(UCAN, Hàm Đan, Trung Quốc) - Hai năm sau ngày Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI gửi lá thư mục tử cho Giáo hội Trung Quốc, cha Bành Giám Đạo (giáo phận Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc) đã viết cho UCAN những quan sát của cha trong hai năm qua kể từ ngày Đức Giáo hoàng gửi thư mục tử cho Giáo hội Trung Quốc. Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng đã chỉ ra quan điểm thần học của Giáo hội, chẳng hạn như vấn đề bổ nhiệm các giám mục, đồng thời chỉ ra những hướng dẫn mục vụ cho đời sống đức tin và công cuộc truyền giáo tại Trung Quốc.

Cha Bành Giám Hoài năm nay 45 tuổi, lãnh bí tích Rửa tội năm 1982. Từ rất sớm, cha được đào tạo để trở thành linh mục trong Giáo hội hầm trú; năm 1990, sau khi lãnh tác vụ linh mục (không công khai), cha làm công việc mục vụ ở vùng Sơn Đông cho đến Hà Bắc, từng bị công an bắt giam hai lần. Sau này, cha trở lại giáo phận Hàm Đan công khai truyền giáo, hiện phụ trách một giáo xứ tại huyện Thành An.

Cha Bành Giám Đạo ham thích viết văn, trong blog của ngài thường có các bài viết chia sẻ kinh nghiệm mục vụ, phản tỉnh đời sống đức tin, các bài văn thơ rất phong phú. Sau đây là toàn văn bài bình luận của ngài:


Ảnh hưởng của lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng gửi Giáo hội Trung Quốc

Giáo hội Công giáo Trung Quốc từng trải qua chặng đường dài dằng dặc với những đoạn quanh co khúc khủy, đã từng lâm vào cảnh bách hại đẫm máu lẫn không đổ máu. Ngày 27.5.2007, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, nhờ vào sự ưu ái đặc biệt của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Giáo hội này đã được đón nhận lá thư mục tử khích lệ, cổ vũ tấm lòng của bao con người.

Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng vừa được công bố, chỉ lưu giữ trên mạng internet được đúng 5 tiếng đồng hồ, liền bị chính phủ Trung Quốc ngăn chặn. Mặc dù chỉ tồn tại trên mạng có 5 tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng thế cũng đủ rồi, bởi vì giáo dân Trung Quốc đã thức thâu đêm trước chiếc máy tính để chờ đợi, vừa khi lá thư ấy được công bố, chỉ cần vài phút sau là họ có thể tải về máy và in ra. Trong vòng vài ngày, lá thư ấy đã được truyền đi khắp nơi trên toàn đất nước. Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất nhạy cảm với điều này, nhưng mọi chuyện ra như mưu cùng kế cạn, đành bó tay chịu trận.

Giáo hội Công giáo Trung Quốc, dù là Giáo hội công khai hay Giáo hội hầm trú, đều bộc lộ sự vui mừng đón nhận lá thư này, đây chính là một sự bắt đầu tốt đẹp. Sau một thoáng phấn khởi, vẫn lại trở về với lối cũ, mạnh ai nấy bước. Giáo hội hầm trú vẫn kiên trinh, không khuất phục để bảo vệ nguyên tắc đức tin của mình; Giáo hội công khai tiếp tục giơ cao ngọn cờ của chủ nghĩa ái quốc, vẫn tiếp tục kỷ niệm “50 năm thành lập Giáo hội Ái Quốc Trung Quốc” và “50 năm tự chọn tư phong Giám mục cho Giáo hội Công giáo Trung Quốc”, trong số tham gia các kỷ niệm ấy không thiếu một vài vị giám mục được Đức Giáo hoàng công nhận là Giám mục hợp pháp (của Giáo hội Công Giáo).

Bất luận Vatican lên tiếng thế nào, tinh thần “tôi đi, tôi mày mò tìm kiếm” của người Trung Quốc, chẳng thể làm cho người Âu châu có thể hiểu được. Có lẽ Tòa Thánh cảm thấy ngạc nhiên, tại sao lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng được mọi người vui mừng đón nhận như vậy nhưng lại chẳng thấy một ai chịu tuân thủ làm theo ? Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (hiện đã nghỉ hưu) đã cổ võ các vị lãnh đạo Giáo hội Trung Quốc nên học theo tinh thần của thánh Stephano, nhưng làm gì có một Giám mục Trung Quốc nào nghe theo? Hẳn sẽ có vị Giám mục Trung Quốc nói: “Ngài ở đặc khu Hong Kong, còn chúng tôi thì ở trong một Trung Quốc theo Đảng Cộng Sản!”

Thái độ của các vị lãnh đạo của Giáo hội hầm trú khi nhận được lá thư mục tử này là vừa cảm kích nhưng lại vừa cảm thấy đáng tiếc. Cảm kích là vì Đức Giáo hoàng đã tán dương tinh thần “bất khuất” của Giáo hội hầm trú; cảm thấy đáng tiếc là vì Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã lấy lại những đặc quyền mà Đức Gioan Phaolo II đã ban cho họ, cho đến việc Đức Giáo hoàng Biển Đức đã tỏ ý hiệp thông đối với một Giáo hội công khai mà trước giờ vẫn luôn tỏ ý phản đối Tòa Thánh.

Dù thế nào đi nữa, việc hiệp thông với Giáo hội công khai là một chọn lựa khá là khó khăn. Giáo hội hầm trú vẫn có những vị lãnh đạo thánh thiện, vẫn tiếp tục tiến về phía trước với những bước phát triển khá lớn, ví như Đức Giám mục Giả Trị Quốc, Giám mục Giáo phận Chánh Định (Hà Bắc), đã tiếp nhận nhiều linh mục công khai, thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo hội. Đức Giám mục Lý Tư Đức của Giáo phận Thiên Tân cũng tiếp nhận nhiều vị linh mục công khai, nhân đó mà đẩy lùi những oán hiềm trong giáo phận đã tích tụ từ nhiều năm qua. Đức Giám mục Ngụy Cảnh Nghĩa của giáo phận Tề Tề Hợp Nhĩ (tỉnh Hắc Long Giang) cũng thế, đã mở rộng tấm lòng với tinh thần của “lá thư mục tử” tiếp nhận nhiều vị linh mục của Giáo hội công khai.

Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng đối với Giáo hội Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nào ? Các vị lãnh đạo của Giáo hội công khai vẫn tự đi theo con đường cũ của mình. Hội nghị đại biểu lần thứ 8 của Giáo hội Công giáo Trung Quốc vẫn là một nơi các con rồng tụ đầu; quyết nghị của hội nghị vẫn là kiên quyết giữ sự độc lập tự chủ, phương châm của một giáo hội tự hành (tự hành xử mà không theo các chỉ dẫn và sự lãnh đạo của Tòa Thánh – Người dịch) vẫn không gì lay chuyển. Đại đa số giám mục tham dự hội nghị vẫn có triết lý riêng của mình về cách hành xử. Dạng thức tư duy của người Âu châu mãi mãi không hiểu được phương châm xử thế của người Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất giải thích lý do vì sao Vatican và Trung Quốc không thể nào đạt được chuyện thiết lập bang giao.

Người Âu châu được đào tạo theo đường lối tư tưởng của Ki-tô giáo, chú trọng đến các khế ước và tinh thần bác ái. Khế ước theo người Trung Quốc cần có một tấm lòng chân thành làm cơ sở nền tảng, không có sự chân thành ấy thì không có khế ước. Lại nữa, Người Trung Quốc chịu sự ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho gia, tuy nói nhiều đến “nhân ái”, nhưng giữa “nhân ái” và “bác ái” vẫn có một sự khác biệt rất lớn. Bởi vì trong “nhân ái” còn bao hàm một tình yêu nhiều cấp độ khác nhau: “tam cương ngũ thường”, đạo “quân thần” (vua tôi), đạo “phu tử” (cha con).

Người Trung Quốc chịu ảnh hưởng của Đức Khổng Tử, chú trọng lễ nghi, Trung Quốc vốn được mệnh danh là “lễ nghi chi bang” (đất nước lễ nghi). “Lễ nghi” thì trọng thị “tình nghĩa”. Các vị lãnh đạo Giáo hội Trung Quốc chính vì “tình nghĩa” mà tham gia Giáo hội Ái quốc, rồi đến dự hội nghị mừng việc Giáo hội Ái quốc Trung Quốc tự chọn, tự phong các Giám mục; việc tham gia các hoạt động ấy không phải do họ bị “ép buộc” hay họ hoàn toàn “không tự do”. Ngày nay không còn như thời cách mạng đại văn hóa, chính phủ Trung Quốc đã trao cho công dân Trung Quốc một sự tự do tương đối. Nhưng cần phải đặt câu hỏi: Điều quan trọng là các Giám mục Trung Quốc đang giảng về “tình nghĩa” ? hay là giảng “đức tin” của Giáo hội Công giáo ?

Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng gửi cho Giáo hội Trung Quốc đã trở thành chuyện của ngày hôm qua. Nếu như hôm nay Giáo hội công khai đã không còn tiếp tục học tập (theo những gì lá thư ấy viết), thì mai này cũng chẳng còn người tiếp tục nói về lá thư ấy nữa! Bởi vì lá thư ấy đối với Giáo hội công khai chẳng có chút mảy may tác động. Một số người thuộc Giáo hội hầm trú ngược lại vẫn tiếp tục học tập, thì cũng chỉ là học tập những gì hợp với tinh thần “bất khuất” của chính mình mà thôi. Điều khiến cho người ta cảm thấy đau thương là: “Lá thư mục tử của Đức Giáo hoàng đã trở thành một ngôi sao băng thoắt sáng trong chốc lát trên bầu trời đêm”, đối với Giáo hội Trung Quốc thực sự chỉ có thể mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi.

(Thành An, ngày 20.6.2009

LM Bành Giám Đạo, người dịch LM Phạm Vinh Sơn)