Huấn đạo theo Thánh Kinh
Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ
Chương 11. Loạt bài Sự sống siêu nhiên
11.1. Tâm trí
Viễn ảnh
(Is. 55:1-8; Rm. 12:1-2) Hãy ngừng suy nghĩ về bản thân và ý chí của mình, hãy giữ trí hiểu và ý chí của bạn thinh lặng, khi đó bạn sẽ sẵn sàng tiếp nhận các dấu in của Lời và Thánh Thần vĩnh cửu. Hãy nhìn linh hồn bạn trên hết quá bên kia các giác quan và hãy để những suy nghĩ Thánh thiện khóa chặt trí tưởng tượng của bạn, mở đường cho việc Nghe, việc Xem và việc Nói Vĩnh Cửu được bộc lộ trong bạn. Bây giờ bạn là cơ quan của Thánh Thần Người, và vì vậy Thiên Chúa nói trong bạn, thì thầm với tinh thần bạn, và tinh thần bạn sẽ nghe thấy tiếng Người.
Hy vọng
(Cr. 5:17; Rm. 4:13,15,17-20; Rm. 5:1-2) Nếu bạn có thể đứng yên trước việc tự suy nghĩ và tự ước muốn, thì cuối cùng bạn có thể sẽ thấy sự cứu rỗi vĩ đại của Thiên Chúa, được làm cho có khả năng thực hiện mọi loại cảm giác Thần linh và Thông đạt Thiên đàng.
(St. 2:7; St. 1:26-27; Rm. 6:17-18; 2 Cr. 4:16) Con người xuống và phát khởi từ đất, được ban cho sự sống Đời đời bởi hơi thở của Thiên Chúa. Sự sống này được ban cho trước khi con người có thể suy nghĩ và có ước muốn cho chính mình. Thiên Chúa khởi xướng và kích hoạt suy nghĩ và ý muốn của con người. Sự sống của con người ở trong Thiên Chúa và sự sống này đã nhập vào thân xác. Như vậy nếu bạn giữ thinh lặng và im lặng như khi Chúa tạo nên bản chất con người thì bạn sẽ nghe được tiếng Chúa phán.
(Cl. 3:1-3; Gcb. 4:6-10; Mt. 10:37-38) Để nghe tiếng Thiên Chúa, cần phải có ba điều:
1. Giao phó ý muốn của bạn cho Thiên Chúa và nhận ra rằng bạn hiện hữu chỉ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa.
2. Ghét ý chí của chính mình và chống lại việc làm những gì ý chí của bạn thúc đẩy bạn làm.
3. Hãy đặt linh hồn mình dưới chân Thập Giá và chết hàng ngày trước những cám dỗ của xác thịt và những điều của đời sống.
(Ga. 1:1-4,10,16; 1 Ga. 2:16; 1 Ga. 5:1-5) Thế gian chỉ là hình ảnh, cái bóng của Bản thể và Thực tại vốn là Chúa Kitô: vì mọi sự đều được tạo nên bởi Người. Chúng ta đã nhận được sự viên mãn của Ngài, đó là trạng thái sống vượt lên trên những hình ảnh, hình bóng và bóng tối của thế giới được tạo dựng này. Chúng ta cai trị các tạo vật trong Chúa Giêsu, mà từ Người mọi sự được tạo thành. Vì vậy, chúng ta phải được Chúa Kitô cai trị và trong Người, chúng ta phải cai trị và kiểm soát mọi sự.
Thay đổi
( Mt. 18:3-4; Ga. 15:4-5; Lc. 9:23-24 Pl. 2:12-13; 1 Ga. 5:19-21 ) Chúng ta phải nương tựa vào Chúa trong mọi việc. Khi chúng ta phụ thuộc vào Tác giả và Nguồn gốc của vạn vật và trở nên giống Ngài trong mọi sự phụ thuộc bằng sự kết hợp ý chí của tôi với ý muốn của Ngài, khi tôi dâng những ước muốn và ý muốn của mình cho Chúa, và tôi không nhận được điều gì mới mẻ cho bản thân mình, thì tôi sẽ được tự do khỏi mọi sự và sẽ cai trị chúng với tư cách là Hoàng tử của Thiên Chúa.
( Mt. 28:18-20; Ga. 15:5; 1 Cr. 1:30; Pl. 4:13; Cn. 14:12; Cn. 21:1) Chúa Kitô là sức mạnh cứu rỗi và sức mạnh của cuộc đời tôi. Tôi có thể làm được mọi sự nhờ đức tin được Người tác động trong tôi. Nhưng tôi phải từ bỏ cả cuộc đời mình và phó thác hoàn toàn ý muốn của mình cho Người và không mong muốn điều gì nếu không có Người. Tôi không hài lòng với lý luận và khả năng của mình, nhưng đặt chúng tất cả dưới chân Thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, ý chí của tôi sẽ bước đi trên Thiên đường, tôi sẽ nhìn mọi sự bên ngoài bằng lý trí của mình và bên trong bằng tâm trí của mình. Vì vậy, tôi sẽ cai trị mọi sự và trên mọi sự với Chúa Kitô Đấng mà mọi quyền năng được ban cho trên trời và dưới đất.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Ga. 15:5
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: những câu Kinh Thánh được chọn ở trên.
Cởi bỏ/Mặc vào: Hãy xét bất cứ điều gì bạn mong muốn hoặc sở hữu xem xem nó kiểm soát hay sở hữu bạn: tài năng, năng khiếu, kỹ năng, tham vọng, sự giàu có, sự nghiệp, gia đình, con cái, nhà cửa, thú vui, ham muốn, v.v.. Hãy ghi nhớ nguyên tắc này: ý nghĩa của cuộc sống là để Thiên Chúa mạc khải sự sống của Người qua bạn cho người khác theo những tài năng và ân phúc mà Người đã ban cho bạn. Đánh giá và đo lường suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn cho phù hợp. Hãy soạn ra Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi” và Phần A.9, “Kế hoạch Dự phòng” cho những điều đang kiểm soát và ảnh hưởng quá mức đến bạn. Xem Phần 8.2, “Tội xác thịt/Bản ngã xác thịt” để biết thêm những hiểu biết thấu suốt.
Tham khảo: Xem [6] [Boehme1] để đọc thêm.
11.2. Ở lại (abiding)
Viễn ảnh
(Cl. 1:13 2 Tm. 4:17-18; 1 Cr. 6:16-20; Pl. 3:17-20) Tinh thần của chúng ta đã được chuyển hóa thành Ánh sáng cao nhất nhưng cơ thể chúng ta vẫn hiện hữu với các tạo vật. Về mặt tâm linh, chúng ta bước đi với Chúa, biết rằng trong tâm trí mình, chúng ta được cứu chuộc khỏi trần thế - tách biệt khỏi các tạo vật, để sống sự sống của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể ước muốn trong tâm trí rằng chúng ta tách biệt khỏi các tạo vật và lên đường xa lìa chúng. Vì vậy, trong tâm trí tôi, tôi ở với Thiên Chúa và Người điều hướng và dẫn dắt tôi nên phản ứng ra sao, trong cơ thể mình trên trái đất, trong mối quan hệ với các tạo vật. Nếu chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa thì Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong tôi. Như vậy, Chúa Thánh Thần ngự bên trong, ngự trong “ý chí” của tâm trí.
Hy vọng
(Ga. 15:5-7; Mt. 16:24-25; Eph. 4:22-24) Để biến điều này thành một thực tại, hãy để 'ý chí' của bạn tuân theo lời của Chúa Kitô, lúc đó, lời và Thánh Thần của Người sẽ lưu lại trong bạn. Nếu ý chí của bạn đi vào các thụ tạo, thì bạn sẽ bị xa cách Thiên Chúa vì các thụ tạo vẫn sống trong bạn, tức là trong những ham muốn thể xác của bạn. Hàng ngày chúng ta phải ý thức rằng chúng ta có thể nhanh chóng rơi vào cái bóng của sự vật. Vì vậy, hàng ngày chúng ta phải chết đối với các tạo vật và thực hiện việc muốn lên trời hàng ngày trong ý chí của mình.
( Gl. 6:14; Mt. 10:34-39; Ga. 16:3; 1 Ga. 2:2 ) Để ở lại trong trạng thái ăn năn và khiêm nhường, bạn phải rời bỏ điều yêu bạn và yêu điều ghét bạn. Tất cả những thứ làm bạn hài lòng và nuôi dưỡng bạn, ý chí của bạn sẽ sống nhờ nó và trân trọng nó. Tất cả những thứ trông thấy và cảm giác thấy mà nhờ đó trí tưởng tượng hoặc những ham muốn nhục dục được vui thích hoặc sảng khoái, ý chí của tâm trí bạn phải rời bỏ và từ bỏ, thậm chí coi đó là các kẻ thù. Đồng thời, bạn phải yêu những gì ghét bạn và thậm chí chấp nhận sự sỉ nhục của thế giới. Để làm được điều này, bạn phải học cách yêu mến Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô, và vì Người mà vui lòng trước những lời trách móc của thế gian ghét bỏ và chế nhạo bạn. Bị đóng đinh đối với thế gian và thế giới đối với bạn, bạn sẽ liên tục có lý do để ghét chính mình trong thụ tạo và tìm kiếm sự yên nghỉ vĩnh cửu là Chúa Kitô. Trong Người, bạn có thể được nghỉ ngơi và bình an, nhưng trong thế gian, bạn sẽ phải lo lắng: vì thế gian chỉ mang lại hoạn nạn.
(Cl. 3:1-3; 1 Ga. 2:15-16; 2 Cr. 5:19-20; 1 Pr. 4:19; 2 Tm. 1:12; Mt.26:8-9; 1 Ga. 1:7; Pl. 3:10) Để thực hiện được điều Chúa mong muốn, cần phải suy gẫm lời Thiên Chúa ít nhất nửa giờ đến một giờ mỗi ngày. Nhờ đức tin, bạn sẽ vượt qua mọi tạo vật, vượt lên trên những tri nhận và hiểu biết nhục thân và bước vào những đau khổ của Chúa, vào sự hiệp thông với sự chuyển cầu của Người. Từ đó, bạn sẽ nhận được quyền năng từ trên cao để thống trị sự chết và ma quỷ, cũng như chinh phục địa ngục và thế gian khi bạn chịu đựng mọi cám dỗ.
Bằng cách thực hành việc ở trước sự Hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta để cho mình được thấm nhập và mặc lấy Vẻ huy hoàng tối cao của Vinh quang Thiên Chúa. Bằng cách này, chúng ta sẽ nếm được tình yêu ngọt ngào nhất của Chúa Giêsu. Khi đó tâm hồn chúng ta sẽ cảm nhận được thập giá của Chúa Giêsu Kitô, rất vui lòng với nó - và từ đó, yêu mến thập giá hơn danh dự và của cải trần thế.
Thay đổi
(Rm. 12:1-2; Pl. 2:5; Pl. 3:10) Bạn phải sẵn sàng hy sinh thân xác, quyền riêng tư của mình và đổi mới tâm trí để tâm trí có thể thống trị thân xác theo ý muốn của Thiên Chúa. Thân xác sẽ chết ở bên ngoài đối với những phong tục và thời trang của thế gian, và chết ở bên trong cho các dục vọng và thèm muốn của xác thịt. Bây giờ có một tâm trí mới liên tục thuận phục Chúa Thánh Thần và hướng về Thiên Chúa. Thân xác trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Người theo gương thân xác của Chúa.
(1 Pr. 2:23; 1 Pr. 3:13-18) Bằng cách dâng linh hồn và tinh thần của chúng ta lên cho Thiên Chúa khi bị bắn phá từ bên trong và bên ngoài, thân xác sẽ thâm nhập vào chính nó và chìm đắm trong tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Như vậy nó sẽ được Thiên Chúa nâng đỡ và được tươi mới nhờ danh ngọt ngào của Chúa Giêsu. Thân xác sẽ tìm thấy bên trong mình một thế giới mới xuất hiện như thể qua cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thành tình yêu và niềm vui vĩnh cửu, sẽ mặc cho thân xác như với một chiếc áo.
Vì vậy, thế giới và các tạo vật không thể chạm vào họ khi họ vẫn còn trong tình yêu này bởi vì tình yêu này khiến họ trở nên bất khả xâm phạm cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Dù họ ở trên thiên đường hay dưới hỏa ngục, tất cả đều giống nhau đối với họ bởi vì tâm trí họ luôn ở trong tình yêu vĩ đại nhất của Thiên Chúa. Bây giờ họ có Thiên Chúa như bằng hữu. Các thiên thần là bạn hữu của họ. Thiên Chúa là người trợ giúp của họ, đủ cho mọi thứ trên thế giới này - dưới nó hoặc trên nó.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Pl. 3:10
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: những câu Kinh Thánh được chọn ở trên.
Cởi bỏ/Mặc vào:
Đọc Thư Do Thái chương 3 và 4. Liệt kê các lĩnh vực mà bạn tìm kiếm sự chấp thuận, chấp nhận, ý thức về giá trị và mục đích, nghĩa là cố gắng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống thông qua các tạo vật, đồ vật hoặc tài sản (thế giới, xác thịt và ma quỷ). Kiểm tra sự phụ thuộc về mặt cảm xúc (đồng phụ thuộc) vào người khác để được chấp nhận và chấp thuận thay vì tập trung vào Thiên Chúa và lời của Người. Xem lại Phần 5.10, “Chủ nghĩa duy hoàn hảo”.
Lưu ý: Mọi vật và tạo vật trên thế giới đều cạnh tranh với Thiên Chúa và là kẻ thù của Thiên Chúa, xem Gcb. 4:4-5; Cl. 2:9-19 và Mt. 10:37-39.
11.3. Nhân đức yêu thương
Viễn ảnh
( St. 1:1,31; Rm. 8:31,32,39; 2 Cr. 5:18-21; Eph. 2:4-5; Eph. 3:18-21;Tt. 3:4-5; 1 Ga. 3:13,16,19; Kh. 3:12) Nhân đức yêu thương của Thiên Chúa là nguyên tắc của mọi nguyên tắc; sức mạnh của nó hỗ trợ trời và nâng đỡ đất. Tình yêu, nguyên tắc cao nhất, là đức tính của mọi đức tính. Đó là cội nguồn thánh thiện mà từ đó mọi sự phát sinh, quyền năng Thánh từ đó mọi điều kỳ diệu của Thiên Chúa đã được thực hiện bởi bàn tay của những tôi tớ được chọn của Người. Ai tìm được tình yêu này sẽ tìm được tất cả.
Hy vọng
(St. 1:26-31; Dcr. 7:9; Cv. 1:8; Cv. 2:1-4; Rm. 12:1-2; Eph. 1:17-33;Pl. 3:10) Khi bạn ra khỏi tạo vật và những gì hữu hình, và trở thành hư không đối với tất cả những gì tự nhiên và tạo vật, thì bạn ở trong Đấng Hằng Hữu đó là chính Thiên Chúa. Ở đây bạn sẽ tri nhận được từ bên trong và cảm nhận được từ bên ngoài nhân đức cao nhất của tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa - sức mạnh của nó - ở trong và xuyên qua mọi sự. Và khi bạn cảm nhận được sức mạnh trong tâm hồn và thể xác của mình, ngọn lửa sẽ đốt cháy mọi cặn bã và mở tâm hồn rộng như toàn bộ sự sáng tạo của Thiên Chúa: vì tình yêu của Thiên Chúa hiện hữu trong tất cả sự sáng tạo của Người. Nhận ra được điều này chính là đặt Ngai vàng tình yêu vào trong trái tim của bạn.
( Đnl. 3:24; Gióp 9:4-10; Tv. 84:8,9,13; Cn. 21:30; Is. 40:12; 1 Cr. 13:7; Eph. 3:17-19; 1 Ga. 4:16-19) Nhân đức yêu thương này chính là sự sống và năng lực của tất cả các Nguyên tắc Tự nhiên. Nó vươn tới mọi thế giới, tới mọi cách thế hiện hữu. Công trình của tình yêu Thiên Chúa là động lực đầu tiên: cả trên trời lẫn dưới đất bên dưới và trong nước dưới đất. Sức mạnh của tình yêu nâng đỡ trời và nâng đỡ đất. Nếu tình yêu này thất bại hoặc rút lui thì thế giới sẽ tan biến như bụi bặm trước gió.
Tình yêu Thiên Chúa cao hơn các tầng trời cao nhất. Ngai của Thiên Chúa cao hơn nơi cao nhất nên tình yêu cũng phải tràn ngập vạn vật và thấu hiểu tất cả. Như vậy, tình yêu này khi được phép biểu lộ trong linh hồn - Ánh sáng của Thiên Chúa - bóng tối sẽ bị phá vỡ và những điều kỳ diệu của sáng thế mới sẽ được thể hiện thành công.
Tình yêu quả thực là nhân đức của mọi nhân đức, là người làm mọi việc. Đó là một năng lực sống mạnh mẽ xuyên qua mọi quyền lực, tự nhiên và siêu nhiên, xuyên qua toàn bộ sáng thế của Thiên Chúa: kiểm tra và chi phối mọi thứ.
Thay đổi
(Đnl. 30:19-20; Gs. 24:15; Mt. 26:29; Ga. 6:38-40; Ga. 14:23; 1 Cr.10:3-5; Pl. 2:12-13) Có hai ý chí hiện hữu: cái tôi giả tạo của xác thịt và những ham muốn; cái còn lại là con người thật, tinh thần con người hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Ý chí là bức tường phân cách hiện hữu trong linh hồn, phânn cách giữa hai nguyên lý hay hai trạng thái thiên đường và hỏa ngục. Ý chí thụ tạo không thể bị phá vỡ bởi bất cứ điều gì ngoại trừ Ân Sủng từ bỏ chính mình, vốn là lối dẫn vào mối hiệp thông đích thực của Chúa Kitô. Và điều này hoàn toàn được loại bỏ chỉ bằng cách hoàn toàn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa.
Không phải do nỗ lực của bản thân mà nhờ Ánh sáng và Ân sủng Thiên Chúa tiếp nhận vào linh hồn, bóng tối sẽ bị phá vỡ và làm tan chảy ý muốn của chính mình, và đưa nó vào sự vâng phục của Chúa Kitô. Khi đó ý chí tạo vật sẽ bị loại bỏ giữa bạn với Thiên Chúa và bản ngã thật. Việc chúng ta làm chỉ là vâng phục và thụ động trước Ánh Sáng của Thiên Chúa chiếu soi trong bóng tối tạo vật.
( Tv. 84:1-2,10,12; Cn. 14:12; Ga. 6:63; Gl. 5:16-18; Dt. 5:13-14 ) Chúng ta không được chống lại Mặt Trời Công Chính - Ánh Sáng Ân Sủng của Thiên Chúa - được đón nhận vào linh hồn chúng ta. Nhận hay không là quyết định của chúng ta lựa chọn hay không. Do đó, bằng sự lựa chọn của mình, chúng ta tìm kiếm Nguồn Ánh sáng - Mặt trời Công chính - soi sáng các đặc tính của đời sống tự nhiên của chúng ta và đưa cuộc sống nhục cảm và lý trí vào trật tự và hài hòa hoàn hảo nhất. Điều này được thực hiện bằng cách ngừng hoạt động của chúng ta và tập trung mắt vào một điểm - Ân sủng đã hứa của Thiên Chúa. Hãy tập hợp tất cả những suy nghĩ của bạn và bằng đức tin hãy tiến vào Trung tâm, nắm giữ lời Thiên Chúa. Hãy thinh lặng trước mặt Thiên Chúa, ngồi một mình với Người, tâm trí bạn tập trung vào chính nó và tuân theo ý muốn của Người trong sự kiên nhẫn đầy niềm hy vọng.
(Mt. 6:22-24; 2 Cr. 5:7) Cách bạn nhìn quyết định ánh sáng hay bóng tối. Có hai ý chí bên trong: một ý chí nhìn thấu bản ngã giả dối của xác thịt và dục vọng, con mắt trái; ý chí kia, bản ngã thật kết hợp với Chúa Thánh Thần, tìm kiếm những điều thánh thiện, con mắt phải. Con mắt trái, con mắt Thời gian cạnh tranh với con mắt phải, con mắt Vĩnh cửu. Linh hồn con người quyết định con mắt nào nó sẽ đi theo. Mắt trái luôn tìm cách thỏa mãn bản chất tự ngã và phải được kiểm soát. Bạn phải cho phép mắt phải của mình ra lệnh cho mắt trái ngừng hoạt động và tuân theo các tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Mắt trái sẽ được rèn luyện để nhìn theo mắt phải, và đến một lúc nào đó cả hai có thể hiện hữu cùng nhau và cùng phục vụ lẫn nhau. Sự hợp nhất này chỉ có thể được thực hiện bằng cách hoàn toàn đi vào ý muốn của Chúa Kitô Cứu Thế, và từ đó đưa con mắt Thời gian vào con mắt Vĩnh cửu và sau đó đi xuống bằng sự hiệp nhất này qua Ánh sáng của Thiên Chúa vào Ánh sáng Thiên nhiên.
Hãy tìm sự cứu rỗi của bạn : (Pl. 2:12-13)
(Các) câu Kinh Thánh để nhớ: Mt. 6:22-24
Việc sùng kính: Khuôn Khổ Nghiên Cứu Và Áp Dụng Kinh Thánh: những câu Kinh Thánh được chọn ở trên.
Cởi bỏ/Mặc vào:
Trong khoảng một tuần tới, hãy viết nhật ký và ghi lại những gì bạn nhìn thấy cũng như cách bạn nhìn vào những gì bạn nhìn thấy, những đánh giá bạn đưa ra, mọi thứ ảnh hưởng đến tinh thần của bạn như thế nào, dù tốt hay xấu. Lập danh sách những điều phản ảnh mắt trái của xác thịt và sự thèm ăn của nó, đồng thời sửa lại điều tương tự bằng cách nhìn như Thiên Chúa nhìn qua Phần A.4, “Bảng câu hỏi Chiến thắng Tội lỗi”
Xem thêm Phần 11.9, “Hợp nhất với Chúa” để biết thêm các hiểu biết thông suốt.
Lưu ý: Chúng ta phải nhìn mọi sự sống từ quan điểm của Thiên Chúa và đây là một nỗ lực suốt đời. nỗ lực và hoạt động dẫn đến một trái tim trong sạch và một tinh thần khiêm nhường.
Còn nữa