Theo Tyler Arnold của hãng tin CNA, một thượng hội đồng giám mục Đức đã chấp thuận một cách áp đảo việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính và các cuộc kết hợp giữa những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn, nhưng động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ một số thành viên của phẩm trật Công Giáo; các ngài đã cáo buộc các giám mục Đức từ bỏ đức tin.



Đức Hồng Y Gerhard Müller và Đức Hồng Y Raymond Burke đã quở trách các giám mục Đức và kêu gọi phải chế tài họ trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “The World Over with Raymond Arroyo” của EWTN, được phát sóng vào tối thứ Năm, ngày 16 tháng Ba.

Đức Hồng Y Müller nói trong cuộc phỏng vấn, “Phải có một phiên tòa và họ phải bị kết án và họ phải bị cách chức nếu họ không hoán cải và không chấp nhận tín lý Công Giáo.

Đức Hồng Y nói thêm, “Thật đáng buồn khi đa số các giám mục đã biểu quyết rõ ràng chống lại tín lý mặc khải, và đức tin mặc khải của Giáo Hội Công Giáo và tất cả lối suy nghĩ Kitô giáo của chúng ta, chống lại Kinh thánh, lời Chúa trong Kinh thánh và trong truyền thống tông đồ và trong tín lý đã định tín của Giáo Hội Công Giáo”.

Đức Hồng Y Müller cho biết giáo dân và các giám mục ủng hộ các nghị quyết này tại Thượng hội đồng Đức “bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ LGBT và tỉnh thức (woke), mang tính duy vật chất và duy hư vô”.

Ngài nói: “Thật là phạm thánh khi ban phước lành cho những hình thức sống đó, theo Kinh thánh và giáo lý của Giáo hội là một tội lỗi vì tất cả các hình thức tình dục bên ngoài hôn nhân hợp lệ đều là tội lỗi và không thể được ban phước lành”.

Đức Hồng Y nói, “Nếu bạn nhìn vào Kinh Thánh, thì tuyệt nhiên chỉ có hôn nhân giữa người nam và người nữ được kết hợp trong tình yêu thể xác và tâm hồn, và có khả năng [để] trở thành cha mẹ và thành lập một gia đình”.

Đức Hồng Y Burke kêu gọi Vatican trừng phạt các giám mục đã bỏ phiếu ủng hộ việc ban phước cho các cặp đồng tính luyến ái.

Đức Hồng Y Burke nói, “Bất kể là một sự đi trệch, giảng dạy dị giáo và phủ nhận một trong những tín lý đức tin, hay bội giáo theo nghĩa đơn giản là rời bỏ Chúa Kitô và giáo huấn của Người trong Giáo hội để theo một hình thức tôn giáo nào khác, thì đây đều là những tội ác. Ý tôi muốn nói, đây là những tội lỗi chống lại chính Chúa Kitô và rõ ràng là có tính chất nghiêm trọng nhất. Và Bộ Giáo luật dự liệu các biện pháp chế tài thích đáng.”

Đức Hồng Y cảnh báo rằng Giáo hội đang bị “sử dụng” để thúc đẩy một chương trình nghị sự có tính ý thức hệ.

Đức Hồng Y Burke nói thêm: “Đây là những phát minh của con người, những ý thức hệ của con người đang được thúc đẩy và Giáo hội đang bị lợi dụng. Và những gì nó làm là biến Giáo hội thành một loại cơ quan của con người, gần giống như một cơ quan chính phủ đang bị thao túng để thúc đẩy một số chương trình và nghị trình nào đó. Và vì vậy chúng ta cần thức tỉnh với những gì đang xảy ra.”

Đức Hồng Y Burke nói: “Bạn sẽ nhận thấy rằng trong rất nhiều cuộc nói chuyện này, bạn chưa bao giờ nghe đến danh Chúa của chúng ta. Bạn chưa bao giờ nghe nói về những gì Chúa Giêsu Kitô đang dạy chúng ta, những gì Người yêu cầu chúng ta. Vì vậy, đây là một tình huống rất nghiêm trọng.”

Đức Hồng Y cũng trả lời gợi ý của Arroyo rằng “những người phản đối những cải cách này thường bị chế giễu là chống lại Đức Giáo Hoàng".

Ngài nói, “Chúng tôi là những người yêu mến Đức Giáo Hoàng và đang cố gắng giúp ngài thực hiện sứ mệnh của mình, trong khi những người này đơn giản phớt lờ những gì Rôma đang nói với họ, những gì Tòa thánh Phêrô đang nói với họ, cho thấy họ không tôn trọng ngài, bất kể điều gì, họ thực sự là kẻ thù của Đức Giáo Hoàng. Tôi nghĩ rõ ràng là bất cứ người hợp lý nào cũng có thể thấy điều đó”.

Đức Hồng Y Burke nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đôi khi nói những điều rất rõ ràng và phù hợp với giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề này.”

Như ngài nói thêm: “Những gì các tác nhân của cuộc cách mạng này làm chỉ đơn giản là phớt lờ những tuyên bố ấy và tiếp nhận những tuyên bố khác mà xem ra ngài thuận ý”.



Nhưng không dễ

Theo J.D. Flynn và Ed. Condon của tạp chí mạng The Pillar, chế tài các Giám Mục Đức không hẳn là chuyện dễ dàng.

Theo hai ký giả này, không những các Giám Mục Đức thông qua nghị quyết chúc lành cho các cặp đồng tính, mà một số Giám Mục trong đó có Giám Mục Franz-Josef Bode, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã chính thức mời người Công Giáo trong giáo phận của ông liên lạc với các giáo xứ để được chúc lành theo phụng vụ cho cuộc kết hợp đồng tính và các cuộc kết hợp khác vốn trái phép trong Giáo Hội Công Giáo.

Vì Vatican gần đây đã chính thức tuyên bố những chúc lành như thế là điều bất khả đối với Giáo Hội, nên một số người Công Giáo thắc mắc không biết hành vi của Giám Mục Bode có phải là một hành vi ly giáo hay không, một hành vi, theo giáo luật mang theo vạ tuyệt thông.

Nhưng cho đến nay, Vatican vẫn chưa công bố Bode và bất cứ ai liên hệ với Con đường Đồng nghị Đức phạm tội ly giáo, một hành vi, theo hai ký giả này, có thể có những hậu quả nghiêm trọng về luật dân sự và luật Giáo Hội, và có thể kích động một vụ thưa kiện dân sự khá phức tạp.

Vả lại, có người tự hỏi đó có phải là một hành động ly giáo - được định nghĩa là “từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng hoặc hiệp thông với các thành viên của Giáo hội vốn phục tùng ngài” hay không.

Sự khôn ngoan qui ước có lẽ sẽ nói có, đó là ly giáo. Nhưng có một số nhà giáo luật sẵn sàng tranh luận rằng không phải vậy - tuy Bode kêu gọi người ta tham dự chúc lành cho người đồng tính, nhưng ông ta vẫn chưa thực sự làm điều đó.

Nó có vẻ như là một sự phân biệt chẻ sợi tóc ra làm tư, chứ thực ra chẳng có sự khác biệt nào, nhưng ít nhất có lập luận cho rằng ngay lúc này, Bode chỉ đang ở trong thời điểm gần xảy ra ly giáo - rất gần với việc vi phạm nó - nhưng cho đến khi ông ấy chính thức cho phép, hướng dẫn hoặc chủ trì một cuộc chúc lành bất hợp pháp, thì ông ta cũng chỉ mới nói đến việc từ chối phục tùng Đức Giáo Hoàng, nhưng chưa thực sự làm điều đó.

Tất nhiên, đối với một số người, dường như khó có khả năng Đức Phanxicô và các quan chức Vatican khác không trả lời Bode vì một cuộc tranh luận nội bộ đầy sắc thái về các thông số chính xác của ly giáo như một tội ác giáo luật.

Có lẽ nhiều khả năng hơn là Đức Giáo Hoàng không có xu hướng can thiệp để trừng phạt, như ngài đã thể hiện trong quá khứ, thay vào đó, ngài muốn thuyết phục hơn là trừng phạt, ngay cả trong những tình huống nghiêm trọng.

Với lịch sử tiếp cận của Đức Giáo Hoàng đối với các vấn đề quản trị, sẽ là một thay đổi lớn nếu Đức Phanxicô chuyển sang tuyên bố một hình phạt ở Đức đối với tội ly giáo theo giáo luật.

Nhưng nếu Đức Phanxicô thậm chí đang xem xét một giải pháp trừng phạt, thì ít nhất một số quan chức Vatican có lẽ đang cảnh báo Đức Thánh Cha rằng nếu ngài tuyên bố Bode ly giáo, hoặc các giám mục Đức khác, thì Tòa thánh có thể vướng vào một vụ kiện tụng phức tạp ở Đức về vấn đề này, trong khi Bode vẫn giữ chức năng lãnh đạo giáo phận Osnabrück.

Mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước ở Đức được qui định bởi Reichskonkordat, một hiệp ước được ký kết năm 1933 giữa Tòa thánh và chính phủ Đức Quốc xã, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay.

Các chuyên gia luật quốc tế trước đây đã nói với The Pillar rằng nếu một giám mục giáo phận ở Đức bị tuyên bố ly giáo, thì thỏa thuận giữa Đức và Tòa thánh sẽ đòi chính phủ Đức phải công nhận về phương diện luật pháp rằng giám mục đó không còn có thể hành động trong tư cách người quản trị các tài sản của giáo phận. Điều đó dường như ngăn cản một giám mục ly giáo chi tiêu hoặc phân phối tiền của Giáo hội sau khi Rome tuyên bố hình phạt vạ tuyệt thông đối với ông ta.

Nhưng dường như không có khả năng một giám mục giáo phận sẽ không phản đối tuyên bố ly giáo của Vatican. Và vai trò của nhà nước trong Giáo hội ở Đức có nghĩa là một giám mục như Bode sẽ được tự do thực hiện các biện pháp dân sự, với các vụ kiện dân sự tại một tòa án dân sự - ngay cả khi ngả đường dùng đến giáo luật chống lại một đạo luật của giáo hoàng sẽ bị đóng lại đối với ông ta.

Có một lập luận cho rằng nếu một giám mục kiện giáo hoàng về một sắc lệnh, thì ông ấy phải chứng minh một cách hữu hiệu sự ly giáo mà giáo hoàng đã khẳng định. Và thực sự lập luận này có thể đúng.

Nhưng ngay cả khi ông ta không thắng một vụ kiện dân sự, một giám mục cũng có thể cột vấn đề tại tòa trong một thời gian khá dài, nếu ông ta muốn tiếp tục đòi quyền được giữ tòa của mình, và cùng với nó là thu nhập do nhà nước cung cấp, một thu nhập cho phép ông ta tiếp tục lãnh đạo một đàn chiên bất chấp mọi biện pháp trừng phạt mà Vatican có thể cố gắng áp đặt.

Có thể không cần lá bài ly giáo

Tuy nhiên, đối với Vatican, “lá bài ly giáo” không phải là biện pháp kỷ luật duy nhất mà nó phải áp dụng.

Nếu Tòa thánh muốn chế tài Bode mà không dính líu đến vụ việc ly giáo rắc rối, thì có vẻ như điều luật 1373 có thể cung cấp một giải pháp.

Điều giáo luật đó quy định rằng một người “khiêu khích sự bất tuân” chống lại Tông Tòa sẽ bị trừng phạt bằng “việc treo chén hoặc các hình phạt chính đáng khác”.

Dường như chắc chắn rằng một giám mục chỉ thị cho các linh mục của mình ban phép lành phụng vụ cho các cặp đồng tính đang kích động sự bất tuân của họ đối với Tòa thánh. Và trong khi một lệnh treo chén sẽ tước bỏ chức vụ của một giám mục, gây ra các vấn đề pháp lý giống như tuyên bố ly giáo, thì Tòa thánh có thể quyết định một hình phạt khác như huyền chức, khiến một giám mục không thể thi hành chức vụ của mình nhưng không bị cách chức, sẽ phù hợp hơn.

Nếu một giám mục bị huyền chức, Tòa thánh sẽ có khả năng tốt hơn trong việc cung cấp quyền lãnh đạo tạm thời cho giáo phận mà không có sự can dự của chính phủ Đức, đồng thời cho phép một giám mục như Bode có cơ hội ăn năn về đường lối của mình hoặc tiếp tục chịu hình phạt.

Bất kể Tòa thánh làm gì, có vẻ như rõ ràng là các giám mục ở Đức không chờ đợi để đưa ra lý lẽ bênh vực của họ.

Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, nói với một nhà báo trong tuần này rằng: “Thực hành việc chúc lành hiện đã có và chúng tôi muốn đưa nó ra ánh sáng. … Thật tốt khi chúng tôi làm điều này. Bất cứ điều gì tốt đẹp trong mối quan hệ giữa hai người đều có thể nhận được phước lành của Thiên Chúa. Điều đó chỉ hợp luận lý thôi.”

Bätzing nói, “Chúng tôi sẽ thực hiện nó ở đây,”.

Quan điểm của vị giám mục rất rõ ràng: Hoặc là giáo hoàng sẽ can thiệp, hoặc chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên bố rằng những gì đang diễn ra là hoạt động mục vụ bình thường của Giáo hội, và việc lùi lại sẽ là một sự bất công.

Trong khi Bätzing tránh trả lời các câu hỏi trực tiếp về kỷ luật có thể xảy ra của Đức Giáo Hoàng, ông nhấn mạnh rằng những chúc lành như vậy sẽ tiến hành bất chấp điều gì - gợi ý rằng ông và các giám mục Đức tin chắc rằng sẽ không có động thái nào từ Rome, hoặc ông tin rằng các giám mục Đức có đủ khả năng để phớt lờ nó nếu động thái ấy xẩy đến.

Bất kể lý do nào khiến Đức Phanxicô không hành động, các giám mục Đức dường như thoải mái thách thức ngài thử một điều gì đó – có lẽ họ đánh cuộc rằng họ quá lớn và đã tiến quá xa để bị kỷ luật từ Đức Giáo Hoàng.

Các giám mục đó không phải là những người duy nhất chờ xem liệu Đức Giáo Hoàng có chớp mắt hay không.

Với việc Bode trở thành tâm điểm chú ý, người Công Giáo trên khắp thế giới đang theo dõi, với một số người tự hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có dám bảo vệ chỉ thị của chính Vatican về tín lý đức tin Công Giáo hay không. Các giám mục Đức đang đánh cuộc rằng ngài sẽ không làm thế.