Được thành lập từ năm 2000, hằng năm, cứ vào ngày Lễ Lao Động quốc tế, cũng là ngày Lễ Thánh Giuse Thợ, phong trào Liên Đới Nghề Nghiệp có một ngày Đại Hội. Trong 11 năm qua, từ 2000 đến hết 2010, các Đại Hội đã được thực hiện như sau :
Năm nay, lịch làm việc có sự trùng hợp, ngày 01.05.2011 trùng vào chúa nhật đầu tháng, ngày lễ của Giới Trẻ. Do đó, Liên Đới Nghề Nghiệp đơn giản hóa Đại Hội Thường Niên, không tổ chức báo cáo, thuyết trình và trao đổi, mà chỉ có Thánh Lễ 11g 30 chung với cộng đoàn. Nhưng vẫn duy trì Bữa Cơm Liên Đới, tổ chức vào ngày thứ bảy 07.05.2011.
Trong báo Giáo xứ Việt Nam, số 272, tháng tư, 2011, giấy mời đã được phổ biến như sau :
KÍNH MỜI QUÝ ANH CHỊ TRONG LIÊN ĐỚI NGHỀ NGHIỆP
xếp thời giờ ưu tiên,
ĐI DÂNG THÁNH LỄ
Chúa nhật 01.05.2011 lúc 11g 30 để cầu nguyện chung « xin ơn thánh hóa đời sống lao động theo gương thánh Giuse ».
DỰ BỮA CƠM LIÊN ĐỚI
Trưa thứ bảy, 07.05.2011, 12 g tại nhà hàng China Town, 44, Ave d’Ivry, 75013 Paris. Vé ăn giá 35 euros, mục đích giúp Giáo Xứ tu bổ cơ sở. Xin hỏi vé nơi các Đại Diện mỗi ngành : Chuyên Gia, Doanh Thương, Dịch Vụ, Thân Hữu Taxi, Xây Dựng, hay nơi cha Vinh.
Vui mừng hạnh phúc lắm thay,
Anh em đồng nghiệp xum vầy bên nhau
Xem hình đại hội
1. Dâng Thánh Lễ « xin ơn thánh hóa đời sống lao động theo gương thánh Giuse »
Năm cha và hai thầy sáu vĩnh viễn đã đồng tế, cùng cử hành lễ Thánh Giuse Thợ với Phong Trào Liên Đới Nghề Nghiệp và với Cộng Đoàn Giáo Xứ.
Đại diện các ngành LĐNN đọc sách thánh, đợc lời nguyện và dâng của lễ.
Trong phần chia sẻ Lời Chúa, lấy lại những ý tưởng chính của bài báo phổ biến trên báo Giáo Xứ từ tháng tư, Đức Ông Mai Đức Vinh đã chia sẻ về đề tài : « Gương sồng Lao Động của Thánh Giuse ». Hai đức tính, cũng là hai gương sáng mà Đức Ông muốn nêu lên nơi Thánh cả Giuse, và muốn mọi thành viên Liên Đới Nghề Nghiệp bắt chước là « Quí chuộng lao động » và « Thánh hóa công việc làm ». Ngài nói :
1. Quý chuộng đời sống lao động.
Thánh Giuse là người có đời sống nội tâm sâu xa …, nhưng cũng là người lao động, bôn ba vất vả với nghề thợ mộc để tiến thân và nuôi sống gia đình. Ngài không chỉ làm việc tại nhà, tại quê hương xứ sở mà còn làm việc tại xứ người, trong cảnh di cư tị nạn. Thời của ngài, nghề thợ mộc là 'nghề lao động vất vả, với búa, kìm, cưa, đục, tất cả là những dụng cụ thô sơ'.
Có thể nói Thánh Giuse đã quý trọng và vui sống công việc làm với hai bàn tay như lời dạy của Thánh Kinh :
Thánh Kinh tán dương công việc của đôi tay: 'Thiên Chúa chúc lành cho mọi công việc do tay người làm nên' (Đnl 28,12). Vì thế bạn 'đừng quên dâng lên Chúa đôi tay làm việc' (Đnl 33,11) và khấn xin Chúa củng cố việc tay bạn làm ra (Tv 89,17). Bạn hãy tâm niệm rằng: 'Đừng ỷ lại, ăn bám, nhưng quyết sống bằng đôi tay (Tv 127,2), bao lâu còn sống hãy làm tất cả những gì vừa tầm tay (Gv 9,10), ngay việc ruộng đất cũng đừng coi thường (kn 7,16), dù sáng đã đi gieo hạt, chiều đến vẫn tiếp tục làm việc chứ đừng vội nghỉ ngơi (Gv 11,6). Bạn hãy bắt chước những thợ thủ công: họ chăm chú làm việc, họ thức khuya dậy sớm để hoàn tất công việc cách toàn hảo, họ tin tưởng vào đôi tay của họ, người nào cũng khéo léo trong công việc của mình. Chính nhờ những công việc tay chân ầm thầm như vậy mà muôn dân ấm no và mọi công trình của nhân loại được hoàn tất (Hc 38,26-33).
2. Thánh hóa công việc làm:
Thánh Giuse trân trọng việc làm, cho dù việc làm không phải là mục đích của đời sống, mà chỉ là phương tiện cần thiết để phát huy tài năng, nuôi sống bản thân và gia đình, phục vụ anh em và nhất là làm vinh danh Thiên Chúa. Hiểu như thế nên thánh Giuse đã thánh hóa công việc làm của ngài, hay nói cách khác, ngài đã nên thánh trong công việc làm tay chân mỗi ngày. Đức giáo hoàng Piô XII lập lễ 'kính Thánh Giuse lao động vào chính ngày Quốc tế lao động mỗi năm, không nguyên nhằm ý đề cao giá trị lao động, nhưng chính yếu là mời gọi mọi người lao động biết thánh hóa công việc làm của mình', theo gương thánh Giuse và theo giáo huấn của Thánh Kinh.
Đọc thánh vịnh 103, 'chúng ta ca tụng Chúa đã tạo dựng và an bài vạn vật …, đã đặt mặt trăng để lo thời tiết, dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian…, thì theo lệnh của Chúa và theo gương Chúa, 'con người cũng phải ra đi làm lụng', 'phải kiếm ra cơm bánh, rượu ngon từ ruộng vườn' … Do đó, chúng ta làm việc là chúng ta nối tiếp công việc của Thiên Chúa, chúng ta cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo… Ôi vinh dự và thánh thiện' (Tv 103). Như vậy, cũng như Thánh Giuse, bạn được mời gọi 'sống hãnh diện về công việc làm hiện nay của bạn, dù là việc tay chân, nhỏ bé, âm thầm…'; bạn được mời gọi 'cố gắng thánh hóa mọi công việc làm hay nỗ lực nên thánh trong đời sống lao động mỗi ngày'. Thiên Chúa đã chọn Thánh Giuse, người thợ mộc ẩn danh làm dưỡng phụ Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, và bạn trăm năm của Đức Maria. Rồi, Thánh Giuse đã sống thánh thiện cũng chỉ với nghề đục đẽo, cưa, bào … để nuôi sông gia đình…' Cứ nỗ lực nên thánh trong việc làm rồi Đáng Khôn Ngoan sẽ nâng đỡ và hướng dẫn bạn sống chính trực trong công việc bạn làm' (Kn 10,9-10).
2. Bữa cơm Liên đới, giúp Giáo Xứ tu bổ cơ sở
Trong 12 năm sinh hoạt, khởi đầu từ 01.05.2000, Liên Đới Nghề Nghiệp đã tổ chức 11 bữa cơm thân hữu. 6 bữa dành gây quỹ giúp việc truyền giáo, 2 bữa giúp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức Năm Thánh 2010, 1 bữa giúp việc bác ái ở Việt Nam, 1 bữa giúp Giáo Xứ mua máy in và, năm nay, 2011, một bữa giúp Giáo Xứ tu bổ cơ sở.
Mở đầu bữa cơm, trưa thứ bảy 07.05.2011, Đức Ông Mai Đức Vinh, qua lời chào mừng các thân hữu đến dự bữa cơm, đã xác định rõ ý muốn của các đại diện các ngành là dành tiền thâu được để giúp Giáo xứ tu bổ cơ sở.
Trong bữa cơm, có người hỏi : « Cơ sở Giáo Xứ khang trang như vậy, còn gì phải tu bổ » ? Một người cùng bàn, một thành viên xây dựng xin góo ý : « Theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi xin mạo muội góp ý rằng : Hiểu theo nghĩa là bảo trì, công việc tu bổ cơ sở có rất nhiều. Hằng năm Ngành Xây Dựng đã cống hiến nhiều giờ làm việc để bảo trì và tu bổ các công việc mộc, các công việc điện, các công việc sơn, các công việc an ninh, các công việc vệ sinh, ống nước,…Hiểu theo nghĩa là tân trang, giáo xứ hiện đang phải lo liệu lắp đặt thang máy và tân trang lưu thông cho người khuyết tật, bắt buộc theo luật cơ sở công cộng tiếp đón công chúng ».
Người khác lại hoan nghênh mục tiêu tu bổ cơ sở. Đó là một anh taxi. Anh nói : « Em rất hoan hô ý tưởng của các anh, muốn góp phần tu bổ cơ sở giáo xứ. Hôm nay, em mua hẳn một bàn, mời các bạn bè đến dùng cơm, giúp quỹ tu bổ cơ sở giáo xứ. Trong nhà của mình, mỗi người, ai nấy đều phải tu bổ nhà cửa, nội thất của mình. Giáo xứ cũng vậy, mình phải nghĩ đến việc tu bổ cơ sở, bằng không cơ sở xuống cấp, hư hỏng, thiếu tiện nghi, vệ sinh thì không tốt ». « Xin hoan hô sự tích cực đóng góp và ý kiến xây dựng của anh ». Mấy người cùng bàn phát biểu.
16 bàn đầy thực khách, mỗi bàn 12 người. Vị chi tất cả có 192 người đã đến tham dự Bữa Cơm Liên Đới. Trách nhiệm tiếp đón và xếp bàn, Nhóm Taxi đã đến nhà hàng từ sớm, xếp chỗ, kiểm bàn. Hai người trưởng ban là anh CHIỂU và anh LẠC tươi cười tiếp đón mọi người.
Trong bữa tiệc, Nhóm Du Ca góp vui văn nghệ, làm mọi người vui vẻ, ăn uống ngon miệng hơn. Chen vào đó, nhiều màn tự nguyện góp vui, ca hát.
Độc đáo nhất là màn góp vui của các cha sinh viên. Trên một chục cha sinh viên đã rời bàn tiệc, ra hát giúp vui. Người đánh đàn, người ca hát. Bầu khí vui nhộn hẳn lên. Đức Ông cũng đứng lên, nhập nhóm các cha, và hát với các ngài. Khi các đại diên các ngành họp để quyết định có nên tổ chức bữa cơm liên đới hay không. Có người đã đưa ý kiến không nên tổ chức nữa, vì bận rộn cho các thành viên. Nhưng cũng có người đề nghị cứ tiếp tục tổ chức, vì đây hầu như là dịp hiếm có mà giáo xứ thoát ra ngoài khuôn khổ của mình, để tiếp đón và hòa đồng với những người chưa phải công giáo. Phải chăng đây là một hình thức truyền giáo bằng văn hóa và xã hội mà LĐNN đã đưa ra cho mình ? Phải chăng đây là một trong những biểu hiện mà cha sinh viên Trần Ngọc Anh muốn nói đến khi nghĩ rằng « Cần đem cho Giáo Hội Việt Nam một thực hiện truyền giáo xứng với nó ».
Báo Missions Etrangères de Paris, dành trọn tờ báo, số 461, tháng 05 năm 2011, để nói về các cha sinh viên với đầu đề : « Prêtres étudiants, un pont entre Paris et l’Asie ». Gần 100 cha sinh viên đang cư trú tại nhà các cha Thừa Sai và đi học ở Học Viện Công Giáo Paris. Những người trách nhiện liên hệ đều thấy rằng các cha sinh viên đã được hưởng một phép lạ, dẫu chậm, nhưng biến đổi sâu xa. Khi học và nhất là lúc làm tiểu luận ra trường, người ta thấy rằng đây quả thật là những con người có « định, tĩnh » và « an, lự » ; các vị đều có lòng tin, mà sự sâu xa tâm trí và chiều hướng giáo hội của họ phát triển song hành với óc phê phán, tạo ra một nguồn lực sáng tạo mới. Dùng văn hóa, văn nghệ làm một biểu lộ truyền giáo, phải chăng đó là một sáng kiến mới của một suy tư thần học ?
Cha giáo Laurent VILLEMIN bảo rằng : « Tiếp nhận Tin Mừng của Chúa Kytô có nghĩa là để Tin Mừng ấy chi phối mình hoàn toàn », « Học thần học trước tiên là để cho Tin Mừng chi phối tâm trí mình và tỏ lộ hết được những hậu quả của nó » và « Óc phê phán không phải là để phá vỡ, không phải là tiêu cực, nhưng là thực hiện cái khả năng của đức tin, là tạo nên cái mới ».
Tiếp theo các cha sinh viên, nhiều màn văn nghệ khác đã được các vị tham dự góp vui….
Về phần cuối bữa cơm, nhóm Xây Dựng góp vui bằng việc xố số.
Thấm thoát trời đã về chiều. Tiệc mãn dần.
Thấm thía thay câu thơ ghi trong giấy mời :
Vui mừng hạnh phúc lắm thay,
Anh em đồng nghiệp xum vầy bên nhau
Paris, ngày 14 th áng 05 năm 2011
Trần Văn Cảnh