Lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Ma-ri-a 08-09-2023
Sinh nhật của Đức Ma-ri-a vượt hẳn cả sinh nhật của thánh Gio-an Tẩy giả. Cuộc đản sinh của Đức Ma-ri-a loan báo cuộc Giáng sinh của Chúa Giê-su, là khúc dạo đầu của Tin Mừng. Một người con gái ra đời trong gia đình bà An-na và ông Gio-a-kim đã làm cho “niềm hy vọng và bình minh ơn cứu độ mọc lên chiếu soi thế giới”.
1- Lời dạy của Kinh Thánh
Nhân lễ sinh nhật của Mẹ Ma-ri-a hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại gia phả và gốc tích của Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (Mt 1,1-16.18-23).
Việc Mát-thêu được linh ứng để viết ra bản gia phả này và việc đọc lại gia phả ấy trong phụng vụ hôm nay thật mang nhiều ý nghĩa.
Có hai cái tên đặc biệt nổi bật trong gia phả: Áp-ra-ham và Đa-vít. Đối với Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Ít-ra-en, lời hứa ban đầu liên quan đến con cháu ông, nhưng cũng kéo dài xa hơn nữa: “Mọi dân tộc trên trái đất sẽ nhờ ông mà được phúc lành” (St 18,18). Như thế, toàn bộ lịch sử bắt đầu với Áp-ra-ham và dẫn tới Đức Giê-su, để rồi mở ra theo hướng phổ quát: qua Áp-ra-ham, lời chúc lành đến với tất cả nhân loại. Phần Đa-vít, khuôn mặt tiêu biểu của dân Chúa chọn, đó là ông vua được hứa ban cho một vương quốc vĩnh cửu: “Ngai vàng của ngươi sẽ mãi mãi vững bền” (2Sm 7,16). Trong Chúa Giê-su, lời hứa đi đến hoàn tất. Toàn bộ lịch sử đều hướng tới Người, mà ngai vàng sẽ vĩnh viễn tồn tại.
Gia phả của Mát-thêu vạch con đường của phái nam, nhưng trong tiến trình của nó, trước khi Đức Ma-ri-a xuất hiện ở phần cuối, thì bốn phụ nữ được nêu danh: Ta-ma, Ra-kháp, Rút và vợ ông U-ri-gia (Bát Sê-va). Trừ Rút, ba bà kia đều là những tội nhân nổi tiếng. Việc chèn họ vào đây cho thấy Chúa Giê-su đã mang trên mình tội lỗi của họ -và cùng với họ là tội lỗi của thế gian- nên sứ vụ của Người là công chính hóa các kẻ tội lỗi. Ngoài ra, chẳng ai trong 4 bà ấy có gốc Do-thái. Như thế, qua họ, thế giới của Dân ngoại đi vào gia phả của Chúa Giê-su. Sứ vụ của Người cho dân Do-thái và Dân ngoại được nêu hết sức rõ ràng.
Nhưng quan trọng hơn cả là sự kiện gia phả chấm dứt với một người nữ: Đức Ma-ri-a, vốn thực sự đánh dấu một khởi đầu mới. Xuyên qua các thế hệ, chúng ta đọc thấy công thức: “Áp-ra-ham sinh I-xa-ác, I-xa-ác sinh Gia-cóp…”. Song ở đoạn cuối, có một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Trong trường hợp Đức Giê-su, chẳng có nói ai là cha. Thay vào đó chúng ta đọc thấy: “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” (Mt 1,16). Nơi trình thuật nói về gốc tích Đức Giê-su tiếp liền sau đó (x. Mt 1,18-22), Mát-thêu bảo rằng Giu-se không phải là cha Đức Giê-su và ông, trong đức công chính hoàn hảo, lại muốn lìa bỏ Ma-ri-a chẳng phải vì nghi ngờ bà ngoại tình nhưng vì bà nay trở thành sở hữu, vật thánh của Thiên Chúa, bởi lẽ “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Như thế, Đức Ma-ri-a là một khởi đầu mới, vì Con của bà không xuất phát tự một người đàn ông nào cả, nhưng là từ Thiên Chúa thôi.
2- Diễn giải của thần học
Đấy là “gia phả của đức tin và ân sủng”. Đấy là lịch sử của tình yêu và lòng thương xót vượt thắng bất trung và tội lỗi. Gia phả ấy, lịch sử ấy có một khúc quanh đặc biệt với sự xuất hiện của Đức Ma-ri-a, người mẹ đồng trinh, và một khúc quanh còn đặc biệt hơn nữa với sự ra đời của Đức Giêsu, Con yêu của Thiên Chúa và của nhân loại.
Hôm nay là lễ sinh nhật Đức Mẹ, chín tháng sau lễ Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ (08-12). Đây là một truyền thống có từ thế kỷ thứ 2 Công nguyên, và thành lễ chính thức từ thế kỷ thứ 6, chủ yếu dựa trên ngoại thư “Tiền Tin Mừng theo thánh Gia-cô-bê” (tên song thân của Đức Mẹ cũng xuất phát từ tài liệu này). Giáo hội mừng Mẹ trước hết vì Người đã được bà An-na cưu mang và sinh hạ trong tình trạng vô nhiễm nguyên tội, đặc ân có một không hai, vô tiền khoáng hậu, hệ quả đầu tiên của ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Thứ đến, quan trọng hơn, vì cuộc đản sinh của Mẹ loan báo và chuẩn bị cho cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc loài người và là Đấng khai mào một nhân loại mới.
Thiên Chúa đã viết thẳng trên những đường cong của lịch sử. Người đã không bỏ rơi một nhân loại phản bội lại mình, chẳng làm ngơ trước đau khổ và tội lỗi của thế nhân. Thiên Chúa đã hành xử thật tốt đẹp với loài thụ tạo có lý trí. Chính vì một lịch sử, một thế giới tội lỗi mà Mẹ Ma-ri-a đã sinh ra để rồi cưu mang Chúa Giêsu Đấng cứu độ nhân loài và cả vũ trụ.
Mẹ Ma-ri-a đã làm loé lên niềm hy vọng cho một trần gian đang tuyệt vọng vì lầm lỗi. Mẹ đã điểm tô lại một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ làm hoen ố vì tội phản nghịch cùng Thiên Chúa. Mẹ đã điều chỉnh lại một lịch sử đã bị ông bà nguyên tổ bẻ hướng vì toan tính mở lối riêng cho mình. Nhân loại đã đắm chìm trong sự chết kể từ vườn Địa đàng, nhưng từ Mẹ trở đi, và nhờ Người Con của Mẹ, sự sống đã được khôi phục, sự sống viên mãn, sự sống đời đời, sự sống của Đấng Đời Đời.
Hôm nay, kỷ niệm sinh nhật Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, toàn thể nhân loại hân hoan vui mừng, vì ngày sinh của Mẹ có liên quan trực tiếp đến biến cố Ngôi Lời nhập thế và nhập thể. “Hôm nay thánh điện của Đấng tạo thành muôn vật đã được xây lên, và một thụ tạo, vì một lý do mới mẻ và thích đáng, đã được chuẩn bị làm nơi cư trú mới cho Đấng Hoá Công” (thánh An-rê Crê-ta). Ngày Mẹ chào đời đánh dấu sự nối kết giữa Tân Ước và Cựu Ước, chấm dứt thời kỳ chờ đợi và những lời hứa, khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ ân sủng và ơn cứu độ trong Đức Kitô. Mẹ thật xứng là “Đức Bà làm cho chúng con vui mừng” như Kinh cầu Đức Bà xưng tụng. Vì thế trong ngày Đức Ma-ri-a chào đời, Giáo Hội đã kêu lên: “Lạy Trinh Nữ, Đức Mẹ Chúa Trời ! Ngày sinh của Mẹ đem Tin Mừng cho cả trần gian, vì Đức Kitô, Chúa chúng con là Mặt trời soi đường ngay nẻo chính đã, từ cung lòng Mẹ sinh ra. Người là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh”. (Đáp ca Thánh ca Tin Mừng, Kinh sáng).
Thánh Au-gút-ti-nô đã mô tả sự ra đời của Đức Trinh Nữ Maria là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử và vũ trụ, và là khúc dạo đầu thích hợp cho sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. Người nói: “Mẹ là bông hoa trong cánh đồng, từ đó đã nở ra một cành huệ quý giá trong thung lũng”.
Thánh Gio-an Đa-mát cũng đã dâng lời ca tụng: “Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới ! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới !”
Vậy chúng ta hãy nâng tâm hồn lên để ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa vì công trình tuyệt diệu và ân huệ lớn lao của Người nơi Mẹ và dâng lên Mẹ lời mừng chúc:
Mẹ sinh ra giữa ngàn hoa hương ngát,
Với màu sắc lộng lẫy đẹp đất trời.
Mẹ rạng ngời trong hào quang rực rỡ.
Cùng thần thánh, con mừng Mẹ không ngơi.
(Tgp Huế)