Theo Christopher Wells của Bản tin Vatican News, Buổi họp báo Thượng hội đồng hôm thứ sáu được trình bày, như thường lệ bởi chủ tịch Ủy ban Thông tin, Tiến sĩ Paolo Ruffini, với sự hỗ trợ của Tiến sĩ Sheila Pires, thư ký của Ủy ban. Khách mời tham dự buổi họp báo bao gồm Hồng Y Joseph Tobin của Newark, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Giuseppina De Simone, một nhân chứng của tiến trình đồng nghị từ Châu Âu; và Giám mục Shane Mackinlay của Sandhurst, Úc.

Tại cuộc họp báo hàng này vào chiều thứ sáu, Tiến sĩ Sheila Pires lưu ý rằng chủ đề chính của mô-đun này là chăm sóc các mối quan hệ, cả trong Giáo hội và giữa Giáo hội với thế giới.

Minh bạch, đào tạo, trách nhiệm giải trình

Bà nhấn mạnh rằng sự chăm sóc này phải dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và nhất quán. Tiến sĩ Pires cũng lưu ý rằng Đức Hồng Y Hollerich nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đào tạo toàn diện để đào tạo những Kitô hữu được chuẩn bị làm chứng nhân cho sứ mệnh, đồng thời lưu ý rằng sự phân định của Giáo hội khác với các vấn đề về kỹ thuật quản trị.

Bà Pires nhấn mạnh lời kêu gọi của Đức Hồng Y Hollerich về việc phát triển các tiế trình ra quyết định minh bạch và có sự tham gia trong Giáo hội, và nhu cầu giải trình thông qua việc đánh giá liên tục công việc của những người có trách nhiệm trong Giáo hội.

Đức Hồng Y Hollerich phát biểu trong Đại hội đồng VI


Các diễn trình biến đổi trong Giáo hội

Chuyển sang bài suy tư của Cha Timothy Radcliffe khi bắt đầu công việc về Mô-đun thứ ba, Tiến sĩ Pires chỉ ra sự so sánh của vị linh hướng dòng Đaminh giữa các quy trình biến đổi trong Giáo hội và sự tương tác của Chúa Giêsu với người phụ nữ Canaan trong Tin Mừng.

Cha Radcliffe cho biết sự im lặng của Chúa Giêsu thể hiện một khoảnh khắc lắng nghe sâu sắc có thể là hình mẫu cho những nỗ lực của Giáo hội trong việc lắng nghe tiếng kêu của những người đang đau khổ và giải quyết những câu hỏi phức tạp mà Giáo hội đang phải đối đầu ngày nay.

Bài suy tư của nhà thuyết giáo dòng Đaminh cũng nhấn mạnh đến vấn đề về mối quan hệ giữa bình đẳng và khác biệt, đặc biệt là trong bối cảnh các ơn gọi và vai trò khác nhau trong cộng đồng những người đã chịu phép rửa tội.

Cuối cùng, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu cầu nguyện liên tục và chăm chú, cũng như tầm quan trọng của việc chống lại sự thôi thúc tìm kiếm những câu trả lời ngay lập tức và đơn giản. Cha Radcliffe lưu ý rằng câu trả lời của Chúa Giêsu cho người phụ nữ Canaan cho thấy sự cởi mở và cái nhìn chào đón đối với những người khác biệt.

Cha Radcliffe đưa ra suy tư tâm linh


Công việc của Thượng hội đồng trong những ngày tới

Sau báo cáo của Tiến sĩ Pires, Tiến sĩ Ruffini đã phác thảo công việc của Thượng hội đồng trong vài ngày tới. Vào chiều thứ Sáu, Đại hội sẽ nghe báo cáo từ các nhóm ngôn ngữ khác nhau trước khi bỏ phiếu về chương trình nghị sự cho các cuộc thảo luận tiếp theo, sẽ bắt đầu vào sáng thứ Bảy.

Tiến sĩ Ruffini cũng mời mọi người tham gia Lễ canh thức đại kết của Thượng hội đồng, sẽ diễn ra vào tối thứ Sáu tại Quảng trường các vị tử đạo đầu tiên của Rôma bên cạnh Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Ngài lưu ý rằng hơn 80 giáo xứ trên khắp thế giới sẽ tổ chức các buổi cầu nguyện kết hợp với Lễ canh thức diễn ra tại Rome.

Tobin: Việc nhấn mạnh hơn vào lời cầu nguyện và sự im lặng

Ba vị khách cũng có mặt tại buổi họp báo: Hồng Y Joseph Tobin, C.Ss.R, của Newark, Hoa Kỳ; Tiến sĩ Giuseppina De Simone, một nhân chứng của tiến trình đồng nghị đại diện cho Châu Âu; và Giám mục Shane Mackinlay của Sandhurst, Úc.

Trong bài phát biểu của mình, Hồng Y Tobin đã thảo luận về một số điểm khác biệt giữa Thượng hội đồng hiện tại và các Thượng hội đồng trước đây mà ngài đã tham dự. Ngài đặc biệt lưu ý đến giai đoạn chuẩn bị của Thượng hội đồng, bao gồm các nỗ lực tiếp cận mọi người, thay vì chỉ lắng nghe một số nhóm được chọn.

Vị Hồng Y người Mỹ này cũng lưu ý đến sự nhấn mạnh hơn vào lời cầu nguyện và sự im lặng trong các Phiên họp và chỉ ra vai trò ngày càng tăng của các chuyên gia, chẳng hạn như các nhà thần học và chuyên gia giáo luật trong kỳ họp thứ hai của Phiên họp Toàn thể hiện tại.

Các thành viên tham gia thảo luận tại cuộc họp báo hàng ngày của Thượng hội đồng vào thứ Sáu


De Simone: Một dấu hiệu hy vọng lớn

Tiến sĩ Giuseppina De Simone, người có công trình học thuật tập trung vào mối quan hệ giữa triết học và thần học, cũng như hiện tượng học, cũng nhấn mạnh phương pháp luận của kỳ họp Thượng hội đồng này, nói rằng những đổi mới trong công tác chuẩn bị và hoạt động của Thượng hội đồng thực sự có ý nghĩa, thậm chí mang tính cách mạng.

Bà khẳng định rằng cuộc họp Thượng hội đồng hiện tại đã là một “dấu hiệu hy vọng lớn” mang lại điều gì đó cho Giáo hội thời đại chúng ta và cho toàn thể nhân loại.

Bà cho biết, kết quả của Thượng hội đồng chính là ý tưởng về một cuộc suy tư sâu sắc và nghiêm ngặt được thực hiện cùng nhau, bắt đầu từ việc lắng nghe lẫn nhau. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự im lặng, mà bà mô tả là khả năng “sống trong” những câu hỏi mà Thượng hội đồng phải đối diện và không tìm kiếm những câu trả lời đơn giản, tức thời.

Như những người tham gia trước đây đã làm, Tiến sĩ Simone nhấn mạnh hình ảnh “đẹp” được thể hiện qua các bàn, nơi tất cả đều được đại diện trên cơ sở bình đẳng.

Sự hiện diện đáng kể của các nhà thần học tại các bàn cũng là một dấu hiệu tuyệt vời, chính là vì nhu cầu về “kiến thức chuyên môn và kỹ thuật”, tuy nhiên phải tránh nguy cơ trở thành chủ nghĩa tinh hoa hoặc mất liên lạc với thực tại của cuộc sống hàng ngày.

Mackinlay: Thượng hội đồng và Công đồng toàn thể của Úc

Về phần mình, Đức cha Mackinlay đã nói về những điểm tương đồng giữa Thượng hội đồng về tính đồng nghị và Công đồng toàn thể diễn ra tại Úc trong vài năm qua.

Đặc biệt, ngài lưu ý đến sự đại diện của toàn thể dân Chúa cùng với các Giám mục; phương pháp đàm thoại trong Chúa Thánh Thần; và các giai đoạn tham vấn khác nhau; cũng như sự phân chia các Phiên họp Toàn thể giữa những điểm chung giữa hai biến cố giáo hội.

Đức cha Mackinlay cũng lưu ý rằng các chủ đề và chủ điểm tương tự đã nảy sinh trong cả hai cuộc họp, phản ảnh những mối quan tâm và hy vọng tương tự được dân Chúa ở Úc và trên toàn thế giới bày tỏ.

Trong khi Công đồng toàn thể ở Úc đưa ra những quyết định quan trọng và có giá trị, Đức cha Mackinlay đã nhấn mạnh đến sự thay đổi trong văn hóa giáo hội như một trong những thành quả quan trọng nhất của quá trình này. “Chúng tôi đã thay đổi cách chúng tôi hiểu về Giáo hội tại Úc, cách tiếp cận chuẩn mực đối với mọi thứ”, ngài nói, đồng thời nói thêm rằng ngài cảm thấy điều tương tự cũng đang xảy ra tại Thượng hội đồng.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Đức Giám Mục Mackinlay đã nêu bật một trong những thách thức đối với những người tham dự Thượng hội đồng, cho biết họ vẫn đang nỗ lực xác định cách sử dụng các quy trình phân định và phương pháp đối thoại theo Chua Thánh thần “hiệu quả nhất” trong việc ra quyết định. Ngài mô tả quá trình chuyển tiếp từ lắng nghe và phân định sang giải quyết khó khăn là “thách thức”.

Đồng thời, ngài gợi ý rằng có thể hữu ích khi thu thập các mô hình và chuẩn mực khác nhau có thể đóng vai trò là mô hình cho việc ra quyết định.