Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa - Năm A
Gioan Tẩy Giả có sứ mạng đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Vì thế, Ngài còn được gọi là Gioan Tiền Hô. Chính Ngài tự nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng." (x. Mc 1, 3). Ngài loan báo về Đấng Cứu Thế sắp đến. Ngài làm phép rửa thống hối để chuẩn bị tâm hồn của người dân. Đây là phép rửa chỉ có tính cách tượng trưng, mời gọi mọi người ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Chính Thánh nhân đã khẳng định điều đó khi nói rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước để anh em được sám hối. Nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, Ngài quyền phép hơn tôi, chính Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và bằng lửa”(x. Mt 3,11). Và trên dòng sông Giođan, không những có mọi thành phần trong xã hội đến xin lãnh nhận phép rửa thống hối, mà hôm nay Đức Giêsu cũng đến xin Gioan làm phép rửa.
Tại sao Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng vô tội lại đến xin Gioan làm phép rửa? Đây là thái độ khiêm nhường thẳm sâu của Đức Giêsu. Đồng thời, Ngài muốn nhân cơ hội này để tự đồng hóa mình với những người tội lỗi mà Ngài sẽ cứu chuộc. Nghĩa là Ngài muốn mang lấy tội lỗi của nhân loại để xua đuổi chính tội lỗi ấy. Mặt khác, đây là việc làm hết sức quan trọng và đẹp lòng Chúa Cha. Bằng chứng cho thấy rằng, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa: có Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Đức Giêsu; có tiếng Chúa Cha từ trời phán rằng: “Này là con Ta yêu dấu, con đẹp lòng ta mọi đàng.” (Mt 3,17).
Như vậy, qua phép rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu đã được Chúa Cha tôn phong và nhận làm con yêu dấu của Ngài. Từ đó, Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc sống công khai để thực thi sứ mạng chính yếu của mình, đúng như đoạn sách Công vụ Tông đồ trong bài II, cho biết: “Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người." (Cv 10,36-38). Trước đó, tiên tri Isaia cũng đã loan báo sứ mệnh của Đức Giêsu mà Tin mừng Thánh Luca nhắc lại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (x. Lc 4, 18-19).
Đó là sứ mệnh của Đức Giêsu sau khi lãnh nhận phép rửa. Còn đối với mỗi người chúng ta? Bí tích Rửa Tội là điều kiện cần thiết để chúng ta lãnh nhận các Bí tích khác. Vì vậy, người không lãnh nhận Bí tích Rửa Tội thì không có khả năng để lãnh nhận bất cứ Bí tích nào của Giáo Hội. Đồng thời, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được làm Con Thiên Chúa, được trở nên thành phần của Giáo Hội, được thừa hưởng hạnh phúc nước trời. Chính Thánh Phaolô đã nói rằng: “Khi chịu phép rửa, anh chị em đã được mai táng cùng với Đức Giêsu trong phép rửa, và anh chị em cũng sẽ được sống lại cùng với Chúa Kitô… Trước kia anh chị em đã chết về mặt thiêng liêng vì tội lỗi của anh chị em… Nhưng giờ đây, Thiên Chúa đã đưa anh chị em đến nguồn sống cùng với Chúa Kitô”(x. Cl 2,12-13). Bí tích rửa tội là cửa ngõ để dẫn chúng ta vào Nước Trời. Chính Đức Giêsu đã nói điều đó với Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”(x. Ga 3,3). Ngài khẳng định thêm: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”(x. Ga 3,5).
Nhưng quyền lợi luôn đi liền với trách nhiệm. Trách nhiệm phải chu toàn sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế mà Bí tích Rửa tội đòi hỏi. Nghĩa là chúng ta phải sống làm sao để xứng danh là “Con Yêu Dấu của Chúa.” Để xứng danh là con yêu dấu của Chúa cần phải từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những quyến rũ bất chính và từ bỏ ma quỷ là kẻ cầm đầu tội lỗi. Mặt khác, phải luôn tuyên xưng những gì Giáo Hội mời gọi tuyên xưng trong kinh Tin Kính: Đó là tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng đấng tạo thành trời đất; tin kính Đức Giêsu Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Ðức Chúa Cha; tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống vĩnh cửu.
Thánh Phaolô đã nói: "Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn được cứu chuộc" (x. Rm 10,10). Cho nên, việc tuyên xưng trên môi miệng luôn cần thiết cho ơn cứu độ. Thế nhưng, việc thực hành niềm tin đó trong cuộc sống cần thiết hơn, như Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.”(x. Gc 2,26). Vì vậy, người kitô hữu cần có một đời sống đạo tương ứng với niềm tin của mình. Đồng thời, người kitô có trách nhiệm ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân để mọi người nhờ họ mà được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Cho nên, người kitô hữu luôn nhớ và thực hành lời Đức Giêsu mời gọi: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (x. Mt 28,18-20) .
Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu vô tội nhưng vì muốn nhận lấy tội lỗi của nhân loại để tha thứ nên Chúa đã khiêm nhường để Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Xin cho mọi người chúng con luôn biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình để được Chúa thứ tha. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Gioan Tẩy Giả có sứ mạng đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Vì thế, Ngài còn được gọi là Gioan Tiền Hô. Chính Ngài tự nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng." (x. Mc 1, 3). Ngài loan báo về Đấng Cứu Thế sắp đến. Ngài làm phép rửa thống hối để chuẩn bị tâm hồn của người dân. Đây là phép rửa chỉ có tính cách tượng trưng, mời gọi mọi người ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Chính Thánh nhân đã khẳng định điều đó khi nói rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước để anh em được sám hối. Nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, Ngài quyền phép hơn tôi, chính Ngài sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và bằng lửa”(x. Mt 3,11). Và trên dòng sông Giođan, không những có mọi thành phần trong xã hội đến xin lãnh nhận phép rửa thống hối, mà hôm nay Đức Giêsu cũng đến xin Gioan làm phép rửa.
Tại sao Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng vô tội lại đến xin Gioan làm phép rửa? Đây là thái độ khiêm nhường thẳm sâu của Đức Giêsu. Đồng thời, Ngài muốn nhân cơ hội này để tự đồng hóa mình với những người tội lỗi mà Ngài sẽ cứu chuộc. Nghĩa là Ngài muốn mang lấy tội lỗi của nhân loại để xua đuổi chính tội lỗi ấy. Mặt khác, đây là việc làm hết sức quan trọng và đẹp lòng Chúa Cha. Bằng chứng cho thấy rằng, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa: có Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Đức Giêsu; có tiếng Chúa Cha từ trời phán rằng: “Này là con Ta yêu dấu, con đẹp lòng ta mọi đàng.” (Mt 3,17).
Như vậy, qua phép rửa tại sông Giođan, Đức Giêsu đã được Chúa Cha tôn phong và nhận làm con yêu dấu của Ngài. Từ đó, Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc sống công khai để thực thi sứ mạng chính yếu của mình, đúng như đoạn sách Công vụ Tông đồ trong bài II, cho biết: “Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người." (Cv 10,36-38). Trước đó, tiên tri Isaia cũng đã loan báo sứ mệnh của Đức Giêsu mà Tin mừng Thánh Luca nhắc lại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (x. Lc 4, 18-19).
Đó là sứ mệnh của Đức Giêsu sau khi lãnh nhận phép rửa. Còn đối với mỗi người chúng ta? Bí tích Rửa Tội là điều kiện cần thiết để chúng ta lãnh nhận các Bí tích khác. Vì vậy, người không lãnh nhận Bí tích Rửa Tội thì không có khả năng để lãnh nhận bất cứ Bí tích nào của Giáo Hội. Đồng thời, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được làm Con Thiên Chúa, được trở nên thành phần của Giáo Hội, được thừa hưởng hạnh phúc nước trời. Chính Thánh Phaolô đã nói rằng: “Khi chịu phép rửa, anh chị em đã được mai táng cùng với Đức Giêsu trong phép rửa, và anh chị em cũng sẽ được sống lại cùng với Chúa Kitô… Trước kia anh chị em đã chết về mặt thiêng liêng vì tội lỗi của anh chị em… Nhưng giờ đây, Thiên Chúa đã đưa anh chị em đến nguồn sống cùng với Chúa Kitô”(x. Cl 2,12-13). Bí tích rửa tội là cửa ngõ để dẫn chúng ta vào Nước Trời. Chính Đức Giêsu đã nói điều đó với Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”(x. Ga 3,3). Ngài khẳng định thêm: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”(x. Ga 3,5).
Nhưng quyền lợi luôn đi liền với trách nhiệm. Trách nhiệm phải chu toàn sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế mà Bí tích Rửa tội đòi hỏi. Nghĩa là chúng ta phải sống làm sao để xứng danh là “Con Yêu Dấu của Chúa.” Để xứng danh là con yêu dấu của Chúa cần phải từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những quyến rũ bất chính và từ bỏ ma quỷ là kẻ cầm đầu tội lỗi. Mặt khác, phải luôn tuyên xưng những gì Giáo Hội mời gọi tuyên xưng trong kinh Tin Kính: Đó là tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng đấng tạo thành trời đất; tin kính Đức Giêsu Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Ðức Chúa Cha; tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống vĩnh cửu.
Thánh Phaolô đã nói: "Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn được cứu chuộc" (x. Rm 10,10). Cho nên, việc tuyên xưng trên môi miệng luôn cần thiết cho ơn cứu độ. Thế nhưng, việc thực hành niềm tin đó trong cuộc sống cần thiết hơn, như Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết.”(x. Gc 2,26). Vì vậy, người kitô hữu cần có một đời sống đạo tương ứng với niềm tin của mình. Đồng thời, người kitô có trách nhiệm ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân để mọi người nhờ họ mà được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Cho nên, người kitô hữu luôn nhớ và thực hành lời Đức Giêsu mời gọi: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ” (x. Mt 28,18-20) .
Lạy Chúa Giêsu, mặc dầu vô tội nhưng vì muốn nhận lấy tội lỗi của nhân loại để tha thứ nên Chúa đã khiêm nhường để Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Xin cho mọi người chúng con luôn biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình để được Chúa thứ tha. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành