TẠI SAO HỌC LỊCH SỬ HỘI THÁNH Công Giáo?

Trong nhiều chương trình đào tạo trong Giáo Hội, có môn học Lịch Sử Hội Thánh Công Giáo, còn gọi là Giáo Sử, như một phần tất yếu.

Các tu sĩ và chủng sinh hẳn là ý thức được tầm quan trọng của môn học. Thế nhưng khi giáo dân, chẳng hạn giáo lý viên, bắt đầu môn học này, một số người đặt câu hỏi “Học Lịch Sử Hội Thánh để làm gì?”.

Trước hết, học Lịch sử Hội Thánh là để hiểu được công trình kỳ diệu của Thiên Chúa trong các chặng đường của cuộc sống nhân loại. Giáo Hội là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa trong dòng lịch sử ấy, và sự hiện diện quan phòng của Ngài cho con người thấy rõ Ngài yêu họ biết bao.

Mầu nhiệm Hội Thánh trình bày cho chúng ta Hội Thánh là Nhiệm thể và là Hiền thê của Đức Kitô, được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Rồi khi nhìn vào chiều dài lịch sử với bao thăng trầm của Hội Thánh, chúng ta thấy rõ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa luôn dịu dàng đặt trên Hội Thánh, và chính Tình Yêu lạ lùng ấy đã làm cho bao tâm hồn tín hữu qua mọi giai đoạn lịch sử, hăng say sống đức Tin và loan báo công trình kỳ diệu của Chúa giữa chư dân.

Học Lịch sử Giáo Hội là để tin tưởng và yêu mến Giáo Hội hơn. Giáo Hội là mẹ chúng ta, và khi sống trong lòng Mẹ Giáo Hội đầy yêu thương, chúng ta sẽ càng yêu mến Mẹ, phụng sự Mẹ đắc lực khi chúng ta hiểu về Mẹ rõ ràng.

Người Công Giáo luôn vững tin vào Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Tông Đồ Trưởng Phêrô: “Con là Đá, trên Tảng Đá này Thầy xây Hội Thánh của Thầy, cho dù quyền lực hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt. 16,18).

Thật cảm động và đầy hy vọng khi chúng ta nghe Lời hứa long trọng ấy. Nhưng chúng ta sẽ vững tin hơn khi cùng với Hội Thánh đi lại con đường hai ngàn năm qua. Con đường ấy đi qua những vinh quang rực rỡ và phát triển về mọi mặt, và con đường ấy cũng có những khúc quanh nguy hiểm cũng như đi qua “thung lũng tối tăm hiểm nguy”, nhưng luôn giúp Hội Thánh hoàn tất mỗi ngày sứ mạng mà Thiên Chúa trao phó.

Và dĩ nhiên học Lịch sử Giáo Hội là để thấy rõ ràng Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa với sự đóng góp của con người tội lỗi bất toàn. Như thế, chúng ta yêu mến Giáo Hội và hiểu rõ, cảm thông những thiếu sót của những thành phần trong Giáo Hội nếu thỉnh thoảng ta gặp đây đó. Với lòng cảm thông và yêu mến, chúng ta cầu nguyện cho mọi chi thể của Thân mình Mầu nhiệm Đức Kitô.

Đi qua con đường lịch sử ấy, không ai còn có thể tự cao cho rằng mình là người hoàn hảo, và cũng không ai thất vọng vì mình bất xứng hay thất vọng vì sự hữu hạn của anh em cũng như của chính mình, bởi vì trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa ra tay đầy yêu thương và quyền năng.

Như thế, môn học Lịch sử Hội Thánh không nhằm trình bày những biến cố và những sự kiện trần thế, dù những điều ấy có ảnh hưởng đến sự phát triển của Giáo Hội. Học Lịch sử Giáo Hội là nhìn vào sự phát triển của Giáo Hội qua từng thời kỳ với những nỗ lực của con người, những thành tựu và cả những thiếu sót, để thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa đối với công trình của Ngài.

Học Lịch sử Hội Thánh còn là để sống Đạo nhiệt thành hơn. Trong lời giới thiệu tác phẩm Lịch sử Giáo Hội Công Giáo của Linh mục Vinh sơn Bùi Đức Sinh OP, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn OP viết: “Lịch sử là ông Thầy dạy khôn”. Hiểu biết quá khứ, chúng ta tin vào tương lai của Hội Thánh hơn và sẽ ra sức hoàn tất sứ mạng của mình giữa lòng Hội Thánh một cách tích cực nhất.

Dĩ nhiên làm sao có thể nói hết trong học kỳ về một lịch sử phong phú của Hội Thánh, cho nên chúng ta chỉ trình bày sơ lược những nét chính yếu mà thôi. Xin Chúa cho chúng ta đón nhận môn Lịch sử Giáo Hội với tâm tình con thảo muốn tìm hiểu đề biết thêm về lịch sử phong phú và đầy hồng phúc của Giáo Hội là Mẹ của mình.

Và như Alan Schreck, giáo sư thần học của Ðại Học Steubenville thuộc dòng Phanxicô tác giả cuốn “Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, “chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã chọn chúng ta làm dân của Người và vẫn tiếp tục chúc phúc và kiên cường Giáo Hội chúng ta qua Thần Khí của Người”.

Gioan Lê Quang Vinh, Giáo lý viên