Theo CNA, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Bahrain để khởi đầu chuyến thăm từ ngày 3 tới ngày 6 tháng 11. Trên chuyến bay từ Rôma tới Bahrain, ngài nói với các nhà báo rằng đây là “một chuyến đi đáng lưu ý vì nó giúp chúng ta suy nghĩ về việc chia sẻ tin mừng”. Ngài thường đi lại trên chuyến bay để chào hỏi các thành viên của giới truyền thông, nhưng hôm nay, ngài cho biết rất đau đớn, nên đã yêu cầu các ký giả tới quanh chỗ ngài ngồi.



Tháp tùng Đức Giáo Hoàng trên cùng chuyến bay, có Đức Hồng Y Miguel Ángel Ayuso Guixot, chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn. Đức Hồng Y cho báo chí hay ngài hy vọng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp cải thiện tình hình giữa các người Hồi giáo Sunni và Shia tại Bahrain. Trong khi người Hồi giáo Shia nắm đa số dân số, hoàng gia Bahrain lại thuộc ngành Sunni của Hồi Giáo, dẫn tới một căng thẳng phe phái kéo dài trong xứ. Các nhóm tranh đấu nhân quyền cũng từng tố cáo chính phủ vi phạm nhiều lạm dụng chống cả người Hồi giáo Shia đa số, lẫn các di dân lao động và việc cầm tù bất công.

Đức Hồng Y Ayuso cho hay Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa là người duy nhất có quyền thả tự do cho các tù nhân chính trị Shia. Sau khi đáp xuống Bahrain, cuộc hẹn đầu tiên của Đức Phanxicô là cuộc gặp gỡ riêng với nhà vua. Ngài cũng sẽ ngỏ lời với các thành viên chính phủ và xã hội dân sự. Ngày 4 tháng 11, ngài sẽ đọc diễn văn bế mạc tại Diễn Đàn Đối Thoại Bahrain: Đông và Tây Để Con Người Chung Sống

Cũng theo CNA, tới Bahrain, trong diễn văn đầu tiên, Đức Phanxicô lớn tiếng chống án tử hình, một án vẫn còn được thực hành ở đây. Ngài nói: “đầu tiên, tôi nghĩ tới quyền sống, tới nhu cầu phải luôn luôn bảo đảm quyền này, kể cả cho những người đang bị trừng phạt, không nên lấy đi mạng sống của họ”.

Ngài cũng lớn tiếng chống chiến tranh cho rằng đó là “phía tồi tệ nhất của con người” và kêu gọi chấm dứt “luận lý học vũ khí”, phản ảnh chủ đề của chuyến thăm: “Hòa bình trên trái đất cho người có thiện chí” phỏng theo Luca 2:14. Ngài nói: “tôi hiện diện ở đây, tại đất nước của Cây Sự Sống, như người gieo mầm hòa bình”.

Theo ngài, các trở ngại cho hòa bình thế giới là “việc lan truyền ồ ạt sự thờ ơ và bất tin tưởng lẫn nhau” chính chúng gây ra “các thù nghịch và tranh chấp mà ta vẫn nghĩ đã là chuyện của quá khứ”, cũng như “các hình thức duy dân túy, cực đoan, đế quốc chủ nghĩa” đe doạ “an ninh của mọi người”. Và ngài đề ra phương thuốc “đừng bao giờ để các cơ hội gặp gỡ giữa các nền văn minh, giữa các tôn giáo, và các nền văn hóa tan biết vào mây khói hay các gốc rễ của nhân tính chúng ta thành khô héo và hết sinh khí”.

Đối thoại liên tôn

Nicole Winfield của A.P. thì lưu ý nhiều hơn tới khía cạnh đối thoại liên tôn của chuyến đi, nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô vẫn coi đối thoại là công cụ tạo hòa bình và tin vào nhu cầu biểu dương hòa hợp liên tôn, nhất là hiện nay khi có cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine và nhiều cuộc tranh chấp vùng, như ở Yemen chẳng hạn. Ngày trước khi lên đường, Đức Phanxicô đã cầu nguyện để chuyến đi của ngài cổ vũ “chính nghĩa huynh đệ và hòa bình, những điều mà thời ta hết sức và cấp thiết cần đến”.

Đây là chuyến đi thứ hai của ngài tới vùng Vịnh, tiếp theo chuyến viếng thăm năm 2019 đến Au Dahbi, nơi ngài ký một văn kiện cổ vũ tình huynh đệ Công Giáo-Hồi Giáo với Giáo sĩ của phái Hồi Giáo Sunni, Sheikh Ahmed al-Tayeb. Al-Tayeb là đại giáo sĩ của Al-Azhar, trụ sở bác học của Sunni tại Cairo. Tiếp theo chuyến thăm này, năm 2021, Đức Phanxicô đã tới thăm Iraq, nơi ngài được Ayatollah Ali al-Sistani, một trong các giáo sĩ cao cấp nhất trên thế giới của Hồi Giáo Shia.

Tuần này, Đức Phanxicô sẽ gặp lại al-Tayeb ở Bahrain cùng với nhiều nhân vật nổi bật thuộc lãnh vực liên tôn hy vọng sẽ tham dự Diễn Đàn, một Diễn Đàn khá tương tự như diễn đàn Đức Phanxicô và el-Tayeb vừa tham dự vào tháng trước tại Kazakhstan. Thành viên của Hội đồng Trưởng Lão Miền Hồi giáo, nhà lãnh đạo tinh thần của Kitô giáo Chính thống, Thượng phụ Bartholomew, một đại diện Giáo Hội Chính thống Nga và các giáo sĩ Do Thái từ Hoa Kỳ cũng sẽ tham dự Diễn Đàn này.

Tưởng cũng nên nhắc lại, nhân cơ hội ở Bahrain, Đức Phanxicô cũng sẽ bắn tiếng với Ả Rập Xêuđít, nơi các Kitô hữu không được hành đạo công khai. Chính trong chiều hướng này, ngài đã hết lời ca ngợi Quốc vương Bahrain vì “lòng khoan dung đã tỏ cùng các Kitô hữu sống trong đất nước từ lâu”.

Các vấn đề nhân quyền

Bassem Mroue, Jon Gambrell và Mariam Fam cũng của A.P. thì lưu ý hơn đến vấn đề nhân quyền cũng như mối căng thẳng giữa đa số dân theo Hồi giáo Shia và hoàng gia theo Hồi giáo Sunni. Ai cũng biết vương quốc Bahrain, năm 2011, từng dùng vũ lực dẹp tan các cuộc biểu tình Mùa Xuân Ả Rập ở đó với sự giúp đỡ của Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Từ đó, vương quốc này đã tống giam nhiều nhà tranh đấu của Hồi giáo Shia, tống xuất nhiều người khác, lột bỏ tư cách công dân của rất nhiều người và đặt ngài vòng pháp luật nhóm Shia lớn nhất và đóng cửa tờ báo độc lập hàng đầu của họ.

Devin Kenney, nghiên cứu viên của Hội Ân Xá Quốc Tế tại Bahrain, nói rằng: “trong tình huống này, có cả một con voi khổng lồ ở trong phòng. Chủ đề chuyến đi này là chung sống và đối thoại, còn chính phủ Bahrain thì dẹp bỏ các tự do dân sự và chính trị, mà không có chúng, chung sống và đối thoại không thể được chống đỡ”.

Bahrain cho rằng mình tôn trọng các nhân quyền và tự do ngôn luận, bất chấp phải đối diện với việc chỉ trích được lặp đi lặp lại của các nhà tranh đấu địa phương và quốc tế, kể cả của Tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền.

Trong khi một số lãnh tụ Hồi giáo Shia hoan nghênh chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, họ hy vọng ngài sẽ không bỏ qua vấn đề tranh chấp phe phái kéo dài hàng mấy thập niên qua. Al-Wefaq, thuộc đảng Shia bị đặt ra ngoài pháp luật và năm 2016 bị tòa án ra lệnh dẹp bỏ, nói rằng “nhân dân Bahrain sống dưới ảnh hưởng bách hại, kỳ thị, bất khoan dung phe phái và đàn áp có hệ thống của chính phủ”.

Được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến tông du của ngài tại Bahrain hay không, phát ngôn viên Tòa Thánh Matteo Bruni trưng dẫn lời kêu gọi thường xuyên của Đức Phanxicô đối với tự do tôn giáo và đối thoại liên tôn: “lập trường của Tòa Thánh và của Đức Giáo Hoàng liên quan tới tự do tôn giáo đã rõ ràng và ai cũng biết”. Nhưng ông không nói gì về việc liệu Đức Phanxicô có đề cập tới việc chính phủ Bahrain xử sự với người Hồi giáo Shia hay không.

Về khía cạnh này, Đức Cha Paul Hinder, giám quản Bahrain và một số nước lân bang, cho hay việc cạnh tranh với các quốc gia Ả Rập khác có lẽ đã khiến hoàng gia Al Khalifa, từng cai trị Bahrain từ thập niên 1770, mời Đức Phanxicô thăm đất nước họ. Đức Cha nói rằng ngài hy vọng bất cứ vấn đề “có vần đề” nào về người Hồi giáo Shia của Bahrain sẽ được Đức Giáo Hoàng nêu lên, nhưng “đàng sau các tấm màn chứ không nhất thiết công khai". Đức Cha nói rằng “tôi hơi biết một chút phong thái của phần này của thế giới. Họ không thích bị chỉ trích công khai".

A.P. cho rằng chính trị trong vùng đóng một vai trò trong việc chính phủ Bahrain đàn áp đối lập Shia. Chính phủ này từng tố cáo nền thần trị Shia của Iran đã nuôi dưỡng bất đồng và trang bị các chiến binh nhằm gây bất ổn cho đất nước. Các nhóm vũ trang Shia từng phát động những cuộc tấn công nhỏ trong nước.

Cân bằng giữa đối thoại và ủng hộ đấu tranh

Elise Ann Allen của CruxNow thì lưu ý đến việc Đức Phanxicô đến Bahrain để tham dự một điễn đàn quốc tế về đối thoại giữa bản đồng ca đối lập của các nhà đấu tranh nhân quyền cho rằng việc chính phủ nước này nhấn mạnh tới khoan dung chỉ là một trò hề.

Về khía cạnh này, Đức Cha Paul Hinder cho rằng tuy tự do tôn giáo ở Bahrain được kể vào hàng tốt đẹp nhất trong thế giới Ả Rập, nhưng một số vấn đề vẫn còn tồn đọng. Sống tại vùng này 18 năm nay, ngài cho rằng đã học được “việc chọn đường lối ngoại giao” kẻo những điều ngài nói bị coi là xúc phạm.

Về chuyến đi của Đức Phanxicô, Đức Cha Hinder tin rằng một trong các mục đích của Đức Phanxicô tại Bahrain là thực hiện “một diễn đàn chung” dựa trên văn kiện Abu Dhabi về tình huynh đệ nhân bản, và nếu điều này đạt được, thì đó là “một bước tiến tới quan trọng và có giá trị”.

Đức Cha cho rằng ‘Đức Giáo Hoàng sẽ tiến tới, cho dù không phải ai trong Giáo Hội Công Giáo hay thế giới Hồi Giáo cũng nhất trí, nhưng các bước can đảm của ngài là mở các cánh cửa. Chúng ta không biết nó sẽ kết thúc ra sao, nhưng tôi tin nó sẽ góp phần vào các giải pháp cho các cuộc tranh chấp” khắp thế giới.

Được hỏi về việc Bahrain sử dụng án tử hình trong khi Đức Phanxicô nhất quán chống đối thực hành này, Đức Cha Hinder trả lời rằng ngài biết có khác biệt về ý kiến, nhưng trong tư cách đại diện của Đức Giáo Hoàng, “kinh nghiệm của tôi sau 18 năm là không đưa ra bất cứ phê phán công khai nào”. Lên tiếng công khai về bất cứ lãnh vực bất đồng nào hay chỉ trích chính phủ về bất cứ thực hành nào của họ đều là chuyện khó khăn vì trong khi thế giới Tây Phương quen thuộc với việc chỉ trích công khai, “ngữ cảnh của chúng tôi chắc chắn có giới hạn”.