Năm 1970, nghĩa là sau Công Đồng Vatican II, Jacques Maritain cho xuất bản cuốn “De L’Église du Christ, La personne de l’Église et son personnel” (Bản tiếng Anh: On the Church of Christ, The Person of The Church and Her Personel)”. Tiến sĩ Jude P. Dougherty, trưởng khoa hưu trí của Trường Triết học thuộc Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 5 năm 2014, trên tạp chí The Wanderer (thewanderpress.com), có bài viết nhận định về cuốn sách này. Chúng tôi xin chuyển bài viết qua tiếng Việt, trước khi dịch trọn cuốn sách của Maritain.
Vào thời điểm Giáo hội bị cáo buộc về các việc làm sai trái của hàng giáo sĩ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, khảo luận của Maritain về Giáo hội và nhân sự của Giáo Hội đáng được đọc lại. Nói đến “ngôi vị” của Giáo hội là nhìn nhận một sự siêu việt nào đó, trong thời gian, của một cơ chế, trong căn bản, vẫn nguyên như xưa. Cũng như một con người không được đồng nhất với nhân cách mà họ biểu lộ vào một ngày nào đó hoặc vào một thời kỳ nào đó trong cuộc sống, Giáo hội hữu hình cũng không thể được đồng nhất với một công đồng hay một triều giáo hoàng.
Những suy tư của Maritain về chủ đề này phải được tìm thấy trong cuốn sách hoàn chỉnh cuối cùng của ông, On the Church of Christ: The Person of the Church and Her Personnel [Về Giáo Hội của Chúa Kitô: Ngôi vị của Giáo hội và Nhân sự của Giáo Hội]. Được xuất bản bằng bản dịch tiếng Anh từ tiếng Pháp vào năm ông mất (1973) (1), nó đã bị giới truyền thông thế tục phớt lờ và ít được báo chí Công Giáo chú ý. Sau đó bảy năm, là việc xuất bản cuốn Le Paysan de la Garonne (2) [Người Nông dân vùng Garonne], một cuốn sách đã khiến Maritain trở nên kẻ thù của người Công Giáo cánh tả vì đã phê phán nền thần học phát triển sau Công đồng Vatican II.
John Courtney Murray trong cuốn We Hold These Truths (1960) (3) đã sung sướng nhận định rằng Giáo hội ở Bắc Mỹ không bị chia rẽ giữa cánh tả và cánh hữu như nó đã từng có những hậu quả tàn phá ở Châu Âu. Vào cuối Công đồng Vatican II, virút ở châu Âu đã lan sang Bắc Mỹ.
Maritain, người từng là con cưng của giới trí thức Công Giáo cấp tiến vì triết lý xã hội của ông, đột nhiên bị tẩy chay, tác phẩm sau này của ông bị làm ngơ. Đối với Maritain, một chính sách xã hội cấp tiến không giả định phải có một nền thần học Công Giáo cấp tiến, chắc chắn không phải là một nền thần học gây chiến với di sản trí thức của Giáo hội. Nhiều học giả Hoa Kỳ, tuy biết rõ công trình rộng lớn của Maritain, vẫn không biết về việc ra đời của cuốn De l’Église du Christ.
Trong cuốn sách trên, Maritain nói về “khoảnh khắc vô cùng bối rối” khi ông viết về nó. (4) Ông tự gọi mình là “một triết gia Kitô giáo già, người đã suy nghĩ về mầu nhiệm Giáo hội suốt sáu mươi năm trời.”
Ông kinh hoàng trước số lượng đáng kể các trí thức Công Giáo, những người, theo phán đoán của ông, đã sử dụng chính họ để phá hủy kho tàng chân lý mà Giáo hội có trách nhiệm truyền tải. Ông “đã chán với cơn sóng gió của những ý tưởng ngu xuẩn được loan truyền rộng rãi nhằm gây ra sự hồ đồ lẫn lộn nơi các tín hữu.” Ông “đã chán với việc phi huyền thoại hóa học thuyết và duy tục hóa hoặc phàm tục hóa một Kitô giáo mà các tiến sĩ và người hướng dẫn tâm linh mới của chúng ta muốn giao phó cho bàn tay của các nhà xã hội học, các nhà phân tâm học, các nhà cấu trúc học, các nhà theo Marcus (*), các nhà hiện tượng học và những người tiên phong của nền kỹ trị.” (5)
Phụ đề của On the Church of Christ thể hiện sự phân biệt rất quan trọng đối với sự hiểu biết về Giáo hội. Maritain viết: “Những người lãnh đạo trong Giáo hội sẽ không bao giờ là Giáo hội. Người ta có thể có một cái nhìn vô tư, đưa ra những đánh giá tích cực và tiêu cực về hoạt động của những người lãnh đạo trong Giáo hội suốt nhiều thế kỷ qua trong khi vẫn tin tưởng vào sự thánh thiện của chính Giáo hội.” (6) Sự phân biệt này thể hiện trong công việc, tức là sự khác biệt giữa “ngôi vị của Giáo hội” và “nhân sự của Giáo hội”, tức là sự khác biệt giữa Giáo hội hữu hình đối với trí hiểu và Giáo hội như hữu hình, người ta có thể nói như thế, dưới mắt của công chúng, những người chỉ biết nó qua các phương tiện truyền thông.
Maritain viết, “ngôi vị của Giáo hội có thể thánh thiện trong khi bao gồm các thành viên đều là những người tội lỗi ở một mức độ nào đó.” Thật vậy, chúng ta có thể đồng ý với Maritain rằng các thành viên thánh thiện có thể mắc lỗi nặng trong các phán đoán khôn ngoan của họ. Những mục đích cao cả có thể được theo đuổi bằng những phương tiện đê tiện hoặc bị thất vọng bởi những hành động sai lạc hoặc bởi những tính toán sai lầm và những hoàn cảnh bất thuận lợi.
Phân biệt như thế rồi, Maritain bảo vệ ngôi vị của Giáo Hội trong khi thừa nhận những điều xấu xa gây ra nhân danh Giáo Hội, theo ông, bởi các cuộc Thập tự chinh, bởi Tòa án dị giáo, bởi sự đàn áp phái Albigeois, bởi việc giam cầm Galileo, bởi cách hành quyết Gioan d’Arc, và bởi cách thiêu sống Savonarola và Giordano Bruno. Không một nhà phê bình hay hoài nghi nào có xác suất vẽ ra một danh sách dài hơn “các tội lỗi của Giáo hội”, đối với phần lớn những sai sót nghiêm trọng về phán đoán của “những người lãnh đạo Giáo hội” xét về các phương diện khác đều là những người có tư tưởng cao quý.
Bản cáo trạng của Maritain về những người lãnh đạo Giáo hội trong nhiều trường hợp có thể hơi quá khắc nghiệt. Nền học thuật nghiêm túc, phần lớn được công bố sau thời Maritain, đã chứng minh rằng hầu hết các tình tiết được ông đề cập đều phần nào phức tạp hơn so với những gì ông đã viết ra, và trong một số trường hợp, Giáo hội đã được minh oan một cách đầy danh dự theo bất cứ tiêu chuẩn liên quan nào.
Viết từ góc độ thế tục thuần túy, và chỉ tập chú vào vụ Galileo, Giáo sư Giorgio de Santillana của MIT bảo vệ Giáo Hội trước các cáo buộc ngược đãi thô bạo đối với Galileo, phần lớn là do thuyết qui mặt trời [heliocentric] do Galileo cổ vũ đã không được chứng minh cho đến đầu thế kỷ 19. Quan điểm Aristốt của Bellarmine về việc giải thích khoa học liên quan tới yêu cầu Galileo bảo vệ quan điểm của mình như một giải thích lý thuyết về hiện tượng quan sát chứ không phải như một điều ông đã chứng minh.
Việc De Santillana đề cập đến bối cảnh xã hội, trong đó Galileo đôi khi gây khó chịu bằng cách đi quá giới hạn của mình khi xâm nhập vào lãnh vực thần học Kinh thánh, đã đặt toàn bộ tình tiết vào một ánh sáng dễ hiểu hơn và ít có tính lên án các hành động của những nhà lãnh đạo trong Giáo hội hơn là phán xét của Maritain.
Nghiên cứu của William A. Wallace về Galileo chứng thực nhận định của de Santillana rằng Galileo đã tự mang lại hầu hết những rắc rối cho bản thân bởi tác phong nóng nẩy của ông đối với các nhà chức trách, những người trên thực tế đã kiểm duyệt ông vì những lý do khác chứ không phải việc ông tán thành thuyết qui mặt trời, một thuyết cho đến lúc này không hề làm phiền thẩm quyền giáo hội miễn là nó đã được cổ vũ như một lý thuyết.
Có một lĩnh vực được Maritain mạnh mẽ tiến đến chỗ bênh vực các nhà lãnh đạo Giáo hội - đó là việc đối xử với người Do Thái. Ông cho rằng: “Việc căm thù người Do Thái thời Trung Cổ là hành động của quần chúng và của nhiều người trong giai cấp tư sản và quý tộc và nhiều người trong giới giáo sĩ cấp thấp. Các nhân sự cấp cao của Giáo hội, trên hết là Giáo hoàng, không hề có chuyện đó." (7)
Ông giải thích, “Các Giáo hoàng, ngay cả những vị nghiêm khắc nhất trong việc lập pháp của họ, cũng không bao giờ biết đến sự thù hận này.” Chính tại các lãnh thổ Giáo hoàng, người Do Thái làm ăn phát đạt nhất. "Trong toàn bộ thời Trung Cổ và thời kỳ đen tối nhất sau đó, chính các vị Giáo hoàng là những người bảo vệ và bênh vực họ hơn cả." (8) Sắc chỉ của Đức Callixtô II (1120) lên án bạo lực chống người Do Thái và phép Rửa tội cưỡng bách của họ, đã được xác nhận ít nhất 22 lần cho đến giữa thế kỷ 18.
Sự bảo vệ đó đã được tiếp tục dưới triều giáo hoàng bị vu khống của Đức Piô XII và được ngầm hiểu trong Dominus Iesus, công bố vào ngày 6 tháng 8 năm 2000, với sự chấp thuận của Đức Gioan Phaolô II và được ký bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc đó là Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. (9)
Maritain thừa nhận rằng sự thiếu chính xác của ngôn ngữ thường khiến một số người quy cho Giáo hội một hành động hoặc quyết định của nhân viên lãnh đạo của Giáo Hội mà không phân biệt liệu hành động đó có thuộc về thủ phạm là nguyên nhân duy nhất hay là một công cụ của chính Giáo hội không. Ông nhắc nhở độc giả rằng “chỉ có Huấn quyền long trọng của Đức Giáo Hoàng lên tiếng một mình (chứ không thông qua một Thánh bộ Rôma) hoặc khi ngài lên tiếng chung với các giám mục tập hợp trong Công đồng chung (Huấn quyền thông thường) thì đó mới là Giáo hội lên tiếng và hành động, Giáo hội duy nhất, thánh thiện và không thể sai lầm.” (10) Ngôi vị của Giáo hội ở đó, trước mắt chúng ta và hiển hiện trong việc làm, qua Huấn quyền khi dạy dỗ một cách không thể sai lầm.
Maritain xác tín rằng ngay cả khi một trong những nhân sự của Giáo Hội sử dụng không tốt quyền pháp lý hoặc luân lý của họ, thì ngôi vị của Giáo Hội vẫn nguyên vẹn, mặc dù một cách gián tiếp nào đó, điều này không khiến Giáo Hội phải chịu trách nhiệm về điều mà kẻ hỗn xược đã phản bội tinh thần của Giáo Hội. Trước luật dân sự, vấn đề có khác.
Ở Hoa Kỳ và khắp thế giới phương Tây, các tập đoàn được ban cấp tư cách persona ficta (ngôi vị giả tưởng), bao lâu chúng tồn tại trong một khoảng thời gian và biểu lộ một cơ cấu tập đoàn. Tư cách ngôi vị tư pháp cho phép một hoặc nhiều thể nhân hoạt động như một thực thể duy nhất vì các mục đích pháp lý. Trong nhiều khu vực pháp lý, tư cách ngôi vị giả tưởng cho phép thực thể đó được coi như tách biệt đối với các thành viên hoặc cổ đông cá thể của nó. Tuy nhiên, một thực thể tập đoàn có thể phải chịu trách nhiệm về các hành động không chính thức của một thành phần nhân sự của mình và có thể bị kiện vì hành động bất lương mặc dù hành động của nhân viên đó không phù hợp với chính sách của tập đoàn. Giáo hội Hoa Kỳ đã phải trả giá đắt cho những cáo buộc về hành vi sai trái tình dục của một số giáo sĩ.
Điều đáng lưu ý là học thuyết persona ficta đã được quy cho Đức Giáo Hoàng Innocentê IV, người dường như đã tán thành quan điểm này để cho phép các đan viện hiện hữu hợp pháp tách biệt với các đan sĩ cá nhân, nhờ thế, tạo điều kiện cho đan viện có cơ sở hạ tầng mặc dù mỗi đan sĩ đều khấn giữ đức nghèo khó. Người ta cho rằng tư thế ngôi vị giả tưởng cũng bảo vệ tổ chức khỏi bị quy trách nhiệm về sự cẩu thả của các cá nhân trong tổ chức.
Tất nhiên, sự bảo vệ đó không nên xảy ra, chắc chắn không nên xẩy ra ở Hoa Kỳ, nơi, thí dụ, nhà sản xuất dược phẩm Pfizer đã bị buộc phải nộp phạt 2.3 tỷ đô la vì một nhân viên bán thuốc đã quảng cáo thuốc Celebrex của Pfizer, để sử dụng không đúng như nó đã được chấp thuận bởi cơ quan liên bang có thẩm quyền.
Khi nói về Giáo hội và nhân sự của Giáo hội, nhân nói đến việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, người ta không thể không lưu ý đến sự khác biệt giữa tư tưởng của Giovanni Battista Montini, sau này là Đức Phaolô VI, và Karol Wojtyla. Đó là sự khác biệt giữa Maritain và Husserl. Montini với tư cách là một giáo sư chủng viện đã dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Ý ít nhất hai tác phẩm của Maritain để sử dụng trong lớp học. Ngài cũng sử dụng các nghiên cứu về học thuyết Tôma của Etienne Gilson. Ngược lại, trong giới triết học chuyên nghiệp, Wojtyla được biết đến với tác phẩm lớn của mình, được dịch sang tiếng Anh là The Acting Person (Người Hành động). Tránh triết lý của các Nhà Kinh viện (Schoolmen), Wojtyla đã chọn làm việc như một nhà hiện tượng luận. Điều này khiến ngài khác với Montini cũng như Maritain và thậm chí cả Garrigou-Lagrange, giáo sư đã hướng dẫn ngài viết luận án tiến sĩ về Thánh Gioan Thánh giá.
Trong thuật ngữ Kinh viện, về phương diện siêu hình, một ngôi vị được coi là “bản vị [supposit] của một bản chất hữu lý”, trong khi Wojtyla, dù không bác bỏ cái nhìn siêu hình đó, đã tránh ngôn từ hữu thể, thích nói tới “sự khám phá ra chủ thể con người hoặc con người.” Ngài sẽ nói, “Theo kinh nghiệm, con người được ban cho chúng ta như là người hiện hữu và hành động.” (11) Đặt trọng tâm vào các hành vi, ngài nói đến các khoa học thực nghiệm khác nhau trình bày con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cung cấp tài liệu ngày càng nhiều giúp chúng ta nâng cao hiểu biết của chúng ta về con người như một con người. Xem xét sự gia tăng không ngừng của tri thức thực nghiệm về con người này, chúng ta cần một đánh giá lại triết học và ở một mức độ nào đó, một sự giải thích lại con người với tư cách là một con người. Đúng là, theo đó, chúng ta tìm thấy con người trong kinh nghiệm, nghĩa là chủ thể, trong tất cả các biểu hiện hiện tượng luận của nó. Theo truyền thống Tôma, Maritain có thể sẽ nói, "Đúng vậy, có nhiều điều trong các giác quan hơn là chính các giác quan có thể đánh giá được."
Hai cách tiếp cận không phải là không tương thích, nhưng Wojtyla, với cách tiếp cận thực nghiệm của mình, sẽ nói thêm, “Bản ngã tự lập mình thành một con người chủ yếu qua các hành vi có ý thức của nó”. [Nhưng rồi ngài cảnh báo]: “Không nên biến ý thức thành một chủ thể độc lập, mặc dù do diễn trình loại trừ, mà thuật ngữ của Husserl gọi là epoche, nó có thể được coi như thể là một chủ thể.”
Triết lý của Tổng giám mục Wojtyla hẳn đã lên mầu sắc cho việc tham gia của ngài vào các cuộc thảo luận của Công đồng Vatican II và không phải là không ảnh hưởng đến triều giáo hoàng của ngài. Với Vatican II, truyền thống kinh viện bị gạt sang một bên, một số người có thể nói, “bị dẹp bỏ”. Đức Gioan-Phaolô II thường ca ngợi Thánh Tôma, nhưng ngài không đề nghị rõ ràng việc nghiên cứu về vị thánh này cho đến cuối triều giáo hoàng của ngài. Có lẽ tinh thần của ngày đó đã được đúc kết trong nhận định của nhà thần học người Pháp, sau này là Hồng Y Jean Danielou, “Việc tìm hiểu thần học không còn bị giới hạn trong chủ nghĩa Kinh viện, vốn là bất di bất dịch và không tính đến hai khía cạnh chính của tư tưởng hiện đại: tính lịch sử và tính chủ quan.” Trong ánh sáng đó, ngài đã ca ngợi Teilhard de Chardin. (12)
Một lý lẽ có thể được đưa ra theo chiều ngược lại. Dù gọi là gì, “chủ nghĩa hiện thực”, “chủ nghĩa hiện thực Aristốt,” hay “Chủ nghĩa Kinh viện”, thì đó vẫn là triết học duy nhất vừa có thể giải thích thỏa đáng những thành tựu của vật lý học lý thuyết trong thế kỷ 20 và trật tự đạo đức tìm thấy trong tự nhiên. Chính dựa vào tấm phông triết lý lâu đời này mà các hiểu biết sâu sắc của Danielou và de Chardin cần được cân đo. Công đồng Vatican II có thể đã được Đức Gioan XXIII kêu gọi để thu hẹp khoảng phân cách giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Nếu có bất cứ điều gì, thì khoảng cách đó đã được mở rộng thêm. Chắc một điều Giáo hội có vẻ ít chắc chắn về chính mình hơn lúc công đồng được triệu tập.
__________________________________________________
(*) Marcus: là một nhà truyền giáo có ảnh hưởng của phái Manikêô ở Tây Ban Nha thế kỷ thứ tư.
Ghi chú
1. Jacques Maritain, De l’Église du Christ, Bản tiếng Anh của Joseph W. Evans (On the Church of Christ: The Person of the Church and Her Personnel) (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1973).
2. Le Paysan de la Garonne (Paris: Desclee de Brouwer, 1966).
3. John Courtney Murray, We Hold These Truths (New York: Sheed and Ward, 1960).
4. Maritain, On the Church of Christ, tr. v.
5. Đã dẫn, tr. 241.
6. Đã dẫn, tr. 138.
7. Đã dẫn, tr. 167.
8.Đã dẫn, tr. 168.
9. Có trên trang web của Vatican, www.vatican.va.
10. Maritain, On the Church of Christ, tr. 239.
11. Karol Wojtyla, “The Person, Subject, and Community,” Review of Metaphysics, vol. 33., p. 273 (1979).
12. Etudes, vol. 249, p. 2 (1946).