1. Công an Trung Quốc đột kích các nhà thờ tại gia

Tổ chức nhân quyền International Christian Concern, gọi tắt là ICC, báo cáo rằng bọn cầm quyền Trung Quốc đã đột kích vào một số nhà thờ tư gia trên khắp đất nước và bắt giữ một số nhà lãnh đạo tôn giáo trong tuần qua.

Báo cáo cho biết trong số những người bị bắt vào ngày 17 tháng 8 có Mục sư Liên Trang Niên (Lian Chang-Nian, 连长年) và vợ ông là bà Quách Cửu Cúc (Guo Jiuju, 郭九菊)con trai ông là Mục sư Liên Húc Lương (Lian Xuliang, 梁旭良) và con dâu là Trương Quân (Zhang Jun, 张军) cùng với con trai 9 tuổi của họ.

Cũng bị bắt giữ còn có nhà truyền giáo Hình Phu Quyên (Xing Fu Juan, 邢傅娟) và em gái là nữ tu Hình Ái Biền (Xing Aiping, 邢爱平) từ Nhà thờ Tây An.

Các nhà chức trách buộc tội các thành viên nhà thờ “tụ tập bất hợp pháp”, trong một “địa điểm bất hợp pháp” và “thu tiền bất hợp pháp.”

Một thành viên nhà thờ chứng kiến vụ bắt giữ nói với ICC rằng Mục sư Liên Húc Lương bị đánh bể đầu máu me lai láng và bị thương ở cánh tay.

Bản báo cáo cho biết vợ của mục sư Liên Húc Lương, và nữ tu Hình Ái Biền sau đó đã được thả, nhưng Mục sư Liên Trang Niên và nhà truyền giáo Hình Phu Quyên được báo cáo là mất tích.

Vào ngày 19 tháng 8, một cuộc tập hợp gồm ít nhất 70 thành viên của Nhà thờ Giao Ước Mưa Sớm Mai ở tỉnh Sơn Tây cũng bị đột kích.

Vào ngày 21 tháng 8, nhà thờ Ánh Sáng ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị cảnh sát đột kích trong buổi thờ phượng bình thường vào ngày Chúa Nhật.

Bọn cầm quyền được tường trình đã bắt giữ Mục sư Trương Dũng (Zhang Yong, 张勇) và hai giáo dân.

Các Kitô hữu bị giam giữ sau đó đã được thả vào ngày 22 tháng 8 nhưng được yêu cầu báo cáo lại với cảnh sát vào cuối tuần này.

Các cuộc đột kích diễn ra một tuần sau khi các thành viên của Nhà thờ Giao Ước Mưa Sớm Mai có trụ sở tại Thành Đô và Bắc Kinh bị bắt trong một buổi lễ vào Chúa Nhật.

Nhận định về các cuộc bắt bớ này, Giám Mục Giuse Lý Sơn, vừa được bầu làm chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc nói: “Các giới hữu trách Công Giáo cần phải phục tùng chế độ; người ta phải lắng nghe đảng.”

Gina Goh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICC, cho biết chính phủ Trung Quốc “lo sợ về nhiều thứ; đặc biệt họ lo sợ những người có niềm tin tôn giáo.”

“ Họ muốn bảo đảm công dân Trung Quốc trung thành với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và không có gì khác,” cô nói và nói thêm rằng nó được chuyển dịch thành đàn áp Giáo Hội, “trại cải tạo” cho người Duy Ngô Nhĩ, và phá dỡ các bức tượng Phật giáo, cũng như bổ nhiệm các giáo sĩ thờ hai ba chủ.
Source:Licas

2. Ủy ban Công lý và Hòa bình của các giám mục tại Thánh địa kêu gọi Israel tôn trọng quyền của dân Palestine có nước dùng.

Trong thông cáo công bố hôm 18 tháng Tám vừa qua, Ủy ban Công lý Hòa bình tố giác rằng trong khi người Israel được nước dùng 24 trên 24 tiếng đồng hồ, thì người Palestine phải đương đầu với tình trạng thiếu nước, nhất là trong những tháng mùa hè.

Israel kiểm soát ngặt nghèo các nguồn nước ở Palestine và không thăng tiến và bảo trì các cơ cấu hạ tầng về việc cung cấp nước. Tình trạng này đưa tới sự thiếu nước, suy giảm chất lượng nước dùng cho người Palestine. Hàng chục cộng đoàn bị nhà cầm quyền Israel cấm cản, không được nối với các hệ thống cung cấp nước, và những người làm nghề nông bị thương tổn nặng nề. Họ buộc lòng phải mua nước của tư nhân với giá cao. Vì nhiều nông dân không thể mua được nên họ phải từ bỏ đất canh tác.

Ủy ban Giám mục Công lý và Hòa bình tố cáo Israel cổ võ chính sách định cư của người Israel trên lãnh thổ của Palestine bằng cách coi rẻ quyền của dân Palestine tại các lãnh thổ này được nước dùng đầy đủ và trong lành. Đất canh tác bị bỏ hoang vì thiếu nước, và do đó có thể bị Israel trưng thu. Ngoài ra, quân đội và những người Israel định cư trên đất Palestine phá hủy các bồn chứa nước, khiến cho dân chúng Palestine phải di tản, nhất là đi ra khỏi những vùng mà Israel muốn định cư sau đó.

Thông cáo của các giám mục nói rằng: Israel cần đáp ứng nhu cầu cơ bản về nước và để cho dân cư Palestine thiết lập các bồn chứa nước và sửa chữa những bồn chứa đã bị phá hủy để hứng và chứa nước mưa và nước đã mua”.

3. Sau 465 năm, tổng giáo phận Goa của Ấn Độ có vị Hồng Y đầu tiên

Đức Tổng Giám Mục Filipe Neri António Sebastião do Rosário Ferrão là tổng giám mục đầu tiên trong lịch sử của tổng giáo phận Goa và Daman được nâng lên hàng Hồng Y. Việc đề cử này càng có ý nghĩa hơn vì tổng giáo phận Goa, được thành lập vào năm 1557, là ngôi nhà mà từ đó đức tin Kitô đã lan tỏa ở Ấn Độ và rộng rãi hơn trên lục địa Á Châu.

Chính tại Goa, một tiểu bang trên bờ biển phía tây nam của Ấn Độ trên biển Ả Rập, nhà truyền giáo Dòng Tên là Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 và qua đời năm 1552 đã lên đường xuống tàu và tại đó, hài cốt của nhà truyền giáo vĩ đại của Ấn Độ và Nhật Bản này nằm lại trong Vương cung thánh đường Bom Jesus. Hôm nay, 465 năm sau khi giáo phận được thành lập dưới thời thuộc địa của Bồ Đào Nha, Goa sẽ kỷ niệm “Hoàng tử của Giáo hội” đầu tiên của tổng giáo phận. “Đó chắc chắn là một tin tuyệt vời vì Tổng Giáo phận của chúng tôi là một trong những nơi lâu đời nhất ở miền Đông,” cha Aleixo Menezes, hiệu trưởng của Chủng viện Rachol của tổng giáo phận, nói với Catholic Herald.

Đối với nhà viết kịch Công Giáo người Ấn Độ Agnelo Fernandes, được phỏng vấn bởi cùng hãng tin Catholic Herald., vị Hồng Y tương lai “được biết đến và rất dễ tiếp cận với dân Chúa”. Vị Tân Hồng Y, người được tiếng là kín đáo, đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về việc được tấn phong Hồng Y

Đức Tổng Giám Mục Filipe Neri António Sebastião do Rosário Ferrão, 69 tuổi, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1953 tại Aldona, thuộc Tổng giáo phận Goa. Sau khi học thần học, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 28 tháng 10 năm 1979, ở tuổi 26. Sau đó, ngài theo học về thần học Kinh thánh tại Đại học Urbanô của Rôma, và dạy giáo lý và mục vụ tại Trung tâm Quốc tế Lumen Vitae của Đại học Công Giáo Louvain, Bỉ.

Ngày 20 tháng 12 năm 1993, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá của Goa và Daman. Ngài được tấn phong giám mục vào ngày 10 tháng 4 năm 1994 tại giáo phận quê hương, chọn phương châm giám mục của mình là “Xin cho họ nên một” (Giăng 17:21). Ở cấp độ Hội đồng Giám mục Ấn Độ về Nghi thức Latinh, ngài đã làm chủ tịch Ủy ban Giáo dân và tham gia vào các vấn đề công lý và phát triển. Ngài cũng là thành viên của nhóm phụ trách chuyến viếng thăm tông tòa do Tòa Thánh yêu cầu tới các chủng viện và học viện đào tạo ở Ấn Độ trong hai năm 1998 và 1999.

Vào ngày 25 tháng 11 năm 2006, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Tổng giám mục Goa và Daman, qua đó nhận được tước hiệu danh dự truyền thống là “Thượng phụ Đông Ấn” và Giáo chủ của Ấn Độ.

Đức Cha Filipe Neri Ferrão nói tiếng Konkani, là ngôn ngữ của hơn 2 triệu người ở bờ biển phía tây của bán đảo Ấn Độ, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Đức.

Tại một đất nước có trên 80% dân theo Ấn Giáo, Đức Cha Filipe Neri Ferrão là mục tử của một trong số ít các ốc đảo của Công Giáo. Một phần tư số người ở Goa được rửa tội. Trong những năm qua, vị giám mục đã tạo nên tên tuổi của mình trong một số trường hợp bằng cách tố cáo sự tham nhũng của các chính trị gia và bằng cách đưa ra hướng dẫn bỏ phiếu cho các công dân Công Giáo.
Source:Aleteia