Tòa lạc giáo Tây Ban Nha

1. Người ta nói rất chính xác rằng ở Pháp vào thế kỷ XIV, Philip-le-Bel và Nogaret là tiền thân của Torquemada và của Philip II. Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha bắt đầu vào thế kỷ sau đó (để tồn tại trong một thời gian dài! Nó chỉ được chính thức và dứt khoát bãi bỏ vào năm 1820, bởi Cortès de Cadix).

Tương ứng với sự diễn tiến của thế kỷ thứ mười lăm, chế độ thánh thiêng đang bị giải thể đã tìm đường vào Tây Ban Nha để tạo nên một chế độ cạnh tranh vĩnh viễn giữa hai cường quốc nối kết với nhau bởi nhiều lợi ích chung (và bởi đức tin Kitô giáo thánh thiện), vốn đấu tranh không ngừng chống lại nhau để giành quyền tối cao: một quyền lực hoàng gia ngày càng say sưa với chủ nghĩa duy tuyệt đối, và một quyền lực giáo hoàng với những cánh tay thiêng liêng vẫn gây ra nỗi sợ hãi nhưng tận đáy lòng đã bị khinh thường và dễ dàng bị các vị Vua Công Giáo coi là không hữu hiệu. Những ông hoàng này chỉ nghĩ đến việc sở hữu Tòa lạc giáo - và họ gần như đã thành công làm được điều này - để phục vụ cho nền chính trị vương giả của họ và cho thiết kế vĩ đại của họ muốn tạo ra một khối thống nhất quốc gia hoàn hảo được thiết lập trên sự thống nhất hoàn hảo của đức tin tôn giáo.



Nếu con mắt không thể dễ dàng chịu đựng được bức tranh lịch sử của Tòa án Lạc giáo Tây Ban Nha, thì đó không những chỉ vì sự tàn ác của nó, mà còn vì sự pha trộn liên tục giữa chính trị và tôn giáo được nó cung ứng khung cảnh: các tham vọng chính trị, các mưu mô xảo quyệt, và tính hung dữ chính trị hòa quyện vô cùng chặt chẽ với lòng nhiệt thành tôn giáo ảm đạm vốn phục vụ họ như một công cụ. Những thử thách lớn của Tòa án lạc giáo này là những thử thách chính trị được phóng đại thành những thử thách bảo vệ đức tin. Người Do Thái, những người đã sống ở Tây Ban Nha từ lâu trong tình trạng an ninh hoàn toàn, giờ đây bị chế độ quân chủ coi như một mối nguy hiểm quốc gia: năm 1492, sau khi chiếm được Grenada và chiến thắng cuối cùng của họ trước người Hồi giáo, các vua chúa đã ra lệnh trục xuất tổng quát mọi Người Do Thái khỏi Tây Ban Nha, trong vòng bốn tháng: sau thời gian này, họ sẽ bị truy tố bởi Tòa Lạc giáo...

Các vị Giáo hoàng đã "khuyến cáo sự điều độ" (một điều không thiếu thứ hài hước đạo đức: khuyên điều độ cho những người như Torquemada hay Ximenes, và hoàn toàn được khoác những nhân đức tốt lành!). Và họ đã làm tất cả những gì có thể làm để ngăn chặn những hành động thái quá, các hành động hung bạo và phát động bạo lực khắc nghiệt, những thứ làm mất uy tín của Kitô giáo, cũng như để duy trì hoặc chiếm lại trong tay định chế tòa lạc giáo. Họ đã rất ít thành công trong việc này, và những sự can thiệp của họ, dù rất nhiều, nhưng nhìn chung đều kết thúc bằng những thỏa hiệp chỉ giúp duy trì những hình thức bên ngoài. Tòa thánh đã được quyền cử nhiệm Tổng Quan toà Lạc giáo đầu tiên ở Tây Ban Nha (ông ta là Torquemada, được Isabella và Ferdinand yêu cầu); nhưng Đức Sixtô IV đồng thời chấp nhận việc này: tất cả những người kế nhiệm vị Tổng Quan tòa Lạc giáo đầu tiên này sẽ do quyền lực dân sự bổ nhiệm. Cũng chính quyền lực dân sự chỉ định các thành viên của Hội đồng Hoàng gia của Tòa lạc giáo do các vua chúa của Castille và Aragon tạo ra, và chịu trách nhiệm hỗ trợ Tổng Tổng Quan tòa Lạc giáo, - bằng cách khiến ông ta cảm thấy sức mạnh của bàn tay hoàng gia.

Chúng ta quả biết rằng ngôi Giáo hoàng sau đó đã phải đối đầu với vô số nguy cơ khiến sự thận trọng đầy lo lắng của nó trở thành một thử nghiệm gay go. Sự kiện vẫn là nhìn chung sự yếu kém của các vị Giáo hoàng thời đó là điều đáng đau lòng. Vị duy nhất thể hiện nghị lực cần thiết là, vào thế kỷ 16, nhân vụ kiện do Tòa lạc giáo đưa ra chống lại giáo chủ của Tây Ban Nha, Carranza, Đức Piô V đã đe dọa phạt Philip II vạ tuyệt thông và lệnh cấm trên toàn bộ Tây Ban Nha. Nhưng, chẳng bao sau đó, ngài qua đời, trước khi được những vừa kể được áp dụng{23}.

2. Để kết thúc những nhận xét này về Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha, xem ra đối với tôi, điều quan trọng cần lưu ý là tất cả mọi người, - tôi không chỉ nói những người bị bách hại, bị tra tấn, bị trục xuất, bị cầm tù, bị thiêu sống; tôi cũng nói chính những kẻ bách hại, các quan tòa lạc giáo cảm thấy mình được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, và các nhà cầm quyền tối cao xác tín rằng họ đang hoàn thành bổn phận của chức vụ họ và đang thực hiện chức năng của các vị vua, - mọi người trong đó đều là nạn nhân của hai ý niệm ma cà rồng, lúc đó vốn có được cơ hội lịch sử của chúng và tự biểu lộ dưới ánh sáng trọn vẹn.

Đầu tiên là ý tưởng cho rằng sự thống nhất của quốc gia hoặc của kinh thành trần thế, liên quan đến mối liên hệ của mỗi người với Thiên Chúa cũng như sự trung thành của họ với trật tự chính trị, hẳn phải là một sự thống nhất tuyệt đối, tất cả các thành viên của cơ chế chính trị, theo quan điểm này, phải là một người đơn nhất, chủ thể trung thành của nhà vua; và do đó sự thống nhất này trong lĩnh vực trần thế giả định và đòi hỏi sự thống nhất của đức tin tôn giáo.

Do đó, là một người Tây Ban Nha, và như thể theo định nghĩa, nhất thiết phải là một người Công Giáo. Và nhiệm vụ của các vị vua Tây Ban Nha là áp đặt bằng mọi cách đức tin Công Giáo lên thần dân của họ.

Một ý tưởng như vậy tự nó vốn là một ý tưởng sai lầm: vì sự thống nhất của một quốc gia, xét về yếu tính, là sự thống nhất trong đa dạng, và những gì nó đòi hỏi và giả định là lòng tận tụy chung đối với kinh thành trần thế, không hề là cùng một đức tin tôn giáo duy nhất nơi mọi người. Hơn nữa, đối với bất cứ ai hướng về Nguyên nhân đệ nhất, điều xem ra rõ ràng là trong toàn bộ thế giới, giữa mọi người trên trái đất, sự đa dạng trong quan niệm sống và về niềm tin tôn giáo trên thực tế là một điều được Thiên Chúa cho phép (điều mà Người "muốn-cho phép", trong việc Người tôn trọng quyền tự do của con người, trong khi Người sai Giáo hội của Người đi truyền bá khắp nơi việc rao giảng các Sự thật thần linh). Và cho mỗi quốc gia, cũng như cho toàn thể thế giới. Thiên Chúa đã ban trái đất cho mọi người; và mỗi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, có quyền căn bản được hiện hữu ở bất cứ địa điểm nào trên trái đất, trong tư cách là công dân của bất cứ quốc gia nào do sinh ra ở đó hoặc do nhập tịch (hoặc cũng có thể, nhưng đây là một câu hỏi khác, như những ngoại kiều tôn trọng luật pháp của quốc gia này). Ở mỗi quốc gia trên trái đất, việc phục vụ sự sống con người của mỗi công dân, dù là tôn giáo nào đi nữa, đều là lợi ích chung của quốc gia. Các vị vua của Tây Ban Nha nghĩ ngược lại; họ biết hơn Thiên Chúa điều gì là cần thiết cho Tây Ban Nha...

Và ý tưởng sai lầm mà tôi nói tới đã có hậu quả tất yếu là đức tin Công Giáo, trên thực tế, đã trở thành một phương tiện để đạt được mục đích trần thế (sự thống nhất tuyệt đối của dân tộc). Trên thực tế, điều mà người ta đề xuất cho chính họ là một việc trần thế hóa thể thiêng liêng, một việc, trên thực tế, luôn bỏ qua tính siêu việt của đức tin, cũng như phẩm giá và quyền độc lập tối cao của Giáo hội. Để thực sự là một người Tây Ban Nha thì cần phải thực sự là một người Công Giáo.

Chúng ta hãy nói thêm rằng ngày nay, một hiện tượng tương tự (tương tự nhưng ngược lại) có thể quan sát được nơi chủ nghĩa Mác, vốn là một loại tôn giáo thuần túy mang tính trần thế{24}. Tự thân, nó vốn thuộc về trật tự trần gian và trần thế, không thuộc trật tự thiêng liêng, nó phù hợp với bản chất của nó được sắp đặt theo trần thế. Nhưng đã là một tôn giáo, nó không đòi được truyền bá chỉ trong dân tộc hay một quốc gia; tự thân, nó có xu hướng hướng tới tính phổ quát. Và bất cứ nơi nào nó giành được quyền lực, để thống nhất các bộ óc dưới thế giới quan (Weltanschauung) của nó, nó cần phải sử dụng các phương tiện đã được Tòa án Lạc giáo Tây Ban Nha đổi mới cùng với những cải tiến hiện đại.

3. Ý tưởng ma cà rồng khác - từ lâu đã ngự trị và được coi là không thể tranh luận trong hệ thống các ý kiến thường được tiếp nhận - là ý tưởng cho rằng để phục vụ lãnh vực thiêng liêng, các phương tiện vũ lực trần thế, để hạn chế thể lý, đe dọa và hù họa thường phải được sử dụng và cần thiết ngay trong chúng. Tôi đã nói về điều này. Thanh gươm mà Chúa Giêsu đã truyền cho Phêrô đặt lại vào trong vỏ, - chính là thanh gươm lóe sáng trong tay các quan tòa lạc giáo hoàng gia, và trên thực tế, thanh kiếm này có vai trò đầu tiên trong việc bảo vệ đức tin.

Do đó, Phép Rửa bằng rẩy nước hàng ngàn người Do Thái và người Hồi giáo (Maures), - và đồng thời, đặc tính nghi ngờ và dễ bị nghi ngờ của đức tin được hàng ngàn người đã được rửa tội kiểu này tuyên xưng bằng miệng. Hai mươi đến ba mươi nghìn người Do thái ở Tây Ban Nha đã bị coi là các Kitô hữu giả mạo và bị Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha buộc bước lên giàn hỏa. Sự kiện, Tòa lạc giáo này, vì không bằng lòng với việc dùng vũ lực bắt cải đạo, đã ném thanh gươm nặng của họ lên trên tất cả các người Do Thái ("kẻ vi phạm", đây là tên mà người ta đặt cho họ trong tiếng Do Thái) và những người Hồi giáo này là bằng chứng đủ cho thấy, xem xét tự trong nó, và nói một cách khách quan, ý tưởng được đề cập là sai lầm và ác độc.

Những con người của thế kỷ mười lăm (ngoại trừ các vị Giáo Hoàng trong một chừng mực nào đó) hầu như không tiếp cận được bằng chứng này. Các ý kiến thường nhận được đã ảnh hưởng đến mọi người. Người ta có lẽ chỉ ngạc nhiên trước việc số lượng hết sức lớn các nhân sự của Giáo Hội, và trên hết là các quan tòa lạc giáo của Tây Ban Nha, đã khuất phục một cách ngay lành trước ý tưởng ma cà rồng mà chúng ta đang nói, và - một cách ngây thơ nơi đa số (khi chính trị chưa làm hỏng mọi thứ) - đã làm những gì nó trình bày cho họ tự trong chúng là cần thiết, và là những điều, nói một cách khách quan, đều không tốt. Một số người có lẽ đã làm điều đó một cách miễn cưỡng (chẳng hạn như Manrique, bạn của Erasmus), nhưng họ cảm thấy mình có nghĩa vụ phải theo điều đó bởi vì lịch sử đã thêu dệt những điều mà bộ máy đàn áp bằng bạo lực, một khi đã được dựng lên và thiết lập, đòi hỏi phải hoạt động nếu không muốn nhìn thấy những phản ứng tức giận - chống lại chính niềm tin - bùng nổ trong các tâm trí.

Việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề tôn giáo một lần nữa lại là một vận may rất rõ vào hậu bán thế kỷ XVI, lần này tại Rôma. Ý tưởng khiến nó được cho là bình thường và cần thiết tự trong nó, và được yêu cầu đầu tiên, luôn có mặt ở đó. Sau này, việc sử dụng sức mạnh vật chất đã nhường chỗ cho việc sử dụng các biện pháp trừng phạt thiêng liêng thuần túy. Nhưng vào thời điểm đang bàn, ý tưởng mà tôi đang nói (và là ý tưởng, trong những hoàn cảnh khác, có lẽ đã bắt đầu suy yếu) được củng cố bởi lệnh lạc đơn giản và tàn bạo do hoàn cảnh lịch sử.

Tòa lạc giáo La Mã

1. Chính vào thời điểm cuộc Cải cách Thệ phản đang đạt được những tiến bộ to lớn, và dưới sự thúc đẩy của Pierre Caraffa, Sứ thần tại Venice (lúc đó là Hồng Y, sau là Giáo hoàng dưới tên hiệu Phaolô IV), năm 1542, Đức Phaolô III đã thành lập một Thánh bộ tối cao phán xét Lạc giáo (tức Văn phòng Thánh) mà chính Đức Giáo Hoàng dành cho mình chức vụ chủ tịch và có quyền tài phán trên toàn thế giới. Đồng thời, trong các vương quốc đa dạng của Ý, các Tòa lạc giáo địa phương đã được hồi sinh. Chẳng bao lâu, dưới thời Đức Phaolô IV, vào năm 1557-1558, theo gương những gì đã được thực hiện ở Tây Ban Nha, Mục lục Sách Cấm cũng đã được thành lập. Tòa Lạc giáo được trao cho việc truy tố trước hết những kẻ lạc giáo, nhưng cả những kẻ phạm thượng, những kẻ kê gian (Sodomites), buôn thần bán thánh, những người sống bằng nghề mại dâm của con gái hoặc chị gái của họ. Vào ngày 11 tháng 1 năm 1566, chính quan tòa lạc giáo lớn Ghislieri được tôn lên ngôi Giáo hoàng, và lấy tên là Piô V. Và dưới sự chỉ đạo của ngài, Tòa lạc giáo đã tăng gấp đôi năng lực.

Các hình phạt đưa ra trước hết là tù giam hoặc chèo thuyền ga-le. Hình phạt tử hình dường như hiếm được áp dụng hơn, và nói chung những người bị kết án tử hình chỉ bị thiêu sau khi bị chặt đầu{25}. Người ta cũng truy tầm và kết án các tác giả của những lời tố cáo vu khống chống lại bị cáo được công nhận là vô tội.

Công đồng Trent (1545-1563) đã chấp thuận các biện pháp được thực hiện bởi Đức Phaolô III và Đức Phaolô IV. Não trạng của thời đại vẫn được coi là hoàn toàn bình thường về việc sử dụng vũ lực, tra tấn, chèo thuyền ga-le (galères), hành quyết để bảo vệ tôn giáo (Những người theo đạo Thệ phản cũng nghĩ như vậy: Calvin, trong Ordonnances năm 1541, đã tổ chức việc truy tầm những kẻ lạc giáo theo đức tin mới, bằng những lời tố cáo, gián điệp, tra tấn và kết án tử. Michel Servet đã bị thiêu sống tại Genève năm 1553). Trên thực tế, vào thế kỷ thứ mười sáu, các giáo sĩ Công Giáo, chưa nói tới nhiều giáo dân, đã bị các ảnh hưởng Thệ phản làm cho ô uế nặng nề; và đối với Đức Piô V cũng như các vị Giáo hoàng của thế kỷ mười hai và mười ba, đó là vấn đề liên quan đến ơn cứu rỗi công cộng, trong đó cần phải tiến hành một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Hơn nữa, ở đây một lần nữa, điều quan trọng là phải tính đến não trạng chung được các vị thánh chia sẻ{26}, và nhất là sự kiện này: được chấp nhận bởi bốn thế kỷ rưỡi hoạt động lịch sử, Tòa Lạc giáo từ lâu vốn đã được thành lập như nguồn lực duy nhất và có chủ quyền của quyền lực thiêng liêng trong thời khủng hoảng. Theo ý kiến của tôi, điều này hoàn toàn không bào chữa cho các phương tiện, được xem xét trong chính chúng, do Tòa này sử dụng, mà điều này hoàn toàn bào chữa cho vị Đại Quan tòa Lạc giáo trở thành Giáo hoàng. Ngài là một vị thánh vĩ đại mà tôi tôn kính (tuy nhiên, ít hơn Thánh Phillipe Néri). Ngài có tình yêu mến như điên như dại đối với Thiên Chúa; và các nghiêm ngặt của ngài, ngay cả khi quá mức (xin xem những dòng cuối cùng của chú thích 6), chỉ phát xuất từ một lòng trung thành hết sức trong sáng để phục vụ các chuẩn mực công lý tối cao của vương quốc không thuộc thế giới này.

2. Các cuộc chiến tranh tôn giáo làm nước Pháp đẫm máu trong hơn ba mươi năm (1562 đến 1598). Cuộc thảm sát ở Nhà thờ Thánh Barthélemy diễn ra vào ngày 24 tháng 8 năm 1572. Sau Sắc lệnh Nantes (1598), tâm trí người ta bình thản trở lại; điều cần là người Công Giáo và người Thệ phản phải chấp nhận sự thật lịch sử là hiện hữu với nhau. Đó vẫn chưa phải là sự khoan dung tôn giáo, và càng chưa phải là việc tìm kiếm một tình bạn huynh đệ thực sự trong ý thức rõ ràng về những khác biệt tín điều vốn được biểu lộ dưới những hình thức ít nhiều tinh ròng sau Công đồng Vaticanô hai, và tự chúng đã là một tiến bộ to lớn. Nhưng ý tưởng đưa kẻ lạc giáo lên giàn hỏa đã mất đi sức lôi cuốn của nó; người ta bằng lòng với ngọn lửa vĩnh cửu mà họ cho là anh ta đáng phải chịu. Louis XIV đã thu hồi Sắc lệnh Nantes vào năm 1685, nhiều người Thệ phản đã tự di cư ra nước ngoài sau đó, nhưng những người ở lại không bị thảm sát, cũng như hàng hóa của họ không bị tịch thu. Thế kỷ ánh sáng đã gần kề, với những khúc nến cuối cùng được lý trí mang theo đó đây trong khi người ta còn tin vào nó (không lâu), và là những khúc nến, trên thực tế, sẽ làm tốt hơn niềm tin vào Tin mừng và vào Ánh sáng đích thực của thế giới để ý thức được các tự do mà con người có quyền trong trật tự tự nhiên, - chúng cũng được thông điệp Tin mừng công bố cùng với quyền tự do tối cao và có tính thần linh.

Đối với Tòa lạc giáo Rôma, mọi điều cũng đã thay đổi. Cuộc chiến bảo vệ đức tin vẫn giữ được tính khẩn trương của nó. Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Jansénisme rất khó khăn, và tiếp theo đó là cuộc đấu tranh chống lại vô số những sai sót liên tục sẽ củng cố nhân sự của Giáo hội trong thế phòng thủ của họ, như trong một thành phố bị bao vây. Nhưng ở đây, có hai sự kiện mới đối với tôi dường khiến ta phải lưu ý. Một mặt, không còn sự pha trộn giữa quyền lợi trần thế do quyền lực dân sự theo đuổi và quyền lợi tôn giáo được ngôi vị Giáo hoàng theo đuổi, một điều người ta thấy vào thời Tòa Lạc giáo thời trung cổ và nhất là vào thời Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha. Và Tòa Lạc giáo Rôma cũng đã tự giải nhiệm việc xử lý một số tội phạm thuộc thường luật mà nó có quyền tài phán vào thế kỷ XVI. Từ nay, mục đích của nó là hoàn toàn và duy nhất để bảo vệ đức tin.



Mặt khác, cũng mau chóng tới lúc kết thúc cả việc nhờ đến cánh tay thế tục lẫn việc sử dụng các phương tiện ràng buộc thể lý và vũ lực vật chất. Các biện pháp trừng phạt và các biện pháp ràng buộc mà Văn phòng Thánh có quyền sử dụng, do đó, chỉ là các phương tiện và biện pháp trừng phạt thuộc trật tự thiêng liêng của riêng Giáo hội.

Tuy nhiên, điều này có phải có nghĩa là ý tưởng cũ, tức ý tưởng cho rằng việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề tôn giáo là bình thường và cần thiết, đã hoàn toàn biến mất? Nó đã mờ dần khỏi hiện trường, nó không còn đóng bất cứ vai trò hữu hình nào trong vũ trụ ý thức. Nhưng tôi nghĩ nó vẫn tiếp tục, trong nhiều thế kỷ, tiến hành ngầm trong vô thức, dưới những hình thức dấu mặt. Tôi đã viết ở trên rằng Tòa Lạc giáo thời trung cổ và sự tự tin của nó vào các phương tiện vũ lực đã khiến nhân sự của Giáo hội đi vào con đường không đúng trong một vài thế kỷ. Ý tôi muốn nói là dưới áp lực vô thức của những dấu tích vẫn còn hoạt động của ý tưởng cũ này, đã xảy ra việc các nhân sự cao cấp của Giáo hội, đặc biệt là Văn phòng Thánh, tin tưởng quá lâu vào các biện pháp trừng phạt hoàn toàn thiêng liêng và vào các phương tiện ràng buộc thuần túy thiêng liêng của riêng Giáo hội, nói cách khác tin vào thanh gươm thứ hai khi nó được sử dụng một cách thông thường (nhưng lúc đó việc sử dụng nó chỉ nên thỉnh thoảng, và càng ít thường xuyên càng tốt, và càng vừa phải càng hay). Sẽ không tốt nếu chỉ dựa vào thanh gươm này. Sẽ không tốt nếu bạn tự đặt mình vào thế hoàn toàn phòng thủ. Sẽ không tốt nếu dựa một cách thường xuyên và thường trực, nhân danh một định chế mà trong cơ cấu luật pháp hoàn toàn giữ vị trí đầu tiên, vào những biện pháp khắc nghiệt bởi vì chúng là biện pháp dễ dàng và nhanh chóng nhất và vào các biện pháp cưỡng chế (là những thứ sẵn sàng trở thành thông lệ, cũng như sẵn sàng bỏ qua những mối quan tâm lành mạnh của trí hiểu): đưa vào Danh mục sách cấm, kết án hoặc đe dọa kết án ảnh hưởng đến các cuốn sách hoặc buộc tác giả phải im lặng, và những biện pháp gây khó chịu mà không khai sáng. Quả không tốt chút nào khi bầu không khí nghi ngờ thường xuyên đè nặng lên con người, - đặc biệt lên những người cống hiến dù đúng dù sai cho các công trình trí thức, và rất nhiều người trong số này là những người có đầu óc ngay thẳng và những người tìm tòi vô tư một cách đáng ngưỡng mộ, hoàn toàn tận hiến trong tinh thần đức tin cho việc phục vụ sự thật, tuy rằng trong số đó cũng có rất nhiều người say sưa với chính mình, và có tư chất phù phiếm dễ làm mất lòng nhất.

Đối với tôi, xem ra một tình huống đặc biệt nguy hiểm hẳn đã phát triển như vậy trong suốt thế kỷ XIX và tiền bán thế kỷ XX. Nếu không có sự tích tụ lớn lao các phẫn uất thầm lặng bị kìm nén từ lâu, người ta sẽ không hiểu được việc biết bao nhà thần học và nhà chú giải, - trong số những người có nhu cầu phải được đưa trở lại con đường sự thật, vì quá tham lam muốn chứng tỏ bản thân của họ đối với thời đại của họ và để chứng minh cho những sai sót của nó, - cũng như biết bao giáo sĩ tội nghiệp không hiểu biết nhiều nhưng say mê theo dõi thời sự ngày nay, đã coi Công đồng Vatican II chỉ là một dịp để giải phóng một loại cơn thịnh nộ bệnh hoạn, chống lại thẩm quyền Rôma.

3. Sự kiện vẫn là Giáo hội có nhiệm vụ bất khả xâm phạm phải bảo vệ đức tin khỏi sai lầm; - và sai lầm đó ngày nay rất nhiều.

Sự kiện cũng vẫn là Giáo Hội đã nhận được từ Thiên Chúa hai thanh gươm, thẩm quyền giảng dạy mà Giáo Hội phải liên tục thực thi, và thẩm quyền ràng buộc, Giáo Hội phải đặt thanh kiếm thứ hai này càng nhanh bao nhiêu càng tốt trở lại vỏ của nó khi Giáo Hội cần phải sử dụng nó; cuối cùng, sự kiện vẫn là một thẩm quyền, nếu không hành động, sẽ có nguy cơ bị lãng quên hoặc bị khinh miệt.

Ngày nay không còn bất cứ Thánh bộ nào của Tòa Lạc giáo hay bất cứ Văn phòng Thánh nào nữa. Cơ quan mang tên này bây giờ là Bộ bảo vệ giáo lý đức tin. Chúng ta phải thương hại các vị giáo phẩm, những người trong thời kỳ hiện tại, đang đảm trách nhiệm vụ sau này, công việc của họ không phải là dễ dàng. Có vẻ như họ cần phải có một nỗ lực lớn của trí tưởng tượng, để tìm ra những cách hành động mới. Việc của Chúa Thánh Thần là trợ giúp họ trong việc này.

Tuy nhiên, có lẽ một giáo dân đơn thuần cũng được phép can thiệp vào những gì không liên quan đến anh ta, bằng cách khiêm tốn nói những gì anh ta nghĩ về vấn đề này.

Một mặt, há chẳng đáng ước ao hay sao việc ở đỉnh cao của cơ quan quản trị Giáo hội không có một, mà là hai Thánh bộ tối cao, thánh bộ đầu tiên (do đó hoàn toàn và đơn giản là tối cao) chịu trách nhiệm về tất cả những gì liên quan đến việc Tin mừng hóa trái đất, giáo huấn đức tin và sự rạng rỡ của chân lý thần linh trên thế giới, cũng như những gì liên quan đến việc nghiên cứu được hỗ trợ và được soi sáng; Thánh bộ thứ hai, giống như Thánh bộ từng thay thế Văn phòng Thánh, được trao cho việc bảo vệ đức tin khỏi sai lầm? Vì trong nguyên tắc, thế chinh phục và tiến bộ vẫn quan trọng hơn thế phòng thủ.

Mặt khác, và trong điều liên quan đến Thánh bộ thứ hai này, há người ta không thể mơ ước rằng nó khai triển hoạt động của nó trên hai bình diện khác nhau, mà bình diện thứ nhất cũng liên quan đến thẩm quyền giảng dạy hay sao? Trong dịp những sai sót được phát động ra khắp thế giới bởi tác giả nổi tiếng này hay tác giả nổi tiếng nọ, có khả năng gây ảnh hưởng thực sự cho nhiều tâm trí, các nhà thần học lỗi lạc lúc đó sẽ được giao phó trách nhiệm đưa ra một cách hoàn toàn khách quan, và với sự quan tâm duy nhất để soi sáng, không để lên án, các sự thật bị tác giả đang bàn bỏ qua. Và những trình bầy tín lý này, chỉ nhắm sự thật, sẽ được phân phối chính thức cho các chủng viện và các trường đại học Công Giáo với sự giám sát của Thánh bộ, trước khi được xuất bản thành sách nếu cần.

Bình diện thứ hai sẽ là bình diện của thẩm quyền ràng buộc, trong những trường hợp cần thiết phải thực thi nó, trong khi mọi biện pháp trừng phạt đã được thực hiện trước các cuộc tiếp xúc và trao đổi đích thân với người có liên quan, để ngay cả khi đó, phương thức tiếp cận vẫn trên hết là tình huynh đệ. Tôi hiểu rõ rằng trong cuộc đối thoại huynh đệ luôn có hai bên tham gia, và về phía một số người đối thoại, trên hết là khi họ bị ám ảnh bởi việc lo lắng tới tiếng tăm công cộng, thì tình bác ái huynh đệ của Thánh bộ Rôma vừa được đổi mới trong tinh thần cũng như trong tên của nó sẽ có nguy cơ gặp những tâm tư hoàn toàn khác nhau. Lúc đó, càng tệ hơn, nếu nó có thanh gươm thứ hai trong tay; và, nó thấy thực sự cần phải sử dụng thanh gươm này, cho dù hiếm khi, cho dù vừa phải đến đâu. Như Karl Rahner {27} nói, "Giáo hội sẽ phản bội Tin mừng, và huấn quyền sẽ phản bội sứ mệnh của mình, nếu trong một số trường hợp nào đó, Giáo hội không có can đảm nói 'Không' một cách nhất quyết đối với một học thuyết xuất hiện trong Giáo hội nhưng lại muốn có quyền tự do của kinh thành ở đó".

Cuộc đổi mới vĩ đại

1. Giáo dân cũng phải bị phàn nàn trong hoàn cảnh hiện tại. Có nhiều người trong số họ hơn người ta nghĩ là những người, bị bối rối sâu xa trong điều thân yêu nhất đối với họ bởi hành vi và rất nhiều lời nói của các giáo sĩ "hợp thời", - và mặt khác, sẵn lòng chấp nhận cải cách phụng vụ, cũng như những cải cách khác, và việc sử dụng tiếng bản ngữ, nhưng chán ngán đối với các bản dịch không xứng đáng mà người ta bắt buộc họ phải nghe trong Thánh lễ, {28} - đã duy trì một cách chán ngán như nhau cả lòng nhiệt thành của chủ nghĩa bảo thủ quá khích (intégrisme), chủ nghĩa dạy họ "mọi điều đã được nói cả rồi" lẫn tính hợm hĩnh thái quá của chủ nghĩa tân hiện đại (néo-modernisme), một chủ ghĩa dạy họ "mọi điều cần phải được làm lại" và không còn muốn bất cứ điều gì là siêu nhiên và linh thiêng. Họ xao xuyến tự hỏi "Giáo hội" đang dẫn dắt họ đi đâu (thực sự không phải là Giáo hội, mà là một nhân sự của Giáo hội lúc này phần nào đang bị đánh thuốc mê).



Những giáo dân này hầu như không tìm thấy niềm an ủi nào trong tính lạc quan được nhiều mục tử của họ chính thức tuyên bố, hoặc trong các "tổ chức" đa dạng mà người ta muốn họ ghi danh gia nhập. Tuy nhiên, họ có Đức Giáo Hoàng, người cầu nguyện, người dạy dỗ, người đau khổ, người lo lắng cho tất cả và cho mọi điều, và là người đã ban cho họ một lời tuyên xưng đức tin nhắc cho họ rõ ràng điều họ phải tin và điều họ có thể lặp lại sau ngài và với với ngài. Và họ có Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng trợ giúp dân Thiên Chúa, và họ có các thiên thần (những thiên thần mà Thánh Ambrôsiô đã nói với chúng ta trong Kinh Sáng Lễ Giáng sinh) {29} và các thánh của Thiên đàng cùng với nữ vương của họ, - Giáo Hội Thiên đàng, vốn là Giáo Hội duy nhất với Giáo Hội của trái đất, và là người chỉ yêu cầu được trợ giúp họ. Và nếu các ngài muốn một cách kiên trì, chắc chắn các ngài sẽ tìm được một linh mục xứng đáng với tên gọi để khuyên bảo họ. Trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đã dẫn dắt một đoàn chiên nhỏ mà Người bảo đừng sợ hãi: nolite timere, pusillus grex [đừng sợ, hỡi đoàn chiên sợ hãi]{30}. Ngày nay, chính những bầy chiên nhỏ sống trong cầu nguyện và trong tình yêu Thập giá nhận được sự nhẹ lòng này. (Có một số người đáng ngưỡng mộ đằng sau Bức màn sắt, những người bị mọi người bỏ rơi và sẵn sàng bị bách hại, họ khiến ta liên tưởng đến Giáo Hội của các hang toại đạo, họ chứng thực trên trái đất những ân sủng của Chúa Thánh Thần).

2. Sự đổi mới vĩ đại mà Công đồng Vaticanô II đã mời gọi dân Kitô giáo, - đối với tôi, dường như theo quan điểm mà chương này trình bầy với chúng ta, chúng ta hiểu rõ hơn tầm rộng dài trong các chiều kích của nó. Công đồng đã tự trình bầy như một diễn trình lâu dài dẫn đến sự định hướng lại hoàn toàn, dẫn đến một cuộc cách mạng liên quan đến lịch sử mười thế kỷ. Nói cho ngay, điều được kêu gọi ở đó chỉ đơn giản là trở về bằng một ý thức minh nhiên với điều mà, trong chính cuộc sống thực tế và kinh nghiệm sống sâu sắc của Giáo hội, luôn giữ vị trí hàng đầu: Há Giáo hội đã không có ơn thánh với những hồng ân nhưng không làm linh hồn, có đức ái làm sự sống đó sao? Nhưng sự sống sâu xa của một con người và ý thức mà họ có về các quy tắc mà họ sử dụng là một chuyện; một điều hoàn toàn khác là sự sống sâu xa của một kinh thành và điều đối với nó giữ vị trí hàng đầu trong các cơ cấu pháp lý và trong các mối quan tâm của những người quản trị nó. Đó là mối quan tâm chính mà kể từ thế kỷ thứ mười một, nhân sự của Giáo hội đã bận tâm trong việc quản trị Giáo Hội, và đó chính là bậc thang giá trị, mà, do đó, nó sử dụng trong thực hành pháp lý, từ nay đã thay đổi.

Việc phòng thủ chống lại lạc giáo, vốn mãi luôn là nhiệm vụ tối cao đối với Giáo hội, đã không còn là mối quan tâm thuần túy và đơn giản tối cao và tuyệt đối hàng đầu nữa. Theo giáo huấn của Công Đồng, đối với nhân sự của Giáo Hội, từ nay, mối quan tâm tuyệt đối hàng đầu là tình yêu của Chúa Kitô (tình yêu của Người đối với chúng ta, và tình yêu của chúng ta đối với Người) phải biểu lộ cho loài người, và sự thật của Chúa Kitô phải thông truyền cho họ.

Nếu xét đến sự mong manh của con người, những ham muốn vẩn đục và những phẫn uất dày vò bản chất của chúng ta, thì không ngạc nhiên gì khi kết quả tức thì của một sự thay đổi có tầm quan trọng lớn lao như vậy nơi những đầu óc suy nghĩ ít lo lắng về sự thật hơn là về thời trang ngày nay, và nơi một số giáo sĩ trẻ không được chuẩn bị kỹ cho sự kiện này, là một sự rối loạn lớn về tín lý và luân lý, và một cuộc đổ xô chạy tới điều tự gọi là Kitô giáo nhưng không biết gì ngoài trái đất. Chúng ta phải tin rằng một hiện tượng như vậy tự nó sẽ chỉ là một điều thoáng qua. Những thế hệ sẽ đến, có lẽ sớm hơn người ta nghĩ, chắc chắn sẽ có những nhu cầu khác, và xứng đáng hơn với ơn gọi của những hữu thể được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa; lúc đó, vấn đề sẽ là việc sẵn sàng cung cấp cho họ những gì họ yêu cầu.

Trong khi chờ đợi, điều vẫn mãi đáng ước mong một cách đặc biệt là khi họ chạm tới những điều chỉ có ý nghĩa nhờ tình yêu của Chúa Kitô, - điều đã khiến Người chết trên Thập giá, - và nhờ sự thật của Chúa Kitô, - sự thật để làm chứng cho sự thật Người đã đến thế gian, - con người, và đặc biệt các vị giáo phẩm, biết chút đỉnh về những gì họ đang nói. Cuộc đổi mới vĩ đại được Công đồng kêu gọi trước hết và trên hết, và theo một cách thức hoàn toàn cần thiết, là một cuộc đổi mới nội tâm, trong đức tin sống động. Không có nó, không có gì để hy vọng. Đó là dấu hiệu khủng khiếp mà Công đồng đã ghi lên tường.

Chính từ linh hồn, nơi Thiên Chúa cư ngụ cách bí mật, nó cần phải bắt đầu, và vì điều này, trước tiên cần phải tin linh hồn. Điều cần thiết là phải khao khát sự viên mãn của đức ái siêu nhiên, và vì điều này, trước nhất phải tin vào trật tự siêu nhiên và vào ân sủng. Điều cần thiết là phải hết lòng tuân giữ sự thật giấu ẩn trong Thiên Chúa siêu việt, và được Chúa Kitô mạc khải cho Giáo hội của Người, và vì điều này, trước tiên cần phải tin vào sự siêu việt của Thiên Chúa và vào Giáo hội của Chúa Kitô. Điều cần thiết trên hết là phải hiến mình cho việc cầu nguyện và cho đời sống cầu nguyện, và vì điều này, trước tiên cần phải tin thực sự vào lời cầu nguyện. Người ta cần phải ôm lấy Thập giá của Chúa Giêsu, và vì điều này, trước tiên cần phải tin thực sự vào sự Nhập thể của Ngôi Lời bất tạo, và vào ơn cứu chuộc nhờ Thập giá.

Ghi chú

{1} Về chế độ thánh thiêng xin xem Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn 1, trang 280-425 ("Régime de la Chrétienté sacrale"); và cuốn Humanisme Intégral của tôi, trang 143-153.

{2} In Cant., Bài giảng 64.

Thánh Hildegarde viết: "Hãy xua đuổi những kẻ lạc giáo ra khỏi Giáo hội; nhưng đừng giết họ; vì họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa giống như bạn".

{3} Thư gửi Tổng giám mục của Rheims, Henri, anh trai của Vua Louis VII Trẻ.

Chúng ta cũng nên trích dẫn lá thư được viết vào năm 1043 của Giám mục Liège, Wazon, gửi cho Giám mục của Châlons, Roger, người đã hỏi ý kiến ngài: "Thiên Chúa không muốn cái chết của tội nhân nhưng sự hoán cải của họ. Há Chúa Kitô đã không làm gương cho chúng ta về lòng nhân từ đối với những người lạc giáo, trong khi toàn năng, Người đã chịu đựng sự hà hiếp, sự sỉ nhục, sự tàn ác của người Do Thái và cuối cùng là sự hành hạ trên Thập giá đó sao? Và khi, trong dụ ngôn của Người, Người đã khuyên ta để cỏ dại mọc với lúa tốt cho đến mùa gặt, há Người đã không dạy chúng ta rằng kẻ ác phải sống với người công chính cho đến khi Chúa phán xét, chỉ có một mình Chúa mới phân rẽ họ đó sao?... Những người thế giới ngày nay coi là cỏ dại, có thể, khi mùa gặt tới, được Thiên Chúa thu lượm vào kho chứa của Người cùng với lúa mì... Những người mà chúng ta coi là kẻ thù của Thiên Chúa, có thể được Người đặt trên chúng ta trên Thiên đàng".

Bất kể chúng có thể đúng và cao quý đến đâu, những dòng này, giống những dòng của Alexander III được trích dẫn trong bản văn của tôi, cung cấp cho chúng ta bằng chứng về sự nhân từ của trái tim và sự cao thượng trong tư tưởng của người đã viết chúng, hơn cả nguyên tắc biện phân rõ ràng để giải quyết một vấn đề thực tế. Các vị vua và các cố vấn của họ chỉ thấy nơi chúng một chứng ngôn về sự yếu đuối.

{4} Do đó, những Sắc chỉ này đã khiến cho các quy định được Công đồng Latêranô thứ ba ban hành vào năm 1179 và Công đồng Verona ban hành vào năm 1184, và được Đức Innocentê III lặp lại tại Công đồng Latêranô thứ tư vào năm 1215.

Các chức năng của các quan tòa lạc giáo lần đầu tiên được thực hiện bởi các đặc sứ Dòng Xitô. Đức Grêgôriô IX giao phó các Cha Dòng Đa Minh cho họ. Vị trưởng quan tòa lạc giáo đầu tiên của vương quốc Pháp là Robert le Bougre (bản thân là một người thuộc bè rối Cathare đã hoán cải, - người ta thường gọi là "bulgare" hoặc "bougre" thay cho "cathare"). Ngài đã hành động nhân danh cả Đức Giáo Hoàng lẫn nhà vua.

Để biết tường thuật lịch sử chi tiết về điều mà tôi đã tóm tắt trong đoạn này, xin xem Jean Guiraud, bài báo Inquisition, trong Dictionnaire d'Apologétique, cột 823 đến 853.

Tòa án Lạc giáo truy tố phái Cathares, phái Vaudois (xem Jean Marx, L'Inquisition en Dauphiné), các đệ tử Béguins của Joachim de Flore và của Jean d'Olive; và vào thế kỷ thứ mười lăm, các phù thủy; và ngay cả những người phạm tội nhẹ thuộc thường luật.

{5} Xem Jean Guiraud, sđd., cột 868 và tiếp theo; và Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn 1, tr. 378, chú thích 1.

{6} Rất ít: Bị cáo không được đối chất với các nhân chứng đã buộc tội họ, và không biết tên của họ; vào thời điểm người ta cấp cho họ luật sư, những người này chỉ có vai trò tư vấn cho họ trong việc bào chữa hoặc thúc giục họ thú tội, và không bao giờ xuất hiện trước tòa; một hệ thống thông báo vi phạm luật tự nhiên buộc người cha và người mẹ phải tố cáo con cái, người chồng tố cáo vợ, và hỗ tương. Xem E. Vacandard, Dict. de théol., cột 2038-2041.

Sắc chỉ Cum adversus, của Đức Innocentê IV, ngày 31 tháng 10 năm 1243, đã phê chuẩn "hiến pháp Commissi Nobis của Frederick II, trong đó người ta nói rằng con trai của những kẻ lạc giáo sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp ngay cả khi chống lại họ - tước đoạt hàng hóa, không được giữ các chức vụ công cộng và các danh dự - nếu họ tố cáo lạc giáo bí mật của chính cha mình." Sau đó, một Sắc chỉ của Đức Piô V (Bullarium romanum, Turin, 1862, cuốn VII, tr. 430) cấm "các thầy thuốc không được đi thăm những người bệnh trong vòng ba ngày, không chịu xưng tội hoặc không ở vị thế có thể xuất trình giấy chứng nhận đã xưng tội" Ch. Journet, sđd., cuốn 1, tr. 297, ghi chú 2.

{7} Điều tôi gọi ở đây là thẩm quyền giảng dạy của Giáo hội trước hết bao gồm "quyền tuyên bố" của Giáo Hội, điều này có nghĩa làm cho người ta biết những gì Thiên Chúa mạc khải (và là những điều chúng ta tin dựa vào lời Thiên Chúa), nhưng cũng bao gồm "quyền quy điển” (pouvoir canonique) của Giáo hội, khi nó cho chúng ta biết điều phải được tin dựa vào lời của Giáo hội để bảo đảm việc bảo quản kho mạc khải trong tính toàn vẹn của nó qua các thế kỷ, xem thêm Ch. XIV, trang 203-206.

{8} Thánh Bernard, trong De Consideratione, cũng nói về hai thanh gươm, nhưng ngài hiểu thanh gươm thứ hai là thanh gươm vật chất, thanh gươm nằm "trong tay người lính", và có thể được rút ra theo lệnh của Phêrô, nhưng không bằng tay của ngài, tuo forsitan nutu, etsi non tua manu [bằng sự đồng ý của ngươi chứ không bằng tay ngươi] (IV, cap. 3, a. 7). Thánh Tôma lặp lại cùng quan điểm trong In IV Sent., Dist. 37. Ngược lại, thanh gươm thứ hai, như tôi hiểu, thanh gươm của quyền lực cưỡng chế thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, thường do tay Phêrô rút ra (và, trong trường hợp chế độ thánh thiêng, cũng được rút ra theo lệnh của ngài bởi bàn tay hoàng tử).

Do đó, nếu Giáo hội sở hữu thanh gươm của thẩm quyền cưỡng chế, cũng như thanh gươm của thẩm quyền giảng dạy, thì đó là bởi vì Giáo hội là một xã hội hoàn chỉnh và làm chủ chính mình (societas perfecta [xã hội hoàn hảo], theo thuật ngữ của các nhà triết học), và bao gồm những con người phàm trần, không phải thuần thần. Thẩm quyền giáo hội - trong lãnh vực riêng của nó và không cần nhờ đến quyền lực dân sự - do đó, vì mục đích tức khắc của trật tự tâm linh, có thể, áp đặt lên một trong các thành viên của mình, đặc biệt là một trong các thành viên thuộc nhân sự của mình, một hình phạt về bản chất và tự nó mang tính trần thế, chẳng hạn như "tiền phạt, hạn chế quyền tự do, tước bỏ một chức vụ hoặc một quyền lợi, v.v." (Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn I, tr. 333, chú thích 1). Trong tòa giải tội, một linh mục có thể quy định cho hối nhân việc nộp tiền phạt.

Đối với từ vựng mà chúng tôi sử dụng: thẩm quyền cưỡng chế bao hàm cả thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền tư pháp (xem Charles Journet, sđd., cuốn I, các tr. 184-185), nhưng chính bởi sự ép buộc mà cuối cùng nó đã hoàn thành chính nó và đã thực hiện dứt khoát chức năng thanh gươm. Do đó, chúng ta phải gọi nó bằng kiểu nói “thẩm quyền trói buộc hoặc cưỡng chế".

Một nhận xét cuối cùng có tính tổng quát hơn nhiều: hai "thanh gươm" mà chúng ta đang bàn trong những trang này, cũng như các “quyền” đa dạng được Giáo hội (ngôi vị của Giáo hội) sở hữu, chỉ nền tảng nhờ đó, trong các lĩnh vực đa dạng được xem xét, nhân sự của Giáo hội, nhờ Thiên Chúa, hoặc có thẩm quyền thực thi hoạt động của mình như một nguyên nhân chính, hoặc có vai trò của nguyên nhân dụng cụ khi chính ngôi vị của Giáo hội nói và hành động qua họ.

{9} Xem Bộ Giáo luật, điều 2213 S 1; xem Charles Journet, sđd. trang 260-263.

{10} Ga 18: 10.

{11} Mt 26, 52.

{12} Họ hoàn toàn có quyền sử dụng thanh gươm của thẩm quyền cưỡng bức, vì Giáo hội sở hữu thanh gươm này, và thậm chí sử dụng nó, một điều bình thường trong chế độ thánh thiêng, nhờ đến hành động của hoàng tử và cánh tay của thế tục.

Điều, tự nó và nói một cách khách quan, đã là một sai lầm nghiêm trọng (chắc chắn, về mặt lịch sử gần như không thể tránh khỏi, nhưng tự nó lăng nhục Thiên Chúa), khi tạo ra định chế Tòa Lạc giáo, đã sử dụng thanh gươm đang bàn một cách khác với cách Thiên Chúa đã cho phép, theo cách phản bội tinh thần của Người và vi phạm quy định đầu tiên của Luật Mới do Người đưa ra.

{13} Xem Charles Journet, sđd. tr. 232: "Sau đó, các Công đồng Toledo đã được tổ chức, rất đáng chú ý vì các định nghĩa tín điều của chúng về Chúa Ba Ngôi và việc Nhập Thể, nhưng về chúng, đối với những điều liên quan đến các qui định thực tế, người ta nói rằng chúng 'ít là Công đồng hơn là các nghị viện quốc gia của chế độ quân chủ Tây Ban Nha hầu như chỉ đăng ký các sắc lệnh của các vua chúa của họ.'

{14} Tôi sử dụng từ này một cách miễn cưỡng và có nguy cơ làm tổn thương các nhà thần học được tôi yêu quý. Nhưng magis amica veritas [sự thật quan trọng hơn bạn bè]. Vả lại, đạo đức giả (hay "hư cấu hợp pháp" như E. Vacandard nói) rất lưu ý đến việc tự che giấu bằng lời nói. Người ta không "trao nộp"; họ chỉ phó mặc kẻ có tội cho cánh tay thế tục. Và khi làm điều này, người ta đã thúc đẩy đức ái đi xa đến mức sử dụng một công thức đạo đức mà tôi đã nhắc tới trong bản văn này, kêu gọi cánh tay thế tục tha cho kẻ có tội bị cắt xẻo và chết. Nhưng nếu một hoàng tử từ chối thiêu sống kẻ lạc giáo mà Tòa án lạc giáo đã "phó mặc" như thế, anh ta sẽ bị vạ tuyệt thông và phải chịu tất cả các hình phạt dành cho những kẻ xúi giục lạc giáo. Xem Vacandard, Dict. de théol., cột 2051 và 2065. - Tương tự như vậy, người ta đã sử dụng tra tấn để buộc bị cáo phải thú tội, nhưng những lời thú tội được giả thiết là tự do (sđd., cột 2043).

{15} Tôi nói "Tòa án Giáo Hội" như tôi nói "nhân sự của Giáo hội." Định chế Tòa Lạc giáo liên quan đến nhân sự của Giáo hội. Nó không liên quan gì đến một định chế thiết yếu đối với ngôi vị của Giáo hội, chẳng hạn như định chế các Bí tích, và chúng liên quan đến Chúa Kitô, caput super Ecclesiam [đầu trên Ciáo hội].

{16} Thánh Raymond de Peñafort, Thánh Pierre de Vérone (còn được gọi là Thánh Phêrô Tử đạo), Thánh Piô V...

{17} Xem cuốn sách can đảm của Pierre-Henri Simon, Contre la torture (chống tra tấn), Paris, éd. du Seuil, 1957. "Thực hành tra tấn là một trong những điều đáng hổ thẹn của nhân loại..." Tuy nhiên, "ngoại trừ dân tộc Do Thái, các quốc gia thuộc thế giới Địa Trung Hải, trong những thế kỷ mà nền văn hóa đẹp đẽ nhất của họ phát triển mạnh mẽ, đã biết, chấp nhận, thực hành tra tấn trừng phạt hoặc tra khảo. Cả Platông, Aristốt, Xixêrông lẫn Plini, Sênêca, đều không phản đối nguyên tắc này, nếu họ có dịp phàn nàn về sự tàn ác quá mức trong ứng dụng.. ”(trang 24-27). Năm 866, việc tra tấn đã bị Đức Giáo Hoàng Nicôla I lên án một cách tuyệt đối. P. H. Simon trích dẫn bản văn này công chính một cách đáng khen này, một bản văn đã không ngăn cản thời Trung cổ Kitô giáo, kể từ thời điểm họ khám phá ra Luật Rôma, quay trở lại việc sử dụng tra tấn hợp pháp với một lương tâm tốt đang hoảng sợ.

Cuốn sách của Pierre Henri-Simon là một tiếng kêu phẫn nộ chống lại việc sử dụng tra tấn của các sĩ quan và binh lính của quân đội Pháp trong Chiến tranh Algérie. Chúng ta nên cám ơn tác giả đã làm nhân chứng cho công lý và đã phản đối vì danh dự của nước Pháp.

{18} Xem Arthur London, L'Aveu ( Paris, Gallimard).

{19} Đối với giàn hỏa như một phương tiện giết người, nó ngoạn mục hơn, nhưng không tàn nhẫn và man rợ hơn bao nhiêu so với máy chém hoặc treo cổ. Theo tôi, chỉ trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc chiến tranh phòng thủ thì việc giết một con người không phải là tội giết người, và hình phạt tử hình tự nó là một tội lỗi mà xã hội đã phạm phải. Xem cuốn sách của Albert Naud, Tu ne tueras point, Paris, Éd. de la Table Ronde. Về cuốn sách này, Julian Green viết: "Chúng ta hầu như không biết về những đau khổ của những người bị hành quyết. Điều xem ra chắc chắn là cái đầu tách ra khỏi cơ thể vẫn tiếp tục sống. Trong bao lâu? Người ta không biết. Nó sống và đau khổ một cách đáng sợ, vì tất cả đau khổ đều ở trong não, và chừng nào các trung tâm thần kinh không bị phá hủy, cỗ máy phi thường gây đau khổ vẫn tiếp tục hoạt động. Người ta biết rằng đôi khi treo cổ, do một tai nạn khiếp đảm, là một cuộc chặt đầu. Ghế điện chắc chắn là phương pháp khéo léo nhất và chậm nhất. Giá thắt cổ Tây Ban Nha là kết quả của trí tưởng tượng bạo tàn. Trước đây, người ta đã biến giá thắt cổ thành nhanh hơn hoặc chậm hơn tùy theo mức độ lớn nhỏ của tội ác. Tận nguồn gốc của hình phạt tử hình, có ý niệm chắc chắn lâu đời này là máu của người bị kết án tử hình sẽ làm giảm bớt cơn thịnh nộ của nạn nhân. Điều này vừa bán khai vừa ngu ngốc xiết bao" (Journal, cuốn II, Paris, Plon, 1969, p. 1473).

Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên khi vô số người mà tôi không nghi ngờ gì về sự man rợ và tàn ác, dựa trên đức tin của các ý kiến thông thường nhận được, đã coi tử hình và máy chém như những chuyện thông thường và cần thiết giống như thời Trung cổ, người ta coi giàn hỏa và cả việc tra tấn như những việc thông thường và cần thiết.

{20} Ngoại trừ các nhà thần học để biện minh cho chúng. Khi giải thích (Sum. Theol., II-II, 11, 3) tại sao những kẻ lạc giáo phải bị xử tử, Thánh Tôma đã chỉ ra rằng những người suy lý vĩ đại, khi tuyên bố về những điều cụ thể, có nguy cơ bị lạc lối bởi chế độ văn minh và não trạng của thời đại họ.

Vào thời điểm đó, lạc giáo được coi là tội ác tối cao đến mức hài cốt hoặc xác chết thối rữa của những người mà Tòa lạc giáo kết án là lạc giáo đã bị khai quật, kéo lê trên đường phố qua đám đông, trong khi mõ phố xướng to tên của những người có tội và bị thiêu cháy một cách trang trọng.

{21} "Xin ban cho con sự biện phân, - Con đường sự thật con đã chọn..." (Tv. 119: 34-35).

{22} " Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững" (Is.7:9).

{23} Tiện đây, chúng ta hãy lưu ý rằng chính từ Tòa Lạc giáo Tây Ban Nha, vào thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh chống Thệ phản, đã diễn ra việc thiết lập Danh mục sách cấm, ngày nay đã được dẹp bỏ. Theo yêu cầu của Charles Đệ Ngũ, một danh sách từng phần đã được Đại học Louvain lập vào năm 1546. Danh mục chung đầu tiên được Văn phòng Tòa thánh Tây Ban Nha xuất bản vào năm 1559. "Thời đại của Gutenberg," theo kiểu nói của Marshall McLuhan, đã bắt đầu một thế kỷ trước.

{24} Đây là lý do tại sao John Bowker, trong cuốn sách tuyệt vời Problems of Suffering in Religions of the World (Những vấn đề đau khổ trong các tôn giáo của thế giới] (Cambridge, University Press, 1969), dành chỗ cho chủ nghĩa Mác trong số các tôn giáo đa dạng được ông nghiên cứu.

{25} Đó là điều mới mẻ: vào thế kỷ thứ mười lăm, Jean Hus đã bị thiêu sống (1415) bởi việc kết án của Công đồng Constance; Savonarole cũng bị thiêu sống vào năm 1498.

{26} Nơi ngài cũng như nơi các vị Giáo hoàng của thời Trung cổ, không hề có ý nhỏ nhoi hay tính toán nhỏ nhặt nhất nào muốn thích ứng với não trạng chung của một thế giới tuy ý thức được các giá trị thiêng liêng nhưng vẫn nhuốm màu man rợ và đến mức không trong sạch về mặt đạo đức (thế giới, hơn nữa, đang trong diễn trình phát triển có tính lịch sử). Họ không cần phải thích nghi với não trạng chung này; họ vốn đã đắm mình trong nó và tham gia vào nó một cách chân thành (đó là cái cớ): khác với nhiều linh mục ngày nay, họ cũng là nạn nhân của thời đại họ, nhưng theo một cách khác: vì nói chung thiện ý của họ là điều không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng đó là thiện ý của những nhà chiến lược ngây thơ lo lắng để tự thích nghi mình, nhằm tác động trên nó, với não trạng thối rữa của một thế giới đang suy đồi toàn diện và hoàn toàn chán ghét thiêng liêng, để nói ngôn ngữ của nó và suy nghĩ như nó. Diễn trình nội bộ tự hủy hoại của “xã hội tư sản” tệ đến mức có lẽ một ngày nào đó nó sẽ tìm kiếm sự cầu cứu cuối cùng của nó nơi Chủ nghĩa Cộng sản; đến nỗi những người Mácxít thông minh sẽ sai lầm khi vội vàng, họ chỉ cần chờ đợi giờ của họ (lúc đó máy hơi nước lăn đường sẽ chạy qua sự thối rữa. Còn sự sống? Nó sẽ ở dưới lòng đất một thời gian). Liệu một Kitô giáo trung thành với chính mình có thể - như một phép lạ - dựng lại tiến trình lịch sử và khắc phục sự suy đồi đang bàn không? Hy vọng về nó ít nhất cũng là một nhiệm vụ. Một Kitô giáo không trung thành với chính nó chỉ có thể góp phần làm trầm trọng thêm sự suy đồi của một nền văn minh vốn phát sinh từ thời Trung cổ Kitô giáo (như nguồn gốc xa xôi) và từ chủ nghĩa nhân bản của thời Phục hưng (như nguồn gốc gần gũi), sau đó bị suy đồi bởi chủ nghĩa vật chất và tiền bạc, và nay đang đi vào thời đại kỹ trị phi nhân.

{27} Trong cuốn viết chung Au service de la Parole de Dieu, Mélanges offerts à Mgr. Charue, évêque de Namur, - Gembloux, 1969. (Xem Revue Thomiste, Avril-Juin, 1970, tr. 319.)

Điều này có phải muốn nói rằng những cải cách đa dạng về khả thể mà tôi vừa ám chỉ sẽ đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay? Tôi không nghĩ vậy. Theo ý kiến của tôi, người ta sẽ chỉ giải quyết được cuộc khủng hoảng này khi, trong một số ít hay nhiều năm, hoặc trong nhiều thập niện, Đức Giáo Hoàng triệu tập một Công đồng mới, - lần này về tín lý, - một Công Đồng, không cần phải nêu tên hoặc lên án bất cứ ai, sẽ tuyên bố một cách long trọng về sự không tương ứng với đức tin Công Giáo của một loạt (có thể dài) các sai lệch triết học và thần học đáng với tuyên bố này.

{28} Chẳng hạn, tôi nghĩ tới Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng, trong đó Đức Maria là một cô gái trẻ không còn đầy ân sủng nhưng được Thiên Chúa ưu ái, và không bối rối trong lòng nhưng hoàn toàn đảo lộn vì lời của Thiên thần, và không hỏi ngài "Làm thế nào điều này có thể có được vì tôi không biết đến người nam?" nhưng hỏi "Điều này sẽ xảy ra như thế nào vì tôi chưa kết hôn?" và cuối cùng không nói với ngài rằng "Hãy làm điều đó cho tôi theo lời của ngài," nhưng nói "Hãy để nó được thực hiện cho tôi như ngài đã nói". Không được phép thay đổi lời thánh lấy lý do để phiên dịch nó, - với một sự nhạt nhẽo khổ công tìm kiếm vốn phản bội ý nghĩa và giả thiết cho rằng dân Kitô là những người ngu ngốc.

{29} "Vì Thiên Chúa đã tấn phong làm những người chăn bầy chiên của Người không những các Giám mục, mà cả các các Thiên thần nữa" Kinh sáng Lễ Sinh Nhật, bài đọc 8.

{30} Lc 12: 32.