IV Việc kết án Galilêô

Đôi hàng lịch sử

1. Galilêô sinh năm 1564. Đến năm 1610, ông xuất bản cuốn Sidereus Nuntius và ông bắt đầu quan tâm tới hệ thống Copernic và thuyết mặt trời là trung tâm [héliocentrisme] (một ý tưởng cũ của Pythagore được hồi sinh). Khi đó ông đang cư trú tại Florence, 46 tuổi và là một người nổi tiếng toàn diện. Mọi người đều ngưỡng mộ ông, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Phaolô V. Nhưng một số nhà thần học đã nhanh chóng tấn công ông, nhân danh Kinh Thánh (trong khi quên những nguyên tắc do Thánh Augustinô đặt ra: Chúa Thánh Thần không muốn dạy loài người về việc cấu thành của những sự vật tự nhiên, nhưng là sự vật hữu ích cho phần rỗi, - và theo Thánh Tôma: Kinh thánh nói về thiên nhiên theo những biểu kiến khả giác).



Lẽ tự nhiên, ông lo lắng, rồi phản ứng. Ông viết cho Castelli (ngày 21 tháng 12 năm 1613), "Trong khi Kinh thánh, tự điều chỉnh cho phù hợp với trí hiểu của những con người bình thường, đã nói, trong rất nhiều trường hợp và một cách hữu lý, theo những biểu kiến, và sử dụng các từ ngữ không nhằm nói lên chân lý tuyệt đối, thì thiên nhiên tuân thủ một cách chặt chẽ và bất biến các quy luật đã được ban cho nó.... " Há Baronius đã không có thói quen nói rằng "Thiên Chúa đã không muốn dạy chúng ta tầng trời đi chuyển ra sao, nhưng là chúng ta phải lên Thiên đàng cách nào?" Cha Caccini trả lời rằng lý thuyết của Copernic là "trái ngược với tâm tư chung của tất cả các nhà thần học và của tất cả các Giáo phụ thánh thiện." Bellarmine khuyên Galilêô không nên dấn thân vào các cuộc tranh cãi thần học; tất cả diễn tiến tốt đẹp kể từ lúc Copernic không có ý định chứng minh rằng trái đất quay quanh mặt trời, mà chỉ đưa ra lý thuyết của ông như một giả thuyết toán học đơn thuần{1}. Và Đức Cha Dini thì thầm vào tai ông (lá thư ngày 2 tháng 5 năm 1615): "Người ta có thể viết như một nhà toán học, và dưới hình thức giả thuyết, như người ta nói, Copernic đã làm; người ta có thể viết tự do, miễn là đừng đi vào phòng áo lễ".

Vào tháng Hai năm 1616, theo lệnh của Đức Phaolô V, các nhà thần học của Văn phòng Thánh được tham khảo ý kiến về hai mệnh đề sau: "1) mặt trời là trung tâm của thế giới và do đó, bất động đối với chuyển động cục bộ; 2) trái đất không phải là trung tâm của thế giới, cũng không phải là bất động, mà là chuyển động hoàn toàn trên chính nó bởi một chuyển động hàng ngày". Họ công bố câu trả lời của họ vào ngày 24 tháng 2: "Mệnh đề đầu tiên là vô nghĩa và vô lý trong triết học, và lạc giáo một cách chính thức, vì nó minh nhiên mâu thuẫn với rất nhiều đoạn Kinh thánh, theo đặc tính của các từ ngữ, và theo cách giải thích thông thường và ý nghĩa của các Giáo phụ thánh thiện và của các tiến sĩ thần học." Đối với mệnh đề thứ hai, "nó đáng bị chỉ trích tương tự trong triết học; và, liên quan với sự thật thần học, ít nhất, nó sai lầm trong đức tin".

Hai ngày sau, trước sự chứng kiến của Bellarmine, ủy viên của Văn phòng Thánh thông báo cho Galilêô việc kiểm duyệt chống lại ý kiến cho rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và bất động và trái đất chuyển động. Ý kiến này không nên được duy trì hoặc bảo vệ, và Galilêô được cảnh cáo rằng nếu từ chối tuân theo, ông sẽ liều mình bị phán xử và bỏ tù.

Galilêô là một người đồng thời bị chi phối cả bởi đức tin sâu sắc lẫn đức tính khoa học lỗi lạc, - đó chính là bi kịch của ông, trước những con người có uy quyền, nhưng không biết khoa học là gì cũng như mối liên hệ của nó với đức tin. Những dè dặt của ông đối với các biện pháp trừng phạt ghê gớm không hề loại trừ việc ông phải tôn trọng một thẩm quyền mà ngay cả trong vấn đề có thể sai lầm, sự phục tùng lương tâm vẫn phải có. Há ông đã không viết, trong một bức thư ngày 16 tháng 2 năm 1615 cho Giám mục Dini: "Con có thiên hướng mạnh mẽ thà móc mắt để không gây tai tiếng, hơn là chống lại cấp trên và làm tổn thương tâm hồn con bằng cách chủ trương chống lại các ngài điều mà hiện tại dường như hiển nhiên đối với con và con nghĩ con có thể chạm tay của mình vào" đó sao? Chúng ta hãy nói thêm rằng chắc chắn, ông thích việc bị hạn chế về tinh thần (thông thường lúc đó) hơn là chịu tử đạo. Trước sự chứng kiến của Bellarmine và ủy viên của Tòa lạc giáo, ông đã đồng ý với những gì đã được tuyên bố với ông và hứa sẽ tuân theo.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 1616, Thánh Bộ Danh mục Sách cấm công bố lệnh kết án chung chống lại lý thuyết Copernic và chống lại các công trình của Copernic. Người ta gọi đây là phiên tòa đầu tiên đối với Galilêô, mặc dù chính xác hơn phải nói là một lời cảnh cáo nghiêm trọng, vì bản thân ông ta không có tên trong sắc lệnh.

2. Nhưng con quỷ khoa học vốn nằm trong ông. Làm thế nào ông có thể không phá vỡ ít nhiều lời hứa của mình? Để trả lời cho một cuốn sách của Cha Horace Grassi tấn công Copernic và ông, ông đã xuất bản năm 1623 cuốn Il Saggiatore [người xét nghiệm], trong đó việc ông bảo vệ thuyết mặt trời là trung tâm đã được che đậy kỹ lưỡng đến mức Đức Hồng Y Barberini, - giờ đây là Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII - người mà ông có những liên hệ tuyệt vời, chấp nhận lời đề tặng; sau đó, vào năm 1632, ông xuất bản cuốn Dialogue sur les deux principaux systèmes du monde [Đối thoại về hai hệ thống chính về thế giớ], trong đó dưới sự khôn khéo dễ nhận, ông dứt khoát ủng hộ lý thuyết của Copernic. Thế là cơn thịnh nộ được xổ lồng, và Đức Urbanô VIII phát cáu dữ dội (ngài nghĩ Galilêô và bạn bè của ông đã lừa ngài). Dù bị bệnh, Galilêô buộc phải đến Rome, nơi ông bị giam giữ, không phải trong một phòng giam của Văn phòng thánh, như trường hợp của tất cả những người bị buộc tội khác, mà là tại nhà của người bạn ông, Đại sứ Niccolini, ở cung điện Florence, sau này tại trụ sở tài chính của Tòa Lạc giáo, nơi họ chăm sóc ông rất tận tình và nơi ông được tiếp đón bạn bè một cách tự do.

Văn phòng Thánh thẩm vấn ông bốn lần, trong đó người ta khiển trách ông đã không trung thành với những lời hứa của ông, và trong đó, trên hết là một cuộc tra hỏi, với sự đe dọa tra tấn, liên quan đến suy nghĩ bản thân của ông (liên quan đến ý định của ông): ông có hay không hết lòng ủng hộ lý thuyết của Copernic, vốn bị các quan tòa lạc giáo lên án? Ông phủ nhận, bảo đảm chỉ muốn làm điều được cho phép, tức chứng minh giá trị của lý thuyết này như một giả thuyết toán học. Các thẩm phán chấp nhận lời phủ nhận của ông, và mối đe dọa tra tấn vẫn nằm trong tình trạng đe dọa mà thôi. (Trên thực tế, Galilêô chưa bao giờ bị tra tấn.)

Vào ngày 22 tháng 6 năm 1633, một người đọc cho ông nghe phán quyết của Văn phòng Thánh (thêm vào phán quyết này, có phần đóng góp của một báo cáo chính thức nhưng giả hiệu, được thêm vào trong hồ sơ, đề cập đến cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 2 năm 1616, với ủy viên của Tòa Lạc giáo, và cho rằng thông báo đơn thuần mà Galilêô nhận được lúc đó là một lệnh triệu chính thức của Văn phòng Thánh). Galilêô bị tuyên bố là "bị nghi ngờ một cách mạnh mẽ là lạc giáo", tức là, "đã chủ trương và tin vào lý thuyết sai lầm và trái với Kinh Thánh rằng mặt trời là trung tâm của thế giới," cũng như "đã chủ trương và tin rằng một lý thuyết đã bị tuyên bố và xác định là trái với Kinh Thánh vẫn có thể được chủ trương và bênh vực như là có thể chứng minh được”. Bản án đã miễn cho ông khỏi những hình phạt do việc này gây ra, với điều kiện là với tấm lòng chân thành "ông thề bỏ, nguyền rủa và ghét bỏ những lỗi lầm và lạc giáo nói trên." Nhưng mặt khác, để sự bất tuân trước đó của ông phải bị trừng phạt, người ta kết án tù ông, vào thời gian tùy Văn phòng Thánh quyết định theo quyết định của mình, và người ta quy định ông phải đọc ba lần một tuần, trong suốt ba năm, bảy thánh vịnh sám hối. Sau đó, Galilêô đọc và ký vào công thức từ bỏ.

Hình phạt của ông đã được giảm nhẹ bởi Đức Giáo Hoàng vào ngày ông bị kết án. Thay vì nhà tù của Văn phòng Thánh, ông phải cư trú trong biệt thự Medici; vài ngày sau, ông được phép đến Sienna, với tư cách là khách của Đức Tổng Giám Mục Piccolimini, và cuối cùng đến nơi giam giữ tại biệt thự Arcetri của riêng ông, gần Florence. Bị mù, ông được Đức Urbanô VIII cho phép cư trú tại Florence, nơi ông qua đời vào ngày 8 tháng 1 năm 1642, ở tuổi 77. Khi còn ở Arcetri, ông đã nhận được lệnh cấm rời khỏi biệt thự của mình (trong đó ông vẫn bị coi là người bị giam) vào ngày ông được tin con gái của mình, một nữ tu trong tu viện lân cận, đang hấp hối.

Các Thánh bộ Rôma

1. Thay lời nói đầu: một vấn đề được tranh cãi. - Trước khi nói đến các Thánh bộ Rôma, và để có thể làm như vậy một cách đủ rõ ràng, tôi, một người không phải là thần học gia, buộc phải có một lập trường về một vấn đề được tranh cãi sôi nổi giữa các nhà thần học, - câu hỏi về điều, theo những thuật ngữ khá đáng tiếc, người ta gọi là "đức tin Giáo hội". Tôi sẽ làm như vậy một cách khiêm tốn, nhưng rõ ràng nhất có thể. Nhận xét sơ bộ: khái niệm này có tính lai tạp [hybride], bởi vì, theo cách nó được sử dụng bởi người này hay người nọ, nó liên hệ hoặc đến những khẳng định vô ngộ (lúc đó chữ "đức tin" là chính xác; chữ "giáo hội" thì không), hoặc đến các khẳng định không vô ngộ tuy nhiên cần phải coi là chắc chắn đến một mức nào đó (lúc đó chữ "đức tin" không chính xác; đây là vấn đề đồng ý cần được đưa ra – theo mức độ khác nhau - đối với các thẩm quyền đáng tin tưởng), hoặc hai loại khẳng định được nhóm lại với nhau.

Chính "đức tin giáo hội" được xem xét theo nghĩa thứ nhất hoặc theo quan điểm thứ nhất (tùy theo nó liên quan đến những khẳng định vô ngộ) mới liên quan đến chúng ta ở đây.

Có những điều cần phải coi là đúng một cách không thể sai lầm, không phải dựa trên lời của Thiên Chúa, hoặc bởi vì Giáo hội đề xuất chúng cho chúng ta như được Thiên Chúa mặc khải, nhưng dựa trên lời của chính Giáo hội, bởi vì chính Giáo hội bảo đảm với chúng ta rằng điều đó đúng một cách không thể sai lầm. Thí dụ: điều mà người ta gọi là "sự kiện tín điều"; khi Đức Innôcentê X lên án năm mệnh đề lấy từ cuốn Augustinus của Jansénius, những người theo chủ nghĩa Jansénius trả lời rằng nếu tách rời như thế, các mệnh đề này quả thực là lạc giáo, nhưng xét trong bối cảnh của Jansénius thì chúng là chính thống; lúc đó, Đức Alexandrô VII tuyên bố và định nghĩa một cách không thể sai lầm rằng năm mệnh đề này đã bị lên án theo đúng nghĩa mà chúng vốn có nơi Jansénius; đó là một "sự kiện tín điều" mà chúng ta tin dựa vào lời của Đức Giáo Hoàng nói như tiếng nói của Giáo hội, và không phải là một phần của dữ kiện được mạc khải chính thức{2}.

Không như Đức Hồng Y Journet, tôi không nghĩ rằng trong trường hợp tương tự như vậy chúng ta phải xử lý với quyền tuyên bố của Giáo hội liên quan đến việc công bố điều phải tin. Quyền này có đối tượng giúp cho chúng ta biết các sự thật do Thiên Chúa mạc khải: và phải hiểu điều này ra sao, nếu không phải là những sự thật được mạc khải một cách chính thức trong chính nội dung tín điều của chúng? Bất chấp sự khéo léo biện chứng của các nhà thần học vĩ đại, tôi vẫn không thấy làm thế nào những nhận định như sự kiện về năm mệnh đề của Jansénius có thể được hiểu như được Thiên Chúa mạc khải, dù là một cách mặc nhiên. Do đó, không phải với quyền tuyên bố, mà với quyền qui điển mà theo quan điểm của tôi, chúng ta phải xử lý trong các trường hợp được đề cập, liên quan đến việc ban hành nội dung cần phải tin.

Nhưng giống như Đức Hồng Y Journet và Cha Marin-Sola, tôi nghĩ rằng liên quan đến việc chúng ta tán thành nội dung này, chính nhờ đức tin đối thần của chúng ta mà chúng ta tin vào sự thật đang được đề cập: Tôi nói nhờ đức tin đối thần của chúng ta khi, trong lúc nó tuân theo một sự thật được mạc khải (mầu nhiệm Una Sancta [duy nhất, thánh thiện]), nó cũng được áp dụng cùng một lúc vào một nội dung khác, không được Thiên Chúa mạc khải, nhưng được trí hiểu nắm bắt một cách trực tiếp hiển nhiên như một nhận thức đặc thù về dữ kiện mạc khải này; nói cách khác, chúng ta tin vào những sự thật đang bàn bởi đức tin đối thần của chúng ta vào Giáo hội như được áp dụng một cách trực tiếp.

Tôi tin vào Giáo hội, dựa vào lời Thiên Chúa. Và cùng một lúc, ipso facto [tức khắc], dựa vào lời của Giáo hội, tôi tin điều Giáo Hội nói với tôi khi chính Giáo Hội (ngôi vị của Giáo hội) nói với tư cách là nguyên nhân chính, với sự không thể sai lầm của Giáo Hội. Tôi tin điều đó từ trước, chỉ cần Giáo Hội nói ra điều đó: bởi vì ở đó tuyệt đối không có bất cứ loại lý luận nào, cũng không có tam đoạn luận nào, cũng không có lý luận hai mệnh đề nào, mà là sự hiển nhiên trực tiếp đối với trí hiểu, một trí hiểu nhìn thấy điểm đang bàn (thí dụ: năm mệnh đề có trong Jansénius với nghĩa lạc giáo của chúng) như một điểm áp dụng đơn thuần tính không thể sai lầm của Giáo hội khi nó tự biểu lộ với tôi qua việc Đức Giáo Hoàng phán ex cathedra. Lúc đó, chính đức tin đối thần của tôi vào Giáo hội, một cách trực tiếp và trực quan, chuyển sang một nội dung khác không phải nội dung chính của nó, và khiến tôi tán thành sự thật đang bàn, sự thật không thể sai lầm mặc dù không được mạc khải. Nội dung - không được mạc khải - mà nó chuyển sang như vậy, kể từ thời điểm tôi biết Giáo hội coi nó là sự thật, ngay lập tức được bao hàm bởi nội dung được mạc khải - Una, sancta, catholica et Apostolica [duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền]- vốn là một trong các các nội dung chính và chuyên biệt trong đức tin đối thần của tôi.

Do đó, không cần phải cầu viện đến một tập tính mới, một đức tính trí thức mới hoặc luân lý siêu nhiên mà cả các Giáo phụ lẫn Thánh Tôma đều không phỏng đoán được sự tồn tại của nó. Tôi nghĩ rằng "đức tin giáo hội" được phát minh ra vào thế kỷ XVI và được rửa tội vào thế kỷ XVII bởi các nhà thần học, những người đã đánh mất cảm thức về tính trực quan của trí hiểu, và đã làm cho các nhà thần học tốt hơn họ nhiều dấn thân vào một vấn đề giả hiệu, liên quan đến một chủ đề mà họ chỉ có thể thấy mình bất đồng, sau khi hoang phí rất nhiều trong các tinh tế của họ. Do đó, tôi đã quyết định làm ngơ khái niệm đức tin giáo hội; và chính không đề cập đến khái niệm này, như người ta vẫn thường làm, mà tôi sẽ cố gắng làm rõ ý tưởng của chúng ta ở đây về vấn đề phải nhất trí với thẩm quyền tôn giáo khi nó phát biểu qua các cơ quan không phải là huấn quyền thông thường hoặc huấn quyền phi thường, nhưng vẫn cần thiết đối với việc cai quản Giáo hội, chẳng hạn như các Thánh bộ Rôma (chỉ được xem xét trong chính chúng, xem thêm ở trang 355). Điểm quan trọng đối với tôi là biết khi nào người ta liên hệ hoặc không liên hệ đến ngôi vị của Giáo hội sử dụng hay không sử dụng như công cụ các thừa tác viên của mình.

2. Điều người ta gọi là quyền qui điển (pouvoir canonique - xem Journet, L'Eglise du Verbe Incarné, I, ấn bản 2, trang 223 và tt) có đối tượng là hỗ trợ sứ mệnh tuyệt đối hàng đầu của Giáo hội, qua nhiều thế kỷ, để bảo đảm việc thực thi nó một cách cụ thể (ban các Bí tích bằng quyền chức thánh, và đề xuất bằng quyền công bố các chân lý đã được Thiên Chúa mạc khải, tín lý đức tin và luân lý) bằng cách ban hành các quyết định cần thiết để duy trì đức tin và điều hành cuộc sống của dân Chúa (một việc cấu thành societas perfecta [xã hội hoàn hảo], nghĩa là, hoàn toàn làm chủ chính mình).

Sau khi trình bầy các chủ trương của tôi, tôi sẽ phân biệt trong quyền qui điển hai khu vực lớn khác nhau:

Một mặt, là khu vực trong đó, dựa vào lời của Giáo hội, - và, nếu các chủ trương của tôi có nền tảng vững chắc, thông qua đức tin đối thần của chúng ta vào Giáo hội như được áp dụng một cách trực tiếp, nhờ một bằng chứng tri nhận được một cách trực quan, - nó quy định cho chúng ta phải tin các khẳng định thuộc trật tự suy lý đúng một cách không thể sai lầm mà không cần được Thiên Chúa mạc khải (bất kể chúng liên quan đến "sự kiện giáo điều", hoặc các cuộc phong thánh, hoặc các sắc lệnh của các thánh bộ Rôma, trong các trường hợp, trong đó, chúng phải được coi như không thể sửa đổi); trong khi đó, trong trật tự thực tế, các quyết định của quyền qui điển tham gia một cách như công cụ vào sự khôn ngoan cao hơn của Giáo hội;

Mặt khác, là khu vực trong đó cũng một quyền qui điển này phụ thuộc vào ánh sáng riêng của những người thực thi nó, đến nỗi, trong các vấn đề tín lý và suy lý, các quyết định của họ, trong khi đòi hỏi nơi chúng ta sự vâng phục tôn giáo, không ngụ ý tính không thể sai lầm, ngược lại trong những vấn đề mang tính kỷ luật hoặc thực tế, trong khi cũng đòi hỏi sự tuân phục tôn giáo, chúng cũng có thể không có sự khôn ngoan cao hơn của Giáo hội.

Trong khu vực đầu tiên, chúng ta đương đầu với ngôi vị của Giáo hội hành động qua tính công cụ của các thừa tác viên. Trong khu vực thứ hai, chúng ta đương đầu với tính nguyên nhân chính của các thừa tác viên{3}.

Các quyết định của các Thánh bộ Rôma thuộc khu vực thứ hai, trừ khi nhờ một số bảo đảm hoặc xác nhận đặc biệt từ Đức Giáo Hoàng, chúng phụ thuộc vào một điều gì đó cao hơn.

3. Các Thánh bộ Rôma và Đức Giáo Hoàng. – Trên thực tế có thể xảy ra việc này: một số quyết định nào đó của các Thánh bộ phải được coi là có sự tham gia của chính Giáo hội và ngôi vị của Giáo hội, - không phải vì Thánh bộ ban hành chúng mà vì Đức Giáo Hoàng, người phê chuẩn chúng, đặc biệt vì công thức ngài sử dụng để phê chuẩn chúng (đây là trường hợp được tôi quan tâm ở đây).

Các Thánh bộ Rôma là các cơ quan do Đức Giáo Hoàng lập ra và được ngài sử dụng để điều hành và giảng dạy. Nhưng Đức Giáo Hoàng có thể phê chuẩn quyết định của một Thánh bộ theo hai cách khác nhau: hoặc đơn giản in forma communi [hình thức thông thường), trong trường hợp này, quyết định này trực tiếp xuất phát từ chính Thánh bộ và được ban hành dưới danh xưng của nó; hoặc theo cách đặc biệt, in forma specifica [hình thức đặc biệt], trong trường hợp này, "Đức Giáo Hoàng minh nhiên tiếp nhận sắc lệnh và ban hành sắc lệnh đó với danh xưng của mình, như sử dụng các công thức sau: 'Bằng thẩm quyền riêng của ta, với sự hiểu biết chắc chắn của ta, trong sự viên mãn quyền lực tông đồ của ta'"{4}.

Thế nhưng, trong trường hợp trong đó một sắc lệnh tín lý do một Thánh bộ Rôma soạn thảo được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn in forma specifica (sử dụng trọn vẹn thẩm quyền tông truyền của ngài; điều này hết sức giống với việc phán ex cathedra), tôi chắc chắn sắc lệnh tín lý này phải được coi là không thể sửa đổi. Và do đó, nhờ sự phê chuẩn như vậy, nó được chuyển sang điều tôi vừa gọi là khu vực thứ nhất của quyền qui điển.

Nhưng trong mọi trường hợp (những trường hợp thường xuyên nhất), trong đó một sắc lệnh tín lý chỉ được phê chuẩn in forma communi và do đó chỉ được ban hành bởi thẩm quyền riêng của chính Thánh bộ, thì sắc lệnh đó thuộc về khu vực thứ hai của quyền qui điển, nói cách khác, được coi là ban hành một cách có thể sai lầm.

Phán quyết của Văn phòng Thánh kết án Galilêô năm 1633 đã được phê chuẩn in forma communi.

Có tính kỷ luật chỉ vì các hình phạt áp đặt lên Galilêô, chứ tự nó, nó hiển nhiên là một sắc lệnh tín lý: nó dựa trên điều đã được các nhà thần học của Văn phòng thánh nói vào năm 1616 (chúng ta hãy nhắc lại điều này: cho rằng mặt trời là trung tâm của thế giới là điều "vô nghĩa và phi lý về mặt triết học, và lạc giáo một cách chính thức"{5}), và tuyên bố Galilêô "bị mạnh mẽ nghi ngờ là lạc giáo", tức đã tin "một lý thuyết sai và trái với Kinh Thánh cho rằng mặt trời là trung tâm của thế giới" và đã tin "rằng một lý thuyết đã bị tuyên bố và xác định là trái với Kinh Thánh vẫn có thể được duy trì và bênh vực như có thể chứng minh được"{6}.

Nhưng sắc lệnh này hoàn toàn không thể tự cho là không thể sai lầm, không một ủy ban hoặc hội đoàn chuyên gia về thần học nào có thể coi điều mình nói dựa vào thẩm quyền của chính mình như là tiếng nói của Giáo hội. "Điều hiển nhiên đối với ngay các ý kiến đương thời là việc lên án lý thuyết này đã được ban hành trong vấn đề có thể sửa đổi và bởi một thẩm quyền có thể sai lầm"[7}.

Việc tuyên thệ từ bỏ của Galilêô

1.Trong bản văn đọc lời thề từ bỏ trong khi quỳ gối, đặt tay trên các sách Tin Mừng, và được Galilêô ký tên trước Văn phòng Thánh, ông nhắc lại trước hết "bị mạnh mẽ nghi ngờ là lạc giáo, tức đã chủ trương và tin rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và bất động, và trái đất không phải là trung tâm, và chuyển động", rồi ông nói thêm: "Vì vậy, mong muốn làm cho sự nghi ngờ kịch liệt này từng được cấu thành cách chính đáng chống lại tôi, biến khỏi tâm trí của các Đức Ngài và của mọi Kitô hữu, tôi thề bỏ, tôi lên án và tôi ghê tởm các sai lầm và lạc giáo nói trên... "

Chúng ta nghĩ gì về việc thề từ bỏ này, trong những gì liên quan tới chính Galilêô? Sợ hãi chắc chắn đã đóng một vai trò trong đó, nhưng nếu nghĩ rằng Galilêô ký giả vào văn bản này, thì đây là một lầm lẫn nghiêm trọng. Trên đây, tôi đã nhắc đến lòng chân thành tôn trọng phẩm trật và đức vâng lời tôn giáo của ông ("Tôi có thiên hướng muốn móc mắt để khỏi gây tai tiếng hơn là chống lại các bề trên của tôi" {8}). Việc ông thề bỏ là một hành vi bạo lực đối với lương tâm của ông, bị phân rẽ giữa đức vâng lời tôn giáo và niềm tin khoa học của ông ("điều xem ra hiển nhiên đối với tôi và tôi nghĩ tay tôi đã chạm vào nó" {9}), vì giờ đây, người ta buộc ông lấy điều đầu tiên bác bỏ và hy sinh điều thứ hai, tuy nhiên điều thứ hai này vẫn còn đó. Sự mâu thuẫn trong hành vi sống, đó chính là điều hành khổ tinh thần.

Eppur si muove [nó vẫn chuyển động], câu nói có lẽ đã trở thành huyền thoại, nhưng vẫn có ý nghĩa. Nó vẫn chuyển động. Nhưng tôi thề trên sách Tin Mừng rằng nó không chuyển động.

2. Đối với các thẩm phán của Văn phòng Thánh, tôi không thấy một thuật ngữ nào khác ngoài thuật ngữ lạm dụng quyền hành, và là một thuật ngữ đặc biệt nghiêm trọng, để chỉ điều họ đã làm khi áp đặt sự thề bỏ này lên Galilêô bằng một cưỡng bức tinh thần bạo lực nhất. Vì (nếu đúng, - và điều này chắc chắn đúng, - như Đức Hồng Y Journet viết, tất cả những người đương thời đều cho là hiển nhiên "việc lên án tín lý này đã được ban hành trong một vấn đề có thể thu hồi được, bởi một thẩm quyền có thể sai lầm"), thì những người đương thời này chắc chắn là những người đầu tiên biết rằng họ có thể sai lầm{10}. Chính do xác tín bản thân của họ mà thuyết lấy mặt trời làm trung tâm là một lạc giáo: niềm xác tín này không phải là không thể sai lầm, cả sắc lệnh mà do đó, nó được phát biểu cũng thế. Họ không có quyền bắt buộc Galilêô, như thể ông bị ràng buộc vào đó bởi chân lý đức tin, áp đặt lên tinh thần một cách không thể sai lầm, một bác bỏ nội tâm tuyệt đối thuyết mặt trời là trung tâm và thề trên sách Tin Mừng rằng ông đã "thề bỏ, nguyền rủa và ghê tởm” “lạc giáo” do lý thuyết này tạo ra. Trong bản kết án, họ tuyên bố rằng quan điểm của Copernic đã được định tín là "trái với Kinh thánh." Định tín bởi ai? Bởi Giáo hội, bởi Đức Giáo Hoàng phát biểu ex cathedra? Không hề. Chỉ do họ định tín, những con người có thể sai lầm. Bằng một phán đoán thuộc phạm vi khôn ngoan, họ có thể khiến Galilêô thề không tuyên truyền ý kiến này{11}. Họ không thể bắt ông thề rằng ông coi nó là lạc giáo và trái với Kinh thánh, và ông nguyền rủa và ghê tởm nó trong trái tim ông.

Sự lạm dụng quyền hành như vậy cho chúng ta thấy rằng vào thế kỷ XVII, các nhân sự cao cấp của Giáo hội vẫn tiếp tục tiến bước (theo cách khác, chắc chắn thế, nhưng chỉ theo cách khác thôi) theo con đường được Tòa Lạc giáo thời trung cổ mở ra: ưu tiên sử dụng các phương tiện cưỡng chế thể lý và bạo lực (giờ đây đã trở thành bạo lực tâm lý); và chủ yếu tin tưởng vào các phương tiện này để bảo vệ đức tin.



Những điều này khó bị diệt trừ: một nhân sự tự phán đoán mình được trao cho phẩm giá của chính ngôi vị Giáo hội thì khó có thể sẵn sàng nhìn nhận công khai rằng mình sai lầm. Chỉ đến năm 1822, Văn phòng Thánh mới cho phép in ở Rôma các tác phẩm dạy về việc trái đất chuyển động quanh mặt trời. Nhưng vào năm 1734, chỉ một trăm năm sau vụ kết án, Văn phòng Thánh đã cho phép Đại Công tước Florence chuyển tro cốt của Galilêô đến một ngôi mộ được dựng lên để vinh danh ông ở Vương cung thánh đường Santa-Croce, và trên ngôi mộ ấy có dòng chữ ca ngợi ông như sau "nhà cải cách vĩ đại của thiên văn học," nulli aetatis suae comparandus [không ai thời ông sánh bằng]. Và năm 1744, Đức Bênêđíctô XIV đã cho phép xuất bản một ấn bản Dialogue (Đối thoại) được sửa đổi và sửa chữa (sửa chữa rất ít). "Chủ nghĩa duy luật" không hoàn toàn loại trừ cảm thức tốt.

Sai lầm của Văn phòng Thánh

1. Việc kết án Galilêô là một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng nơi các nhân sự cao cấp của Giáo hội (hành động như một nguyên nhân chính): một sai lầm đã làm vấy bẩn ngôi vị của Giáo hội trong một thời gian dài, và gây nguy hiểm cho nhiều linh hồn tin rằng lời kết án này là một hành vi của chính Giáo hội, của Una, sancta, catholica [duy nhất, thánh thiện, Công Giáo].

Tuyên bố rằng nghĩ rằng trái đất xoay quanh mặt trời là điều vô nghĩa và phi lý về mặt triết học {12}, và là lạc giáo một cách chính thức, như các nhà thần học của Văn phòng Thánh đã làm vào năm 1616; và tuyên bố, như họ đã làm vào năm 1633, rằng thuyết coi mặt trời là trung tâm là một lý thuyết sai lầm và trái với Kinh Thánh, một sai lầm và lạc giáo, mà nếu người ta muốn rửa sạch mối nghi ngờ đã tin vào nó, thì cần phải thề bỏ, ghê tởm và nguyền rủa, - là phạm một "sai lạc" ở mức cao nhất, một sai lầm nhanh chóng được nhìn nhận như vậy trong toàn bộ thế giới văn hóa.

Và sở dĩ các thẩm phán của Văn phòng Thánh đã sai lầm nghiêm trọng như thế, thì đó là vì, qua một lỗi lầm nguyên tắc còn nguy hiểm hơn vì với ý nghĩa tổng quát, họ coi khoa học về các hiện tượng trong diễn trình phát triển của nó như thuộc quyền xét xử của thần học và của lối giải thích theo nghĩa đen về Kinh thánh, một điều đã được Thánh Augustinô và Thánh Tôma cảnh cáo trước. Như Đức Hồng Y Journet viết, sai lầm lớn {13} là "đã thiếu lòng can đảm cần thiết để tách ngay tức khắc Kinh thánh ra khỏi cuộc tranh cãi về việc ủng hộ hay chống đối thuyết trái đất là trung tâm".

Cuối cùng, khi nói các sự vật như chúng là trong sự kiện và cụ thể, họ đã sai lầm, không còn ở trong đầu họ và các phán đoán của trí hiểu của họ nữa, mà trong tâm lý sâu xa và những phản xạ vô thức cũng như trong tác phong thực tế của họ, bằng cách tự huyễn hoặc về bản thân và về vị thế của họ (chỉ dưới Giáo hoàng, ở đỉnh của phẩm trật), và bằng cách thực tế coi mình là Giáo hội. Từ đó, sự sự kiêu ngạo và độc đoán nơi những người vốn có lòng khiêm tốn bản thân sâu xa có thể biểu lộ trong chức năng của họ, và sự huy hoàng vinh dự mà họ mong muốn nó được bao quanh. Một sai lầm như trong mơ, nếu tôi được phép nói như thế, và còn dai dẳng hơn, và không chỉ các quan tòa của Galilêô mới sa vào.

Nếu Văn phòng Thánh quá chậm chạp trong việc nhận ra lỗi lầm của họ, và nếu họ làm như vậy một cách lén lút{14}, đó là vì họ tin rằng sắc lệnh kết án của họ (công việc của các nhân sự Giáo hội đóng vai trò nguyên nhân chính) là một hành vi của chính Giáo hội (của ngôi vị Giáo hội).

2. Việc kết án Galilêô diễn ra vào thời điểm nó diễn ra, và việc Văn phòng Thánh lúc đó sa vào một lỗi lầm đáng kể - và thật nhục nhã – như thế, há điều này không có ý nghĩa lịch sử cao, và giá trị của một cảnh cáo độc đáo hay sao?

Để bảo vệ đức tin, đã đến lúc các nhân sự của Giáo hội phải sử dụng một nẻo đường khác ngoài nẻo đường vũ lực do Tòa Lạc giáo trung cổ mở ra. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa bền lâu hơn chúng ta nghĩ nhiều; tuy nhiên nó vẫn có giới hạn. Sai lầm mà Văn phòng Thánh đã mắc phải khi kết án Galilêô đã đánh dấu giới hạn của một sự kiên nhẫn lâu đời.

Nhưng để hiểu được lời cảnh cáo, nhân sự của Giáo hội vẫn mất tròn ba thế kỷ, - cho đến khi chính ngôi vị của Giáo hội làm cho tiếng nói của mình được người ta nghe qua Công đồng Vatican thứ hai.

Còn tiếp