Prime
Kinh giờ Nhất. Là phần của Kinh Nhật tụng, trước đây gọi là kinh giờ Nhất (hora prima), đọc vào khỏang 6 giờ sáng trong các cộng đòan đan tu. Hiện nay nó không còn nằm trong Phụng vụ các Giờ Kinh theo Nghi lễ Roma nữa.
Prime Matter
Nguyên liệu. Là nguyên lý nền tảng và tiềm tàng của mọi chất của cơ thể. Nó là tiềm năng thụ động thuần túy, và do đó chưa xác định hòan tòan chất liệu cơ bản của vũ trụ vật lý; nền tảng của mọi vật vẫn không thay đổi trong mọi thay đổi vật lý, vốn xảy ra trong không gian và thời gian.
Prime Mover
Nguyên động tác nhân. Chúa là Nguyên Nhân Đệ Nhất, là Đấng đầu tiên đưa thế giới vào dòng chuyển động vật chất và tinh thần, và tiếp tục nâng đỡ vũ trụ trong tiến trình thay đổi của nó.
Primer
Sách kinh nguyện ở Anh. Là sách kinh ở Anh được giáo dân sử dụng thông thường trước cuộc Cải cách. Sách gồm có Kinh nhật tụng Đức Bà, Kinh Chiều, các Thánh vịnh thống hối và Thánh vịnh lên đền, Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin kính và các kinh khác. Đôi khi một bảng chữ cái được ghi trong phần nói đầu của sách kinh, để sách kinh này có thể sử dụng dạy trẻ em đánh vần và đọc chữ.
Primitive Religion
Tôn giáo thời sơ thủy. Là tôn giáo của các dân tộc nguyên sơ. Nói một cách chặt chẽ, hiện nay không còn dân tộc nguyên sơ nào trên Trái đất này nữa. Chính xác hơn, tôn giáo của người xưa là cổ xưa, và dấu vết các tôn giáo này còn lưu lại trong các công cụ lao động, tranh vẽ, và các cách viết biểu tượng. Như thế tôn giáo thời sơ thủy là tôn giáo của các dân tộc ngày nay, nhưng sự cô lập của họ khỏi dòng chảy văn hóa chính của thế giới gợi ý rằng họ thuộc dòng dõi các tổ tiên thời đầu của nhân lọai. Vì vậy điều kiện tôn giáo của họ được xếp ngang hàng với các giai đọan khác của lối sống và tri thức, xếp hạng từ chưa hề phát triển đến là một loại tiến bộ của văn minh. Hai bậc của các tôn giáo thời sơ thủy được phân biệt rõ ràng. Bậc thấp hơn hoặc ít bị ảnh hưởng bởi một trong các tôn giáo lớn, hoặc ít phát triển về lý luận. Nó thích hợp với đạo thờ vật linh hoặc bái vật giáo, vốn nhấn mạnh đến việc gán hồn cho mỗi vật, và tin vào ma thuật hoặc phép phù thủy. Trong số các tôn giáo ngọai trừ, các dân tộc sau đây tuyên xưng một tôn giáo thấp thuộc thời kỳ tiền văn tự: người Negritos ở Quần đảo Philippine, nhiều sắc tộc ở Micronesia và Polynesia, người Papua ở Tân Guinea, người da đen Arunta ở Úc, người dân đảo Andaman trong Vịnh Bengal, người Kol và Pariah ở miền trung và miền nam Ấn Độ, người Pygmie và Bushmen ở miền trung lưu vực Congo, người Carib ở West Indies (quần đảo Tây Ấn), và người Yahgan ở cực nam Nam Mỹ. Ở một cấp cao hơn có người Samoa và người đảo Hawaii, người Mông Cổ ở Nga, người Vedda ở Sri Lanka, người Bantu ở miền trung nam và miền nam châu Phi, người Eskimo và người Amerind, hoặc người Da đỏ ở Mỹ, ở miền Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Primogenitus
Primogenitus, trưởng tử, con đầu lòng. Tập tục trong một số xã hội là chuyển trao tài sản cho con trai cả trong một gia đình. Chế độ con trai trưởng hưởng thừa kế. (Từ nguyên Latinh primus, đầu tiên + Hi Lạp genesis, nguồn gốc.)
Prince Of The Church
Ông hòang của Giáo hội, Hồng y. Là Hồng y của Giáo hội Công giáo, được gọi như thế bởi vì Hồng y được xem ngang hàng với các ông hòang cai trị xã hội dân sự. Ngài chỉ chịu trách nhiệm với Đức Giáo hòang mà thôi, và chỉ có thể bị Đức Giáo hòang truất chức mà thôi.
Principalities
Lãnh thần. Là các thiên thần thuộc đòan cao nhất trong phẩm thấp nhất của các cơ binh thiên thần. Cùng với các tổng lãnh thiên thần và thiên thần, các vị tạo nên cơ binh thiên thần, là các vị phục vụ Chúa cách trực tiếp trong những công tác liên quan đến thế giới hữu hình này. Dường như chắc chắn rằng mọi quốc gia đều được Chúa trao cho một số lãnh thần chăm sóc.
Principle
Nguyên lý, nguyên tắc, nguyên khởi. Là điều gì mà một vật phát sinh ra hoặc dựa vào đó như là nguồn gốc, nguyên nhân, hoặc nguồn mạch của hiện hữu hay hành động. Trong Kitô giáo, các chân lý đức tin là nguyên lý của việc sống đạo đức. (Từ nguyên Latinh principium, sự khởi đầu, nguồn gốc, nền tảng.)
Principle And Foundation
Nguyên lý và Nền tảng. Là tiền đề cơ bản của đời sống Kitô hữu và là suy niệm đầu tiên của Linh thao theo thánh Ignatius. Nguyên lý và Nền tảng nêu ra hai nguyên lý và hai kết luận. Hai nguyên lý là “Con người được tạo dựng để chúc tụng, tôn kính và phụng sự Chúa chúng ta, và nhờ đó để cứu linh hồn mình; các sự khác trên bề mặt Trái đất được tạo dựng vì lợi ích con người, và để giúp con người theo đuổi mục đích mà vì đó mình được dựng nên.” Do đó hai kết luận sẽ là: 1. “Con người phải dùng các tạo vật khác để giúp mình đạt mục đích của mình, và khi làm như vậy, con người phải tách mình ra khỏi các tạo vật khác, để chúng không ngăn cản con người hướng về mục đích;" và 2. “Chúng ta phải tỏ ra dửng dưng với mọi loài thụ tạo khác, để ý chí tự do của chúng ta được tự do hành động, và không bị cấm hành động; trong cách này chúng ta không mong ước sức khỏe hơn là bệnh tật, phú quý hơn là nghèo hèn, danh dự hơn là ô nhục, sống thọ hơn là chết yểu; nhưng trong mọi sự, chúng ta quyết định và chọn lựa những cái sẽ dẫn chúng ta tốt nhất đến mục đích, mà vì đó mình được dựng nên.”
Principle Of Evil
Căn nguyên sự dữ. Là nguồn gốc không có thực của mọi sự dữ, mà bè Manikêô và các phái khác đưa ra như định đề. Cơ sở trực tiếp của thuyết này là một quan niệm sai lầm về việc Chúa quan phòng, như thể là Chúa không rút sự lành ra khỏi sự dữ hoặc không giúp đỡ để ngăn chặn sự dữ trong thế gian.
Prinknash
Đền thánh Đức Mẹ Prinknash. Là đền thánh Đức Mẹ ở hạt Gloucestershire, vùng Cotswolds, miền tây nước Anh, nay là một tu viện Biển Đức. Trung tâm tôn kính là một bức tượng nhỏ (cao 18 inches=45cm) Đức Bà, vốn thuộc về thánh Tôma More. Sau cuộc Cải cách, tượng này được đưa về châu Âu. Năm 1925, khi các tu sĩ từ đảo Caldey, ngoài khơi bờ nam xứ Wales, đến thành lập một tu viện mới, tượng được đem về Prinknash. Hiện nay đền Đức Mẹ nằm gần khu vực ca đoàn của nhà nguyện tu viện.
Prior
Tu viện trưởng, bề trên tu viện. Trước thế kỷ 13, bề trên tu viện có thể là một viện phụ, tổng linh mục, người đứng đầu giáo sĩ, hoặc một vị niên trưởng. Từ ngữ được dùng theo nghĩa này trong Luật thánh Biển Đức. Nơi đâu một tu viện tùy thuộc vào một đan viện, bề trên được gọi là viên chức tu viện (prior simplex, obedientiary). Các Dòng Cát Minh, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ, và Ẩn tu Âu Tinh có ba cấp bậc bề trên: bề trên tu viện, bề trên giám tỉnh và bề trên tổng quyền. (Từ nguyên Latinh prior, trước, thứ nhất, bề trên.)
Prioress
Nữ tu viện trưởng. Là bề trên của một cộng đoàn nữ tu. Nữ tu viện trưởng là vị phó của một nữ đan viện trưởng. Bổn phận của nữ tu viện trưởng cũng là tương tự như các bổn phận của tu viện trưởng Dòng nam. (Từ nguyên Latinh priorissa, từ chữ prior, trước, thứ nhất, bề trên.)
Priory
Tu viện. Là một tu viện nam tu sĩ hoặc nữ tu sĩ, đứng đầu là một tu viện trưởng hay một nữ tu viện trưởng. Một tu viện cộng đoàn là độc lập, trong khi một tu viện tùy thuộc vào một đan viện hoặc một nhà mẹ là một tu viện có bề trên là “viên chức tu viện.” Ở Anh, các tu viện gắn liền với các nhà thờ chính tòa được gọi là tu viện chính tòa.
Priscilla
Priscilla, bà Pơ-rít-ki-la. Là vợ của ông Aquila (A-qui-la), ông này là người Do thái quê ở Pontus (Pon-tô) và, giống như thánh Phaolô, làm nghề dệt lều. Bà được nêu tên mấy lần trong Tân ước (Cv 18:2, 18:18, 18:26; Rm 16:3; I Cr 16:19; II Tm 4:19). Trong các thư thánh Phaolô, tên của bà là Prisca (Pơ-rít-ca.) Bà và chồng là những giáo dân cộng sự xuất sắc của Vị Tông đồ Dân ngọai, và trong khả năng này hai người đã sống ở Roma, Ephesus (Ê-phê-xô), và Corinth (Cô-rin-tô). Họ buộc phải rời khỏi Roma trong cuộc bách hại thời Hòang đế Claudius (Cơ-lau-đi-ô). Nghĩa trang Priscilla trên Đường Salaria ở Roma là một trong các hang tọai đạo cổ xưa nhất, nhưng hầu như không có liên quan gì đến hai thánh của kinh thánh là Aquila và Priscilla. (Từ nguyên Latinh priscus, cổ, xưa, sơ thủy.)
Priscillianism
Thuyết Priscillianô. Là lạc giáo thuộc thế kỷ thứ tư và năm, do Priscillian khởi xướng. Ông này là một giáo dân, sau là giám mục, dựa tư tưởng của mình vào sự pha trộn giữa thuyết Ngộ đạo và thuyết Manikêô. Ông và những người đi theo ông dạy một học thuyết Hình thái về Chúa Ba Ngôi, chối bỏ thiên tính của Chúa Kitô và nhân tính thật sự của Chúa, ông cho rằng các thiên thần là sinh xuất thuần túy của Chúa. Ông nói rằng linh hồn kết hiệp với thể xác trong sự trừng phạt vì tội lỗi, vì vậy hôn nhân là xấu xa, mặc dầu tình yêu tự do là được phép. Hòang đế Maximus đưa ông ra xét xử trước một công nghị các Giám mục, và các ngài thấy ông có tội thực hành ma thuật. Mặc dầu có lời biện hộ và cầu xin của thánh Martin thành Tours, Priscillian và các môn đồ của ông bị kết án tử hình.
Prisoners Of Conscience
Tù nhân lương tâm. Là một từ ngữ áp dụng cho hàng ngàn người đàng sau Bức Màn Sắt, họ bị giam tù vì các niềm tin tôn giáo của họ. Dù bị xét xử hay không, một số người bị đưa đi điều trị tâm thần nhằm làm cho họ thay đổi tư tưởng, hoặc làm cho họ không còn có ảnh hưởng tốt lên người khác.
Private Baptism
Rửa rội riêng. Là phép Rửa tội được ban khi cần kíp bởi một người không là linh mục hay phó tế. Việc rửa tội được ban mà không cần các nghi thức khác, chỉ bằng việc đổ nước lên đầu người ấy và đọc lời sau đây: “Ta rửa tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần."
Private Confession
Xưng tội riêng, xưng tội kín. Là điều kiện thông thường để được tha tội trong bí tích Xá giải. Hiện nay nó được phân biệt với xưng tội tập thể, vốn được thực hiện trong hoàn cảnh lạ thường với việc xá tội chung. Trước đây nó được phân biệt với thú tội công khai trong thời Giáo hội sơ khai, khi ở một số nơi hối nhân phải công khai nhìn nhận là mình phạm một số tội nào đó. Việc xưng tội riêng các tội thầm kín đã được thực thi trong thời Giáo hội sơ khai, và theo giáo huấn của các Đức Giáo hòang, nó có nguồn gốc từ các thánh Tông đồ.
Private Mass
Thánh lễ riêng, Thánh lễ không có người tham dự. Trước đây nó đồng nghĩa với Lễ đọc. Hiện giờ thánh lễ riêng là thánh lễ mà một linh mục cử hành riêng tư, không có cộng đòan tham dự. Sách lễ Roma duyệt lại dành một phần cho các lễ riêng này.
Private Oratory
Nhà nguyện riêng. Là một nơi dành cho việc thờ phượng Chúa, nhưng được xây dựng trong một nhà riêng, vì lợi ích của một gia đình hay một cá nhân mà thôi.
Private Revelations
Mặc khải riêng tư. Là sự tỏ lộ siêu nhiên về chân lý ẩn giấu cho một vài cá nhân, vì lợi ích thiêng liêng của họ hay của người khác. Mặc khải này khác với mặc khải trong Thánh kinh và Thánh truyền, vốn được tỏ lộ vì toàn thể nhân lọai, và là cần thiết cho sự cứu độ và thánh hóa của con người. Mặc dầu được Giáo hội công nhận, và đôi khi, được giáo quyền phê chuẩn, các mặc khải riêng tư không là đối tượng của lòng tin vào Chúa, vốn ràng buộc lương tâm mỗi người phải tin vào uy quyền của Chúa. Do đó, sự đồng ý với mặc khải tư là dựa vào bằng chứng của con người hoặc, khi đã được Giáo hội chấp thuận, dựa vào giáo quyền theo ý hướng của Giáo hội. Mặc khải tư diễn ra như là thị kiến siêu nhiên, hoặc lời nói hoặc được Chúa sờ chạm vào. Thông thường trong thực tế không thể phân biệt ba hình thức này, nhất là khi cả ba xảy ra hầu như cùng một lúc.
Privation
Thiếu sót, thiếu hụt. Là thiếu một sự gì cần có cho sự hòan thiện hay tòan vẹn của một hữu thể, hoặc được ý chí mong muốn, hoặc đã sở hữu trước đó. Sự thiếu hụt này là nằm ở nền tảng của sự dữ, như là thiếu một sự tốt cần có ở đó.
Privilege
Đặc ân, ưu đãi, đặc quyền. Là một sự nhượng bộ, ít nhiều thường xuyên, được thực hiện chống lại hay vượt quá một luật. Các Đức Giáo hòang đã ban nhiều đặc ân, ít là kể từ thế kỷ thứ tám. Các đặc ân được ban bằng lời nói hay bằng văn bản viết tay, bằng ưu đãi trực tiếp hay bằng thông tin. Các đặc ân tòng nhân ban cho cá nhân; đặc ân đối vật liên quan đến các sự vật. Một đặc ân tòng nhân không cần phải sử dụng và không mất khi không sử dụng. Một đặc ân đối vật bị mất khi vật ấy không còn nữa. Các đặc ân là vĩnh viễn trừ phi được qui định thể khác.
Privilege, Ecclesiastical
Đặc ân Giáo hội. Là một sự nhượng bộ đặc biệt, không nói trong luật, cho người và định chế trong Giáo hội Công giáo. Đặc ân có thể được ban trực tiếp từ thẩm quyền Giáo hội, bằng thông tin, hoặc bằng tập tục hợp lệ hay qui định hợp pháp. Trừ phi được nói ngược lại, các đặc ân là thường xuyên. Các hình thức đặc trưng là đặc ân của giáo sĩ không bị bạo hành (privilegium canonis), chỉ bị xét xử trong tòa án giáo hội (privilegium fori), miễn quân dịch, và có lợi trong trường hợp không trả được nợ. Vì các đặc ân này liên quan đến bậc sống của một người, chúng không thể bị khước từ bởi những người chia sẻ chúng với nhau. Chúng bị mất khi các người này bị giáng chức, bị phế truất, và trở về bậc sống giáo dân mà thôi.
Privileged Altar
Bàn thờ đặc ân. Là một bàn thờ, mà trước đây nhà thờ có ơn đại xá cho các đẳng linh hồn khi linh mục dâng lễ cầu cho họ tại bàn thờ ấy. Bàn thờ đặc ân là tòng thổ hoặc tòng nhân. Bàn thờ này là tòng thổ khi ơn đại xá được gắn kết với bàn thờ, do đó mọi Thánh lễ tại bàn thờ này theo các điều kiện qui định đều có ơn đại xá cho các linh hồn. Bàn thờ đặc ân là tòng nhân, khi đặc ân được gắn với vị linh mục dâng Thánh lễ, hay với người mà Thánh lễ dâng cầu nguyện cho.
Pro Armenis
Sắc lệnh tín lý Pro Armenis. Là một sắc lệnh tín lý của Đức Giáo hòang Eugenius IV (ngày 22-11-1439) nói với người Armenia về các điều kiện hiệp thông với Giáo hội Công giáo Roma. Đặc điểm quan trọng nhất của sắc lệnh là tuyên bố dài về các Bí tích nói chung, và về mỗi Bí tích nói riêng. Trong các điều khỏan khác, có sự cần thiết phải xưng đầy đủ các tội trong bí tích xá giải, và hôn nhân bất khả phân ly.
Probabiliorism
Thuyết đại xác suất. Là một thuyết trong thần học luân lý để giải quyết các nghi ngờ thực tiễn. Thuyết đại xác suất chủ trương rằng người ta có thể đi theo ý kiến ủng hộ sự tự do, khi lý lẽ về ý kiến này là dường như chắc chắn đúng hơn, so với lý lẽ bênh vực cho luật. (Từ nguyên Latinh probabilior, dường như hơn, khả tín hơn.)
Probablilism
Cái nhiên thuyết. Là thuyết luân lý cho rằng một luật, mà việc chống lại sự hiện hữu và áp dụng của luật này có chứng lý có thể chắc chắn, thì luật này không có tính ràng buộc phải làm theo. Thuyết này dựa vào một nguyên tắc rằng luật nào bị nghi ngờ thì không ràng buộc. Như thế nó lọai trừ các thuyết khác, hoặc quá chặt chẽ hoặc quá rộng rãi về mức độ nghi ngờ hay cái nhiên, vốn làm cho người ta được miễn tuân theo một luật bị ngờ vực. (Từ nguyên Latinh probabilis, có thể, khả tín.)
Probability
Cái nhiên tính. Là sự đồng ý của tâm trí vào một điều gì đó với động cơ trí tuệ, vốn thiếu bằng chứng thuyết phục, và đi kèm với sự sợ hãi trong ý chí, mà ý kiến ngược lại có thể là đúng. Một tâm trạng thường được xác định là có một ý kiến, nhưng không là xác tín vững chắc.
Problem
Vấn đề, chủ đề. Nói chung, là bất cứ đề tài gì mà trong đó có sự lý luận. Là một đề tài chưa được giải quyết trong triết học hay thần học về nhiều quan điểm đang được duy trì, nhưng chưa có giải pháp thuyết phục hoặc giáo quyền chưa đưa ra phán đóan rõ ràng nào về đề tài ấy. (Từ nguyên Latinh problema, vấn đề nêu ra chờ giải pháp; từ chữ Hi Lạp probl_ma, điều gì ném ra phía trước.)
Pro-Cathedral
Nhà thờ tạm thế chính tòa. Là một nhà thờ được vị Giám mục tạm sử dụng như nhà thờ chính tòa, cho đến khi một nhà thờ chính tòa chính thức được xây dựng xong. Các quyền lợi và đặc ân của nhà thờ này thì cũng giống như quyền lợi của nhà thờ chính tòa. Nhà thờ Đức Bà Kensington, ở London (Anh Quốc), là nhà thờ tạm thế chính tòa trong gần 36 năm, cho đến khi nhà thờ chính tòa Westminster ở London được khánh thành năm 1903.
Process
Tiến trình, quá trình, qui trình. Là một phương pháp họat động có hệ thống, chẳng hạn một tiến trình điều tra một vấn đề đức tin, hoặc tiến trình điều tra một vấn đề tranh cãi trong luật Giáo hội. Trong triết học hiện đại, tiến trình có nghĩa khác hơn là một phương pháp. Nó đi vào dòng tư tưởng Kitô giáo từ thuyết phiếm thần Đông phương, để mô tả một khái niệm của hiện hữu vốn là đang trong “tiến trình” hay đang thành hình. Đặc điểm của tiến trình là rằng mọi vật đang trong dòng chảy, mọi vật đang thay đổi, do đó không gì hiện hữu một cách đơn giản, trong bất cứ phần nào của thiên nhiên. (Từ nguyên Latinh processus, sự tiến tới, thủ tục, phương pháp; từ chữ procedere, đi trước.)
Procession
Nhiệm xuất, nhiệm xuy. Là nguồn gốc của người này từ người khác. Một nhiệm xuất được cho là ngọai tại, khi kết quả của nhiệm xuất đi ra ngoài nguyên lý hoặc nguồn gốc mà từ đó nó nhiệm xuất. Như thế các thụ tạo phát sinh bởi sự nhiệm xuất ngọai tại từ Chúa Ba Ngôi, Nguồn Gốc Đầu tiên của thụ tạo. Một nhiệm xuất nội tại là ở bên trong; vị nhiệm xuất vẫn là một với vị mà từ đó mình nhiệm xuất. Như thế sự nhiệm xuất của Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một hành vi nội tại của Chúa Ba Ngôi. Một sự nhiệm xuất nội tại và thiên linh có nghĩa là nguồn gốc của một Ngôi là một Ngôi khác (Con từ Cha), hoặc là nhiệm xuy, tức là từ các Ngôi khác (Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra) qua việc chuyển thông cùng một bản thể Thiên Chúa như nhau.
Processional
Sách kinh rước kiệu. Đây là sách chứa các thông tin về các cuộc rước trong Giáo hội; cũng áp dụng cho các lễ nghi trong một cuộc rước kiệu, hoặc các thánh ca hát khi rước kiệu, và diễn tiến của cuộc rước. Trong thời Trung cổ, sách kinh rước kiệu là sách có liên quan đến các nhà thờ địa phương.
Processional Cross
Thánh giá rước kiệu. Là một thánh giá gắn trên một cái gậy cao, được cầm đi đầu trong một cuộc rước các giáo sĩ một cách long trọng.
Processions
Rước kiệu, diễu hành. Là phận vụ thánh trong đó giáo sĩ và giáo dân diễu hành từ một nơi này đến một nơi khác. Cuộc rước có thể diễn ra trong nhà thờ, giữa hai nhà thờ, hoặc bên ngoài một nhà thờ hay một đền thánh. Rước kiệu là hành vi công khai tôn kính Chúa, tôn vinh Chúa hoặc các thánh, để cảm tạ Chúa vì các ơn đã nhận lãnh, và xin Chúa thứ tha vì các tội đã phạm. Rước kiệu đã có từ thời Cựu Ước để diễn tả lòng tin của một dân tộc, khác với sự thờ phượng của một cá nhân, và của một dân tộc vì là tượng trưng cho các hành động hợp tác của họ với nhau, và khác với sự tuyên xưng đức tin chung của họ với nhau.
Proclamation
Rao truyền, công bố, loan truyền. Là việc rao truyền Chúa Kitô cho thế giới biết, làm cho Chúa được càng nhiều người biết đến và yêu mến càng tốt. Việc rao truyền có rất nhiều hình thức vì có rất nhiều cách truyền thông, như bằng nói năng và viết lách, và nhất là bằng cách phản chiếu các nhân đức của Chúa Kitô trong cuộc sống và lối cư xử thường ngày của mình. Việc rao truyền Chúa là bổn phận của mọi Kitô hữu. Đức Giáo hòang Gioan Phaolô II tuyên bố: “Chúa Giêsu Kitô là nguyên lý ổn định và là trung tâm cố định của sứ vụ mà Chúa giao phó cho con người. Chúng ta đều phải chia sẻ sứ vụ này, và tập trung mọi sức lực của chúng ta cho sứ vụ, bởi vì sứ vụ này là cần thiết hơn bao giờ hết cho nhân lọai hôm nay” (Thông điệp “Đấng Cứu chuộc nhân lọai”, Redemptor Hominis, 11).
Pro Comperto Sane
Tông thư Pro Comperto Sane. Là tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI về việc bổ nhiệm một số Giám mục giáo phận làm thành viên các Thánh bộ của Giáo triều Roma. Do văn kiện này, qui định mới được đặt ra để làm cho một số giám mục vừa là giám mục chính tòa giáo phận coi sóc đòan chiên, vừa là thành viên đầy đủ của Giáo triều Roma. Một qui định như là một luật nói rằng phiên họp tòan thể các Thánh bộ, với quyền ngoại thường, cần họp mỗi năm một lần (ngày 6-8-1967).
Procreation
Sinh đẻ, sinh sản. Là sinh con cái. Đây là một từ ngữ chính thức của sự sinh sản, và nhấn mạnh đến vai trò của giao hợp vợ chồng với ý hướng sinh đẻ con cái. (Từ nguyên Latinh procreare, sinh.)
Procreative Love
Tình yêu phụ tạo. Là tình yêu vị tha giữa vợ chồng để có thể sinh con cái mà Chúa ban cho họ, như là sự “phụ tạo” của giao hợp vợ chồng. Tình yêu này là phụ tạo, bởi vì nó gợi ra hành vi sáng tạo của Chúa, Đấng đòi hỏi sự hợp tác của vợ chồng để đưa một con người mới vào thế gian.
Procurator
Thụ ủy, biện lý, người quản lý. Là một người quản lý công việc của một người khác do quyền hành của người này. Là một người quản lý phụ trách các vấn đề pháp lý hoặc tham dự các cuộc họp, và thường là người phụ trách các công việc đời của một tu viện. Các Dòng tu có vị thụ ủy làm đại diện thường trực tại Roma. Các hành vi của vị thụ ủy được xem như là hành vi của bề trên, khi vị thụ ủy hành động cách hợp pháp trong giới hạn thẩm quyền của mình. (Từ nguyên Latinh procurator, người quản lý, người giám sát.)
Prodigy
Điều phi thường, điều kỳ diệu. Là một sự việc phi thường do quyền năng của thiên thần tạo ra, dù là tốt hay xấu, dưới sự quan phòng tích cực hoặc cho phép của Chúa. Từ ngữ này thường liên kết với hiện tượng ma quỷ làm, để phân biệt các phép lạ thật sự, mặc dầu là nhỏ, do các thiên thần tốt thực hiện, với việc lạ do sự can thiệp của ma quỷ.
Prof
Prof, Professus, professio, professor—tu sĩ khấn, tuyên khấn, giáo sư.
Profanation
Phỉ báng, báng bổ, xúc phạm. Là sự giải thánh một sự thánh, bằng cách sử dụng hoặc hành hạ một người hiến thánh, nơi thánh, hoặc đồ thánh, xem đó như không là thánh thiêng mà là thuần túy trần tục hoặc phần đời hoàn toàn. Sự báng bổ bằng lời nói là dùng thánh danh Chúa hay tên các thánh, mà không kính trọng tính cách thánh thiêng của tên đó.
Profane
Phàm tục, tầm thường. Là sự gì trần tục hoặc thuộc con người hoàn tòan để so sánh với sự thánh thiêng hay vật thánh. “Phàm tục” tự nó không hàm ý phỉ báng hay xúc phạm, bởi vì toàn thể vũ trụ tạo thành, kể cả con người trong đó, là phàm tục theo nghĩa kỹ thuật, để là ngược lại với Chúa Tạo Dựng, mà yếu tính của Chúa là thánh thiêng, bởi vì Chúa là “Đấng hoàn toàn khác”, Đấng siêu vượt thế giới mà Chúa đã dựng nên và liên tục nâng đỡ. (Từ nguyên Latinh profanus, đặt ngoài đền thờ, bình thường, phàm tục.)
Professed
Tu sĩ tuyên khấn. Là những người trong các Dòng tu đã tuyên khấn các lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh. Tuy nhiên trong một số Dòng tu, từ ngữ này dành cho những người đã sống trong cộng đoàn một thời gian, sau khi đã tuyên khấn. Nhưng nói chung, từ ngữ đều dành cho những người đã “vĩnh khấn, khấn trọn”, người “khấn lần đầu, tiên khấn “ hay người “khấn tạm.”
Profession
Sự tuyên khấn. Là hành vi chọn lựa bậc tu trì bằng ba lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh, theo luật của một Dòng tu được chuẩn y đúng giáo luật. Về sự khấn đơn hay khấn tạm, ít nhất phải sau một năm nhà tập liên tục hay một năm thử liên tục; về sự khấn trọn đời, khấn trọn, vĩnh khấn, phải sau ít nhất ba năm khấn tạm. Ứng viên phải đủ tuổi theo quy định và có tự do hoàn toàn để thực thi sự tuyên khấn.
Professionis Ritus
Sắc lệnh Professionis Ritus (Nghi thức khấn). Là Sắc lệnh của Thánh bộ Phượng tự, cho phép và đưa ra nghi thức cho nhiều lọai và cấp độ khấn Dòng khác nhau (ngày 2-2-1970, và duyệt lại năm 1975).