắm đến sự phát huy toàn diện của con người và của công ích. Trong trường hợp đó, luật pháp được xác định, được tôn trọng và tồn tại tùy theo thái độ liên đới và xả thân cho người lân cận của mình. Công lý đòi mỗi người phải được hưởng những ích lợi và quyền hạn của mình; có thể xem đó là mức tối thiểu của tình yêu thương. Đời sống xã hội càng trở nên nhân bản hơn khi xã hội ấy có đặc điểm là cố gắng làm cho mọi người nhận thức một cách trưởng thành hơn cái lý tưởng mà họ đang nhắm tới, tức là xây dựng một ‘nền văn minh tình yêu’.

Con người là một ngôi vị chứ không chỉ là một cá thể. Thuật ngữ ‘ngôi vị’ muốn nói rằng đó là ‘một bản tính được phú cho trí khôn và ý chí tự do’: bởi đó, con người là một thực tại cao quý hơn nhiều, chứ không phải chỉ là một chủ thể với những nhu cầu xuất phát từ chiều hướng vật chất của mình. Thật vậy, dù tích cực tham gia vào các dự tính được định ra nhằm thoả mãn các nhu cầu của mình trong phạm vi gia đình, trong xã hội dân sự và chính trị, con người vẫn không thấy mình được phát triển trọn vẹn bao lâu chưa vượt lên trên cách nghĩ về các nhu cầu và chưa mở ra cho hành động vô vị lợi và hiến tặng, phù hợp hoàn toàn với yếu tính và thiên hướng cộng đồng của mình (số 391).

Điều răn bác ái của Phúc Âm soi sáng cho Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. Để làm cho cộng đồng chính trị trở nên thật sự nhân bản, ‘không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền’. Mục tiêu mà các tín hữu phải đặt ra trước mặt mình luôn luôn là làm sao thiết lập các mối quan hệ cộng đồng giữa mọi người. Quan điểm Kitô giáo về xã hội chính trị đặt tầm quan trọng hàng đầu trên giá trị của cộng đồng, coi đó vừa là mô hình tổ chức đời sống trong xã hội vừa là một lối sống hằng ngày (số 392).

II. CHUYỆN KỂ CỦA MỘT GIÁM MỤC VIỆT NAM.

Mục Tử Chân Chính không nhượng bộ trước bất công, không thoả hiệp với bóng tối, trả lời người chất vấn khi:

- bị cấm đoán khi đi dâng lễ cho những cộng đoàn tín hữu ở vùng sâu và heo hút vào các dịp Đại Lễ, ngài cho rằng viên chức cấm đoán quá dại vì, nếu để tôi ngày tự do dâng Lễ, thì tối đa ở đó cũng chỉ được khoảng 20 giáo dân nghe giảng, có khi về nhà họ quên mất. Nếu cấm như đã làm thì, sau đó, cả thế giới đều biết, đều nghe đến ngài bị cấm dâng Lễ.

- một lần xin đi nước ngoài, ngài kể : Khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò ngài: “Ông đi nước ngoài nhờ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!”. Ngài đáp ngay: “Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa”. Họ ngạc nhiên hỏi ngài: “Sao vậy?” Ngài cười: “Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?”… Ngài lý luận sắc bén: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá cờ vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?”. “Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?”. “Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học là dưới lá cờ vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi.”. Nghe những lời hợp lý, họ ngượng ngùng bảo: “Thôi ông cứ đi...”

- nói về cái gọi là Uỷ ban Đoàn Kết Công Giáo hay Công Giáo yêu nước mà dân chúng thường gọi là đám quốc doanh cũng thú vị. Người có quyền nói nhiều giáo phận đã có cái Uỷ ban này, nếu giáo phận ngài tổ chức UBĐK thì mỗi năm nhà nước sẽ chi cho hai tỷ đồng để tiêu dùng và, khi đi họp ở Hà nội thì các ông ‘yêu nước’ sẽ được ở khách sạn năm sao, sẽ được đi Đồ sơn hay đi đâu đó nghỉ mát. Hai tỷ đồng, số tiền lớn thật, có số tiền ấy ngài tha hồ làm được nhiều việc. Thấy ‘hấp dẫn’, ngài hỏi: ‘UB ấy là tổ chức tôn giáo hay chính trị?” Họ đáp: “Đó là tổ chức chính trị phục vụ đảng và nhà nước”.
Ngài từ tốn nói: “Các anh có muốn thấy gia đình người ta chia rẽ, xung khắc không? Ở giáo phận tôi nếu có cha nào tham gia vào UB ấy là lập tức có chia rẽ và nghi kỵ ngay. Là Giám mục, không lẽ tôi muốn nhìn giáo phận chia rẽ?”. Im lặng một lúc, ngài tiếp: “Các ông có nghĩ rằng linh mục giỏi làm chính trị không? Trước kia các ông nghĩ các linh mục tuyên uý trong Quân Lực VNCH làm chính trị, nhưng sau hàng chục năm bắt các linh mục ấy đi học tập, các ông đã biết các linh mục chẳng biết làm chính trị gì cả. Các ông bảo UBĐK ấy là tổ chức chính trị mà kêu gọi các linh mục không biết chính trị vào hoạt động là để họ phá chế độ!... “Chưa hết, dân mình còn nghèo khổ, ông nghĩ làm sao chúng tôi là Giám mục, linh mục, là người có Đạo, lại có thể nhận hai tỷ đồng tiền của dân để tiêu pha, rồi còn ở khách sạn năm sao, rồi đi du lịch nơi này nơi nọ cho được?”. Nghe đến đó thì họ không nói chuyện UBĐK ấy với ngài nữa.

Sự tóm lược của chúng tôi rất thiếu xót, xin mời đọc giả vào địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89735.htm
để được đọc thấm thía hơn.

III. "LINH MỤC QUỐC DOANH'', MỘT THỬ THÁCH THẬT SỰ CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM.

A. Bài báo của Asia-News.

Đây là bài tiếng Anh mà chúng ta có thể tìm tại địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89635.htm

Gần đến ngày bầu cử Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân, các linh mục quốc doanh gây đau khổ cho Giáo hội Việt Nam. Một mặt, sự ứng cử của ba linh mục vào Quốc hội vi phạm Giáo luật, điển hình là linh mục Phan khắc Từ đã được sự hỗ trợ của đảng cộng sản và nổi tiếng nhờ chỉ trích Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Vatican. Mặt khác, những linh mục đã lạm dụng tài sản nhà thờ và vai trò của họ để hỗ trợ cho đảng cộng sản để hưởng lợi. Do đó, giáo dân xa Giáo hội vì không Thánh Lễ như tại nhà thờ Trung Châu (Thái Bình) ngày 29.04.2011, Linh mục cho người gọi giáo dân, đọc kinh Mân côi, ra dự cuộc họp tuyên truyền bầu cử cho đông đúc để quay phim truyền hình. Giáo dân không xưng tội vì sợ Linh mục báo cho cảnh sát. Các “linh mục của nhà nước” tạo ra sự rối loạn chức năng trong Giáo Hội. Cha Peter, Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng Hoà, khi mãn hạn cải tạo, cán bộ cộng sản nói “Hãy về nhà lấy vợ và sinh con như họ”. Cha nghĩ đó là một trò đùa, nhưng không phài vậy. Trong hai năm, cha xin giám mục một công việc mục vụ, dù đã làm hết sức mình nhưng vô ích. Cha phải tìm một linh mục quốc doanh. Một vài ngày sau, Cha có bài sai đi làm mục vụ và, hôm nay, Cha không biết ai điều hành giáo phận”.

B. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Sau ngày 30.04.1975, những ‘Linh mục quốc doanh, đã thành lập nhóm ‘Linh mục yêu nước’ mà danh xưng không ngừng thay đổi : Ủy ban Liên lạc công giáo Toàn quốc, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam… và, cuối cùng, đã dừng lại với tên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCG).

Trong thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết : « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Điều lệ của UBĐK ghi rõ: « UBĐKCGVN ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản dựỉng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân. »

Giáo dân không tham gia UBĐKCG nhiều, nhưng có đông Linh mục. Hằng trăm Linh mục dự Đại hội đâu có ít, mỗi lần ? Có lẽ nhiều người đi cho yên, lấy lệ ? Điều có thể kiểm kê được là trong số đó chỉ có mấy người chủ chốt năm này qua năm khác và ôm tất cả. Đức cha Phao lô Nguyễn văn Bình trong bài phỏng vấn của báo Eglises d’Asie (Pháp quốc) số 95, tháng 09.1990, khi được hỏi : « Thưa Đức Cha, có bao nhiêu Linh mục trong UBĐKCG ? » đã trả lời : « Có lẽ có tất cả chừng 30 người. Nhưng thực tế, chỉ có 5 hay 6 người những người khác chẳng mấy quan tâm đến Ủy ban. Họ là những Linh mục làm việc trong các giáo xứ. Thỉnh thoảng họ tới dự một phiên họp thế thôi.

Trong thư gửi các Linh mục, sau Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Nicolas Huỳnh văn Nghi cho biết : « Ông Trưởng ban Tôn giáo giới thiệu UBĐKCG và lợi ích của tổ chức chánh trị dành cho người công giáo này. Các Giám mục nhận định là trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước hiện nay, nên dành cho giáo dân tham gia và lãnh đạo tổ chức này (…). Linh mục, tu sĩ là những người chuyên làm công tác tôn giáo. Hãy để họ trong ngành chuyên môn của họ. Tuy nhiên, ông Trưởng ban Tôn giáo thừa biết rằng các Giám mục quá hiểu: nếu các Linh mục rút đi thì làm còn gì UBĐKCG nữa. (Trích Tin Nhà số 32 – Mars 1998).

Ngày 20.10.1993, Đức Tổng Giám mục P.X Nguyễn văn Thuận đã nói khi trả lời phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám đốc hãng Thông tấn Công giáo APIC (Thụy sĩ) : « Điều chắc chắn là Giáo hội tại Việt Nam phải tiếp tục làm việc và sống còn. Có những người Công giáo cộng tác với chính quyền, nhưng rất khó mà phán đoán về họ từ bên ngoài, nhất là khi tất cả đều biến chuyển mau lẹ. Nói một cách khách quan, tôi không thể phán đoán, vì từ nhiều năm nay tôi không còn ở trong nước nữa. Một số người tự nguyện cộng tác, một số khác đôi khi tìm những giải pháp dung hợp, những phương tiện để làm việc một cách dễ dàng hơn. Chúng tôi chấp nhận sự khác biệt đó. Tôi không phán xét những người làm việc với chính phủ. Họ có những lý do của họ: một số người vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm những dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối với tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh, và Tòa Thánh dạy phải tuân theo luật Chúa.»

Lời vị Giám mục, đang được Giáo hội xét phong Chân Phước, là tiếng nói công bình, đầy bao dung, che chở và đầy đủ, được sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để luôn lo lắng cho tiền đồ Quê hương và Giáo hội Việt Nam.

3. Bầu cử Quốc hội.

Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục : Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai Linh mục Cường và Hoàn đang là đại biểu khóa 12 (2007-2011).
Cả ba đều là thành viên UBĐKCG, một tổ chức của Đảng, vi phạm Giáo luật điều 287.2 : « Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy ». Nếu là đại biểu, các vị này vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật : « Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự. »

Cũng như họ là các giáo sĩ vi phạm Giáo luật, việc tổ chức bầu cử cũng trái Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội. Thí dụ điều 1 qui định : « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộâng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. », tức cho phép các cử tri trực tiếp chọn ứng cử viên để bầu chứ không cần sự xét lựa của cơ quan hay nhóm dân nào.

Hơn thế nữa, ngày 30.03.2011, Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị để bỏ phiếu tín nhiệm (hay không) ông Lê quốc Quân, ứng cử độc lập tại Hà nội. Cuộc cử tri đặt câu hỏi đã biến thành cuộc đấu tố ông Quân khi người chủ tọa nêu ra việc ông Quân bị công an Việt Nam bắt giam 100 ngày năm 2007 vì tội "tạm giữ hình sự vì hành vi tham gia tổ chức phản động, chống chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Hành vi này của ‘người chủ tọa’ vi phạm Hiến pháp nước Cộâng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều 72 : « Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. »

Do đó, chúng tôi có thể đoan chắc nếu các người ứng cử độc lập như Luật sư Công giáo Lê quốc Quân (Giáo hội khuyên giáo dân tham gia chính trường và yêu cầu các Linh mục làm mục vụ như Giáo luật qui định) được tham dự tranh cử thì cử tri có Tự do chọn và bầu đại biểu Quốc hội thì Việt Nam đã không phải ở trong tình trạng như bài ‘Nhân ngày 30/4, đọc lại vài dữ liệu cũ’ tại địa chỉ : http://www.boxitvn.net/bai/21064