MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI

215. “Cuộc sống, dù với mọi việc đối đầu của nó, vẫn là một nghệ thuật gặp gỡ” [204]. Tôi đã thường xuyên kêu gọi sự phát triển một nền văn hóa gặp gỡ có khả năng vượt quá các khác biệt và chia rẽ của chúng ta. Điều này có nghĩa là làm việc để tạo ra một khối đa diện có nhiều phía khác nhau nhưng tạo thành một thể thống nhất sặc sỡ, trong đó “tổng thể lớn hơn một phần” [205]. Hình ảnh khối đa diện có thể tượng trưng cho một xã hội trong đó, các khác biệt cùng hiện hữu, bổ sung, làm phong phú và soi sáng lẫn nhau, ngay cả giữa những bất đồng và dè dặt. Mỗi chúng ta đều có thể học được điều gì đó từ những người khác. Không ai là vô dụng và không ai có thể bị hy sinh. Điều này cũng có nghĩa phải tìm cách bao gồm những người hiện nằm ở ngoại vi cuộc sống. Vì họ có cách nhìn khác về sự việc; họ nhìn thấy các khía cạnh của thực tại vốn vô hình đối với các trung tâm quyền lực nơi đưa ra các quyết định quan trọng.

Cuộc gặp gỡ trở thành văn hóa

216. Chữ “văn hóa” chỉ một điều đã ăn sâu vào một dân tộc, các xác tín trân trọng nhất và cách sống của họ. Nền “văn hóa” của một dân tộc không chỉ là một ý tưởng trừu tượng. Nó liên hệ đến các ước nguyện của họ, sở thích của họ và cuối cùng cách họ sống cuộc sống của họ. Nói đến nền “văn hóa gặp gỡ” có nghĩa là chúng ta, như một dân tộc, nên say mê với việc gặp gỡ người khác, tìm kiếm các điểm tiếp xúc, xây dựng những cầu nối, lập kế hoạch cho một dự án bao gồm mọi người. Điều này trở thành một khát vọng và một lối sống. Chủ thể của nền văn hóa này là nhân dân, chứ không đơn giản chỉ là một bộ phận của xã hội nhằm làm an tâm những người còn lại với sự giúp đỡ của các nguồn lực chuyên môn và các phương tiện truyền thông.

217. Hòa bình xã hội đòi hỏi sự chăm chỉ, lành nghề. Sẽ dễ dàng hơn nếu chỉ kiểm soát các quyền tự do và sự khác biệt bằng sự khôn khéo và một ít nguồn lực. Nhưng một nền hòa bình như thế sẽ hời hợt và mong manh, chứ không phải là thành quả của một nền văn hóa gặp gỡ nhằm mang lại sự ổn định lâu dài. Hòa nhập các khác biệt là một diễn trình khó khăn và chậm chạp hơn nhiều, nhưng nó bảo đảm một nền hòa bình chân chính và lâu dài. Hòa bình đó không thể đạt được chỉ nhờ vào những người trong sạch và không bị ô uế, vì “ngay cả những người có thể bị coi là đáng nghi vấn do lỗi lầm của họ cũng có một điều gì đó để cung hiến mà ta không được bỏ qua” [206]. Nó cũng không phát xuất từ việc phớt lờ các đòi hỏi của xã hội hoặc chế ngự các xáo trộn, vì nó không phải là “một đồng thuận trên giấy tờ hay một nền hòa bình nhất thời cho một thiểu số hài lòng” [207]. Điều quan trọng là tạo ra các diễn trình gặp gỡ, các diễn trình nhằm xây dựng một dân tộc biết chấp nhận các khác biệt. Chúng ta hãy trang bị cho con cái chúng ta bằng các vũ khí đối thoại! Chúng ta hãy dạy chúng chiến đấu cho cuộc chiến văn hóa gặp gỡ tốt đẹp!

Niềm vui thừa nhận người khác

218. Tất cả những điều trên đòi hỏi khả năng biết thừa nhận quyền của người khác được là chính họ và được khác biệt. Sự thừa nhận này, khi trở thành một nền văn hóa, có thể tạo ra một giao ước xã hội. Không có nó, nhiều cách tinh vi có thể được tạo ra nhằm biến người khác trở thành vô nghĩa, không còn liên quan, không có giá trị gì đối với xã hội. Trong khi bác bỏ một số hình thức bạo lực trông thấy, một loại bạo lực khác xảo quyệt hơn có thể bắt rễ: bạo lực của những người coi thường những người khác biệt, đặc biệt khi các yêu cầu của những người này làm tổn hại đến quyền lợi riêng của họ bất cứ cách nào.

219. Khi một bộ phận của xã hội khai thác tất cả những gì thế giới có nghĩa vụ cung ứng, hành động như thể người nghèo không hiện hữu, thì cuối cùng sẽ có hậu quả. Không sớm thì muộn, việc phớt lờ sự hiện hữu và quyền lợi của người khác sẽ bùng nổ dưới một số hình thức bạo lực, thường ít ngờ nhất. Tự do, bình đẳng và tình huynh đệ có thể vẫn chỉ là những lý tưởng cao cả trừ khi chúng được áp dụng cho mọi người. Cuộc gặp gỡ không thể diễn ra chỉ giữa những người nắm giữ quyền lực kinh tế, chính trị hoặc học thuật. Cuộc gặp gỡ xã hội chân chính đòi phải có một cuộc đối thoại dựa trên nền văn hóa được phần lớn dân số chia sẻ. Việc thường xảy ra là các ý tưởng tốt đẹp không được các thành phần nghèo hơn của xã hội chấp nhận vì chúng được trình bày trong một bộ áo văn hóa không phải của họ và họ không thể đồng nhất hóa với nó. Một giao ước xã hội thực tiễn và bao trùm cũng phải là một “giao ước văn hóa”, một giao ước biết tôn trọng và thừa nhận các thế giới quan, các nền văn hóa và các lối sống khác nhau cùng hiện hữu với nhau trong xã hội.

220. Chẳng hạn, các dân tộc bản địa không phản đối sự tiến bộ, nhưng quan niệm của họ là một quan niệm khác về sự tiến bộ, thường mang tính nhân bản hơn so với nền văn hóa hiện đại của các dân tộc phát triển. Văn hóa của họ không phải là một nền văn hóa nhằm mang lại lợi ích cho những kẻ có quyền lực, những người được thúc đẩy tạo ra cho chính họ một loại thiên đường ở ngay trần gian này. Bất khoan dung và thiếu tôn trọng các nền văn hóa đại chúng bản địa là một hình thức bạo lực dựa trên cách nhìn chúng một cách lạnh lùng và mang tính phán xét. Không thể có sự thay đổi đích thực, sâu sắc và lâu dài trừ khi nó bắt đầu từ các nền văn hóa khác nhau, nhất là các nền văn hóa của người nghèo. Một giao ước văn hóa xa lánh lối hiểu độc khối (monilithic) về bản sắc của một nơi chốn đặc thù; nó bao hàm lòng tôn trọng đối với tính đa dạng bằng cách cung ứng các cơ hội thăng tiến và hòa nhập xã hội cho mọi người.

221. Một giao ước như vậy cũng đòi hỏi sự nhận thức ra rằng một số điều có thể bị bác bỏ vì lợi ích chung. Không ai có thể sở hữu toàn bộ sự thật hoặc thỏa mãn mọi mong muốn của mình, vì sự kỳ vọng đó sẽ dẫn đến việc triệt tiêu người khác bằng cách bác bỏ các quyền lợi của họ. Một khái niệm sai lầm về lòng khoan dung phải nhường chỗ cho một chủ nghĩa hiện thực đối thoại về phần những người đàn ông và những người đàn bà biết trung thành với các nguyên tắc của riêng họ trong khi thừa nhận rằng những người khác cũng có quyền làm như vậy. Đây là sự thừa nhận người khác một cách chân chính mà chỉ có tình yêu mới làm cho khả hữu. Chúng ta phải đứng vào vị trí của người khác, nếu chúng ta muốn khám phá ra điều gì là chân chính, hoặc ít nhất có thể hiểu được, trong các động cơ và mối quan tâm của họ.

PHỤC HỒI LÒNG TỐT

222. Chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng đã dẫn đến sự bất công lớn. Những người khác bị xem như chỉ là trở ngại cho sự hiện hữu thanh thản của chúng ta; kết cục, chúng ta coi họ như những người làm ta khó chịu và chúng ta ngày càng trở nên hung hãn. Điều này càng đúng hơn trong thời kỳ khủng hoảng, thảm họa và khổ cực, khi chúng ta bị cám dỗ nghĩ theo câu nói cổ thời, “mọi người vì chính mình”. Tuy nhiên, ngay cả những khi đó, chúng ta vẫn có thể quyết định chọn việc nuôi dưỡng lòng tốt. Những người làm như vậy trở thành những ngôi sao rạng sáng giữa bóng tối.

223. Thánh Phaolô mô tả lòng tốt (kindness) như hoa trái của Chúa Thánh Thần (Gl 5:22). Ngài sử dụng chữ Hy Lạp chrestótes, chữ này mô tả một thái độ hòa nhã, dễ chịu và hỗ trợ, không thô lỗ hay xỗ xàng. Những cá nhân có phẩm chất này thường giúp làm cho cuộc sống của người khác dễ chịu hơn, nhất là bằng cách chia sẻ gánh nặng các nan đề, nhu cầu và nỗi sợ hãi của họ. Cách đối xử với người khác này có thể mang nhiều hình thức khác nhau: một hành động tử tế, một sự quan tâm không xúc phạm bằng lời nói hoặc việc làm, một sự sẵn sàng làm nhẹ bớt gánh nặng của họ. Nó bao gồm việc “nói những lời khuyên giải, sức mạnh, an ủi và khuyến khích” chứ không phải “những lời nhằm hạ thấp, gây buồn bã, tức giận hoặc biểu lộ sự khinh bỉ” [208].

224. Lòng tốt giải thoát chúng ta khỏi sự độc ác đôi khi đầu độc các mối liên hệ của con người, khỏi sự lo lắng vốn ngăn cản chúng ta nghĩ đến người khác, khỏi những hoạt động cuồng nhiệt đến quên rằng người khác cũng có quyền được hạnh phúc. Ngày nay, chúng ta thường không có cả thời gian lẫn năng lực để dừng lại và đối xử tốt với người khác, để nói “xin lỗi”, “bỏ quá cho”, “cảm ơn”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, một cách lạ lùng, một người tốt bụng bỗng xuất hiện và sẵn sàng gạt mọi sự khác sang một bên để thể hiện sự quan tâm, để ban tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, lắng nghe giữa sự thờ ơ chung. Nếu chúng ta nỗ lực hàng ngày để thực hiện chính điều này, chúng ta có thể tạo ra một bầu không khí xã hội lành mạnh, trong đó những hiểu lầm có thể được khắc phục và xung đột được ngăn chặn. Lòng tốt cần được trau dồi; nó không phải là nhân đức tư sản hời hợt. Chính vì nó bao hàm lòng quý mến và tôn trọng người khác, nên một khi lòng tốt trở thành một nét văn hóa trong xã hội, nó sẽ biến đổi lối sống, các mối liên hệ và cách các ý tưởng được thảo luận và so sánh. Lòng tốt tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm sự đồng thuận; nó mở ra những nẻo đường mới trên đó sự thù địch và xung đột sẽ đốt cháy mọi cây cầu.

Kỳ tới: CHƯƠNG BẢY: CÁC NẺO ĐƯỜNG GẶP GỠ ĐỒI MỚI