ĐỪNG QUÁ KHẮT KHE
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”.
“Bạn hãy sống làm sao cho đến khi chết, cả người gánh đám cũng thương tiếc!” - Mark Twain.
Kính thưa Anh Chị em,
Câu nói của Mark Twain xem ra nghịch với những gì xảy ra trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Băng qua đồng lúa, các môn đệ bứt bông lúa mà ăn. Vậy mà những người biệt phái lại bắt bẻ. Trình thuật này khiến chúng ta nghĩ đến một mối nguy thiêng liêng; đó là sự quá cẩn trọng. Lời Chúa dạy bạn và tôi ‘đừng quá khắt khe!’.
Nếu là một người có khuynh hướng quá cẩn trọng, tôi sẽ bị cám dỗ rời bàn phím, đứng dậy, và sẽ không viết thêm một chữ nào! Với các môn đệ cũng thế. Nếu một hoặc nhiều người trong họ phải vật lộn với việc thiếu cẩn trọng vì đã đưa tay bứt bông lúa, dẫn đến việc bị lên án, thì họ có thể cảm thấy bối rối, hối hận về hành động của mình. Họ sẽ bắt đầu lo lắng vì đã phạm thánh ngày Sabbat. Thế nhưng, sự cẩn trọng đó cần được xem xét, nó như thế nào và đâu là nguyên nhân!
Phải chăng việc quá cẩn trọng là cách nhìn cực đoan về lề luật của Chúa? Đúng, luật của Chúa phải được tuân giữ đến chữ cuối cùng; nhưng với những ai đấu tranh vì khuynh hướng quá cẩn trọng, luật Ngài có thể dễ dàng bị bóp méo và phóng đại dẫn đến lệch lạc. Tại sao? Nguyên nhân chính là sự kiêu ngạo, thiếu yêu thương và quá khắt khe trong xét đoán. Thiên Chúa không hề bị xúc phạm bởi việc các môn đệ với tay hái bông lúa ngày Sabbat. “Điều không được phép” mà các biệt phái nghĩ ra nhất định không đến từ Ngài! Vì thế, bài học ở đây là bạn và tôi ‘đừng quá khắt khe!’. Trẻ em đâu có khắt khe; chỉ người lớn thường không rộng lượng!
Chúng ta có thể bị cám dỗ khi nhìn vào lề luật và ý muốn của Thiên Chúa một cách quá cẩn trọng; mặc dù không ít người làm điều ngược lại, nghĩa là quá lỏng lẻo! Nhưng nếu là những người đang đấu tranh với mối nguy của sự quá cẩn trọng, hãy biết rằng, Thiên Chúa luôn muốn giải thoát chúng ta khỏi mọi gánh nặng ‘không đáng có’ này, Ngài muốn giải thoát bất cứ giá nào! Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Thiên Chúa là Đấng phù trợ tôi!”.
Anh Chị em,
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?”. Chính lối sống “gắn bó” với luật pháp này đã khiến các biệt phái xa cách tình yêu và công lý. Quá chú ý đến lề luật, họ coi thường công lý và tình yêu. Chúa Giêsu gọi họ là “đạo đức giả”. Người ta không thể đi khắp thế giới tìm một người cải đạo rồi đóng “cửa lại”. Đây là những người quá gắn bó với luật lệ đến nỗi họ “luôn đóng những cánh cửa hy vọng, tình yêu và cứu độ”. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một con đường hoàn toàn ngược chiều. Con đường này khởi đi từ tình yêu, tiến tới công lý và dẫn đến Thiên Chúa. Chỉ con đường đi từ tình yêu đến hiểu biết và phân định, đến sự viên mãn trọn vẹn, mới dẫn đến sự thánh thiện, ơn cứu rỗi và gặp gỡ Chúa Giêsu. Vậy chúng ta ‘đừng quá khắt khe’ với những người khác ngay cả trong việc tuân giữ luật Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con trở nên hình thức, vô hồn và cứng nhắc khi thiếu quảng đại với anh em con. Vì bấy giờ, con làm tôi lề luật, đánh mất công lý và tình yêu!”, Amen.
(Tgp. Huế)