Bàn rộng về Nhà nước Israel

9. Còn về chủ nghĩa bài Do Thái không vì tôn giáo mà vì chủng tộc thì vẫn chưa biến mất. Nhưng, 20 năm trước Công đồng, nó đã đưa ra các biện pháp trọn vẹn bằng các trại tử thần của Hitler. Chính vì bi kịch quái dị này, và việc diệt trừ 6 triệu người Do Thái mà lịch sử cuối cùng đã cung cấp cơ hội cho giấc mơ hồi hương về mảnh đất hứa, một lời hứa từng bao thế kỷ dài đằng đẵng hằng nuôi dưỡng lòng hy vọng của biết bao thế hệ những con người bị sỉ nhục và áp bức rải rác khắp các quốc gia. Máu dân Do Thái đã trả giá cho cuộc hồi hương này, chớ chi người ta đừng bao giờ quên điều này.



Như tôi đã viết trong Le Mystère d’Israel [Mầu nhiệm Israel] {53}, điều nghịch lý kỳ cục là thấy người tranh chấp với người Do Thái về “lãnh thổ duy nhất mà nếu xem xét toàn bộ khung cảnh lịch sử con người thì điều tuyệt đối và thần linh chắc chắn là một dân tộc có quyền hưởng một cách không thể tranh cãi: vì dân tộc Do Thái là dân tộc duy nhất trên thế giới được Thiên Chúa chân thật, Thiên Chúa duy nhất và siêu việt, Đấng tạo dựng vũ trụ và loài người, ban cho một lãnh thổ, lãnh thổ Canaan. Và điều gì Thiên Chúa đã ban một lần thì được ban cho mãi mãi”.

Khi nói như thế, tôi không biến Nhà nước Israel thành một Nhà nước có thiên quyền, như một số người chủ trương {54}. Nhà nước Israel, như một Nhà nước, chỉ là một Nhà nước như các nhà nước khác. Nhưng việc hồi hương của một phần dân Do Thái và việc họ tái nhóm tại Đất Thánh (mà sự hiện hữu của Nhà nước này là một dấu hiệu và bảo đảm), theo chúng tôi, quả là một tái hoàn thành lời hứa hẹn của Thiên Chúa vốn không hề thay đổi. Tóm lại, tôi nhớ lại những gì đã được phán với Ápraham {55}, với Giacóp {56} và với Môsê {57}, và những gì Êdêkien đã công bố {58}: không phải tôi coi việc thành lập Nhà nước Israel như một loại bước mở đầu cho việc thể hiện lời tiên tri này (về việc này, tôi tuyệt đối không biết gì cả, mặc dù có thể có như vậy); nhưng chỉ để duy trì trong tâm trí tôi lòng tôn kính đối với các đường lối của Thiên Chúa. Và tôi không hoài nghi biến cố này, một biến cố hết sức bí ẩn đối với cả người Do Thái lẫn các Kitô hữu, mang trong nó dấu ấn của một tình yêu trung thành và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân tộc luôn của riêng Người. Đối với tôi, xem ra từ lúc đó, từ lúc dân Do Thái đặt chân trở lại trên lãnh thổ Thiên Chúa đã ban cho họ, thì không ai có thể lấy nó ra khỏi họ được nữa; và muốn Nhà nước Israel biến mất là muốn ném trở lại hư vô việc hồi hương cuối cùng đã ban cho dân Do Thái, và là cuộc hồi hương cho phép họ có chỗ trú thân của riêng họ trong thế giới; nói cách khác, là muốn bất hạnh vẫn còn hành khổ dân tộc này và một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc gây hấn bất công. “Chủ nghĩa bài Israel” {59} không hề hơn gì “chủ nghĩa bài Do Thái”.

Đàng khác, như tôi từng nói đến trên đây, chủ nghĩa sắc tộc bài Do Thái tiếp tục làm mù quáng rất nhiều cõi lòng, kể cả, và nhất là, sau bức màn sắt, chắc chắn vì quá khứ mầu nhiệm, và do đó làm người ta lo lắng, mà dân tộc Do Thái luôn mang theo mình, và cũng vì, nói chung, họ thông minh hơn các goyim [dân ngoại], do đó, đáng sợ hơn đối với những con người chỉ biết nhìn trong trí thông minh một công cụ của quyền lực và thống trị.

Như tôi vừa đề cập, người ta có thể sợ rằng từ nay chủ nghĩa sắc tộc bài Do Thái sống dai dẳng như thế có thể được trộn lẫn (hay không được thay thế, cả nơi các Kitô hữu tin rằng mình không bài Do Thái) với một chủ nghĩa chính trị bài Israel đã được thiết lập vững chãi. Dân tộc Do Thái chưa ngưng chịu đau khổ.

dân Chúa cũ và mới

1.Có lẽ đã đến lúc phải hướng mắt về hướng bí ẩn đáng lo ngại nhất của lịch sử, tôi muốn nói tới mối liên hệ giữa dân cũ của Thiên Chúa đang tiếp tục sống trong các hậu duệ của họ và dân mới của Người là Giáo Hội.

Điểm đầu tiên cần đưa ra ánh sáng là Thiên Chúa là Đấng trung thành; các ơn phúc và tình yêu của Người không hề thay đổi. Người, Đấng yêu thương mọi người, Người yêu Giáo Hội bằng một tình yêu sủng ái. Nhưng vì điều này, Người vẫn không ngừng yêu Israel bằng tình yêu sủng ái.

Phải chăng tình yêu Người dành cho Giáo Hội và tình yêu Người dành cho Israel là hai tình yêu khác nhau? Không, đó cùng là một tình yêu duy nhất, vì trong viễn kiến đời đời của Thiên Chúa, Israel và Giáo Hội chỉ là cùng một dân Thiên Chúa duy nhất như sẽ xẩy ra vào những thời sau cùng của lịch sử nhân loại, ngày, không kém huy hoàng như “một cuộc phục sinh người chết” {60}, khi các nhánh Israel, “các nhánh tự nhiên”, sẽ lại được gép vào “cây ôliu của chính chúng”. Chính trên cây ôliu cũ có “rễ thánh thiện” này mà chúng ta, những người khác, những nhánh ôliu hoang dã, đã được gép vào. Rễ của nó thánh thiện, và nó là Do Thái. Chính rễ này mang dân mới của Thiên Chúa, với tất cả Dân Ngoại lập thành ra dân mới này. Và há những bước đầu hợp nhất có tính thần linh cách kỳ diệu mà cuối cùng sẽ được hoàn tất giữa Israel và dân mới đã không chiếu sáng cả đất lẫn trời hay sao? Há Đấng mà chúng ta tôn thờ, Đấng duy nhất thánh thiện, Đấng duy nhất là Chúa, Đấng duy nhất là Đấng Tối cao, Chúa Giêsu Kitô không phải là một người Do Thái (vốn tuyệt hảo từ trong bản chất) như Léon Bloy từng nói hay sao? Há đấng diễm phúc hơn mọi phụ nữ, Đấng Vô nhiễm, Nữ vương Thiên đàng không phải là một phụ nữ Do Thái đó sao? Há mọi tông đồ và phần lớn các vị tử đạo tiên khởi không phải là người Do Thái hay sao? Há không phải là thịt Do Thái và máu Do Thái được chúng ta ăn và uống mỗi lần rước lễ đó sao? Đức Piô XI nói rằng “Về mặt thiêng liêng, chúng ta là người Do Thái”.

Tuy nhiên, tôi không quên điểm thứ hai: cùng một tình yêu duy nhất này của Thiên Chúa đối với dân mới và đối với dân cũ của Người nơi các hậu duệ ngày nay của họ được tỏ bầy dưới các hình thức rất khác nhau, bởi vì việc đáp ứng đối với nó trên dương thế cũng rất khác nhau, và ở phía này, nó là tình yêu phỉ nguyền, ở phía kia, nó là tình yêu thương tổn. Thiên Chúa rất mực kiên nhẫn, Người không kết án dân Do Thái tội mà các Kitô hữu gọi là ương ngạnh nhưng dân Do Thái gọi là lòng trung thành, không phải do lỗi của họ mà chiếc khăn bịt ngày xưa đã được đặt vào mắt họ bởi các thượng tế của họ, và còn được tăng cường hơn nữa bởi các cuộc bách hại họ phải chịu từ các Kitô hữu. Nhưng trước mắt Người, Thiên Chúa luôn có điều có từ lúc họ bắt đầu khăng khăng chờ đợi Đấng Xức Dầu nay đã đến: tình yêu của Người từng bị nhà Israel phản bội và làm cho tức giận, khi Người sai Con của Người đến nhưng Giêrusalem không biết thời Người đến viếng thăm. Ai dám nói rằng nơi Người, tình yêu đã nhường chỗ cho cơn khát trả thù và trừng phạt? Điều ấy sẽ là một sự phạm thánh. Thiên Chúa không bác bỏ dân của Người {61}. Họ luôn được yêu mến nhờ cha ông của họ (62). Nhưng không phải với nhà Israel, mà là với Giáo Hội, Người đã ban cho linh hồn sự viên mãn của mọi ơn thánh. Và mọi tín hữu của hội đường đều được cứu rỗi theo cá nhân, miễn là họ trở thành thành phần vô hình của Giáo Hội và nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ gia đình thiêng liêng của họ.

Và tình yêu bị thương tổn có những cách đáng sợ không tự làm cho mình cảm thấy thừa thãi. Đối với việc này, chỉ cần để nó tự nhiên, và chờ đợi, cả nó nữa. Được Thiên Chúa yêu thương có thể có nghĩa là phải đổ máu. Chính tình yêu Thiên Chúa đối với dân Do Thái đã bỏ rơi họ hàng thế kỷ cho những đối xử tàn tệ của dân ngoại, chúng ta sẽ là những kẻ mù tồi tệ nhất nếu không chịu hiểu như thế. Và tình yêu đó vẫn luôn ở đó, người Do Thái vẫn có thể trông cậy nơi Người. Người luôn trông chừng dân của Người, Người khóc vì họ và với họ, Người sẽ luôn kéo họ ra khỏi những bước lỡ lầm. Người luôn củng cố họ. Nói cho ngay, dân tộc này vác thánh giá của Chúa Giêsu theo cách riêng của họ, bằng cách chịu đựng trong linh hồn bất khuất của nó mọi đau khổ của thế giới và cong lưng dưới mọi gánh nặng, để sống còn; giống như Giáo Hội mang nó theo cách riêng của mình, trong ánh sáng và nước mắt của hiệp thông các thánh, để cứu chuộc thế giới cùng với Chúa Giêsu và máu thánh Người.

2. Và nếu, bất kể các hình thức khác nhau nó dùng để tự tỏ mình ra, tình yêu Thiên Chúa dành cho dân mới của Người và cho dân cũ của Người trong các hậu duệ ngày nay của nó, như tôi đã trình bầy, chỉ là tình yêu duy nhất và độc nhất vì trong viễn kiến đời đời của Thiên Chúa, cả hai chỉ là cùng một dân duy nhất của Thiên Chúa, thì vẫn có sự kiện này là trong lịch sử nhân loại vẫn diễn ra những sự việc tuy chỉ là một trong viễn kiến và trong tình yêu của Thiên Chúa, nhưng được trao cho phép biện chứng dưới thế, với những đối kháng đẫm máu vốn thuộc riêng nó và những tiến bộ khập khiễng khốn khổ của nó.

Thiên Chúa của Ápraham, của Môsê và của Đavít là Thiên Chúa của toàn thể thế gian và Giáo Hội chỉ dần dần mới tách mình ra khỏi Đền Thờ và những bổn phận nó áp đặt. Tuy nhiên, điều cần là Dân Ngoại có thể gia nhập một cách tự do, không lệ thuộc các thực hành Do Thái chuyên biệt. Thánh Phaolô, với sự giúp đỡ của Thánh Phêrô, đã đóng một vai trò có tính quyết định trong cuộc phiêu lưu vĩ đại này. Thế là, do việc kết án Chúa Giêsu, cuộc tranh chấp giữa dân cũ và dân mới của Thiên Chúa đã rất nhanh chóng được mở rộng. Hội đường đã khắc nghiệt bách hại các Kitô hữu đầu tiên. Như chúng ta đã ghi nhận trên đây, đến thời các giáo phụ, Hội đường, vì chưa bác bỏ ý niệm phổ quát hóa, đã theo đuổi một chiến dịch cải đạo hết sức hăng say, và thế là người ta bước vào một cuộc bút chiến công khai: Hội đường chống lại các giáo phụ, các giáo phụ chống lại Hội đường. Nhưng đây mới chỉ là bút chiến. Như chúng ta cũng đã ghi nhận, mãi sau này, qua thời hậu bán trung cổ, và trước nhất vì tư thế xã hội tồi tệ áp đặt lên người Do thái, nên đã nổ ra sự thù ghét và khinh bỉ của Kitô hữu đối với người Do thái. Và thế là phát sinh ra chủ nghĩa bài Do thái về phương diện sắc tộc.Thế kỷ 19 được chứng kiến cuộc tranh chấp biện chứng, cuộc tranh chấp mà chúng ta đang bàn, mang hình thức dữ dội nhất của nó. Một mặt, như thể lịch sử lúc đó cung cấp cho kẻ bị áp bức một cuộc trả thù, về phương diện tinh thần, trí thông minh Do thái, mà người ta có thể kể ra những người rất danh tiếng, đã chiếu sáng một cách hết sức phi thường lên một nền văn minh trước đây vốn của Kitô giáo nhưng do hết bác bỏ này tới bác bỏ nọ nay đang tan rã hiển nhiên. Mặt khác, lịch sử lại đang chuẩn bị các trại tận diệt của Quốc Xã.



3. Và rồi đến lúc các chống đối biện chứng mù quáng cuối cùng hơi nới lỏng chút đỉnh, cho phép một tia sáng lọt qua. Đối với tôi điều xem ra có ý nghĩa là hai biến cố có tầm ý nghĩa lớn lao đã diễn ra hầu như cùng một thời điểm, về phía người Do Thái, là việc hồi hương về Đất Thánh một số dân, về phía Kitô giáo là Công đồng Vatican II, biến cố đầu diễn ra năm 1948, biến cố sau diễn ra trong các năm 1962-1965. Mỗi biến cố một cách, chúng đánh dấu một tái định hướng lịch sử. Theo quan điểm này, còn gì quan trọng hơn việc Công đồng nhấn mạnh tới tình bằng hữu cần khai triển và củng cố giữa người Do Thái và Kitô hữu?

Tôi không phải một tác giả có uy tín lớn, tôi vẫn có thể nói điều đôi mắt triết gia kém cỏi của mình tin là nhìn thấy trong sự chằng chịt rối bời của lịch sử. Đối với tôi, hình như để chân chính tình bạn đang bàn đòi hỏi trước nơi đôi bên một cuộc thanh tẩy tư duy: các Kitô hữu cần hiểu thực sự rằng Thiên Chúa không bác bỏ người Do Thái, nhưng luôn luôn yêu thương con cái Israel, và chính tình yêu của Người đã cho phép cuộc thống khổ dài đằng đẵng này; còn người Do Thái thì họ phải hiểu thực sự rằng không phải ý chí quyền năng, mà là đức ái của Chúa Kitô đã lên sinh lực các cố gắng của Giáo Hội hướng về con người. Ngoài ra, đối với tôi, nếu tình bạn này được củng cố, nó sẽ là điềm báo những điều lớn lao, và trước hết là điềm báo một hành động chung nhằm cứu giúp một thế giới đang suy sụp nhưng trong nhiều ngõ ngách của nó vẫn có những linh hồn đang chết khát. Thánh giá sống còn mà dân Do Thái phải vác và Thánh giá cứu chuộc mà Giáo Hội phải vác vẫn còn rất xa nhau để sẵn sàng gặp nhau. Nhưng sau này, chắc chắn rất lâu sau này, khi đại họa lịch sử diễn ra mà từ đó xuất hiện trong một thời gian một vũ trụ nhân bản đổi mới, ngày ấy, giống như khúc dạo đầu dẫn tới việc phục sinh người chết, Thánh giá sống còn (vì chính cây ôliu cũ của Israel sẽ nở hoa trọn vẹn, πᾶς ̓Ισραὴλ σωθήσεται) và Thánh giá cứu chuộc (vì chính dân mới của Thiên Chúa sẽ mang tất cả trong ánh sáng Chúa Kitô) cuối cùng sẽ nhìn nhận lẫn nhau và chỉ làm thành một Thánh giá duy nhất, để cung hiến ơn cứu độ cho mọi người khắp mặt đất, và có lẽ để chính trái đất, trước tận thế, bước vào thời điểm hưởng được nền hòa bình của Chiên Thiên Chúa. Phép biện chứng lịch sử lúc đó sẽ hòa giải được mọi đối kháng của nó và bước vào sự hợp nhất mà Chúa Cha, Đấng ngự ở trên trời, vốn dự ứng từ thuở đời đời.

Ghi chú

{1} Julian Green, Journal, II, tr. 979.

{2} Trước ngài, Đức Grêgôriô VII đã ước mơ một cuộc viễn chinh tới Đất Thánh do chính ngài lãnh đạo, nhưng Cuộc chiến giành quyền chỉ định Giám Mục đã ngăn cản ngài thực hiện dự án này. Lời kêu gọi gia nhập thập tự chinh phát xuất từ ngôi Giáo hoàng thời Trung cổ. Chính từ tay của Đức Giáo Hoàng hoặc từ các đặc sứ của ngài mà những người đã tuyên khấn tham gia vào chiến dịch này đã nhận được Thánh giá.

{3} Điều làm cho Humbert của người Rôma vô cùng thích thú. Xem Gesta Francorum, tr. 202, trích dẫn bởi Norman Daniel, Islam and the West [Hồi giáo và phương Tây], Edinburgh, 1960, tr. 113. Tác giả viết thêm, vụ thảm sát này quả là "sự xúc phạm Đất Thánh tồi tệ nhất thời trung cổ mà chúng ta biết đến" (sđd, tr. 349, n. 12).

{4} Xem bài viết của ông Croisades (Dictionnaire d'Apologétique, tr. 823), vốn là một bản tóm tắt rất hay về tác phẩm L'Église et l'Orient au moyen âge, Les croisades, Paris, 1907 của ông.

{5} "Vào buổi tối cuộc thất bại tại Damietta, từ trại Thập tự chinh, Thánh Phanxicô qua trại Hồi giáo để tự thử lửa, vì tình yêu đối với một linh hồn Hồi giáo duy nhất, quốc vương Ayyubite Mohammadiba-Abi Bakr al Malik al-Kainil. Ý nghĩ thoáng qua về phúc tử đạo bị đẩy lui nhưng, nhờ một thị kiến, ngài biết rằng khi trở về Ý, ngài sẽ nhận một cái chết khác vì tình yêu: đó là việc được in 5 dấu của ngài tại Alverno, vào lễ Tôn vinh Thập giá. Lòng cảm thương của ngài đối với Hồi giáo, cuộc thập tự chinh tinh thần thực sự này, cuộc thập tự chinh đầu tiên, cuộc thập tự chinh mà vua Louis IX sẽ noi gương tại Carthage, đã giúp ngài trở thành người cùng chịu khổ hình đầu tiên đồng hình đồng dạng với Đấng bị đóng đinh, 'người trỗi dậy từ Hướng đông, mang dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống'. Thế là, bảy thế kỷ trước, đã mở ra đoàn lũ những người phất cờ Khổ nạn". Louis Massignon, Les trois prières d'Abraham, Seconde Prière, Avrault, Tours, hết bán, tr. 56. Xem tr. 25.

{6} Saint François d'Assise, Paris, Perrin, 1954, tr. 307.

{7} Norman Daniel, sđd., tr. 113.

{8} Lc 9: 54-56. - Xem Ga 18: 36.

{9} Xem cuốn sách hay của Robert Vallery-Radot, Le Prophète de l'Occident (1130-1153), Paris, Descleé, 1969.

{10} Đề cập đến việc chiếm Edessa bởi "atabeks [thống đốc]" của Mosul (1144). Và thực sự đúng là "mặc dù các cuộc Thập tự chinh thoạt đầu có vẻ như một cuộc tấn công táo bạo, nhưng trên thực tế, ngay từ đầu chúng đã là những cuộc chiến tranh phòng thủ." (Louis Bréhier, sđd., col. 837.) Cuộc xâm lược của người Hồi giáo đầu tiên là của ông hoàng Hakem thuộc triều Fatimid, người, vào năm 1099, đã phá hủy Mộ Thánh, do đó, kết liễu chế độ bảo hộ mà ông hoàng Haroun-al -Raschid đã ban cho Charlemagne vào năm 800. Sau đó, diễn ra cuộc xâm lược của Người Thổ Nhĩ Kỳ triều Seldjoute song song với việc đàn áp các Kitô hữu và đe dọa Byzantium.

{11} Thánh Bernard không nghi ngờ rằng họ đã lặp lại quan niệm của người Hồi giáo về shuhâdâs: những người chết "trên đường của Thiên Chúa" sẽ lên thẳng Thiên đàng. (Và "đường của Thiên Chúa" bao gồm chiến tranh, kể cả chiến tranh tấn công, để mở rộng Hồi giáo.) Đó thực sự là ý niệm thánh chiến, mặc dù cuộc thánh chiến Hồi giáo không hề tự gợi lên ý niệm giải thánh (exécration) và tận diệt.

{12} Norman Daniel, sđd. tr. 112.

{13} Xem lời nói đầu của chúng tôi cho cuốn sách của Alfredo Mendizabel, Aux Origines d'une Tragédie, Paris, Desclée De Brouwer, 1937. Phần chính của lời nói đầu này đã xuất hiện dưới dạng một bài báo trong Nouvelle Revue Française.

{14} Giám mục Diaz Gomara, giám mục Carthagène.

{15} Điều đó có nghĩa là: đối tượng đẩy lùi đối với người yêu của tôi.

{16} Như cuốn Kinh Thánh Giêrusalem ghi nhận rất đúng ở đây (ghi chú e), "Israel, dù bất trung, 10: 21, vẫn là dân được chọn, 11: 2." Điều đó được xác nhận rõ ràng bởi 11:16 và 18; và 11:29.

{17} Người ta không thể dịch chữ apobolê bằng chữ "bác bỏ", vì Thánh Phaolô đã khẳng định một cách rõ ràng (11: 1 và 2) rằng Thiên Chúa không bác bỏ dân tộc của Người. Những từ "mise à l'écart" ["được đặt sang một bên"] mà cuốn Kinh thánh Giêrusalem sử dụng đã mang lại đầy đủ ý nghĩa. Bản Phổ thông dịch là: amissio, mà có lẽ người ta cũng có thể mô tả bằng chữ "suy yếu" với nghĩa: chừng nào họ vẫn còn hoài nghi thì những người Do Thái (luôn được chọn) thiếu sức sống trong "cây ô liu" đã được định sẵn của riêng họ, và trong gốc rễ của cây này, và họ bị cắt khỏi Thân thể được dành riêng cho công việc cứu chuộc, tất cả những chi thể này mà Thân thể đã mất đi (amisit) cho đến khi chúng được ghép trở lại.

Về câu 11:14: cho dù không tin, dân Chúa chọn vẫn là một dân tộc "thánh thiện", chắc chắn không phải do hành vi thực tế của họ đối với Tin Mừng (về mặt này, họ đã trở thành "kẻ thù", 11: 28), nhưng do việc họ được kêu gọi, vốn là việc không thể thu hồi, 11: 29. Đây là lý do tại sao "gốc rễ" (11: 18) tiếp tục "nâng đỡ" các nhánh trung thành, ngay cả những nhánh đã được ghép vào với dân ngoại, và những người Do Thái không tin Chúa vẫn được yêu thương nhờ các tổ phụ (11:28).

{18} Rm. 9-11. Tôi theo bản dịch Kinh Thánh Giêrusalem, nhưng có sửa chữa mỗi lần thấy cần.

{19} Tôi biết rõ rằng "sự nổi giận" và "sự báo thù" của Thiên Chúa, và thậm chí cả sự "căm ghét" của Người ("Người chúc lành cho Giacóp và căm ghét Esau") giữ một vị trí lớn trong Kinh thánh: cách nói phù hợp với ngữ nghĩa học Semitic, một điều làm cho điều Người chỉ cho phép (Người "làm mù quáng", và "làm cứng lòng" những kẻ Người muốn...) có tính tích cực (như được Thiên Chúa ước muốn). Được dịch sang tiếng Latinh hoặc sang tiếng bình dân của chúng ta, những cách diễn đạt này đã góp phần không nhỏ dẫn đường cho những tâm trí không chịu suy tư hoặc đầy đam mê.

{20} Một đám đông giận dữ ném đá Thánh Stêphanô (và Saulô trẻ tuổi đã nhất trí với). Vào năm 62, một đám đông khác đã ném Thánh Giacô bê hậu từ trên đỉnh của Đền thờ xuống và ném đá ngài, lúc đó đang là giám mục của Giêrusalem, trong khi tuân thủ rất tốt Luật Môsê đến nỗi người dân thường Do Thái tôn kính ngài (chính Tòa Công nghị Do Thái đã xúi giục vụ việc và kích động bạo loạn).

{21} Có ý nói đặc biệt tới cuộc đấu tranh chống lại xu hướng ăn chay vào cùng những ngày giống như người Do Thái và nghỉ việc như họ vào các ngày Sabát. Vào thế kỷ thứ sáu, Thánh Grêgôriô Cả vẫn phải bận tâm với vấn đề này.

{22} "Ở đâu có gái điếm hạng sang, nơi ấy [có nghĩa là Hội đường Do Thái là nơi hội họp để thờ phượng] được gọi là nhà thổ. Tôi đang nói gì đây? Không phải chỉ là nhà thổ hay nhà hát mà thôi, Hội đường còn là sào huyệt trộm cướp và sửa chữa các thú dữ... " Cũng bài giảng này tiếp tục: "Sống vì cái bụng của mình, miệng luôn mở ra, họ không tự xử tốt hơn heo và dê trong nồi, trong sự thô bỉ và thói háu ăn quá mức của họ. Họ chỉ có thể làm một việc: tự nhồi nhét cho mình, với thức ăn và say xỉn... Adversus Judaeos Orationes, Hom. I, P. G. XLVIII, col. 847-848.

{23} "Si expedit odisse homines et gentem aliquam detestari, miro odio aversor roundcisionem, usque hodie enim persequuntur Dominum nostrum Jesum Christum in synagogis Satanae (Nếu được phép ghét người và ghét một dân tộc nào đó, thì tôi căm ghét việc cắt bì, vì cho đến tận nay, họ đã bách hại Chúa Giêsu Kitô trong các hội đường của Satan) " (Apropos du Psaume 138, 22: Perfecto odio oderam illos.)

{24} Do đó, nó sẽ được hệ thống hóa rõ ràng sau này bởi Giáo luật. Năm 1179, điều giáo luật thứ 26 của Công đồng Latêranô thứ ba sẽ tuyên bố: Judaeos subjacere christianis oportet et ab eis pro sola humanitate foveri [điều thích đáng là người Do Thái phục tùng các Kitô hữu và được họ trân trọng chỉ vì lợi ích của nhân loại]. Trong khi duy trì nguyên tắc tự do tôn giáo của họ, Công đồng Latêranô thứ tư (1215) sẽ trói buộc cuộc sống của họ bằng nhiều hạn chế nhằm bảo vệ các Kitô hữu khỏi ảnh hưởng của họ.

Như tôi đã nói, chúng ta đừng quên rằng, nếu các Công đồng là tiếng nói của Giáo hội, thì điều này phải được hiểu rõ ràng về những gì liên quan đến giáo huấn mặc khải về đức tin và luân lý. Trong các biện pháp kỷ luật trong các vấn đề hoàn toàn ngẫu nhiên như những gì tôi ám chỉ ở đây, hoặc như qui định về thập tự chinh của Công đồng Latêranô thứ tư, các nghị phụ của một Công đồng đóng vai trò là "nguyên nhân chính " mà ta phải phục tùng, nhưng không phải như những cơ quan được sử dụng như dụng cụ làm cho tiếng nói của Giáo hội, cả Thiên đàng lẫn trái đất, được nghe thấy, nói cách khác là của ngôi vị Giáo hội.

{25} Khi, đồng thời, ngài không cho là sai khi ai đó cung cấp những lợi ích vật chất cho người Do Thái để họ trở lại đạo, thì "họ không hề bị lừa về lòng thành thực của đức tin đã có được như vậy”. Nhưng nếu những người vào đạo như vậy không hứa hẹn trở thành những Kitô hữu rất tốt, thì vẫn còn niềm hy vọng là con cái của họ sẽ như vậy.' "(sđd., tr. 115.) Tính toán tự nó rất có thể tranh cãi, nhưng không thiếu tính chính đáng thực tế, nếu ta chịu nhớ rằng một trong những người ông của Thánh Têrêsa thành Avila là người Marrane (người Do thái bị buộc trở lại đạo).

{26} Xem Bernhard Blumenkranz, Juifs et Chrétiens dans le Monde Occidental (430-1096), Paris, 1960, tr. 380. Xem thêm Lời nói đầu, tr. xix: Trong suốt thời Charlemagne, không phong trào chống Do Thái giáo thường trực nào.

{27} Trong tác phẩm quan trọng mà tôi vừa trích dẫn.

{28} Sđd., Lời nói đầu, tr. xiv.

{29} Không phải không sử dụng phần này hay phần nọ các phương tiện gây áp lực hoặc dụ dỗ người ta có được. (Đây là lý do tại sao người ta cấm người Do Thái có nô lệ là Kitô hữu). Về phía Kitô giáo, người ta buộc người Do Thái phải hỗ trợ trong các bài giảng đôi khi được trình bầy trong các hội đường.

{30} Cả tính khí tốt và sự hài hước đều không thiếu trong thời gian đó. Hãy xem câu chuyện vui về Charlemagne và một giám mục rất thích những điều tò mò được tu sĩ Saint-Gaul kể lại. Charlemagne yêu cầu một người bán hàng Do Thái tẩm nước hoa cho một con chuột và dâng nó như một vật quý hiếm của phương Đông cho vị giám mục đang được đề cập, người đã mua nó với giá cao; tất cả những điều đó khiến cho Hoàng đế cười nhạo ngài và khiến ngài phải xấu hổ trong một thượng hội đồng (sđd., tr. 16).

{31} Vào cuối thế kỷ thứ mười, khi người Do Thái rút lui vào các thành phố, họ sẽ tự gom lại với nhau theo các khu mà họ lựa chọn. Vào cuối thế kỷ sau, vào năm 1084, giám mục của Spire, Rudiger, đã bao quanh khu Do Thái bằng một bức tường, ngài nói, "để tránh những người dân xấc xược tấn công họ". Bức tường mà sau đó sẽ bao bọc họ, sẽ tự nhân đôi bằng một bức tường vô hình của thù ghét, và sẽ chỉ họ cho các cuộc tấn công của những kẻ bách hại (Xem Sđd., tr. 39.)

Các khu dành riêng đã tồn tại trong ba thế kỷ ở các nước Hồi giáo, nơi mà bộ phận chính trị theo thể chế thần quyền thoạt đầu tỏ ra khá nhân từ đối với khách trú Do Thái giáo và Kitô giáo. Tại đó, như dấu hiệu khác biệt, người Do Thái phải đeo một bánh xe nhỏ màu vàng, các Kitô hữu phải đeo một bánh xe nhỏ màu xanh lam.

{32} Ở đó, Philip le Bel theo đuổi không mục đích nào khác ngoài tôn giáo; ông chỉ có quan điểm chiếm đoạt người Do Thái (giống như người Lombard hoặc các Hiệp sĩ).

{33} Du nhập từ Hồi giáo vào thế kỷ thứ mười hai (1179, Công đồng Latêranô thứ ba), được áp đặt tuyệt đối vào thế kỷ thứ mười sáu (1555, Phaolô IV), mất hiệu lực sau cuộc giải phóng, chính thức bị Đức Piô IX xóa khỏi Giáo luật.

{34} Cũng được du nhập từ Hồi giáo vào thế kỷ thứ mười ba (1215, Công đồng Latêranô thứ tư), tuyệt đối áp đặt cùng lúc với khu biệt cư (1555), không được sử dụng (ngoại trừ các nhà luật học của Văn phòng Thánh) vào thế kỷ mười tám, bị bãi bỏ ở các Quốc gia Giáo hoàng sau khi giải phóng.

{35} Người ta biết rằng Thánh Tôma (II-II, 1 ad 2) đã lên án việc cho vay lấy lãi, mà ngài coi là cho vay nặng lãi. Trên thực tế, các ông hoàng đã chiếm đoạt phần lớn tiền lời mà người Do Thái thu được từ những người dân nghèo, và tỷ lệ này do đó nhất thiết phải là quá mức.

Louis Massignon viết ("L'influence de l'Islam sur la fondation des banques juives," trong Opera minora, cuốn. I, tr. 247), "Vai trò tài chính của phần tử Do Thái trên thế giới là một vai trò tình cờ vốn chỉ được áp đặt lên nó khá muộn màng: bởi Nhà nước Hồi giáo. Quả thực, trong thời cổ đại, cả trong thời kỳ Byzantine, chúng ta đều không hề thấy ưu thế của các phần tử Do Thái trong số các chủ ngân hàng. Cả ở đầu thời Hồi Giáo, họ cũng chưa chiếm ưu thế; mãi tới đầu thế kỷ thứ chín, Jahiz vẫn không coi người Do Thái là người chuyên về ngân hàng; nghề này lúc đó được thực hiện bởi các Kitô hữu. Nhưng người ta biết rằng giáo luật Hồi giáo vốn ngăn cấm tín hữu của họ hành nghề buôn bán tiền bạc, và tại các nước Hồi giáo họ chỉ khoan dung các cộng đồng Kitô giáo và cộng đồng Do Thái, nên các quốc gia Hồi giáo nhất thiết phải quy kết độc quyền thương mại tiền tệ cho người Kitô giáo hoặc cho người Do Thái; và các nhà tài chính Kitô giáo hiển nhiên đáng bị nghi ngờ hơn trong mắt họ, như các gián điệp phục vụ các hoàng đế Kitô giáo của Byzance... Do đó, vào cuối thế kỷ thứ chín, Nhà nước Hồi giáo đã chuyên môn hóa phần tử Do Thái vào việc buôn bán tiền bạc, do đó, bêu xấu họ với một dấu ấn có tính xã hội đặc trưng, một kiểu tâm lý tương đương với bánh xe nhỏ".

{36} B. Blumenkranz, sđd., tr. 380.

{37} Lý do được các nhà phụng vụ học nại ra là người Do Thái đã quỳ gối trước Chúa Kitô để chế nhạo Người (sai lầm lịch sử: chính những người lính La Mã đã làm điều này). Nhưng trong luật chữ đỏ đang bàn, giáo dân chỉ thấy một dấu ác cảm thiêng liêng đối với họ vào chính khoảnh khắc đang cầu nguyện cho họ. Thậm chí, nếu chúng ta tin vào sách bí tích của giáo phận Saint-Vast, thì hình như nguyên nhân thực sự của luật chữ đỏ này là để tránh những phản ứng căm ghét của giáo dân Kitô giáo: Hic nostrum nullus debet modo flectere corpus, ob populi noxiam ac pariter rabiem [ở chỗ này, không ai trong chúng ta phải cúi mình, để khỏi bị thương và căm thù họ]

{38} Tờ thuế cầu đường của Malemort.

{39} Trong bài điểm sách của ông (Revue Thomiste, Tháng Giêng-Tháng Ba, 1970, trang 144) về cuốn sách của B. Blumenkranz, Le Juif médiéval au miroir de l'art chrétien, Paris, Etudes Augustiniennes, 1966.

{40} Sđd.

{41} Sđd.

{42} Sđd.

{43} B. Blumenkranz, Sđd., tr. 135.

{44} J. J. De Santo Thomas, bài báo đã trích dẫn, tr. 144.

{45} Hilaire de Poitiers, Ambroise.

{46} Cyrille d’Alexandrie: Ngài đã viết trong Bài bình luận về Isaiah, "Họ đã tự cho thấy mình là kẻ giết Thiên Chúa". Tôi không tin kiểu nói dân giết Thiên Chúa chính thức được tìm thấy ở nơi ngài.
Thánh Augustinô không dùng từ ngữ này, nhưng nhấn mạnh vào trách nhiệm tập thể của người Do Thái. Xem D. Judant, Judaïsme et Christianisme, Paris, Ed. du Cèdre, 1969, Ch. V

{47} Chúng ta hãy hy vọng rằng một nhà triết học xứng với tên gọi, một ngày nào đó, sẽ mang đến cho chúng ta một phương pháp phân tâm học tốt về lịch sử. Từ quan điểm của một tâm lý học cụ thể, tôi nghĩ rằng điều được chúng ta gọi là một ý tưởng, tự nó nằm dưới hai trạng thái hoàn toàn khác nhau vì nó thuộc về trật tự trí thức đơn thuần (một khái niệm được sử dụng bởi lý trí) hoặc xét như nó ảnh hưởng một cách sinh tử đến toàn bộ chủ thể con người. Trong trường hợp đầu, tôi sẽ gọi nó là "ý tưởng sáng" [idée-lumière] khi nó đúng và "ý tưởng chữ" [idée-mot] hoặc "ý tưởng giấy" khi nó sai. Trong trường hợp sau, tôi sẽ gọi nó là "ý tưởng mặt trời" [idée-soleil] khi nó phục vụ cho sự thật, và tỏa ra một cách khôn tả trong siêu ý thức của tinh thần để từ đó đến được trí hiểu và xâm chiếm toàn bộ linh hồn; và tôi sẽ gọi nó là "ý tưởng ma cà rồng" [idée-vampire] khi nó phục vụ cho sự giả dối và phát xuất từ con vật vô thức để chiếm hữu chủ thể con người.

{48} Từ một bức thư của một trong những người bạn Công Giáo của tôi, người trong thời gian ở Israel đã muốn học tiếng Do Thái và đã được học với một giáo sư vốn là "một phụ nữ Do thái trung bình thực thụ, quê ở trung Âu, tên là Esther," tôi xin trích những dòng sau: "Với một tính thẳng thắn và giản dị hoàn toàn của một người Do Thái, bà ấy không ngại trút hết bầu tâm sự của bà với tôi trước mặt cả lớp học (trong đó rõ ràng tôi là Kitô hữu duy nhất, giữa các bạn đồng học Do Thái xuất thân từ khoảng mười hai quốc gia của Châu Âu và Châu Á, Châu Phi và của hai Châu Mỹ) liên quan đến quá khứ nặng nề giữa người Do thái và Kitô hữu. Và tôi vô cùng biết ơn bà ấy vì điều đó. Tất cả những điều này đều là sự thật, tôi biết, ít nhất là đại khái, rất đại khái, và trừu tượng, tôi có thể nói như thế; nhưng tôi đã không nhận ra, cảm nhận, sống từ nội tâm, từ phía các nạn nhân, trong làn da của họ, tất cả những gì có thể đánh thức từ đau khổ, từ bạo tàn, từ tai tiếng cả một sự tích tụ những sai lầm như vậy trong suốt hai mươi thế kỷ. Ở đó, tôi đã có trước mặt tôi, sống động và buồn bã, hình ảnh mà một người Do Thái hay Nữ Do Thái được đào tạo bình thường có thể tự tạo cho mình về một Kitô giáo như họ đã nhìn thấy tại nơi làm việc, như họ đã trải nghiệm nó, chịu đựng nó, mãnh liệt trong xương trong thịt của mình, về phẩm giá con người và đức tin của họ, trong quá trình lịch sử...

"Đã bao nhiêu lần tôi nghe bà ấy nhắc đến số phận của dân tộc lang thang vĩnh viễn này, bị đuổi khỏi hết quốc gia Kitô giáo này, đến quốc gia Kitô giáo nọ. Một dân tộc, trong thế giới Kitô giáo, không ngừng bị công chúng khinh bỉ và chịu các luật trừ, phân biệt chủng tộc, thường xuyên nhất bị tước mất mọi khả thể việc làm bình thường, bị cẩn thận canh giữ biệt lập, cho đến khi bị đóng gói và xếp đống với nhau trong các khu biệt cư của họ; thường xuyên phải đeo phù hiệu nhục nhã hoặc đội mũ đặc biệt. Một dân tộc bị tàn sát định kỳ, từ hàng trăm vụ thảm sát trở lên xảy ra ở Đức, vào thời Trung cổ, đến các cuộc chiến tranh gần đây ở Đông Âu, chưa kể các cuộc Thập tự chinh, trong đó các quán quân của Thập giá đã mạnh tay trên các cộng đồng Do Thái ở châu Âu trước khi giết Sarrazin và thiêu sống trong các hội đường ở Giêrusalem và các thánh địa khác, rất nhiều người Do Thái của Palestine....

"Hàng trăm, hàng trăm hội đường bị đốt cháy, với những cuốn sách thánh của họ (đôi khi cả Kinh thánh) bị phóng hỏa. Những lời buộc tội liên tục và bi thảm về việc "sát nhân theo nghi lễ", phạm thượng bánh thánh hoặc đầu độc giếng nước vào thời điểm xảy ra bệnh dịch, tất cả những điều này rõ ràng kết thúc trong bể máu. Nói chung, chủ nghĩa bài Do Thái ít nhiều ác liệt ở các quốc gia và môi trường Kitô giáo, thông thường theo mức họ tự xưng và tin mình là Kitô hữu, theo mức lời giảng dạy bình thường trong các bài giảng hoặc giáo lý (dân tộc giết Chúa, dân tộc bị nguyền rủa, v.v.) có tất cả những gì cần thiết để kích động chủ nghĩa bài Do Thái này, một chủ nghĩa, hàng năm, lên đến cao điểm vào thời điểm Tuần Thánh, trong đó người Do Thái thời Trung Cổ đơn giản tự buộc mình ở trong nhà nếu họ không muốn bị tàn sát 'vì tình yêu của Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh.'

"Lịch sử đẫm máu lâu đời này, vào thời đại ta, kết thúc trong kinh hoàng nơi các trại tập trung, phòng hơi ngạt và lò thiêu của Đức Quốc xã... Dĩ nhiên, Esther và người Do Thái phân biệt giữa người Quốc xã và các Kitô hữu chân chính (nhiều người trong số họ đã liều mạng để cứu nhiều người trong số này); nhưng sự kiện vẫn là Đức Quốc xã hầu như đều là những người đã được rửa tội, do đó chính thức là các Kitô hữu, và những điều quái dị của họ chỉ có thể xuất hiện trên một địa hình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi chủ nghĩa bài Do Thái truyền thống.

"Tôi không muốn trình bầy với các bạn những bài bình luận kinh ngạc và đau buồn về 'nền chính trị' gần đây của Vatican và việc họ cố chấp không chịu công nhận sự hiện hữu của Nhà nước Israel...

"Tôi sẽ chấm dứt chủ đề đáng buồn này về cụm từ của Esther, cụm từ mà tôi sẽ không bao giờ quên: 'Điều cần thiết là bạn phải hiểu rõ rằng thập giá đối với chúng tôi là biểu tượng đáng nguyền rủa của mọi bất hạnh của chúng tôi, tất cả các cuộc bách hại của chúng tôi, tất cả các cuộc thảm sát của chúng tôi’. Và, trên thực tế, ở Israel, không những Chữ thập đỏ trở thành Ngôi sao Đỏ của Đavít, mà ngay cả dấu '+' của phép cộng trong toán học cũng bị sửa đổi vì nó gợi lên dấu hiệu đáng nguyền rủa... Điều này thật nặng tính ý nghĩa đến đáng sợ.

"Nếu đúng là một ngày nào đó, một số ít người Do Thái, do lòng nhiệt thành tôn giáo chưa được khai sáng, chịu đóng góp vào việc đóng đinh Đấng Cứu Rỗi, 'do đó ứng nghiệm lời Kinh Thánh', thì người Kitô giáo, do lòng nhiệt thành không đúng lúc, đã kiên trì đáp ứng bằng việc đóng đinh toàn thể dân tộc Do Thái trong suốt lịch sử đau buồn của nó, giống một cách kỳ lạ với con đường Thập giá. Và đôi khi tôi tự nhủ trong văn kiện của Công đồng về Do Thái giáo, một cụm từ khiêm tốn nhận lỗi và xin được tha thứ, có lẽ sẽ không phải là một thứ xa xỉ vô ích" (Ngày 13 tháng 9 năm 1969).

{49} Sắc lệnh này liên quan đến người Do Thái của các Quốc gia Giáo hoàng. - Cấm sở hữu, viết, dịch bất cứ cuốn sách có nội dung nghịch đạo nào, chẳng hạn như sách nói tới Talmud hoặc truyền thống huyền bí Cabbala; cấm đặt gần mộ của họ bất cứ viên đá nào có khắc dòng chữ; cấm thực hành các nghi thức của họ bên ngoài hội đường của họ, chẳng hạn như hát thánh vịnh hoặc mang theo đuốc khi vận chuyển đến nghĩa trang thi hài của người đã khuất; cấm đến gần nhà của các dự tòng hơn khoảng cách ba mươi cây gậy; nghiêm cấm việc khuyên bất cứ ai đừng trở nên dự tòng tiếp nhận đức tin Công Giáo Thánh thiện, vi phạm sẽ bị phạt chèo thuyền và tịch thu hàng hóa; nghĩa vụ phải mang nhãn hiệu màu vàng để phân biệt họ với những người khác; cấm bán hoặc biếu các Kitô hữu thịt của bất cứ động vật nào mà họ đã tự giết; cấm có cửa hàng bên ngoài các khu biệt cư của họ; cấm sử dụng các nữ hộ sinh và các y tá Kitô giáo, thuê các nữ hộ sinh Kitô giáo hoặc tớ gái Kitô giáo, v.v.

{50} Sắc lệnh giải phóng dân sự cho người Do Thái được Quốc hội lập hiến biểu quyết hai năm sau đó (ngày 27 tháng 9 năm 1791).

{51} Chúng ta hãy trích dẫn ở đây những dòng sau đây của một tác giả, ông Cecil Roth, người không bị nghi ngờ là có thiện cảm với Kitô giáo: "Đức Giáo Hoàng, bất kể điều gì có thể là mong ước của ngài muốn ngăn chặn việc nền chính thống của Kitô giáo bị ô nhiễm do tiếp xúc với họ, đã luôn tuân theo nguyên tắc khoan dung chính thức; bất chấp các khuynh hướng chính trị của giáo hội, ngài không bao giờ chấp thuận những bạo lực chống người Do Thái, hoặc những hành động tàn bạo như cáo buộc giết người theo nghi thức hoặc cưỡng bức cải đạo. Mỗi lần như vậy, ngài đều tuyên bố mình đứng về phía lý trí và chừng mực trong những lĩnh vực này (và thậm chí cả Đức Innôcentô III, người đã truyền cảm hứng cho đạo luật phản động nhất thời Trung cổ, cũng không phải là ngoại lệ). Một sắc chỉ có tính che chở của Đức Calixtô II, Sicut Judaeis, đã lên án nghiêm khắc các cuộc tấn công nhằm vào người Do Thái và phép rửa tội cưỡng bức của họ, đã được xác nhận ít nhất hai mươi hai lần, kể từ khi ban hành vào năm 1120 đến giữa thế kỷ 15. Từ năm 1130 đến năm 1138, một trong những kẻ ngấp nghé ngai của Thánh Phêrô là một người mà Nguồn gốc Do Thái khá gần gũi - Anaclêtô II (Piero Pierleoni). Những người Do Thái thuộc các Quốc gia của Giáo hoàng gần như là những người duy nhất ở Châu Âu chưa bao giờ trải qua những vụ thảm sát và trục xuất trong sự kinh hoàng của họ; và các khu định cư nhỏ từ Rôma tràn vào lãnh thổ xung quanh. "(Histoire du Peuple juif, Paris, Editions de la Terre Retouvée, 1963, trang 221-222.) - Tuy thế, đã có hai nỗ lực trục xuất (sắc lệnh của Đức Piô V năm 1569, bị Đức Sixtô V thu hồi năm 1586; sắc lệnh của Đức Clêmentê VIII năm 1593, bị chính ngaì thu hồi vài tháng sau đó).

{52} Tuyên ngôn Nostra Aetate, các số 4 và 5.

{53} Le Mystère d'Israël, Paris, Desclée De Brouwer, 1965.

{54} Tôi cũng không phủ nhận các quyền của người Ả Rập ở Palestine. Tôi sẽ nói ở bên dưới về những quyền này; Tôi xin lưu ý ngay rằng chúng hoàn toàn không có nghĩa, như một số tuyên truyền chính trị chống Israel đôi khi dường như muốn gợi ý, các quyền bị tổn thương một cách bất công của một quốc gia vốn đã bị xâm chiếm và tước đoạt bởi vũ lực.

Một chút lịch sử ở đây: Các khu định cư nông nghiệp của người Do Thái được thành lập vào cuối thế kỷ 19 và nhờ việc mua đất đai, bởi những người tiên phong theo chủ nghĩa Zionist với mục đích chuẩn bị cho những người Do Thái tản mạn khắp thế giới tạo ra một ngôi nhà quốc gia trên Vùng đất hứa (là ngôi nhà, cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và ủy mệnh được Vương quốc Anh tiếp nhận, thuộc quyền cai trị của Ottoman). Sau những thương thảo giữa Chaim Weizmann và chính phủ Anh, Tuyên bố Balfour (ngày 2 tháng 11 năm 1917) đã xác nhận quyền của người Do Thái đối với việc sáng lập này. Năm 1922, theo quyết định của Hội Quốc Liên, Palestine được chuyển giao cho sự ủy trị của Anh. Vào tháng 11 năm 1947, một quyết định khác của Liên Hợp Quốc, quy định việc phân chia Đất Thánh thành Nhà nước Ả Rập và Nhà nước Do Thái, và việc quốc tế hóa Giêrusalem, đã bị người Ả Rập bác bỏ, một điều đã phát động cuộc đấu tranh vũ trang giữa Liên đoàn Ả Rập và người Israel. Và vào đêm trước khi hết hạn ủy trị (ngày 15 tháng 5) của người Anh, Ben Gourion, Chủ tịch Ủy ban điều hành người Do Thái của Palestine, đã tuyên bố (ngày 14 tháng 5 năm 1948) nền độc lập của Nhà nước Israel, sớm được công nhận bởi các cường quốc chính trên thế giới. Nhà nước Israel không phát sinh từ bất cứ cuộc gây hấn và xâm lược nào mà người ta không biết Nhà nước Ả Rập nào ở Palestine là nạn nhân. Nó phát sinh ra từ một cuộc nhập cư với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng (không phải không có xích mích) tự tổ chức (phù hợp với nguyên tắc do Tổ chức Liên hợp quốc đặt ra vào năm 1947) thành một khối thống nhất chính trị độc lập trong một lãnh thổ dưới sự ủy trị của Anh, một cuộc nhập cư và một sự thống nhất chính trị độc lập được luật pháp quốc tế công nhận cả hai.

Các quyền của người Palestine, trước hết là quyền nhân vị trong mỗi chúng ta, cho dù họ ở bất cứ đâu và được Nhà nước Israel yêu cầu phải tôn trọng nơi người dân Ả Rập trên lãnh thổ của mình; và thứ hai, là quyền của họ (cho dù họ đã ở lại Israel hay qua Jordan hoặc qua các nước khác) được bồi thường bao nhiêu có thể vì những tổn thất gây ra cho họ, chắc chắn không do cuộc gây hấn bất công, nhưng do sự kiện của một sự thiết lập hợp pháp một khối thống nhất quốc gia và chính trị mới trong một phần của lãnh thổ mà cho đến lúc đó họ là những người duy nhất sinh sống. Việc bồi thường này không tùy thuộc các quốc gia Ả Rập hay Nhà nước Israel, mà tùy thuộc các cường quốc có nghĩa vụ phải cung cấp. Bị tàn phá bởi chủ nghĩa vị kỷ dân tộc và bởi sự cạnh tranh kinh tế và quân sự của họ, cho đến nay họ đã thất bại (tôi viết những dòng này vào tháng 4 năm 1970) trong nhiệm vụ này. Nó vẫn luôn là nghĩa vụ của họ. Việc này cần năng lực, trí thông minh và lòng đại lượng, một điều đòi hỏi nhiều, nhưng là một đòi hỏi không thể thiếu.

Tôi không thích đụng đến những vấn đề chính trị nằm trên một bình diện hoàn toàn khác với bình diện phù hợp với chủ đề của cuốn sách này. Tuy nhiên, tôi có nghĩa vụ phải làm như vậy trong ghi chú này để giải thích rõ ràng suy nghĩ của tôi. Hai nhận xét vẫn cần được đưa ra trong trật tự này.

Trước hết, mong muốn "tạo ra một Palestine thế tục, mở cửa cho tất cả mọi người, người Ả Rập và người Do Thái, người Hồi giáo, người Kitô giáo, người Israel và người vô thần," như một số người đã làm (xem Témoignage chrétien, ngày 11 tháng 12 năm 1969), là, ngầm hiểu, và không phải không có những lời bóng gió vu khống liên quan đến Nhà nước Israel, mong muốn Nhà nước này biến mất, hay nói cách khác là mong muốn cái mà tôi cho là tội ác.

Thứ hai, xác tín, cũng như tôi, rằng sự hiện hữu của Nhà nước Israel là một điều công bình và cần thiết, và có tâm tình yêu thương những người đang cùng nhau tập hợp ở đó, cũng như công trình họ được gọi thực hiện, hoàn toàn không ngụ ý rằng người ta coi trọng chủ nghĩa dân tộc cực đoan của một số người trong số này, cũng không có nghĩa là người ta sẵn sàng chấp thuận chính Quốc gia này trong mọi tình huống chính trị. Nhà nước Israel không vô ngộ hơn các nước khác. Sự thực vẫn là nó đơn độc giữa một thế giới thù địch, và đang làm những gì nó tin là tốt để tự vệ; và đối với tình hình ở Trung Đông, các cường quốc phải gánh một trách nhiệm vô cùng nặng nề. Than ôi, Pháp còn lâu mới tạo được một khuôn mặt tốt trong các sự kiện. Có vẻ như chỉ có người dân Hoa Kỳ mới giữ được tận đáy tâm hồn mình một ý thức liên đới nhân bản đủ mạnh để đối với những tính toán đụng đến lợi ích quốc gia đang chiếm ưu thế trong các chính trị gia của nó cũng như trên toàn thế giới, có sự tham gia nơi quần chúng vô danh một tình bạn chân thành và thực chất đối với Nhà nước Israel, cũng như đối với dân tộc Do Thái gần đây bị bách hại một cách thê thảm và khó quên.

{55} St 13:5; 15:18; 17:8.

{56} St 28:13.

{57} Xh 3:8; 6:8.

{58} Edk. 37:12, 14, 25.

{59} "Chủ nghĩa bài Israel" là từ ngữ chính xác. Ngày nay người ta thích nói "chủ nghĩa bài Sion". Điều luôn dễ dàng (trí tưởng tượng và niềm đam mê có đó cho việc này, chỉ cần là ngưng kiểm soát chúng, và cũng có thể dựa vào những câu chuyện phiếm vu vơ của một số kẻ cực đoan, những người không bao giờ thiếu) là tạo ra một huyền thoại chẳng hạn như "Chủ nghĩa Sion" mà người ta tự hình dung cho mình như một phong trào có tổ chức với xu hướng muốn đặt người Do Thái trên toàn thế giới vào việc phục vụ Nhà nước Israel, và bị người ta chê trách (Témoignage chrétien, số được trích dẫn trong chú thích 54) "đặc tính phân biệt chủng tộc của nó, ý chí duy bành trướng của nó, sự hồ đồ được nó duy trì giữa thánh thiêng và trần thế, cách giải thích duy vật của nó về Kinh thánh và việc sử dụng các Sách Thánh vào mục đích chính trị". Trong bảng liệt kê bông lông này, chính lời buộc tội theo chính thể thần quyền ("nhầm lẫn giữa thánh thiêng và trần thế") là điều nực cười nhất, khi người ta biết rằng ở Israel, những người ít có thiện cảm nhất đối với Nhà nước của họ là những người Do Thái có tinh thần tôn giáo nhiều hơn, và mặt khác, chính trong Hồi giáo, Nhà nước được quan niệm là thánh thiêng. Còn về việc "giải thích Kinh thánh theo chủ nghĩa duy vật" chắc chắn nó hệ ở việc tin điều được viết trong đó? Và khi người ta nói đến "tính cách chủng tộc", họ có muốn giản lược cộng đồng tinh thần và di sản lịch sử to lớn vốn giải thích có một dân tộc Do Thái thành "chủng tộc" không? Cuối cùng, liệu Nhà nước Israel có "ý chí bành trướng" để bảo vệ sự hiện hữu đang bị đe dọa và quyền được hiện hữu ở đó không?

Các Kitô hữu từng tự tuyên bố là người bài Sion có thể đồng thời tuyên bố một cách rất thiện chí rằng họ không phải là người bài Do Thái, và hơn nữa họ đã chứng tỏ cho điều này trong thời gian bị chiếm đóng. Họ không thấy rằng những huyền thoại như "Chủ nghĩa Sion" đang được đề cập là những cách thức qua đó chủ nghĩa bài Do Thái thâm nhập một cách xảo trá nhất vào trí tưởng tượng và trái tim con người. Tuyên truyền bài Sion đang tiến hành ngày nay, và nguồn gốc chính trị của nó có thể dễ dàng nhận ra, trên thực tế là một tuyên truyền bài Do Thái được dàn dựng rất tốt.

Có lẽ không phải là vô ích khi trích dẫn ở đây một số dòng rút ra từ cuốn Le Mystère d'Israël (trang 245-246). Tôi viết năm 1964: “Về sự hình thành ra Nhà nước Israel, thân phận của Israel trên thế giới đã bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới. Từ nay, thân phận này, tôi có thể nói, có tính lưỡng cực: nó đồng thời hàm nghĩa khối người tản mác giữa các dân ngoại, một điều vẫn chưa chấm dứt và được yêu cầu bởi chính ơn gọi của Israel, - và sự thống nhất chính trị của dân Israel tại một địa điểm nhất định trên thế giới, qua đó chúng ta thấy đã dứt khoát chấm dứt dấu tích của chế độ biệt cư, và dứt khoát bắt đầu những nền tảng đầu tiên của sự hiện thực hóa trong thời gian niềm hy vọng của Israel. Vì vậy, nó không còn chỉ là sự căng thẳng bi thảm kéo dài giữa Israel và thế giới mà triết gia của lịch sử cho đến nay vẫn phải xem xét. Nhưng, trong lòng chính Israel, nó còn là một sự căng thẳng huynh đệ giữa Nhà nước Do Thái ở Đất Thánh và dân Do Thái ở vùng Phân tán, có thể nói, vốn liên hệ đến hai trung tâm sức hút khác nhau, và các nhu cầu, các mục đích và số phận của cả hai đều khác biệt, nhưng trong chừng mực không kém phần quan trọng vẫn được liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, theo trật tự vật chất và tinh thần".

{60} Rm. 11:15. Ở đây, tôi tham khảo toàn bộ chương này. - Những người, như Bà Judant, coi như huyền thoại niềm tin vào sự trở lại của dân tộc Do Thái trong một tương lai xa, đã cho thấy một sự uyên bác vừa rộng lớn vừa có dụng ý, tôi không phản đối việc đó, nhưng điều xem ra đáng ngờ là việc họ đọc kỹ Thư gửi tín hữu Rôma. " Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ. Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn (Cn 3:7), đó là : một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ” (11:24-26.)

{61} Rm. 11:1-2.

{62} Rm. 11: 28.