KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, bài 7
GIÁO SƯ ĐẶNG TIẾN CHO CẢM TƯỞNG VỀ
Ngày Văn Hóa Hàn Mặc Tử tại GGXVN Paris 15.04.2012


Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam mửng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Giáo Sư Đặng Tiến, chuyên về Hàn Mặc Tử, đã được mời cho cảm tưởng tổng quát về Ngày Văn Hóa Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử. Sau đây xin ghi lại những cảm tưởng của ông

Đây là bài thứ bảy trong loạt 8 bài « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử »
1. Lễ cầu cho Hàn Mặc Tử
http://vietcatholic.net/News/Html/97284.htm
2. Giới thiệu Ngày Văn hóa 100 năm Hàn Mặc Tử và Thư viện Giáo xứ
http://vietcatholic.net/News/Html/97337.htm
3. Tình sử « Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97362.htm
4. «Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97385.htm
5. «Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử »
http://vietcatholic.net/News/Html/97407.htm
6. « HànMặc Tử người lữ hành dưới trăng »
http://vietcatholic.net/News/Html/97449.htm
7. Giáo sư Đặng Tiến cho cảm tưởng về Ngày Văn hóa Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử
8. Lời bạt : Những Hàn Mặc Tử mới đang xuất hiện


Kết thúc Văn Nghệ, Cha Đinh Đồng Thượng Sách mời Gs Đặng Tiến lên sân khấu. Ngài giới thiệu GS là chuyên viên về Hàn Mặc Tử, rồi nhìn Gs và xin ông cho cảm tưởng chung về Ngày Văn Hóa « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » mà ông vừa tham dự và chứng kiến.

GS Đặng Tiến :

-« Với Giáo Xứ, tôi là một khách lạ. Xin cám ơn cha Sách cho tôi phát biểu một vài ý kiến về buổi lễ hôm nay. Thứ nhất xin có lời ca ngợi Ban Văn Nghệ đã tạo ra một chương trình văn nghệ công phu và hào hứng.
Cả hội trường vỗ tay. Cha Sách xen vào :

-Đó là công lao đặc biệt của anh Nguyễn Kim Tuấn và anh Bùi văn Triển.
Tiếng vỗ tay của hội trường vang to hơn. Cha Sách xen vào giới thiệu Gs Đặng Tiến :

-Giáo sư Đặng Tiến là người dậy trên đại học Jussieu.

GS Đặng Tiến tiếp lời :

-Rồi cảm ơn hai bài thuyết trình của hai anh Đỗ Mạnh Tri và Lê Đình Thông rầt là uyên bác, công phu và hấp dẫn. (Cả hội trường vỗ tay). Tiếp theo là cảm ơn Giáo Xứ và các cha, đặc biệt là cha Sách, đã cho chúng ta gặp nhau hôm nay. (Vỗ tay). Và xin nói thêm một chút về lời tham luận của Đức cha. Ông ấy không phải đến như là người chuyên môn để nói về Hàn Mặc Tử. Ông ấy đến để dâng lễ. Nhưng mà cái điều ngắn ngủi mà ông ấy nói vể Hàn Mặc Tử là một cái nhấn gọn quan trọng nhất về một điểm liên quan đến Hàn Mặc Tử. Đó là những tư liệu về Hàn Mặc Tử có rất nhiều điều sai trái. Ví dụ cái tên thánh của Hàn Mặc Tử mà ông Tín, em ruột, còn nhớ sai. Huống chi là những điều khác. Cho nên chúng ta cũng phải hết sức dè dặt. Tôi lấy thí dụ khác. Bài « Đây Thôn Vỹ Dạ » mà anh Lê Đình Thông đã phân tích rất hay, là một bài nổi tiếng nhất của Hàn Mặc Tử và đã được đưa vào giáo trình trung học hiện nay. Bài thơ này có chỗ viết sai. Mà cái chỗ viết sai đó là do ông Giáo Sư Hà Minh Đức, một người rất là nổi tiếng, từng là Viện Trưởng Viện Văn Học ở Hà Nội, chứ không phải là một người thường. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là, nhân dịp này, đưa ra một lời kêu gọi. Đó là điều sau đây : Chúng ta biết rằng suốt đời Hàn Mặc Tử, ông chỉ in được một tập thơ. Đó là tập thơ « Gái Quê », được xuất bản năm 1936. Tập thơ đó, hiện bây giờ, trong nước, ngoài nước, bị thất lạc. Tập thơ « Gái Quê » in từ 1976 đến bây giờ là một tập thơ in lại từ bản đánh máy của ông Chế Lan Viên. Mà ông Chế Lan Viên có thêm bớt gì thì mình không biết. Tóm lại, bản Gái Quê mà chúng ta xử dụng hôm nay không phải là bản Gái Quê chính thức của Hàn Mặc Tử. Về điểm này, các anh em trong nước cũng như bản thân tôi xin đưa ra lời kêu gọi rằng : tình cờ, nếu có ai thấy đâu đó có bản Gái Quê chính thức của Hàn Mặc Tử in năm 1936, thì xin thông tin cho tôi hay là cho cha Sách, hay cho một người nào khác cũng được. Tôi xin nhắc lại rằng chúng ta tìm bản gốc, in năm 1936, chứ không phải bản in lại từ bản sao đánh máy của ông Chế Lan Viên năm 1976. Đó là điều cần kíp cho văn học và cho tất cả mọi người. Lời cuối cùng mà tôi muôn nói là xin cảm ơn cha Sách.

Cả hội trường vỗ tay rất to và rất lâu, như muốn hoan hô GS Đặng Tiến, hoan hô GS Lê Đình Thông, hoan hô GS Đỗ Mạnh Tri, hoan hô Đức cha Hoàng Văn Đạt. Và nhất là có lẽ muốn hoan hô đặc biệt Ban Văn Nghệ và Ban Thư Viện đã cho Giáo Xứ và Đồng bào Việt Nam Paris một Ngày Văn Hóa có mức văn hóa sâu, có tổ chức chất lượng cao và có tình liên đới đặm. Theo lời đề nghị của cha Sách, cả hội trường đứng lên kết thúc Ngày Văn Hóa « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » và hát bài « Việt Nam, Việt Nam ».

Bài thơ « Hàn Mặc Tử » của Cung Chi

Một tuần sau, đọc lại những bài thuyết trình, nghe lại những lời cảm tưởng, xem lại những hình ảnh văn nghệ, nhà thơ Cung Chi, bút hiệu của cha Đinh Đông Thượng Sách, đã gửi cho tôi một bài thơ với đầu đề là : « Hàn Mặc Tử ». Không dám giữ riêng cho mình, tôi xin ghi ra đây biếu các độc giả đã theo dõi 7 bài về Ngày Văn Hóa « Kỷ Niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », do nhóm Thư Viện tổ chức, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris ; Và giống như Giáo Sư Đặng Tiến, tôi xin cám ơn cha Sách đã cho chúng ta được thưởng thức những bài thuyết trình uyên bác, một buổi Văn Nghệ tuyệt diệu và một bài thơ, giọng không khác gì cung cách của Hàn Mặc Tử. Tôi tự hỏi, đọc bài thơ này, mình đang đọc thơ của ai đây ? của Hàn Mặc Tử, hay của một Hàn Mặc Tử Mới đang xuất hiện tại Giáo Xứ Việt Nam Paris,

HÀN MẶC TỬ

Đây thi sĩ,với "gió sầu vô hạn"
Rất "đau thương","tê điếng cả làn da"
"Sượng sần"run,"máu đỏ lệ chan hòa
"Uống mật đắng","mửa ra từng búng huyết"

Đây thi sĩ,"cơn tê mê rên xiết"
Trong "thân tàn ma dại","cười như điên"
Cả "con người tiêu tán","rợn vô biên"
Tựa "khối tình vỡ toang ra từng mảnh"

Đây "miêu duệ của muôn vì rất thánh"
Lấy "bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng"
Những câu thơ "xao xuyến vũng sông Hằng"
Mang "nghia lý sáng trưng như thất bảo"

Đây "phong nhân",kính dâng Mẹ yêu dấu
"Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ"
Thay "muôn kinh dồn dập cõi thơm tho"
Hồn "ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ"

Mẹ "có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Mẹ "có nghe náo động cả muôn trời?
Mẹ "có hay thơ mầu nhiệm ra đời?"
Của người con "thấm nhuần ơn trìu mến?"

"Kính lạy Mẹ,Đấng trinh tuyền thánh vẹn"
"Giầu nhân đức,giầu muôn hộc từ bi"
Xin thương nhận "lời cảm tạ phò nguy"
Người con Mẹ "qua lâm lụy cõi thế"

Xin lau sạch mi mắt "hai hàng lệ"
Đưa lên trời "chốn châu ngọc đền vua"
Đỉnh "Phượng Trì",cảnh "Đâu Suất" "chưa bưa"
Hồn có đậu,vần thơ bay có thấu ? (1)

PARIS,Dịp Thư Viện Giáo Xứ VN/Paris
mừng 100 năm sinh nhật Hàn Mặc Tử,1912-2012
(1)Những lời,những chữ trong "..." là của HMT

Paris, ngày 28 tháng 04 năm 2012
Trần Văn Cảnh