4.3. Ý định và việc thiết lập ra dây hôn phối khi không có đức tin
a) Ý định là điều cần thiết để có Bí tích
168. [Sự cần thiết của ý định]. Như chúng ta đã nói [218] (§ § 67-69), tín lý truyền thống về các bí tích bao gồm niềm xác tín rằng bí tích đòi hỏi ít nhất ý định làm điều Giáo hội làm: “Mọi bí tích này được thể hiện bởi ba yếu tố: sự vật, như chất thể (matter); lời nói, như mô thức (form); và con người của thừa tác viên trao ban bí tích với ý định làm điều Giáo hội làm (cum intentione faciendi quod facit Ecclesia). Nếu một trong những điều này thiếu, thì bí tích không được thực hiện [219]. Theo quan điểm chung của thần học Latinh, các thừa tác viên của bí tích hôn nhân là các người phối ngẫu, những người hiến tặng cuộc hôn nhân của họ cho nhau [220]. Trong trường hợp hôn nhân bí tích, ít nhất, ý định thực hiện cuộc hôn nhân tự nhiên là điều bắt buộc. Giờ đây, theo cách hiểu của Giáo hội, hôn nhân tự nhiên bao gồm các đặc tính chủ yếu: bất khả tiêu, trung thành và xếp đặt vì lợi ích của vợ chồng và con cái. Do đó, nếu ý định bước vào hôn nhân không bao gồm các đặc tính này, ít nhất một cách mặc nhiên, thì ý định sẽ thiếu một cách nghiêm trọng, có thể gây nghi vấn về sự hiện hữu của chính hôn nhân tự nhiên, vốn là căn bản cần thiết cho hôn nhân bí tích [221].
169. [Tương quan qua lại giữa đức tin và ý định]. Với những nhấn mạnh khác nhau, Huấn quyền của ba vị giáo hoàng gần đây nhất đã xác nhận mối tương quan qua lại giữa một đức tin sống động và minh nhiên và ý định cử hành một cuộc hôn nhân tự nhiên đích thực. Một cuộc hôn nhân bất khả tiêu và độc chiếm và tập chú vào thiện ích của vợ chồng, qua một đức ái tự hiến chân thành, và cởi mở đón nhận con cái. Thánh Gioan Phaolô II yêu cầu không chấp nhận các cặp phối ngẫu nào bác bỏ một cách minh nhiên và chính thức điều Giáo hội có ý định làm khi cuộc hôn nhân của những người đã chịu phép rửa được cử hành” (xem § 153), trong khi vẫn duy trì sự cần thiết phải có “ý định kết hôn đúng đắn theo thực tại tự nhiên của hôn nhân” (xem § 154). Đức Bênêđíctô XVI lưu ý tác dụng đáng chú ý của việc thiếu đức tin đối với việc cưu mang sự sống, đối với các mối tương quan, đối với chính dây hôn phối và thiện ích của vợ chồng, những điều cũng có thể “gây hại cho các thiện ích của hôn nhân” (xem § 161). Đức Phanxicô chỉ cho ta thấy cội rễ của cuộc khủng hoảng hôn nhân hệ “ở cuộc khủng hoảng nhận thức được đức tin soi sáng” (xem § 163) và viện dẫn việc thiếu đức tin như một động lực có thể có cho việc giả vờ ưng thuận (xem § 164). Pháp lệ của Tòa Tối Cao Rôma tuân theo đường lối của Đức Bênêđíctô XVI (xem § 156). Nói chính xác hơn, các án lệ giáo hội nói trên đây và hai vị giáo hoàng gần đây nhất cho rằng việc thiếu đức tin sống động và minh nhiên nêu ra nhiều nghi ngờ có căn cứ đối với ý định cử hành thực sự một cuộc hôn nhân không thể tiêu hủy, dứt khoát và độc chiếm, như một hiến thân tự do và hỗ tương và cởi mở đón nhận con cái, mặc dù ở tận gốc, các ngài không loại trừ khả thể điều này có thể xảy ra. Dù sao, không hề có thứ chủ nghĩa tự động bí tích ngây thơ.
b) Cái hiểu văn hóa đương thịnh về hôn nhân
170. [Nền văn hóa đương thịnh và cách hiểu về hôn nhân]. Ở các quốc gia mà nền văn hóa đương thịnh đề xuất chế độ đa thê như một giá trị, trái ngược với kế hoạch thần linh (xem St 1:26; 2: 18-24), xem ra khó hơn để cho rằng nếu không có một đức tin minh nhiên, ý định bước vào hôn nhân bao hàm trong chính nó tính độc chiếm vốn có trong hôn nhân tự nhiên theo quan niệm Kitô giáo. Hơn nữa, bối cảnh văn hóa của chế độ đa thê, cùng với các khía cạnh khác có thể xảy ra độc lập với chế độ đa thê, đụng độ với “nguyên tắc bình đẳng” của vợ chồng, bắt nguồn từ sự kiện họ được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa [222]. Điều này vốn cố hữu trong chính thiện ích của vợ chồng (bonum conjugum), và là một trong những thiện ích căn bản của hôn nhân tự nhiên. Mặt khác, một thứ thực hành đa thê trên thực tế, như một thực tại thực tế, đã lan rộng ra nhiều nước Tây phương, nơi người ta không hiểu sự hiện diện của một cuộc hôn nhân hoặc mối dây hôn phối như một trở ngại đối với việc sống cùng một lúc các thực tại khác, các thực tại, theo Giáo hội, chỉ thuộc độc nhất vào trật tự phu phụ.
171. Nhiều năm trước đây, ở các quốc gia có truyền thống theo Kitô giáo có sự đồng thuận về thực tại hôn nhân, một đồng thuận được hướng dẫn bởi ảnh hưởng do đức tin Kitô giáo trong xã hội tạo ra. Trong bối cảnh này, người ta có thể giả thiết rằng mọi cuộc hôn nhân tự nhiên, bất kể một đức tin sống động và minh nhiên, vẫn bao gồm trong ý định của nó các đặc tính của hôn nhân tự nhiên theo cách hiểu của Giáo hội. Ngày nay, với sự cố thủ và phổ biến các quan niệm về gia đình khác một cách rõ ràng với quan niệm Công Giáo, sự thận trọng lớn hơn đã được đặt ra, nêu lên nhiều vấn đề về tín lý và mục vụ mới.
172. Sự kiện hôn nhân là một thực tại tạo dựng hàm nghĩa nhân học là một phần nội tại thuộc yếu tính của nó theo hai nghĩa, liên kết chặt chẽ với nhau. Một mặt, quan niệm về con người nhân bản trở nên trọn vẹn, một con người, hiểu như một hữu thể tương quan, hoàn thành chính hữu thể họ khi tự hiến. Mặt khác, yếu tính của hôn nhân cũng chịu tác động bởi cái hiểu về sự dị biệt hóa giới tính, có nam có nữ, như một yếu tố trong kế hoạch thần linh được điều hướng tới việc sinh sản và hướng tới giao ước vợ chồng, như một phản ảnh giao ước của Thiên Chúa với dân Israel và giao ước của Chúa Kitô với Giáo hội. Cả hai yếu tố đi vào hoạt động đầy đủ trong hôn nhân tự nhiên. Hôn nhân này không thể tiêu hủy, độc chiếm, tập chú vào thiện ích hỗ tương của vợ chồng, qua tình yêu liên bản vị, và vào con cái. Do đó, Giáo hội xuất hiện, đôi khi một mình và bị tấn công, như một thành trì văn hóa bảo tồn thực tại tự nhiên vốn của riêng hôn nhân.
Tuy nhiên, không sa vào những than vãn thảm khốc, một cái nhìn chân thành về bối cảnh văn hóa của chúng ta không thể không thấy chúng ngày càng được củng cố như những phương châm không thể bị thách thức trong nền văn hóa hậu hiện đại, những khía cạnh dẫn đến việc tra vấn căn bản tự nhiên của hôn nhân trong căn cội nhân học của nó. Do đó, tuy không thấu đáo, nhưng xu hướng đương thịnh đang coi là hiển nhiên các xác tín tổng quát hóa sau đây, bắt nguồn và đôi khi được chế tài bởi luật pháp, rõ ràng trái ngược với đức tin Công Giáo.
a) Mưu cầu việc tự thể hiện bản thân, tập trung vào việc thoả mãn chính cái tôi của mình, như mục tiêu chính cho cuộc sống, một mục tiêu biện minh cho các quyết định đạo đức thực chất nhất, cả trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Quan niệm này trái ngược với ý nghĩa của sự hy sinh và dâng hiến yêu thương, hiểu như thành tựu lớn nhất của sự thật về con người, mà đức tin Kitô giáo vốn đề xuất, do đó đạt được một cách tuyệt vời ý nghĩa và sự thành toàn của nó.
b) Não trạng kiểu “ta đây nam nhi” (macho) chuyên đánh giá thấp phụ nữ, gây tổn hại cho sự bình đẳng vợ chồng vốn liên kết với thiện ích của vợ chồng; não trạng này hiểu hôn nhân như một liên minh giữa hai người không bình đẳng theo kế sách của Thiên Chúa, thiên nhiên và các quyền pháp lý, ngược với quan niệm của Kinh thánh và đức tin Kitô giáo [223]. Lập trường phản văn hóa của Chúa Giêsu chống lại việc ly dị (x. Mt 19: 3-8) là để bảo vệ thành phần yếu nhất của nền văn hóa thời bấy giờ: người phụ nữ.
c) “Ý thức hệ phái tính” chuyên bác bỏ bất cứ việc dùng yếu tố sinh học nào để xác định đặc tính tính dục trong việc cấu thành bản sắc phái tính; việc này làm suy yếu tính bổ túc giữa các giới tính vốn được ghi khắc trong kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.
d) Não trạng ly dị, làm suy yếu cái hiểu về tính bất khả tiêu của hôn nhân. Trái lại, nó dẫn đến việc coi các liên kết vợ chồng, thường được gọi là “sống chung với nhau” nhiều hơn, như các thực tại có thể xét lại được, trực tiếp trái ngược với giáo huấn của Chúa Giêsu trong vấn đề này tại Mc 10: 9 và Mt 19: 6 (x. St 2:24).
e) Quan niệm về thân xác, coi nó như tài sản tuyệt đối của bản thân, có sẵn một cách tự do để đạt khoái cảm tối đa, nhất là trong lĩnh vực quan hệ tình dục, tách biệt khỏi dây nối kết vợ chồng vốn có tính định chế và bền vững. Tuy nhiên, Thánh Phaolô khẳng định thân xác thuộc về Chúa, loại bỏ sự vô luân (πορνεία, porneia), theo cách khiến thân xác trở thành máng chuyển để tôn vinh Thiên Chúa (x. 1Cr 6: 13-20).
f) Tách biệt giữa hành vi vợ chồng và việc sinh sản, trái với toàn bộ truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, từ thời Kinh thánh (St 1:28) cho đến ngày nay [224].
g) Bình đẳng hóa về đạo đức và đôi khi luật pháp mọi hình thức cặp đôi. Do đó, không những chỉ là các cuộc kết hợp liên tiếp, các cuộc kết hợp trên thực tế, không có một hợp đồng hôn nhân chính thức, mà cả các cuộc kết hợp giữa những người cùng giới tính cũng đang được truyền bá. Các cuộc kết hợp liên tiếp, trong thực tế, bác bỏ tính bất khả tiêu. Sống chung tạm thời hoặc sống thử không biết gì tới tính bất khả tiêu. Theo đức tin Công Giáo, các cuộc kết hợp đồng tính không thừa nhận ý nghĩa nhân học của sự khác biệt giới tính (St 1:27; 2: 22-24), vốn cố hữu trong cái hiểu tự nhiên về hôn nhân.
c) Việc thiếu đức tin có thể xâm hại ý định ký kết ước cuộc hôn nhân tự nhiên
173. [Việc thiếu Đức tin có thể xâm hại ý định cử hành một cuộc hôn nhân bao gồm một số thiện ích của hôn nhân]. Theo quan điểm thần học tín lý, có lý do để nghi ngờ rằng trong trường hợp hôn nhân giữa “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin”, theo loại hình chúng ta đã mô tả, một bí tích đức tin đã xảy ra, vì một khiếm khuyết nghiêm trọng về ý định kết ước cuộc hôn nhân tự nhiên, có lẽ như một hậu quả rất có thể có, gần như cố hữu trong việc thiếu đức tin, từng được tuyên bố cách khác nhau bởi hai giáo hoàng gần đây nhất. Việc thiếu đức tin trong trường hợp của “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin”, thuộc loại hình đã nói ở trên, có thể được coi là rõ ràng và xác định ra quan niệm sống. Do đó, các nghi ngờ được các giáo hoàng đề cập một cách chung chung có thể được giả định toàn bộ cho các trường hợp này. Không thể mong muốn, ngụy tạo hoặc yêu thương điều mình không biết hoặc minh nhiên bác bỏ.
174. [Phạm vi tác động của việc thiếu Đức tin đối với các thiện ích tự nhiên của Hôn nhân]. Trong hôn nhân Kitô giáo, có một sự nối kết lớn hơn nhiều so với bất cứ bí tích nào khác, giữa thực tại tạo dựng và thực tại siêu nhiên, giữa trật tự sáng thế và trật tự cứu thế: “hôn nhân đã được Thiên Chúa Hóa Công thiết lập” [225] và sau đó nâng lên hàng một bí tích. Vì sự nối kết rất chặt chẽ này, người ta hiểu rằng một sự sửa đổi trong thực tại tự nhiên của hôn nhân, một sự đi trệch ra ngoài dự án sáng thế, đều ảnh hưởng trực tiếp đến thực tại siêu nhiên, là bí tích. Mối nối kết này cũng xảy ra theo hướng ngược lại, ít nhất trong trường hợp cực đoan của những cuộc hôn nhân giữa “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin”. Vì việc minh nhiên bác bỏ thực tại siêu nhiên, việc minh nhiên từ bỏ đức tin, đôi khi còn bằng một hành vi chính thức, hoặc việc hoàn toàn không gắn bó với đức tin, tuy đã chịu phép rửa, nhưng không bao giờ đích thân đảm nhận đức tin, những việc ấy đặt những người này hoàn toàn trong quyền lực của các ý kiến xã hội đương thời về các vấn đề hôn nhân và gia đình; và chúng ngăn chặn họ truy cập nguồn gốc tạo dựng của hôn nhân.
175. Thật vậy, nếu chúng ta cùng nhau xem xét các phương châm văn hóa đương thịnh, được phác thảo trên đây, và đường hướng suy nghĩ của Đức Bênêđíctô XVI trong diễn văn cuối cùng của ngài với Tòa Tối Cao Rôma (ngày 26 tháng 1 năm 2013), chúng ta có thể khẳng định rằng, trong trường hợp thiếu đức tin rõ ràng và minh nhiên, ý định liên quan đến các thiện ích thiết yếu của hôn nhân sẽ bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Đức Bênêđíctô XVI đã minh họa rõ ràng điều này liên quan đến thiện ích của vợ chồng. Khởi điểm của ngài như sau: “Trong bối cảnh Năm Đức tin, tôi muốn suy nghĩ cách riêng một số khía cạnh của mối tương quan giữa đức tin và hôn nhân, bằng cách lưu ý rằng cuộc khủng hoảng đức tin hiện thời, đang ảnh hưởng đến các nơi khác nhau trên thế giới, mang theo nó một cuộc khủng hoảng trong xã hội vợ chồng” [226]. Nói cách khác, yếu tố siêu nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến thực tại tự nhiên. Và ngài nói tiếp sau đó:
“Không ai không biết rằng quyết định căn bản của mỗi con người khi bước vào mối ràng buộc suốt đời sẽ ảnh hưởng đến quan điểm căn bản của họ tùy theo việc liệu họ bám vào bình diện nhân bản đơn thuần hay mở lòng ra đón nhận ánh sáng đức tin vào Chúa. Thực thế, chỉ chỉ khi nào mở lòng ra đón nhận sự thật của Thiên Chúa, người ta mới có thể hiểu và đạt được trong thực tại cụ thể của cả đời sống vợ chồng lẫn đời sống gia đình sự thật về người đàn ông và người đàn bà, vốn là con cái của Người, được tái sinh bởi Bí tích Rửa tội [227].
176. Sự thật về con người trong hôn nhân tự nhiên thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Bênêđíctô XVI liên kết khả năng hy sinh của tình yêu quảng đại đích thực, thiện ích của vợ chồng, với việc cởi mở đón nhận tình yêu đích thực, vốn là chính Thiên Chúa, dựa vào sự hợp nhất mật thiết giữa sự thật và tình yêu. Để trao ban tình yêu chuyên biệt đối với thiện ích vợ chồng, người ta cần phải cởi mở đón nhận sự thật tối hậu của tình yêu, tức tình yêu Thiên Chúa. Trong một xã hội chuyên tuyên xưng việc tự thể hiện bản thân như thiện ích tối cao, xem ra rất khó hiểu được mối ràng buộc vợ chồng theo quan điểm tình yêu hy sinh, khi thiếu đức tin một cách đáng kể và minh nhiên. Theo lời Đức Bênêđíctô XVI: “ ‘Ai ở trong Thầy, thì Thầy ở trong họ, người đó sẽ mang nhiều hoa trái, ngoài Thầy ra, các con không thể làm gì được’ (Ga 15: 5). Đó là những gì Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người, nhắc nhở họ sự bất lực có tính yếu tính của con người trong việc làm những gì cần thiết để một mình đạt được thiện ích đích thực của mình”. [228]. Sự hiểu biết về cuộc sống và thực hành yêu thương, trong cố gắng vượt quá chính mình một cách vô vị kỷ, nhằm tìm kiếm trước hết thiện ích của người khác, sẽ được hoàn thiện với ơn thánh của Thiên Chúa.
177. Tình yêu hy sinh và việc tự vượt quá mình một cách vô vị kỷ không bị giới hạn vào thiện ích hỗ tương của vợ chồng, nhưng chúng còn hoàn toàn ảnh hưởng đến thiện ích của con cái, thành quả tuyệt vời từ tính phong phú của tình yêu vợ chồng. Nếu thiện ích tình yêu giữa vợ chồng bị tổn hại tận gốc, nó không thể không ảnh hưởng trực tiếp và minh nhiên đến thiện ích của con cái.
178. Việc thiếu chính đức tin ngụ hàm nhiều nghi ngờ nghiêm trọng đối với tính bất khả tiêu trong bối cảnh văn hóa của chúng ta. Cách hiểu ăn rễ sâu xa của xã hội về mối dây ràng buộc hôn nhân: coi nó là điều rất đáng mong muốn trong tính vĩnh viễn, nhưng rõ ràng có thể xem xét lại việc hiểu dây ràng buộc này thực ra là điều gì; cũng như việc lan tràn rất đáng buồn các vụ ly thân, có nghĩa là, nếu không có nguồn nhận thức chuyên biệt coi đức tin như phương tiện để gắn bó với kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, người ta có nhiều lý do để nghi ngờ việc có một ý định thực sự tuân giữ tính bất khả tiêu của mối ràng buộc khi kết hôn.
179. Tóm lại, chúng ta đã nói rõ những điểm này. Đức tin xác định một cách rất căn bản nền nhân học cần được sống. Thực tại bản thể của hôn nhân có tính nhân học, thuộc trật tự tạo dựng. Việc hoàn toàn thiếu đức tin cũng xác định nền nhân học và, với việc này, chính thực tại tự nhiên của hôn nhân, điều mà nay chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ tiên đề văn hóa đương thịnh. Việc thiếu đức tin tầm cỡ này trong bối cảnh hiện nay khiến người ta có thể nghi ngờ, một cách có cơ sở đàng hoàng, về sự hiện hữu của một cuộc hôn nhân tự nhiên đích thực, vốn là cơ sở không thể thiếu của hôn nhân bí tích. Nói cách khác, trong trường hợp của những người được mô tả là “đã chịu phép rửa nhưng không tin”, do việc thiếu đức tin, ý định bước vào một cuộc hôn nhân tự nhiên không thể được giả thiết là có bảo đảm, nhưng cũng không thể bị loại bỏ thẳng thừng.
180. [Từ tính bí tích]. Quan điểm trên hoàn toàn phù hợp với quan niệm về tính bí tích mà chúng ta vốn đang bảo vệ (xem đặc biệt § 16). Chúng ta hãy nhớ rằng điều này hệ ở mối tương quan qua lại không thể tách biệt giữa một thực tại hữu hình, bên ngoài, yếu tố biểu thị, và một thực tại khác có bản chất siêu nhiên, vô hình, được biểu thị. Quan niệm về hôn nhân Công Giáo dựa trên sự hiểu biết này về tính bí tích. Do đó, để một hôn nhân bí tích diễn ra, phải có một loại tình yêu nào đó làm thực tại hữu hình bên ngoài, một thực tại, nhờ các phẩm tính đặc thù của nó (các thiện ích của hôn nhân: GS 48-50), cùng với sự giúp đỡ của ơn thánh, có thể biểu thị tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, mối ràng buộc hôn nhân nào không bao gồm tính bất khả tiêu, lòng chung thủy và thiên hướng sẵn sàng hy sinh cho người phối ngẫu kia, và sự cởi mở đón nhận con cái, sẽ không phải là một dấu hiệu có khả năng biểu thị tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội. Giáo hội hiểu rằng trong loại ràng buộc này, sự thật của tình yêu hôn nhân không xuất hiện.
181. [Kết luận]. Đề nghị của chúng ta bác bỏ hai thái cực. Một mặt, chúng ta bác bỏ chủ nghĩa tự động bí tích tuyệt đối (xem đặc biệt § § 41 e và 78 e), một chủ nghĩa cho rằng mọi cuộc hôn nhân giữa những người đã chịu phép rửa đều là một bí tích, hoặc nhờ sự hiện diện của một đức tin tối thiểu liên kết với “ấn tích” rửa tội hoặc nhờ sự can thiệp của Chúa Kitô và của Giáo hội được giả thiết là qua phép rửa. Mặt khác, chúng ta bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi bí tích đầy tính ưu tuyển cho rằng bất cứ mức độ thiếu đức tin nào cũng sẽ làm hư ý định và do đó làm mất hiệu lực bí tích. Chúng ta khẳng định rằng, trong trường hợp thiếu đức tin một cách minh nhiên và rõ ràng như nơi “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin”, các nghi ngờ nghiêm trọng về ý định bao hàm các thiện ích của hôn nhân tự nhiên, theo cách hiểu của Giáo hội, khiến ta có thể dè dặt nghiêm túc đối với sự hiện hữu của một hôn nhân bí tích. Do đó, điều phù hợp với thực hành bí tích của Giáo hội là từ chối bí tích hôn nhân cho những người yêu cầu nó trong các điều kiện này, như Đức Gioan Phaolô II đã chủ trương (xem § § 153 và 169).
182. [Chăm sóc mục vụ]. Cả bối cảnh văn hóa được mô tả (xem § § 156, 170-172) và sự hiện hữu của các cuộc hôn nhân giữa “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin” đều khuyến khích một nền chăm sóc mục vụ biết triển khai mọi sinh lực và tiềm năng của nó, phù hợp với các gợi ý của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và của Đức Giáo Hoàng Phanxicô [229]. Sự tỏa sáng nhân tính sâu sắc vốn được các gia đình Kitô giáo làm chứng, những gia đình mà tâm điểm là đức tin được mọi thành viên đem ra sống, sẽ là ngọn hải đăng và là một ngôi sao có khả năng thu hút và thuyết phục. Một trong những mục tiêu của nó có thể chính là những cuộc hôn nhân của “những người đã chịu phép rửa nhưng không tin” này, vì một sự thức tỉnh đức tin chính là sự xuất hiện của sức mạnh ơn thánh bí tích. Dù sao, đáp ứng tốt nhất đối với “ước mong gia đình” vốn có ở khắp nơi, bất chấp các khó khăn, chính là “niềm vui yêu thương được sống trong gia đình” [230].
Kỳ sau: 5. KẾT LUẬN: TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG NHIỆM CỤC BÍ TÍCH