Chương Sáu: Giáo Hội Sám Hối



1. Veni columba mea, hãy đến hỡi bồ câu của anh, vẻ đẹp toàn mỹ của anh, {1} không tỳ vết hay nếp nhăn, thánh thiện và vô nhiễm. {2} Giáo hội là Người yêu dấu của Chúa Kitô, Giáo Hội là sự viên mãn của Người. Ấy thế nhưng cũng chính Giáo hội này đang sám hối. Giáo Hội tự tố cáo mình, thường bằng những lời lẽ rất khắc nghiệt, Giáo Hội khóc cho những sai sót của mình, Giáo Hội cầu xin được thanh tẩy, Giáo Hội không ngừng cầu xin sự tha thứ (Giáo Hội làm như vậy mỗi ngày trong Kinh Lạy Cha), đôi khi Giáo Hội kêu cầu Chúa từ sâu thẳm xao xuyến, như từ sâu thẳm nỗi thống khổ của kẻ sợ hãi bị trầm luân.



Đối với chúng ta, lợi dụng điều đó để đấm ngực Giáo Hội, trong khi trên thực tế, chúng ta nói hoặc về sự sai sót của phẩm trật hoặc về những khốn cùng đôi khi tồi tệ của thế giới Kitô giáo, Người nông dân Garonne đã nhìn thấy ở đó "một sự ngu ngốc trong đó không thiếu các giáo sĩ trẻ ngày nay"{3}. Tôi vẫn nghĩ vậy, nhưng ngôn ngữ của tôi thiếu lịch sự. Tôi chỉ nên nói rằng họ đơn giản chỉ là những anh đần có tiếng.

2. Tuy nhiên, việc sám hối của Giáo hội vẫn cho chúng ta thấy rằng nếu, trong hình ảnh của Chúa Kitô vô nhiễm nguyên tội, Giáo hội cũng vô nhiễm nguyên tội, thì Giáo hội không vô nhiễm nguyên tội giống như cách của Người. Nói cách khác, nhiệm thể Chúa Kitô không trong cùng một mối liên hệ với các chi thể của nó như thân thể thể lý của Chúa Kitô với các chi thể thể lý của nó. Trong khi sự thánh thiện của Chúa Kitô làm cho các chi thể của thân thể thể lý của Người cũng thánh thiện như Người, thì sự thánh thiện của Giáo Hội, hay của Nhiệm thể, không ngăn cản các chi thể của nhiệm thể này trở thành những kẻ có tội.

Các chi thể của thân thể Chúa Giêsu thánh thiện như chính Người. Trong các chi thể của thân thể nhân bản này, một thân thể đã bước đi trên các nẻo đường của Galilê và giọng nói của Người loan báo Tin mừng, và đã bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô; trong đôi bàn chân mà Maria Mađalêna phủ đầy nụ hôn và đã bị đâm thủng, trong đôi bàn tay mà chúng chỉ cần chạm vào là chữa lành được người bệnh và bị đâm thủng, không bao giờ có một chút dấu vết của tội lỗi. Khi mang lấy tội lỗi của thế gian, Người đã mang lấy một điều hoàn toàn xa lạ đối với Người, và là điều mà Người đã biến thành của Người hoàn toàn do tình yêu thuần túy, ý chí thuần túy để thay thế chính Người làm hy lễ cho nhân loại tội lỗi; Theo nghĩa này, Thánh Phaolô nói rằng Chúa Giêsu Kitô đã trở thành tội lỗi để cứu chúng ta{4}. Người không bao giờ biết mùi tội lỗi, trải nghiệm tội lỗi, tuyệt đối trong bất cứ điều gì thuộc riêng của Người, hoặc điều Người có làm của riêng của Người. Chỉ hoàn toàn do và trong tình yêu của Người đối với những kẻ tội lỗi, Người mới biết tội lỗi: Bóng tối của sự chiêm ngưỡng tội lỗi, đêm đen thật sự khôn nguôi, trải nghiệm dựa trên đức ái và việc kết hợp yêu thương của Chúa Kitô với những kẻ có tội... Người nếm trải sự cay đắng vô hạn của những thất bại của chúng ta, như trong bóng tối của sự chiêm ngưỡng thần linh, các thánh tội nghiệp nếm được vị ngọt thiết yếu của Thiên Chúa... {5}

Trái lại, những kẻ có tội là chính các chi thể của Nhiệm thể. Họ là một phần của nó. Giáo hội “ôm lấy kẻ có tội trong lòng mình” {6}. Và vì thế Giáo hội không xa lạ gì với tội lỗi; "Giáo Hội hoàn toàn trà trộn với tội lỗi"{7}, Giáo Hội biết mùi tội lỗi, Giáo Hội trải nghiệm tội lỗi, trong vô số kẻ có tội vốn là chi thể của Giáo Hội, là đầu Giáo Hội ở đây trên trái đất, là tay Giáo Hội, là bàn chân Giáo Hội. Giáo Hội có tội trong các chi thể của mình.

Há đó không đủ để bị cám dỗ mà nói với một số nhà thần học rằng Giáo Hội đồng thời là thánh thiện và tội lỗi đó sao? Một công thức đáng ghét, khiến tâm trí không thấy điều Giáo hội thực sự là, và là tuyên bố khiến chúng ta phủ phục trước một sự mâu thuẫn trắng trợn. Như thể khi lấy đi tội lỗi của thế gian, Chúa Kitô đã không luôn ở bên cạnh Nàng dâu của Người (nàng vốn không thuộc thế gian); như thể Nhiệm thể của Người đồng thời là kẻ thù của Người; và như thể Giáo Hội, Sự Viên mãn của Chúa Kitô, người đầy ân sủng, "không tỳ vết hay vết nhăn", thánh thiện và vô nhiễm, cũng mang trong mình điều phát sinh sự chết cho các linh hồn, bị vấy bẩn bởi mọi tội ác của những người mang danh Kitô hữu.

3. Ở đây điều thích hợp là nhắc nhớ rằng Nhiệm thể là một cơ thể tập thể, và cần lưu ý đến sự mơ hồ của từ ngữ "chi thể", một từ ngữ vốn biểu thị một trong những bộ phận cấu thành của một cá thể sống, giờ đây là một trong những nhân vị cấu thành một phần của cộng đồng. Nếu một trong các "chi thể" của tôi bị bệnh, thì chính tôi cũng đang bị bệnh. Nhưng nếu một "chi thể hay thành viên" của một hội uyên bác hoặc của một đảng chính trị mắc bệnh cúm hoặc dịch tả, thì người ta không thể nói thay cho tất cả rằng hội uyên bác này hoặc đảng phái chính trị nọ mắc bệnh cúm hoặc dịch tả.

Điều đó đúng, tôi đã nhấn mạnh đủ về điều đó, và trong giây lát tôi sẽ quay lại điều đó, rằng Giáo hội không phải là một hội uyên bác, cũng không phải là một đảng chính trị hay bất cứ cộng đồng đơn thuần nào; Giáo Hội là một ngôi vị. Đúng, nhưng một ngôi vị tập thể, - mà sự thống nhất (của ân sủng) thuộc trật tự cao hơn và có tính thần linh, - và do đó tội lỗi của các nhân vị thành viên của Giáo Hội không phải là tội lỗi của Giáo Hội, vì mỗi người trong số họ đều có ý chí tự do, và mỗi người đều có khả năng tuân theo bản năng của ân sủng hoặc chống lại nó.

“Thánh thiện” và tội lỗi cùng một lúc, nghịch lý này nằm nơi các chi thể của Giáo hội, và nó tự giải quyết lấy. Thật vậy, không hề có được sự viên mãn của ân sủng, điều mà trong ngôi vị của Giáo hội cũng như của Đức Trinh nữ Maria loại trừ mọi khả thể phạm tội, chúng ta những người khác, những chi thể của Giáo hội ở đây trên trái đất này, và những người tốt nhất trong chúng ta, chỉ sống bằng ân sủng và đức ái ít nhiều một cách không hoàn hảo (khi chúng ta sống bằng chúng); và do đó, không có gì mâu thuẫn khi chúng ta có thể là các chi thể phần nào được thánh hóa bởi Bửu Huyết Chúa Kitô, trong khi, về phần khác, vẫn còn là những kẻ tội lỗi và những kẻ vô ơn.

Ngay sau khi người ta hiểu rằng, nhờ một đặc ân độc đáo, và nhờ hình ảnh Chúa Kitô hiện diện trong mình, Giáo hội sở hữu một sự tồn hữu và tư cách ngôi vị của ân sủng mà trong sự hiệp nhất siêu nhiên của nó, vượt qua tư cách nhân vị tự nhiên của các chi thể của mình, - điều dường như là một bí ẩn đã trở nên có thể giải mã được đối với tâm trí. Việc Giáo hội có tội trong các chi thể của mình và Giáo Hội hoàn toàn trà trộn với tội lỗi, - điều này không hề khiến Giáo Hội trở thành tội lỗi, vì tư cách ngôi vị của Giáo Hội vượt quá tư cách ngôi vị của các chi thể của mình, và vì các chi thể chỉ tham dự vào tư cách ngôi vị của Giáo Hội khi họ sống bằng đời sống ân sủng và bác ái của Giáo Hội. Đồng thời, người ta cũng hiểu rằng Giáo hội trong chính ngôi vị của mình là "thánh thiện bất khả khuyết"{8}, nhưng Giáo hội bao gồm các nhân vị, những nhân vị thẩy đều là những kẻ có tội ở đây trên trái đất này ở một mức độ nào đó, bất kể là các thành viên "sống", những người, trong cách sống của họ, được tư cách ngôi vị của Giáo Hội bảo bọc tuy có xa cách tư cách nhân vị này đến mức có thể sai phạm, hoặc là các chi thể "đã chết" ít nhiều bám chặt vào sự ác hoặc ít nhiều đã sẵn sàng để được sống trở lại, những người đã rút khỏi tư cách ngôi vị của Giáo hội và khỏi linh hồn của Giáo hội, nhưng vẫn thuộc về thân xác của Giáo hội (và đồng thời, một cách tiềm ẩn và khởi đầu, thuộc về linh hồn đã lên mô thức cho thân xác này) nhờ đức tin (chính nó "chết" vì không có đức ái) mà họ vẫn còn giữ, cũng như nhờ Bí tích Rửa tội mà họ đã lãnh nhận và một ấn tích khác - các Bí tích in dấu mà họ có thể đã lãnh nhận: những mạch trơ trơ mà máu không còn chảy qua được nữa, nhưng là những mạch mà ngôi vị của Giáo hội vẫn còn coi là của riêng mình và là những mạch vẫn còn được Giáo Hội lo lắng hơn bao giờ hết. Vì họ đã sống bằng sự sống của Giáo Hội khi Giáo Hội tiếp nhận họ từ Thiên Chúa để dẫn họ đến sự sống đời đời, và giờ này đây họ đã rời xa sự sống của Giáo Hội, và đang trên đường đánh mất sự sống đời đời.

Tất cả những điều này, - đều là sự mầu nhiệm của Giáo hội.

4. Do đó, người ta thấy rằng về ngôi vị của Giáo Hội trong tình trạng trần thế của mình, cần phải nói rằng bởi chính Giáo Hội, giống như Chúa Kitô khi Người sống giữa chúng ta, Giáo Hội không biết mùi vị của tội lỗi cũng như không có kinh nghiệm tội lỗi; nhưng, không giống như Chúa Kitô khi Người sống giữa chúng ta, Giáo Hội biết mùi tội lỗi và có kinh nghiệm tội lỗi bởi và trong điều vốn của riêng Giáo Hội và là điều Giáo Hội có như của riêng mình, bởi và trong các chi thể của Giáo Hội, các chi thể của chính Giáo Hội, những chi thể vốn là một phần của Giáo Hội mà không phải là chính Giáo Hội.

Bản thân Giáo Hội, trong tư cách ngôi vị siêu nhiên thoát mọi dấu vết của tội lỗi, "hoàn tất trong cơ thể mình," cho mọi người, và trong mọi thế kỷ, "điều còn thiếu trong những đau khổ" của Hôn Phu mình. Và, giống như Chúa Giêsu, chính với tình yêu, Giáo Hội đã gánh lấy toàn bộ khối lượng tội lỗi mà Giáo Hội đã không vi phạm. Nhưng nếu đây là vấn đề của những người đã được làm cho trở thành người của Giáo Hội bằng các Bí tích, thì, không như Chúa Giêsu, chính Giáo Hội, bằng tình yêu, đã gánh vào mình các tội lỗi do các chi thể của Giáo Hội vi phạm. Vì vậy, đây là lý do tại sao, Giáo Hội không những là người đồng công cứu chuộc, giống Đức Maria; Giáo Hội cũng là hối nhân.

Giáo Hội đền tội cho các chi thể của mình, - những người không phải là Giáo Hội, nhưng là của Giáo Hội và thuộc về Giáo Hội. Giáo Hội cáo tội chính mình, trong chi thể của mình, những người được Giáo Hội đồng nhất với thông qua tình yêu; Giáo Hội khóc cho các sai sót của mình, vốn là sai sót của các chi thể của Giáo Hội, không phải của bản thân Giáo Hội, và Giáo Hội biến thành của riêng mình thông qua tình yêu. Giáo Hội không ngừng cầu xin sự tha thứ, cho các chi thể của mình, những người mà Giáo hội đã gánh lấy những tội lỗi thông qua tình yêu. Đôi khi Giáo hội kêu cầu Chúa từ đáy vực thẳm, khi, qua tình yêu, biến nỗi thống khổ của các chi thể của mình và nỗi đớn đau của họ thành nỗi đau khổ và nỗi thống khổ của chính mình. Giáo hội đang không ngừng khổ công thanh tẩy{9} trong và cho các chi thể của mình, như thể người vốn sancta et immaculata, người thánh thiện và không tỳ vết cần được thanh tẩy. (Giáo hội không ngừng lớn lên trong ân sủng, - một điều hơi khác. Và Giáo hội gọi việc thanh tẩy này là sự tiến bộ trong ân sủng, vẫn là bằng cách đồng nhất hóa tình yêu với những người bị thương tổn và què quặt vốn là các chi thể của mình.) Giáo hội sám hối chính là như thế. Và đó cũng là bởi vì Giáo hội biết rằng nếu có thêm nhiều vị thánh do Giáo hội sinh ra, thì cũng sẽ có nhiều tội nhân trở về với Thiên Chúa, nhiều "những người con trai đã chết, và nay sống lại, những người đã mất và nay được tìm thấy"{10}, và là người mà Cha đang ôm chặt bây giờ trong vòng tay của Người; và Giáo hội biết rằng không có niềm vui nào lớn hơn trên Thiên đàng.

Giáo hội đau khổ và cầu nguyện cho mọi người; nhưng Giáo hội đau khổ và cầu nguyện đặc biệt, - trong tư cách người sám hối, - cho các chi thể của mình, và đặc biệt hơn cho những người trong số họ đã rút khỏi linh hồn Giáo hội và đã chết đối với cuộc sống ân sủng. Quả là một cơn khát nơi Giáo Hội, có thể sánh với cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá!

Ghi chú

{1} Diễm ca 2: 10.

{2} Thư Êphêsô 5:27

{3} Le Paysan de la Garonne [Người nông dân xứ Garonne], tr. 185.

{4} II Cr. 5, 21.

{5} "La Couronne d'épines," trong Poèmes de Râissa.

{6} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. I, số 8.

{7} Charles Journet, Théologie de l'Église, tr. 239.

{8} Hiến chế Lumen Gentium, Ch. V, số 39.

{9} Xem Hiến Lumen Gentium, Ch. I, Số 8: "đồng thời thánh thiện và luôn cần được thanh tẩy."

{10} Xem Luca 15:24.