KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ
GIÁO SƯ LÊ ĐÌNH THÔNG CHO CẢM TƯỞNG VỀ


« Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử »

Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử (Bài 5 : Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử )

Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam mửng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Giáo Sư Lê Đình Thông, Giáo sư Đại Học Paris, đã được mời cho cảm tưởng về Hàn Mặc Tử. Ông đã chọn nói về « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mạc Tử »

« Năm nay, nhóm Thư viện Giáo Xứ thắp 100 ngọn bạch lạp, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-2012). Cảo thơm lần giở trước đèn. Thay cho phong tình cổ lục là thơ văn Hàn Mặc Tử rải rác trong các tác phẩm, từ Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương, Xuân Như ý đến Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi giữa mùa trăng. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, người có công in Hàn Mặc Tử anh tôi trong tủ sách Tin Nhà, vừa bàn về Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi mạo muội đưa ra vài ghi nhận về vần thơ tin, cậy, mến của Hàn Mặc Tử ».
Vừa nói xong câu nhập đề trên, Giáo sư Lê Đình Thông nhìn đồng hồ và xác định rằng « Tin, Cậy, Mến là ba nhân đức đối thần. Cả ba đều rất quan trọng ». Nhưng thấm nhuần thần học Phaolô, ông xác tín như Phaolô rằng « Hiện nay, đức Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại ; Nhưng cao trọng hơn cả là đức Mến ». Rổi ông đề nghị : « Vì thời gian đã trễ, tôi xin không đọc bài cảm tưởng, nhưng xin tóm gọn vào những điểm chính yếu. Và xin bắt đầu bằng Đức Mến ». Cùng lúc ấy, bài viết đầy đủ của Gs Lê đình Thông đã được phân phát. Bài này đã được phổ biến trên Vietcatholic : http://vietcatholic.net/News/Html/97298.htm.

1. Đức Mến trong thơ Hàn Mặc Tử.

Theo Giáo Sư Thông : Hàn Mặc Tử bày tỏ về đức Mến bàng bạc khắp trong các sáng tác, văn xuôi cũng như thơ. Về Thơ, có lẽ bài « Đây thôn Vĩ Dạ » là bài hay hơn cả. Nó thuật lại mối tình lặng lẽ của Hàn Mặc Tử với một thiếu nữ Huế, nhà ở thôn Vĩ Dạ. Giáo sư cắt nghĩa :
« Đây thôn Vĩ Dạ là thơ mới bảy chữ, gồm ba khổ :

Ÿ khổ 1 :
câu 1: Sao anh không về thăm thôn Vĩ ? Giới thiệu không gian (thôn Vĩ). ‘‘Về’’, vì tuy không đi chung một chuyến đò mà tưởng như đã thân quen, người viễn khách về lại chốn cũ.
Câu thơ mở đầu được viết ở thể nghi vấn, như một lời hờn trách.
câu 2 : Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên : nói đến thời gian, vào lúc hừng đông. Chữ ‘‘nắng’’ được láy âm như tiếng chim gọn đàn ríu rít.
câu 3 : Vườn ai mướt quá xanh như ngọc: không gian thu hẹp là vườn cau, khóm trúc.
câu 4 : Lá trúc che ngang mặt chữ điền : Người thôn nữ e ấp núp sau cành trúc, che ngang khuôn mặt tiểu thư khuê các, giống như tấm hình ‘‘nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát’’.
Tác giả gieo vần gián cách, minh họa cho sự khắc khoải đợi trông.
Khổ 1 có 17 chữ vần bằng, 11 chữ vần trắc nên hơi thơ thoảng nhẹ như sương mai.
Câu 1 : tác giả sử dụng một lần chữ ‘‘anh’’ ; câu 10 một lần chữ ‘‘em’’. Còn lại là bốn chữ ‘‘ai’’, mỗi lần mang ý nghĩa khác nhau:
- câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc (ai : thôn nữ).
- câu 7: Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó (ai : người lái đò).
- câu 12 : Ai biết tình ai có đậm đà (‘‘ai’’ đầu là viễn khách; ‘‘ai’’ sau là thôn nữ).

Ÿ khổ 2:
câu 5: Gió theo lối gió / mây đường mây. Cách ngắt câu : 4 rồi 3 chữ, tạo thành tiết tấu nhịp nhàng. Cách ngắt câu còn nói lên sự chia lìa, tan tác của mây và gió, của viễn khách và thôn nữ.
câu 6: Dòng nước buồn thiu / hoa bắp lay. Nước sầu trôi lờ lững, bắp sầu nên nhẹ lay.
câu 7: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Tác giả biến sông Hương thành sông Trăng. Nhà thơ hỏi con thuyền liệu có xuôi dòng, chở kịp vầng nguyệt bạch, là người viễn khách hóa thân, vật vờ trên sông Hương, về kịp thăm thôn Vĩ, và cũng là thôn nữ ?
câu 8: Lá trúc che ngang mặt chữ điền : Khuôn mặt thôn nữ chữ điền e ấp sau cành trúc la đà.
Số chữ vần trắc chỉ còn là 9. Tác giả tăng thêm vần bằng là tăng niềm nhớ nhung da diết, tăng nỗi u hoài day dứt không nguôi.

Ÿ khổ 3 :
câu 9: Mơ khách đường xa / khách đường xa. ‘‘Khách đường xa’’ lặp lại hai lần, réo rắt nhạc sầu mong đợi.
câu 10: Áo em trắng quá nhìn không ra. Lần đầu và cũng là lần cuối, thi nhân gọi người thôn nữ là ‘‘em’’.
câu 11: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Thời gian chuyển thành sương khói hoàng hôn. Vì viễn khách không về thăm thôn Vĩ, thôn nữ chỉ còn là nhân ảnh nhạt nhòa, hay nói đúng hơn là tâm ảnh.
câu 12: Ai biết tình ai có đậm đà. Chữ ai lập lại hai lần là cung thương hồ cầm. Tuy không gặp nhau, viễn khách và thôn nữ cùng chia nhau chữ ai, sầu ai oán.
Số chữ vần trắc chỉ còn 7 khiến câu thơ nghe như tiếng thở dài não nuột.

Đây thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.


Tác giả có lần thổ lộ : ‘‘Vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh.’’ Vườn thôn Vĩ Dạ có bờ tường cách ngăn. Còn vườn thơ Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử rộng rinh làm ta ớn lạnh. Hồn thơ Hàn Mặc Tử vượt thời gian và vượt cõi không gian.

Năm 2011, nhà xuất bản Arfuyen dịch thơ Hàn Mặc Tử sang tiếng Pháp, lấy thôn Vĩ đặt tên cho toàn tập : Le hameau des roseaux. Dịch giả đã chuyển hóa thôn Vĩ sang thôn sậy, có lẽ vì sậy buông xõa như tóc mây, không khác gì hoa bắp. Tên bài thơ được dịch là Voici le Hameau des Roseaux. Sách Xuất hành trong Cựu ước (Xh 30,23) nói đến ‘‘sậy hương’’ (roseau aromatique). Phải chăng ấn bản tiếng Pháp muốn nói đến người thôn nữ bến sông Hương ?

Đây thôn Vĩ Dạ được coi là tuyệt bút. Tuy thi nhân không về thăm thôn Vĩ, nhưng hồn thi nhân còn lưu lạc đất Thần Kinh. Ngày nay, có con đường ở thôn Vĩ mang tên Hàn Mặc Tử. Và trong tâm hồn nhân thế vẫn khắc ghi những bài thơ thần bút của thi nhân ».

2. Đức Cậy trong thơ Hàn Mặc Tử

Giáo Sư Lê Đình Thông tiếp tục với Đức Cậy trong thơ Hàn Mặc Tử. Ông nói :
« Niềm trông cậy của Hàn Mặc Tử được diễn tả tượng trưng qua vầng trăng. Trong tiếng Pháp, thuật từ ‘‘khuynh hướng tượng trưng’’ (symbolisme) do tiếng latinh symbolictum (symbole de foi). Hàn Mặc Tử viết nhiều về trăng. Trăng giãi sáng văn thơ của Hàn: văn xuôi có Chơi giữa mùa trăng ; văn vần có nhiều bài, từ Uống trăng, Sáng trăng, Ngủ với trăng, Một miệng trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Vầng trăng ; đến Trăng mờ Đà Lạt.

Hàn Mặc Tử yêu trăng cũng là dễ hiểu, vì nhà thơ ‘‘yêu chuộng Mẹ Từ Bi’’ là Đấng ‘‘đẹp như mặt trăng’’. Trăng có trong Cựu ước và Tân ước. Sách Diễm ca (còn gọi là Nhã ca) chép rằng: ‘‘Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,
uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận.’’ (Dc 6,10)

Theo Thánh vịnh, ‘‘Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết. Fecit lunam in tempora’’ (Tv 104,19). Vì Thiên Chúa đã phán: ‘‘Phải có những vầng sáng trên vầng trời để phân rẽ ngày với đêm.’’ (St 1,14)

Trong tập Gái quê, Hàn sáng tác 7 bài thơ nói về trăng. Qua tập Đau thương là 17 bài thơ trăng. Hành trình trăng của Hàn Mặc Tử cũng là hành trình thơ. Bài thơ cuối đời nói đến cái chết của nhà thơ là trăng tròn thụ nạn :

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.


Trong số các thi phẩm của Hàn Mặc Tử, Đà Lạt Trăng mờ là thơ trăng toàn bích, nói lên niềm cậy trông của thi nhân trong phút thiêng liêng vừa hé mở:

Đà Lạt Trăng Mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng ».


3. Đức Tin trong thơ Hàn Mặc Tử

Về « Đức Tin trong thơ Hàn Mặc Tử, Giáo sư Lê Đình Thông nói :
« Ngoài văn xuôi, Hàn Mặc Tử diễn tả đức tin qua nhiều bài thơ như Nguồn thơm, Điềm lạ, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện. Bài Nguồn thơm có câu:
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối

Theo học giả Thái Văn Kiểm, ‘‘Xuân Như Ý là mùa xuân của sáng thế ký, lúc mà vũ trụ sơ khai, linh khí của Thượng đế chập chờn trên nước’’. Mùa xuân vĩnh viễn đó đầy rẫy những lời nguyện cầu của thánh kinh, hương lạ mê ly, âm thanh mầu nhiệm, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị.
‘‘Lòng tin tưởng ở Thượng đế đã chứng giám, an ủi cho những nỗi thống khổ của Hàn Mặc Tử và giúp cho thi tài được hoàn toàn thành tựu. ‘‘Mùa xuân như ý được xem như tập thơ có giá trị hơn hết trong tất cả những thi phẩm của Hàn. Bài Ave Maria cũng đủ chứng minh điều đó.’’

Thái Văn Kiểm trong Un grand poète vietnamien : Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bá Tin trong Hàn Mặc Tử anh tôi đều cho rằng tên bài thơ là Ave Maria. Quách Tấn trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử lại cho rằng bài trường thi 8 chữ này là Thánh nữ Đồng trinh. Bản hợp xướng của nhạc sư Hải Linh lấy tên Tầu lạy Bà là muốn chuyển nhạc đề từ vầng trăng khuyết lẻ loi của thi nhân sang trăng rằm chung khúc ngất ngây, nốt nhạc chắp cánh cho phượng hoàng bay bổng, chiêm ngắm triều thiên Đức Mẹ Chúa Trời.

Về xuất xứ bài thơ, Quách Tấn cho rằng ‘‘một đêm Tử nằm mộng, thấy Đức Mẹ Maria lấy ngành dương nhúng nước thánh rảy khắp mình Tử, Tử cảm thấy ‘‘mát đến ớn lạnh’’. Cho nên khi cầm viết viết được, Tử soạn bài Thánh nữ Đồng trinh để tạ ơn Đức Mẹ.’’

Tác giả Nguyễn Bá Tín lại cho rằng :

Ÿ ‘‘Từ ngày anh suýt chết ngoài bờ biển Qui Nhơn, anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng. Bài Ave Maria mà anh đã xuất thần sáng tác, có những lời tạ ơn nồng nàn tha thiết’’.

Ÿ ‘‘Anh nói : Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe như bay lên cao, bay lên cao, hay quá. Hai tiếng đó đã tạo cho anh một ý niệm bay về trời mà trong bài thơ Ave Maria ở đoạn cuối, anh lặp lại bốn lần một cách tha thiết.’’

Ÿ ‘‘Bốn chữ song lộc triều nguyên, Hàn Mặc Tử mượn trong khoa tử vi đẩu số có từ đời Đại Tống bên Tầu, nói về đại quý cách của người được trời ban nhiều ân sủng cao trọng không ai bằng : Song lộc là Hóa Lộc và Lộc Tồn đều là phúc lộc tinh. Hóa lộc nói về lợi lộc trần thế và vinh quang. Lộc tồn là sao thiên lộc, lộc bởi trời vô tận, có một ý nghĩa thiêng liêng gồm ơn phù trợ và cứu giải. Ngoài ra còn ban ơn thông tuệ và văn chương uyên thâm quán thế. Triều là hướng về, chầu về. Nguyên là bản mệnh. Hàn Mặc Tử rất thích bộ sao này, vì chính anh cũng có bộ sao đó trong bản số. Suốt bài thơ, anh không bày tỏ một lời nào bi lụy có thể làm mất đi nét trong sáng huyền diệu’’.

Bài Ave Marie là kinh Kính mừng:‘‘lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn’’ ; lại vừa là lời kinh Tin kính, ‘‘tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ, tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.’’

Ave Maria

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.

Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một vạn hào quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.

Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới.
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen

Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.

Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước.

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.

Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?


Ave Maria là bản trường ca tám chữ. Khác với kinh Kính mừng gồm hai đoạn đối xứng :
Ÿ đoạn 1 nói về trăng tròn phước cả của Đức Mẹ ;
Ÿ đoạn 2 trở về với thân phận phàm nhân tội lỗi.

Ave Maria của Hàn Mặc Tử là hành trình nhân thế với bao khổ lụy, thương đau. Nhà thơ là Thánh thể kết tinh, dâng nhạc thơ tấu lạy Đức Bà. Nhờ có đức tin, thơ của Hàn tuy ‘‘cấu, cào, nhai ngấu nghiến ; thịt da sượng sần và tê điếng’’ nhưng luôn vững niềm cậy trông.

Chất liệu Ave Maria là trăng (sáng hơn trăng, trăng rằm, nguồn trăng) ; là sao (song lộc, bắc đẩu, tinh đẩu, sao mai) ; là sáng láng (sáng hơn trăng, hào quang, sáng nhiều quá, hào quang) ; là ngọc ngà châu báu (châu ngọc, ngọc như ý, chuỗi ngọc).

Ave Maria là kinh thơ tụng ca Thánh mẫu (muôn kinh, huyền diệu, nhân đức, từ bi, cảm tạ, phò nguy, huyền bí). Trong bài thơ, tác giả định nghĩa kinh thơ là :
nguồn trăng (siêu việt) + nguồn đau (nhân thế) = nguồn thơ

Tác giả sử dụng kỹ thuật láy âm (assonance) và điệp tự (répétition), vừa tạo nhạc tính, lại vừa là lời thở vắn than dài của nhân thế : run như run (hai lần), dòng thao thao, đây rồi đây rồi, tấu lạy Bà, lạy Bà, trong hồn, trong mạch máu, cho vỡ lở, cho đê mê. Ngoài ra là phép cân xứng (symétrie) và sánh đôi (parallélisme): song lộc, hai dòng lệ, hai hàng cây bạch lạp.

Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! Phương trì ! là phượng hoàng bay miết, được lập lại bốn lần, như tiếng gõ cửa của định mệnh, âm hưởng giống như bốn nốt nhạc của bản giao hưởng số 5 của Beethoven.
Vần thơ khởi nghiệp của Hàn Mặc Tử tượng hình bằng cánh chim nhạn :
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình giữ mối giây.
Với phượng trì tung cánh bay bổng, nhà thơ không còn níu kéo cánh chim bay nữa, để hồn thơ đậu ‘‘trên triều thiên ngời chói vạn hào quang’’.

Khi viết : Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan, Hàn Mặc Tử so sánh ơn trời với võ lộ (雨露) là sương mai ướt sũng. Sách Lã Thị Xuân Thu (呂 氏 春 秋) có câu : Tuyết sương vũ lộ thì, tắc vạn vật dục hĩ (雪 霜 雨 露 時 , 則萬 物 育 矣) (Khai xuân luận 開 春 論).

Thân phận phàm nhân còn được cực tả qua ngũ quan :
Ÿ khứu giác (odorat): thanh hương, thơm tho, hương xông lên, thơm dường bao ;
Ÿ thính giác (ouïe): thần nhạc, nghe xôn xao, reo trong hồn ;
Ÿ thị giác (vue): sáng hơn trăng ; sáng nhiều quá ;
Ÿ vị giác (goût) : miệng lưỡi khong khen, trong miệng ngậm câu ca ;
Ÿ xúc giác (toucher): chạm tơ vàng, nắm một vạn hào quang.

Đức Cha Hoàng Văn Đạt, Linh mục Thi sĩ Cung Chi và một số Linh mục đang soạn
luận án tiến sĩ tại Đại Học Công giáo Paris (Thư Viện Giáo Xứ ngày 15/04/2012)

Kết luận

Sau khi đã trình bày rút gọn bài cảm tưởng chung của mình về « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử », Giáo sư Lê Đình Thông đã xin đưa ra một kết luận. Ông nói :
Tôi xin kết luận bằng một nhận định của Đỗ Phủ rằng : « Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu » (语不惊人, 死不休) ; nghĩa là ‘‘Thơ chưa làm kinh động lòng người thì chết chưa yên.’’ Thơ Hàn Mặc Tử đã làm kinh động lòng người, làm kinh động lòng tôi, làm kinh động lòng quí vị. Thơ tin cậy mến của Hàn Mặc Tử thực sự làm kinh động lòng người. Mỗi câu mỗi chữ đều dính cân não, đều tràn huyết lệ :

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.

Trong bài Ave Maria, nhà thơ nhận mình là Thánh thể kết tinh. Ý tưởng này lại càng làm nổi bật ý nghĩa nhập thể : ‘’Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’’ (Ga 1,14).

Và để kết thúc phần trình bầy rất ngắn của tôi, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử, tôi xin có bài thơ. Tôi không phải là thi sĩ. Nhưng trước hồn thơ bát ngát điệp trùng của Hàn Mặc Tử, mấy ai không có tâm hồn thi nhân để đón nhận tâm tình của Hàn Mặc Tử ? Thì tôi, tôi cũng xin đón nhận bằng một vần thơ rất là chất phác. Tôi đặt tên là « Vần thơ nhập thể ». Chúng ta nên phân biệt rằng thơ Việt Nam chỉ có vần thơ nhập thế (poésie engagée) mà chưa có thơ nhập thể. Nhập thể là tôi dùng chữ « incarné ». Hàn Mặc Tử là người đầu tiên làm thơ nhập thể. Thơ nhập thể của Hàn Mặc Tử đã khiến tôi cảm xúc, làm lên đôi vần thơ như sau :

Vần thơ nhập thể (poésie incarnée)

Vần thơ nhập thể nhẹ hơi sương
Trí não trào dâng quá lạ thường
Khắc khoải linh hồn tràn huyết lệ
Mê man xác thịt rướm đau thương
Niềm tin chất ngất thơ mầu nhiệm
Cậy mến miên man dạ vấn vương
Kỷ niệm trăm năm Hàn Mặc Tử
Thuyền trăng thấp thoáng bến sông Hương.


Xin cám ơn quý vị».

Một tràng pháo tay rất to và rất dài đã vang khắp hội trường để cám ơn Giáo Sư Lê Đình Thông.


Paris, ngày 22 tháng 04 năm 2012
Trần Văn Cảnh