Chương XII: Nhìn lại lịch sử



Tôi tin rằng nói một cách bao quát về những thất bại và sai lầm của nhân sự Giáo hội mà không nói rõ mình đang nghĩ gì sẽ không làm tròn bổn phận phải trung thực về trí thức. Mặt khác, việc thảo luận dù nhỏ nhất về chi tiết lịch sử cũng kéo theo những phát triển vô tận, không phù hợp với một cuốn sách như thế này. Vả lại, tôi chẳng cảm thấy thích thú gì khi khai triển một chủ đề chỉ gợi lại quá rõ những vết thương do Ađam cũ để lại trong chúng ta (như lịch sử nói chung vốn làm, lịch sử "với hình ảnh ghê tởm", như Julien Green nói, lịch sử mà cả tôi cũng thấy "cơn ác mộng của nhân loại" {1} đang lữ hành). Do đó, trong chương này và trong hai chương sau, tôi sẽ tự giới hạn vào việc phân tích (tiếc rằng không thể làm cho nó ngắn gọn như tôi mong muốn) một số ít các thí dụ điển hình mà tôi đã gom lại với nhau cách tốt nhất có thể.



I. Các sách nhiễu của thập tự quân và ý niệm thánh chiến

Thập tự chinh và những người thi hành nó

1. Thập tự chinh là một ý niệm, tự nó, vốn trong sáng, nhưng trên thực tế, ngay lập tức bị xâm chiếm và vấy bẩn bởi một ý niệm không trong sáng. Nếu người ta hướng về những người đã rao giảng nó, chẳng hạn như Thánh Bernard, và hướng về những người đảm nhận trách nhiệm chính của việc làm này (Đức Urbanô II, {2} và các vị Giáo hoàng kế vị ngài trong suốt ba thế kỷ), và nếu người ta nghĩ tới cái đà đức tin phi thường đã kích thích việc làm này, thì người ta thấy ý niệm trong sáng trước nhất, cũng như những động cơ tôn giáo cao quý nhất, đi kèm với những quan tâm trần thế rất cao thượng, và những giấc mơ lớn đầy sự khôn ngoan chính trị vừa có tính kích động vừa có tính không tưởng mà con người thường rất cần đến (thống nhất cộng hòa Kitô giáo - nói cách khác, châu Âu của các ông hoàng Kitô giáo và các đối thủ ghê tởm của họ - vì một mục tiêu đại lượng siêu quốc gia): chúng ta đừng quên rằng chế độ của nền văn minh trung cổ là một chế độ thánh thiêng, trong đó chính trị là đồng minh và là dụng cụ của thể thánh thiêng. Theo quan điểm tôi vừa trình bầy, vốn không tưởng, lịch sử của các cuộc Thập tự chinh xuất hiện như một bản anh hùng ca huy hoàng.

Nhưng theo quan điểm thực tại của các sự kiện và xem xét những người thi hành, lịch sử này vừa xuất hiện như một lịch sử anh hùng vừa xuất hiện như một lịch sử vấy bẩn một cách khủng khiếp. Thực thế, những ký ức mà người Franks để lại khi họ ở đó là những ký ức bạo lực và sách nhiễu của họ. Để khởi diễn các vụ sách nhiễu này, đã có cuộc tàn sát các khu định cư của người Do Thái tại các thành phố Đức bởi các băng đảng bình dân vô tổ chức theo chân Pierre l’Ermite, và những vụ cướp phá mà họ đã gây ra ở phương Đông. Các vụ sách nhiễu khác sau đó của các đội quân chính quy cũng đã diễn ra; cướp bóc, hãm hiếp, thảm sát đôi khi còn tồi tệ hơn cả những vụ người Hồi giáo gây ra (chẳng hạn như vụ thảm sát khủng khiếp xảy ra sau cuộc tấn công Giêrusalem năm 1099: máu của những tù nhân bị thảm sát lên đến đầu gối của những con ngựa {3}), - tất cả những điều này là số phận của con người bị bỏ rơi trong chiến tranh. "Những kẻ man rợ da trắng vĩ đại" đã đến đó với bàn tay ưa cướp bóc và tàn bạo, cũng như cướp đoạt những kho báu của một nền văn minh tinh tế. Họ kích động sự kinh hoàng nơi dân số Hồi giáo và khiến họ ghét danh thánh Chúa Kitô; họ xúc phạm những Kitô hữu theo nghi lễ Hy Lạp; và điều còn lại trong tâm trí của nhiều người Ả Rập theo Kitô giáo ngày nay về các cuộc Thập tự chinh, cũng như những người đồng hương Hồi giáo của họ, là ý niệm về một sự xâm phạm đầy tính đế quốc chủ nghĩa do phương Tây tiến hành một cách tàn bạo.

2. Louis Bréhier {4} nhận xét rằng cuộc thập tự chinh của Louis VII và của Conrad III, do Thánh Bernard và Đức Giáo Hoàng Eugène III phát động, "không có kết quả nào khác ngoài việc làm gia tăng sự thù hận giữa người Hy Lạp và người Tây Phương". Thánh Bernard đã kiên quyết phản đối cuộc tàn sát đe doạ tận diệt mọi người Do Thái ở Rhénanie khi người dân đen bị kích động bởi cuộc thập tự chinh đã muốn chứng tỏ họ cũng biết phải phụng sự Thiên Chúa ra sao. Nhưng Thánh Bernard không ở phương Đông để truyền giảng Tin Mừng cho những người mà ngài đã sai đến đó nhân danh Đấng toàn năng. Sau ngài, có chứng từ khó quên của Thánh Phanxicô Assisi tại Damiette, - vũ khí trong cuộc thập tự chinh của ngài là lời nói và tình yêu, và ngài đã thành công tiến vào thành phố và tự dẫn đường tới gặp Sultan của Ai Cập Malik-al Kâmil để nói với ông ta rằng ngài sẵn sàng trải qua thử thách lửa{5}, trước đây từng bị các Kitô hữu từ khước; cuộc trò chuyện thân mật và nhã nhặn này giữa đôi bên diễn ra ba tháng trước khi quân Thập tự chinh chiếm giữ Damiette (ngày 5 tháng 11 năm 1219) và vụ cướp bóc diễn ra sau đó, "quá dữ dội và khủng khiếp" đến nỗi Joergensen {6} thấy trong đó công trình của "những con thú hoang dã".

Thánh Bernard, Thánh Phanxicô... Có lẽ người ta sẽ hỏi: còn nhân sự cấp cao của Giáo hội thì sao? Họ có lên tiếng phản đối chống lại những hành động sách nhiễu mà tôi đã nói tới, và là những hành động làm ô nhục Thập giá không? Trong những cuốn sách mà tôi đã đọc, tôi thấy có nhắc đến sự hối tiếc, của Đức Innocentê III, về việc bị buộc phải đổ máu{7}. Nhưng theo tôi biết, không một lời nào được thốt ra liên quan đến các vụ thảm sát và những hành động quá lạm khác mà Thập tự quân nên tự kết tội mình. Những tâm hồn dũng cảm không hối hận, phải không, vì họ (theo quan niệm thông thường) là dụng cụ của Giáo hội? - Họ hoàn toàn không phải là dụng cụ của Giáo hội, họ là những người được các Giáo hoàng của thời Trung cổ phái đi, những vị mà họ đã phản bội ý định của các ngài. Và chính các vị Giáo hoàng này cũng không hề là tiếng nói của Giáo hội (trong tất cả vụ việc này, chắc chắn không có gì được coi là ex cathedra), các ngài đã hành động như các nguyên nhân chính được khoác cho thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội trên trái đất: nhưng đó vẫn là nhân sự của Giáo hội mà chúng ta có ở đây trước mắt. Vẫn cần ngôi vị của Giáo hội phải khóc than vì những điều đó, và đền tội cho rất nhiều kẻ tội lỗi mình đã phái đi.

Thánh chiến

3. Một bỏ sót còn nghiêm trọng hơn liên quan đến ý niệm thánh chiến. Phải đợi Đức Gioan XXIII và giáo huấn chung của Công đồng Vatican II nó mới tự thấy mình tức khắc bị đặt vào sổ cấm, và cuối cùng bị đuổi ra khỏi những tầng đất ngầm tối tăm nơi những bóng ma của quá khứ nằm trong linh hồn. Cho đến lúc đó, tôi không thấy các nhân sự cao cấp của Giáo hội làm bất cứ điều gì để ngăn cản lương tâm Kitô hữu khỏi bị vấy bẩn bởi ý niệm thánh chiến, ý niệm không trong sáng chút nào vốn đầu độc hàng thế kỷ lịch sử, và tự nó đã là một thương tích vấy máu đối với Tin Mừng. Trả lời cho Giacôbê và Gioan, những người xin Người cho phép lửa trên trời giáng xuống thành phố không chịu tiếp nhận Người, Chúa Giêsu đã phán những lời đáng sợ này: "Các ngươi không biết mình thuộc thần khí nào", và nói thêm: "Con Người không đến để hủy diệt cuộc sống của con người, mà để cứu họ"{8}.

Ý niệm trong sáng của thập tự chinh đã bị xâm lược và vấy bẩn ngay từ đầu bởi ý niệm thánh chiến không trong sáng. Để hiểu hiện tượng này đã xuất hiện một cách quá tự nhiên như thế nào, tôi phải nhờ đến một bức thư của Thánh Bernard gửi cho Giám mục Spire{9}, trong đó, ngỏ lời với "các bản chất hiếu chiến", ngài nói với họ: "Tại sao hướng lòng nhiệt thành của các bạn hay đúng hơn sự giận dữ của các bạn chống lại người Do Thái? Họ là những hình ảnh sống động của Cuộc Khổ Nạn của Đấng Cứu Thế. Không được phép bách hại, tàn sát họ, thậm chí trục xuất họ... họ không phải là người cần tấn công, mà là những người ngoại giáo. Những kẻ này mới là những kẻ đã tấn công. {10} Điều thích hợp là những người cầm gươm đáp ứng bạo lực bằng bạo lực". Ở đây chính ý niệm chiến tranh chính nghĩa (một khái niệm có cơ sở đạo đức) bị đặt vào nguy cơ, - và là ý niệm chiến tranh chính nghĩa được tình yêu của Chúa Kitô đội hào quang; đó là ý niệm trong sáng của thập tự chinh khi được tách khỏi bản văn này.

Nhưng trong cùng bức thư này còn có những dòng khác: Thánh Bernard viết, "Hãy chiêm ngưỡng sự thăm thẳm của lòng thương xót của Người. Há không phải là một phát minh tuyệt diệu và xứng đáng với Người khi nhận cho những kẻ giết người, cướp bóc, ngoại tình, gian dâm và rất nhiều tội phạm khác vào phục vụ Người và cung cấp cho họ bằng cách này một dịp cứu rỗi hay sao? Hỡi những kẻ tội lỗi, hãy tin tưởng, Thiên Chúa rất tốt lành". Những dòng nguy hiểm {11}; Thánh Bernard, say sưa với chủ nghĩa duy tâm không tưởng của ngài, đã không thấy rằng câu kết luận mà những kẻ tội lỗi rút ra đơn giản sẽ chỉ là: "Vì vậy, chúng ta hãy giết những kẻ ngoại đạo, đó là phương tiện dễ dàng và chắc chắn để đạt được thiên đàng". Ngài không thấy rằng những gì ngài viết đã mở đường cho ý niệm thánh chiến: chiến tranh để trừng phạt và khuất phục những kẻ ngoại đạo, hoặc để cải đạo họ bằng vũ lực, hoặc để bảo vệ bằng bạo lực một đức tin bị đe dọa bởi những sai lạc mà họ loan truyền và bởi những lập luận của họ trong cuộc tranh cãi, kể cả bởi chính sự hiện hữu của họ. Ngài không thấy rằng chính việc đề cao động cơ tôn giáo, một việc đã truyền cảm hứng cho cuộc thập tự chinh, - để giải phóng các Địa điểm Thánh từ tay của người Hồi giáo, - có nguy cơ, nếu người ta không cảnh giác, xóa bỏ lý do duy nhất (đáp ứng bằng bạo lực những ai đã sử dụng nó trước) mà nhờ đó một cuộc chiến tranh có thể được biện minh về mặt đạo đức.

Thực vậy, việc cân nhắc về mặt đạo đức này ngay lập tức bị lãng quên, và ý niệm thập tự chinh bị nhầm lẫn với ý niệm thánh chiến. Quan tâm tới chiến tranh chính nghĩa không phải là chuyện của các Nam tước. Họ chỉ nghĩ đến việc chinh phục các Địa điểm Thánh để biến chúng thành lệ thuộc quyền lực của các Kitô hữu, và giành được sự cứu rỗi của họ bằng cách chiến thắng những kẻ ngoại đạo và bằng cách đổ máu cho Thiên Chúa. Khi Humbert của người Rôma bào chữa cho cuộc thập tự chinh, chính ý niệm thánh chiến trong sự quá trớn trần trụi của nó được ông đề cao. Quốc gia Hồi giáo là summa culpabilis [kẻ cực kỳ có tội]. Chiến tranh chống lại nó được chỉ huy bởi thẩm quyền thần linh. Các chiến binh của nó là quân đội của Thiên Chúa, và thanh gươm của Giáo Hội {12}...

4. Cuộc thập tự chinh của Thánh Louis là cuộc thập tự chinh cuối cùng được gọi đúng như vậy. Nhưng từ thế kỷ thứ mười một đến thế kỷ thứ mười sáu, cuộc chiến của người Tây Ban Nha chống lại người Hồi Giáo Châu Phi (Moor) là một cuộc thập tự chinh kéo dài. Và còn nhiều cuộc "thập tự chinh" khác, ở Pháp chống lại phái Albigeois, ở Bohême chống lại phái Jan Huss, - người ta có thể mở rộng danh sách này. Tất cả đều chuyên chở ý niệm thánh chiến. Ý niệm này đã đóng một vai trò lên men tâm lý - ở cả hai phía - trong các cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ mười sáu. Vào đầu thế kỷ hiện tại, nó xuất hiện trở lại một cách công khai trong Nội chiến Tây Ban Nha {13}; một giám mục nói lúc đó "phúc thay những khẩu đại bác{14}, nếu trong những tổn hại chúng gây ra, Tin Mừng được đơm bông". Dưới những hình thức nhẹ nhàng hơn, trong suốt nửa chục thế kỷ, nó vẫn tiếp tục đi vào tiềm thức của lịch sử; - chưa nói đến kích thích bí mật mà nó đã thực hiện trong việc lựa chọn một số phương tiện vũ lực và cưỡng chế nhằm đánh bại kẻ thù, kẻ thù không suy nghĩ đúng.

Cuộc thập tự chinh cuối cùng xứng với tên gọi của nó ít bị vấy bẩn nhất. Đó là ý niệm trong sáng về thập tự chinh phản ảnh tinh thần và trái tim của Thánh Louis, và vị vua vĩ đại này (vị vua vĩ đại duy nhất trong lịch sử nước Pháp) đã tiến hành cuộc thập tự chinh của mình bằng bàn tay trong sạch. Tuy nhiên, há ngài không phải chịu một cuộc thanh tẩy cuối cùng hay sao? Ngài chết vì bệnh dịch ở ngoài khơi Tunis (ngày 25 tháng 8 năm 1270).

Bất kể kết quả mà tình cờ chúng có thể mang lại cho phương Tây và cho nền văn hóa của nó có phong phú đến đâu, các cuộc Thập tự chinh, xét về mục tiêu thiết yếu của chúng, là một thất bại hoàn toàn. Có vẻ như Chúa Quan Phòng không muốn xử phạt cuộc thánh chiến và dường như đã tha tội cho các thập tự quân.

"Chúa muốn thế!" những người nhận thập tự và gắn nó vào quần áo của họ đã hô lên như vậy. Mong mọi người cho phép tôi không chấp nhận điều này.

Ý muốn của Thiên Chúa là điều không thể dò thấu được. Những sự kiện duy nhất mà chúng ta biết hoàn toàn do Người muốn là những phép lạ do chính Người thực hiện, và những hành động do Chúa Giêsu và Đức Maria thực hiện. Đối với tôi, trong nền thần học tốt lành, dường như ta phải phân biệt giữa ý muốn thuần túy của Thiên Chúa và, tôi không nói chỉ là việc cho phép nào đó (chỉ liên quan đến điều ác), nhưng điều mà tôi gọi chung là ý muốn cho phép [volonté-permission] của Người, ý muốn "áp ký" [contresigne] hoặc đóng dấu "tốt để diễn ra" điều mà trong đó ý chí tự do của con người và của ma quỷ có góp phần vào. Lúc đó, vì các mục đích thần linh của nó, ý muốn của Thiên Chúa nói có với những gì sắp xảy ra trong lịch sử. Chính vì vậy, Leon Bloy từng nói: "Tất cả những gì xảy ra đều đáng tôn thờ". Nhưng điều xảy ra trên trái đất thường rất khủng khiếp.

Trên Thiên đàng không hề có ý chí cho phép; chỉ có ý muốn thuần túy của Thiên Chúa được thực hiện ở đó. Nói cho ngay, trong lời thỉnh cầu thứ ba của Kinh Lạy Cha (Ý Cha thể hiện "dưới đất cũng như trên Trời," - cũng như ở trên Trời!) Để chúng ta chỉ là các Kitô hữu, Chúa Giêsu đã khiến chúng ta cầu xin điều không thể có. Qua chính lời thỉnh cầu này, chúng ta tự tách mình ra khỏi thế giới, làm chứng rằng, giống như Người, chúng ta không thuộc thế giới này.

Chúa muốn thế! Thiên Chúa đã muốn (ý muốn cho phép) các cuộc Thập tự chinh như một sự kiện của thế giới này, và của thế giới này một cách khủng khiếp, chứ không phải như một điều được ý chí thuần túy của Người ước muốn. Đây là một sự phân biệt mà Humbert của người Rôma đã không làm.