GIAO ƯỚC MỚI
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B: Mc 14, 12-16. 22-26
Suy niệm
Sau khi dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, trên hành trình về Đất hứa thì được thiết lập một Giao ước với Thiên Chúa, để trở thành dân riêng Người. Môsê thuật lại cho dân nghe tất cả những lời phán dạy và lề luật của Thiên Chúa, toàn dân đồng thanh thưa: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Sau đó Môsê lập bàn thờ và toàn dân cử hành nghi lễ kết ước với Thiên Chúa. Bò tơ được giết làm lễ tế, một nửa máu rưới trên bàn thờ, một nửa rảy trên dân.
Thiên Chúa là Đấng siêu việt, cao cả vô cùng, thế mà Ngài lại hạ mình để ký kết giao ước với loài người chúng ta. Giao ước đã ký kết tại núi Sinai, nhưng dân đã chẳng tuân giữ những lệnh truyền, và luôn chạy theo các ngẫu thần. Dù dân bất trung bất tín, Thiên Chúa vẫn không bỏ dân, Người tiếp tục hết lần nầy tới lần khác kết giao với họ, và qua các ngôn sứ, Ngài luôn cho họ niềm hy vọng cứu độ.
Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện ơn cứu độ đó. Ngài thiết lập một Giao ước mới. Lễ vật giao hoà không phải là máu chiên bò mà là chính Ngài: Con Chiên Thiên Chúa. Ngay trong ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, trong bữa tiệc ly, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể, biểu hiện một Giao ước mới bằng chính máu mình. Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao hiến hoàn toàn: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.
Tiệc Thánh Thể này Ngài đã tiên báo trong tiệc cưới Cana, đã được Ngài hứa ban cho dân ở Caphanaum, đã được Ngài thiết lập ở Giêrusalem trước khi bước vào cuộc khổ nạn, và đã được chính Ngài cử hành đầu tiên tại làng Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện và đan kết với nhau tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Như Thư Do Thái đã công bố: Đức Giêsu là Thượng tế của Giao ước mới, thánh hóa loài người bằng chính máu của Ngài (Dt 9,11-15). Thật nhiệm lạ, lễ Vượt Qua Do Thái giáo mà Đức Giêsu cùng các môn đệ cử hành, đã biến thành lễ Vượt Qua Kitô giáo trong việc Chúa Giêsu thiết lập Bàn Tiệc Thánh Thể: vừa nối tiếp vừa đoạn tuyệt, vừa song đối sâu xa, vừa mới mẻ tận căn giữa hai lễ Vượt Qua này. Thánh Máccô cũng nhấn mạnh “giá trị cánh chung” của “bàn tiệc Thánh Thể”: bàn tiệc này tham dự trước bàn tiệc Thiên Quốc, vì “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.
Qua việc đóng dấu Giao ước mới bằng chính máu thịt mình, Đức Giêsu trở thành đầu của Dân mới. Đất Hứa mà Ngài dẫn chúng ta tiến vào không phải là một lãnh thổ mà là quê hương của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không chỉ là dân của Thiên Chúa mà còn là con cái của Ngài. Mỗi lần cử hành Thánh lễ là chúng ta lập lại giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, nhờ máu cứu chuộc của Đức Giêsu đổ ra trên Thánh giá.
Thánh Thể chính là trung tâm đời sống người tín hữu Kitô; là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Thánh Thể còn chính là món quà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại; là lương thực thiêng liêng cho cuộc sống người tín hữu, và cũng chính là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của chúng ta. Mầu nhiệm tình yêu này vượt quá tầm trí mọn của con người, là sáng kiến táo bạo nhất của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta qua Đức Giêsu.
Cha Gioan Vianey đã xác định: “Mọi việc lành gom lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa”. Ngài còn nói: “Nếu ai hiểu được phép Thánh Thể là gì, người đó sẽ chết ngay”. Chết ngay vì quá hạnh phúc, vì thấy mình tràn ngập tình yêu Thiên Chúa như ngụp lặn giữa đại dương. Thế nhưng nhiều Kitô hữu vẫn xem nhẹ thánh lễ, nên tham dự và cử hành như một nghi thức bên ngoài, thiếu lòng sùng mộ bên trong, nên không cảm nhận được chính Chúa đang hiến thân cho mình.
Thực tế, yêu mến bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành và khiêm nhường, sống thân thương với những người bé nhỏ nghèo hèn? Cử hành bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, xóa mình trong Chúa để có thể hiến thân cho anh em? Tôn sùng bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là để cho“Đức Kitô sống trong tôi”. Những điều ấy phải trở thành hiện thực đối với những ai rước lấy Thánh Thể. Thật sự, Mình Thánh Chúa đang lan tỏa và thấm nhập vào máu thịt của ta để làm cho ta trở nên một Đức Kitô thứ hai (Alter Christus). Và như vậy, Thánh Thể hướng ta đến việc chia sẻ vận mạng của anh em mình; biến ta trở thành tấm bánh cho mọi người, góp phần làm nên cuộc sống mới cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Giao ước cũ đã ký kết bằng máu,
đó là máu chiên bò rảy trên dân,
nhưng đến thời viên mãn Chúa giáng trần,
thì Ngài đổ máu mình làm lễ vật,
lễ hy sinh để cứu độ nhân trần.
Giao ước mới ký kết bằng lời nguyền,
không chỉ Lời uy quyền trong bữa tiệc,
mà còn chính là bằng việc hiến thân,
khi Chúa chịu phơi trần trên thập giá,
bị hành hình ngay chính lễ Vượt Qua.
dâng lên Cha để tha thứ tội đời.
Giao ước là dấu ấn của tình yêu,
Chúa đã tự cam kết để làm thành,
để hôm nay mỗi ngày trên bàn thánh,
hy tế xưa lại tràn xuống ơn lành,
việc cử hành trở thành ơn cứu độ,
cho những ai một lòng tin mến mộ,
để đời mình thoát khỏi kiếp hư vô,
được chứng ngộ tình thiên thu vạn cổ.
Ôi Bí tích Thánh Thể thật nhiệm mầu,
con nhận ra tình Chúa quá thẳm sâu,
lòng trí con không thể nào suy thấu,
chỉ làm thinh và chiêm ngắm cúi đầu,
cảm tạ Chúa tràn đầy tình yêu dấu,
Chúa đã làm nên để cảm thấu tim con.
Xin cho con lòng say yêu Thánh Thể,
luôn chuyên chăm trong thánh lễ hằng ngày,
là sức thiêng nuôi dưỡng niềm tin cậy,
để dựng xây tình thương mến tràn đầy,
cho lòng con vui vầy lời ước thệ,
từ đây mãi mãi thuộc về Chúa luôn. Amen.