Luke Coppen, trên tạp chí mạng The Pillar, ngày 13 tháng 5 năm 2023, cho hay: Phiên họp cuối cùng về con đường đồng nghị của Đức đã kết thúc vào tháng 3 với sự tán thành áp đảo mọi nghị quyết, trừ một nghị quyết do những người tổ chức đề xuất.



Nhưng đồng chủ tịch Irme Stetter-Karp của con đường đồng nghị đã không ăn mừng chiến thắng đó.

Ngược lại, trong một bài phát biểu ngày 5 tháng 5 trước các thành viên của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) đầy quyền lực do bà lãnh đạo, bà tuyên bố rằng bà rất tức giận.

“Trong những tuần gần đây, chúng ta đang chứng kiến một Giáo hội trong đó những người đàn ông lãnh đạo đang củng cố quyền lực của họ, từ chối sự phát triển và đào sâu thêm những rạn nứt giữa Giáo hội và thế giới,” bà nói như thế tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức ở Munich.

Bảng liệt kê các sự kiện không được hoan nghênh của bà bao gồm việc Đức Hồng Y Arthur Roche, bộ trưởng bộ phụng vụ của Vatican, bác bỏ một nghị quyết của con đường đồng nghị tán thành việc giáo dân rửa tội thường lệ và thuyết giảng trong các Thánh Lễ.

Bà cũng trích dẫn điều mà bà gọi là “sự phỉ báng hoàn toàn phi lý” bởi “một vài giám mục” của cơ quan kế thừa con đường đồng nghị, tức ủy ban đồng nghị.

Cơ quan này bao gồm 27 giám mục giáo phận của Đức, 27 đại diện Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức và 20 đại biểu khác sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 11, ngay sau phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng về tính đồng nghị ở Rôma. Nhiệm vụ chính của ủy ban là chuẩn bị thành lập một hội đồng đồng nghị thường trực gồm giáo dân và giám mục với quyền điều hành Giáo hội ở Đức, bất chấp sự phủ quyết rõ ràng của Vatican.

Trong bài phát biểu của mình, Stetter-Karp cũng bày tỏ sự bất bình trước những phát hiện của cuộc điều tra về việc xử lý các vụ lạm dụng ở Tổng giáo phận Freiburg. Báo cáo kết luận rằng Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch đã thể hiện sự thờ ơ lạnh lùng đối với nạn lạm dụng, mặc dù nhấn mạnh rằng Giáo hội cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng trong khi giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục Đức từ năm 2008 đến 2014.

Stetter-Karp tuyên bố, “Tôi tức giận và bị sốc. Nhưng ngày nay rõ ràng hơn bao giờ hết: Giáo hội này với tư cách là một hệ thống quyền lực chuyên chế phải đi đến hồi kết liễu.”

Trong một dấu hiệu cho thấy quyết tâm thách thức “hệ thống duy tuyệt đối”, Stetter-Karp tuyên bố rằng Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức sẽ không còn chấp nhận một quy tắc từng ràng buộc con đường đồng nghị: là các quyết định chỉ có hiệu lực khi có sự chấp thuận của hai phần ba số giám mục.

Stetter-Karp nói rằng “kinh nghiệm học hỏi đau đớn” của con đường đồng nghị - trong đó chỉ có một bản văn không giành được 2/3 số phiếu giám mục - đã thuyết phục bà rằng quy tắc này không nên áp dụng cho các quyết định của ủy ban đồng nghị.

Nửa đầy hay nửa vơi?

Thách thức đối với quy tắc hai phần ba có vẻ giống như một vấn đề nhỏ về thủ tục. Nhưng nó chỉ ra mục tiêu bao trùm của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức là vĩnh viễn giành được một phần quyền ra quyết định trong Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Đó là lý do tại sao ban lãnh đạo của nó không giành được vòng chiến thắng sau kết luận tương đối suông sẻ của con đường đồng nghị. Dù sáng kiến kéo dài ba năm kêu gọi những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn và thực hành Công Giáo, nhưng nó không có quyền du nhập chúng.

Ngay từ đầu, con đường đồng nghị là một dự án chung của hội đồng giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, một cơ quan có khoảng 230 thành viên nhận 94% trong số 2.8 triệu đô la tài trợ hàng năm từ Hiệp hội các Giáo phận Đức (VDD), một tổ chức pháp nhân của hội đồng giám mục.

Khi sáng kiến này được công bố vào năm 2019, chủ tịch hội đồng giám mục lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Reinhard Marx đã mô tả nó là “một tiến trình đặc biệt” quy tụ các giám mục và giáo dân để thông qua các nghị quyết sẽ “ràng buộc” đối với Giáo hội ở Đức.

Vatican đã can thiệp — trong lần can thiệp đầu tiên — để làm rõ rằng kế hoạch này “không có giá trị về mặt giáo hội học”.

Cuối cùng, các quy chế của con đường đồng nghị nói rõ rằng các quyết định của nó “tự chúng không có hiệu lực pháp lý”.

Văn kiện cho biết “Quyền của hội đồng giám mục và cá nhân các giám mục giáo phận trong việc ban hành các quy tắc pháp lý và thực thi chức vụ giảng dạy của họ trong phạm vi thẩm quyền tương ứng của họ vẫn không bị ảnh hưởng bởi các nghị quyết”.

Tuy các nhà tổ chức đã miễn cưỡng thừa nhận rằng các quyết định của sáng kiến sẽ chỉ mang tính chất tư vấn nhưng họ đã thực hiện các biện pháp để mặc cho chúng càng nhiều ý nghĩa càng tốt.

Như Thomas Sternberg, người tiền nhiệm của Stetter-Karp với tư cách là chủ tịch Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn thẳng thắn vào tháng 12 năm 2022, các kiến trúc sư của con đường đồng nghị đã sử dụng các kỹ thuật rút ra từ thế giới chính trị để tạo lực đẩy.

Sternberg, một thành viên của đảng chính trị Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU) của Đức, cho biết ông là “một chính trị gia đến mức tôi biết rằng cần phải có các quy trình và sự phát triển để tạo ra các chủ đề đáng được thảo luận ngay từ đầu.”

Ông lập luận rằng các nghị quyết của con đường đồng nghị về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, đồng tính luyến ái và chủ nghĩa giáo sĩ trị đã “mở ra” các vấn đề để chúng “hiện đang được thảo luận trên phạm vi quốc tế, không chỉ ở Đức”.

Nhưng phán quyết “ly đầy một nửa” của Sternberg trái ngược với cách đọc “ly vơi một nửa” của Stetter-Karp về con đường đồng nghị.

Trong bài phát biểu ngày 5 tháng 5, bà đã không mừng vui những gì có thể được coi là đột phá đối với Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức: Các nghị quyết được hỗ trợ bởi các đa số lớn lao (bao gồm cả các giám mục) ủng hộ các nữ phó tế, khảo sát lại quyền độc thân của linh mục, giáo dân rao giảng trong các Thánh lễ và ban phép lành đồng tính.

Thay vào đó, bà phàn nàn rằng “các nghị quyết không đủ sâu rộng.”

Bà nói rõ rằng bà quan tâm đến tương lai của con đường đồng nghị, hơn là quá khứ gần đây của nó. Và khi nhìn về phía trước, bà đã thấy những trở ngại: Các giám mục giáo phận riêng lẻ từ chối thực hiện các nghị quyết của con đường đồng nghị, khó khăn tuyệt đối trong việc đưa ra những thay đổi như vai trò giáo dân lớn hơn trong việc bổ nhiệm giám mục và sự phản đối liên tục của Vatican.

Stetter-Karp dường như đã kết luận rằng những trận chiến quan trọng nhất đang ở phía trước — và tỷ lệ thành công đang thu hẹp lại.

Từ đồng minh vui vẻ đến việc nói huỵch toẹt

Trong khi Sternberg được coi là một đồng minh vui vẻ của các giám mục Đức - có mối quan hệ đặc biệt tốt với Hồng Y Marx - thì Stetter-Karp đã tỏ ra ít thân thiện hơn một cách đáng kể đối với hàng giám mục.

Tại những thời điểm quan trọng trong con đường đồng nghị, Stetter-Karp đã công khai mắng mỏ các giám mục chưa đăng ký đầy đủ vào chương trình nghị sự của những người tổ chức con đường đồng nghị.

Khi văn bản kêu gọi thay đổi cách tiếp cận của Giáo hội đối với đạo đức tình dục không giành được 2/3 sự chấp thuận của các giám mục vào tháng 9 năm 2022, bà đã cáo buộc các giám mục không tỏ lộ ý kiến thực sự của họ.

Vào tháng 3 năm nay, Stetter-Karp, cựu giám đốc ban Caritas của giáo phận Rottenburg-Stuttgart, gợi ý rằng các giám mục đang khai thác “sự sẵn lòng thỏa hiệp” của các thành viên giáo dân bằng việc tìm cách làm giảm nhẹ các tài liệu để chúng vượt qua 2/3 số phiếu.

Bà nói: “Đôi khi một số người trong chúng tôi cảm thấy bị tống tiền để hoàn thành bất cứ việc gì”.

Mỗi lần bà ấy đối đầu với các giám mục, các vị đã thuận theo. Điều này có thể giải thích tại sao bà ấy đang thực hiện cùng một cách tiếp cận đối nghịch đối với quy tắc hai phần ba tại ủy ban đồng nghị.

Tuy nhiên, đây là một canh bạc: Các Giám Mục có thể cảm thấy Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức đã đi quá xa từ hợp tác sang đối đầu và từ chối phục tùng yêu cầu của họ. Nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó.

Những vấn đề chưa được giải quyết

Hiện có rất ít thông tin về ủy ban đồng nghị ngoài một số thông tin căn bản: Ủy ban này sẽ được lãnh đạo bởi Stetter-Karp và chủ tịch hội đồng giám mục hiện tại là Đức cha Georg Bätzing, có 74 thành viên và tổ chức phiên họp đầu tiên tại Essen vào ngày 10-11 tháng 11.

Không rõ nó sẽ được tài trợ như thế nào, điều này đang tạo ra sự khó chịu trong Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức. Trong khi Hiệp hội các Giáo phận Đức dự kiến sẽ cung cấp tiền, hiệp hội này đã không đưa ra quyết định về việc tài trợ sáu tháng kể từ khi phát động ủy ban đồng nghị.

Một số báo cáo cho thấy vấn đề sẽ được giải quyết tại cuộc họp vào tháng 6 của hội đồng thường trực của các giám mục Đức, hội đồng quy tụ các giám mục giáo phận của đất nước. Một số ít giám mục sẽ miễn cưỡng tài trợ cho một sáng kiến nhằm mở đường cho một hội đồng đồng nghị đã bị Vatican loại trừ.

Có lẽ cuộc họp tháng 6 cũng sẽ là nơi các giám mục thảo luận về lời kêu gọi của Stetter-Karp về việc bãi bỏ quy tắc hai phần ba, điều này có khả năng làm dấy lên nghi ngờ hơn nữa ở Rôma, vốn đã liên tục bày tỏ mối quan ngại về việc giảm bớt trách nhiệm giám mục ở Đức.

Vatican đã từ chối tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, rõ ràng là từ chối thảo luận về con đường đồng nghị với bất cứ ai khác ngoài các giám mục Đức.

Trò chơi kết thúc

Viết trên trang mạng New Beginning, một sáng kiến của Đức phản đối con đường đồng nghị, nhà báo Birgit Kelle cho rằng các giám mục đã gặp bất lợi trong ủy ban đồng nghị.

Bà viết, “Hiện tại có 27 giám mục trong danh sách những người tham gia, vì vậy 47 thành viên còn lại của ủy ban, những người được bầu từ hàng ngũ của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức và bởi phiên họp toàn thể của con đường đồng nghị, chiếm đa số theo cơ cấu ngay từ phút đầu tiên.

“Các giám mục sẽ chỉ có điều gì đó để báo cáo nếu họ có quyền phủ quyết – và đó chính xác là những gì họ muốn bóp chết từ trong trứng nước.”

Với những đám mây bão đang tập trung ở Rôma và một số ít giám mục Đức có thể hành động như một “thiểu số ngăn chặn”, Stetter-Karp có thể đã kết luận rằng cuộc cách mạng theo con đường đồng nghị sẽ không bao giờ được thực hiện trừ khi Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức giành được toàn quyền kiểm soát diễn trình này.

Với thách thức của mình đối với quy tắc hai phần ba, bà ta đang buộc các giám mục vào một thế kẹt mới, trong đó họ có hai lựa chọn không mấy dễ chịu. Đầu tiên, họ có thể chấp nhận sự thay đổi, biết rằng Rôma có thể sẽ can thiệp. Thứ hai, họ có thể bác bỏ nó, có lẽ khiến Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức thực hiện lời đe dọa thường được viện dẫn là rút khỏi sáng kiến.

Trong cả hai trường hợp, rất có thể các giám mục - chứ không phải Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức - là những người bị đổ lỗi cho sự thất bại cuối cùng của con đường đồng nghị.