1. Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican được giữ bí mật cho đến phút chót

Các bản văn suy niệm cho Chặng Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay được giữ bí mật cho đến phút chót. Tại sao?

Cơ quan truyền thông nổi tiếng của Hội Đồng Giám Mục Ý SIR hôm nay viết: “Các bản văn của Chặng Đàng Thánh Giá do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đấu trường Rôma sẽ sẵn sàng và chỉ sẵn sàng vào ngày Thứ Sáu tới, ngày 7 tháng Tư, chứ không phải trước đó. Chúng ta biết điều này từ các nguồn của Vatican. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra. Không có gì như thế này đã từng xảy ra trong quá khứ.”

Theo dự trù, lúc 9 giờ 15 phút tối thứ Sáu Tuần thánh, 7 tháng Tư, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể sẽ diễn ra tại hý trường Colosseo ở Roma.

Truyền thống đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo đã được người Công Giáo Rôma thực hành trong nhiều thế kỷ bắt đầu từ thế kỷ 18 dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 14, và được hồi sinh vào năm 1964 bởi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục.

Từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo cũng trở thành một sự kiện được truyền hình trên toàn thế giới.

Truyền thống viết các bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum khác với những bài nguyện ngắm như trong các kinh bổn thường đọc đã được bắt đầu với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1991. Văn bản các chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Colosseum phản ảnh cái nhìn của Giáo Hội Công Giáo trước thực trạng văn hóa, xã hội và luân lý trong xã hội đương đại. Nó cũng nêu bật tình trạng bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, tình trạng bất công, những khổ đau của người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Nhiều bài suy niệm đã đi vào lịch sử như những áng văn chương tuyệt tác như bài Suy Niệm 14 chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum vào năm 2007 của Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Di Sản Văn Hoá của Giáo Hội.

Tuy nhiên, năm ngoái 14 chặng Đàng Thánh Giá đã được các gia đình và các cặp vợ chồng chuẩn bị. Ngay sau khi được đưa ra, vài ngày trước ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra do sự hiện diện của một người Nga và một người Ukraine là Irina và Albina, cùng vác thánh giá trong một chặng đàng. Cũng có tranh cãi về bản văn suy niệm chặng thứ XIII, gay gắt đến mức cuối cùng chặng thứ XIII diễn ra trong im lặng, người dẫn chương trình mời gọi mọi người thinh lặng cầu nguyện cho hòa bình.

Theo SIR, chính vì thế năm nay, chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Vatican được giữ bí mật cho đến phút chót.

Giữ đến phút chót như thế, chỉ có người Ý và một số nước khác có thể theo dõi.

2. Một sự kiện vô cùng đáng buồn vừa diễn ra trong Giáo Hội Chính Thống Giáo

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cuộc tranh cãi gay gắt giữa cộng đồng dân làng Semipolky trong vùng Kyiv với linh mục của họ là Cha Mykolay tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi.

Cha Mykolay là một linh mục thuộc Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Làng Semipolky gần với khu vực Bucha, nơi đã xảy ra vụ tàn sát kinh hoàng sau 33 ngày xâm lược. Hơn 1.400 người chết, trong đó có 37 trẻ em. Hơn 175 người đã được tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể và phòng tra tấn. 458 thi thể đã được tìm thấy trong thị trấn, trong đó có 9 trẻ em dưới 18 tuổi; trong số các nạn nhân, 419 người bị giết bằng vũ khí, họ bị trói và bị bắn đằng sau lưng. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp trước khi bị bắn chết. Xác của họ nằm trên khắp các đường phố cho thấy sự dã man và háo sát của quân xâm lược. Cũng có một trung úy quân đội Nga bị bắn chết vì anh ta phản đối cuộc tàn sát thường dân vô tội.

Bất chấp thực tế đó, Cha Mykolay, người Ukraine gốc Nga, vẫn bênh vực cho cuộc xâm lược của Nga và ý thức hệ “thế giới Nga” trong các bài giảng của ngài.

Chính vì thế, cuối cùng cộng đoàn tại nhà thờ làng Semipolky đã bị chia làm hai phe. Một phe ủng hộ Cha Mykolay, và một phe chống đối ngài. Những người chống đối càng lúc càng đông, và đã quyết định xin chuyển toàn bộ giáo xứ sang Giáo Hội Công Giáo Ukraine độc lập, gọi tắt là OCU.

Nhân đây, Túy Vân xin giải thích về Chính Thống Giáo tại Ukraine. Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC-MP. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm UOC-MP. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, UOC-MP tuyên bố không phụ thuộc vào Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa nên bỏ cái đua MP nghĩa là Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó chỉ là động tác giả vì hàng giáo phẩm của Giáo Hội này vẫn do Thượng Phụ Kirill bổ nhiệm.

Dân làng đã mất niềm tin với Cha Mykolay, và Giáo Hội UOC, nên họ quyết định chuyển toàn bộ cộng đoàn của mình sang OCU.

Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine đã quyết định đón nhận cộng đoàn này và trao phó việc chăm sóc cho Cha Valentin, một linh mục tuyên úy quân đội của OCU.

Cha Mykolay đã phải ra khỏi làng Semipolka. Điều đáng buồn là video này cho thấy ngài không tiếc lời nguyền rủa đàn chiên mà ngài đã từng chăm sóc.