Dei Verbum-KỶ NIỆM 40 NĂM
CÔNG ĐỒNG VA-TI-CA-NÔ II CÔNG BỐ
HIẾN CHẾ VỀ MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
(18/11/1965 - 2005)
Năm 2005 là chẵn 40 năm Công Đồng Va-ti-ca-nô II kết thúc. Có thể nói Công Đồng này là biến cố quan trọng nhất của lịch sử Giáo Hội Công Giáo trong thế kỷ 20. Chỉ ít tháng sau khi lên kế vị Toà Thánh Phê-rô, ngày 25-01-1959 Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã công bố ý định triệu tập Công Đồng. Sau một thời gian chuẩn bị, Công Đồng đã khai mạc ngày 11-10-1962 và sau 4 kỳ họp, mỗi kỳ kéo dài chừng 2 tháng, trong các năm 1962, 1963, 1964, 1965, với khoảng 2000 - 2500 Giám mục từ khắp nơi trên thế giới về tham dự, Công Đồng đã bế mạc ngày 08-12-1965.
Thành quả cụ thể của Công Đồng là, sau những cuộc tranh luận nhiều khi rất sôi nổi, có 16 văn kiện chính thức được công bố. Các văn kiện này đề cập đến các mặt khác nhau trong đời sống Giáo Hội và được chia thành 3 loại xếp theo tầm quan trọng : 4 hiến chế, 9 sắc lệnh, 3 tuyên ngôn.
Văn kiện về Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh Dei Verbum thuộc loại thứ nhất và mang tên là “Hiến chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa” (tạm gọi tắt là Hiến chế về Mặc khải). Chúng ta tìm hiểu vắn tắt Hiến chế này.
I. NGUỒN GỐC
Ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, Kinh Thánh vẫn được suy gẫm và học hỏi. Nhưng từ giữa thế kỷ 19, việc nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp phê bình - lịch sử đã đặt ra nhiều vấn đề mới, gây nên những phản ứng bất ổn.
Trong hoàn cảnh đó, năm 1943, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII ban hành thông điệp Divino afflante Spiritu để cổ vũ các học giả Công Giáo nghiên cứu Kinh Thánh; tuy nhiên vẫn còn một số người dè dặt. Mặt khác, có một số yếu tố thúc đẩy việc học hỏi Kinh Thánh, như phong trào mục vụ Kinh Thánh, canh tân phụng vụ, việc thành lập những hiệp hội Kinh Thánh Công Giáo, và những tiếp xúc giữa các học giả Công Giáo và Tin Lành.
Trong bối cảnh đó, Uỷ ban chuẩn bị Công Đồng đã soạn ra một lược đồ “Về các nguồn mặc khải”. Lược đồ này được đưa ra thảo luận trong kỳ họp I của Công Đồng (1962). Cuộc tranh luận khá sôi nổi. Các ý kiến không thuận chiếm đa số vì cho rằng lược đồ quá bảo thủ. Vì thế Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII đã giao cho một Uỷ ban khác soạn lại. Công việc kéo dài ba năm, mãi đến kỳ họp IV (tức kỳ họp cuối cùng) của Công Đồng, lược đồ mới được đưa ra thảo luận và được công bố ngày 18-11-1965 với 2344 phiếu thuận và 6 phiếu chống : đó là Hiến chế về Mặc khải.
II. NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA HIẾN CHẾ
Hiến chế về Mặc khải không dài lắm (so với Hiến chế về Giáo Hội hay Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay), gồm có 26 số chia thành 6 chương : ch. I : Về chính mặc khải (số 2-6); ch. II : Việc lưu truyền mặc khải (số 7-10); ch. III : Ơn linh hứng và việc giải thích Kinh Thánh (số 11-13); ch. IV : Cựu Ước (số 14-16); ch. V : Tân Ước (số 17-20); ch. VI : Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội (số 21-25).
Ở đây chúng ta không thể tóm lược lại các nét chính của Hiến chế, chỉ nêu ra hai điểm.
1. Ơn linh hứng và việc giải thích Kinh Thánh
Vấn đề này được trình bày ở ch. III (số 11-13), trước hết Hiến chế nói ơn linh hứng là gì :
“Trong việc soạn thảo các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và dùng họ, mà họ vẫn sử dụng tài năng và sức lực của mình, để nhờ chính Chúa hành động trong họ và qua họ, họ viết ra, với tư cách là những tác giả đích thực, tất cả những gì Chúa muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (số 11).
Hiệu quả của ơn linh hứng là : Kinh Thánh dạy sự thật, nhưng không phải bất cứ loại sự thật nào (khoa học, lịch sử, địa lý…), mà là sự thật dẫn đến ơn cứu độ :
“Phải nhìn nhận rằng : các sách Kinh Thánh dạy cách vững chắc, trung tín và không sai lầm, sự thật mà Thiên Chúa, vì ơn cứu độ chúng ta, đã muốn được ghi lại trong Kinh Thánh” (số 11).
Tiếp đó, Hiến chế nói về việc giải thích Kinh Thánh, tức là tìm xem Thiên Chúa muốn nói gì qua lời các tác giả thánh :
“Để tìm ra chủ ý của các tác giả thánh, giữa những cái khác cũng phải xét đến các ‘thể văn’; vì sự thật được trình bày và diễn tả cách khác nhau trong các bản văn lịch sử, hoặc sứ ngôn, hoặc thi ca, hoặc trong những thể văn khác. Do đó, nhà chú giải cần phải tìm tòi ý nghĩa mà tác giả thánh, trong những hoàn cảnh nhất định, tuỳ theo điều kiện thời đại và văn hoá riêng, đã có ý diễn tả và đã diễn tả qua những thể văn thời đó quen dùng” (số 12).
Nói cách khác, việc giải thích cần phải xét đến bối cảnh lịch sử và tôn giáo trong đó các bản văn Kinh Thánh đã hình thành. Ngoài ra còn phải lưu ý đến tính duy nhất của Kinh Thánh, truyền thống sống động và phán quyết của Giáo Hội.
Qua những đường hướng trên, Hiến chế về Mặc khải đã thúc đẩy mạnh mẽ khoa nghiên cứu Kinh Thánh trong giới Công Giáo.
2. Mục vụ Kinh Thánh
Toàn bộ chương cuối cùng của Hiến chế nói về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội (số 21-25) :
“Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh cũng như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa : nhất là trong phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Thánh Chúa Ki-tô mà trao cho các tín hữu. Luôn luôn Giáo Hội đã coi và còn coi Kinh Thánh là quy luật tối cao cho đức tin của mình (...). Vì vậy tất cả việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính đạo Ki-tô phải được Kinh Thánh dưỡng nuôi và hướng dẫn” (số 21).
Từ những nhận định căn bản trên đây, Hiến chế đưa ra những hướng dẫn cụ thể :
a. Dịch Kinh Thánh
“Lối vào Kinh Thánh cần phải rộng mở cho các tín hữu Ki-tô (...). Vì thế Giáo Hội, như một người mẹ ân cần, liệu sao để có những bản dịch thích hợp và chính xác sang các ngôn ngữ khác nhau, nhất là dịch từ nguyên văn các Sách Thánh.” Hiến chế cũng khuyến khích cộng tác dịch Kinh Thánh chung với các anh em thuộc các Giáo Hội khác (số 22)
b. Nghiên cứu Kinh Thánh
Hiến chế khuyến khích các nhà nghiên cứu thần học và Kinh Thánh kiên trì tiếp tục làm việc “hầu có thể cung cấp hữu hiệu cho dân Thiên Chúa lương thực Kinh Thánh soi sáng trí khôn, tăng cường ý chí, thiêu đốt lòng người ta yêu mến Thiên Chúa” (số 23).
c. Giảng dạy dựa trên Kinh Thánh
Hơn nữa, “việc học hỏi Kinh Thánh phải như là linh hồn của khoa thần học. Cả thừa tác vụ Lời Chúa - nghĩa là việc giảng thuyết của các mục tử, dạy giáo lý và toàn bộ giáo huấn Ki-tô giáo, trong đó bài diễn giảng trong phụng vụ phải chiếm địa vị quan trọng - cũng được nuôi dưỡng cách lành mạnh và tươi tốt cách thánh thiện nhờ lời Kinh Thánh” (số 24).
d. Học hỏi và suy gẫm Kinh Thánh
Vì “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô” (thánh Giê-rô-ni-mô), nên Hiến chế ân cần khuyên nhủ các hạng người trong Giáo Hội : giáo sĩ, linh mục, phó tế, giáo lý viên, tu sĩ và mọi Ki-tô hữu, học được “sự hiểu biết tuyệt vời Chúa Giê-su Ki-tô” (Pl 3,8) qua việc tiếp xúc với chính bản văn thánh : trong phụng vụ, trong việc suy gẫm, qua các lớp học, hoặc bằng những phương tiện khác. Nhưng lời cầu nguyện phải đi kèm theo việc đọc Kinh Thánh để có cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “khi cầu nguyện, ta nói với Chúa; còn khi đọc lời Kinh Thánh, ta nghe Chúa nói” (thánh Am-rô-xi-ô).
Sau cùng, Hiến chế nhắc nhở nhiệm vụ của các giám mục là đào tạo cho các tín hữu biết sử dụng Sách Thánh nhờ những bản dịch có kèm những chú thích cần thiết. Hơn nữa còn nên xuất bản Kinh Thánh với những ghi chú thích hợp, tiện dụng cho cả những người ngoài Ki-tô giáo (số 25).
III. 40 NĂM SAU HIẾN CHẾ
Có thể nói Hiến chế về Mặc khải đã mở một giai đoạn mới trong liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo với Kinh Thánh.
1. Việc nghiên cứu và dịch Kinh Thánh
Các học giả Công Giáo bớt cảm thấy bị gò bó trong công việc và có thể mạnh dạn nghiên cứu các phương pháp tiếp cận Kinh Thánh mới. Vì Giáo Hội không dè dặt như xưa, mà trái lại khuyến khích người Công Giáo đọc Kinh Thánh, nên các bản dịch có nhiều hơn, thích hợp cho các loại đọc giả khác nhau. Ở một số nước, người Công Giáo đã cộng tác với những anh chị em Ki-tô hữu khác để soạn những bản dịch đại kết (x. II 2 a trên đây).
2. Trong đời sống Giáo Hội
Có thể nói : điểm quan trọng nhất là từ nay Kinh Thánh có một vị trí chủ yếu trong phụng vụ. Trước cuộc canh tân phụng vụ của Công Đồng, thì số các bài Kinh Thánh dùng trong thánh lễ rất ít, lại đọc bằng tiếng La-tinh, hoạ may sau đó bài “Evan” (Tin Mừng) Chúa nhật được đọc bằng tiếng địa phương. Từ sau Công Đồng, thánh lễ cử hành bằng tiếng địa phương và số lượng các bài Kinh Thánh được chọn cũng rất phong phú, nên người giáo dân dù không đọc Kinh Thánh riêng cũng được nghe khá nhiều. Vấn đề là bản dịch phải vừa chính xác vừa dễ hiểu, và họ phải được giúp đỡ để nắm được ý nghĩa và đưa vào cuộc sống cá nhân.
Các văn kiện của Công Đồng cũng nhấn mạnh đến vai trò của Kinh Thánh trong những lãnh vực khác của đời sống Giáo Hội, cách riêng trong khoa thần học và trong việc đào tạo linh mục.
Như đã nói trên (II 2 c), “việc học hỏi Kinh Thánh phải như là linh hồn của khoa thần học”. Các môn thần học, nhất là thần học tín lý và thần học luân lý, phải “thấm nhuần giáo lý Kinh Thánh nhiều hơn” (Sắc lệnh về Đào tạo linh mục, số 16). Đặc biệt môn học Kinh Thánh, trước đây được coi như môn học “phụ” trong chương trình các chủng viện và học viện, nay được chú trọng hơn.
Hơn nữa, Kinh Thánh không phải chỉ là một đề tài để học, mà còn phải đi vào đời sống nữa. Vì thế, nhiều văn kiện Công Đồng nhắn nhủ mọi hạng người trong Giáo Hội : linh mục, giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh, phó tế, giáo lý viên, thừa sai và mọi Ki-tô hữu phải năng đọc, học hỏi và suy gẫm Lời Chúa để nhận được ánh sáng và sức mạnh cho đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ.
3. Mục vụ Kinh Thánh
Mục vụ Kinh Thánh phát triển mạnh mẽ trong Giáo Hội nhằm cung cấp những phương tiện để học hỏi, suy gẫm và sống Lời Chúa. Các bản dịch Kinh Thánh với nhiều trình độ giải thích ra đời. Các nhóm chia sẻ Lời Chúa, các lớp học Kinh Thánh - đôi khi dưới hình thức hàm thụ - được tổ chức. Các hình ảnh, triển lãm, hoạt cảnh về Kinh Thánh v.v. cũng được sử dụng. Ngoài ra, các phương tiện mới nhất, như máy vi tính, internet cũng được dùng để phổ biến Lời Chúa.
Để phối hợp và nâng đỡ mục vụ Kinh Thánh, Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo (Catholic Biblical Federation) được thành lập năm 1969 với mục đích quy tụ các tổ chức Công Giáo phục vụ Lời Chúa. Hiện nay Liên Hiệp có 92 tổ chức là thành viên thực thụ, và 219 thành viên liên kết, thuộc 127 nước. Tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục là thành viên thực thụ, và Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là thành viên liên kết. Tháng 09-2005, để đánh dấu 40 năm Hiến chế về Mặc khải, Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo phối hợp với Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ sự Hợp nhất Ki-tô hữu, tổ chức tại Rô-ma Hội nghị Quốc tế với đề tài “Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội”. Hai thành viên Việt Nam cũng được mời tham dự.
4. Huấn thị về việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội
Huấn thị này do Uỷ Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh công bố năm 1993 để kỷ niệm 50 năm Đức Pi-ô XII ban hành Thông Điệp Divino afflante Spiritu (xem I trên đây). Huấn thị này trước hết trình bày và đánh giá các phương pháp tiếp cận mới trong khoa chú giải Kinh Thánh; sau đó nhắc lại những nguyên tắc căn bản của việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, và việc sử dụng Lời Chúa trong phụng vụ, trong đời sống cá nhân và trong mục vụ. Văn kiện khá quan trọng này có lẽ chưa được học hỏi và khai thác đúng mức.
5. Tại Việt Nam
Hiệu quả rõ nhất của Hiến chế là thúc đẩy việc thực hiện các bản dịch tiếng Việt. Trong 6 bản dịch toàn bộ Kinh Thánh do các tác giả Công Giáo ấn hành từ đầu thế kỷ 20 đến này, có đến 4 bản được in sau năm 1964. Đó là các bản dịch của cha Trần Đức Huân (1970), của cha Nguyễn Thế Thuấn (1976), của Hồng Y Trịnh Văn Căn (1985) và của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nhóm này bắt đầu dịch Kinh Thánh từ năm 1971 và cho đến nay đã ấn hành được 200.000 cuốn Kinh Thánh trọn bộ và 1.285.000 cuốn Tân Ước; hiện Nhóm đang làm công việc hiệu đính toàn bộ bản dịch và các chú thích.
Ngoài ra, nhiều sách vở tài liệu khác giúp học hỏi và suy niệm Lời Chúa cũng được ấn hành. Sau cùng, cũng nên nhắc tới sự kiện ngày càng có nhiều lớp học hỏi Kinh Thánh, nhóm chia sẻ Lời Chúa, v.v...
THAY LỜI KẾT
Qua cái nhìn sơ lược và chắc chắn còn thiếu sót trên đây, chúng ta thấy Hiến chế về Mặc khải đã mở đầu một giai đoạn mới cho vai trò của Kinh Thánh trong mọi mặt của đời sống Giáo Hội, và ước nguyện của Hiến chế cho “kho báu mặc khải đã được trao gửi cho Giáo Hội ngày càng đổ đầy tâm hồn con người” (số 26), đang dần dần thực hiện.
Tuy nhiên, còn quá nhiều công việc phải làm trong một thế giới đang biến chuyển từng ngày, với bao vấn đề được đặt ra, như : môi trường và thiên tai, toàn cầu hoá, sự cách biệt giàu - nghèo, bạo lực và khủng bố, khủng hoảng của các Giáo Hội, đối thoại liên tôn và liên văn hoá, v.v. Các tín hữu làm thế nào để thấy được trong Lời Chúa những đường hướng giúp suy nghĩ và tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của thế giới hôm nay ?
01-07-2005