Trong bản tin đánh đi hôm 9 tháng Ba, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết:

Các phương tiện truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ đã rất chú ý đến chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới nước láng giềng Iraq. Các bài bình luận và phân tích rất khác nhau đã được đưa ra. Ngoài các báo cáo về sự đóng góp có thể có của chuyến công du của Đức Giáo Hoàng đối với các tiến trình bình định khu vực, cũng có các đánh giá và các bài báo chỉ trích phản ánh các định kiến về bản chất của Giáo Hội Công Giáo và vai trò của Tòa thánh trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực.

Hôm 8 tháng 3, một tờ báo ủng hộ chính phủ tên là “Yeni Safak” đã đặt câu hỏi về vai trò của Vatican trong việc dự phần vào các cuộc khủng hoảng và xung đột ở Trung Đông. Tòa thánh bị buộc tội “thụ động trước các vấn đề nhạy cảm” như việc Israel chiếm đóng Palestine hoặc chỉ giới hạn trong việc “kêu gọi cầu nguyện” trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng bị chỉ trích, vì quốc gia này “tham gia vào các cuộc xung đột ở nhiều khu vực của Trung Đông, từ Somalia đến Yemen, từ Syria đến Libya”.

Fides không thể không nhắc đến rằng trong nhiều thảm kịch xung đột trong vùng này có sự tham gia quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như Đức Bênêđíctô XVI, Đức Gioan Phaolô II và Đức Phaolô VI đến thăm.

Vào ngày 8 tháng 3, tờ Hurriyet đăng một bài bình luận về chuyến thăm Iraq của Đức Giáo Hoàng, trong đó tác giả tự hỏi, “Giáo hoàng đã ở đâu khi xảy ra các vụ thảm sát ở Iraq, khi máy bay Mỹ ném bom xuống Baghdad, và trong khi Iraq bị san bằng dưới chiêu bài ‘mang lại dân chủ cho họ’?”

Giáo sư Ozcan Gongur, của Đại học Ankara, trong một bài báo có tựa đề “Âm mưu trong chuyến thăm Iraq của Giáo hoàng”, đề cập đến “các mục tiêu và kết quả” của chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng bao gồm tám điểm, đầu tiên là khẳng định sự ủng hộ đối với các tín hữu Kitô. Đó là ưu tiên hàng đầu với mục đích “Kitô hóa những vùng này”.

Ngay cả chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Đại Giáo Trưởng Ali al Sistani cũng bị bài bình luận này giản lược thành một chiến thuật đơn thuần nhằm “thủ lợi” cho các mưu toan của Vatican bằng cách gia tăng xung đột nội bộ giữa người Shiite /si-ai/ với nhau.

Bài bình luận cũng vu cáo Đức Giáo Hoàng là thiếu nhạy cảm trước những đau khổ của các cộng đồng Hồi giáo ở Trung Đông. Một bài báo khác được xuất bản bởi Hurryiet vào ngày 7 tháng 3 coi chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là nhằm mục đích tăng cường đối thoại với Hồi giáo và hỗ trợ các cộng đồng Kitô Giáo là nằm trong nỗ lực tăng cường “sự hiện diện của Công Giáo” trong khu vực; vì theo tờ báo này Vatican đang lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Mạc Tư Khoa và Giáo Hội Chính thống Nga.

Fides cũng nhắc lại rằng: Trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, Lütfullah Göktaş, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Tòa thánh, đã ca ngợi những đóng góp tích cực có thể có của chuyến tông du tới Iraq “cho sự ổn định của khu vực” trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải bởi các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và cũng giới thiệu Thổ Nhĩ Kỳ là “một quốc gia luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định trong khu vực vào bất cứ dịp thuận tiện nào”.
Source:Fides