CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A : Mt 18,15-20

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi cho nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đấy, giữa họ
”.


TÌNH HUYNH ĐỆ

Trong quyển sách “Truyền thống các vị ẩn tu” (khoảng thế kỷ thứ 4) có thuật lại câu chuyện thế này:
Ngày kia, khi Đức Giám Mục Amôlas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì nghe đâu ông có đem theo một phụ nữ để chung sống với mình. Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, lên án, chỉ trích. Họ xúm quanh Đức Giám Mục và thưa ngài rằng: “Hôm nay Đức Cha đã đến đây thì xin chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia”. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Đức Giám Mục quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, vị ẩn tu hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng. Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước vào bên trong. Đưa mắt nhìn chung quanh, ngài hiểu ngay sự việc. Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào mà bảo: “Các ngươi hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ đi”. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, ngài mới nói: “Bây giờ các ngươi hãy quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vô cớ vị ẩn tu này”. Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt xấu hổ và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn!”

1. Tình huynh đệ, động lực việc sửa lỗi cho nhau.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, mà câu chuyện trên là một minh họa, rút tự Diễn từ thứ bốn trong kết cấu của Mt: “Những huấn thị về đời sống cộng đoàn”. Ngay từ đầu, Đức Giê-su tỏ ra rất thực tế: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội…”. Giáo hội không phải là một tập thể gồm những kẻ “trong sạch”, “thánh thiện” nhưng gồm những “tội nhân”. Vì nói cho đúng, Giáo hội là một bệnh viện chữa trị linh hồn. Đức Giê-su đã sáng suốt thấy trước rằng “Ki-tô hữu không tốt hơn những người khác”, như đôi lúc thiên hạ bảo. Giáo hội được làm nên với những kẻ mỏng dòn y như xã hội phàm tục. Đức Giê-su có mơ tưởng một Giáo hội chẳng có vấn đề đâu! Người sắp cho một thủ tục để chúng ta cố gắng giải quyết các khó khăn sẽ nẩy sinh một lúc nào đó trong bất cứ nhóm người nào.

Thật thế, điều Đức Giê-su nói đây có thể đem áp dụng vào mọi môi trường sống của chúng ta: gia đình, tổ nhóm, hiệp hội, bằng hữu, đồng nghiệp… Biết bao tranh chấp, căng thẳng, chống đối trong các cộng đoàn này! Đôi lúc, ngay từ đầu, tất cả xem ra đơn giản và hòa hợp. Nhưng về lâu về dài, nhiệt tình giảm xuống, nhóm gặp nguy cơ giải thể, nếu chẳng có ai quan tâm chuyện cố kết, thông hiệp. Không nhóm người nào thoát khỏi tội lỗi, khỏi thảm cảnh chia rẽ… ngay cả Giáo hội!

Vậy nếu anh em trót phạm tội thì phải làm sao? “Đi sửa lỗi nó… hai người với nhau… cho nó thấy lỗi… nếu nó chịu nghe… tức người anh em đã được chinh phục”. Qua những tiếng dập dồn này, ta nhận ra ngay bầu khí Đức Giê-su muốn đặt chúng ta vào. Bầu khí yêu thương chứ không phê phán. Tiếc thay, luôn có khối “người hành hiệp” xen mình vào mọi chuyện và sẵn sàng “lên lớp thiên hạ”, trong một thái độ phê bình triệt để. Sẽ là bóp méo tư tưởng Đức Giê-su khi có khuynh hướng “kết án”, “hành hạ” tội nhân. Cả Tin Mừng đều cho ta thấy ngược lại hết. Văn mạch trực tiếp của “Bài giảng về Giáo hội” này chỉ nói đến tế nhị và thương xót đối với “anh em”. Ngay trước văn bản đọc hôm nay, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn con chiên lạc: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh bỉ một ai… Hãy như người mục tử, sau khi lạc mất một con chiên, đã ra đi tìm nó… Cha anh em trên trời cũng không muốn một ai phải hư mất…” (x. Mt 18,10.14). Và ngay sau bản văn bàn về việc sửa lỗi này, Đức Giê-su sẽ yêu cầu Phê-rô “tha thứ 70 lần 7” (x. 18,21-22), rồi sẽ lên án thái độ của “tên đầy tớ bất nhân” không biết tha nợ cho đồng liêu mình (x. 18,23-35).

Như thế, phải can thiệp trong một bầu khí hoàn toàn yêu thương. Chỉ có quyền nhận xét một anh em nếu yêu mến anh em đó! Tất cả Tin Mừng la lớn với chúng ta rằng Đức Giê-su đã luôn nhân từ với kẻ tội lỗi và Người muốn đấy phải là giải pháp cho cuộc tranh chấp. Khi ai đó chinh phục được người anh em, thì trời xuống trên trái đất! Ôi, giải pháp vui biết chừng nào!

“Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh” (tức cộng đoàn). Đức Giê-su tiến dần với tế nhị và tâm lý biết bao! Trước tiên là mặt đối mặt trong kín đáo, để cái xấu được vô danh ngằn nào có thể, và để tội nhân giữ được tiếng tốt lẫn danh dự mình, như tấm gương của Đức Giám Mục Amôlas trên đây… sau đó, nại đến vài anh em khác là để tránh phê phán chủ quan, lầm lẫn trong đánh giá, và cũng để có nhiều người thì tìm được những lý lẽ đủ sức thuyết phục hơn nữa. Phải làm tất cả để tránh hấp tấp và tùy tiện.

Chỉ sau khi cạn hết mọi hình thức khuyên nhủ ấy, người ta mới phải dứt điểm một cách đau đớn là “kể nó như người thu thuế hay người ngoại”. Kiểu nói này khiến ta khó chịu, đặc biệt vì xuất phát từ Đấng được gọi là “bạn của người thu thuế và tội lỗi” (Mt 11,19). Lời kết án này sở dĩ cứng cỏi vì muốn cho thấy ta đã thử hết cách để cứu người anh em. Thậm chí có thể bảo chính người anh em đã tự ý trục xuất mình khỏi cộng đoàn vì những từ chối liên tiếp. Anh ta đã ba phen đẩy lùi bàn tay chìa ra cho mình. Sau khi đã kiên nhẫn cho anh mọi cơ hội, cộng đoàn thừa nhận mình bất lực đối với anh em này. Nhưng phải thêm rằng, dẫu trong trường hợp tối hậu ấy, ta cũng không được miễn bổn phận yêu mến tội nhân… vì ta vẫn phải yêu mến “ngay cả kẻ thù” mà! (x. Mt 5,43-48). Thánh Phao-lô, trong bài đọc hai, đã nhắc nhở chúng ta như thế: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”, một món nợ không bao giờ trả nổi (Rm 13,8).

2. Tình huynh đệ, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.

Nhưng Đức Giê-su chẳng bao giờ là một nhà luân lý, một nhà nhân bản, một hiền nhân quân tử không thôi. Các lời khuyên chúng ta đã nghe cho tới đây đều là những nguyên tắc tâm lý cơ bản, có giá trị cho mọi liên hệ con người. Nhưng giờ đây Đức Giê-su thêm một khía cạnh “thần học”: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Qua câu nói này, Người mạc khải một mầu nhiệm giấu ẩn: Thiên Chúa hiện diện trong cố gắng cứu vãn một người anh em. Trời liên can đến những gì xảy ra trên đất. Ki-tô hữu bắt Thiên Chúa phải liên lụy. Giữa “đất” và “trời”, giữa “thời gian” và “vĩnh cửu” có tương ứng! Trách nhiệm biết chừng nào!

Vì Thiên Chúa không muốn con chiên nào bị lạc, nên việc sửa lỗi anh em trở nên một con đường của chính lòng Trời thương xót. Hiển nhiên, có lắm kẻ chỉ khám phá ra “ơn tha thứ của Thiên Chúa” (trên trời) khi khám phá thấy nhiều anh em (dưới đất) biết vận dụng trong cách cư xử của mình cùng một thái độ yêu thương-giải cứu. Vai trò “ràng buộc và tháo cởi”, mà Đức Giê-su đã đích thân ban cho Phê-rô mấy ngày trước (x. Mt 16,19), nay cũng được ủy cho toàn thể cộng đoàn, trong cùng những lời lẽ (x. Mt 18,18). Giáo hội có là nơi thương xót, là chốn tình yêu, là cộng đoàn trong đó ai nấy chịu trách nhiệm đối với nhau không? Thường thì chúng ta lơi lỏng, bất quan tâm đến đức tin của người khác. Đây là một vấn đề thời sự nóng bỏng… Biết bao con cái rời bỏ đức tin của cha mẹ ! Biết bao anh em xem ra chọn con đường đào ngũ khỏi cộng đoàn !

Có nên thất vọng không? Nhất là khi đã nỗ lực giúp anh em tội nhân trung tín với ơn gọi Ki-tô hữu của mình mà chả “thấy” kết quả? Không! Vì Đức Giê-su nói tiếp, Giáo hội đâu phải là một xã hội như bao xã hội khác! Cộng đoàn đức tin đó không lệ thuộc các nỗ lực của phàm nhân, vốn có thể thất bại, cho bằng lệ thuộc Cha trên trời: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”.

Đức Giê-su yêu cầu chúng ta hãy tin vào sự hữu hiệu (ẩn giấu trên trời, các phương tiện phàm nhân thông thường không sao thấy) của lời cầu nguyện. Cầu nguyện như thế chẳng phải là lười nhác, vì ta trước đó đã thử tất cả. Nhưng nó là phương sách cuối cùng, mà Đức Giê-su bảo ta hãy tin là có hiệu lực. “Điều không thể đối với con người thì có thể đối với Thiên Chúa” (x. Mt 17,20; 19,26; Lc 1,37). Mơ mộng điên rồ? Ảo tưởng phi thực? Không! Lạc quan đến độ tin rằng chẳng một con người nào, một hoàn cảnh nào là mãi mãi không thể cứu vãn (x. 1Cr 8,11), đấy thật là một bí quyết tuyệt diệu. “Người anh em này đã được Chúa Ki-tô chết cho…”, làm sao có thể thất vọng về họ chứ? Xin nhớ lại câu chuyện thánh Têrêxa Hài Đồng, khi còn trẻ, đã quyết tâm cầu nguyện (kèm với hy sinh) cho tên sát nhân Henri Pranzini vốn cứng đầu mãi tới lúc bước lên máy chém, nhưng cuối cùng đã ăn năn trở lại và xin xưng tội với cha tuyên úy nhà tù.

“Vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đấy, ở giữa họ”. Giáo hội, cộng đoàn các tội nhân như mọi con người khác, không phải là một xã hội như bao xã hội khác: Đức Giê-su phục sinh, với tất cả thần lực của Người, đang ở giữa những ai tụ họp vì danh Người. Sự hiện diện của Người phải khuyến khích chúng ta nỗ lực sửa lỗi và hòa giải giữa anh em trong cộng đoàn Giáo hội. Hay ngược lại, nỗ lực sửa lỗi và hòa giải với nhau là dấu chỉ có Đức Ki-tô hiện diện giữa cộng đoàn.