1. Báo cáo của cơ quan kiểm soát tài chánh tại Vatican cho thấy có tiến bộ đều đặn

Hôm 15 tháng 7, cơ quan kiểm soát tài chánh tại Vatican, gọi tắt là ASIF, đã công bố phúc trình hoạt động năm 2020 trong lãnh vực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Phúc trình dài 52 trang cho thấy sự cộng tác trong nội bộ Vatican và quốc tế tiến hành tốt. Trong năm ngoái 2020, cơ quan kiểm soát này báo động có 89 vụ đáng nghi ngờ và 16 vụ được chuyển tới văn phòng công tố. 49 vụ bị các cơ quan thông tin tài chánh khác của Vatican điều tra. Có 124 người bị trừng phạt.

Theo cơ quan ASIF, những con số trên đây chứng tỏ sự hoạt động ăn ý giữa Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican về việc bài trừ những hoạt động phạm pháp.

Một chi tiết khác được thông báo, đó là việc sử dụng tiền mặt tại Vatican ngày càng giảm bớt, và đây là điều quan trọng trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền. Ngân hàng Vatican, gọi tắt là IOR, thi hành phần lớn các cuộc chuyển ngân qua hệ thống Sepa, nhờ đó việc kiểm soát trở nên minh bạch.
Source:Vatican News

2. Giám Mục bị mời đi uống trà rồi biệt tích, chủng sinh bị ép kết hôn, linh mục bị sách nhiễu

Hôm 15 tháng 7, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, đã lên tiếng báo động về tình trạng của Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱). Ngài bị bắt hồi cuối tháng 5 vừa qua. Đến nay, vẫn chưa biết ngài bị giam cầm tại đâu.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ là Giám Mục của giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡) và 10 linh mục đã bị bắt cùng với các chủng sinh trong một chủng viện chui. Đó là một nhà máy của một người Công Giáo. Người chủ nhà máy quảng đại và can đảm cho giáo phận mượn làm nơi đào tạo các chủng sinh.

Các vị đã bị đưa đến một khách sạn của công an Trung Quốc, nơi các ngài đang bị biệt giam và phải “cải tạo tại chỗ” nhằm khắc sâu các nguyên tắc của Pháp lệnh tôn giáo mới do bọn cầm quyền đưa ra.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ 63 tuổi, được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam từ năm 1991. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận và điều này khiến ngài trở thành một tên “tội phạm”.

Tương tự, 10 linh mục bị bắt cũng là “tội phạm” vì các ngài từ chối gia nhập cái gọi là “Giáo hội quốc doanh”, và khẳng khái bất phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo yêu cầu của Pháp lệnh về các hoạt động tôn giáo.

Đức Cha Trương và các linh mục của ngài đã bị bắt trong hôm 20 tháng 5 trong một chiến dịch cảnh sát quy mô có sự tham gia của 100 cảnh sát từ Thương Châu (Cangzhou, 沧州), Hà Gian (Hejian, 河间) và Sa Hà Cao (Shaheqiao, 沙河桥). 10 sinh viên đang theo học thần học trong nhà máy cũng bị bắt. Tính đến chiều ngày 25 tháng 5, tất cả các chủng sinh đã được thả về với gia đình của họ, sau khi bị đe nẹt, và bị cấm tiếp tục học thần học. Trong một số trường hợp các thầy bị ép lập gia đình.

10 linh mục bị bắt chung với Đức Cha Trương đã được thả tự do. Các ngài nói rằng ban đầu công an Trung Quốc nói họ mời các vị đi uống trà, mạn đàm. Sau 5 ngày bị học tập cải tạo tại chỗ, các linh mục được trả tự do nhưng thường xuyên bị kêu lên làm việc. Đức Cha Trương bị giữ lại vì ngài kiên quyết không gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, và bị đưa đi biệt tích.

Tại Trung Quốc, Pháp lệnh tôn giáo mới chỉ cho phép các hoạt động tôn giáo, bao gồm cả các lớp thần học, diễn ra trong các cơ sở được bọn cầm quyền cho phép và kiểm soát. Các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện các chức năng của mình nếu họ gia nhập Giáo hội quốc doanh độc lập với Tòa thánh, và phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không làm thay đổi bản chất của việc kiểm soát này: Tòa thánh đã ký thỏa thuận với bộ ngoại giao Trung Quốc. Nhưng hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc do Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tôn giáo quản lý. Mọi thỏa thuận với bộ ngoại giao không có một chút ảnh hưởng nào đến tình hình cụ thể ở quốc gia này.

Vì lý do này, mặc dù Thỏa thuận công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và do đó cũng là của Giáo hội Trung Quốc, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ hệ quả nào liên quan đến quyền tự do thờ phượng cho các cộng đồng địa phương. Ngược lại, sau Thỏa thuận, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.
Source:Asia News3. Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone San Francisco nói Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ vẫn được tiếp tục tại San Francisco

Khi các Giám Mục giáo phận xem xét cách thực hiện Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Tổng Giám Mục San Franciso cho biết Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ được tiếp tục trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nói với CNA ngày 16 tháng 7 rằng “ Thánh lễ là một phép lạ dưới mọi hình thức: Chúa Kitô đến với chúng ta bằng xương bằng thịt dưới hình dạng Bánh và Rượu. Sự hiệp nhất dưới quyền của Chúa Kitô là điều quan trọng. Do đó, Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ tiếp tục được cử hành tại đây trong Tổng Giáo phận San Francisco và được cung cấp để đáp ứng nhu cầu và mong muốn chính đáng của các tín hữu”.

Có vẻ như các Thánh lễ Latinh Truyền thống ở các giáo phận trên khắp Hoa Kỳ phần lớn sẽ được tiếp tục theo lịch trình, trong khi các Giám Mục chuẩn bị các phản ứng đối với Traditionis Custodes.

Traditionis Custodes quy định rằng các Giám Mục bản quyền có thẩm quyền hoàn toàn trong việc cho phép sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 trong giáo phận của ngài, theo các hướng dẫn của Tòa Thánh.

Tuy nhiên Tự Sắc cũng đặt ra trách nhiệm đối với các Giám Mục mà trong giáo phận của ngài đã có một hoặc nhiều nhóm dâng Thánh lễ dưới hình thức ngoại thường, buộc các Giám Mục phải bảo đảm rằng các nhóm này không phủ nhận hiệu lực của Công đồng Vatican II và Huấn quyền.

Các Giám Mục được hướng dẫn chỉ định một hoặc nhiều địa điểm nơi các tín hữu gắn bó với Thánh lễ Latinh Truyền thống có thể tụ họp để cử hành thánh thể. Tuy nhiên, không phải ở các nhà thờ giáo xứ và không được xây dựng thêm các giáo xứ tòng nhân mới.
Source:Catholic News Agency

4. Phản ứng của các Giám Mục Mỹ khác đối với Tự Sắc Traditionis Custodes

Tình cảm của Đức Tổng Giám Mục Cordileone phù hợp với tình cảm của các Giám Mục khác.

Đức Cha Edward Scharfenberger, Giám Mục giáo phận Albany đã viết rằng “Đối với việc cử hành Phụng vụ Rôma trước những cuộc cải cách năm 1970, tôi muốn nhắc lại những điều tốt đẹp về mục vụ và sự thánh thiêng đã được trải nghiệm bởi những người đã và đang tham gia vào hình thức này của Phụng vụ. Tôi cũng xin ghi nhận nhiều đóng góp quý báu cho đời sống của Giáo Hội qua những buổi cử hành này”.

Ngài nói thêm rằng ngài, cùng với các Giám Mục khác, đã được hỏi ý kiến vào năm ngoái về Thánh lễ Latinh Truyền thống: “Việc này đã được hoàn thành đúng hạn và gởi đi một cách hợp lệ, mặc dù, theo hiểu biết tốt nhất của tôi, cho đến nay, không có bản tóm tắt nào về các câu trả lời khác nhau của các Giám Mục. Phần trả lời của tôi cho biết chi tiết về các điều khoản và kinh nghiệm hiện tại trong Giáo phận; cũng như các điểm khác, chẳng hạn như những điểm được đề cập trong đoạn trên”.

Giáo phận Arlington nói với CNA rằng tất cả các giáo xứ đã lên kế hoạch tổ chức Thánh lễ theo Hình thức Ngoại Thường sẽ được tiếp tục làm như vậy.

Billy Atwell, giám đốc truyền thông của Giáo phận Arlington cho biết “Đức Cha Burbidge đã đọc Tự Sắc về Sách lễ năm 1962”.

“Ngài sẽ xem xét văn bản chi tiết hơn và cung cấp hướng dẫn thêm cho các linh mục của chúng tôi trong tương lai gần. Các giáo xứ hiện đã lên kế hoạch dâng Thánh lễ theo Hình thức Ngoại Thường vào cuối tuần này vẫn được phép làm như vậy”.

Đức Giám Mục Thomas Tobin của Providece đã gọi Tự Sắc mới được ban hành “vừa là một thách đố vừa là một cơ hội”.

Ngài nói: “Trong Giáo Phận Providence, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu và thực hiện Tự Sắc này, một cách bình an và trong tinh thần cầu nguyện. Nhưng trên hết, chúng ta hãy khẳng định tình yêu của chúng ta đối với Thánh lễ, và sự hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô và Giáo Hội Thánh của Người.”

Gregory DiPippo của Phong trào Phụng vụ Mới, lưu ý rằng Tự Sắc được ban hành vào ngày lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh, và rằng “khi các dòng tu khất sĩ như Dòng Cát Minh nổi lên vào thế kỷ 13, như một phần của phong trào cải cách đang diễn ra bên trong Giáo Hội, họ đã bị tấn công trên nhiều cơ sở khác nhau bởi những đại diện của các tổ chức Giáo Hội lâu đời hơn, những người không thích thấy sự sa sút và tự mãn của mình bị thách thức bởi sức sống phúc âm của phong trào mới. Semper idem – luôn luôn là như thế”.

“Nếu bạn yêu mến Giáo Hội và phụng vụ truyền thống, hãy tiếp nhận lòng sùng kính Đức Mẹ, nếu bạn chưa có, và hãy cầu xin Đức Trinh Nữ cầu bầu để tháo gỡ nút thắt của sự bất công nặng nề này. Tương tự như vậy, chúng ta hãy liên tục cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Giuse, người mà chúng ta tôn vinh với tước hiệu Đấng Bảo trợ của Giáo Hội Hoàn vũ, vì Giáo Hội đang cần sự bảo vệ cấp thiết nhất của ngài, và của Thánh Piô Đệ Ngũ, mà Sách lễ của ngài vẫn là thể hiện chân thực nhất của luật cầu nguyện của Giáo Hội Rôma”.
Source:Catholic News Agency