Mục Vụ Văn Thơ Công Giáo- 5: Những Chia Sẻ Của Ban Tổ Chức Giải Nhánh Huệ Nước Trời

Đây là nội dung thứ năm trong 5 nội dung đã được thông báo về mục vụ văn thơ Công giáo:

I. Bản tin sự kiện: Lễ trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại ba Giáo tỉnh

II. Những chia sẻ của các Chủ Chăn

III. Những chia sẻ của các Câu Lạc Bộ

IV. Những chia sẻ của các tác giả

V. Những chia sẻ của Ban Tổ Chức

Sau khi phát hành nội dung thứ nhất, có ý kiến xin thêm một nội dung thứ sáu: Những chia sẻ của độc giả. Đây là một ý kiến rất hay. Ước mong quý độc giả và cả các vị tác giả chưa phát biểu trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tham gia đóng góp suy tư và sáng kiến cho mục vụ văn thơ Công giáo Việt Nam. Xin vui lòng gởi bài về gopnhattho@yahoo.com trước ngày 05-8-2011 để có thể kịp biên tập và phát hành vào ngày Lễ Chúa Biến Hình, 06-8-2011. Xin ghi rõ quý vị thuộc giáo phận nào. Xin chân thành cám ơn.

Nội dung thứ năm quý độc giả đang theo dõi gồm những phát biểu của Ban Tổ Chức Giải Nhánh Huệ Nước Trời trong các buổi trao giải tại ba Giáo tỉnh.

Cuối tệp tin này, có thêm nguyên văn lời phát biểu của Đức Cha F. X. Nguyễn Văn Hồng, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Huế (bản ghi theo mp3 đã đăng ở tài liệu số 2).

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

1. BUỔI TRAO GIẢI TẠI SAIGON

TƯỞNG NIỆM

LM ANRÊ TRẦN CAO TƯỜNG

BÀI PHÁT BIỂU

CỦA BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

TRONG BUỔI TRAO GIẢI

DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ

THUỘC GIÁO TỈNH SÀI GÒN

TẠI TÒA HỘI TRƯỜNG AN PHONG DCCT

30-6-2011

Cuộc Thi Nhánh Huệ Nước Trời nhằm Tôn Vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ Đức Khiết Tịnh, được hai trang mạng liên kết tổ chức là Mạng Lưới Dũng Lạc và Hướng Về Đại Hội Dân Chúa. Khi cuộc thi tiến hành được 3 tháng, thì Cha Giám Đốc MLDL là Anrê Trần Cao Tường đã ngã bệnh nặng và được Chúa gọi về.

Linh mục Anrê Trần Cao Tường sinh ngày 15 tháng 8 năm 1946 tại Phát Diệm, Ninh Bình

Ngày 1 tháng 9 năm 1959 cùng gia đình vào Nam. Năm 1964, nhập Tiểu Chủng Viện Phát Diệm- Phú Nhuận.

Tháng 10 năm 1967, Cha du học 6 năm tại Trường Truyền Giáo Roma, Italy.

Năm 1973 Cha tốt nghiệp và trở lại Việt Nam, chịu Chức Phó Tế và giúp xứ tại Phú Quốc.

Ngày 6 tháng 4 năm 1975, Cha Anrê Trần Cao Tường Thụ Phong Linh Mục qua việc đặt tay và xức dầu truyền chức của Đức Cố Giám Mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ tại Nhà Thờ Kim Hòa, Địa Phận Long Xuyên.

Tháng 9 năm 1975 Cha Tường cùng với 11 gia đình Việt Nam đầu tiên đến New Orleans. Cộng Đồng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được thành lập, và cũng chính từ nơi này, năm 1983 Giáo Xứ Việt Nam đầu tiên của Hoa Kỳ được thành lập dưới sự điều hành của Cha Sở là Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương.

Cha đã có công bảo lưu và phát triển văn hóa, văn học Công Giáo Việt. Cha là một nhà văn đóng góp nhiều tác phẩm giá trị và là người đã sáng lập nên mạng lưới DungLac.org đa diện, phong phú.

Ngày 13 tháng 10 năm 2010, Cha lâm cơn bệnh hiểm nghèo: nhiễm trùng mạch máu tim.

Vào lúc 11 giờ 56 sáng Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua, 21 tháng 11 năm 2010, Linh Mục Anrê Trần Cao Tường đã được Chúa gọi về hưởng Thiên Nhan Ngài. Hưởng thọ 64 tuổi. (Theo Lm. Nghĩa tử FX. Bùi Quyết)

Chúng tôi kính mời Quý vị cùng chúng tôi dành một phút tưởng niệm và cầu nguyện cho linh hồn cố Linh Mục Anrê.

………..

Kính thưa quí vị,

Cuộc Thi Nhánh Huệ Nước Trời là một phần khá quan trọng của sinh hoạt của Mạng Lưới Dũng Lạc (MLDL). Vì thế, tôi xin trình bày đôi nét về sinh hoạt MLDL, và con đường dẫn đến những cuộc thi.

Nhờ các nhà truyền giáo, người Việt Nam đã có thể dùng chữ Quốc Ngữ thay cho chữ Hán và chữ Nôm. Chăc chắn không ai chối cãi được rằng, mục đích ban đầu và chính yếu của chữ Quốc ngữ khi được thành lập là để chuyển tải Lời Chúa đến cho mọi người.

Tiếp nối công trình các vị thừa sai, cách đây 6 năm, trên mạng lưới điện toán toàn cầu, xuất hiện một trang mới: mangluoidunglac.net, dunglac.net, rồi dunglac.org… Đây là sáng kiến độc đáo của Cha Anrê Trần Cao Tường, một người đầy tâm huyết với việc xiển dương văn học Việt Nam, nói chung và Văn Học Công Giáo VN nói riêng. Đây là một nỗ lực mới nhằm Rao Giảng Tin Mừng bằng Việt Ngữ, băng Văn Học VN, và bằng Hội Nhập Văn Hóa VN

Trong một thời gian ngắn, MLDL đã tập hợp được một lực lượng cộng tác viên đáng kể với đủ mọi thành phần dân Chúa, những người chuyên nghiên các vấn đề thần học, tâm linh tôn giáo, văn hóa biên khảo, văn học nghệ thuật … đã làm trang mạng khởi sắc độc đáo càng ngày càng thu hút được nhiều độc giả Việt Nam trong và ngoài nước, giáo cũng như lương.

Cha Anrê Trần Cao Tường, Giám Đốc Mạng Lưới Dũng Lạc, đã ưu ái hình thành rất sớm hai chuyên mục về Thơ Văn Công Giáo là

Đồng Xanh Thơ, anh Cao Huy Hoàng phụ trách,

Vườn Ô Liu, anh Lê Hồng Bảo phụ trách,

với mục đích tập hợp các cây bút, những cây bút công giáo đang tản mác khắp nơi, hoặc đang ẩn mình âm thầm làm men trong bột, làm muối giữa đời, hoặc đang lạc loài không biết sẻ chia những chứng từ trong cuộc sống đức tin của mình hay muốn trình bày một hành trình gieo vãi trên ruộng đời, cho ai, ở đâu.

Sau hơn 5 năm cố gắng, hai chuyên trang ấy đã qui tụ được một số đáng kể những cây viết công giáo trong và ngoài nước, với những tác phẩm giá trị. Trong đó, có hơn 100 tác giả vẫn thường xuyên cộng tác với chuyên trang Đồng Xanh Thơ Dũng lạc, qua 59 số đã giới thiệu bạn đọc, với chuyên trang Vườn Ô Liu qua 24 số.

Từ những trang thơ đầu tiên của MLDL, nay đã có một số tác giả khẳng định được con đường ca tụng Thiên Chúa qua Thi Ca. Có thể điển hình như hai anh em khiếm thị, anh Cù Mè và cô Vũ Thủy. Những bài thơ của 2 tác giả khiếm thị nầy đã được Nhạc sĩ Phạm Trung (Canada) ưu ái phổ nhạc và thực hiện 10 ca khúc phổ thơ trong CD “Cô gái mù bên ly càphê trắng”, và gửi đến quí vị như một quà tặng trong ngày lễ trao giải nầy. CD này được thực hiện với ước mơ chia sẻ nỗi đau của những người khuyết tật, và mong nhận được sự hỗ trợ tinh thần vật chất cho những mái ấm.

…..

Và hơn thế nữa, qua hai kỳ họp mặt các nhà thơ, nhà văn công giáo tại Phan Thiết cùng ngày 20-1 lần 1 năm 2008 và lần 2, năm 2010, hai chuyên trang Đồng Xanh Thơ và Vườn Ô Liu cũng đã thành lập được những câu lạc bộ (CLB) những người sáng tác thơ văn công giáo với mục đích nâng đỡ và cố xúy việc viết thơ văn công giáo nhiều hơn đối với thành phần trẻ, sinh viên học sinh, trong giai đoạn việt ngữ đang hồi báo động mai một.

CLB Thơ Văn Tâm Nguyện, Hải Phòng, thuộc Giáo tỉnh Hà Nội.

CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, cha Trăng Thập Tự linh hướng, đang làm công tác sưu tập và phát hành Thơ Văn Công Giáo.

CLB Chút Tâm Tình Đà Nẵng, Cha Phê-rô Trần Đức Cường linh hướng, sinh hoạt tâm linh và văn học mỗi tối thứ sáu đầu tháng. Bài vở đăng đàn trên trang mạng “5 phút Lời Chúa”.

CLB Đồng Xanh Thơ SG, Cha Phạm Quốc Văn linh hướng, đã đăng đàn Dũng Lạc được 12 số, rồi gián đoạn. Ước mong sẽ tiếp tục.

CLB Đồng Xanh Thơ Nha Trang, Cha Mai Tích linh hướng, đã đăng đàn Dũng Lạc được 3 số, và sẽ tiếp tục số 4 trong tháng tới.

Song song với việc thành lập các câu lạc bộ, việc tổ chức các cuộc thi nhằm tạo nên một cơ hội để các tác giả có sức phấn khích viết nên những tác phẩm mới, đồng thời, là cơ hội để Ban Tổ Chức tìm gặp những nhân tố mới, nhân tố trẻ trung cho thế hệ kế thừa. Vì thế, sau cuộc thi Sen Giữa Lầy thành công, Ban Tổ Chức đã sốt sắng thực hiện ngay cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời. Nhìn lại cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời, có thể thấy được những điểm son:

+ Điểm son thứ nhất của cuộc thi Nhánh Huệ Nước phải kể đến là cuộc thi đã được Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch UB Văn Hóa, Trực thuộc HĐGM VN chuẩn thuận, ký giới thiệu, ký chứng nhận đạt giải.

+ Điểm son thứ hai của cuộc thi là chủ hướng “Cổ Võ Đức Khiết Tịnh” của trang mạng Hướng Về Đại Hội Dân Chúa và Cha Lê Quang Uy, đã được các tác giả suy tư phong phú và sâu sắc, góp phần sẻ chia một linh đạo về Đức trinh khiết theo gương Mẹ Maria trong Sen Giữa Lầy, và theo gương Thánh cả Giuse trong Nhánh Huệ Nước Trời.

+ Điểm son thứ ba của cuộc thi là đã thu hút sự ưu ái quan tâm đặc biệt của nhiều Giám Mục Việt Nam, của các chủng viện, linh mục tu sĩ, cộng đồng dân Chúa trong và ngoài nước, và đón nhận được sự hổ trợ tinh thần, vật chất lớn lao từ nhiều ân nhân.

+ Điểm son thứ tư của cuộc thi là sự hỗ trợ nhiệt tình của Cha Phạm Tuệ, Tân Giám Đốc MLDL, sự làm việc hiệp nhất của anh em Ban Tổ Chức, và sự đóng góp nhiều công sức quý báu của một Ban Giám Khảo làm việc đầy tính trách nhiệm từ sơ khảo đến chung khảo.

+ Và điểm son cuối cùng của cuộc thi là cuộc thi đã được những kết quả nhất định:

- Một số tác phẩm văn học có nội dung và hình thức khá xứng đáng với ý nguyện Tôn Vinh Thánh Cả Giu-se và Cổ võ Đức Khiết Tịnh, đã được Ban Tổ Chức tuyển chọn in thành tập sách “Thánh Cả Giuse, Nhánh Huệ Nước Trời” và phát hành ngay hôm nay.

- Một số tác giả mới xuất hiện trong cuộc thi, để Ban Tổ Chức có thể tuyển chọn ghi danh vào danh sách những cây bút Công giáo Việt Nam.

- Một số CLB được hình thành sau cuộc thi, như:

CLB Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc, đã hội tụ được một số thành viên đáng kể, được Lm Tạ Duy Tuyền nhận giúp linh hướng, và theo ước mong của anh xem Xuân Lộc, thì hôm nay, 30-6, xin công bố thành lập nhóm thơ văn công giáo Xuân Lộc với tên gọi: Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc.

Để chính thức đi vào sinh hoạt, xin đề cử Nhà Thơ Mic. Cao Danh Viện làm chủ nhiệm cho đến khi có cuộc họp bầu Ban Chủ Nhiệm mới.

Một sinh hoạt đáng kể nữa là Đồng Xanh Thơ đã thử nghiệm trang Thi Ca Cầu Nguyện, dùng thơ văn của các tác giả Đồng Xanh Thơ, Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật. Nay đã thực hiện được 19 tuần, 19 số với sự tham gia góp bài của khoảng 20 tác giả gồm có cả linh mục, nữ tu và giáo dân. Thi Ca Cầu Nguyện được phát hành hằng tuần vào mỗi thứ bảy, gởi đến 11.000 địa chỉ mail trong và ngoài nước, và được đăng tải trên dunglac.org và tamlinhvaodoi.net hằng tuần. Sinh hoạt nầy đã được Đức Cha Giuse Chủ Tịch UBVH-HĐGMVN, Đức Ông XLB, đồng thuận và khích lệ. Và cũng theo nguyện vọng của quí tác giả, hôm nay chúng tôi chính thức giới thiệu CLB Thi Ca Cầu Nguyện với Cha linh Hướng là Lm. Phaolô Hoàng Kim Tốt và biên tập là anh Mặc Trầm Cung.

Và những Câu Lạc Bộ Thơ Văn Công Giáo khác đang chuẩn bị hình thành, trong đó có CLB Đồng Xanh ThơPhan Thiết, đã được Lm. Giuse Nguyễn Hữu An nhận làm Linh Hướng.

Hy vọng rằng những thành quả của cuộc thi và những nỗ lực của chúng ta hôm nay, đã là hoa trái của những cố gắng mà Cha Trần Cao Tường đã gieo vãi trên Mạng Lưới Dũng Lạc.

Thêm vào đó, cũng từ kết quả của cuộc thi, một số sinh hoạt văn học Ban Tổ Chức đã có thể nhắm tới:

-Chuyên trang Đồng Xanh Thơ và Vườn Ô Liu dự kiến sẽ in một tuyển tập nhân giỗ đầu của Cha Anrê Trần Cao Tường, tháng 11-2011.

- Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh HMT 22-9-2012 Chuyên trang Đồng Xanh Thơ và CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn phối hợp chuẩn bị phát hành bộ sưu tập giới thiệu 100 nhà thơ công giáo sau HMT

-Phối hợp và cổ võ các CLB tổ chức các cuộc thi viết, các trại sáng tác trong phạm vi nhỏ để có thể tìm được những tác giả mới, những tác giả kế thừa.

Chúng tôi xin tri ân tất cả quí vị, quí ân nhân, quí trang mạng công giáo, đã hy sinh lớn lao vào công cuộc xiển dương văn hóa, văn học Công Giáo Việt Nam, qua cuộc thi và qua những sinh hoạt của mạng lưới Dũng lạc.

Để kết thúc, chúng tôi xin chuyển đến quí vị tâm tình của Đức Ông Xuân Ly Băng, và của Đức Cha Giu-se Vũ Duy Thống, Chủ Tịch UB VH trực thuộc HĐGM VN:

Được mời tham dự buổi lễ trao giải, Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng từ chối vì lý do già yếu. Ngài nhờ chúng tôi chuyển mấy lời sau đây:

- Hết lòng khen ngợi Ban Tổ Chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời đã đổ bao tâm sức cho công trình văn học Công Giáo được phát triển về hai mặt: Đức Tin và Văn Học.

- Chúc mừng tất cả các tác giả dự giải và đạt giải

- Ước mong các tác giả đã dự giải, và nhất là các tác giả đạt giải sẽ sống trọn điều mình đã suy niệm, đã viết, tạo nên một phong trào thánh hóa cuộc sống đức tin trong đời sống văn hóa nghệ thuật, làm chứng cho Chân Thiện Mỹ của Nước Thiên Chúa.

Và với Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, chủ tịch UB VH trực thuộc HĐGMVN,

Khi tôi trình Đức Cha Giuse ký giấy chứng nhận đạt giải, và mời Đức Cha tham dự buổi trao giải hôm nay, Đức Cha rất vui mừng. Ngài cho biết vì bận lễ Phong Chức LM, không thể đến dự được, nhưng xin gửi đến Buổi Trao Giải mấy lời khích lệ sau đây:

“- Cảm ơn và hoan nghênh tất cả quí tác giả đã tham gia dự thi

- Chúc mừng quí tác giả đạt giải

- Cảm ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, quí ân nhân, và tất cả những ai đã góp phần mình vào cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời.

- Ước mong và luôn khích lệ lớn lao cho những cuộc thi Thơ Văn Công Giáo sắp tới.

- Đề nghị Ban Tổ Chức Nhánh Huệ Nước Trời tiếp tục tổ chức cuộc thi Thơ Văn Công Giáo mở rộng cho mọi thành phần tham gia nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà Thơ Công Giáo Hàn Mạc Tử 22-9-2012.

- Xin Chúa chúc lành và xin Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam phù trợ cho mọi nỗ lực văn hóa, văn học công giáo của anh chị em”.

Xin trân trọng kính chào quí vị.

Tm. Ban Tổ Chức

PM. Cao Huy Hoàng

Sài gòn ngày 30-6-2011

2. BUỔI TRAO GIẢI TẠI HUẾ

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐẠI DIỆN BAN TỔ CHỨC

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế,

Trọng kính Đức Cha Phanxicô,

Quý Cha, quý Thầy, quý Chị,

Cùng quý bạn thơ, bạn văn và bạn nhạc thân mến,

Anh em nhóm tổ chức giải Nhánh Huệ Nước Trời hết sức vui mừng được Đức Tổng Stêphanô ưu ái cho phép và chúc lành, được Đức Cha Phụ tá TGP Huế, cha Giám đốc TTMV và cha Trưởng ban Thánh nhạc của TGP đã nhiệt tình tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đại biểu giới cầm bút của cả 6 giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế có thể gặp nhau ngày hôm nay và hơn nữa được triển khai lễ trao giải cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Huế trong bầu khí trọng thể, đầy hiệp thông và hứa hẹn, với sự tham dự của đông đảo anh chị em ca trưởng từ khắp Tổng giáo phận về đây.

Quả là một ơn lành lớn lao Thiên Chúa ban xuống để an ủi giới cầm bút Công giáo nói chung và những người làm tông đồ cho lãnh vực văn thơ nói riêng. Hai mươi năm qua, đã có một nỗ lực âm thầm tìm liên kết các anh chị em giới cầm bút Công giáo để nâng đỡ lẫn nhau, giúp nhau phát huy và chia sẻ đoàn sủng ngôn sứ cho người khác. Đã lắm lúc chúng con tưởng phải nản lòng bỏ cuộc thế nhưng mấy năm gần đây chân trời hy vọng mỗi lúc một sáng sủa. Nhờ mạng internet, sự liên kết các tác giả trong nước và hải ngoại càng lúc càng rộng rãi. Phương tiện internet không những giúp thông tin mà còn giúp định hướng và đào tạo. Từ chỗ quy tụ trên mạng, đến chỗ gặp gỡ tay bắt mặt mừng, dần dần anh chị em cầm bút tại một số giáo phận đã liên kết thành những Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn, hữu hiệu, và được Đấng Bản Quyền khích lệ.

Buổi trao giải cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Huế hôm nay là một xác nhận cụ thể về sự nâng đỡ ấy và cũng là một cơ hội quý báu để chúng con đệ đạt lên Đức Tổng Giám Mục và Quý Đức Cha trong Giáo tỉnh một nguyện vọng nhỏ: Ước mong Đức Tổng và Quý Đức Cha cho tổ chức một giải văn thơ cho các bạn trẻ trong Giáo tỉnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mạc Tử, ngày 22-9-2012 tới đây. Chúng con đệ đạt nguyện vọng này, không riêng cho Giáo tỉnh Huế mà cho cả ba Giáo tỉnh.

Một giải văn thơ chính thức ở cấp Giáo tỉnh sẽ là một sức bật đẩy mạnh mục vụ văn hóa ở tất cả các giáo phận trong Giáo tỉnh. Như thế, việc tưởng niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Công giáo tiền phong sẽ không chỉ là một cử hành mang tính tình cảm, biểu lộ sự trân trọng quý mến, nhưng còn là một động lực để nhiều người trong Dân Chúa noi gương tiếp bước nhà thơ, đáp lại và phát huy một đoàn sủng hết sức hữu ích cho sứ vụ Hội Thánh hiện nay.

Thiết tưởng, dịp kỷ niệm này là một cơ hội ân sủng cho văn học Công giáo Việt Nam. Để nổi rõ điểm này hơn, con xin giới thiệu anh Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn trình bày một dự án khác hiện đang tiến hành.

Linh mục Trăng Thập Tự

100 NĂM NGÀY SINH HÀN MẠC TỬ

100 NHÀ THƠ CÔNG GIÁO MỚ

BÀI PHÁT BIỂU

CỦA ANH NGUYỄN THANH XUÂN,

TRONG BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

TRONG BUỔI TRAO GIẢI

DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ

THUỘC GIÁO TỈNH HUẾ

TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

15-7-2011

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời, Ban Tổ Chức nhận ra rằng cuộc thi có duyên nợ với Hàn Mạc Tử, nhà thơ tài hoa của văn học Việt Nam nói chung và của giới Công giáo nói riêng. Cuộc thi khởi đầu năm 2010, trùng với kỷ niệm 70 năm Hàn Mạc Tử qua đời, 11/11/2010, và kết thúc năm 2011 khi chúng ta chuẩn bị mừng 100 năm sinh nhật của anh, 22/9/2012.

Chúng con muốn đề cập tới Hàn Mạc Tử trong buổi trao giải dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh miền Trung này vì anh vốn gắn liền với miền Trung. Anh sinh tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình ngày 22/9/1912. Năm 12 tuổi, học tiểu học tại Quảng Ngãi, 14 tuổi học tại Qui Nhơn, 16 tuổi học tại Huế - rồi 18 tuổi làm công chức tại Qui Nhơn và sau một thời gian làm báo ở Sài Gòn, khi biết mình mắc bạo bệnh, anh quay về Qui Nhơn tìm phương chữa trị. Cuối cùng, anh từ giã cõi đời tại bệnh viện phong Qui Hòa, Qui Nhơn, ngày 11/11/1940.

Trong năm 2000, giới Công giáo Việt Nam đã có một số sinh hoạt kỷ niệm 70 năm anh qua đời. Hai cụ Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê cho xuất bản quyển Như Hương Trầm Bay Lên, công bố một tài liệu nhiều chục năm qua vẫn ở trong vòng thầm lặng. Tài liệu cho thấy nhà thơ trẻ tuổi này là một Kitô hữu rất thánh thiện. Cùng lúc với tập tài liệu ấy về sự thánh thiện của Hàn Mạc Tử, linh mục Trăng Thập Tự viết một tập mỏng, Hàn Mạc Tử - người Kitô hữu trẻ trên đường vào nội tâm, dựa vào giáo thuyết dòng Cát Minh để trình bày bước nhảy vọt trên hành trình tâm linh của Hàn Mạc Tử, trả lời cho câu hỏi bí ẩn: tại sao trước khi biết mình mắc bệnh phong, Hàn Mạc Tử làm thơ hay và sau khi biết, anh lại làm thơ cực hay? Tại sao trước đó hầu như anh chỉ làm thơ đời mà sau đó anh lại làm thơ đạo là chính.

Bài viết đã được tác giả chia sẻ trong ngày sinh hoạt tưởng niệm 70 năm Hàn Mạc Tử, tại khu điều trị phong Qui Hòa. Đây là một ngày sinh hoạt đặc biệt, từ sáng tới chiều ngày 06/11/2010, quy tụ gần 130 người, chủ yếu là sinh viên Công giáo, buổi sáng nghe thuyết trình, thảo luận, dâng lễ; buổi chiều dành cho thơ nhạc Hàn Mạc Tử và viếng mộ nhà thơ tại Ghềnh Ráng.

Việc tưởng niệm Hàn Mạc Tử còn được thực hiện tại Xã Đoài chính ngày 11/11/2010 với những bài nói chuyện của Linh mục Trăng Thập Tự dành cho cộng đồng linh mục, cho các chủng sinh và cho các nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Sau đó một tuần, có thánh lễ cầu nguyện và đêm thơ Hàn Mạc Tử tại hội trường An Phong DCCT Sài Gòn.

Nối dài những tưởng niệm ấy, Ban Tổ chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời muốn nhân cơ hội này công bố một cố gắng đang được thực hiện hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Đó là bộ sưu tập mang tên “100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử - 100 nhà thơ Công giáo mới”. Như lời Chúa Kitô, từ một hạt giống mục nát đã nẩy nở hàng trăm. Công việc sẽ do chuyên san Đồng Xanh Thơ của Mạng Lưới Dũng Lạc và CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn hợp tác thực hiện.

Trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại Sài Gòn, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa HĐGMVN, đã ngỏ ý mong Ban Tổ chức cuộc thi chúng con tiến hành tổ chức một cuộc thi viết kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử. Thế nhưng vì phải dành nội lực cho việc thực hiện bộ sưu tập, thay vì tự mình tổ chức, chúng con sẽ đạo đạt nguyện vọng lên Hàng Giáo Phẩm xin tổ chức giải thưởng ấy ở quy mô các Giáo tỉnh, mỗi Giáo tỉnh có một Ban Tổ chức riêng. Như thế sẽ dễ bề thúc đẩy hoạt động của các CLB văn thơ các giáo phận.

Bộ sưu tập sẽ gồm 4 quyển. Quyển đầu dành 2/3 số trang cho Hàn Mạc Tử và 1/3 còn lại cho mười tác giả khác. Ba quyển sau, mỗi quyển giới thiệu 30 tác giả. Mỗi tác giả sẽ có từ 5 đến 15 bài thơ, ảnh chân dung, tiểu sử và bài cảm nghiệm đức tin. Ban sưu tập không làm công việc bình thơ. Thay vào đó, mỗi tác giả sẽ tự chia sẻ về cảm nghiệm đức tin của mình, để giúp độc giả dễ cảm nhận thông điệp Kitô giáo của tác giả.

Cho đến nay, chúng con đã chọn được tác phẩm và thu thập các thông tin cá nhân nói trên của 30 tác giả. 40 tác giả khác đã được chọn bài xong và đang thu thập thông tin cần thiết.

Chắc hẳn chìm ẩn trong lòng các giáo xứ và các dòng tu còn có nhiều nhà thơ đáng chú ý. Chúng con ước mong được quý Ban mục vụ Văn hóa các giáo phận cũng như các Dòng tu tiếp tay giúp cho công cuộc sưu tập sớm hoàn thành. Với sự giúp đỡ của nhiều người, chúng con hy vọng sẽ có được tác phẩm của trên 130 tác giả. Chúng con sẽ chọn 100 tác giả đầu tiên có đủ thông tin cá nhân để giới thiệu trong dịp này. Chúng con cũng ước mong có thể dành ưu tiên cho 10 tác giả dưới 28 tuổi, tuổi của Hàn Mạc Tử. Ước mong quý vị hữu trách nhiệt tình cổ võ giúp chúng con để bộ sưu tập sớm hoàn thành và phong phú giá trị.

Huế, ngày 15-7-2011

Tm Ban Tổ Chức

Tađêô Nguyễn Thanh Xuân

Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn

LỜI CẢM TẠ

Trọng kính quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc lễ trao giải là lúc để chúng con chân thành thốt lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa và Hội Thánh. Chúng con biết ơn Đức Tổng mặc dù sức khỏe không cho phép vẫn ưu ái hiện diện với chúng con suốt buổi trao giải. Chúng con biết ơn Đức Cha Phụ tá đã yêu thương nâng đỡ chúng con, biết ơn Cha Giám đốc TTMV và cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Tổng giáo phận Huế/ cùng các cộng sự viên của hai cha/ đã nhiệt tình và vất vả hy sinh/ để tổ chức cuộc lễ cho chúng con. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha Tổng Đại Diện, quý Cha và quý khách đã bỏ thời giờ đến hiệp thông với chúng con. Xin cám ơn quý đại diện các giáo phận, các tác giả đạt giải cũng như các tác giả khác, đã vượt đường xa đến tham dự buổi gặp gỡ và lễ trao giải.

Với tư cách trưởng đoàn giáo phận Qui Nhơn, con còn phải có một lời cám ơn riêng trước tình thương mà Đức Tổng, Đức Cha Phụ tá, cha Giám đốc TTMV và cha Trưởng ban Thánh nhạc dành cho cá mầm non văn thơ của giáo phận chúng con.

Để tỏ lòng biết ơn, tất cả anh chị em bạn thơ và bạn văn chúng con, lớn cũng như nhỏ, nguyện hứa sống tinh thần Hội Thánh mà hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời gợi hứng cho chúng con.

Hai cuộc thi đều bắt đầu từ việc xướng họa thơ Đường. việc xướng họa dạy ta một cách sống rất đẹp trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. Với Đức Kitô là Đầu, chúng ta sống tâm tình phu xướng phụ tùy. Còn giữa mọi anh chị em trong Hội Thánh, chúng ta sống cái tương kính của việc xướng họa. Không “thách họa” để chơi nhau chí tử như nhiều trường hợp ở đời nhưng “mời họa” với tấm lòng ưu ái và trân trọng, vừa tôn trọng cái khác biệt vừa phát huy nét độc sáng, tạo nên cảnh vừa hài hòa vừa phong phú. Luật khắc lục không cho phép ta lười lĩnh dẫm chân lên nhau nhưng phải không ngừng sáng tạo.

Đi xa hơn kinh nghiệm xướng họa, diễn tiến cuộc thi cũng gợi hứng về tinh thần Hội Thánh. Chúng con không thực hiện sáng kiến mình cách riêng lẻ nhưng đã đặt nó dưới sự chuẩn thuận của vị Giám mục có trách nhiệm và xin sự hỗ trợ của nhiều Giám mục khác. Diễn tiến ấy dạy chúng con bài học tìm kiếm sự hài hòa giữa đoàn sủng và cơ cấu, phát huy sáng kiến của mình nhưng luôn bước đi trong sự hiệp thông và vâng phục các Chủ chăn và trong niềm đồng cảm mạnh mẽ với Hội Thánh.

Với tinh thần ấy, một lần nữa, chúng con chân thành cảm tạ và xin kính mời tất cả chúng ta cùng kết thúc buổi lễ trao giải này với lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô.

Linh mục Trăng Thập Tự

3. BUỔI TRAO GIẢI TẠI HẢI PHÒNG

VÀI KINH NGHIỆM KHẢ THI VỀ

MỤC VỤ VĂN THƠ CÔNG GIÁO

BÀI PHÁT BIỂU

CỦA BAN TỔ CHỨC

CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI

TRONG BUỔI TRAO GIẢI

DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ

THUỘC GIÁO TỈNH HÀ NỘI

TẠI TÒA GIÁM MỤC HẢI PHÒNG

19-7-2011

Con xin được kính chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Thầy, Quý Nữ tu và tất cả Anh Chị Em,

Anh em Ban Tổ Chức giải Nhánh Huệ Nước Trời hết sức vui mừng khi được Đức Cha Giuse cho phép và, hơn nữa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể tổ chức buổi trao giải dành cho các tác giả Giáo tỉnh Hà Nội tại Tòa Giám Mục Hải Phòng này. Chúng con nghĩ tới Hải Phòng chứ không phải nơi khác, vì ở đây đã có một câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo, Câu lạc bộ Tâm Nguyện Hải Phòng, mà chúng con đã được quen biết từ vài năm qua.

Kính thưa Quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Năm 2000 có một cuộc gặp gỡ khoảng 10 người giới cầm bút Công giáo tại nhà cụ Phạm Đình Khiêm ở Sài Gòn. Năm 2006, một cuộc gặp gỡ khác đông hơn, cũng tại Sài Gòn, ở hoa viên Hiệp Nhất, giữa những người quan tâm tới thơ văn Công giáo Việt Nam. Ghi nhận chung của cả hai lần ấy là sự thiếu vắng trầm trọng những người cầm bút Công giáo có thực lực, cách riêng nơi lớp trẻ, cả ở hàng ngũ giáo dân lẫn linh mục và tu sĩ.

Giới Công giáo đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ nhưng tới nay, trên diễn đàn văn học mới, chúng ta chỉ có sự đóng góp duy nhất của một người là nhà thơ Hàn Mạc Tử. Sự vắng mặt này thật đáng lo ngại cho tương lai việc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam. Những công cuộc vận động đổi mới về chính trị, xã hội và văn hóa xưa nay từ Tây sang Đông, sở dĩ thành công, đều nhờ đã có những tác giả nêu cao được một lý tưởng có sức thuyết phục dân chúng. Mức độ thấm nhuần của một giáo thuyết nơi một dân tộc cũng được đo lường qua những tác phẩm văn học nghệ thuật nó gợi hứng cho dân tộc ấy.

Như thế, nếu không sớm có một nỗ lực rộng lớn để khắc phục sự thiếu vắng người cầm bút, e rằng Đạo Chúa tại Việt Nam khó ăn sâu vào lòng dân tộc và khó tiếp nối được đà phát triển của những thế kỷ mới bắt đầu truyền giáo.

Cùng lúc với những bận tâm của anh em trong nước, năm 2005 tại Mỹ, cha Anrê Dũng Lạc Trần Cao Tường (1946-2010) đã có sáng kiến quy tụ các tác giả Công giáo trên một trang mạng truyền thông có tên là: MẠNG LƯỚI DŨNG LẠC. Công việc của ngài rất có kết quả. Năm 2006, khi ngài về thăm Việt Nam, một vài anh em chúng con đã đề nghị ngài dành vài góc trên mạng cho các tác giả Công giáo trẻ. Từ đó đã có một chuyên san về thơ, mang tên Đồng Xanh Thơ, và một chuyên san về văn, tên là Vườn Ôliu. Nhờ đó, chúng con đã có được hai cuộc gặp gỡ các tác giả tại Tòa Giám Mục Phan Thiết, ngày 20-1-2008 và 20-1-2010. Hai cuộc gặp gỡ này đã đưa ra định hướng tổ chức các cuộc thi viết và vận động xây dựng các câu lạc bộ sáng tác từ cấp giáo xứ đến giáo phận để các tác giả giúp nhau nâng cao tay nghề và cùng nhau chăm sóc cho những mầm non văn chương trong giáo phận hoặc giáo xứ.

Hai cuộc thi Sen Giữa Lầy (2010) và Nhánh Huệ Nước Trời (2011) cùng với chương trình Chương trình Góp nhặt thơ đã giúp chúng con bắt liên lạc được với một số tác giả giáo tỉnh Ha Nội, đưa đến cuộc gặp gỡ hôm nay.

Về việc xây dựng các Câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo, đã lần lượt đã đời các Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn, Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, Đồng Xanh Thơ Nha Trang, Chút Tâm Tình Đà Nẵng rồi Đồng Xanh Thơ Xuân Lộc, và trong tháng qua vừa mới có thêm Câu lạc bộ Thi Ca Cầu Nguyện… Câu lạc bộ Xuân Lộc khởi đầu với ba thành viên giáo dân, đều ở những giáo xứ miền quê, thế nhưng đã tổ chức được một cuộc thi cho các em Juniores của Legio Mariae. Câu lạc bộ Qui Nhơn đã tổ chức được hai cuộc thi mang tên “Giải văn thơ linh mục Đặng Đức Tuấn” dành cho các em học sinh giáo lý, một vào năm 2010 và một vào năm nay, 2011.

Các cuộc thi ở Qui Nhơn cũng như hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời do một vài linh mục xướng xuất, dù sao vẫn có sự thuận lợi và dễ được hỗ trợ. Còn cuộc thi của Câu lạc bộ Xuân Lộc là sáng kiến của một nhóm nhỏ giáo dân nông thôn. Họ biết rõ khả năng mình hạn hẹp, tuổi tác đang cao dần, nhưng không thể ngồi yên trước nhu cầu khẩn cấp phải gây ý thức cho lớp con cháu trau dồi tiếng Việt. Họ đủ nhiệt tình và sự tận tụy để tổ chức cuộc thi nhưng thiếu một chỗ dựa, chưa kể là thiếu tiền bạc. May thay, có một linh mục đồng cảm đã nhận làm linh hướng đỡ đầu để cuộc thi có đủ thế giá. Tiếp đó, họ đã vận động xin từng quyển sách làm phần thưởng cho các em. Cuộc thi đã đạt một kết quả đáng khích lệ không ngờ.

Những cuộc thi văn thơ cho học sinh giáo lý là một phương tiện tốt để gieo trồng và đào tạo ơn gọi. Cả những em không theo ơn gọi sống đời thánh hiến cũng dễ trở thành những tín hữu nhiệt thành và giàu khả năng cho Nước Chúa.

Nhiệt tình của những người tổ chức các cuộc thi nhỏ là tín hiệu ứa lệ cho thấy khoảng trống về việc đào tạo nhân sự cho Hội Thánh tại Việt Nam thật đáng sợ. Chúng ta đang dùng những kinh phí khổng lồ cho việc xây dựng các cơ sở vật chất, còn việc đào tạo nhân sự đang có nguy cơ bị bỏ quên. Chỉ cần can đảm trích 2% số tiền xây nhà cửa để dùng vào việc đào tạo giáo dân, tương lai của Hội Thánh Việt Nam sẽ sáng sủa hơn.

Nỗ lực của những người tổ chức các cuộc thi nhỏ rất đáng suy nghĩ. Nếu mỗi giáo xứ, giáo hạt, giáo phận và cả giáo tỉnh chính thức đứng ra lo việc cổ võ học tiếng Việt, từ những cuộc thi viết, những hội thi đọc sách, mở thư quán tại giáo xứ, mở đại lý sách Công giáo tại các giáo hạt, đến việc thi đua làm nội san bằng vi tính, xây dựng Câu lạc bộ sáng tác tới tận các họ đạo hẻo lánh… chắc hẳn chúng ta sẽ có rất nhiều ơn gọi được chuẩn bị tốt để cung ứng cho cánh đồng truyền giáo năm châu. Thật vậy, việc quan tâm rèn luyện tiếng Việt – từ chỉnh sửa nét chữ, viết chính tả đúng, dùng từ đúng, đặt câu đúng, sắp đặt ý tưởng mạch lạc – sẽ giúp định hướng và đào tạo nền móng cho việc xây dựng nhân cách và các đức tính nhân bản.

Do hậu quả của văn hóa nghe nhìn và các tiện nghi dễ dãi, việc nói tiếng mẹ đẻ không chuẩn, viết sai chính tả, đặt câu sai, diễn ý mơ hồ và lạc đề,… là tình trạng chung của cả nước, thậm chí của nhiều nước. Trong các lãnh vực xã hội, việc suy thoái văn hóa đọc và văn hóa viết không ngăn cản đà tiến của khoa học và kinh tế, mọi sự được thay thế bằng ngôn ngữ tin học… Thế nhưng đối với người Kitô hữu, sự suy thoái ngôn ngữ hết sức đáng ngại, bởi lẽ chúng ta chịu trách nhiệm về Lời mạc khải của Thiên Chúa. Các con cái Thiên Chúa, từ linh mục đến giáo dân, cần phải được trang bị khả năng hiểu đúng, nói đúng và viết đúng tiếng mẹ đẻ - rồi thêm một bước nữa, nói hay và viết hay… thì mới có thể hoàn thành chức năng ngôn sứ mà hai bí tích Rửa tội và Thêm sức đã trao tặng.

Qua những năm làm tông đồ trong lãnh vực này, chúng con thấy có bốn kinh nghiệm khả thi:

- Kinh nghiệm thứ nhất là quy tụ và đào tạo bằng Internet. Chúng ta hiện thiếu vắng những trường ốc có bài bản để đào tạo nhân sự về văn học nghệ thuật. Internet quả là một lợi khí để bù lấp sự thiếu vắng ấy. Sáu năm qua, công việc của chúng con chỉ là một công việc có tính văn nghệ, do sáng kiến của một vài linh mục và giáo dân, mà đã thu hoạch một số kết quả đáng kể. Nếu một công việc như thế được chính Hàng Giáo Phẩm chủ trương, định hướng và ủy nhiệm nhân sự điều hành, chúng ta có thể nghĩ tới một chương trình đào tạo có hệ thống…

- Kinh nghiệm thứ hai là sự quy tụ thành các câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo. Sự gặp gỡ giữa những anh chị em cùng chí hướng giúp người cầm bút vững tin, không còn thấy lẻ loi; họ có thể trao đổi với nhau kinh nghiệm sáng tác, sự hiểu biết, kinh nghiệm cầu nguyện, nỗi thao thức Nước Trời để giúp nhau trở thành những ngôn sứ, biết nói và dám nói theo quan điểm của Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài. Các câu lạc bộ cũng có thể tùy khả năng mà đóng góp chuyên môn của mình cho việc chăm sóc các mầm non văn chương ở cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Câu lạc bộ cũng giúp vun trồng tinh thần Hội Thánh, mở lòng lo cho Hội Thánh; thay vì loay hoay tự hào chăm chút mảnh vườn riêng nho nhỏ, đắc ý với những khen tặng của khách thăm vườn, họ sẽ quên mình để dấn thân lo cho cánh đồng của Chúa.

- Kinh nghiệm thứ ba là các cuộc thi. Cho đến nay, ngoài hai cuộc thi dành cho học sinh giáo lý tại Qui Nhơn được ban mục vụ Văn hóa của Giáo phận chính thức tổ chức, tất cả những cuộc thi khác – trong đó có hai cuộc thi giàu kết quả của Chương trình Chuyên đề tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, đều là do sáng kiến riêng của một số người tâm huyết. Một mặt sự kiện ấy nêu lên nguyện vọng sớm có những cuộc thi do các Bề Trên cấp cao trong Giáo Hội khởi xướng, và mặt khác, đang khi chờ đợi những cuộc thi chính thức từ các ban ngành cấp toàn quốc, giáo tỉnh hoặc giáo phận, sự kiện ấy cũng động viên các Câu lạc bộ mạnh dạn tổ chức những cuộc thi trong phạm vi của mình. Cụ thể là những cuộc thi nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Thiết tưởng đây sẽ là một cơ hội tốt để các Câu lạc bộ cùng giáo tỉnh liên kết với nhau và liên kết với các vị phụ trách mục vụ văn hóa trong khu vực để đẩy mạnh việc chăm sóc các mầm non văn chương của mình.

- Kinh nghiệm thứ tư là nguồn sinh lực phát xuất từ sự quan tâm. Những năm 1990, bắt đầu dấn thân làm tông đồ trong lãnh vực này, chúng con tìm đến tận nhà những anh chị em có năng khiếu thì đa số đã ném bút để cầm cuốc cầm cày. Thế rồi sự quan tâm của một linh mục đã lại đánh thức họ dậy. Khi tiến hành tổ chức cuộc thi, những giáo dân Câu lạc bộ Xuân Lộc cũng muốn gởi đến các cháu có khiếu văn chương lời nhắn nhủ rằng các cháu đang được ai đó quan tâm. Bởi lẽ kinh nghiệm bản thân đã cho họ thấy chỉ một chút quan tâm bé nhỏ nào đó từ phía Giáo Hội đã là một nguồn động viên lớn thúc đẩy họ rèn luyện ngòi bút phục vụ Thiên Chúa.

Qua cuộc thi viết lần thứ nhất, Sen Giữa Lầy, cả Ban Tổ Chức và các tác giả dự thi đều thấy ấm lòng vì những tín hiệu quan tâm của các Mục tử cấp cao. Với cuộc thi lần thứ hai, Nhánh Huệ Nước Trời, sự quan tâm ấy càng nổi rõ. Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Văn Hóa HĐGMVN đã xem cuộc thi như một sinh hoạt trực thuộc Ủy Ban. Đức Cha Micae Giám mục Giáo phận Kontum đã giúp chúng con rất nhiều về kinh phí. Đức Cha Vinh Sơn Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột đã bỏ giờ đọc bài và lượng giá chung khảo. Đức Cha Matthêô Giám mục phó Giáo phận Quy Nhơn đã viết bài giới thiệu cho Tuyển tập của cuộc thi. Đức Tổng Giám Mục Stêphanô và Đức Cha Phanxicô Phụ tá của Ngài đã giúp chúng con có điều kiện tổ chức trao giảo tại Huế. Chính hôm nay, Đức Cha Giuse của Giáo phận Hải Phòng này/ đang là chỗ dựa cho chúng con tổ chức việc trao giải dành cho các tác giả thuộc giáo tỉnh Hà Nội, đồng thời sự hiện diện của Đức Tổng Phêrô và quý Đức Cha… Tất cả đã và đang nói lên sự quan tâm ưu ái. Bên cạnh đó còn có một sự quan tâm âm thầm nhưng hữu hiệu: Quý Cha Giám đốc và Giám học của các Đại chủng viện Nha Trang, Huế và Hà Nội đã cho phép và khuyến khích anh em chủng sinh tham gia cuộc thi, nhờ đó, giờ đây tại cả hai giáo tỉnh Huế và Hà Nội đã nổi rõ lên một số khuôn mặt những linh mục tương lai nhiệt tình với mục vụ văn học nghệ thuật…

Chúng con xin chân thành cảm tạ và ước mong những quan tâm ưu ái như thế sẽ ngày càng tăng tốc thật nhanh để lỗ hổng khủng khiếp nói trên sớm được lấp đầy.

Chúng con xin hết lời.

Tm Ban Tổ Chức

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

LỜI CÁM ƠN

Trọng kính Quý Đức Cha, Quý Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc lễ trao giải là lúc để chúng con chân thành thốt lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa và Hội Thánh.

Chúng con xin ngợi khen và cảm tạ tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Từng bước trong hành trình cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời lần này cũng như cuộc thi Sen Giữa Lầy lần trước, chúng con như sờ đụng được ơn an ủi, dạy dỗ và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha nhân lành đã gởi đến để chúng con học hành động vì Chúa Kitô với lòng yêu mến. Chúng con xin cảm tạ Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Trong âm thầm lặng lẽ, Đức Trinh Nữ và Đấng Che Chở giữ gìn đức khiết tịnh đã nhắc bảo, dìu dắt và phù trợ để cả hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời không những về văn chương nghệ thuật nhưng nhất là về mục vụ văn hóa.

Xin chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì những ơn lành đã ban trên cuộc gặp gỡ sáng nay.

Chúng con xin chân thành cám ơn quý Đức Cha, quý Cha và quý khách đã bỏ thời giờ đến hiệp thông với chúng con. Mặc dù chúng con gửi thư mời khá muộn màng, quý Đức Cha, quý Cha và quý vị vẫn sẵn lòng gác bỏ công việc để đến tham dự. Cả những Đức Cha không đến được cũng đã bày tỏ niềm đồng cảm, sự động viên và gửi các Cha đại diện đến tham dự. Sự hiện diện tích cực và năng động của quý Đức Cha và quý Cha đại diện quả là một sự khẳng định đầy hứa hẹn cho tương lai của văn học nghệ thuật Công giáo Việt Nam.

Cách riêng chúng con chân thành cảm tạ Đức Cha Giuse đã thương đón nhận chúng con, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để chúng con có được buổi trao giải và gặp gỡ dành cho các tác giả giáo tỉnh Hà Nội. Đức Cha đã tận tình chia sẻ và gợi cho chúng con những ý tưởng chính xác rất quý báu cho việc tổ chức, hơn nữa, giờ đây Đức Cha còn giúp chúng đúc kết buổi thảo luận trao đổi và cho chúng con những định hướng tốt lành.

Chúng con xin cám ơn cha Quản Lý giáo phận và anh chị CLB Tâm Nguyện Hải Phòng đã nhiệt tình giúp đỡ trong những việc tổ chức cụ thể.

Xin cám ơn các tác giả đạt giải cũng như các tác giả khác, đã vượt đường xa đến tham dự buổi gặp gỡ và lễ trao giải.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị giám khảo, quý ân nhân đã giúp đỡ tinh thần và vật chất, tiền bạc cũng như phương tiện truyền thông. Xin cám ơn các tác giả đã gởi bài dự thi, các tác giả đã viết bài, làm thơ, dệt nhạc và họa tranh ủng hộ cuộc thi. Chúng tôi cũng không quên cám ơn quý độc giả đã, đang và sẽ hưởng ứng thông điệp của cả hai cuộc thi: tôn vinh Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse đồng thời noi gương các ngài trên đường khiết tịnh cũng như các nhân đức khác.

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho cộng đồng Dân Chúa Việt Nam tại quê nhà cũng như hải ngoại để chúng ta tích cực làm chứng cho Chúa Kitô và các giá trị Tin Mừng trong thời buổi đầy thách đố này.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban đầy ân sủng và bình an cho mỗi người chúng ta để tất cả cùng góp phần xây dựng hữu hiệu cho một nền văn minh của tình thương và sự sống.

Trong tâm tình biết ơn và quyết tâm sống Tin Mừng, và để kết thúc buổi lễ trao giải cũng như kết thúc cuộc thi, xin kính mời quý Đức Cha, quý Cha và tất cả anh chị em cùng nguyện kinh Thánh Cả Giuse và dâng lên Thiên Chúa lời kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô.

Linh mục Trăng Thập Tự

NGUYÊN VĂN LỜI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC CHA F. X. LÊ VĂN HỒNG, GIÁM MỤC PHỤ TÁ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Trong tài liệu: MỤC VỤ VĂN THƠ CÔNG GIÁO 2: NHỮNG CHIA SẺ CỦA CÁC CHỦ CHĂN – chúng con đã đăng lời phát biểu của Đức Cha F. X. Lê Văn Hồng, được ghi lại từ file mp3. Trong file mp3 thiếu mất câu đầu tiên, và có một vài chỗ âm thanh bị nhiễu, không được rõ. Nay chúng con đã xin được chính bản văn của Đức Cha, chúng con đã thay lại nội dung này vào tài liệu số 2 lưu trên Vietcatholic, đồng thời xin đăng lại ở đây để độc giả tiện tham khảo. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha.

Lm Trăng Thập Tự

Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Têphanô.

Kính thưa quý cha trong BTC

Kính thưa quý đại biểu đến từ các giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế

Kính thưa quý Ban giảng huấn của lớp huấn luyện ca trưởng

Kính thưa quý tác giả đạt giải thưởng hôm nay

Tòa Tổng Giám Mục Huế hân hoan chào đón và cám ơn tất cả quý vị về với Trung tâm mục vụ Huế để tổ chức lễ trao giải " Nhành Huệ Nước Trời", nhằm tôn vinh Thánh Cả Giuse và cổ võ đời sống khiết tịnh.

Xin cám ơn Ban tổ chức đã có những thao thức trăn trở cho việc phát triển văn học công giáo, và công việc sáng tác văn thơ mang đậm dấu ấn Tin Mừng và niềm tin kitô giáo.

Xin cám ơn các tác giả đã hăng hái tham gia cuộc thi để phát triển văn học công giáo của chúng ta.

Như chúng ta biết, từ ngày Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt Nam, gần 400 năm nay (1615), hồn thơ của các thi sĩ công giáo đã tìm gặp thêm một nguồn cảm hứng mới không bao giờ khô cạn cho nền văn thơ và những bài viết chuyển tải Tin Mừng và niềm tin Kitô giáo.

Gần đây nhà thơ Lê Đình Bảng đã có công gom góp và hình thành bộ sách "Ở Thượng Nguồn Thơ Ca Công Giáo Việt Nam". Qua pho sách nầy, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy rằng có rất nhiều người công giáo đã biết khai thác và múc kín cảm hứng thi ca qua Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Có thể nói Tin Mừng đã thấm đượm văn thơ, câu hò, tiếng hát và văn học mang dấu ấn Tin Mừng, có khả năng chuyển tải đến tâm hồn con người niềm tin kitô giáo.

Tuy nhiên đã có một thời giai dài, vì hoàn cảnh chiến tranh , vì thời cuộc chính trị phong trào sáng tác của các nghệ sĩ công giáo xem ra đã im hơi lặng tiếng hoặc chưa được cổ võ đúng mức. Hy vọng rằng những cuộc thi văn thơ như thế này sẽ là một điểm nhấn và là một khích lệ lớn lao cho phong trào sáng tác thơ văn Công giáo trong tương lai.

Xin chúc mừng các tác giả dự thi và nhất là các tác giả đoạt giải hôm nay.

Xin cầu chúc cho phong trào sáng tác văn thơ Công giáo phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Xin cám ơn Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo, và tất cả quý vị đã tích cực góp phần cho cuộc thi " Nhành Huệ Nước Trời" hôm nay. Mong rằng trong tương lai sẽ còn những tổ chức khác tương tự để giúp cho những tài năng trẻ có cơ hội phát triển.

Riêng về nguyện vọng mà nhà thơ Trăng Thập Tự đã nêu lên về những giải thưởng cấp Giáo tỉnh để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử, tôi hy vọng rằng UBVH /HĐGMVN và các ĐGM sẽ lưu tâm một cách nào đó để đáp ứng nguyện vọng nầy.

Xin Thiên Chúa và Mẹ La Vang chúc lành cho những nổ lực phát triển văn học công giáo Việt Nam. Xin chân thành cám ơn.

+ FX Lê Văn Hồng

Giám Mục Phụ Tá Huế