Huấn đạo theo Thánh Kinh



Nguyên tác: Biblical Counseling Manual: A Self Help Counseling Program
Của Adam Pulaski và Steve Lihn
Vũ Văn An chuyển ngữ


Chương năm: Loạt bài chữa lành linh hồn, tiếp

5.8. Các bước đi tới một ý chí giải phóng

Bốn bước đến ý chí giải phóng: (Rm 7:8,24; 2 Cr 8:12)

1. Bước đầu tiên là chấp nhận trách nhiệm về con người chúng ta và làm những gì chúng ta làm.

2. Khám phá địa điểm và hiệu quả của ý chí.

3. Hiểu tầm quan trọng của việc giải phóng ý chí hoàn toàn khi nó cộng tác với Chúa Thánh Thần.

4. Học sống theo ý chí.

Minh họa

Vợ mạnh mẽ cai trị gia đình, chồng phải làm sao? (Xem Phần 5.3, “Điều gì làm một người đàn ông là đàn ông ”)

1. Là chủ gia đình, họ chứ không phải vợ phải chịu trách nhiệm.

2. Người đàn ông phải vận dụng ý chí của mình để đứng với Thiên Chúa như người chủ gia đình.

3. Họ thấy rằng Thiên Chúa không chỉ muốn họ làm theo ý muốn của Người mà còn chấp nhận sự giải phóng ý chí khỏi cảm xúc của họ.

4. Và cuối cùng là chấp nhận vị trí thường trực để sống trong ý Thiên Chúa.

Trưởng thành

(Mt 7:1-5) Thành thật đối diện và chấp nhận trách nhiệm về hoàn cảnh sống; đổ lỗi cho người khác là trẻ con, đối đầu là sự khởi đầu; nhìn 'thực tại', chứ không phải ảo ảnh, như sự soi sáng thần linh về vị trí quan trọng của ý chí trong ý định của Thiên Chúa.

Cung ứng

(Rm 12:1-2) Thiên Chúa đã cung cởp đầy đủ ở Thập giá để nhờ sự kết hợp của chúng ta vào cái chết của Người, mọi vết tích của ý chí ích kỷ có thể bị xóa bỏ và ý chí giải phóng được tự do hợp tác hoàn toàn với Thiên Chúa. Trung tâm cuộc sống phải ở trung tâm ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta có thể hòa hợp ý muốn của mình với ý muốn của Người, có thể biến chiến thắng thành một chiến thắng chung - một sự kết hợp hoàn toàn giữa ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa.

Vâng lời

(1 Cr 3:21-23; Eph 4:22-24) Sống cuộc sống lấy Thiên Chúa làm trung tâm là lấy sự thật thần học (tín lý) và hành động theo sự thật này để trở thành một sự thật ban sự sống, là sự cởi bỏ và mặc vào. Khi đó mọi sự đều trở thành của chúng ta trong Chúa Kitô.

Hiệp nhất với Thiên Chúa

(Tv 31) Trong sự hợp nhất với Thiên Chúa, Hộp Số Cả (Master Gear), chúng ta không cần phải cầu xin mọi thứ. Chúng tự động trở nên có hiệu lực. Thiên Chúa trở thành ra sao, ở đâu, khi nào và tại sao.

• câu 4-5: Ra sao... "vì Chúa là sức mạnh của con. Con phó linh hồn con trong tay Chúa..."

• Câu 8: Ở đâu... "Chúa đã đặt chân con vào một căn phòng rộng lớn..." Từ chối sự độc lập của chính mình và chấp nhận sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa chỉ là để Thiên Chúa mở rộng khả năng tiềm ẩn của trái tim con người. Được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta có khả năng mở rộng gần như không giới hạn về mọi hướng.

• câu 15: Khi nào... "Thời giờ của con nằm trong tay Ngài..." Ngoài Thiên Chúa ra còn ai có thể hiểu được cuộc sống đúng đắn trong vũ trụ của Người. Thật phước hạnh biết bao khi để ý chí lo lắng của chúng ta hòa quyện vào ý chí của chính Người và biết rằng trong thực tại 'có thời điểm và mùa cho mọi mục đích dưới ánh mặt trời'. Chắc chắn Đấng ấn định thời gian của vũ trụ sẽ giữ cho con người có thời gian hoàn hảo khi họ sống trong sự kết hợp với Người.

• câu 3: Tại Sao... "vì danh Người, xin hãy dẫn dắt con và hướng dẫn con..." Chúng ta phải hòa hợp với ý muốn của Thiên Chúa vì sự vinh hiển của Người, vì mục đích của Người, vì sự thỏa mãn của Người. Vì vậy, bí quyết 'sống' theo ý muốn của Người là sống hoàn toàn vì sự vinh hiển của Người.

Thánh Tôma Aquinô: “Rõ ràng là ông ấy không cầu nguyện, người không hề nâng mình lên với Thiên Chúa mà đòi hỏi Thiên Chúa phải hạ mình xuống với mình, và là người cầu nguyện để không khuấy động con người trong chúng ta theo ý muốn của Thiên Chúa, mà chỉ cầu nguyện để thuyết phục Thiên Chúa làm theo ý muốn của con người trong chúng ta.”

Tham khảo: [9][Fromke1]

5.9. Cầu nguyện chữa lành cho tâm trí

"Lạy Chúa Giêsu Kitô, con xin Chúa ngự vào người này, người đang cần được chữa lành trong thẳm sâu tâm trí. Lạy Chúa, con cầu xin Chúa đến như một người quản gia cẩn thận bước vào ngôi nhà đã đóng cửa và bị bỏ quên từ lâu. Hãy mở tất cả các cửa sổ và để làn gió trong lành của Thánh Thần Chúa tràn vào. Hãy kéo rèm lên để ánh nắng Tình yêu Chúa có thể tràn ngập ngôi nhà của linh hồn này. Nơi nào có ánh sáng mặt trời, nơi đó không thể có bóng tối.

Vì thế, con vui mừng vì khi ánh sáng tình yêu Chúa tràn ngập lâu đài linh hồn này thì mọi bóng tối sẽ tan biến. Và thực sự, nhân danh Chúa, con nói với bóng tối đó, nhẹ nhàng nói với nó rằng nó không thể ở đây trong người mà Chúa đã cứu chuộc trên Thập Giá. Lạy Chúa, xin hãy nhìn xem có bức tranh xấu xí nào trên tường không - những bức tranh về những vết thương đau đớn và kinh hoàng trong quá khứ. Và nếu có những bức tranh như vậy, hãy lấy chúng xuống và tặng cho ngôi nhà kỷ niệm này những bức ảnh đẹp đẽ và vui tươi. Vì thế từ tất cả những cái xấu của quá khứ, hãy tạo nên cái đẹp. Lạy Chúa, vì bản chất của Người luôn là tạo nên vẻ đẹp. Hãy biến những nỗi buồn cũ thành sức mạnh để an ủi những người đang đau buồn. Hãy chữa lành những vết thương cũ bằng tình yêu cứu chuộc của Chúa và biến chúng một cách mầu nhiệm thành tình yêu chữa lành vết thương của người khác.

"Lạy Chúa, hãy quay trở lại, đi qua tất cả các phòng của ngôi nhà ký ức này. Hãy mở mọi cánh cửa đã đóng và nhìn vào từng tủ quần áo và ngăn kéo văn phòng và xem liệu có thứ gì bẩn thỉu và hư hỏng không còn cần thiết trong cuộc sống hiện tại của con người hay không, và nếu có, lạy Chúa, xin hãy cất chúng đi hoàn toàn. Con cảm tạ, vì đây là lời Kinh Thánh hứa: Phương đông cách xa phương tây bao nhiêu, Người sẽ đem sự vi phạm của chúng con xa khỏi chúng con bấy nhiêu (Tv 103:12).

Lạy Chúa, xin hãy nhìn bất cứ ký ức nào có thể hiện lên từ thẳm sâu tâm trí khi những lời này được suy niệm, và trong lòng thương xót của Người, xin đổ đầy nơi đầy tớ này của Chúa sự tha thứ đã được thực hiện từ lâu trên Núi Sọ.

"Hãy quay trở lại ngay vườn ươm trong ngôi nhà ký ức này - ngay những năm thơ ấu. Cũng ở đây, hãy mở những cửa sổ đã đóng kín từ lâu và để cho ánh nắng dịu dàng của tình yêu Chúa lọt vào. Ở đây hơn bất cứ nơi nào, lạy Chúa, xin làm cho mọi thứ sạch sẽ và đẹp đẽ. Hãy lấy cây chổi thương xót quét sạch mọi bụi bẩn trên sàn căn phòng ký ức này, ngay cả sự bối rối, kinh hoàng và xấu hổ của những ký ức xa xưa, có lẽ của những tội lỗi trẻ con và khó hiểu, có lẽ của những tội lỗi của cha mẹ, những người đáng lẽ phải như chính Thiên Chúa đối với đứa con, nhưng đã không như thế. Hãy lấy một miếng vải sạch và lau sạch mọi bụi bẩn và lau sạch mọi vết bẩn trên tường và đồ đạc. Hãy tẩy sạch đứa con này của Ngài bằng cành hương thảo, lạy Chúa, để trái tim được trong sạch. Hãy rửa trái tim này để linh hồn được tạo ra theo hình ảnh của Ngài và theo họa ảnh của Ngài có thể trắng hơn tuyết. Hãy nhìn vào trong tủ và dưới đồ đạc và xem có đồ chơi nào bị hỏng hoặc bẩn, đồ cũ không những ký ức vụn vặt bẩn thỉu mà chắc chắn không còn cần thiết nữa trong cuộc đời trưởng thành. Và nếu vậy, lạy Chúa, xin hãy loại bỏ chúng hoàn toàn; hãy thu lượm chúng vào trong tình yêu cứu chuộc của Chúa, để gánh nặng của chúng không còn đè nặng lên linh hồn nữa.

"Hãy đi theo linh hồn của đứa con này của Ngài trở lại từ giờ nó sinh ra và chữa lành linh hồn khỏi cả nỗi đau và nỗi sợ hãi khi được sinh ra trong thế giới đen tối này. Hãy khôi phục trong linh hồn ký ức tươi sáng về bản thể vĩnh cửu của Ngài không chính xác như một ký ức, nhưng đúng hơn như một sự sinh xuất (emanation), một sự trám đầy vô thức của ánh sáng vĩnh cửu mà từ đó con người này được sinh ra. Và nếu ngay trước khi sinh ra, linh hồn đã bị sự sống nhân bản này che phủ và bị u ám bởi những nỗi sợ hãi và đau buồn của cha mẹ nhân bản thì con cầu xin để ngay cả những ký ức hay ấn tượng đó cũng có thể được chữa lành, để linh hồn này có thể được phục hồi theo khuôn mẫu nguyên thủy của Ngài, linh hồn được tự do và trong sạch như thể không có gì làm mờ đi sự tỏa sáng của nó.

Vì vậy, lạy Chúa, con cầu xin Chúa phục hồi linh hồn như Chúa đã tạo dựng và làm sống lại và đánh thức trong đó tất cả những động lực và ý tưởng sáng tạo mà Chúa đã đặt vào đó, để bất kể mục đích của Chúa là gì cho cuộc hành hương nhân bản của nó, mục đích đó có thể được thực hiện.

Đavít đã nói từ lâu: “Chúa phục hồi linh hồn tôi. Ngài dẫn tôi vào các nẻo đường công chính vì danh Ngài”. (Tv 23:3).

“Lạy Chúa, con tạ ơn vì biết rằng việc chữa lành linh hồn này là ý muốn của Chúa và chính là mục đích của việc hiến mạng sống Chúa cho chúng con, và do đó việc này hiện đã được hoàn thành và bởi đức tin con đóng dấu cho nó.”

Phỏng theo lời cầu nguyện cho sự chữa lành linh hồn của Agnes Sanford. [21][Sanford1]

5.10. Chủ nghĩa duy hoàn hảo

Viễn ảnh

(St 1:26-28) Lời Chúa là nguồn sống giúp con người hiện hữu trong trạng thái hạnh phúc. Từ chối lời Thiên Chúa là mặc định tuân theo lời của Satan, kẻ nói rằng chúng ta có thể trở nên trọn vẹn trong chính mình. Từ chối lời Chúa là để cho nỗi sợ hãi xâm nhập thường xuyên bởi vì chúng ta không bao giờ có thể trọn vẹn trừ khi chúng ta sống theo lời Thiên Chúa.

(St 3:1-5) Hãy trở nên giống như Thiên Chúa, hãy hoàn hảo và độc lập. Sự xấu hổ đến khi họ nhận ra mình không hoàn hảo. Không có Thiên Chúa trong ý thức của họ - tách rời khỏi Thần Khí của Người - giờ đây họ tự mình cố gắng trở thành thượng đế bằng trí tuệ và sức lực của mình, họ đã để cho tinh thần cạnh tranh, tinh thần tự giác, tinh thần tư lợi chiếm ưu thế.

Vấn đề là tìm kiếm sự hoàn thiện. Con người được Thiên Chúa thiết kế để tập chú vào và giúp hoàn thiện người khác. Bằng cách làm như vậy họ hoàn thiện bản thân mình. Nhu cầu được trọn vẹn vốn có ở con người nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi con người sống theo lời Thiên Chúa. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, con người có thể áp dụng lời nói làm cho con người trở nên giống hình ảnh Chúa Kitô. Theo đó, hình ảnh này là hình ảnh hiến thân trong Thánh Thần của Chúa Kitô để coi người khác có giá trị và tầm quan trọng lớn lao (Lc 9:23-25; Pl. 2:3-4).

Điều này được thực hiện khi chúng ta từ bỏ nỗ lực bản thân và trông cậy vào Chúa Thánh Thần để dẫn dắt và hướng dẫn chúng ta trong mọi chức năng của cuộc sống với tinh thần trong sạch và thánh thiện - ý thức về Thiên Chúa - qua chúng ta mạc khải đặc tính của Thiên Chúa cho thế giới. Do đó, điểm nhấn là ngừng cố gắng trở thành thần, và hãy để Thiên Chúa là Thiên Chúa cho chúng ta, trong chúng ta, như chúng ta ( Gl. 2:20; Cl. 1:27).

Chủ nghĩa nhân bản

Tôi là ai là việc thi hành của tôi được ai đó đánh giá. Vì Thiên Chúa không hoặc không còn trong kế hoạch của cuộc sống nên luôn cần được người khác chấp nhận và chấp thuận, một chu kỳ không bao giờ kết thúc cần trở nên hoàn hảo và trọn vẹn trong mắt họ. Bị từ chối và xấu hổ, một cảm giác không trọn vẹn đang chờ đợi ở mọi ngóc ngách. Để chống lại trạng thái lo lắng này, con người nhìn vào chính mình, vào những thành tựu của mình, vào những điều của thế giới, cũng như vào sự tán thành và chấp nhận của người khác để đáp ứng nhu cầu của mình. Việc tìm kiếm sự thỏa mãn, những khao khát của tâm trí, sự đảm bảo về nguồn lực của chính mình và sự phụ thuộc vào những thứ trần thế dẫn đến sự trống rỗng, vô ích và sự hủy diệt (1Ga 2:16).

Các yếu tố của chủ nghĩa duy hoàn hảo

• Độc lập: Làm cho mình hoàn thiện như Thiên Chúa mà không cần Thiên Chúa.

• Xấu hổ: Nhìn vào bản thân mình, thấy sự không hoàn hảo, mang lại sự xấu hổ và bối rối.

• Bị từ chối: Tôi nhấn mạnh vào nhu cầu của bản thân và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để tự cứu mình, thậm chí đến mức tiêu diệt người khác.

• Chủ nghĩa duy hoàn hảo: Hiện tại tôi là ai phụ thuộc vào thành tích và đánh giá về thành tích của tôi. Cần sự chấp nhận và chấp thuận của người khác ngay cả của Thiên Chúa.

Các giải pháp

(Cl. 2:10; Ga 16:8-13) Chúng ta chỉ có thể trọn vẹn trong Chúa.

(1Ga 1:7; Pl 2:12-13 ) Khi chúng ta vâng theo các điều răn của Người, Người hành động trong chúng ta để hoàn thiện chúng ta.

( Eph 4:22-24) Công việc của chúng ta là cởi bỏ nỗi ám ảnh về bản thân và mặc lấy con người thật: Chúa Giêsu Kitô.

(Mt. 22:37-39) Điều nhấn mạnh là Thiên Chúa sẽ lấp đầy chúng ta bằng sự Hiện diện của Người. Khi chúng ta để cho sự khôn ngoan thần linh của Người thấm nhập vào trí tuệ, ký ức, cảm xúc và ý chí của chúng ta, chúng ta sẽ có thể yêu như Người yêu.

Chìa khóa: Chúng ta không hoàn hảo. Thiên Chúa sử dụng những thử thách và cám dỗ để bộc lộ những điểm không hoàn hảo này nhằm thúc giục chúng ta hướng về Người để hoàn thành quá trình đã bắt đầu từ Ađam thứ nhất. Qua tinh thần con người của chúng ta, Thánh Thần của Thiên Chúa làm đầy dẫy và hoàn thiện linh hồn chúng ta, xóa sạch những chỗ không hoàn hảo, để giúp chúng ta có thể làm những điều Chúa Giêsu đã làm: chúc phước cho người khác và tiêu diệt công việc của ma quỷ.

5.11. Tâm thần phân liệt (Double-Mindedness)

Viễn ảnh

(Is 29:13; Mt 6:22; Gcb1:8; Am 3:3; 2Cr 6:14 ) Người hai tâm trí là người có hai linh hồn, hai tâm trí - do dự, mơ hồ, thiếu kiên quyết - không ổn định, không đáng tin cậy và không chắc chắn về điều gì cả (được họ nghĩ, cảm nhận, quyết định). Các lực tác động lên người này gây ra hành vi có vấn đề là các lực bóp méo khả năng nhận thức hoặc đánh giá thế giới của người ta như nó là trong thực tại hoặc các lực tự mình gây ra khiến người ta hiểu sai hoặc đánh lừa bản thân hoặc người khác.

Tâm thần phân liệt [Schizophrenia] là sự rối loạn, bóp méo hoặc làm tan rã sự phát triển của nhân cách dẫn đến “sự chia rẽ nhân cách”.

Hy vọng

(Cn 28:1; 1Ga 1:7-9) Hành vi của bất cứ người được huấn đạo nào về cơ bản đều bắt nguồn từ những khiếm khuyết hữu cơ hoặc từ tác phong tội lỗi. Trong trường hợp có tác phong kỳ lạ, việc kiểm tra y tế cẩn thận có thể nhằm phát hiện bất cứ trục trặc nào về tuyến [glandular] hoặc hóa chất khác - tổn thương não, các vấn đề về chất độc, v.v. Nếu vấn đề không phải là hữu cơ hoặc không chỉ là hữu cơ thì có thể đưa ra lời khuyên với giả định rằng tác phong đó chắc hẳn bắt nguồn từ lối sống tội lỗi.

(Eph 4:26; Cn 28:13) Sau khi kiểm tra y tế cẩn thận để phát hiện bất cứ trục trặc nào về tuyến hoặc hóa chất khác và đảm bảo hợp lý rằng (về cơ bản) vấn đề đó không phải là vấn đề hữu cơ, người ta sẽ huấn đạo với giả định rằng tác phong đó hẳn bắt nguồn từ những khuôn mẫu tội lỗi. Những gì do tội lỗi gây ra có thể được thay đổi; không có sự chắc chắn như vậy nếu bệnh tâm thần phân liệt phần lớn do các yếu tố khác.

(Grm 17:9; Rm 5:20; 1Pr 3:12-16) Con người chịu trách nhiệm phần lớn về tác phong của mình, ngay cả khi nó có bản chất kỳ quặc. Không phải là không thể ra lệnh kiểm soát cảm xúc của người ta. Bằng lời cầu nguyện, người ta có thể thay đổi thái độ và hành động. Một Kitô hữu có thể kiểm soát các chức năng và trạng thái cơ thể của mình theo ý muốn của Thiên Chúa. Người huấn đạo đối phó với bệnh tâm thần phân liệt theo cách tương tự như cách ông đối diện với những người gặp vấn đề khác do lối sống tội lỗi gây ra.

Thay đổi

Thắng vượt ba nhân cách: (1) Bác bỏ, (2) Nổi loạn, (3) Chân ngã.

(Grm 3:12) Những người tâm thần phân liệt cần thời gian để điều chỉnh và không còn đồng tình với những nhân cách ma quỷ giả, từng điểm một. Họ phải trở nên ghê tởm tính cách tâm thần phân liệt và không đồng tình với nó.

(Gcb 1:8; Mt 6:22) Vấn đề cốt lõi của bệnh tâm thần phân liệt là 'sự bác bỏ’ và 'nổi loạn'. Vấn đề này bắt đầu bằng việc ‘bác bỏ’ và thường bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc giai đoạn sơ sinh và đôi khi lúc đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ. Có rất nhiều “cánh cửa” dẫn đến sự bác bỏ, và sự bác bỏ thường là tính cách đầu tiên lộ ra. Một người có thể bị bác bỏ mà không bị tâm thần phân liệt và vẫn có thể lo liệu hình thành một nhân cách lành mạnh và cảm thấy an tâm về bản thân.

Ngược lại, người bệnh tâm thần phân liệt luôn bối rối 'Tôi là ai?'. Bản sắc con người thật bị nhầm lẫn và mất đi.

Bị tước tình yêu

(Lc 6:45; Tv 120:2) Sự bác bỏ mô tả một loại nhân cách rút lui. Đó là một cảm giác bên trong - đó là sự thống khổ bên trong... đó là sự khao khát tình yêu... đó là sự bất an... đó là sự thấp kém... đó là ảo tưởng... đó là hư ảo... tất cả đều ở bên trong.

Tính cách thứ hai xuất hiện là “nổi loạn”. Khi một đứa trẻ không có được những mối quan hệ yêu đương thỏa đáng trong cuộc sống, khi lớn lên nó sẽ không thể cảm nhận và chia sẻ những mối quan hệ yêu đương. Cuộc nổi loạn bắt đầu. Nó bắt đầu đấu tranh vì tình yêu. Hoặc nó đả kích những người đã bỏ đói nó trong phương diện yêu thương.

Sự nổi loạn tự khẳng định nó trong sự bướng bỉnh, cố chấp và ích kỷ như một nhân cách. Hoặc nó bắt đầu trở nên hung hãn, bộc phát một cách giận dữ, cay đắng, oán giận, hận thù và trả thù như một nhân cách khác. Bệnh tâm thần phân liệt theo nghĩa đen nằm dưới hai sức mạnh đối lập này – kháng cự thụ động, rút lui hoặc hung hãn và bạo lực. Họ có thể chuyển từ loại tính cách này sang loại tính cách khác trong chốc lát.

Thực sự có ba nhân cách - con người thật, bác bỏ và tính cách nổi loạn. Cả ba đều có thể được biểu lộ bất cứ lúc nào. Bác bỏ và nổi loạn được thúc đẩy bởi gốc rễ cay đắng. Vì vậy, người ta phải giải quyết ba yếu tố: bác bỏ, nổi loạn và cay đắng.

Bản ngã thật

(2Cr. 5:17; Gl. 2:20) Điểm nhấn trong việc đối phó với bệnh tâm thần phân liệt là tập trung vào con người thật, kéo nó ra, liên hệ bản ngã thật với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phải bắt đầu lớn lên trong con người, phát triển nhân cách đó và biến nó thành điều Người muốn. Sự đồng nhất với ‘bản ngã thật' cần có thời gian. Người đó không biết mình thực sự là ai. Cho đến khi làm được điều đó họ sẽ quay trở lại cái ‘ngã’ giả tạo để làm nơi nương tựa. Họ phải được cai sữa từ từ cho đến khi vết thương bên trong có thể lành lại.

Cách tiếp cận theo Kinh Thánh

(Eph 4:22-24; Rm 12:1-2) Lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là công cụ cơ bản. Gốc rễ của mọi tội lỗi là dục vọng. Và gốc rễ của dục vọng là tư tưởng. Vì vậy, sự thay đổi cơ bản liên quan đến tinh thần hay thái độ của tâm trí. Những suy nghĩ hợp ý Thiên Chúa bắt đầu quá trình chữa lành.

Bản ngã bên trong và bản ngã bên ngoài phải được xử lý, và mục tiêu là để người ta thay đổi sự tập chú của mình từ bản thân sang Thiên Chúa và sang người khác. Phần sau đây cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ rộng lớn và phức tạp của nhân cách tâm thần phân liệt:

• Bị bác bỏ/Nhân cách hướng nội Sợ bị bác bỏ; Ảo tưởng/Sắc dục; Điếm dâm; Sự ngang ngược; Tự bác bỏ; Bất an; mặc cảm tự ti; Lòng trắc ẩn giả tạo; Trách nhiệm giả tạo; Tự buộc tội; Tự tử; Chủ nghĩa duy hoàn hảo; Bất công; thôi thúc xưng thú; Lòng ghen tị; Ghen tỵ; Sợ phán xét; Tự thương hại; Trầm cảm; Tuyệt vọng; Vô vọng; Tội lỗi; hờn dỗi; Kiêu hãnh; Tự phụ; Cái tôi; Không khoan dung; Thất vọng; Thiếu kiên nhẫn; lãnh đạm; Tưởng tượng phong phú.

• Nổi loạn/Nhân cách bạo loạn hướng ngoại; Tự ý; Vị kỷ; phóng chiếu buộc tội; bướng bỉnh; Nghi ngờ; Tự lừa dối; Áp bức; Tự ảo tưởng; Đối đầu; Tự quyến rũ; Không tin tưởng; Kiêu hãnh; Phán xét; Không thể dạy được; Kiểm soát; Tính chiếm hữu.

Thiết lập quy trình không bị giam cầm

(Mt 7:5; Lc 4:18; Ga 14:21; Rm 8:28-29) Hiểu về quá khứ nhưng đừng xử lý với nó. Hãy xử lý với thời điểm hiện tại, nơi con người đang ở thời điểm hiện tại và với thực tại cụ thể. Hãy loại bỏ và thậm chí không thảo luận hoặc đề cập đến bất cứ ảo tưởng/sự bóp méo nào. Mục tiêu là vạch ra con người thật của mình, từng chút một.

(Mt 12:34-37) Con người sống bằng những thái độ bệnh tật và cố thủ, tinh thần suy sụp. Họ bước đi bên cạnh chính mình. Họ là vị thần của chính mình, không ngừng lắng nghe bản thân biến thái của mình để được hướng dẫn và chỉ đạo.

(Lc 11:1-4) Điểm nhấn mạnh hoàn toàn từ điểm này trở đi là liên hệ con người với Đức Chúa Cha. Quá trình chữa bệnh bắt đầu vào thời điểm này. Họ đã tôn thờ một vị thần giả - chính họ. Vì vậy, cho đến khi họ thừa nhận Thiên Chúa là nguồn sống của mình, việc chữa lành không thể bắt đầu. Bước đầu tiên là dạy người ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Chúa bằng cách tuân theo các điều răn của Người: bắt đầu suy nghĩ đúng và làm đúng, thực hành việc sùng kính hàng ngày, xét đoán chính mình chứ không phải người khác, tha thứ cho người khác và hành động được tha thứ, hòa giải với chính mình, với Thiên Chúa và với người khác.

(Lc 9:23-24; Rm 12:1-2; Khải huyền 12:11) Đây là một quá trình lâu dài và bắt đầu bằng việc đổi mới tâm trí. Người ta có thể có vẻ khá hơn nhưng lại rơi trở về con số 0, hết lần này đến lần khác. Đối với người huấn đạo, sự kiên trì là chìa khóa đi đôi với sự dịu dàng, nhân hậu và tốt bụng. Tình yêu của Thiên Chúa qua người huấn đạo chạm tới người ta. Do đó, Thánh Thần của Thiên Chúa đang được biểu lộ trong hoàn cảnh này.

(Ga 16:8-13) Trách nhiệm của chúng ta trong việc đối phó với những nhân cách bị xáo trộn và tổn hại nghiêm trọng là trình bày và đối diện với sự thật, an ủi và khuyên nhủ. Chúng ta không chịu trách nhiệm về kết quả. Bằng đức tin, chúng ta phải tin vào lời khôn ngoan của Thiên Chúa rằng Thiên Chúa sẽ làm những gì lời Người phán Người sẽ làm. Chúa Thánh Thần chịu trách nhiệm thay đổi cá nhân và mang lại kết quả cuối cùng.

Tham khảo: [1][Adams1]; [10][Hammond1]

Còn tiếp