CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Mc 11,1-10; Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15.47.
CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
Hôm nay, chúng ta bước vào Tuần Thánh với Lễ Lá, là tuần cao điểm của năm phụng vụ. Trong tuần đặc biệt này, Giáo Hội tưởng nhớ và cử hành mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã vâng lời Chúa Cha, chịu chết trên thập giá để cứu độ loài người.
Khi nói về tính lịch sử, có nhiều người cho rằng những biến cố này không có tính lịch sử, chỉ do sự thêu dệt huyền thoại của các Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai. Trong giới chuyên môn, đại diện cho những người phủ nhận tính lịch sử của Tin Mừng là Rudolf Bultmann (1884-1976), một nhà thần học Tin Lành người Đức. Ông cho rằng chúng ta không biết gì về Đức Giêsu lịch sử, mà chỉ biết một Đức Giêsu của niềm tin do các Tông Đồ truyền lại. Giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu niềm tin có một bức tường. Các trình thuật về con người Đức Giêsu đã được các môn đệ huyền thoại hóa và thêu dệt nên. Đức Giêsu chỉ sống lại trong Keryma của Giáo Hội v.v…
Tư tưởng này đã được phổ biến cả trong lĩnh vực văn chương và phim ảnh. Cách đây không lâu, bộ phim “The Da Vinci Code” được dàn dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Dan Brown. Cuốn tiểu thuyết này hư cấu một lịch sử của Đức Giêsu hoàn toàn khác với Tin Mừng và cho rằng đây mới là câu chuyện thật về Chúa Giêsu. Còn những gì được Giáo Hội dạy từ xưa tới nay là bịa đặt, thêu dệt, không có tính lịch sử đáng tin cậy.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã trả lời cho những vấn nạn và chống lại những trào lưu này qua cuốn sách Đức Giêsu thành Nadarét. Trong đó, ngài minh chứng rằng các Tin Mừng kể lại cuộc đời và sứ vụ, đặc biệt cuộc tử nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là những biến cố có thật đã xảy ra trong lịch sử nhân loại, chứ không phải do con người tưởng tượng hay huyền thoại hóa.
Chúng ta cũng có thể quy chiếu vào chứng tá của các sử gia ngoại giáo cổ xưa để tìm thấy những chứng cớ đáng tin cậy về điểm này. Chẳng hạn sử gia Giuse Flavius cho rằng vào khoảng năm 27 SCN, có một người tên là Giêsu ở Nadarét bị giết chết ở ngoài thành Giêrusalem. Chỉ cần dựa vào những chứng tá này cũng đủ để chúng ta khẳng định rằng: Các sự kiện của Chúa Kitô mà Giáo Hội cử hành là những biến cố có thật, biến cố lịch sử đã xảy ra. Các sách Tin Mừng ghi chép lại để giúp chúng ta tin vào Chúa Giêsu. Thánh Gioan kết thúc Tin Mừng của ngài bằng việc nói rằng: “Những gì được viết ra để cho anh em tin và được cứu độ.”
Tuy nhiên, với tư cách là người Kitô hữu, khi cử hành các biến cố Tuần Thánh, chúng ta không chỉ dừng lại ở những biến cố thuần túy lịch sử, nghĩa là chỉ tưởng nhớ lại những biến cố đó thôi, hay chỉ kỷ niệm như tưởng niệm biến cố chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hay biến cố lập quốc.
Về điểm này, thánh Augustinô phân biệt rất ý nghĩa giữa việc kỷ niệm và cử hành một biến cố khiến chúng ta phải quan tâm. Ngài nói: “Theo cách thức kỷ niệm một biến cố, chúng ta không làm gì khác hơn là dành một ngày trong năm để tưởng nhớ và long trọng cử hành chính biến cố đó. Theo cách thức cử hành mầu nhiệm, chúng ta không chỉ tưởng nhớ một biến cố, nhưng còn cử hành theo cách thức mà chúng ta hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta và biến cố đó làm cho chúng ta trở nên thánh thiện” (CSEL 34,1,170).
Thánh Lêô Cả làm sáng tỏ hơn ý nghĩa này khi cử hành các biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô: “Những người con cái của Giáo Hội đã được sinh ra với Chúa Kitô trong sự sinh ra của Người, cũng như họ đã chịu đóng đinh với Người trong cuộc khổ nạn của Người, và được phục sinh với Người trong sự phục sinh của Người” (PL 54,213)
Theo ý nghĩa đó, biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh có sự liên hệ hiện sinh với mỗi người chúng ta và khi cử hành những biến cố này chúng ta được tham dự vào trong chính các biến cố đó.
Một mặt, vì Chúa Giêsu chịu đau khổ, chết và phục sinh để cứu độ mỗi người chúng ta. Nên nhờ việc cử hành này, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu tiếp tục đổ máu ra trên bàn thờ để sinh ơn cứu độ cho chúng ta và cho toàn thế giới. Như thế, mầu nhiệm thập giá được hiện tại hóa trong sự cử hành của Giáo Hội.
Mặt khác, khi suy ngắm về những thái độ của con người gây nên vụ án Chúa Giêsu: như một Giuđa phản bội, ham tiền và sống hai mặt, một Phêrô bồng bột yếu đuối chối thầy ba lần, một đám đông lòng dạ hay thay đổi, một nhóm Biệt Phái và Luật Sĩ mưu mô lật lọng, một Philatô vô trách nhiệm, bạc nhược trước áp lực đám đông… Khi soi mình trong những nhân vật này, chúng ta thấy mình nơi họ và rồi chúng ta được mời gọi biết hoán cải, trở về với Tin Mừng, sống thánh thiện và biết yêu mến Chúa hơn.
Ước gì qua việc cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh này mang lại cho chúng ta một sự biến đổi tận căn khi ý thức về trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa, đồng thời cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa, Đấng đã chết và phục sinh để cứu độ chúng ta. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Mc 11,1-10; Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15.47.
CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
Hôm nay, chúng ta bước vào Tuần Thánh với Lễ Lá, là tuần cao điểm của năm phụng vụ. Trong tuần đặc biệt này, Giáo Hội tưởng nhớ và cử hành mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã vâng lời Chúa Cha, chịu chết trên thập giá để cứu độ loài người.
Khi nói về tính lịch sử, có nhiều người cho rằng những biến cố này không có tính lịch sử, chỉ do sự thêu dệt huyền thoại của các Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai. Trong giới chuyên môn, đại diện cho những người phủ nhận tính lịch sử của Tin Mừng là Rudolf Bultmann (1884-1976), một nhà thần học Tin Lành người Đức. Ông cho rằng chúng ta không biết gì về Đức Giêsu lịch sử, mà chỉ biết một Đức Giêsu của niềm tin do các Tông Đồ truyền lại. Giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu niềm tin có một bức tường. Các trình thuật về con người Đức Giêsu đã được các môn đệ huyền thoại hóa và thêu dệt nên. Đức Giêsu chỉ sống lại trong Keryma của Giáo Hội v.v…
Tư tưởng này đã được phổ biến cả trong lĩnh vực văn chương và phim ảnh. Cách đây không lâu, bộ phim “The Da Vinci Code” được dàn dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Dan Brown. Cuốn tiểu thuyết này hư cấu một lịch sử của Đức Giêsu hoàn toàn khác với Tin Mừng và cho rằng đây mới là câu chuyện thật về Chúa Giêsu. Còn những gì được Giáo Hội dạy từ xưa tới nay là bịa đặt, thêu dệt, không có tính lịch sử đáng tin cậy.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã trả lời cho những vấn nạn và chống lại những trào lưu này qua cuốn sách Đức Giêsu thành Nadarét. Trong đó, ngài minh chứng rằng các Tin Mừng kể lại cuộc đời và sứ vụ, đặc biệt cuộc tử nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là những biến cố có thật đã xảy ra trong lịch sử nhân loại, chứ không phải do con người tưởng tượng hay huyền thoại hóa.
Chúng ta cũng có thể quy chiếu vào chứng tá của các sử gia ngoại giáo cổ xưa để tìm thấy những chứng cớ đáng tin cậy về điểm này. Chẳng hạn sử gia Giuse Flavius cho rằng vào khoảng năm 27 SCN, có một người tên là Giêsu ở Nadarét bị giết chết ở ngoài thành Giêrusalem. Chỉ cần dựa vào những chứng tá này cũng đủ để chúng ta khẳng định rằng: Các sự kiện của Chúa Kitô mà Giáo Hội cử hành là những biến cố có thật, biến cố lịch sử đã xảy ra. Các sách Tin Mừng ghi chép lại để giúp chúng ta tin vào Chúa Giêsu. Thánh Gioan kết thúc Tin Mừng của ngài bằng việc nói rằng: “Những gì được viết ra để cho anh em tin và được cứu độ.”
Tuy nhiên, với tư cách là người Kitô hữu, khi cử hành các biến cố Tuần Thánh, chúng ta không chỉ dừng lại ở những biến cố thuần túy lịch sử, nghĩa là chỉ tưởng nhớ lại những biến cố đó thôi, hay chỉ kỷ niệm như tưởng niệm biến cố chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hay biến cố lập quốc.
Về điểm này, thánh Augustinô phân biệt rất ý nghĩa giữa việc kỷ niệm và cử hành một biến cố khiến chúng ta phải quan tâm. Ngài nói: “Theo cách thức kỷ niệm một biến cố, chúng ta không làm gì khác hơn là dành một ngày trong năm để tưởng nhớ và long trọng cử hành chính biến cố đó. Theo cách thức cử hành mầu nhiệm, chúng ta không chỉ tưởng nhớ một biến cố, nhưng còn cử hành theo cách thức mà chúng ta hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta và biến cố đó làm cho chúng ta trở nên thánh thiện” (CSEL 34,1,170).
Thánh Lêô Cả làm sáng tỏ hơn ý nghĩa này khi cử hành các biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô: “Những người con cái của Giáo Hội đã được sinh ra với Chúa Kitô trong sự sinh ra của Người, cũng như họ đã chịu đóng đinh với Người trong cuộc khổ nạn của Người, và được phục sinh với Người trong sự phục sinh của Người” (PL 54,213)
Theo ý nghĩa đó, biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh có sự liên hệ hiện sinh với mỗi người chúng ta và khi cử hành những biến cố này chúng ta được tham dự vào trong chính các biến cố đó.
Một mặt, vì Chúa Giêsu chịu đau khổ, chết và phục sinh để cứu độ mỗi người chúng ta. Nên nhờ việc cử hành này, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu tiếp tục đổ máu ra trên bàn thờ để sinh ơn cứu độ cho chúng ta và cho toàn thế giới. Như thế, mầu nhiệm thập giá được hiện tại hóa trong sự cử hành của Giáo Hội.
Mặt khác, khi suy ngắm về những thái độ của con người gây nên vụ án Chúa Giêsu: như một Giuđa phản bội, ham tiền và sống hai mặt, một Phêrô bồng bột yếu đuối chối thầy ba lần, một đám đông lòng dạ hay thay đổi, một nhóm Biệt Phái và Luật Sĩ mưu mô lật lọng, một Philatô vô trách nhiệm, bạc nhược trước áp lực đám đông… Khi soi mình trong những nhân vật này, chúng ta thấy mình nơi họ và rồi chúng ta được mời gọi biết hoán cải, trở về với Tin Mừng, sống thánh thiện và biết yêu mến Chúa hơn.
Ước gì qua việc cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh này mang lại cho chúng ta một sự biến đổi tận căn khi ý thức về trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa, đồng thời cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa, Đấng đã chết và phục sinh để cứu độ chúng ta. Amen!
ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/