(Tiếp theo)

III.- NHÀ NƯỚC KHÔNG THỰC THI THỎA THUẬN SINGAPORE.

Sau khi Thỏa thuận Singapore được ký kết năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình trở về Việt Nam. Đúng theo cam kết, Việt Nam miễn án tù và cho phép ông Bình ra vào nước dễ dàng. Báo chí lề đảng tuy không đề cập đến Bản thỏa thuận, nhưng tờ Lao Động ngày 11.06.2012 loan tin ‘ông Bình được Chính phủ ta giải quyết miễn chấp hành hình phạt tù, cho về Việt Nam’. Tuy nhiên, việc hoàn trả lại tài sản đã không được thực hiện như đã hứa hẹn trong Bản thỏa thuận.

Do đó, trong những năm từ 2006 đến 2014, ông Bình đã gửi rất nhiều đơn, có thể ‘cân ký được’ như ông nói, để xin giải quyết việc trả lại những địa điểm tài sản mà nhà nước đã long trọng cam kết. Nhưng họ, trong một lần duy nhất, khi nhận được đơn yêu cầu trả lại tài sản cho ông, đã có văn thư trả lời. Ðó là, vào tháng 9/2008, Bộ Tư pháp Việt cộng gửi một văn thư báo cho ông Bình biết là ‘Bộ đang nghiên cứu, xem xét theo quy định của pháp luật’. Nhưng, hình như đã mệt hay vì không theo ‘thủ tục đầu tiên’, kể từ sau văn thư này, Bộ Tư pháp đã ‘bặt vô âm tín’.

Ngày 12.10.2009, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao gửi một văn bản đến Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị Bộ này ‘có ý kiến’ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ‘chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành dừng việc san lấp, sử dụng đất có liên quan tới việc khiếu tố để chờ ý kiến kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, tránh việc khiếu tố kéo dài, phá vỡ cam kết’. Tuy nhiên, những chỉ đạo từ bên trên đã không hề có hiệu lực trên thực tế tại địa phương.

Gần đây, trong các ngày 24 và 25.07.2017, đài VOA (Tiếng nói Mỹ quốc) liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tư pháp để xác minh việc này nhưng chỉ được trả lời ‘bận’ và từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ Trịnh Vĩnh Bình.

Cũng trong thời gian này, ông Bình nhận được lời giải thích từ phía đại diện Việt Nam về việc không hoàn trả các tài sản đã tịch biên. Ông Bình kể cho VOA: « Đoàn đàm phán Việt Nam trình bày lý do tài sản bị sang tay, không thể trả lại ».

Ông Bình kể họ nói như thế này: « Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để giải quyết cho ông Bình theo thỏa thuận Singapore. Nhưng khi về, chúng tôi gặp khó khăn là những tài sản đó bây giờ đứng tên người thứ 2, thứ 3…’, tức là họ sang tay, bán mấy lần rồi. Cái câu ‘thứ 2, thứ 3’ là đúng. Nhưng tôi muốn nói cái dối của họ là họ qua họp khoảng năm 2014, 2015. Trong khi chính người phát ngôn đó hồi năm 2009, 2010, trong một văn bản, tìm cách lý giải ‘tiêu chí’ mà trong Bản Thỏa thuận có ghi là từ ‘hợp lý’. Họ đưa ra hàng lô những cái mà họ cho là không hợp lý để không trả tài sản lại ». Theo ông Bình, Việt cộng đã cố tình thêm chữ ‘hợp lý’ vào Bản Thỏa thuận, trong khi trước đó trong các bản thảo thương lượng, họ cam kết trả lại toàn bộ tài sản cho ông.

Tại Việt Nam, báo chí thời gian này cũng đưa tin về chuyện nhiều tài sản của ông Bình đã bị ‘xà xẻo’, tự ý bán một cách ‘tùy tiện và cẩu thả’, đi kèm với tin truy tố một vài cán bộ thuộc Cục thi hành án dân sự, chỉ là ‘những con tép riu’ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có dính líu đến vụ án này.

Báo Thanh Niên ngày 11.06.2012 nói « Ðã có nhiều sai phạm trong thời kỳ hậu vụ án. Nhiều tài sản của ông Bình bị bán một cách ‘bất minh’, trong đó có khu ‘đất đẹp’ giá rẻ về tay người nhà ‘của 3 cán bộ thi hành án’ ». Cũng theo báo này, ‘trong quá trình kê biên khu nhà kho thuộc tài sản của ông Bình, các cán bộ này đã phát hiện ra 12 xe ô tô trong nhà kho không được tuyên trong bản án. Thay vì phải xác minh làm rõ nguồn gốc, chủ sở hữu, Hoàng và Linh (2 trong số 3 cán bộ) vội vàng tiến hành việc cưỡng chế, tịch biên số tài sản này.”

Trong thời gian tài sản của ông Bình bị sang tay, chi a chát vô tội vạ ở địa phương, lãnh đạo trung ương cũng có những ‘chỉ đạo’ xuống cho các bộ, ngành và địa phương liên quan đến vấn đề tài sản của ông Bình. Một văn bản đóng dấu ‘Hỏa tốc’ của Văn phòng chính phủ gửi cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Tòa phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngày 02.04.2010 ghi rõ: ‘Giao Bộ Tư pháp chủ trì họp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM và Ủy ban Nhân dân (UBND) các địa phương có liên quan bàn thống nhất biện pháp xử lý tài sản liên quan đến vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2010’.

Trước đó, một văn bản từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 12.10.2009 gửi Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ này ‘có ý kiến’ với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ‘chỉ đạo UBND thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành dừng việc san lấp, sử dụng đất có liên quan tới việc khiếu tố để chờ ý kiến kết luận giải quyết cuối cùng của cơ quan chức năng, tránh việc khiếu tố kéo dài, phá vỡ cam kết’. Tuy nhiên, những chỉ đạo từ bên trên đã không có hiệu lực thực tế tại địa phương vì, ở đó, bên dưới đã chia nhau.

Còn hy vọng nơi chế độ ‘trên bảo, dưới không nghe’, năm 2012, ông Bình đã về Việt Nam và đến gặp đồng chí Nguyễn Thị Bình, cựu Chủ tịch nước mà ông đã tận tai nghe bà chất vấn ông Trịnh Hồng Dương, Chánh án Tối cao trước Quốc hội (thời Nông Đức Mạnh là Chủ tịch) về vụ án của ông ngày 20.05.1999. Ông thuật : « Tôi đến cầu cứu bà ấy. Bà Bình thở dài, ngả người ra sau ghế và nói ‘Bình ơi, chị bây giờ không còn quyền chức, không làm gì hết. Thời chị còn quyền chức, chị nói còn chưa nghe nữa mà. Thôi để chị thử ». Ngày 26.12.2012, bà Bình viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ‘đề nghị đồng chí có thể dành ra một ít thời gian chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và các tỉnh có liên quan để giải quyết dứt điểm việc này, giữ uy tín cho Chính phủ, đảm bảo công bằng và nghiêm minh của pháp luật, tránh những phức tạp có thể xảy ra không cần thiết’.

{Chế độ cộng sản Hà nội có những đặc tính vượt mức ‘văn minh nhân loại’. Tại đây, chúng ta hãy nhắc đến hai :

1./ ‘Trên nói, dưới không nghe’. Trong chế độ độc tài này, chỉ có đảng viên mới được trao các chức vụ. Giữa họ, chúng quá biết là việc chia chát quyền chỉ dựa vào phe nhóm. Nếu một đồng chí A có chức thấp hơn đồng chí B trong nhà nước, nhưng thuộc phe nhóm có thế mạnh hơn trong đảng. Nếu muốn, đồng chí A không tuân chỉ thị từ đồng chí B vì có ‘dù che’. Trong chế độ dân chủ, chức quyền do người dân bầu ủy nhiệm. Quyền và nhiệm vụ từng chức vụ được quy định bởi Hiến pháp và luật lệ do Quốc hội biểu quyết, Chính phủ thi hành và, nếu có vi phạm, Tòa án xét xử và tuyên án.

Do dốt nguyên tắc đó, các lãnh đạo cao cấp Việt cộng, khi công du các nước dân chủ (Úc, Pháp, Anh,…) rất ngạc nhiên khi nhận thấy các cấp chính quyền trung ương và địa phương được tro cho những chính trị gia thuộc các đảng đối lập nhau, nhưng hoạt động rất nhịp nhàng và hữu hiệu cho toàn xã hội.

Ngày 08.09.2017, đài RFA (Á châu Tự do) loan tin : « Hai ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, than phiền về việc giám sát cán bộ cao cấp thật khó khăn do nơi ở kín cổng cao tường và có bảo vệ. Thậm chí đoàn giám sát tới, bảo vệ mời đi chỗ khác.

2./ ‘Để lâu cứt trâu hóa bùn’. Nhờ vào ‘đức tính’ này mà cộng sản Việt đã thắng Pháp và Mỹ. Khi cùng nông dân làm làm việc đồng áng, con trâu đại tiện ngay trong ruộng và sản phẩm của nó, sau một thời gian, người ta không còn phân biệt nó với bùn nữa. Sau thế chiến thứ 2, người dân Pháp đã ‘ngán’ chiến tranh, cộng sản Pháp đã ‘đâm sau lưng chiến sĩ’ bằng cung cấp mật tin cho Việt minh để đưa tới thất thủ Ðiện biên phủ và phải ký Hiệp định Geneva ngày 20.07.1954. Người cộng sản, nằm tại quê nhà, nhận súng đạn Nga và Tàu để cứ giết người, bất kể Pháp hay Việt. Chết bao nhiêu và kéo dài bao lâu cũng được cho đến khi từ ‘khủng bố’ được Quốc Tế vinh danh ‘kẻ chiến thắng’ và được chiếm Miền Bắc để cai trị một dân số Việt cao hơn Miền Nam. Không học được bài đó, nhà nước Mỹ xua quân vào Việt Nam Cộng hòa để, sau khi chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của 58.315 công dân Mỹ, đã rút lui ‘trong danh dự’. Nhờ phản bội lời hứa với Việt Nam Cộng hòa để trọn nước Việt Nam rơi vào tay Việt cộng.

Trong vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, dù nhà nước đã hứa hoàn trả tài sản cho kiều bào nạn nhân. Nhưng nay, đồng đảng đã chia nhau của cải này thì nhà nước cử để thời gian trôi qua cho đến khi ông Bình nãn lòng bỏ đi như các cường quốc Pháp và Mỹ đã làm. Trong trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Liên bang Ðức, nhà nước cũng đang ‘Để lâu cứt trâu hóa bùn’ đối với cường quốc kinh tế này như ông Hồ Ngọc Thắng, một người Việt ‘nằm vùng’ trong sở Di dân Liên bang, viết ‘Tôi tin rằng, vài ngày nữa, chậm nhất vài tuần, sự kiện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm trong sự lãng quên. Cũng chẳng tốt đẹp gì cho Nhà nước Đức, nếu ai nhắc lại vụ việc này’.

Ngày 17.08.2017, ông Nguyễn Vi Khải, thành viên trong Ban Cố vấn Thủ tướng Phan Văn Khải trong thời gian diễn ra thương lượng giữa ông Bình và nhà nước Việt Nam lần thứ nhất (những năm 2003–2006), nhận định: « Đây là ví dụ của tình trạng ‘hình sự hóa các quan hệ kinh tế’ lúc đó. Người ta xử án theo kiểu ‘bỏ túi’ (tức là án Kangaroo). ‘Án Kangaroo’ là, trong Phiên tòa, mặc mọi người cứ nói thế nào cũng được, khi tuyên án, Chánh án cứ xử theo lịnh của Cộng đảng mà để phỉ nhổ, đồng bào dùng hình ảnh ‘bỏ túi’. Cho đến ngày nay, ‘án Kangaroo’ vẫn thịnh hành, như trong vụ xử hai phụ nữ can đảm yêu nước Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (10 năm tù) và Trần Thị Nga (9 năm tù). Các cấp trên chính phủ có can thiệp vào thì cũng phải theo án lệ này. Trong khi đó các trọng tội làm thất thoát hàng nghìn tỷ tài sản quốc gia thì đáng nhẽ phải hình sự hóa những vụ đó, thì lại hành chính hóa các tội phạm này, để cho các tội phạm này trốn ra nước ngoài dễ dàng bằng cách đi chữa bệnh, đi học… như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… ». Cũng theo ông này thì Thủ tướng Phan Văn Khải đã có bút phê gửi Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương yêu cầu xem lại trường hợp của Trịnh Vĩnh Bình, nhưng vô hiệu quả vì một ‘nhà nước vô tài và thất đức’. Ngày 17.08.2017, ông Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Amsterdam kể lại: « Phản ứng Chính phủ Hòa Lan khi đó rất gay gắt, yêu cầu chính phủ Việt Nam phải xét xử lại, không được thực thi phán quyết bất lợi đối với ông Trịnh Vĩnh Bình, và phải thực thi đúng cam kết bảo hộ đầu tư song phương. Trên thực tế, vụ việc này khi đó ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ bang giao hai nước Việt và Hòa Lan, tạo ra hệ luỵ ‘hữu hình và vô hình’». Sự tàn tệ như vậy làm hài lòng bọn phản chiến và những phần tử ‘trí thức thành phần thứ ba’ thân cộng chưa ?
IV.- DOANH NHÂN GÔÁC VIỆT PHẢI TÁI KIỆN NHÀ NƯỚC VIỆT.
Mặc dù Đại tá-Luật gia Lê Mai Anh đã từng, sau khi nhận được kêu cứu từ ông Bình, đã cảnh báo ‘Trả lại tiền cho ông ấy bây giờ là khó khăn lắm. Không thể có chuyện ấy được đâu. Nhưng mà ông ấy vẫn cứ tin Nhà nước mình nên ông ấy cứ chờ đợi từ năm này sang năm khác’. Tuy nhiên, tháng 1/2015, ông quyết định khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa Trọng tài Quốc tế lần thứ hai và đã chuyển hồ sơ vụ kiện lần này cho tổ hợp luật sư nổi tiếng Mỹ: King & Spalding. Lần này, ông đòi nhà nước Việt Nam phải bồi thường ít nhất 1,25 tỷ (1.250.000.000) mỹ kim, được chiết tính như sau :

Mục 1 :

- 1a. những tài sản mà chính phủ Việt Nam tịch thu hay chiếm đoạt trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế về hiệp thương : Luật đầu tư liên quan đến Hiệp thương đầu tư song phương giữa Hòa Lan và Việt Nam ;
- 1b. do vụ án gây ra một số hệ quả, nên những hệ quả đó cũng được liệt kê vào để đòi đền bù.

Mục 2, chiếu theo án lệ có từ một vụ kiện nhốt tù oan sai ở Mỹ. Trong vụ kiện này, người bị nhốt tù oan 4,5 ngày đã được tòa xử buộc Chính phủ Mỹ phải bồi thường 5 triệu mỹ kim. Theo đó, một ngày bị tù oan được bồi thường khoảng 800.000 mỹ kim. Chiếu theo án lệ này, ông Bình quy ra số tiền đòi nhà nước Việt cộng phải bồi thường cho hơn 18 tháng họ giam giữ ông.

Nhà nước Cộng sản Việt lần này mướn tổ hợp Luật sư danh tiếng Anh quốc, Freshfields Bruckhaus Deringer LLP. Ðài VOA cho biết đã nhiều lần liên lạc chuyên viên tư vấn pháp lý của tổ hợp luật sư trên, nhưng đều không nhận được câu trả lời. Trong văn bản gửi đài VOA ngày 08.08.2017, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ trả lời chung cho gần 10 câu hỏi của đài này rằng: « Chúng tôi sẽ chuyển những câu hỏi này của phóng viên đến các cơ quan chức năng. Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định pháp luật ». Ðến giờ này, Việt cộng còn tuyên truyền, lường gạt sao, Phương Trà ? Tiếp theo đó, tại cuộc họp báo chiều ngày 30.08.2017, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo Tuổi Trẻ rằng họ đang chờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hòa Lan gốc Việt, kiện chính phủ Hà Nội đòi bồi thường 1,250 tỷ mỹ kim. Ông cũng không quên khoe ‘quan điểm của Hà Nội là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước’.

V.- TRANH TỤNG TRƯỚC TÒA ÁN TRỌNG TÀI QUỐC TẾ.

Tòa án Trọng tài Quốc tế (TATTQT), chiếu khiếu nại của nhà nước Việt cộng, đã yêu cầu ông Trịnh Vĩnh Bình ngưng tiếp xúc các cơ quan truyền thông. Do đó, ông này đã thực hiện điều đó vào lúc 23 giờ 30 ngày 29.07.2017.

A.- Toà án Trọng tài quốc tế (International Court of Arbitration, tiếng Anh và Cour Internationale d’Arbitrage, tiếng Pháp) là cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Toà án này là một phần của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), gồm hơn 100 thành viên từ khoảng 90 quốc gia. Trụ sở trung ương được đặt tại Paris, Cộng hòa Pháp. Tòa án được thành lập năm 1923 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch đầu tiên là ông Étienne Clémentel, cựu Tổng trưởng Tài chính Pháp.

B.- Phòng Thương mại Quốc tế (ICC, International Chamber of Commerce, tiếng Anh và Chambre de commerce internationale), tiếng Pháp) là tổ chức kinh doanh đại diện lớn nhất và tiêu biểu nhất thế giới. Nhiều trăm ngàn công ty thành viên ICC tại hơn 130 quốc gia có lợi ích trải rộng khắp mọi lĩnh vực của doanh nghiệp tư nhân.

TATTQT có ba hoạt động chính: thiết lập quy tắc, giải quyết tranh chấp, và vận động chính sách. Vì các công ty thành viên và các hiệp hội của nó tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế, nên nó có quyền hạn vô song trong việc đưa ra các quy tắc chi phối hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Dù các quy tắc này là tự nguyện, nhưng chúng được tuân thủ trong vô số các giao dịch hàng ngày và đã trở thành một phần của thương mại quốc tế.

Mạng lưới toàn cầu của các ủy ban quốc gia trên 90 nước chủ trương ưu tiên kinh doanh ở cấp quốc gia và khu vực. Hơn 3.000 chuyên gia từ các công ty thành viên ICC cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm của họ để xây dựng thành quan điểm của ICC về các vấn đề kinh doanh cụ thể. Bởi thế, ICC hỗ trợ công việc của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, và nhiều tổ chức liên chính phủ khác, cả quốc tế và khu vực, như G20 nhân danh cho kinh doanh quốc tế. ICC là tổ chức đầu tiên được địa vị tư vấn cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc và giữ địa vị quan sát Liên Hiệp Quốc.

C.- Thủ tục Tố tụng Trọng Tài tại Tòa Trọng tài Quốc tế.

Các trọng tài viên TATTQT thực thi thẩm quyền theo các quy định trong Bản Quy tắc Tố tụng Trọng tài năm 2012, gốm 35 điều, có hiệu lực từ ngày 01.06.2014 (viết tắt: Bản Quy tắc). Nhiều thẩm quyền của Tòa án này gồm những quyết định vể địa điểm trọng tài, chỉ định và quyết định không thừa nhận các trọng tài, giám sát quá trình giải quyết bởi trọng tài hầu bảo đảm tiến trình giải quyết đó tuân theo Bản Quy tắc để xem xét đưa ra phán quyết chung thẩm. Tòa không tự mình giải quyết các tranh chấp, nhưng trao cho Hội đồng Trọng tài (HĐTT), TATTQT giữ vai trò kết nối các bên với HĐTT và bảo đảm các quyết định của trọng tài viên có hiệu lực bằng các chức năng xem xét, giám sát các quyết định này cùng các chức năng khác.

Việc thực hiện các chức năng này được thực hiện qua Ban Thư ký, gồm trên 80 luật sư và nhân viên, có thể giao tiếp bằng lối 25 ngôn ngữ. Ban này được chia thành 8 ‘nhóm giải quyết tranh chấp’. Mỗi trọng tài viên được chuyên môn hóa trong một nhóm này.

1./ Tiến trình Tố tụng Trọng tài khởi đầu khi nguyên đơn nộp Đơn Yêu cầu Tố tụng Trọng tài tại Ban Thư ký (Điều 4 Bản Quy tắc) kèm 3.000 mỹ kim (Chi phí hành chánh nhận Ðơn). Ban này cấp Biên nhận Ðơn cho đương sự. Trong Ðơn, nguyên đơn phải đưa ra những thông tin chi tiết cần thiết không giới hạn: lý lịch các bên và đại diện của mình, mô tả tranh chấp, yêu cầu đòi bồi thường, thỏa thuận trọng tài, ngôn ngữ trọng tài, … Ðồng thời, Ban Thư ký gởi một bản Đơn yêu cầu tố tụng trọng tài này cho bị đơn (bên bị thưa kiện) và yêu cầu nộp Bản trả lời theo Đơn kiện này và cả Ðơn kiện lại, nếu có (Điều 5) trong thời hạn 30 ngày. Ban Thư ký có thể tăng thời hạn này cho bị đơn.

2./ Chỉ định trọng tài viên.

Mỗi trọng tài viên phải duy trì tính vô tư và độc lập đối với các bên trong cuộc tố tụng trọng tài. Ðương sự phải tiết lộ bằng văn bản cho Ban Thư ký bất cứ sự kiện hay tình trạng nào gây nên sự hoài nghi về đặc tính đó trong mắt các bên. Trong việc chỉ định các trọng tài viên, TATTQT cứu xét quốc tịch của trọng tài viên tiềm năng, nơi cư trú và các mối quan hệ khác với các nước mà các bên và các trọng tài viên tiềm năng là công dân và khả năng của trọng tài viên tiềm năng thực hiện quá trình trọng tài theo Điều 13.1 Bản Quy tắc.

Số lượng trọng tài viên được thoả thuận bởi các bên là 1 hoặc 3 họp thành HÐTT (Điều 12). Nếu các bên không đồng ý về số lượng trọng tài, TATTQT sẽ chỉ định 1 trọng tài viên duy nhất, trừ khi sự cần thiết buộc phải chỉ định 3 trọng tài viên. Nếu không thể chỉ định, Toà sẽ chỉ định trọng tài khác. Điều này bao gồm cả việc chỉ định Chủ tịch HĐTT trong trường hợp các bên không đồng ý về việc chỉ định này.

3./ Điều khoản Tham chiếu (TOR).

Sau khi nhận hồ sơ kiện từ Ban Thư ký gửi đến, HĐTT sẽ soạn thảo ‘Bản Ðiều khoản Tham chiếu’ (TOR) dựa trên các văn bản giải trình của các bên trong vòng 2 tháng (Ðiều 23). TOR là văn bản trong tố tụng trọng tài được phân xử, bao gồm thỏa thuận ký kết giữa các bên và các trọng tài viên về các vấn đề liên quan đến thông tin chi tiết về các bên và các thông báo, tóm tắt luận cứ và yêu cầu đòi bồi thường của các bên và các vấn đề tố tụng khác.

TOR được thi hành theo thoả thuận vì mục đích tiến trình tố tụng trọng tài. Do đó, ngay sau khi các bên ký TOR, không bên nào đưa ra khiếu kiện mới nằm ngoài giới hạn TOR trừ phi được HĐTT cho phép, sau khi xem xét bản chất của yêu cầu khởi kiện mới, giai đoạn trọng tài và các vấn đề khác liên quan.

4./ Thực hiện Tố tụng Trọng tài và Quản lý vụ việc

Vì mục đích giải quyết vụ việc và bảo đảm việc thực hiện tiến trình tố tụng trọng tài được đưa ra, Điều 24 Bản Quy tắc yêu cầu sau khi TOR được ký, HĐTT tổ chức ‘phiên họp điều hành vụ việc’ để lấy ý kiến các bên về thủ tục thực hiện tố tụng trọng tài. Liên quan đến việc nộp tài liệu, Bản Quy tắc chỉ yêu cầu Đơn kiện và Bản phúc đáp tương ứng. Tiếp đến, HĐTT lập lịch trình tiến hành tố tụng trọng tài và chuyển đến TATTQT.

5./ Kết thúc Tố tụng Trọng tài và Ban hành phán quyết
Sau khi tiến hành phiên họp cuối cùng liên quan đến những vấn đề được quyết định trong phán quyết, HĐTT sẽ tuyên bố kết thúc tố tụng trọng tài (Điều 27). Sau tuyên bố này, không có bất kỳ đệ trình, tranh luận và bằng chứng nào được đưa ra thêm. Phán quyết cuối cùng (Ðiều 30) được đưa ra trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các bên ký TOR và có thể gia hạn. Tuy nhiên, Bản Quy tắc cho phép một khoản thời gian để ban hành phán quyết linh hoạt hơn dựa trên quyết định của HĐTT hoặc phần lớn dựa trên sự đồng thuận của các bên. TATTQT có thể gia hạn thời gian nếu có yêu cầu hợp lý từ HĐTT.

Sau khi thông báo kết thúc thủ tục tố tụng trọng tài, HĐTT sẽ thông báo cho Ban Thư ký ngày mà HĐTT nộp bản thảo phán quyết để xin sự đồng ý của Tòa án Trọng tài Quốc tế.

Ngày 21.08.2017, phiên xử vụ kiện doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, người Hòa Lan gốc Việt, chống nhà nước Việt Nam bắt đầu. Ngày 27.08.2017, ông Bình ra về trong hớn hở, chiến thắng, nhưng không trả lời những đồng bào đang chờ đợi. Sự thật có như vậy không? Chúng tôi xin được tiếp kỳ sau.

Hà Minh Thảo