Elise Ann Allen cu3a Crux, ngày 7 tháng 9 năm 2024, tường trình: Trong ngày đầu tiên ở thủ đô Papua New Guinea, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ trẻ em nghèo và khuyết tật, nói với các em rằng mỗi em đều là một món quà của Chúa, bất kể tình trạng của các em như thế nào, và thúc giục các em làm cho thế giới tốt đẹp hơn bằng cách học tập và lựa chọn yêu thương.



Nhóm này bao gồm các học sinh tại Trường Trung học Kỹ thuật Caritas ở Port Moresby, nơi phục vụ khoảng 1,000 thanh thiếu niên. Có khoảng 800 học sinh bên trong hội trường cùng với Đức Giáo Hoàng, và 700 em khác ở trong một hội trường bên cạnh.

Sau khi các em biểu diễn một điệu nhảy mặc trang phục truyền thống, hai em đã đặt câu hỏi, một là cậu bé khiếm thính tên là Clemens, được chị gái Genevieve giúp đỡ, người đã đặt câu hỏi thành tiếng khi em đọc ký hiệu, em hỏi tại sao một số trẻ em bị khuyết tật trong khi những trẻ khác thì không, và liệu có hy vọng nào cho những trẻ em khuyết tật như em, những trẻ em thường bị kỳ thị hay không.

Một em khác từ đường phố cho biết đôi khi chúng cảm thấy như gánh nặng, và hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại sao chúng không có cùng cơ hội như những đứa trẻ khác, và chúng có thể làm gì mặc dù nguồn lực của chúng có hạn để biến thế giới thành một nơi tươi đẹp và hạnh phúc hơn.

Trong câu trả lời của ngài, Đức Phanxicô nói với Clemens rằng ngài không giống những đứa trẻ khác vì "không ai trong chúng ta giống ai cả, vì tất cả chúng ta đều là duy nhất trong mắt Chúa".

"Không chỉ có hy vọng cho tất cả mọi người, mà cha muốn nói thêm rằng mỗi người chúng ta đều có một vai trò và sứ mệnh trên thế giới mà không ai khác có thể hoàn thành", ngài nói rằng ngay cả khi điều đó khó khăn, "việc thực hiện sứ mệnh của chúng ta cũng sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui theo những cách khác nhau đối với mỗi người".

Mỗi người đều có những hạn chế và đấu tranh, và có những điều họ không thể làm, "nhưng điều này không quyết định hạnh phúc của chúng ta", ngài nói. Ngài nói rằng điều quyết định là lựa chọn yêu thương.

"Điều này đúng với mỗi người, bất kể họ là ai hay ở đâu", và thậm chí đúng với cả Đức Giáo Hoàng, ngài nói.

Về cách làm cho thế giới trở nên tươi đẹp hơn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với trẻ em rằng hãy làm theo “công thức tương tự” bằng cách “học cách yêu Chúa, từng ngày, bằng cả trái tim mình”, và bằng cách học mọi thứ có thể ở trường để các em có thể “phát triển, cải thiện và tinh chỉnh” các kỹ năng của mình và đóng góp tích cực.

Ngài lấy cách một con mèo nhảy làm ví dụ, lưu ý rằng ngay trước khi con mèo thực hiện cú nhảy, nó xoay tất cả các cơ theo hướng nó muốn đi rồi nhảy.

Đức Giáo Hoàng cho biết điều này có thể diễn ra nhanh hoặc chậm, nhưng ngài nói với trẻ em rằng “chúng ta có thể làm như vậy, đó là tập trung toàn bộ sức mạnh của mình vào cùng một mục tiêu: Chúa Giêsu và tất cả anh chị em chúng ta gặp trên đường đi”.

“Theo nghĩa này, không ai trong chúng ta là gánh nặng. Tất cả chúng ta đều là những món quà tuyệt đẹp từ Chúa, là kho báu dành cho nhau”, ngài nói và cảm ơn trẻ em đã gặp ngài.

Đức Phanxicô bảo các em “luôn giữ ngọn lửa tình yêu này cháy sáng, đó là dấu hiệu của hy vọng,” và lan tỏa nó đến tất cả những người họ gặp trên thế giới, “những người thường ích kỷ và bận tâm đến những điều không quan trọng.”

“Hãy giữ ngọn lửa tình yêu cháy sáng, và xin hãy cầu nguyện cho cha nữa,” ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp các em nhỏ sau khi có cuộc gặp với Toàn quyền Papua New Guinea và phát biểu trước các nhà chức trách dân sự vào sáng sớm hôm đó.

Những em nhỏ tham gia buổi tiếp kiến này thuộc về “Thừa Tác Vụ Hè Phố [Street Ministry],” một văn phòng mục vụ được thành lập bởi Đức Hồng Y John Ribat, Tổng giám mục Port Moresby, vào năm 2010, cũng như những em được Callan Services giúp đỡ, do các dòng Anh em Kitô giáo thành lập.

Sơ Joy, một Nữ tu Truyền giáo Bác ái làm việc tại trường, nói với các nhà báo rằng trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ có cha mất và mẹ tái hôn không được phép gia nhập gia đình mới và thường được ông bà chăm sóc.

Các nữ tu cũng chăm sóc những đứa trẻ có cha mẹ làm việc ở thị trường và không có khả năng chăm sóc hoặc trông nom chúng vào ban ngày. Họ cũng đào tạo để các học sinh có các kỹ năng sống, bao gồm cả nghiên cứu kinh doanh.

Trong lời chào ngắn gọn gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ĐHY Ribat cho biết sự hiện diện của ngài tại Papua New Guinea là bằng chứng cho thấy "Chúa Giêsu không chỉ tay vào bất cứ ai, nhưng mở rộng vòng tay và ôm lấy tất cả".

"Chúa Giêsu không bao giờ đóng cửa, không bao giờ, nhưng mời chúng ta bước vào; Chúa Giêsu chào đón", ngài nói và thêm rằng lời của Đức Giáo Hoàng "mang đến cho chúng ta sự an ủi, hỗ trợ và khích lệ. Chúng mang đến cho chúng ta động lực để sống với những người dễ bị tổn thương trong xã hội của chúng ta trong cam kết cố ý thúc đẩy công lý và hòa bình giữa người dân của chúng ta".

Ngài gọi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là "trải nghiệm có một không hai trong đời" và cho biết đó là sự khích lệ có thể giúp giáo hội địa phương "làm mới cam kết của chúng con đối với cộng đồng đức tin của chúng con".

"Tiếng nói của Đức Thánh Cha an ủi chúng con trong những cuộc đấu tranh và đau khổ; chúng con mang ơn Đức Thánh Cha vì đã luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng con... Sự hiện diện của Đức Thánh Cha trên đất nước chúng con giúp tất cả chúng con hiểu rõ hơn về con người và bản chất của mình, yêu những gì chúng con biết và do đó phục vụ những gì chúng con yêu", ngài nói.

Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, ĐHY Ribat cho biết, Giáo hội “giữ cho hy vọng của chúng ta luôn sống động bằng cách đồng hành và dẫn dắt chúng ta tiến về phía trước trong cuộc sống.”

“Vì vậy, chúng con nhớ lại nơi chúng ta đã đến và nơi chúng con sẽ đến. Chúng con nhớ đến Đứ Thánh Cha trong những lời cầu nguyện hàng ngày, đặc biệt là để Đức Thánh Cha có sức khỏe tốt,” ngài nói.