Trên Blog https://catholicmissionarydisciples.com Marcel Lejeune, cho rằng nếu chúng ta lập một danh sách các từ Công Giáo thường dùng, thì chúng ta phải đặt từ “đồng hành” gần ở đầu danh sách ấy. Nó được sử dụng theo nhiều cách khác nhau và nhiều cách sử dụng khá mơ hồ. Ông hy vọng sẽ tìm hiểu sâu hơn một chút trong blog này về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này đối với chúng ta trong tư cách những nhà truyền giáo và lãnh đạo Công Giáo.



Thuật ngữ đồng hành đã được phổ biến bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng ý tưởng đồng hành với những người khác đã là một phần trong truyền thống của Giáo hội ngay từ đầu. Ý tưởng căn bản là đi bên cạnh người khác về mặt thiêng liêng. Về phương diện thừa tác mục vụ, truyền giảng Tin Mừng và tư cách môn đệ, điều này có nghĩa là cùng đi với ai đó hướng tới mục tiêu thiêng liêng (thí dụ: hoán cải, thiên đàng, thánh thiện, v.v.). Nó không đi trước hay đi sau, mà đi bên cạnh. Điều này cho chúng ta biết khá nhiều về việc đồng hành không phải là gì.

Để đồng hành với một người khác, người ta KHÔNG phải chỉ là:

* một người bạn thân - mặc dù nó có mối liên hệ ở ngay cốt lõi của nó.

* một hướng dẫn viên du lịch - mặc dù người ta có thể cần giúp để vạch ra con đường phía trước.

* một giáo viên - mặc dù nó có sự thật cần được công bố.

* một cố vấn - mặc dù nó liên quan đến việc lắng nghe và hiểu biết.

* một vị giải tội - mặc dù nó liên quan đến sự trung thực, dễ bị tổn thương và tính chân thực.

* một người đi kèm [chaperone]- mặc dù nó giúp thiết lập ranh giới, khi thích hợp.

* một vị linh hướng - mặc dù nó liên quan đến sự tăng trưởng tâm linh.

* một nhà hộ giáo - mặc dù nó liên quan đến việc trả lời các câu hỏi.

Vậy, phải coi nó ra sao? Câu chuyện về đường Emmau (Lc 24) cho chúng ta một số bối cảnh. Trong đó chúng ta tìm thấy:

* Tất cả những người can dự (Chúa Giêsu và 2 môn đệ) đều tham gia vào cuộc đối thoại. Trong khi giúp dẫn dắt cuộc trò chuyện, Chúa Giêsu để hai người kia đặt chủ đề cho cuộc trò chuyện.

* Họ đi cạnh nhau và lắng nghe những suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của nhau, v.v. Hãy lưu ý rằng Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách đi bên cạnh hai người đàn ông và bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi.

* Mối liên hệ/Tình bạn được xây dựng trên sự tín thác và thời gian ở bên nhau. Sau một thời gian, hai môn đệ (ít nhất) bị thu hút bởi Chúa Giêsu và mời ngài ở lại với họ lâu hơn.

* Mục tiêu là giúp những người khác tin vào Thiên Chúa, được hoán cải và giúp nhau trở thành môn đệ hoặc phát triển trong tư cách môn đệ. Chúng ta lưu ý: câu chuyện bắt đầu với “khuôn mặt của họ ủ rũ” và kết thúc với “trái tim họ bùng cháy”.

Khi bình luận về câu chuyện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng hai môn đệ cuối cùng đã quay trở lại Giêrusalem để tuyên bố Chúa Giêsu đã thực sự sống lại. Bằng cách để Chúa Giêsu cố ý đồng hành cùng những người này, kết quả là một sự hoán cải. Có một kết quả dứt khoát của đồng hành. Đây cũng là kết quả mà Giáo hội cần ngày nay:

“Chúng ta cần một Giáo hội có khả năng bước đi bên cạnh mọi người, làm nhiều việc hơn là chỉ lắng nghe họ; một Giáo hội đồng hành với họ trên hành trình của họ; một Giáo hội có khả năng hiểu được “đêm tối” ẩn chứa trong cuộc trốn chạy của rất nhiều anh chị em của chúng ta khỏi Giêrusalem; một Giáo hội nhận ra rằng những lý do tại sao người ta rời bỏ cũng chứa đựng những lý do tại sao cuối cùng họ có thể trở lại.Nhưng chúng ta cần biết cách can đảm giải thích bức tranh lớn hơn. Chúa Giêsu làm ấm lòng các môn đệ Emmau.

“Tôi muốn tất cả chúng ta ngày nay hãy tự hỏi: chúng ta có còn là một Giáo hội có khả năng sưởi ấm các trái tim không? Một Giáo hội có khả năng dẫn người ta trở lại Giêrusalem? Đưa họ trở về nhà? Giêrusalem là cội nguồn của chúng ta: Kinh thánh, giáo lý, các bí tích, cộng đồng, tình bạn với Chúa, Mẹ Maria và các tông đồ… Liệu chúng ta có thể nói về những gốc rễ này theo cách có thể làm sống lại cảm giác kinh ngạc trước vẻ đẹp của chúng không?”

Khi chúng ta đồng hành cùng một người khác, đây là một số yếu tố có thể giúp hướng dẫn mối liên hệ:

* Ý hướng. Nếu bạn không có mục đích rõ ràng về lý do tại sao bạn lại ở trong mối liên hệ, thì bạn sẽ không bao giờ có thể đồng hành đúng nghĩa với bất cứ ai. Mục đích rõ ràng của việc đào tạo môn đệ của Chúa Giêsu cần được đặt lên hàng đầu trong mọi phần của mối liên hệ.

* Sẵn có đó cho người khác. Bạn không thể thực sự phát triển trong một mối liên hệ nếu bạn không sẵn sàng có đó cho nhau. Điều này có nghĩa là dành thời gian cho nhau và đặt ưu tiên cho thời gian cần thiết để xây dựng một mối liên hệ như vậy.

* Tính chân thực. Để cùng nhau phát triển việc gần gũi hơn với Thiên Chúa, bạn sẽ phải chân thực với nhau. Điều này có nghĩa là biểu lộ việc bạn đáng tin, đáng cậy và duyên dáng. Một cách khác để diễn đạt điều này - đừng kỳ quặc đến mức khiến người khác không tin tưởng vào Chúa Giêsu hoặc Giáo hội.

* Tính dễ bị tổn thương. Sau khi bạn bắt đầu xây dựng mối liên hệ, cần phải có một mức độ dễ bị tổn thương thích đáng. Điều này không có nghĩa là mang theo những bí mật sâu kín nhất của bạn, mà là cởi bỏ những chiếc mặt nạ mà đôi khi chúng ta ẩn ở đằng sau và cho thấy thực tại chúng ta là ai.

* Trách nhiệm giải trình với nhau. Một khi chúng ta dễ bị tổn thương, chúng ta có thể bắt đầu có trách nhiệm giải trình thực sự. Trách nhiệm giải trình không phải là vung vẩy ngón tay khi ai đó làm sai, mà là cùng nhau thực hiện các mục tiêu mà mỗi chúng ta đặt ra cho mình và nhờ người kia giúp giữ chúng ta kiên trì.

* Trách nhiệm đối với Tin Mừng. Làm môn đệ có nghĩa là có một sứ mệnh. Mỗi môn đệ Kitô hữu nên lấy Tin Mừng làm cốt lõi cho sứ mệnh của mình. Điều này có nghĩa là mỗi môn đệ cần đảm nhận trên vai mình một phần trách nhiệm mà chúng ta có trong việc chia sẻ Tin Mừng.

"Thầy ban cho các con một điều răn mới: hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con thể nào, thì các con cũng phải yêu nhau thể ấy. Nhờ đó mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con có lòng yêu thương nhau." (Ga 13:35)

Chúa Giêsu đã yêu các môn đệ như thế nào? Bằng cách sống cuộc sống với họ trong 3 năm. Bằng cách biết họ sâu sắc, bằng cách dạy dỗ họ, bằng cách làm gương cho họ về cách sống ơn gọi của họ. Bằng cách bắt họ có trách nhiệm giải trình. Bằng cách thách thức họ. Bằng cách đào tạo họ. Bằng cách tha thứ cho họ. Bằng cách đồng hành với họ. Bằng cách đi dự tiệc với họ. Bằng cách du hành với họ. Bằng cách trở thành người lãnh đạo cho họ và sau đó ủy quyền cho họ làm điều tương tự với những người khác. Bằng cách có mục đích rõ ràng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, “Mặc dù nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng việc đồng hành thiêng liêng phải dẫn người khác đến gần Thiên Chúa hơn, nơi Người chúng ta đạt được tự do đích thực. Một số người nghĩ rằng họ được tự do nếu họ có thể trốn tránh Thiên Chúa; họ không thấy rằng họ mãi mồ côi, không nơi nương tựa, vô gia cư về phương diện hiện sinh. Họ không còn là những người hành hương mà trở thành những kẻ trôi giạt, loanh quanh và không bao giờ đi đến đâu cả. Đồng hành với họ sẽ phản tác dụng nếu nó trở thành một loại trị liệu hỗ trợ việc họ chỉ quan tâm đến bản thân và không còn là cuộc hành hương với Chúa Kitô đến với Chúa Cha.”

Tội lỗi nhưng được cứu rỗi

Nhân loại bị đổ vỡ, bị thương, tội lỗi và hỗn loạn. Nó cũng đẹp đẽ, được cứu chuộc và được Thiên Chúa yêu thương. Điều này có nghĩa là mọi mối liên hệ của con người (phía bên này của thiên đàng) đều như nhau. Có cả những thất bại của con người lẫn ân sủng của Thiên Chúa. Điều này xuất hiện với cái tốt và cái xấu gắn liền, không cách nào làm khác đi được.

Vậy, đồng hành trông ra sao? Một mối liên hệ liên quan đến mục đích, tội lỗi, sự tha thứ, lòng thương xót, ân sủng, trách nhiệm giải trình, niềm vui, đau khổ và mọi thứ khác mà cuộc sống mang lại. Nói cách khác, một mớ hỗn độn với Chúa Giêsu làm mục tiêu.

Tại sao các giáo xứ, tổ chức, hoạt động tông đồ, v.v. của Công Giáo lại khó giúp đào tạo các môn đệ có khả năng đồng hành với người khác? Trước hết, chúng ta không có văn hóa đồng hành. Thứ hai, chúng ta là những kẻ có tội. Chúng ta nghĩ về bản thân mình. Chúng ta bị cô lập. Các định chế của chúng ta được thành lập để thực hiện các chương trình, các biến cố và lớp học - chúng không được thành lập nhằm đào tạo các môn đệ Công Giáo để truyền giáo cho thế giới, một việc cần đến Tin Mừng.

Nhưng, đó không phải là kết thúc của câu chuyện. Chúng ta không nên dừng lại ở việc rối loạn chức năng.

Đồng hành Công Giáo Đích Thực

Thực thế, việc đồng hành Công Giáo được coi là một mối liên hệ sâu sắc hơn là một dự án hay một câu lạc bộ. Nó không phải luôn luôn đồng ý hoặc hòa thuận với người khác. Không phải lúc nào cũng là bạn thân. Đó là yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

Đây là hình ảnh của Giáo hội sơ khai. Họ đã dành thời gian cho nhau, thực tế là họ đã dành rất nhiều thời gian cho nhau. Chúng ta có thể không dành nhiều thời gian cho nhau, nhưng không có thời gian thì không có cộng đồng. Hãy xem cách các tín đồ nhóm lại với nhau trong chương 2 sách Công vụ. Hãy đọc các thư của Thánh Phaolô và tưởng nghĩ đến việc dành nhiều thời gian như vậy cho những người khác. Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài đã du hành cùng nhau, làm việc cùng nhau, ăn cùng nhau, ngủ cùng một chỗ, tranh luận, bị bỏ tù, nhưng vẫn phục vụ cùng nhau. Đôi khi họ chia tay nhau. Nhưng, họ vẫn ủng hộ sứ mệnh của Giáo hội. Họ sống trong một cộng đồng, nơi họ gặp nhau thường xuyên, cầu nguyện cùng nhau, phục vụ bên cạnh nhau, quy trách nhiệm cho nhau và biết nhau. Cuối cùng họ đã cùng nhau thực hiện sứ mệnh, để đồng hành với những người khác.

Các mối liên hệ của Giáo hội sơ khai nhìn chung không giống như các mối liên hệ Công Giáo của chúng ta hiện nay. Trước hết, việc đồng hành Công Giáo đích thực không chỉ được thực hiện trong chiếc bong bóng. Nó được giả thiết phải tiếp cận với những người khác. Nó được cho là để lôi kéo người khác đến với các Bí tích. Nó được giả thuyết là vì lợi ích của thế giới, chứ không chỉ những người đi lễ. Nó cũng cần có nhiều ý hướng hơn. Tín thác hơn, để chúng ta có thể giải trình trách nhiệm với nhau. Nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, cả các mối liên hệ lẫn sự đồng hành đều không phải là mục tiêu.

Chúa Giêsu mới là mục tiêu.
Thiên đàng mới là mục tiêu.
Sự thánh thiện mới là mục tiêu.

Tuy nhiên, chúng ta không thể hoàn toàn đạt được những mục tiêu này nếu không có sự đồng hành Kitô giáo đích thực. Khi chúng ta tập chú cuộc sống của mình vào Chúa Giêsu, thiên đàng và sự thánh thiện, thì chúng ta có thể bước đi với những người khác một cách có ý hướng.

Đây là lý do tại sao chúng ta có rất ít cộng đồng trong giới Công Giáo ngày nay. Chúng ta tập chú vào “tình đồng đạo”, “cộng đồng”, “các mối liên hệ”, “nhóm nhỏ”, v.v. Chúng ta có các biến cố và chương trình, nhưng ít có đầu tư. Chúng ta thậm chí còn có ít ý hướng và sáng kiến trong các mối liên hệ. Chúng ta đơn giản không có đồng hành thực sự.

Như thế, chúng ta bỏ lỡ cộng đồng thực sự (vì có lẽ chúng ta chưa bao giờ thực sự trải nghiệm nó ra sao) VÀ chúng ta tập chú vào một thứ ít hơn mục tiêu thực sự của chúng ta phải là - Hiệp thông với Chúa Giêsu, cùng với nhau.

Chúng ta không hoàn chỉnh nếu không có những người khác. Chúng ta cần có nhau. Chúng ta là một phần của Giáo hội, vốn được Thánh Phaolô gọi là “thân thể của Chúa Kitô”.

Đồng hành có mục đích

Bạn không thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu khi bạn sống một cuộc sống tách biệt với Người như thế nào, thì bạn cũng không thể là một phần của cộng đồng Kitô giáo và sống tách biệt với những người khác như vậy. Chúng ta cần có một bức tranh toàn cảnh hơn và một phần của những gì Giáo hội (và thế giới) cần ngay bây giờ là các mô hình về việc đồng hành phải được giả thuyết như thế nào. Không chỉ có nhiều biến cố, lớp học và chương trình hơn. Các mối liên hệ không chỉ xảy ra bởi vì bạn tập hợp mọi người lại với nhau.

Chúng ta không cần sự mới lạ hoặc nhiều thứ khác đang diễn ra tại các giáo xứ của chúng ta.

Chúng ta cần tính chân thực, có ý hướng và chiều sâu trong các mối liên hệ - trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong tư cách các môn đệ.

Người Công Giáo hiểu nhu cầu của người khác. Chúng ta dựa vào các Thánh và các nhà lãnh đạo của Giáo hội để giúp chúng ta hiểu cầu nguyện, thần học, Kinh thánh, các Bí tích, v.v. Tương tự như vậy, chúng ta cần khai thác chiều sâu của những người Công Giáo vĩ đại đã đi trước chúng ta về mặt đồng hành. Họ đã sống, phục vụ, làm việc và cầu nguyện cùng nhau như thế nào? Thành quả và hoa trái của mối liên hệ của họ là gì? Chúng ta có thể học được gì từ cách họ đồng hành cùng nhau?

Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể thực sự lớn lên trong việc đồng hành cùng nhau hướng về thiên đàng. Không phải là một vỏ ngoài giả tạo của các mối liên hệ. Nhưng, những mối liên hệ có ý hướng thực sự, nơi chúng ta có thể cùng nhau học cách trở thành thánh. Nơi chúng ta có thể yêu mến Chúa Giêsu, được thử thách để trưởng thành, cùng nhau cầu nguyện, sống bên nhau và phục vụ nhau.

Đấy là đồng hành. Nó có vẻ lộn xộn nhưng cần thiết.