Thinh Lặng và Siêu Thoát trong thơ Hàn Mạc Tử
LTS. Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam Paris mừng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Giáo Sư Đỗ Mạnh Tri, Giáo sư triết học tại Pháp, đã được mời thuyết trình về Hàn Mặc Tử. Ông đã chọn đề tài « THINH LẶNG và SIÊU THOÁT trong Thơ Hàn Mặc Tử ».
Đây là bài thư tư trong loạt 8 bài về « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, 1912-2012 ». Ba bài trước nói về : 1- Đức cha Hoàng Văn Đạt dâng lễ Lòng Chúa Thương Xót, cầu cho Hàn Mặc Tử. 2- Kỹ Sư Trần Anh Dũng Giới thiệu Ngày Văn Hóa kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử và mừng sinh nhật thứ 22 thư viện GXVN. 3- Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử Hàn Mặc Tử.
Thuyết trình tại Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris
Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử (1912-2012)
Sinh nhật thứ 22 Thư viện Giáo xứ Việt Nam Paris.
Trước khi vào đề, xin nhường lời cho Hàn Mặc Tử với bài thơ quen thuộc:
Đà Lạt Trăng Mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân hà nổi giữa màn đêm
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe đụng chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng
Hàn Mặc Tử chào đời năm 1912, lìa đời lúc 28 tuổi năm 1940, sau khoảng 4 năm bị bệnh phung hành hạ. Thi nhân đã để lại cho đời một sự nghiệp văn thơ kỳ diệu.
Thú thật, đối với nàng thơ, tôi là một người ngoại đạo, nhưng dù chỉ lân la trước ngõ vườn thơ giầu có một cách kinh dị của Hàn, cũng bị choáng ngợp. Đúng như thi nhân viết trong Tựa tập Đau Thương (Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên): "đã vào là (cô) sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh, không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh…". Bài Đà Lạt Trăng Mờ mở đầu tập thơ này. Vậy cũng xin vào đề với Đà Lạt Trăng Mờ .
Thiêng Liêng
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu (Có bản viết: Giây phút thiêng liêng…)
Theo tôi, thiêng liêng là cái mác của con người và thơ HMT. Từ này không thông dụng trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt, có thiêng hoặc linh thiêng theo nghĩa linh nghiệm, nói đến là thấy hiển hiện ngay. Tính từ thiêng liêng có được dùng cũng chỉ có nghĩa là cao quý, đáng trân trọng. Chẳng hạn yêu nước là một tình cảm thiêng liêng. Người công giáo việt nam dùng từ này trong bối cảnh đạo Công giáo. Và để hiểu ý nghĩa của từ này nơi người công giáo, có lẽ không gì bằng đọc thơ của Hàn.
Đọc Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu, ta tự hỏi: khi nào phút thiêng liêng khởi đầu? Có phải khi ngắm trăng lên? Không hẳn thế. Quang cảnh trời đất trong 4 câu đầu là mơ trong mơ. Trời mơ trong cảnh huyền mơ. Trăng sao cũng đắm đuối trong sương nhạt. Trăng mờ Đà Lạt thành trăng mơ của hồn. Trăng ngoài và trăng trong gặp nhau. Cảnh quyện với người. Và phút thiêng liêng khởi đầu khi thi nhân vượt qua cõi hư thực, sang bên kia bờ ảo mộng để 'đón từ xa một ý thơ'. Chính ý thơ làm nên quang cảnh trời đất trong 4 câu thơ đầu. Trời đất bao la như quỳ gối, nín thở, chờ đón. Không phải chờ đón gì trong trời đất, mà từ cao xa. Từ bên kia trời đất. Từ bên ngoài vụ trụ.
Dù không có hồn thơ như HMT, ta cũng dễ nhận ra rằng, mỗi khi ta thực sự nguyện cầu, thì phút thiêng liêng khởi đầu. Khi cầu nguyện, lòng ta vượt qua thế giới quanh ta để hướng về Đấng ta nguyện cầu. Khi cả một cộng đoàn cầu nguyện cũng thế, mọi thành phần của cộng đoàn cùng nhau hướng tới Đấng hiện diện ngay trong lòng thực tại nhưng không thuộc về thực tại, dù là thực tại trong mơ.
Như vậy phút thiêng liêng hàm chứa thinh lặng và siêu thoát. Cuối đoạn 2, câu Và để xem trời giải nghĩa yêu. Có bản viết hoa chữ trời. Có người hiểu trời là Thiên Chúa. Thiết nghĩ, trời ở đây vẫn là quang cảnh trời đất. Ý thơ mà trời đất chờ đợi có một nghĩa: nghĩa yêu. Nghĩa ấy không ở trong trời đất, nhưng đất trời, từ tinh tú trên kia cho đến cỏ cây hoa lá và mọi loài dưới này đều nói với ta về nghĩa yêu nếu ta biết thinh lặng và chiêm ngưỡng.
Thinh Lặng
Nhưng thế nào là thinh lặng? Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều. Bình thường, đã làm thinh thì không nói. Đã nói thì không làm thinh. Nhưng trong câu thơ này, làm thinh không có nghĩa là không nói. Nếu Hàn Mặc Tử không nói thì làm gì có Đà Lạt Trăng Mờ, làm gì có thơ Hàn Mặc Tử ? Nói, nhưng không nói nhiều. Nói, nhưng dành phần cho thinh lặng.
Thinh lặng đi đôi với lời. Thinh lặng là một cách nói và nói không xa rời thinh lặng. Nói kiểu súc miệng bằng lời (coi những cuộc cãi vã chính trị) khiến ta quên mình, quên người, có thể giải trí, tiêu khiển, nhưng không dẫn tới trao đổi, gặp gỡ. Thế quân bình giữa thinh lặng và tiếng nói cần thiết cho mọi cuộc trao đổi. Thinh lặng để nghe, kể cả nghe sự im lặng của người khác. Đồng thời nói. Nói để biểu lộ hay diễn tả nội dung của im lặng. Không nói là một cách đẩy người khác ra lề. Làm thinh và nói. Nhưng chớ nói nhiều. Thơ, Nhạc và mọi hình thức nghệ thuật đều nói một cách nào đó để dẫn ta vào im lặng.
Cũng như khi cầu nguyện có kinh, có lời ca tiếng hát giúp ta yên lặng. Dự thánh lễ, ta thấy có những người dẫn lễ, dẫn hát mộc mạc, nhưng lễ diễn ra sốt sắng. Họ nói một cách im lặng. Nói để đưa vào thinh lặng. Cũng có lúc người hát, ban hát khá tài năng, nhưng không mấy giúp ta cầu nguyện, vì thiếu thinh lặng.
Hàn Mặc Tử rất mê tiếng nói, với thanh âm, khí vị, mầu sắc của từng tiếng, từng lời, ngoài cả cái ý nghĩa của mỗi tiếng. Chẳng hạn, hai tiếng Phượng Trì cuối bài Ave Maria. Anh mê hai tiếng đó vì "nghe như bay lên cao, bay lên cao" . Hẳn vì mê chữ, mê lời, mà anh rất tiết kiệm lời. Tiếng nói trong thơ Hàn như được gói bằng thinh lặng. Ngay từ lúc 14, 15 tuổi khi còn làm thơ theo thể Đường luật đã có những câu như:
Nép mặt trong hoa nói thì thầm (Đàn Nguyệt)
Ấp úng không ra được nửa lời (Buồn Thu)
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời (Nhớ Trường Xuyên)
Thinh lặng chẳng những cho phép ta nghe thấy nhau, nhận ra nhau, mà còn cho phép ta nghe được trời đất cỏ cây. Về điểm này thì HMT tuyệt siêu, thính giác và mọi giác quan của anh tinh nhậy đến độ khó tưởng tượng. Anh sờ được ánh trăng: Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối (Thức Khuya); anh Say mơ vướng phải mùi hương ướp (Âm Thầm) như hương là một loại tơ trăng. Và thường khi người đời không thấy hương, Hàn Mặc Tử lại thấy thơm: Thơm như tình ái của ni cô (Huyền Ảo); Mùi vị thơm tho một ái tình (Thời Gian). Trăng đối với anh cũng thơm và ấm áp: Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ (Ngủ với Trăng). Đặc biệt, anh hớp, anh nhả, ngậm: Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị / Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí (Ave Maria); Cả miệng ta trăng là trăng / Cả lòng ta vô số gái hồng nhan / Ta nhả ra đây một nàng (Một Miệng Trăng). Trở lại với thính giác, Hàn Mặc Tử nghe được tiếng run của tơ liễu, tiếng nước reo tận đáy hồ, tiếng vỡ của sao băng. Không một tiếng gì nghe đụng chạm/Dẫu là tiếng vỡ của sao băng. Từ Tiếng buồn trong sương đục / Tiếng hờn trong lũy tre của Tình Quê, (Gái Quê), Hàn lên tới lời câm của muôn vì sao áy náy (Trường Tương Tư) hay tiếng dội từ bên kia bờ ảo mộng:
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi từ thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim (Huyền Ảo).
Siêu thoát
Thinh lặng để đón từ xa một ý thơ, thì tự nó đã siêu thoát rồi. Siêu thoát theo nghĩa vươn tới cõi thiêng liêng, sáng láng, tinh khôi. Nhưng Hàn đi sâu hơn với câu: Và cả lòng tôi chẳng nói rằng. Thinh lặng là ắng tiếng lòng. Xét cho cùng, thinh lặng thâm sâu nhất, là thinh lặng của hồn, khi mình trở về với lòng mình. Không phải trở về như tự thu mình vào cõi u tịch riêng tư, mà là trở về như quay lưng lại những vẩn đục, xáo động để hướng hồn lên tới cõi siêu hình cao tột bức / Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao (Siêu Thoát). Hồi xưa lễ tiếng latinh (lúc nhỏ, Nguyễn Trọng Trí đi lễ mỗi ngày) hát 'sursum corda' (hãy nâng tâm hồn lên). Hai từ thôi, nhưng đã được HMT thi vị hóa dưới nhiều dạng. Trong Nguồn Thơm chẳng hạn, có những câu:
Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện
Đều dâng lên cho đến chín tầng mây
…
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt
Đường thơ bay sáng láng như sao sa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Thinh lặng cô liêu và đơn độc.
Thiêng liêng, thinh lặng, siêu thoát… Toàn là Xuân Như Ý cả hay sao ? Thưa, không phải vậy. Mà cũng không phải không vậy. Vẫn tinh khôi, sáng láng, vẫn tứ thời xuân nhưng đồng thời cũng là Đau Thương, nghĩa là Mật đắng, Máu cuồng và Hồn Điên. Bài Đà Lạt Trăng Mờ mở đầu tập Đau Thương mặc dầu không có gì là đau thương. Hay bài Huyền Ảo, Đây Thôn Vĩ Giạ, Sáng láng cũng vậy. Ngược lại, trong tập Xuân Như Ý có những bài đau thương, thảm thiết như Say Chết Đêm nay, Phan Thiết! Phan Thiết!
Lời Tựa tập Xuân Như Ý viết: Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả… Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc… (…)
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao Danh Cha cả sáng.
Và Loài người hãy cám ơn Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…
"Đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng". Nước mắt dọng cười theo nhau (Này đây lời ngọc song song). Nước mắt trộn với dọng cười. Hàn Mặc Tử sống trong siêu thoát, đồng thời phiêu dạt trong điên dại, khổ đau của một tâm hồn đơn côi, lạc lõng:
Đơn độc trong yêu đương:
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì (Muôn năm sầu thảm)
Hay đoạn này:
"Một khối tình nức nở giữa âm u
"Một hồn đau rã lần theo hương khói
"Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
"Một lời run hoi hóp giữa không trung
"Cả niềm yêu ý nhớ cả một vùng
"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn." (Trường tương tư)
Cô đơn của người thơ.
Trong một bức thư gửi Hoàng Trọng Miên, HMT viết: Thi sĩ rớt xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. […] Vì thế, thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự.". Như thánh Augustinô! (Thánh nhân than thở: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con chỉ an nghỉ trong Chúa"). Ở một đoạn khác trong cùng là thư: "Bởi muốn cho loài thi sĩ ( 2 loài kia là thiên thần và loài người ta) làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, -nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người (Đức Chúa Trời) bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mạnh tàn khốc theo riết bên mình."(Chơi giữa mùa trăng, tr. 36, 35) . Hai trích dẫn trên chứng tỏ HMT biết rõ giá trị siêu việt của những tác phẩm mình sáng tác, và ý thức một cách bi đát về cái giá phải trả. Mà cái giá tàn khốc nhất là sự cô đơn.
Ở bài Siêu thoát, trong khi khoái lạc đến ngất ngư, điên rồ trên cõi siêu hình cao tột bực, thi nhân than thở:
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm màu
Những hạt lệ của trích tiên đày đọa ?
Và trong Những Giọt Lệ thi nhân cảm thấy mình bị bỏ rơi, bơ vơ lạc lõng:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Cô đơn trước cái chết:
Nhưng cô đơn trước hết là cô đơn trước cái chết. Thứ cô đơn này khiến HMT cũng giống như loài người chúng ta. Có khác nhau là khác ở mãnh lực cảm thụ của thi nhân.
Nghĩ tới cái chết của mình, Hàn tiếc nuối:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
Nghĩ tới cái chết của người, Hàn đau đớn:
Họ đã đi rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. (Những giọt lệ)
Rồi chết thật, chết cô đơn:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ!
…
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả? (Trút linh hồn)
Tôi là ai ?
Chính vì cái chết mà Hàn đặt nghi vấn về mình, nói tới mình như một người xa lạ:
Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện
Trong lòng và đang tắm máu sông ta
Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện
Để nhìn xem sắc mặt với làn da
Rõ là mình, nhưng không phải mình. Mình đang hiển hiện ngoài kia nhưng lại ở ngay trong lòng mình. Ở ngay trong lòng mình, nhưng mình cũng chẳng biết mặt mũi ra sao!
Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta.(Biển hồn ta)
Vậy có bao nhiêu mình ?
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Một người ngoài kia đi trên làn nước, một người ngồi khít cạnh. Thi nhân hoảng sợ:
Không nói không rằng nín cả hơi
Chao ôi ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời (Cô liêu)
Thế thì hồn là ai? Tôi là ai?
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực.
…
Hồn là ai, là ai tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc. (Hồn là ai)
Hồn là hồn của xác, cào cấu nhai nghiến xác. Cũng là hồn giúp xác thắng vượt khổ đau, bệnh tật và biến đau khổ thành thơ. Nhưng biến thành thơ còn là đau khổ. Hồn mệt mà xác thì chết lên chết xuống.
Để bớt nỗi thê lương, thi nhân cho một hồn siêu thoát, mà thi nhân gọi là hồn ngoài :
Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng
Chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây
Rồi khuyên dụ hồn quên hết nỗi đau thương
Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Để thi nhân hết phải bận tâm đến cái thân tàn ma dại. Và nhờ hồn ngoài tiếp sức, biết đâu cái xác tử thi này chẳng hóa thân trong hoa hương, sáng láng ?
Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn
Ngấm vào trong cơ thể những hoa hương
Và sẽ thở ra toàn hơi thở sáng
Để trên cao hồn khỏi lộn màu sương
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Nhưng thê lương vẫn hoàn thê lương:
Nhưng khốn nỗi xác ta thành câm tiếng
Hồn đi rồi không nhập xác thê lương (Hồn lìa khỏi xác)
Hồn trong, hồn ngoài, một hồn, nhiều hồn ? Chẳng biết. Tôi và tôi ngồi khít cạnh tôi, tôi và tôi đang đi trên làn nước ngoài kia.. bao nhiêu tôi tất cả? Nói như Hamlet: To be or not to be hay như Hàn Mặc Tử: Ta là ta hay không phải là ta ? (Siêu thoát). Chẳng sao. Ta cũng biết đâu là trả lời của Hàn. Có điều sau khi ôn lại những câu hỏi đầy bi thương của Hàn, ta càng thấy siêu thoát thuộc cõi thiêng liêng, cõi của lòng tin. HMT còn gọi là cõi siêu hình.
Trước khi chấm hết, xin trân trọng đọc lại bài
Siêu Thoát
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực,
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.
Xa lắm rồi, xa lắm hãi dường bao
Ai tới đó chẳng mê man thần trí,
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang
Những cù lao trôi nổ xứ mênh mang
Sẽ qui tụ, thâu về trong một mối
Và tư tưởng không bao giờ chắp nối
Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng.
Tư tưởng chắp nối là tư tưởng của lý luận. Lý luận chỉ làm cho kém thiêng liêng. Nếu cứ lý luận thì khẳng định rằng đời có nghĩa cũng có lý, hay đời vô nghĩa cũng có lý; rằng ta là ta hay không phải là ta đều có thể. Nhưng khi hết phô triết lý, khi chấp nhận cõi thiêng liêng mà ta không hiểu nổi, trí ta sẽ mở rộng tới vô cùng:
Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên
Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.
Trời bát ngát không cần phô triết lý.
Thơ láng lai chấp chóa những hàng châu.
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu
Những hạt lệ của trích tiên đày đọa.
Cái trí lý luận của ta hạn chế, chẳng hiểu chi trong áng gió nhiệm màu, nếu chấp nhận cõi thiêng liêng, nói khác đi, nếu tin, thì sẽ lan nghĩ rộng vô biên, sẽ hiểu hết những anh hoa huyền bí, sẽ rưng rưng hạt lệ nhận ra rằng ta là trích tiên đày đọa, lưu lạc chốn khách đày, nhưng cứu cánh của đường trần ta đang đi là cõi siêu hình cao tột bực. Vậy:
A ha hả! say sưa chê chán đã.
Ta là ta hay không phải là ta?
Có gì đâu, cả thể với cao xa,
Như cội rễ của trăm ngàn đạo hạnh.
Hớp rượu mạnh, máu càng hăng sức mạnh.
Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.
Thương là thương lòng mình giận chưa nư.
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ.
Ta là ta hay không phải là ta? Ta hiểu rồi: cả thể với cao xa mới là cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh. Vô biên mới thật là nơi ta hướng tới, nơi ta chờ đợi và nơi đợi chờ ta. Vô biên, nơi ta hò hẹn, nơi làm cho mê man thần trí, nơi của tình yêu rung động lớp hào quang. Ý nghĩ ấy khiến HMT thốt lên: Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.
Kết
Thiêng Liêng, Thinh Lặng, Siêu Thoát, Đau thương, Khổ lụy, Đơn côi. Trầm luân trong cuộc sống chết, con người khổ đau vô vọng, tuyệt vọng hay hy vọng ? Hàn Mặc Tử hy vọng. Tôi muốn nói, HMT của Đức Tin. Hy vọng của Đúc Tin không như hy vọng những ngày mai tươi sáng. Tin ở đây là tin yêu và trông cậy. Đức Tin mở lòng trí con người ra tới cõi vô cùng của Tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, tưởng cũng nên nhặc lại: Hàn-Mặc-Tử- trong-Thơ-Hàn-Mặc-Tử là thi sĩ và trước hết là thi sĩ. Như anh thú nhận:
Ta không nhấp rượu,
Mà lòng ta say…
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay…
Té ra ta vốn làm thi sĩ,
Khát khao trăng gió mà không hay! (Ngủ với Trăng).
Vì thấm nhuần Đức Tin, hồn thơ của Hàn rộng rinh, vô bờ bến. Nhưng Đạo khác, Thơ khác. Đạo có thể thành thơ nhưng Thơ không phải là Đạo. Và Đạo cũng không phải là Thơ. Với Hàn, Đạo đã thành thơ. Là người công giáo, Hàn không làm thơ công giáo. Hàn làm thơ, thế thôi. Vì thơ là hơi thở, nhịp sống của Hàn.
Giữa vũng cô liêu cũ vạn đời, Hàn Mặc Tử sống như đã siêu thoát. Đối với Hàn, Ý Thơ từ cao xanh có một nghĩa, Nghĩa Yêu. Nên Hương mến yêu là lộc của lời thơ (Nguồn Thơm). Nhưng Yêu gắn với Khổ đau. Đau như Đau Thương. Có thương mới đau. Cõi đời là cõi thương đau. Siêu thoát rồi nhưng vẫn còn trong cõi đau thương, chờ ngày siêu thoát. Vậy bao lâu còn sống, hãy yêu, hãy mến và ca tụng với Hàn Mặc Tử:
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu ? (Ave Maria).
Cám ơn!
Đỗ Mạnh Tri 15.04.2012.
LTS. Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam Paris mừng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Giáo Sư Đỗ Mạnh Tri, Giáo sư triết học tại Pháp, đã được mời thuyết trình về Hàn Mặc Tử. Ông đã chọn đề tài « THINH LẶNG và SIÊU THOÁT trong Thơ Hàn Mặc Tử ».
Đây là bài thư tư trong loạt 8 bài về « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, 1912-2012 ». Ba bài trước nói về : 1- Đức cha Hoàng Văn Đạt dâng lễ Lòng Chúa Thương Xót, cầu cho Hàn Mặc Tử. 2- Kỹ Sư Trần Anh Dũng Giới thiệu Ngày Văn Hóa kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử và mừng sinh nhật thứ 22 thư viện GXVN. 3- Đức cha Hoàng Văn Đạt bình và hát bài Tình sử Hàn Mặc Tử.
Giáo sư Đỗ Mạnh Tri |
Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử (1912-2012)
Sinh nhật thứ 22 Thư viện Giáo xứ Việt Nam Paris.
Trước khi vào đề, xin nhường lời cho Hàn Mặc Tử với bài thơ quen thuộc:
Đà Lạt Trăng Mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân hà nổi giữa màn đêm
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe đụng chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng
Hàn Mặc Tử chào đời năm 1912, lìa đời lúc 28 tuổi năm 1940, sau khoảng 4 năm bị bệnh phung hành hạ. Thi nhân đã để lại cho đời một sự nghiệp văn thơ kỳ diệu.
Thú thật, đối với nàng thơ, tôi là một người ngoại đạo, nhưng dù chỉ lân la trước ngõ vườn thơ giầu có một cách kinh dị của Hàn, cũng bị choáng ngợp. Đúng như thi nhân viết trong Tựa tập Đau Thương (Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên): "đã vào là (cô) sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh, không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh…". Bài Đà Lạt Trăng Mờ mở đầu tập thơ này. Vậy cũng xin vào đề với Đà Lạt Trăng Mờ .
Thiêng Liêng
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu (Có bản viết: Giây phút thiêng liêng…)
Theo tôi, thiêng liêng là cái mác của con người và thơ HMT. Từ này không thông dụng trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt, có thiêng hoặc linh thiêng theo nghĩa linh nghiệm, nói đến là thấy hiển hiện ngay. Tính từ thiêng liêng có được dùng cũng chỉ có nghĩa là cao quý, đáng trân trọng. Chẳng hạn yêu nước là một tình cảm thiêng liêng. Người công giáo việt nam dùng từ này trong bối cảnh đạo Công giáo. Và để hiểu ý nghĩa của từ này nơi người công giáo, có lẽ không gì bằng đọc thơ của Hàn.
Đọc Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu, ta tự hỏi: khi nào phút thiêng liêng khởi đầu? Có phải khi ngắm trăng lên? Không hẳn thế. Quang cảnh trời đất trong 4 câu đầu là mơ trong mơ. Trời mơ trong cảnh huyền mơ. Trăng sao cũng đắm đuối trong sương nhạt. Trăng mờ Đà Lạt thành trăng mơ của hồn. Trăng ngoài và trăng trong gặp nhau. Cảnh quyện với người. Và phút thiêng liêng khởi đầu khi thi nhân vượt qua cõi hư thực, sang bên kia bờ ảo mộng để 'đón từ xa một ý thơ'. Chính ý thơ làm nên quang cảnh trời đất trong 4 câu thơ đầu. Trời đất bao la như quỳ gối, nín thở, chờ đón. Không phải chờ đón gì trong trời đất, mà từ cao xa. Từ bên kia trời đất. Từ bên ngoài vụ trụ.
Dù không có hồn thơ như HMT, ta cũng dễ nhận ra rằng, mỗi khi ta thực sự nguyện cầu, thì phút thiêng liêng khởi đầu. Khi cầu nguyện, lòng ta vượt qua thế giới quanh ta để hướng về Đấng ta nguyện cầu. Khi cả một cộng đoàn cầu nguyện cũng thế, mọi thành phần của cộng đoàn cùng nhau hướng tới Đấng hiện diện ngay trong lòng thực tại nhưng không thuộc về thực tại, dù là thực tại trong mơ.
Như vậy phút thiêng liêng hàm chứa thinh lặng và siêu thoát. Cuối đoạn 2, câu Và để xem trời giải nghĩa yêu. Có bản viết hoa chữ trời. Có người hiểu trời là Thiên Chúa. Thiết nghĩ, trời ở đây vẫn là quang cảnh trời đất. Ý thơ mà trời đất chờ đợi có một nghĩa: nghĩa yêu. Nghĩa ấy không ở trong trời đất, nhưng đất trời, từ tinh tú trên kia cho đến cỏ cây hoa lá và mọi loài dưới này đều nói với ta về nghĩa yêu nếu ta biết thinh lặng và chiêm ngưỡng.
Thinh Lặng
Nhưng thế nào là thinh lặng? Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều. Bình thường, đã làm thinh thì không nói. Đã nói thì không làm thinh. Nhưng trong câu thơ này, làm thinh không có nghĩa là không nói. Nếu Hàn Mặc Tử không nói thì làm gì có Đà Lạt Trăng Mờ, làm gì có thơ Hàn Mặc Tử ? Nói, nhưng không nói nhiều. Nói, nhưng dành phần cho thinh lặng.
Thinh lặng đi đôi với lời. Thinh lặng là một cách nói và nói không xa rời thinh lặng. Nói kiểu súc miệng bằng lời (coi những cuộc cãi vã chính trị) khiến ta quên mình, quên người, có thể giải trí, tiêu khiển, nhưng không dẫn tới trao đổi, gặp gỡ. Thế quân bình giữa thinh lặng và tiếng nói cần thiết cho mọi cuộc trao đổi. Thinh lặng để nghe, kể cả nghe sự im lặng của người khác. Đồng thời nói. Nói để biểu lộ hay diễn tả nội dung của im lặng. Không nói là một cách đẩy người khác ra lề. Làm thinh và nói. Nhưng chớ nói nhiều. Thơ, Nhạc và mọi hình thức nghệ thuật đều nói một cách nào đó để dẫn ta vào im lặng.
Cũng như khi cầu nguyện có kinh, có lời ca tiếng hát giúp ta yên lặng. Dự thánh lễ, ta thấy có những người dẫn lễ, dẫn hát mộc mạc, nhưng lễ diễn ra sốt sắng. Họ nói một cách im lặng. Nói để đưa vào thinh lặng. Cũng có lúc người hát, ban hát khá tài năng, nhưng không mấy giúp ta cầu nguyện, vì thiếu thinh lặng.
Hàn Mặc Tử rất mê tiếng nói, với thanh âm, khí vị, mầu sắc của từng tiếng, từng lời, ngoài cả cái ý nghĩa của mỗi tiếng. Chẳng hạn, hai tiếng Phượng Trì cuối bài Ave Maria. Anh mê hai tiếng đó vì "nghe như bay lên cao, bay lên cao" . Hẳn vì mê chữ, mê lời, mà anh rất tiết kiệm lời. Tiếng nói trong thơ Hàn như được gói bằng thinh lặng. Ngay từ lúc 14, 15 tuổi khi còn làm thơ theo thể Đường luật đã có những câu như:
Nép mặt trong hoa nói thì thầm (Đàn Nguyệt)
Ấp úng không ra được nửa lời (Buồn Thu)
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời (Nhớ Trường Xuyên)
Thinh lặng chẳng những cho phép ta nghe thấy nhau, nhận ra nhau, mà còn cho phép ta nghe được trời đất cỏ cây. Về điểm này thì HMT tuyệt siêu, thính giác và mọi giác quan của anh tinh nhậy đến độ khó tưởng tượng. Anh sờ được ánh trăng: Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối (Thức Khuya); anh Say mơ vướng phải mùi hương ướp (Âm Thầm) như hương là một loại tơ trăng. Và thường khi người đời không thấy hương, Hàn Mặc Tử lại thấy thơm: Thơm như tình ái của ni cô (Huyền Ảo); Mùi vị thơm tho một ái tình (Thời Gian). Trăng đối với anh cũng thơm và ấm áp: Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ (Ngủ với Trăng). Đặc biệt, anh hớp, anh nhả, ngậm: Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị / Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí (Ave Maria); Cả miệng ta trăng là trăng / Cả lòng ta vô số gái hồng nhan / Ta nhả ra đây một nàng (Một Miệng Trăng). Trở lại với thính giác, Hàn Mặc Tử nghe được tiếng run của tơ liễu, tiếng nước reo tận đáy hồ, tiếng vỡ của sao băng. Không một tiếng gì nghe đụng chạm/Dẫu là tiếng vỡ của sao băng. Từ Tiếng buồn trong sương đục / Tiếng hờn trong lũy tre của Tình Quê, (Gái Quê), Hàn lên tới lời câm của muôn vì sao áy náy (Trường Tương Tư) hay tiếng dội từ bên kia bờ ảo mộng:
Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi từ thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim (Huyền Ảo).
Siêu thoát
Thinh lặng để đón từ xa một ý thơ, thì tự nó đã siêu thoát rồi. Siêu thoát theo nghĩa vươn tới cõi thiêng liêng, sáng láng, tinh khôi. Nhưng Hàn đi sâu hơn với câu: Và cả lòng tôi chẳng nói rằng. Thinh lặng là ắng tiếng lòng. Xét cho cùng, thinh lặng thâm sâu nhất, là thinh lặng của hồn, khi mình trở về với lòng mình. Không phải trở về như tự thu mình vào cõi u tịch riêng tư, mà là trở về như quay lưng lại những vẩn đục, xáo động để hướng hồn lên tới cõi siêu hình cao tột bức / Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao (Siêu Thoát). Hồi xưa lễ tiếng latinh (lúc nhỏ, Nguyễn Trọng Trí đi lễ mỗi ngày) hát 'sursum corda' (hãy nâng tâm hồn lên). Hai từ thôi, nhưng đã được HMT thi vị hóa dưới nhiều dạng. Trong Nguồn Thơm chẳng hạn, có những câu:
Tiếng pháo đi: bao nhiêu kinh cầu nguyện
Đều dâng lên cho đến chín tầng mây
…
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt
Đường thơ bay sáng láng như sao sa
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Thinh lặng cô liêu và đơn độc.
Thiêng liêng, thinh lặng, siêu thoát… Toàn là Xuân Như Ý cả hay sao ? Thưa, không phải vậy. Mà cũng không phải không vậy. Vẫn tinh khôi, sáng láng, vẫn tứ thời xuân nhưng đồng thời cũng là Đau Thương, nghĩa là Mật đắng, Máu cuồng và Hồn Điên. Bài Đà Lạt Trăng Mờ mở đầu tập Đau Thương mặc dầu không có gì là đau thương. Hay bài Huyền Ảo, Đây Thôn Vĩ Giạ, Sáng láng cũng vậy. Ngược lại, trong tập Xuân Như Ý có những bài đau thương, thảm thiết như Say Chết Đêm nay, Phan Thiết! Phan Thiết!
Lời Tựa tập Xuân Như Ý viết: Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả… Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc… (…)
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao Danh Cha cả sáng.
Và Loài người hãy cám ơn Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…
"Đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng". Nước mắt dọng cười theo nhau (Này đây lời ngọc song song). Nước mắt trộn với dọng cười. Hàn Mặc Tử sống trong siêu thoát, đồng thời phiêu dạt trong điên dại, khổ đau của một tâm hồn đơn côi, lạc lõng:
Đơn độc trong yêu đương:
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì (Muôn năm sầu thảm)
Hay đoạn này:
"Một khối tình nức nở giữa âm u
"Một hồn đau rã lần theo hương khói
"Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
"Một lời run hoi hóp giữa không trung
"Cả niềm yêu ý nhớ cả một vùng
"Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn." (Trường tương tư)
Cô đơn của người thơ.
Trong một bức thư gửi Hoàng Trọng Miên, HMT viết: Thi sĩ rớt xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. […] Vì thế, thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự.". Như thánh Augustinô! (Thánh nhân than thở: "Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con chỉ an nghỉ trong Chúa"). Ở một đoạn khác trong cùng là thư: "Bởi muốn cho loài thi sĩ ( 2 loài kia là thiên thần và loài người ta) làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, -nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người (Đức Chúa Trời) bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mạnh tàn khốc theo riết bên mình."(Chơi giữa mùa trăng, tr. 36, 35) . Hai trích dẫn trên chứng tỏ HMT biết rõ giá trị siêu việt của những tác phẩm mình sáng tác, và ý thức một cách bi đát về cái giá phải trả. Mà cái giá tàn khốc nhất là sự cô đơn.
Ở bài Siêu thoát, trong khi khoái lạc đến ngất ngư, điên rồ trên cõi siêu hình cao tột bực, thi nhân than thở:
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm màu
Những hạt lệ của trích tiên đày đọa ?
Và trong Những Giọt Lệ thi nhân cảm thấy mình bị bỏ rơi, bơ vơ lạc lõng:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Cô đơn trước cái chết:
Nhưng cô đơn trước hết là cô đơn trước cái chết. Thứ cô đơn này khiến HMT cũng giống như loài người chúng ta. Có khác nhau là khác ở mãnh lực cảm thụ của thi nhân.
Nghĩ tới cái chết của mình, Hàn tiếc nuối:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì,
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
Nghĩ tới cái chết của người, Hàn đau đớn:
Họ đã đi rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. (Những giọt lệ)
Rồi chết thật, chết cô đơn:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ!
…
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
Còn em sao chẳng hay gì cả? (Trút linh hồn)
Tôi là ai ?
Chính vì cái chết mà Hàn đặt nghi vấn về mình, nói tới mình như một người xa lạ:
Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện
Trong lòng và đang tắm máu sông ta
Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện
Để nhìn xem sắc mặt với làn da
Rõ là mình, nhưng không phải mình. Mình đang hiển hiện ngoài kia nhưng lại ở ngay trong lòng mình. Ở ngay trong lòng mình, nhưng mình cũng chẳng biết mặt mũi ra sao!
Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta.(Biển hồn ta)
Vậy có bao nhiêu mình ?
Ai đi lẳng lặng trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Một người ngoài kia đi trên làn nước, một người ngồi khít cạnh. Thi nhân hoảng sợ:
Không nói không rằng nín cả hơi
Chao ôi ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời (Cô liêu)
Thế thì hồn là ai? Tôi là ai?
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực.
…
Hồn là ai, là ai tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc. (Hồn là ai)
Hồn là hồn của xác, cào cấu nhai nghiến xác. Cũng là hồn giúp xác thắng vượt khổ đau, bệnh tật và biến đau khổ thành thơ. Nhưng biến thành thơ còn là đau khổ. Hồn mệt mà xác thì chết lên chết xuống.
Để bớt nỗi thê lương, thi nhân cho một hồn siêu thoát, mà thi nhân gọi là hồn ngoài :
Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng
Chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây
Rồi khuyên dụ hồn quên hết nỗi đau thương
Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Để thi nhân hết phải bận tâm đến cái thân tàn ma dại. Và nhờ hồn ngoài tiếp sức, biết đâu cái xác tử thi này chẳng hóa thân trong hoa hương, sáng láng ?
Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn
Ngấm vào trong cơ thể những hoa hương
Và sẽ thở ra toàn hơi thở sáng
Để trên cao hồn khỏi lộn màu sương
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Nhưng thê lương vẫn hoàn thê lương:
Nhưng khốn nỗi xác ta thành câm tiếng
Hồn đi rồi không nhập xác thê lương (Hồn lìa khỏi xác)
Hồn trong, hồn ngoài, một hồn, nhiều hồn ? Chẳng biết. Tôi và tôi ngồi khít cạnh tôi, tôi và tôi đang đi trên làn nước ngoài kia.. bao nhiêu tôi tất cả? Nói như Hamlet: To be or not to be hay như Hàn Mặc Tử: Ta là ta hay không phải là ta ? (Siêu thoát). Chẳng sao. Ta cũng biết đâu là trả lời của Hàn. Có điều sau khi ôn lại những câu hỏi đầy bi thương của Hàn, ta càng thấy siêu thoát thuộc cõi thiêng liêng, cõi của lòng tin. HMT còn gọi là cõi siêu hình.
Trước khi chấm hết, xin trân trọng đọc lại bài
Siêu Thoát
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực,
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.
Xa lắm rồi, xa lắm hãi dường bao
Ai tới đó chẳng mê man thần trí,
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang
Những cù lao trôi nổ xứ mênh mang
Sẽ qui tụ, thâu về trong một mối
Và tư tưởng không bao giờ chắp nối
Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng.
Tư tưởng chắp nối là tư tưởng của lý luận. Lý luận chỉ làm cho kém thiêng liêng. Nếu cứ lý luận thì khẳng định rằng đời có nghĩa cũng có lý, hay đời vô nghĩa cũng có lý; rằng ta là ta hay không phải là ta đều có thể. Nhưng khi hết phô triết lý, khi chấp nhận cõi thiêng liêng mà ta không hiểu nổi, trí ta sẽ mở rộng tới vô cùng:
Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên
Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.
Trời bát ngát không cần phô triết lý.
Thơ láng lai chấp chóa những hàng châu.
Ta hiểu chi trong áng gió nhiệm mầu
Những hạt lệ của trích tiên đày đọa.
Cái trí lý luận của ta hạn chế, chẳng hiểu chi trong áng gió nhiệm màu, nếu chấp nhận cõi thiêng liêng, nói khác đi, nếu tin, thì sẽ lan nghĩ rộng vô biên, sẽ hiểu hết những anh hoa huyền bí, sẽ rưng rưng hạt lệ nhận ra rằng ta là trích tiên đày đọa, lưu lạc chốn khách đày, nhưng cứu cánh của đường trần ta đang đi là cõi siêu hình cao tột bực. Vậy:
A ha hả! say sưa chê chán đã.
Ta là ta hay không phải là ta?
Có gì đâu, cả thể với cao xa,
Như cội rễ của trăm ngàn đạo hạnh.
Hớp rượu mạnh, máu càng hăng sức mạnh.
Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.
Thương là thương lòng mình giận chưa nư.
Hồn vội thoát ra khỏi bờ trí tuệ.
Ta là ta hay không phải là ta? Ta hiểu rồi: cả thể với cao xa mới là cội rễ của trăm nguồn đạo hạnh. Vô biên mới thật là nơi ta hướng tới, nơi ta chờ đợi và nơi đợi chờ ta. Vô biên, nơi ta hò hẹn, nơi làm cho mê man thần trí, nơi của tình yêu rung động lớp hào quang. Ý nghĩ ấy khiến HMT thốt lên: Ôi điên rồ! khoái lạc đến ngất ngư.
Kết
Thiêng Liêng, Thinh Lặng, Siêu Thoát, Đau thương, Khổ lụy, Đơn côi. Trầm luân trong cuộc sống chết, con người khổ đau vô vọng, tuyệt vọng hay hy vọng ? Hàn Mặc Tử hy vọng. Tôi muốn nói, HMT của Đức Tin. Hy vọng của Đúc Tin không như hy vọng những ngày mai tươi sáng. Tin ở đây là tin yêu và trông cậy. Đức Tin mở lòng trí con người ra tới cõi vô cùng của Tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên, tưởng cũng nên nhặc lại: Hàn-Mặc-Tử- trong-Thơ-Hàn-Mặc-Tử là thi sĩ và trước hết là thi sĩ. Như anh thú nhận:
Ta không nhấp rượu,
Mà lòng ta say…
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay…
Té ra ta vốn làm thi sĩ,
Khát khao trăng gió mà không hay! (Ngủ với Trăng).
Vì thấm nhuần Đức Tin, hồn thơ của Hàn rộng rinh, vô bờ bến. Nhưng Đạo khác, Thơ khác. Đạo có thể thành thơ nhưng Thơ không phải là Đạo. Và Đạo cũng không phải là Thơ. Với Hàn, Đạo đã thành thơ. Là người công giáo, Hàn không làm thơ công giáo. Hàn làm thơ, thế thôi. Vì thơ là hơi thở, nhịp sống của Hàn.
Giữa vũng cô liêu cũ vạn đời, Hàn Mặc Tử sống như đã siêu thoát. Đối với Hàn, Ý Thơ từ cao xanh có một nghĩa, Nghĩa Yêu. Nên Hương mến yêu là lộc của lời thơ (Nguồn Thơm). Nhưng Yêu gắn với Khổ đau. Đau như Đau Thương. Có thương mới đau. Cõi đời là cõi thương đau. Siêu thoát rồi nhưng vẫn còn trong cõi đau thương, chờ ngày siêu thoát. Vậy bao lâu còn sống, hãy yêu, hãy mến và ca tụng với Hàn Mặc Tử:
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu ? (Ave Maria).
Cám ơn!
Đỗ Mạnh Tri 15.04.2012.