Thảm kịch vẫn đang tiếp diễn giữa người Công Giáo Hoa Lục và bọn lãnh đạo cộng sản tại quốc gia này có ba giai đoạn. Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai, 韓大輝) Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp đã đưa ra lập trường trên trong cuộc hội thảo tại Đại Học Santa Clara do Dòng Tên điều hành tại San Jose, California.

Giai đoạn hiện tại của thảm kịch này đã bắt đầu từ năm 2013, là giai đoạn “khống chế và gây hoang mang,” Đức Tổng Giám Mục Huy nói.

“Hệ quả của thảm kịch này là người dân cảm thấy mất phương hướng, và bị bỏ rơi”, Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong bài phát biểu gần đây của ngài trong hội nghị quốc tế lần thứ 28 của Hiệp hội Công Giáo Mỹ-Trung, tổ chức tại Đại học Santa Clara của Dòng Tên.

Đức Tổng Giám Mục Huy đã trích dẫn ba nhân tố chính trong mỗi giai đoạn của thảm kịch: chế độ cộng sản, Giáo Hội ở Trung Quốc và Vatican.

Giai đoạn đầu tiên ngài mô tả là “phản kháng và chia rẽ”. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1949 đến năm 1980, trong đó “Giáo Hội cũng bị phân hóa”. Nhiều nhà lãnh đạo Công Giáo đã bị bắt rất sớm trong thời kỳ này, và Giáo Hội bị chia thành các cộng đồng thầm lặng hay không chính thức - và công khai được chính phủ công nhận. Trong nhiều trường hợp, các cộng đồng này “thù địch với nhau”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhấn mạnh rằng “Mục đích của chế độ là chia rẽ người dân, để dễ kiểm soát, trong khi Trung Quốc tiếp tục coi Vatican là ‘chủ nghĩa đế quốc’. Chúng cung cấp cho người Công Giáo ‘củ cà rốt và cây gậy’, tùy thuộc vào mức độ trung thành của họ đối với bọn cầm quyền cộng sản”.

Vào thời điểm này, Vatican đang “cố gắng bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao” với Trung Quốc nhưng ngài lưu ý rằng: “Tòa thánh khuyến khích người Công Giáo giữ vững lòng trung thành, và tuyên bố rằng một 'giáo hội độc lập' không thể là một 'Giáo Hội Công Giáo'“.

Giai đoạn tiếp theo, từ năm 1980 đến năm 2013, là giai đoạn dành cho giáo hội “phát triển nhờ hòa giải. Hai cộng đồng bị chia rẽ bắt đầu có thái độ hòa giải với nhau.”

Lúc đó, Bắc Kinh khuyến khích cải cách và “mở cửa” mặc dù chính sách của chúng đối với các nhóm tôn giáo vẫn không thay đổi. Trong bối cảnh đó, Vatican tìm cách thiết lập đối thoại với chế độ và thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng thầm lặng và cộng đồng công khai được bọn cầm quyền công nhận.

Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhận chức vụ hiện tại của họ chỉ cách nhau một ngày, Đức Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3 và Tập vào ngày 14 tháng 3, 2013. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thư chúc mừng.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhận định rằng: “Dưới thời ông Tập, cộng sản nói về giấc mơ một nước Trung Quốc mạnh hơn. Có nhiều cây gậy đối với các cộng đồng thầm lặng và nhiều củ cà rốt hơn đối với những người ủng hộ chế độ xã hội chủ nghĩa khi chế độ này ‘thắt chặt kiểm soát và triệt hạ thánh giá’ ở Trung Quốc”.

Nhưng Đức Tổng Giám Mục Huy cho biết trong thời kỳ này, Vatican đã “mù quáng” khi từ bỏ một cơ cấu tham vấn được thiết lập rất tốt về Trung Quốc. Ngài nhận xét chua chát rằng chính sách ngoại giao với Trung Quốc của Tòa Thánh đã khiến “các cộng đồng thầm lặng cảm thấy bị Tòa Thánh bỏ rơi”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nói, Vatican “thay vì dõi chiếu ánh sáng đã làm mờ đi ánh sáng các giáo huấn của Giáo Hội và làm lu mờ gương tử đạo của nhiều người Công Giáo”.

Ngài so sánh tình hình hiện tại với sự bùng phát của COVID-19. Theo Đức Tổng Giám Mục thỏa thuận của Vatican năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc - mà thông tin chi tiết cho đến nay vẫn chưa được công bố - kết hợp với việc Vatican công nhận hàng loạt các giám mục quốc doanh bị vạ tuyệt thông trước đây và bổ nhiệm họ đứng đầu các giáo phận Trung Quốc đã biến thành một loại virus. Vào năm 2019, Vatican công bố các hướng dẫn mục vụ trong đó khuyên các giám mục và linh mục ở Trung Quốc rằng họ phải tuân theo lương tâm của mình trong việc quyết định xem có nên ghi danh với bọn cầm quyền cộng sản hay không, thì “con virus này đã biến đổi sâu sắc”.

Đức Tổng Giám Mục Huy nhận xét rằng “Thảm kịch này tự thể hiện như một vở kịch đấu tranh căng thẳng giữa Giáo Hội và bọn cầm quyền, giữa đức tin và chính trị, giữa lương tâm và quyền lực. Trên đây là toàn cảnh không có chiều sâu. Nếu chúng ta biết 'những cá nhân' có liên quan đến thảm kịch này, thì chúng ta có thể có được những hiểu biết sâu sắc hơn và những quan điểm khác nhau để hiểu về Giáo Hội ở Trung Quốc”.

“Tôi muốn tìm người như thế nào trong vở kịch căng thẳng này? Một kẻ gió chiều nào ngả theo chiều đó? Hay một ‘người vững vàng trước các tình huống’? Tôi thích loại người sau hơn”, Đức Tổng Giám Mục Huy nói. “Một số người như thế là các vị tử đạo đã đổ máu của họ, những người khác đã đưa ra những chứng tá giá trị bằng chính cuộc đời của họ”.
Source:Catholic Sun