Vatican: Hội Nghị Kinh Thánh Quốc Tế do Hội Đồng Giáo Hoàng Cỗ Vũ Sự Hiệp Nhất Kitô Hữu và Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo tổ chức đã diễn ra từ ngày 14/9 đến 18/9/05, để đánh dấu 40 năm công bố Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum.

Liên Hiệp Công Giáo Về Kinh Thánh, đã được Ðức Phaolô VI thiết lập vào năm 1969, lúc đó theo sáng kiến đề nghị của Ðức Hồng Y Bea, và hiện nay là một mạng lưới quy tụ 312 tổ chức thành viên có mặt tại 127 quốc gia. Trong số 312 thành viên của Liên Hiệp Công Giáo về Kinh Thánh, có 90 thành viên là Hội Ðồng Giám Mục các nước.

Những ngày thảo luận qua chủ đề "Kinh Thánh trong Ðời Sống của Giáo Hội",
đã qui tụ hơn 400 vị đến từ 98 quốc gia trên thế giới nhằm mục đích kiểm điểm, suy tư, đưa ra những thử thánh và khó khăn hiện tại trong việc nhận thức cho con người đến tầm quan trọng của Kinh Thánh, và những phương pháp mới trong việc phục vụ Kinh Thánh.

Trong Hội Nghị các câu hỏi cần được trả lời là: Việc giảng dạy của Giáo Hội có được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh hay không?; Các tín hữu có cuốn Kinh Thánh có siêng năng đọc và suy niệm Kinh Thánh hay không?; Làm sao huấn luyện tăng cường các thừa tác viên và nhân viên phục vụ về Kinh Thánh? Các Giáo Hội địa phương có cổ võ đọc và suy niệm Kinh Thánh một cách thích hợp hay không?; Việc dịch Kinh Thánh từ các văn bản nguyên thủy tiến hành tới mức độ nào?; Đâu là sự cộng tác với các giáo hội Kitô khác trong lãnh vực Kinh Thánh?

Đức Hồng Y Kasper sẽ trình bày khía cạnh thần học về Hiến Chế Dei Verbum.Đức Tổng Giám Mục Onaiyekan tại Abuja, Nigeria sẽ thuyết trình về tiến triển trong 40 năm qua về Kinh Thánh
Ngày thứ Năm 15 tháng 9 năm 2005, Hội Nghị sẽ bàn về chủ đề Kinh Thánh và các phương tiện truyền thông xã hội.
Ngày thứ Sáu, 16 tháng 9 năm 2005, các tham dự viên Ðại Hội Nghị sẽ được Ðức Biển Đức XVI tiếp kiến. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vào thời Công Ðồng Vaticanô II, linh mục giáo sư thần học căn bản và thần học tín lý, Joseph Ratzinger, --- mà nay là giáo hoàng Bênêđitô XVI --- là chuyên viên cố vấn cho Ðức Hồng Y Frings, Tổng Giám Mục Koln. Và với tư cách này, linh mục giáo sư Joseph Ratzinger, đã tích cực tham dự vào những cuộc thảo luận chuẩn bị cho bản văn cuối cùng của Hiến Chế về Mạc Khải Dei Verbum. Buổi chiều Đức Hồng Y Martini sẽ nói về đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh

Ngày thứ Bảy 17 tháng 9 năm 2005, chương trình Ðại Hội Nghị sẽ hướng về những đề tài đại kết, về tương quan với Do Thái Giáo, về đối thọai liên tôn với Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo.

Ngoài ba bài thuyết trình chính còn có các bài tham luận đã diễn ra trong 18 cuộc hội thảo bàn tròn do 50 chuyên gia quốc tế nổi tiếng hướng dẫn, trong đó có các đại diện các Cộng Đồng và Giáo Hội Kitô khác.

Thành viên tham dự có nhiều vị hồng y và đông đảo các Giám Mục. Những vị khách mời từ 11 Giáo Hội Chính Thống, và từ 5 cộng đồng giáo hội Kitô không công giáo, như Anh Giáo, và Liên Hiệp quốc tế các Giáo Hội Lutêrô. Nhóm châu Phi, Ấn Độ đi khá đông. Nhóm Châu Á gồm có Trung Hoa, Hồng kông, một linh mục trẻ của Trung Hoa đang tu học Thần Học Kinh Thánh tại Washingto DC, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan (một nữ tu), Phi Luật Tân.

Phái đoàn Việt Nam gồm có Đức Cha Bùi Văn Đọc, giám mục Mỹ Tho, chủ tịch Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Đức Cha Trần Đình Tứ, giám mục Phú Cường, chủ tịch Ủy Ban Phụng Vụ. Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo cũng mời Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là thành viên, Nhóm đã cử Linh Mục Trần Ngọc Thao, Dòng Chúa Cứu Thế, Linh Mục Trần Hòa Hưng Dòng Don Bosco. Trong danh sách có hình của Linh Mục Nguyễn Công Đoan, phụ tá Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên phụ trách Đông Nam Á, nhưng có lẽ vì lý do mục vụ không thấy Cha có mặt.Đức Cha Bùi Văn Đọc và Đức Cha Trần Đình Tứ đã tham dự buổi khai mạc và một buổi trước khi bế mạc.

Trong số các thành viên còn nhận thấy có mặt của Đức Cha Ablondi, Linh Mục Feldkaemper, bà Ema Gunanto và bà Cecilia Chui.

Đức Cha Ablondi và Cha Feldkaemper rất vui mừng khi gặp lại Cha Trần Ngọc Thao và Cha Trần Hòa Hưng vì thấy có những đại diện của Nhóm ở Việt Nam.

Có một số thuyết trình viên xuất sắc và thường không có đủ giờ để cho các thành viên đặt câu hỏi. Có những vấn đề rất phức tạp và gai góc. Ban tổ chức đã làm một CD gồm những bài thuyết trình để cho các tham dự viên mang về. Vì thời gian rất khắc khe, ban tổ chức đã xin các thuyết trình viên và những người phải trình bày trong các buổi họp nhóm, chuẩn bị trước khi tới Hội Nghị và thuyết trình trong thời gian đã hạn định. Cha Trần Ngọc Thao đã soạn một bài dài 4 trang khổ A4 trình bày đến nguồn gốc, hoạt động của Nhóm trong lãnh vực Kinh Thánh. .., và đưa cho ông Alexander Schweitzer là Tổng Thư Ký Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo. Để sau Hội Nghị này, Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo sẽ cho phổ biến trong tờ Dei Verbum của Hiệp Hội.

Trong ngày khai mạc, Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Sự Hiệp Nhất Kitô Hữu đã kêu gợi đến một sự tái cánh tân đọc Kinh Thánh.

Trong khi việc đọc Sách Thánh "Lectio divina" không phải là "một phương dược trị bách bệnh mà nó giải quyết mọi vấn đề khi con người xa suống vũng lầy", nhưng nó là "một nghĩa vụ mục vụ quan trọng" nhằm giúp nhắc nhở tín hữu rằng Kinh Thánh quan hệ "với Lời Chúa và thực tại của Thiên Chúa" và nó "không phải là lời của người phàm".

Đức Hồng Y nói tiếp Lời Chúa "không nhằm đưa ra như sự chỉ dẫn đến những sự kiện siêu nhiên hay tín lý mà con người không thể hiểu thấu một mình qua kiến thức".

Sự mặc khải là "một quá trình đối thoại từ con người qua con người" theo đó Thiên Chúa ngỏ lời với con người "như bạn hữu với tình yêu chan chứa".

Vì thế Kinh Thánh "không cho chúng ta sự gì đó"; nhưng cho con người "con đường đến với Chúa Cha" và cho phép người tín hữu "tham dự vào bản tính Thiên Chúa" và trong "tình bằng hữu" với Thiên Chúa, Chúa Giêsu.

Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, xét theo thứ tự thời gian, là một trong những văn kiện cuối cùng của công đồng Vaticanô II, được các nghị phụ biểu quyết chấp nhận ngày 18 tháng 11 năm 1965. Tuy nhiên, ngay từ lúc khai mạc Công Ðồng Vaticanô II vào năm 1962, Văn Kiện này, dài khoảng 20 trang, là một trong những văn kiện được chú ý đến nhiều nhất và gây tranh cãi nhất. Những điểm đã được đưa ra tranh luận lúc đó có liên quan đến phong trào đại kết, đến sự trung thành của Giáo Hội với Kinh Thánh, và đến chứng tá của Giáo Hội cho Kinh Thánh.

Hiến chế Dei Verbum nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với Giáo Hội và mang lại những đà tiến mới trong việc nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo Hội Công Giáo. Sáu chương của Hiến Chế lần lượt bàn về sự mặc khải, thông truyền mặc khải, sự linh hứng, việc giải thích Kinh Thánh Cựu và Tân Ước và kết luận với chương nói về Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội.

Hiến Chế tái khẳng định việc giải thích chính thức Lời Chúa được ủy thác cho một mình huấn quyền sinh động của Giáo Hội, nhưng huấn quyền không ở trên Lời Chúa trái lại phục vụ cho Lời Chúa
Trong thời gian tiếp liền với Công Ðồng Trentô, sách giáo lý Roma đã chiếm chỗ của Kinh Thánh trong đời sống của người công giáo. Trong khi đó, thì những anh chị em Tin Lành tiếp tục đọc và dịch Kinh Thánh sang các thứ tiếng khác nhau. Công Ðồng Vaticanô II đã thực hiện cuộc khám phá lại tầm quan trọng của Lời Chúa.

Người Công Giáo vẫn chưa đọc Kinh Thánh thường xuyên

Mặc dầu Kinh Thánh được coi là quyển sách bán chạy nhất, thế nhưng Kinh Thánh vẫn không được đọc thường xuyên cũng nhưng nó không được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống người Công Giáo

Đức Giám Mục Ý Vincezo Paglia, chủ tịch Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo đã nói: "Rất tiếc, phải nói rằng vẫn còn rất ít Kinh Thánh trong đời sống người tín hữu".

Trong một cuộc nghiên cứu tại Italia, Tây Ban Nha và Pháp đã cho thấy nhiều người Công Giáo coi cuốn Kinh Thánh là một thứ gì đó "dành cho giáo sĩ" hơn là nguồn tài liệu mà họ có thể kín múc chân lý và linh hứng cho cuộc đời họ.

Đức Cha Paglia cùng với một số chuyên gia Kinh Thánh đã nói trong cuộc họp báo vào hôm 8/9 để trình bày đến Hội Nghị Kinh Thánh Quốc Tế trước tuần khai mạc.

Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Sự Hiệp Nhất Kitô Hữu nói buổi Hội Nghị nhằm công hiến cơ hội hoàn hảo "để có một sự đánh giá thực tế" đến cuốn Kinh Thánh có liên hệ hay không liên hệ đến đời sống con người bao nhiêu và cũng là dịp trao đổi hay nhấn mạnh đến những giải pháp mục vụ nhằm hoàn thành công việc truyền giáo công bố Lời Chúa của giáo hội".

Đức Hồng Y nói trong Hiến Chế Dei Verbum, "Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta như người bạn".

Đức Hồng Y nói Lời Chúa không phải là một luận án trí thức dựa trên "thực tại siêu việt hay tín lý bí ẩn", nhưng nó là "sự hiệp thông giữa người với người" với lời yêu thương của Thiên Chúa nói trực tiếp đến cá nhân con người.

Tổng Thư Ký của Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo, ông Alexander Schweitzer nói rằng giáo hội cần thực hiện nhiều hơn nữa để cuốn Kinh Thánh được đến tay mọi người, "cùng lúc cung cấp những cách thức và phương tiện cho con người để biết sử dụng nó".

Đức Cha Paglia nói tất cả các tín hữu Kitô có "quyền để có được một cuốn Kinh Thánh bằng chính ngôn ngữ của họ" nhưng để phân phối không thể quy đến "việc gửi sản phẩm giống như những cuốn Kinh Thánh nằm trong các ngăn tủ tại các khách sạn".

Giáo Hội và các vị mục tử phải chỉ bảo Kinh Thánh là một kho tàng thiêng liêng trong sinh hoạt thế giới.

"Thật khi lắng nghe lời Chúa, thực sự người tin tự khám phá mình là một môn đệ và ngay cả là một tông đồ, một nhà truyền giảng phúc âm. Bằng cách đó, Kinh Thánh trở nên ánh sáng chiếu dọi trong suốt cuộc sống con người" và trên tất cả mọi lãnh vực văn hóa, khoa học và chính trị.
Theo con số thống kê của hãng tin công giáo Thụy Sĩ, thì hiện tại, có đến 80% người công giáo thực hành đạo, nhưng chỉ tiếp xúc với Kinh Thánh qua phần Phụng Vụ Lời Chúa của Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Và chỉ có 3% người Công Giáo đọc KinhThánh hằng ngày.


Những thử thách: tín hữu không dễ dàng mua cuốn Kinh Thánh

40 năm trước đây, qua Hiến Chế Dei Verbum, một văn kiện về Kinh Thánh và Mặc Khải của Thiến Chúa, Công Đồng Vaticanô II đã cố gắng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Kinh Thánh trong đời sống giáo hội và mang cuốn Kinh Thánh đến tay người tín hữu.

Trong lúc nhiều chuyên viên quốc tế về Kinh Thánh tham dự Hội Nghị tại Roma đã đồng ý đến những bước tiến to lớn được thành đạt, thế nhưng các chuyên viên cũng nói rằng vẫn còn một số vùng trên thế giới, nhất là tại quốc gia đang phát triển, cuốn Kinh Thánh không dễ dàng tới tay mọi người.

Tại hội nghị một số vị đã lên tiếng khiển trách vì sự nghèo túng kéo dài truyền kiếp cũng như đến một số vị mục tử lơ là không cổ võ đến việc xử dụng đọc Kinh Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Onaiyekan tại Abuja, Nigeria đã phát biểu trong Hội Nghị hôm 15/9 rằng "Trong nhiều vùng, giá mua cuốn Kinh Thánh đi ngoài tầm tay của một người Công Giáo bình thường".

Nói chung vì cuốn Kinh Thánh gọi là "Kinh Thánh Công Giáo" được du nhập từ nước ngoài và thật mắc mỏ hơn cuốn Kinh Thánh được phân phối do Tin Lành bảo trợ.

Tổng Giám Mục Onaiyekan, đã tốt nghiệp với văn bằng sĩ thần học kinh thánh và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Châu Phi và Madagascar, đã khuyến khích các giám mục hợp tác với các Tổ Chức Kinh Thánh Tin Lành trong việc chuyển dịch và phân phối Kinh Thánh.

Bởi vì Tòa Thánh Vatican đã có một thỏa thuận với Liên Hiệp Thánh Kinh Hội là bất cứ nhóm Kinh Thánh địa phương nào là thành viên của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội nên theo "Những Chỉ Đạo Hợp Tác giữa các Tôn Giáo trong việc chuyển dịch Kinh Thánh".

Như thế, những cuốn Thánh Kinh được xuất bản bởi các nhóm có liên hệ đến Liên Hiệp Thánh Kinh Hội sẽ không thiên vị và hoàn toàn phản ánh Lời Chúa.

Vì nghe đến Tin Lành thì có một số người nghĩ đó không phải là Công Giáo cho nên Đức Tổng Giám Mục nói thêm "Vấn đề mà chúng ta có ở đây là tư tưởng mà các Tổ Chức Kinh Thánh là một nhóm Tin Lành đã không trút khỏi tâm trí của nhiều người và điều này có nghĩa là nhiều Giám Mục Công Giáo đã không thèm nói chuyện với họ".

Đức Tổng Giám Mục nói rằng các Giám Mục nên trở thành "ngôi nhà liên kết" với các tổ chức Kinh Thánh và cùng nhau phát hành hay phân phối những bản văn được chuẩn y theo ngôn ngữ địa phương.

Hiện nay cuốn Kinh Thánh đã được hoàn toàn chuyển dịch hay chuyển dịch từng phần qua hơn 2300 ngôn ngữ. Điều đáng vui mừng thay là Việt Nam đã có cuốn Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước hoàn toàn bằng tiếng Việt. Kinh Thánh chưa được dịch ra trong gần 1000 ngôn ngữ hay thổ ngữ còn lại mà phần lớn là ngôn ngữ tại Phi Châu và Á Châu.

Đức Tổng Giám Mục Onaiyekan nói Giáo Hội Công Giáo thường rất giới hạn đọc Kinh Thánh "được gọi là ngôn ngữ chính", vì như thế nhiều người "đã lên án là nghe Kinh Thánh theo ngôn ngữ thứ hai hay ngay cả đó là ngôn ngữ thứ ba.

Trong buổi Hội Nghị Kinh Thánh, Đức Tổng Giám Mục Onaiyekan nói: "Một lần nữa ở đây, Tin Lành đã đi trước chúng ta, khi nhấn mạnh rằng mặc dầu chỉ có 10 000 người nói theo ngôn ngữ riêng của họ thì họ đã có một cuốn Kinh Thánh theo tiếng mẹ đẻ rồi".

Đức Tổng đã trấn an với các tham dự viên là những người vẫn còn thận trọng đến bản dịch của Tin Lành được phân phối nơi khu vực của mình: "Cho dẫu thế, dù cuốn Kinh Thánh có thiên vị cách nào, thì 99 % nội dung của nó vẫn là tốt đẹp", và con người đáng được có cuốn Kinh Thánh.

Cha Gabriel Naranjo Salazar tại Colombia nói mặc dầu tình trạng nghèo đói và mù chữ đã khiến cho giáo hội đọc và giải thích Kinh Thánh cho các tín hữu trong các vùng truyền giáo, điều đó không còn đúng.

Cha Salazar bề trên tỉnh dòng Vinh Sơn tại Colombia cho biết một số các giám mục tại Châu Mỹ La Tinh đã cảm thấy "yên tâm hơn" để cho tín hữu có một cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo hơn là cuốn Kinh Thánh". Cha nói "tôi nghĩ rằng các ngài sợ đến tính chất lật đổ của Kinh Thánh".

"Kinh Thánh cải hoá đời sống con người; Kinh Thánh biểu lộ đến những cơ cấu hoàn toàn khác biệt" đối với cơ cấu phẩm trật đương thời".

"Kinh Thánh mang con người kinh nghiệm đến đời sống đức tin trong một cộng đoàn nhỏ và các giám mục nghĩ rằng những cộng đoàn nhỏ sẽ là những nơi phát xuất nên sự lật đổ chính trị".

Khi đặt trong tay người tín hữu một cuốn Kinh Thánh và chỉ cho họ biết thế nào để họ có thể "biết Thiên Chúa một cách trực tiếp", qua việc đọc và suy niệm Kinh Thánh một cách đúng đắn, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của người giáo dân, thế nhưng điều này trở thành mối hăm dọa cho "một giáo hội mà nó có tính cách quá giáo sĩ".

Cha Naranjo đã làm việc trong chương trình đào tạo trong tỉnh dòng và Cha thấy rằng Kinh Thánh không được xử dụng nhiều trong các chương trình đào tạo.

Trong khi các chủng sinh đã học Lời Chúa, "họ đã không làm bước tiến để biến đổi trong linh hồn họ. Họ biết về tín lý" nhưng không biết đến sứ điệp để "đời sống giáo hội đi ra ngoài đường phố đến với người nghèo; đời sống thực sự là ở ngoài đó đang đợi chờ họ".


Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Biển Đức
Sáng thứ Sáu 16 tháng 9 năm 2005, tại Castel Gandolfo, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tiếp kiến các tham dự viên Ðại Hội Nghị Quốc Tế về Kinh Thánh.

Trong bài diễn văn đọc trong dịp nầy, trước hết, ÐTC đã cám ơn đến Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ sự Hiệp Nhất Kitô Hữu và Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo đã khởi xướng nhân kỷ niệm 40 năm ban hành Hiến Chế Dei Verbum.

Đức Thánh Cha nói tiếp "tôi cám ơn từ đáy lòng đến những người qua công việc phiên dịch và phổ biến Kinh Thánh, lo liệu các phương cách để cắt nghĩa, dạy dỗ và giải thích sứ điệp của nó".

"Trong nghĩa ngày, một sự cám ơn đặc biệt đến Hiệp Hội Kinh Thánh Công Giáo vì những họat động của Hội để cổ võ nền mục vụ kinh thánh, vì sự trung thành gắn bó của Hội với Huấn Quyền, và vì thái độ cởi mở của Hội để thực hiện sự cộng tác đại kết trong lãnh vực kinh thánh".

Ðức Thánh Cha cũng nói lên niềm vui sâu xa vì sự hiện diện của những đại diện cho các Giáo Hội và Cộng đoàn giáo hội từ Ðông và Tây Phuơng và vì sự hiện diện của những đại diện của các tôn giáo lớn trên thế giới.

Sau khi nhắc lại sự tham dự của mình, lúc đó như là một thần học gia trẻ, vào công việc chuẩn bị hiến chế về Mac Khải "Dei Verbum" của Công Ðồng Vaticanô II, Ðức Giáo Hoàng Biển Đức XVI quả quyết rằng: Giáo Hội không sống nhờ sức riêng mình, nhưng sống nhờ Tin Mừng; và chính từ Tin Mừng mà Giáo Hội luôn múc lấy sự hướng dẫn cho cuộc hành trình của mình. Mọi người kitô cần áp dụng cho mình nguyên tắc sống này: chỉ những ai lắng nghe Lời Chúa, thì mới có thể bắt đầu rao giảng Lời Ngài...

Giáo hội thật sự không giảng dạy chính sự khôn ngoan của mình nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà trước mắt nhiều người họ cho là điên rồ (x 1 Cr 1:23)

Đức Giáo Hoàng Biển Đức cũng quả quyết đến lời của Thánh Giêrominô trong Dei Verbum số 25 "Vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô".

Giáo Hội và Lời Chúa được liên kết chặt chẽ với nhau, một cách không thể nào tách rời ra được. Giáo Hội sống nhờ Lời Chúa. Và Lời Chúa vang lên trong Giáo Hội, trong giáo huấn và trong trọn cả đời sống của Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng nhắc lại lời của Thánh Phêrô Tông Đồ :"không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa." (2 P 1:20-21)

ÐTC cũng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì nhờ ảnh hưởng của Hiến Chế về Mạc Khải "Dei Verbum", mà tầm quan trọng căn bản của Lời Chúa được đánh giá càng ngày càng sâu xa hơn. Ðiều này dẫn đến việc canh tân đời sống của Giáo Hội, nhất là trong lãnh vực rao giảng, dạy giáo lý, thần học, tu đức, và trong lãnh vực hành trình đại kết. Giáo Hội cần phải canh tân luôn mãi, cần trẻ trung hoá chính mình. Và Lời Chúa là phương tiện ưu tiên cho công cuộc canh tân Giáo Hội, vì Lời Chúa không bao giờ bị già đi hay bị hết hạn.

ÐTC nhắc lại truyền thống xa xưa trong Giáo Hội về việc Ðọc Kinh Thánh (Lectio Divina). Ngài nói như sau: Việc siêng năng đọc Kinh Thánh, đi kèm với việc cầu nguyện, khai mở một cuộc trao đổi thân tình, trong đó, qua việc Ðọc, chúng ta lắng nghe Thiên Chúa nói, và qua việc Cầu nguyện đi kèm, chúng ta đáp lời Thiên Chúa với tâm hồn trung thành và rộng mở đón nhận. Nếu được cổ võ tích cực, thì việc thực hành "lectio Divina" ("Ðọc Lời Chúa"), sẽ mang đến mùa xuân mới trên bình diện thiêng liêng.

Đức Thánh Cha khuyên nhủ bằng cách nhắc đến câu Thánh Vịnh 119 câu 105 "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi."

ÐTC khuyến khích việc Ðọc Kinh Thánh (Lectio Divina) và việc dùng những phương pháp mới phù hợp với thời đại hôm nay để tiếp cận Lời Chúa.

Để kết luận Đức Thánh Cha ước mong Lời Chúa được phổ biến mau chóng (x 2 Th 3, 1) "để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng và nhờ hy vọng mà yêu mến (DV1)

Kinh Nghiệm của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini: Đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh

Đức Hồng Y Carlo Maria Martini 78 tuổi, vị giáo sĩ Dòng Tên nguyên là Tổng Giám Mục tại Milan, Italia và từng là viện trưởng Thánh Kinh Học Viện.

Đức Hồng Y đã trình bày những điều còn bỏ ngõ từ khi Công Đồng Chung Vaticanô II và đã được công đồng bàn đến sự hiện diện của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội vào thời Công Đồng, sự đóng góp của Hiến Chế Dei Verbum của Công Đồng cho sự hiện diện của Kinh Thánh trong Giáo Hội. "Anh Em hãy đứng dậy, chúng ta tiến bước". Nói về sứ vụ của Giám Mục như người gieo vãi Lời Chúa và phục vụ cho Lời Chúa. Đức Cố Giáo Hoàng viết "không ai có thể thay thế sự hiện diện của Giám Mục ngồi trên tòa, hoặc đứng tại tòa giảng tại nhà thờ Chính Tòa và đích thân giải thích Lời Chúa cho những người tụ tập quanh ngài. Tôi muốn nhắc đến đây Đức Hồng y Carlo Maria Martini, nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Milan. Các bài huấn giáo của Đức Hồng Y tại nhà thờ chính tòa của ngài đã thu hút rất đông người. Ngài vén mở cho họ kho tàng Lời Chúa. Đó là một trong những thí dụ của sự đói khát của dân chúng đối với Lời Chúa, và điều quan trọng là thoả mãn sự đói khát ấy. Tôi vẫn luôn xác tín rằng, nếu tôi muốn thỏa mãn sự đói khát nội tâm của người khác, thì chính tôi phải noi gương Mẹ Maria lắng nghe Lời Chúa trước tiên và suy niệm trong lòng tôi".

Đức Hồng Y Martini đã đọc đoạn sách đó để nhớ tới những năm thật đẹp mà Ngài đã trải qua tại nhà thờ chính tòa Milan và cũng để kính nhớ Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô II

Đức Hồng Y Martini mở đầu bằng cách trưng dẫn một đoạn trong cuốn áp chót của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong phần cuối của bài nói chuyện sau khi đã trình bày giáo huấn của Công Đồng đến tầm quan trọng của Kinh Thánh và việc mục vụ của Kinh Thánh, Đức Hồng Y đã trả lời câu hỏi.
Đâu là những hệ luận của những giáo huấn đó đối với việc linh hoạt Kinh Thánh trong việc mục vụ nhất là vấn đề đọc sách thánh của các tín hữu. Đức Hồng Y nói: "Theo kinh nghiệm giám mục của tôi ở Milan trong hơn 22 năm trời, tôi đã thấy thành quả cụ thể của việc cầu nguyện đi từ Kinh Thánh nhất là nơi rất nhiều người trẻ, bao nhiêu người lớn trong sự siêng năng đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh. Họ đã tìm được khả năng hướng dẫn đời sống của họ theo ý Chúa cả trong một thành thị to lớn và trong một môi trường bị tục hóa. Nhiều tín hữu dấn thân và nhiều linh mục đã tìm thấy trong việc đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh cách thức để thống nhất duy trì của một cuộc sống thường bị phân hóa vì bị bao nhiêu nhu cầu và bị đòi hỏi khác nhau trong cuộc sống này.

Điều thiết yếu là làm sao tìm được một điểm tham chiếu vững chắc. Thật vậy ý định của Thiên Chúa được trình bày cho chúng ta với tột đỉnh trong Chúa Giêsu Kitô trước
chúng ta thống nhất đời sống của mình trong khuôn khổ kế hoạch cứu độ của Chúa. Rồi siêng năng đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh cũng giúp chúng ta đương đầu với những thách đố lớn nhất của thời đại ngày nay. Đó là sống chung với nhau trong sự khác biệt, không những khác biệt về chủng tộc nhưng cả về văn hóa mà không hủy hoại lẫn nhau hoặc không biết đến nhau. Trái lại biết tôn trọng và khích lệ nhau đạt tới một cuộc sống chân thực. Điều này cũng có giá tri đến mọi con đường đại kết, cũng như cho sự gặp gỡ lớn của các tôn giáo lớn với nhau. Hành trình này không được tới sự xung đột hay bài xích nhau. Trái lại phải thúc đẩy con người với lòng đạo chân thành hiểu biết những kho tàng quý giá của người khác và giúp cho người khác hiểu các kho tàng của mình, để rồi mợi gọi mọi người tiến tới một sự thật cao cả và sự trong sáng hơn trước Thiên Chúa và những lời mời gọi của Chúa.

Nếu tự hỏi nguồn gốc kinh nghiệm người nói thì tôi thấy đúng nhất là trong sự kiện này: Đứng trước Ngôi Lời nhờ đó mọi sự được tạo thành và nếu không có ngài thì chẳng có gì được hiện hữu. Chúng ta nhìn nhận nhau có cùng một nguồn gốc chung, có cùng phẩm giá tình huynh đệ và anh chị em với nhau, vượt lên trên những chia rẻ sau này.

Dĩ nhiên có nhiều cách thức để linh hoạt mục vụ Kinh Thánh, điều này tùy thuộc vào tinh thần sáng tạo của các vị mục tử và tín hữu. Tôi có thể nhắc lại đây vài kinh nghiệm thí dụ những buổi suy niệm vào chiều tối tại nhà thờ chánh tòa Milan hay tại giáo xứ về một nhân vật hay trong một cuốn của Kinh Thánh. Các bài giáo lý truyền thanh và truyền hình với hàng trăm ngàn khán thính giả trong giáo phận Milan và với một sáng kiến gọi là "nhà thờ chánh tòa cho những người không tín ngưỡng". Trong đó tôi gặp gỡ những người đang tìm kiếm đức tin, và họ chỉ có bản tham chiếu là văn bản Kinh Thánh. Và ở đây tôi muốn nhắc đến việc thực hành Lectio Divina đúng nghĩa vốn là căn bản mọi sự và mang lại phương pháp nền tảng cho các cuộc linh hoạt kế tiếp. Công đồng chung Vaticanô II khuyến khích các tín hữu thực hiện Lectio Divina, đọc, suy niệm và cầu nguyện với Kinh Thánh. Hiển nhiên đây là một kinh nghiệm thiêng liêng có tính cách là nghiền ngẫm chứ không phải chú giải Kinh Thánh. Người thi hành Lectio Divina đặt mình trước văn bản Kinh Thánh với một giải thích đơn sơ, nắm bắt những ý nghĩa nền tảng và sứ điệp trường cửu của đoạn Kinh Thánh ấy có giá trị đối với người đọc và suy niệm, thúc đẩy họ cầu nguyện đi từ văn bản Kinh Thánh trước mặt họ.

Thực vậy phải xem Kinh Thánh không những trong nội dung và những lời khẳng định của văn bản như một bản văn nói lên một điều gì đó đối với một người nhưng còn xem Kinh Thánh như một vị đang nói với người đọc và khơi dậy nơi họ một cuộc đối thoại trong niềm tin tưởng và hy vọng, thúc đẩy họ thống hối cầu khẩn và hiến dâng bản thân. Đó chính là Lectio Divina là phương thức truyền thống đọc Kinh Thánh trong ngàn năm đầu tiên của Kitô Giáo. Như chúng ta thấy nổi bật trong các bài giảng của các giáo phụ về Kinh Thánh, trong chiều hướng này tôi nghĩ đến cách giải thích Kinh Thánh của Thánh Ambrôsiô tại Milan và của Thánh Augustinô bên Bắc Phi. Đó là cuộc đọc Kinh Thánh hướng tới cuộc gặp gỡ với tác giả của Lời Chúa. Một cách đọc có khả năng uốn nắn và hướng dẫn cuộc sống. Bản thân tôi, tôi luôn luôn hướng dẫn các tín hữu dù là những người tầm thường nhất hãy thực hành cách thức đọc Kinh Thánh như thế mà không cần phải xử dụng những phương thế cách phức tạp. Không phải tình cờ mà tôi đã thành lập tại nhà thờ chánh tòa Milan một trường Lời Chúa. Trường này dạy cho hàng ngàn người trẻ cách thức đọc Kinh Thánh rất đơn sơ trong tinh thần cầu nguyện. Có nhiều phương thức đọc Kinh Thánh, nhưng tôi xác tín rằng trước hết cần dạy cho dân chúng một phương pháp đơn sơ dễ nhớ mà tôi diễn tả qua 3 tác động Lectio là đọc Meditatio là suy niệm và Contemplatio là chiêm niệm.

Đức Hồng Y Martini giải thích rằng qua từ Lectio đó là sự đọc đi đọc lại một đoạn Kinh Thánh trước mặt, tốt nhất là đọan Kinh Thánh trong phụng vụ của ngày hôm đó. khi đọc như thế cố gắng tìm hiểu cơ cấu những lời quan trọng nhất, những nhân vật các nhân vật và phẩm tính của họ. Đọc những điều ấy trong bối cảnh của cuốn sách Kinh Thánh trong đó có đoạn vừa nói, cũng như trong bối cảnh của toàn thể Kinh Thánh và để ý đến thời đại ngày nay. Người ta thường lơ là với giai đoạn này vì họ có cảm tưởng là đã biết rõ văn bản Kinh Thánh ấy, đã nghe hoặc đã đọc nhiều lần. Nhưng không nên bỏ qua việc đọc đi đọc lại văn bản Kinh Thánh trước mặt trong lúc này, như thể chúng ta đọc đoạn văn ấy lần đầu tiên. Quả thật nếu phân tích một cách đơn sơ, chúng ta có thể thấy tỏ hiện những khía cạnh mà trước đây chúng ta không thấy rõ. Nói một cách đơn sơ hơn, trong giai đoạn Lectio người ta tìm cách trả lời câu hỏi văn bản Kinh Thánh này nói điều gì.

Sang đến từ Meditatio, tôi hiểu đây là suy tư các đoạn văn Kinh Thánh về những giá trị trường tồn và văn bản này truyền lại cho chúng ta về cách thức hành động của Thiên Chúa mà đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết. Giai đoạn này có nghĩa là trả lời câu hỏi đoạn Kinh Thánh này nói gì với chúng ta, đâu là sứ điệp và giá trị thông truyền cho chúng ta.

Qua từ Contemplatio hoặc là Oratio, tôi hiểu đó là lúc có tính chất bản thân, thân mật nhất của việc đọc sách thánh. Đó là lúc trong đó tôi đi vào cuộc đối thoại với Đấng đang nói với tôi qua đoạn Kinh Thánh này và qua toàn thể Kinh Thánh.

Tôi thấy rõ việc thi hành cách thức đọc Kinh Thánh như thế, dẫn đưa tất cả chúng ta tới Lời trong đó chúng ta tìm lại được sự nhất thống của mình, và đồng thời mở rộng tâm hồn chúng ta giống như cảm tưởng của hai môn đệ trên đường làng Emmau. Họ nói "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24:32). Chính trong sự nồng nhiệt của tâm hồn quy hướng với Đấng là Lời, mà chúng ta có thể hy vọng có một cuộc canh tân giáo hội vượt lên trên những điều chúng ta có thể thực hiện với các cuộc thảo luận và tham khảo ý kiến.

Vì thế chúng tôi cầu mong mọi cộng đoàn giáo hội và tín hữu thực hiện như một phương pháp mục vụ, điều mà Công Đồng chung Vaticanô II đã đề nghị trong Hiến Chế Dei Verbum Lời Chúa. Hãy làm cho phương pháp suy niệm và cầu nguyện Kinh Thánh trở thành một thói quen thực hành với mọi tín hữu Kitô. Phương pháp này chính là một phương dược hừu hiệu chống lại trào lưu vô thần thực hành trong xã hội chúng ta. Nhất là ở Tây Phương và đó cũng là một men khơi dậy tình hiệp thông cả trong tương quan với các tôn giáo lớn ở Đông Phương.

Nghiên cứu Kinh Thánh tại Iraq

Tại Hội Nghị Kinh Thánh Quốc Tế, với những cuốn sách và tạp chí với những hình vẽ đầy màu sắc được triển lãm. Linh mục Công Giáo nghi lễ Syria đã chỉ đến những cuốn phát hành trong quá khứ và hiện tại được xuất bản từ trung tâm nghiên cứu về kinh thánh.

Tại một bàn triển lãm đến một số hoạt động đến công tác xuất bản của Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Thánh tại Mosul, nằm tại miền Bắc của Iraq.

Cha Pios Zuhair Affas đã hãnh diện để lật qua và trình bày những tạp chí được xuất bản hồi gần đây và cắt nghĩa đến các đề tài về Kinh Thánh được in trên giấy bóng không còn phải quay photo như trước đây vì số lượng in nhiều.

Cha Affas nói: "Trong 6 năm qua, chúng tôi đã xuất bản 21 ấn bản của tạp chí và 7 cuốn sách về đề tài Kinh Thánh".

Tạp chí có số lượng ấn hành là 1000 bản trong khi "chúng tôi đã cho in từ 2000 đến 3000 cuốn sách" mà nó bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau nghiên cứu về kinh thánh.

Tạp chí tam cá nguyện được in bằng tiếng Arabic, đi vào chủ đề các bản văn như của Thánh Phaolô, Thánh Maccô hay sách Ezekiel.

Mỗi tạp chí chỉ bán 1 đô la, người tín hữu Iraq có thể mua tạp chí ấn hành 3 lần trong năm tại các tiệp sách thuộc giáo hội địa phương. Không có đặt mua tạp chí gửi qua đường bưu điện bởi vì theo cha nói "bằng đường bưu điện, nó chẳng bao giờ tới nơi".

Cha Pios Zuhair Affas sinh trưởng tại Mosul, nguyên là chủ biên của tờ Alfikr Almasihi (suy tư Kitô giáo) là một tờ tạp chí phát hành tam các nguyệt tại Iraq đã có từ lâu đời, trước khi ngài được bổ nhiệm làm giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Thánh.

Trung tâm nghiên cứu Kinh Thánh tại Mosul được thành lập vào năm 1987 nhằm cống hiến những khóa học về Kinh Thánh và phát hành những ấn bản liên quan đến Kinh Thánh, hiện nay vì tình trạng bạo động và cuộc chiến do Hoa Kỳ cầm đầu tại Iraq đã khiến cho các lớp học này bị đình chỉ.

Cha Affas cho biết "chúng tôi đã đóng cửa các lớp từ 1 năm rưỡi này vì tín hữu" sợ trong lúc di chuyển.

Nhiều học viên tham dự các khóa Kinh Thánh từ các thôn lành và có người phải đi cả gần 30 cây số để đến Trung Tâm theo học.

Cha tiết lộ thêm "Di chuyển rất là nguy hiểm" bởi vì bom gài trên đường, cướp bóc bắn sẻ. Cũng chỉ vì lý do này mà "chỉ có một nửa số tín hữu thường đi lễ tới nhà thờ".

Từ khi Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Thánh được thành lập đã có 320 học viên tốt nghiệp trong chương trình 4 năm, số học viên tốt nghiệp đã gia tăng hàng năm. Trong thống kê vào năm 2004 đã có 65 học viên tốt nghiệp, 34 học viên tốt nghiệp vào năm 1999.

Cha Affas cũng cho biết ngài đã đi đến 2 làng khác nhau để mở khóa học nhưng đã bị một số kháng cự trong giáo hội địa phương.

Vào tháng 10 tới đây, Trung Tâm dự định sẽ mở chương trình vào mùa Thu cho các học viên sẽ theo học trong tương lai hay cho các học viên đã theo học. Cha Pios Zuhair Affas nguyện vọng "hy vọng họ sẽ tới".

Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Sống Lời Chúa.

Năm nay lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được gởi tới các Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh và anh chị em giáo dân, muốn ôn lại giáo huấn của Công Đồng về Lời Chúa và suy nghĩ đến phương cách sống Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ tể của Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

Các Giám Mục Việt Nam nhắm tới
* Phải mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu” (MK 22) qua việc
- Phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước.
- Tạo cơ hội tôn vinh và suy niệm Lời Chúa, riêng từng cá nhân, trong gia đình hoặc cộng đoàn.
- Dành vị trí trọng yếu cho Lời Chúa trong các giờ cầu nguyện và các việc đạo đức.
- Phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với
từng giới, áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
* Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh qua việc chú trọng đọc và suy gẫm Kinh Thánh.
* Canh tân đời sống trong ánh sáng Lời Chúa, đối với giáo dân các giám mục mời gọi giáo sửa soạn tâm hồn để trở thành những mảnh đất màu mỡ và trở thành những người gieo giống đối với tha nhân.

Và cuối cùng là các giám mục khuyên hãy để Lời Chúa đi vào cuộc sống, để con người biết sống ngay thẳng, quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống, tôn trọng phẩm giá con người và dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.

Phát Hành Kinh Thánh Tại Việt Nam.
Không kể đến các bản dịch từng phần như của ông Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, của Linh Mục An Sơn Vị hay Linh Mục Trần Văn Kiệm. .. và các bản dịch của anh em Tin Lành.

Hiện nay có 6 bản dịch toàn bộ Kinh Thánh do các tác giả Công Giáo
1. Cố Chính Linh (1913)
2. Cha Gérard Gagnon (1963)
3. Cha Trần Đức Huân (1970)
4. Cha Nguyễn Thế Thuấn (1976)
5. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn (1985)
6. Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1998)

Bản văn của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ là công trình dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên do một tập thể thực hiện. Các dịch giả nói trên đây có thể đã dùng những cộng tác viên, nhưng sách in ra vẫn chỉ có một cá nhân đứng tên. Còn bản dịch sau cùng này là của một số người, gồm linh mục dòng triều, tu sĩ nam nữ và giáo dân, với những khả năng chuyên môn khác nhau (về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, mục vụ, thánh nhạc, văn chương, v.v….). Từ khi Hiến Chế Dei Verbum ban hành vào cuối năm 1965 thì 6 năm sau vào năm 1971 nhóm này hình thành, và bắt đầu bằng việc phiên dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, do đó mang tên là Nhóm Phiên Dịch CGKPV. Sau đó Nhóm dịch các bài đọc thánh lễ Chúa nhật và đại lễ, rồi dịch Tân Ước, và sau cùng dịch và chú thích toàn bộ Kinh Thánh.

Từ trên 34 năm qua, Nhóm đã đã cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam hai công trình phiên dịch đó là bộ Các Giờ Kinh Phụng Vụ và cuốn Kinh Thánh.
Tính đến đầu tháng 9 năm 2005, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã ấn hành:

Cựu Ước riêng từng phần:
- Ngũ Thư 3000 cuốn
- Lịch Sử 3000 cuốn
- Ngôn Sứ 3000 cuốn
- Giáo Huấn 3000 cuốn
Tân Ước riêng từng phần:
- Bốn sách Tin Mừng 20 000 cuốn
- Đối Chiếu Bốn Sách Tin Mừng 10 000 cuốn
- Lời Chúa trong Thánh Lễ 40 000 cuốn
- Kinh Thánh trọn bộ 200 000 cuốn
- Tân Ước 1 385 000 cuốn
Đây là không kể đến bộ sách "Các Bài Đọc trong Thánh Lễ" mỗi bộ gồm có 4 cuốn: Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh, Thường Niên 1, Thường Niên 2, tổng cộng trên dưới 5000 bộ. Riêng cuốn "Ngoại Lịch" thì ít hơn so với 4 cuốn kia, nhưng toàn bộ các sách Bài Đọc trong Thánh Lễ đều là sách chụp, và phổ biến hạn chế.

Để đáp ứng nhu cầu của giáo dân và đặc biệt những người lớn tuổi, trong tháng Tám Nhóm cũng đã phổ biến cuốn Tân Ước chữ lớn dễ đọc với cỡ sách khổ gấp đôi ( giá 17 000 đồng tức hơn 1 Mỹ Kim một cuốn).
Ngoài ra còn phải kể đến Sách Thánh cho người khiếm thị : Một phần bản dịch của Nhóm đã được chuyển qua chữ braille gồm cố 4 sách Tin Mừng, 150 Thánh Vịnh và Lời Chúa trong Thánh Lễ.

Để mừng kỷ niệm 40 năm Hiến chế Lời Thiên Chúa về Mặc khải của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, và để chuẩn bị bước vào năm 2006 với chủ đề Sống Lời Chúa của Giáo Hội Việt Nam, Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đang ấn hành cuốn LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI : Kinh Thánh Tân Ước. Bản dịch Tân Ước là của Nhóm CGKPV đã và đang được phổ biến từ năm 1993 đến nay, còn phần dẫn nhậpchú thích là của hai cha Bernard và Louis Hurault, với Lời giới thiệu của Đức Cha Mi-ca-en Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum. Sách sẽ được phát hành cuối năm 2005.

Nhìn lại quá trình hơn 90 năm dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt, cám ơn đến những dò dẫm đáng quý của các vị tiền bối mở đường. Từ sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh khuyến khích mọi tín hữu đọc Kinh Thánh, nên việc phiên dịch và giúp hiểu Kinh Thánh càng cấp bách hơn. Hy vọng có nhiều người tiếp tục hoặc bắt đầu công việc này để phục vụ Lời Chúa.

Một bài trắc nghiệm
Kính thưa quý độc giả Vietcatholic rất thân mến, sau khi đã đọc qua tổng kết của Hội Nghị chắc cũng đã căng thẳng, xin được đưa ra một số câu hỏi trắc nghiệm về Kinh Thánh để thư giản tinh thần (dành cho giáo dân thôi!).

Những câu đố liên quan đến bài trong Kinh Thánh mà ai cũng quen thuộc và đã nghe ít nhất một năm một lần, hoặc đã từng nghe những bài Thánh Ca liên quan cho nên ắt hẳn mọi người đều thuộc. Bài phúc âm là bài dụ ngôn người cha nhân hậu hay là dụ ngôn đứa con hoang đàng (prodigal son). ...

Xin đặt những câu hỏi như sau:

1. Bài Kinh Thánh trên nằm trong quyển phúc âm nào (Matthêu, Maccô, Luca hay Gioan), chương nào và trong những câu nào? Xin liệt kê tất cả.
2. Đoạn Kinh Thánh trên sẽ được đọc trong Bài Phúc Âm ngày nào và trong năm nào của mùa Phụng Vụ. (Nếu bạn không có sách lễ giáo dân, thì bạn có thể đọc phần Phụng Vụ Lời Chúa trong tiết Mục Vụ Phụng Vụ bắt đầu từ ngày mai, và đọc trong hết một năm, đến năm sau thì sẽ biết bài phúc âm ấy được đọc trong ngày nào rồi trả lời cũng không sao).
3. Trong bản tiếng Anh của bài Phúc Âm trên, cụm từ "Fatted Calf" xuất hiện 3 lần, nếu so với bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt, cụm từ này dịch ra làm sao, có giống nhau không, nếu khác biệt thì bạn suy nghĩ cho kỹ, chỗ khác biệt ấy nói lên điều gì? (Bạn có thể coi cuốn Kinh Thánh của Cha Nguyễn Thế Thuấn hay cuốn Kinh Thánh của Nhóm Phiên Dịch CGKPV).
4. Khi người con thứ (đứa con đi hoang) vừa làm quyết định trở về lúc ấy nó có hối hận ăn năn không và tại sao?
5.Khi người con thứ trở về, người cha mở tiệc ăn mừng, người con cả thấy thế không chịu vào nhà khiến cho người cha phải ra năn nỉ. Sau đó cậu con cả này có chịu vào nhà không?

Mọi giải đáp sẽ được cho lên vào Chúa Nhật tuần tới 2/10.
(Tất cả mọi hình ảnh trên chụp trong ngày họp báo 8/9 và những ngày diễn ra Hội Nghị Kinh Thánh Quốc Tế tại Roma.)