SỬA LỖI CHO NHAU
Chúa Nhật 23 Thường Niên năm A : Mt 18, 15-20
Suy niệm
Như người mục tử đi tìm con chiên lạc, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi bất cứ ai, mà còn quan tâm chăm sóc từng tín hữu, cho dù nhỏ bé nhất và không đáng kể gì (Mt 18,10-14). Mỗi con người có một giá trị vô song, bởi vì tất cả đều được dựng nên cho Thiên Chúa và đã được cứu chuộc nhờ cuộc thương khó của Đức Kitô. Họ đang nằm trong tiến trình hoàn thành chính mình theo dự định của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chính trong nguồn cội phát xuất từ Thiên Chúa, mà không một ai được phép nói là tôi không cần phải quan tâm đến người khác. Trái lại, chúng ta buộc phải quan tâm đến người anh chị em của mình, nhất là những người đang sa lạc. Chúng ta không được phép tránh né họ vì ích kỷ, lười biếng hay sợ hãi, hoặc bi quan về kết quả. Cũng không được tự hào mình là người công chính và khinh khi người tội lỗi.
Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu tha thiết quy tụ mọi người lại quanh Ngài để làm thành một cộng đoàn tín hữu và huynh đệ. Ngài kêu gọi họ sống với nhau và cùng nhau thi hành sứ mạng (Mt 4,18-25). Chắc chắn Ngài không muốn các thành viên trong cộng đoàn theo giám sát nhau hoặc phân loại con người theo bậc thang giá trị luân lý, nhưng giúp nhau sống ơn gọi Kitô hữu và trở thành những chứng nhân sống động. Trong tinh thần hiệp thông, những cách thức mà Đức Giêsu đề nghị đều nhằm diễn tả đức ái, vì “Cha của anh em... không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14).
Đây là bổn phận chăm sóc anh em về mặt thiêng liêng, nhất là những người trong cùng một cộng đoàn, một giáo xứ. Giúp đỡ một người anh em đang gặp khó khăn; chìa tay ra cho một người chị em đang rơi vào nguy hiểm; an ủi nâng đỡ một người đang buồn sầu thất vọng; khích lệ và tạo điều kiện cho những anh chị em yếu kém về vật chất cũng như tinh thần, v.v... Tất cả đều là đòi hỏi của tình yêu, là một sự trung thành với công trình của Đức Giêsu. Cùng là anh em con một Cha trên trời, nên chúng ta phải sống tình liên đới và chịu trách nhiệm về nhau.
Trong đời sống cộng đoàn, không mấy ai không vấp váp lỗi lầm. Nhưng việc nhận lỗi và sửa lỗi lại là điều khó khăn, bởi vì tâm lý chung của mọi người là “thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới.” (Mt 7, 3). Léon Tolstoi cũng đã nói:“Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”. Khuynh hướng tự mãn khiến ta dễ thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình. Vì vậy, để tránh đi sâu vào lầm lạc, ta cần nhờ người khác chỉ ra lầm lỗi của mình.
Việc sửa lỗi mà Chúa Giêsu dạy, không được tùy nghi xử sự theo cảm tính, nhưng phải tiến hành theo những cấp độ khác nhau. Trước tiên, việc sửa lỗi mang tính cách riêng tư, thân tình, với sự kín đáo và tôn trọng. Đừng làm ra vẻ người trên sửa lỗi người dưới, hoặc tỏ ra mình hoàn hảo, nhưng tạo sự cảm thông và đặt mình trong tình trạng của người kia. Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp, nên đem theo vài người nữa, không phải để gây áp lực, nhưng để cho thấy tính khách quan. Nếu họ vẫn không nghe thì phải đưa ra cộng đoàn. Nếu họ cũng không nghe cộng đoàn, thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.
Điều ta cần nhớ là tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh, có thể vừa tự ái vừa mặc cảm; vừa tự ti vừa tự tôn; tỏ ra mạnh mẽ bên ngoài nhưng lại rất yếu đuối bên trong, nhất là những người trẻ thường hay tự hào và ảo tưởng về mình. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ; một thái độ vô tình sẽ khơi thêm hố cách ngăn. Cần tế nhị, nhẹ nhàng để tạo cảm giác an toàn, với bầu khí cởi mở và tín nhiệm. Việc sửa lỗi có ba giai đoạn, nhưng có khi phải nhiều lần, nhiều lượt. Phải kiên trì với những phương án khác nhau để phù hợp cho từng đối tượng và hoàn cảnh.
Dù sao, việc sửa lỗi người khác cũng phải đi liền với việc sửa mình: nghĩa là duyệt xét lại tâm tình, ý hướng và phương cách của mình cho chân chính và phù hợp, tránh những thái độ chủ quan và thiển cận, kẻo tạo nên mâu thuẫn và đối nghịch. Có khi người khác không sửa lỗi vì chính tôi đã không sửa mình. Sự đổi mới nơi bản thân tôi luôn có sức thuyết phục và thúc đẩy sự đổi mới nơi anh chị em tôi.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt16,19b;Ga20,23), nghĩa là quyền quyết định về những phần tử của mình trong mọi trường hợp, nhưng chắc chắn Ngài không hề đặt giới hạn cho sự tha thứ, và bao giờ cũng là sự mở đường. Cần có sự cầu nguyện của cộng đoàn để cho ai đó đã sa cơ lỡ bước vẫn luôn có cơ hội để trở về với Chúa và anh chị em.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Chúa là một nghệ nhân thật tuyệt vời,
muốn làm nên những tuyệt tác đẹp ngời,
là cuộc đời của mỗi người chúng con,
nhưng nếu không uốn nắn và cắt tỉa,
con mãi là cây hoa dại bên đường,
sống tầm thường không tỏa được sắc hương,
Làm người ai cũng muốn mình sống tốt đẹp,
nét đẹp đơn sơ hiền lành và khiêm nhượng,
nét đẹp yêu thương và cho đi cao thượng
nét đẹp chân thành và trong sáng hiền lương,
nét đẹp hy sinh và dấn thân phục vụ,
để con mỗi ngày nên giống Chúa Giê-su.
Chấp nhận cắt tỉa sẽ làm con đau đớn;
chấp nhận lỗi lầm khiến con phải đớn đau;
chấp nhận sửa lỗi càng làm con khốn khổ,
nhưng qua đó con thấy mình được triển nở,
vì đã vượt qua những lối sống mê mờ,
không còn hững hờ và thái độ ngu ngơ.
Con thấy vui khi mình được sửa lỗi,
vì còn có cơ hội để đổi đời,
làm cho cuộc sống mỗi ngày thêm mới,
thêm an vui và ích lợi cho đời,
là hình ảnh của Chúa khắp mọi nơi,
và quanh con mọi người được thơ thới.
Xin cho con một tâm hồn thanh thản,
nhìn mọi người với ánh mắt lạc quan,
và luôn sống tình thân giữa cộng đoàn,
dù có những đa đoan và chua chát,
nhưng chỉ cần con biết sống hòa chan,
là tâm con được bình an trong Chúa. Amen.