166. [Các giới hạn của vấn đề]. Từ việc tổng duyệt ngắn gọn giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng gần đây về chủ đề của chúng ta, cũng như các xét xử chính thức của giáo hội, điều xem ra rõ ràng là vấn đề nền tảng chưa hoàn toàn được giải quyết, mặc dù rất được tập chú. Nhờ tạo ra sự cân bằng trong diễn giải và hệ thống hóa, các khía cạnh này sẽ can dự vào mối tương quan và căng thẳng năng động:
a) Như trong mọi bí tích, trong bí tích hôn nhân, có việc thông truyền ơn thánh của Chúa Kitô. Ơn thánh này, theo truyền thống Latinh của các bên kết ước, không phải do đức tin của các thừa tác viên, nhưng là một ơn phúc của Chúa Kitô, Đấng hiện diện một cách tích cực trong giao ước vợ chồng, và của Chúa Thánh Thần.
b) Không thể có bí tích nếu không có đức tin. Một loại chủ nghĩa tự động bí tích sẽ bác bỏ bản chất đối thoại của nhiệm cục bí tích, một nhiệm cục được cấu trúc xung quanh mối liên kết mật thiết giữa đức tin và các bí tích (xem chương 2). Do đó, để có thể có một bí tích trong trường hợp kết hôn giữa “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin”, phải có một đức tin tích cực nào đó, cho dù khó xác định được việc này một cách tích cực, cả nơi các người phối ngẫu hoặc nơi việc phán đoán nó cách trọn vẹn theo Mẹ Giáo Hội.
c) Sự khó khăn thực tế trong việc xác minh việc thiếu đức tin của vợ chồng là một vấn đề mục vụ khó khăn và phức tạp (xem § 61). Tuy nhiên, thần học có nhiệm vụ làm sáng tỏ về phương tiện tín điều chính điểm cốt lõi này để có được sự hiểu biết đúng đắn về bí tích hôn nhân.
d) Phép rửa được lãnh nhận một cách thành hiệu đã tháp nhận một cách bất khả thu hồi người chịu phép rửa vào nhiệm cục bí tích với việc in “ấn tích” (xem § 65). Thực tại bản vị của họ, ngoài các hành động hữu thức của trí hiểu và ý chí, thích đáng đối với đức tin [216], đã được đánh dấu bằng sự thuộc về này mà tội lỗi hoặc việc thiếu đức tin, bất chấp được giáo huấn hay không được giáo huấn, vẫn không thể xóa bỏ hoặc hủy bỏ được điều ơn phúc bất khả thu hồi mà Chúa Kitô đã phát sinh ra.
e) Học thuyết Công Giáo lâu đời nhất chủ trương tính bất khả tách biệt giữa khế ước và bí tích (xem § 155). Việc dứt khoát làm sáng tỏ khía cạnh này vẫn đang chờ được giải quyết. Sự tách biệt giữa khế ước và bí tích sẽ có tác dụng trực tiếp đối với vấn đề chúng ta đang bàn. Trong tình trạng hiện nay của tín lý Công Giáo, điều xem ra thích đáng là gắn bó với ý kiến phổ biến nhất hiện nay liên quan đến tính bất khả tách biệt giữa khế ước và bí tích.
f) Đức tin của các người phối ngẫu có tính quyết định đối với tính hữu hiệu của bí tích (xem § 68). Tính thành hiệu và, với nó, tính bí tích phụ thuộc vào việc liệu dây ràng buộc hôn nhân đích thực có diễn ra hay không: tức một cuộc hôn nhân tự nhiên có diễn ra hay không.
g) Điều cần thiết tối thiểu phải có cho một bí tích là ý định bước vào một cuộc hôn nhân tự nhiên đích thực (xem § 154).
h) Trong trường hợp bí tích hôn phối, đức tin và ý định không thể được đồng nhất hóa, nhưng cũng không thể tách biệt chúng hoàn toàn (xem § § 149 và 158). Vì điều rõ ràng là sự thật bí tích của hôn nhân tùy thuộc ở ý định và đức tin có ảnh hưởng đến ý định, có điều ta không hoàn toàn rõ ràng về việc thiếu đức tin ảnh hưởng ra sao và tới mức nào đến ý định.
Chúng ta đề nghị đào sâu thêm điểm cuối cùng vừa kể về trường hợp những người được mô tả là “đã chịu phép rửa nhưng không tin” (xem § 144). Đây là một khía cạnh đồng dạng với tính hỗ tương giữa đức tin và các bí tích mà chúng ta vốn bênh vực.
167. [Các giải đáp lý thuyết thay thế có thể có để giải quyết vấn đề]. Nhưng trước tiên, để kết thúc, chúng ta hãy xem danh sách các giải đáp lý thuyết có thể có cho chủ đề của chúng ta và khả năng thanh toán nó về phương diện thần học, căn cứ vào quan điểm thần học mà chúng ta đã dựa vào trước đây và hiện chúng ta đang bố trí lại (chương 2).
a) Trước tiên, một chủ nghĩa tự động bí tích tuyệt đối có thể được bảo vệ. Bất kể đức tin của các người phối ngẫu, sự kiện phép rửa luôn ngụ hàm rằng khế ước hôn nhân được tự động nâng lên hàng thực tại siêu nhiên của bí tích. Giải đáp này đụng độ với bản chất đối thoại của nhiệm cục bí tích, điều mà chúng ta đã giải thích cách hợp lý, vì vậy chúng ta phải loại bỏ nó.
b) Khả thể thứ hai là bảo vệ sự tách biệt giữa khế ước và bí tích. Vì đúng là sự đồng nhất giữa khế ước và bí tích chưa được định tín một cách long trọng, nên muốn coi sự tách biệt này như là điều chắc chắn về mặt thần học, thì cần phải đưa ra một lập luận đặc biệt thuyết phục về phương diện này. Chúng ta bác bỏ việc thăm dò nẻo đường này và tuân theo các giới hạn phổ biến nhất của nền thần học Công Giáo hiện nay về hôn nhân.
c) Giải đáp thứ ba khẳng định sự hiện diện của đức tin giáo hội, mặc dù không có đức tin bản thân của các bên kết ước. Có thể có sự thay thế bằng đức tin giáo hội, bất chấp việc thiếu đức tin bản thân về phía các bên kết ước. Tuy nhiên, giải đáp này cũng có các nan đề của nó. Một đàng, yếu tính của bí tích nằm trong sự ưng thuận giữa vợ chồng. Trên cơ sở này, Giáo hội có thể yêu cầu một số đòi hỏi chính thức cho tính thành hiệu của nó, như trên thực tế thường xảy ra ngày nay, như là thành quả của một lịch sử lâu dài. Đàng khác, trong suốt quá trình thăm dò bản chất đối thoại của nhiệm cục bí tích (chương 2), chúng ta đã cho thấy đức tin giáo hội đi trước và đồng hành ra sao với đức tin bản thân, nhưng không bao giờ thay thế nó hoàn toàn. Quy tính bí tích của hôn nhân độc nhất cho đức tin giáo hội sẽ mặc nhiên phủ nhận bản chất liên bản vị của nhiệm cục bí tích.
d) Khả thể thứ tư nằm ở việc gán tính bí tích cho tính hiệu năng liên kết với “ấn tích” vốn được khắc ghi khi lãnh nhận bí tích rửa tội. “Ấn tích” này là do tính bất khả thu hồi của ơn phúc Chúa Kitô. Nó hàm nghĩa việc được lồng vào thực tại bí tích của nhiệm cục. Nó ban sức mạnh cho việc thực hành tính bí tích đối thoại, mà chính nó không hàm nghĩa việc thực hành thực sự tính bí tích. Thói quen (habitus), liên kết với “ấn tích”, là thiên hướng hành động; nó không phải là một thực diễn (Bản Tây Ban Nha: actuación) hay một hành vi. Nó đòi được thực hành bởi một năng lực, như ý chí chẳng hạn [217]. Do đó, với việc in “ấn tích” và nhuần nhuyễn thói quen, cuộc đối thoại bí tích về phía Thiên Chúa được khẳng định, một cách hết sức chắc chắn, nhưng đáp ứng đối thoại có bản chất bản vị về phía chủ thể được ơn thánh thì không có. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng hành động theo đáp ứng này.
e) Như chúng ta đã dự ứng, vẫn có khả thể tranh luận về ý định, vì để có tính thành hiệu của mọi bí tích, phải có ý định làm điều Giáo hội có ý định làm trong mỗi bí tích.
Kỳ sau: 4.3. Ý định và việc thiết lập ra dây hôn phối khi không có đức tin