Sine Com
Sine Com, Sine commemoratione—không nhớ lễ khác
Sinful Joy
Tội lấy làm vui thú. Là sự cố ý thích thú trong một hành động xấu đã làm, dù là do mình làm hay do người khác làm. Tuy nhiên là không có tội khi vui với kết quả tốt của việc làm xấu, theo nghĩa rằng Chúa quan phòng rút ra được kết quả tốt từ làm việc được cho là sai trái.
Sinlessness
Vô tội, không phạm tội. Miễn khỏi sự xúc phạm luân lý chống lại Chúa. Sự vô tội tuyệt đối, kể cả sự không thể phạm tội, chỉ có nơi Chúa Kitô, bởi vì với tư cách là một ngôi Thiên Chúa, Ngài không thể làm trái với bản tính Thiên Chúa được. Đức Mẹ Maria cũng là người vô tội, và không thể phạm tội, nhưng đây là ơn duy nhất cho Đức Mẹ vì Ngài là Mẹ của Chúa. Mọi người khác đều lệ thuộc vào sự yếu hèn chung của bản tính con người sa ngã. Trừ ra khi có ơn đặc biệt riêng, được ban cho ít vị thánh, không ai có thể tránh được phạm tội trong suốt đời mình, ít là các tội nhẹ bán cố ý.
Sinlessness Of Mary
Sự vô tội của Mẹ Maria. Là việc Đức Trinh Nữ Maria được miễn tội tổ tông và mọi tội mình làm. Bằng một đặc ân riêng, Mẹ Maria được gìn giữ không phạm mọi tội nhẹ, và trong thực tế, Mẹ không hề phạm tội nào. Mẹ không thể phạm tội, nhờ ơn đặc biệt mà Mẹ nhận với tư cách là Mẹ của Chúa. Hơn nữa, Mẹ được miễn mọi dục vọng bất chính, mọi ham muốn, vốn là hiệu quả của tội.
Sin Against The Holy Spirit
Tội chống lại Thánh Thần. Là các tội nặng vì ngoan cố chống lại các linh hứng của Chúa Thánh Thần, và xem thường ân huệ của Ngài. Đó là tuyệt vọng về ơn cứu độ của mình, ghen tị với ơn thiêng liêng của kẻ khác, chống đối các chân lý đức tin đã biết, cố chấp trong tội lỗi, ỷ lại vào lòng nhân từ của Chúa, và không ăn năn khi hấp hối. Vì những người phạm tội như thế, chống lại ân sủng, không muốn ăn năn, chúng ta có thể nói rằng tội của họ không được tha thứ.
Sins Crying To Heaven
Tội kêu lên tới Trời, tội kêu thấu Trời. Có bốn tội theo truyền thống được cho là phải kêu cứu tới Trời để trả thù, đó là: 1. cố sát (St 4:10); 2. đồng tính luyến ái, chứng kê gian (St 18:20); 3. bóc lột người nghèo (Xh 2:23); và 4. cướp tiền công của người lao động (Gc 5:4).
Sins Of Frailty
Tội do yếu đuối. Là các tội nhẹ phạm do bất ngờ, yếu đuối, do dự, thiếu cảnh giác hay thiếu can đảm. Bản tính con người sa ngã, nếu không có ơn huyền diệu của Chúa, không thể xóa bỏ hết mọi tội nhẹ kiểu này, nhưng tần số của chúng có thể giảm bớt. Để thắng vượt các sai lỗi này, con người được khuyên nên hồi tâm, xét mình hàng ngày, và năng xưng tội.
Sisters
Nữ tu, dì phước, bà sơ, chị nữ tu. Là từ ngữ phổ thông dùng cho các nữ tu sĩ, dù là nữ tu dòng kín hay thành viên các tu hội có lời khấn đơn. Từ ngữ này tương thích với từ ngữ frater (nam tu sĩ, thầy, anh) trong các Dòng nam, và có nghĩa rằng họ đều là anh chị em của một gia đình thiêng liêng, chia sẻ của cải chung với nhau, và sống chung trong đức ái giống như Chúa Kitô.
Sistine Chapel
Nhà nguyện Sistine. Là nhà nguyện chính của Điện Vatican, dâng kính cho Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và lớn như một nhà thờ. Nhà nguyện được vẽ thiết kế bởi de' Dolci dưới thời Đức Giáo hoàng Sixtus IV (trị vì 1471-84), do đó nhà nguyện mang tên ngài. Một lọat tranh tường nổi tiếng trên tường trái của nhà nguyện, mô tả các sự kiện trong cuộc đời của ông Moses (Mô-sê), và tranh trên tường bên phải mô tả sự kiện trong đời của Chúa Kitô, là tác phẩm của các danh họa Boticelli, Cosimo, Rosselli, Ghirlandaio, Perugino, và Pinturicchio. Trần nhà, vốn được xem là tuyệt tác của Michelangelo và là bức họa lớn nhất trong lịch sử hội họa, được vẽ từ năm 1508 và hòan tất sau bốn năm. Giữa các đọan xây vòm được vẽ giả vờ rất khéo, danh họa Michelangelo vẽ các tranh về cuộc Tạo dựng, sự kiện Đuổi ra khỏi vườn Địa đàng, và trận Hồng thủy. Ở phần thấp của vòm này là một lọat tranh nổi tiếng của các Ngôn sứ ngồi và nữ tiên tri ngồi. Năm 1508 Đức Giáo hòang Julius II thuyết phục Michelangelo vẽ trần của Nhà nguyện Sistine. Công việc hòan thành năm 1512. Hai mươi ba năm sau, họa sĩ bắt đầu vẽ Ngày Phán xét sau cùng, bức tranh tổng hợp tòan diện nhất trên thế giới. Bức tranh hòan tất năm 1541. Các bức màn cẩm thạch và hành lang ca đòan trong nhà nguyện được Mino da Fiesole thiết kế và thực hiện. Bàn thờ, nơi chỉ có Đức Giáo hòang sử dụng, được khảm với ngọc trai. Nhà nguyện Sistine là nhà nguyện riêng của Đức Giáo hòang, và là nơi diễn ra Cơ mật viện bầu cử Đức Giáo hòang mới.
Sitting
Ngồi. Ngồi là tư thế của con người được qui định trong phụng vụ cho một số phần của Thánh lễ. Tín hữu ngồi khi nghe đọc Bài đọc I, Đáp ca, và Bài đọc II; khi nghe giảng; khi dâng lễ (tùy chọn); và trong thời gian Thinh lặng thánh sau Rước lễ. Trong các việc phụng vụ khác, tư thế ngồi cũng là một phần của nghi thức, chẳng hạn khi đọc hay hát các Thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.
Sixth Crusade
Cuộc Thập tự chinh thứ Sáu. Là cuộc Thập tự chinh (1228-29) chống người Hồi giáo do Hoàng đế Frederick II chỉ huy. Tại Jerusalem (Giê-ru-sa-lem) ông tự phong vương, và trong 15 năm thành phố này (cùng với Bethlehem ‘Bê-lem’ and Nazareth ‘Na-da-rét’) nằm trong tay các Kitô hữu.
Skepticism
Chủ nghĩa hòai nghi. Là chủ nghĩa cho rằng sự thật của các vật không thể được biết một cách chắc chắn. Có hai lọai chủ nghĩa hòai nghi. Một lọai bác bỏ khả năng của con người trong việc đạt được sự thật. Một lọai nghi ngờ sự hiện hữu của thế giới thực ở bên ngòai tâm trí. Lọai thứ nhất thắng thế hơn trong thế giới Tây phương, nhất là từ sau các tác phẩm của triết gia David Hume (1711-76) và Immanuel Kant (1724-1804). Lọai thứ hai là quen thuộc hơn ở Đông phương, nơi các triết gia Ấn giáo và Phật giáo theo truyền thống Vedanta (Phệ Đàn Đa). (Từ nguyên Hi Lạp skeptikos, suy tư, điều tra, skeptesthai, xem xét cẩn thận.)
Skull
Sọ người, đầu lâu. Là một biểu tượng của sự chết thường gắn liền với Thánh giá. Chữ Latinh calvaria có nghĩa là “cái sọ” (Ga 19:17). Thánh Jerome (Giê-rô-ni-mô) và thánh nữ Maria Magdalene (Mác-đa-la) được tượng trưng bằng cái sọ người để mô tả sự quan tâm nhiều của các vị với sự chết, sám hối và cõi bất diệt. (Từ nguyên tiếng Anh Trung cổ skulle; có nguồn gốc từ ngôn ngữ Scandinavion, có lẽ từ chữ tiếng Đức thời cổ đại scollo, thể chất, cục, ống thang, vỏ.)
Slander
Nói xấu, vu khống, phỉ báng. Là sự nói xấu ai. Là sự làm mất thanh danh của một người, dù là nói hay viết ra chữ. Nó cũng hàm ý sự khổ sở hoặc sự thiệt hại cho nạn nhân của việc nói xấu. Trong ngôn ngữ bình dân, vu khống (calumny) là một dạng thức của nói xấu. (Từ nguyên Latinh scandalum, vật chướng ngại, xúc phạm.)
Slavery
Sự nô lệ, sự chiếm hữu nô lệ, lao động vất vả. Là sự tùy thuộc một người vào một người khác như là tù binh chiến tranh, dòng dõi kẻ lưu dày, kẻ bị Nhà nước áp bức, hoặc kẻ được chuộc lại. Như là một định chế, sự nô lệ xuất hiện từ thuở xa xưa, có thể được nhìn thấy từ một số hạn chế trong luật Moses (Mô-sê.) Tân Ước chấp nhận sự kiện nô lệ, nhưng đưa thêm các nguyên tắc mới của công bằng và bác ái, vốn dần dà hủy bỏ định chế nô lệ trong các quốc gia Kitô giáo. Nhưng sự nô lệ, như một tình trạng lao động vất vả, trong đó một người là sở hữu của một người khác, dường như không biến mất. Đó là một sự kiện trong cuộc sống ở các quốc gia, mà lý thuyết giáo điều, chẳng hạn chủ nghĩa Các Mác, tước nơi người dân mọi quyền không thích hợp với chính sách của Nhà nước. (Từ nguyên Latinh sclavus, từ chữ Sclavus, Slav, giảm sự nô lệ của nhiều người sân Slavic ở Trung Âu.)
Slavonic Language
Ngôn ngữ Slavic, ngôn ngữ Xlavơ. Không phải là một nghi lễ riêng, nhưng là ngôn ngữ phụng vụ trong Nghi lễ Byzantine của người Nga Công giáo và người Nga theo Chính thống giáo, người Ruthenian, người Bulgaria, người Serbia, và người nhiều nước khác. Khoảng năm 866, các thánh Cyril và Methodius dịch bản phụng vụ qua tiếng Slavic Cổ, ngôn ngữ của người dân ở Moravia và Pannonia, và phát minh ra một bảng chữ cái mới (gọi là bảng chữ cái Cyrillic) cho người Slavic trở lại đạo. Đức Giáo hòang Adrian II chuẩn y hành động này. Phụng vụ Roma trong tiếng Slavic Cổ xuất hiện từ thế kỷ 11 trong một số quốc gia, và hiện còn sử dụng tại Dalmatia và Croatia. Việc sử dụng ngôn ngữ địa phương trong phụng vụ từ Công đồng chung Vatican II đã ảnh hưởng một cách tự nhiên việc sử dụng ngôn ngữ Slavic nơi người Công giáo.
Slain In The Spirit
Đột nhiên được tiếp cận với Thánh Linh. Là một hiện tượng của phong trào Thánh linh và phong trào đòan sủng, trong đó một người biết là được Chúa Thánh Thần tác động mạnh. Kinh nghiệm này là tạm thời, trong đó một người té ra bất tỉnh, mặc dầu các khả năng suy tư và ước muốn vẫn còn nguyên vẹn. “Sự bất tỉnh” này diễn ra khi một người đòan sủng, được Chúa Thánh Thần chiếm hữu, đặt tay mình lên đầu một người khác. Nó được xem là một trong các dấu chỉ bề ngoài của việc tuôn đổ ân sủng Chúa xuống cho con người.
Sloth
Lười biếng, uể ỏai, ươn hèn. Là sự uể oải của linh hồn hay sự buồn chán, do ráng sức cần thiết để làm một việc lành. Việc lành này có thể là việc thể xác, chẳng hạn bước đi; hoặc việc tâm trí, chẳng hạn viết bài; hoặc việc thiêng liêng, như là cầu nguyện. Mặc nhiên trong sự lười biếng là không muốn thực thi nghĩa vụ, do phải có sự hy sinh và sự cố gắng lớn. Là một tội, nó không thể lẫn lộn với sự buồn sầu về sự phiền phức trong thực hiện một nghĩa vụ, hoặc không lẫn với tình cảm phản kháng, khi đứng trước một công việc không ưa thích. Nó trở thành tội khi sự miễn cưỡng được phép ảnh hưởng đến ý chí, và kết quả là việc đáng phải làm đã không được làm, hoặc làm kém hơn so với người có trách nhiệm phải làm. Lười biếng cũng có thể có nghĩa là không ưa thích các linh hứng của Chúa, hoặc tình nghĩa với Chúa, do không chịu hy sinh và làm việc để hợp tác với ơn hiện sủng, hoặc vẫn ở trong tình trạng ân sủng. Loại lười biếng này là trực tiếp chống lại tình yêu Chúa, và là một trong các lý do chính để biết vì sao một số người, có lẽ sau nhiều năm sống đạo hạnh, đã từ bỏ theo đuổi con đường thánh thiện, hoặc thậm chí trở nên xa Chúa nữa. (Từ nguyên tiếng Anh Trung cổ slowthe, chậm chạp.)
S.M.
S.M., Sanctae memoriae—Kính nhớ, ghi nhớ, tưởng niệm.
Smyrna
Smyrna, cảng Xi-miếc-na. Một hải cảng quan trọng ở bờ tây của Thổ Nhĩ Kỳ. Cảng này nay lấy tên là Izmir. Cảng được thành lập trong thế kỷ 12 trước Công nguyên, và đã nhiều năm có nền thương mại phồn thịnh. Nhưng vào thời Chúa Kitô cảng đã trở nên nghèo khổ, nếu chúng ta xét giọng điệu của tác giả sách Khải huyền (Kh) chuyển thông điệp của Chúa cho người dân cảng Smyrna. Ngài ca ngợi các Kitô hữu về đức tin kiên vững của họ, mặc dầu điều kiện sống có nhiều khó khăn. Ngài trấn an họ: “Ta biết nỗi gian truân, và cảnh nghèo khó của ngươi. ..và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống" (Kh 2:8-10).
Sobornost
Sobornost, Hiệp thông, cộng đòan. Là từ ngữ Nga có nghĩa là “Cộng đoàn”, được người Công giáo Đông Phương dùng để mô tả phẩm chất cần có cho sự cộng tác trong yêu thương. Từ ngữ này thường được áp dụng cho phụng vụ Thánh Thể như là sự thờ phượng tập thể. Trong Chính thống giáo Đông phương, từ ngữ Hiệp thông này mô tả hình thức cao nhất của việc quản trị Giáo hội, do các Giám mục lập ra.
S.N.C.
S.N.C., Secretariatus pro Non Christianis—Văn phòng liên lạc với người không Kitô.
S.N.Cr.
S.N.Cr., Secretariatus pro Non Credentibus—Văn phòng liên lạc với người vô thần.
Sobriety
Tiết độ, chừng mực. Là nhân đức điều hành sự thèm muốn và sử dụng chất uống gây độc. Là nhân đức điều độ áp dụng trong thực hành sự tiết độ về uống rượu. (Từ nguyên Latinh sobrietas, điều độ trong uống rượu, tiết độ.)
Soc
Soc, socius, socii—bạn, đồng bạn, đồng đội, đồng liêu.
Social Justice
Công bằng xã hội. Là nhân đức giúp một người sẵn sàng cộng tác với người khác để làm cho các cơ chế xã hội phục vụ công ích tốt hơn. Trong khi nghĩa vụ công bằng xã hội là thuộc từng cá nhân, mỗi người không thể chu toàn nghĩa vụ này một mình được, nhưng phải họat động liên kết với người khác, qua các cơ cấu được tổ chức, như là thành viên của một nhóm có mục đích là xác định các nhu cầu của xã hội và, nhờ các biện pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu ở địa phương, khu vực, quốc gia và thậm chí toàn cầu nữa. Mặc nhiên trong nhân đức công bằng xã hội là sự nhận thức rằng thế giới đã đi vào một giai đọan mới về chung sống xã hội, với tiềm năng của lợi ích lớn hơn hay tác hại lớn hơn, cho những ai kiểm soát các phương tiện truyền thông và cơ cấu của xã hội hiện đại. Vì vậy, các Kitô hữu được chờ đợi hãy đáp trả các bổn phận mới, được tạo ra bởi các phương tiện phi thường về cổ vũ công ích, không chỉ của các nhóm nhỏ, mà còn của toàn nhân loại nữa.
Social Sin
Tội xã hội, căn tội xã hội. Là tội của xã hội mà trong đó một người được sinh ra. Tiền đề của nó là sự xã hội hóa hiện đại và tập thể hóa đã dìm mọi người vào giá trị và hành động luân lý của những người khác, ở một mức độ không ngờ được.
Society Of St. Vincent De Paul
Hiệp Hội Bác ái Vinh Sơn. Là một hiệp hội từ thiện của giáo dân do học giả người Pháp Antôn Frédéric Ozanam (1813-53) sáng lập. Nguyên thủy nó được gọi là Hội đòan Bác ái, các thành viên tự nguyện phục vụ người nghèo thông qua công tác thương người có 14 mối. Hiệp đòan đầu tiên được thành lập tại Paris năm 1833. Theo các điều khoản được duyệt lại, phụ nữ được chấp nhận làm thành viên của hội. Hội nhấn mạnh vào việc mở các cửa hiệu và phân xưởng phục hồi, và tạo việc làm cho người khuyết tật để họ có thể phục vụ người lân cận. Tổng hội đồng là cơ quan điều hành của hội, hiện được thành lập trên khắp thế giới.
Socinianism
Thuyết Socinus. Là học thuyết của các môn sinh của Lelio Sozzini, hoặc Socinus (1525-62), một linh mục ở Siena (Ý), và cháu của linh mục này là Fausto Sozzini (1539-1604). Các ý tưởng của học thuyết đạt tầm quan trọng đầu tiên ở Ba Lan. Trong số các nguyên tắc cơ bản của học thuyết là sự chối bỏ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Đồng Trinh, và sự Cứu chuộc. Thuyết Socinus là tiền phong của thuyết Độc vị (phủ nhận thiên tính của Ngôi Hai và Ngôi Ba.)
Socratic Method
Phương pháp Socrates. Nguyên thủy được triết gia cổ đại Socrates sử dụng, nhưng được nhiều tác giả Kitô giáo chọn dùng, nhất là những ai theo truyền thống Âu Tinh, như là một cách thức để đi tới sự thật. Phương pháp này bao gồm sự sử dụng các câu hỏi và câu trả lời trong một chuỗi định trước, để giúp hiểu một vần đề đã nêu ra, đạt được một kết luận hợp lý, hoặc bác bỏ một lập trường nào đó. Phương pháp này đã trở thành nền tảng cho việc dạy giáo lý từ thời đầu Kitô giáo.
Sodality
Hiệp hội. Là tên tổng quát cho một phụng hội hoặc hội đạo đức. Từ ngữ đã được dùng trong thời đầu Kitô giáo, để nói về các nhóm tín hữu tự nguyện tìm cách hoạt động với những người đồng chí hướng, nhằm tăng cường cam kết tôn giáo của mình, và giới thiệu Nước Chúa Kitô cho nhiều người khác nữa. Có nhiều Hiệp hội trong Giáo hội công giáo, dấn thân cho việc thương người có 14 mối. Hiệp hội Thánh Mẫu được thành lập ở Rome (năm 1563) bởi Linh mục Gioan Leunis, thuộc Dòng Tên (S.J.), dành cho sinh viên của Đại học Roma (Roman College.) Khi kỷ niệm 400 năm ngày thành lập, Hiệp hội Thánh Mẫu đã được thiết lập tại hơn 100 quốc gia. Trong 400 năm hoạt động này, Hiệp hội Thánh Mẫu đã có ảnh hưởng sâu xa trên cuộc sống của nhiều triệu người, nhờ Linh thao của thánh Ignatius (I-nhã), sự Sùng kính Đức Mẹ Maria, và công tác tông đồ tích cực trong thế giới. Nhiều thánh nhân đã từng là thành viên của Hiệp hội Thánh Mẫu, trong đó có thánh Phanxicô thành Sales, tác giả cuốn sách “Giới thiệu về cuộc sống sùng mộ đạo cho giáo dân” (Introduction to the Devout Life for the laity) là sự diễn tả thực hành cho lối sống của Hiệp hội Thánh Mẫu. Năm 1971, Hiệp hội trở thành một tổ chức mới, gọi là các Cộng đoàn Đồng hành (Cộng đoàn sống đời Kitô, Christian Life Communities, CLC). (Từ nguyên Latinh sodalitas, tình huynh đệ, huynh đệ đoàn, từ chữ sodalis, bạn hữu, bạn thân.)
Sodom
Sodom, thành Xơ-đôm. Là một thành trì luôn được nhắc đi đôi với thành Gomorrah (Gô-mô-ra), khi diễn tả các địa điểm ô nhục và đời sống tội lỗi. Hai thành này nay thuộc vùng nước biển phía nam của Biển Chết. Dường như vào khoảng năm 1900 trước Công nguyên, một trận động đất đã vùi lấp bình nguyên trên đó có hai thành Sodom và Gomorrah (St 13:10). Kinh thánh giải thích tai họa này như là việc Đức Chúa quyết định trừng phạt dân tội lỗi của hai thành. Ông Abraham (Áp-ra-ham) tìm mọi cách để thuyết phục Đức Chúa, cho rằng người vô tội cũng bị trừng phạt với người tội lỗi, nhưng rõ ràng là chỉ tìm thấy một người công chính duy nhất, đó là ông Lot (Lót), cháu của ông Abraham (St 18:20-32). Thường trong Kinh thánh, đây là sự qui chiếu cho việc tiêu diệt các thành tội lỗi, khi Đức Chúa cảnh báo về việc Ngài trừng phạt tội lỗi (Is 3:9; Ac 4:6). Do đó, chính Chúa Giêsu, khi giáo dục các thánh Tông đồ, đã nói với các vị rằng các thành nào từ chối nghe sứ điệp các vị rao giảng, cũng sẽ chịu cùng số phận như hai thành Sodom và Gomorrah vậy (Mt 10:15).
Sodomy
Kê gian, đồng tính luyến ái nam, thú dâm. Nói chung là các quan hệ tình dục trái tự nhiên. Từ ngữ phái sinh từ tên của thành Sodom (Xơ-đôm) nhắc đến trong Kinh thánh, gần Biển Chết, bị hủy diệt cùng với thành Gomorrah (Gô-mô-ra) do tội lỗi xấu xa của người dân (St 13:10). Đặc biệt hơn, từ ngữ này có nghĩa là đồng tính luyến ái nam, hoặc thú dâm, tức sự giao hợp giữa một người và một con vật. (Từ nguyên Pháp sodomie; từ chữ Latinh Sodoma, thành Sodom.)
S. Off.
S. Off., Sanctum Officium—Bộ Thánh vụ (Tòa thẩm tra).
Sola Fide
Sola Fide, chỉ đơn thuần nhờ đức tin. Đây là nguyên tắc cơ bản của đạo Tin lành Cải cách. Nguyên tắc này tuyên bố rằng nhân loại chỉ được công chính hóa bằng lòng tin chân thành vào Chúa, qua các công nghiệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Lòng tin chân thành này, gọi là fides fiducialis (đức tin tín thác), hiện diện nơi người được tiền định cho ơn cứu độ. Do đó, đây là công việc của sự tiền định, và loại trừ khả năng của việc lành phúc đức, mà theo đạo Công giáo cũng là cần thiết cho ơn cứu độ. Thực ra “đức tin tín thác” không là một phương thức công chính hóa, như là một dấu chỉ chắc chắn của người được chọn để cứu độ. Như vậy những người có đức tin như thế được biết là đã thuộc về nhóm ưu tuyển, tức nhóm đã được chọn.
Sola Scriptura
Sola Scriptura, chỉ một mình Kinh thánh. Là một trong các nguyên tắc bản lề của đạo Tin Lành; nguyên tắc này tuyên bố rằng mọi mặc khải của Chúa đã được chứa trong Kinh thánh mà thôi. Do đó, đạo Tin lành phủ nhận rằng có Thánh truyền được mặc khải.
Solemn Baptism
Rửa tội trọng thể. Là bí tích Rửa tội, được một linh mục hay phó tế ban, khi ngài thực hiện mọi lễ nghi được qui định trong sách nghi thức của Giáo hội.
Solemn Blessing
Phép lành long trọng. Là một trong nhiều phép lành đặc biệt, mà linh mục có thể tùy nghi chọn để ban vào cuối Thánh lễ, hoặc sau Phụng vụ Lời Chúa, Kinh Nhật Tụng, và sau khi ban các Bí tích.
Solemnity
Lễ trọng. Là bậc lễ cao nhất trong niên lịch Giáo hội. Ngoài các lễ không cố định như lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống, có 14 lễ trọng được cử hành trong Giáo hội hoàn vũ, đó là: lễ Mẹ Thiên Chúa (ngày 1-1), lễ Hiển Linh (ngày 6-1), lễ thánh Giuse (ngày 19-3), Lễ Truyền tin (ngày 25-3), Chủ nhật Chúa Ba ngôi (chủ nhật thứ nhất sau lễ Hiện Xuống), Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (thứ năm sau Chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi), lễ Thánh Tâm (thứ Sáu sau chủ nhật thứ hai sau lễ Hiện Xuống), lễ thánh Gioan Tẩy Giả (ngày 24-6), lễ thánh Phêrô và Phaolô (ngày 29-6), lễ Đức Mẹ Lên Trời (ngày 15-8), Lễ Các Thánh (ngày 1-11), lễ Chúa Kitô Vua (chủ nhật cuối cùng của năm phụng vụ), Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (ngày 8-12), và lễ Giáng sinh (ngày 25-12). (Từ nguyên Latinh sollemnis, được xác nhận, thiết lập, chỉ định)
Solemn Mass
Thánh Lễ trọng thể, Thánh lễ đại triều. Là Phụng vụ Thánh Thể trong đó linh mục chủ tế được sự phụ giúp của một thầy Phó tế hay thầy Giúp lễ. Trước khi phụng vụ được duyệt lại, Thánh Lễ trọng thể được cử hành bởi một linh mục, có một thầy Phó tế hay thầy Phụ phó tế giúp lễ; với âm nhạc đặc biệt, có xông hương và đủ các lễ nghi. Tập tục này có từ thời kỳ đầu của Giáo hội khi Thánh Lễ trọng thể là một Thánh lễ kiểu mẫu, có các bản văn phụng vụ được phân chia nơi nhiều sách khác nhau, cho phù hợp với những người sử dụng chúng. Từ ngữ Thánh Lễ đại triều được áp dụng trước kia cho phụng vụ được Đức Giáo hòang hay một Giám mục cử hành, cùng với nhiều linh mục khác. Tập tục mới về Thánh lễ đồng tế đã thay thế cho Thánh Lễ trọng thể trước đây.
Solemn Profession
Khấn trọng. Là việc chọn thường xuyên và vĩnh viễn lối sống tu trì, trong một Hội Dòng đã được Giáo hội nhìn nhận như một Dòng tu. Trong hầu hết các Hội Dòng, những người khấn lần cuối là khấn trọng thể. Trong Dòng Tên (S.J.), chỉ một số linh mục khấn trọng mà thôi.
Solemn Vows
Lời khấn trọng. Là lời khấn công khai được tuyên đọc trong một Dòng tu, và được Giáo hội công nhận. Từ ngữ này đã trở thành từ ngữ kỹ thuật, kể từ khi có sự nhìn nhận lời khấn đơn nhưng công khai trong các hội Dòng, và các tu hội có đời sống chung. Trong thực tế, lời khấn trọng đức nghèo khó có nghĩa là từ bỏ sự sở hữu của cải, chứ không chỉ từ bỏ sự sử dụng độc lập của cải; và lời khấn trọng đức khiết tịnh làm vô hiệu sự mưu hôn (người khấn trọng tự động kết hôn là bất thành.)
Solicitation
Gạ gẫm, sự níu kéo, xúi giục. Là tội dùng bí tích Giải tội, cách trực tiếp hoặc gián tiếp, để dẫn một người đi đến phạm tội lỗi đức khiết tịnh. Một linh mục phạm tội gạ gẫm sẽ bị treo chén, không được cử hành Thánh lễ, không được giải tội, và trong trường hợp nặng, còn bị truất chức. Mọi người có bổn phận nặng là phải tố cáo với giáo quyền khi biết một linh mục phạm tội gạ gẫm.
Solicitude
Bận tâm lo lắng. Là một trong các đoàn sủng quản trị vào thời các thánh Tông đồ, là sự bận tâm lo lắng của một Giám mục về đời sống thiêng liêng của tín hữu mình. Mối bận tâm của thánh Phaolô cho Giáo đoàn thuộc quyền Ngài là một mẫu gương cho các Giám mục bất cứ thời nào (II Cr 11:28). (Từ nguyên Latinh sollicitus, tác động, vận động.)
Solipsism
Duy ngã thuyết, duy ngã luận. Là hình thức của thái độ chủ quan cực đoan, thuyết này chủ trương rằng chỉ có ego (cái tôi) hiện hữu thật sự. Mọi người và mọi sự khác được cho là hình ảnh của cái tôi mà thôi. Duy ngã thuyết là kết quả hợp lý của chủ thuyết duy tâm, vốn dạy rằng ego cá nhân sản sinh ra tư tưởng. Trong thực tế, duy ngã thuyết là thái độ của những người chỉ chăm lo cho con người mình mà thôi. (Từ nguyên Latinh solus, một mình + ipse, cái tôi + ism.)
Solitude
Cô độc, cô tịch, tĩnh mịch. Trong tu đức khổ chế Kitô giáo, là sự cố ý rút lui khỏi các thụ tạo khác để sống kết hiệp gần với Chúa hơn. Sự cô tịch hồng phúc (beata solitudo) của đời đan tu, được thánh Biển Đức ca ngợi, có ảnh hưởng nổi tiếng nhất và sâu rộng nhất trong lịch sử Kitô giáo. Cô tịch có thể là về thể lý hay về tinh thần, hoặc cả hai. Cô tịch thể lý (hoặc bề ngoài) là một người lánh xa các người khác và công việc thế tục, hoặc là một cách thường xuyên như trong trường hợp các ẩn sĩ hay tu sĩ đan tu; hoặc là một phần nào, như trong trường hợp mọi tu sĩ của các hội Dòng; hoặc chỉ là tạm thời, như khi dự tĩnh tâm. Cô tịch không phải là chạy trốn thực tế hoặc sống cô lập, nhưng là một biện pháp để đạt mục đích, và mục đích là cô tịch thiêng liêng. Trong cô tịch thiêng liêng, linh hồn sống một mình với Chúa, chú ý đến Chúa hơn đến bất cứ thụ tạo nào, mặc dầu mình còn phải tiếp xúc với các thụ tạo ấy. (Từ nguyên Latinh solitudo, từ chữ solus, một mình.)
Solitude, Exterior
Sự cô tịch bên ngòai. Là rút lui khỏi sự tiếp xúc với các người khác để mình hoàn toàn chiêm niệm và phụng sự Chúa mà thôi. Một mức độ nào đó của sự cô tịch được nhìn nhận là cần thiết cho sự tiến bộ trong đời sống thiếng liêng. Gương Chúa Giêsu tại Nazareth (Na-da-rét), 40 ngày trong hoang địa, và việc Chúa thường xuyên xa lánh các Môn đệ để dùng nhiều giờ và nhiều ngày sống trong cầu nguyện, là cảm hứng cho mọi Kitô hữu sống cô tịch, các tu sĩ chiêm niệm sống trong nội vi, và thành viên của các tu hội sống đời hoàn thiện Kitô giáo.
Sollicitudo Omnium Ecclesiarium
Tông thư Sollicitudo Omnium Ecclesiarium. Là Tông thư của Đức Giáo hòang Phaolô VI nêu ra công tác của các vị đại diện chính thức của Đức Giáo chủ Roma. Mục tiêu của văn kiện này là cập nhật vai trò của nhiều phái viên của Đức Giáo hòang ở các quốc gia trên thế giới, và trong các ủy ban quốc tế khác nhau mà Tòa thánh có đại diện (ngày 24-6-1969).
Solomon
Solomon, vua Sa-lô-môn. Là Vua thứ ba của Israel, con trai của Vua David (Đa-vít) và bà Bath-Sheba (Bát Se-va), cai trị đất nước từ năm 961 đến năm 922 trước Công nguyên. Do đây là thời kỳ hòa bình trong lịch sử Do thái, Solomon có thể mở rộng biên giới nhiều hơn bao giờ hết, và gia tăng sự giàu có và quyền lực đến mức chưa bao giờ sánh được. Việc ông lên ngôi vua bị đe dọa bởi người anh cùng cha khác mẹ, là Adonijah (A-đô-ni-gia), vì ông này âm mưu chống lại ông (I V 1, 2). Nhưng phụ vương là David thích ông hơn, và đã bí mật xức dầu tấn phong cho ông. Cuối cùng Adonijah và tướng quân sự ủng hộ ông là Joab (Giô-áp) bị hành quyết vì âm mưu phản loạn. Solomon có những tư chất thông minh đặc biệt, nên triều đình của ông trở thành một trung tâm văn hóa (I V 5:14). Ông sáng tác rất nhiều bài hát, và dường như một phần lớn sách Châm ngôn (Cn) là do ông biên sọan (I V 5:12). Ông mở một chiến dịch xây dựng vĩ đại, trong đó có việc xây cất Đền thờ cho Đức Chúa và hoàng cung huy hòang (I V 6:1, 7:1). Ông lập ra một đội thương thuyền và mở rộng việc buôn bán của Israel với các nước khác. Một trong các phương cách mà Solomon dùng để mở rộng quyền lực là cưới nhiều người vợ, thuộc các gia tộc đang cai trị các nước lân bang. Chiến lược này xem ra là khôn ngoan, nhưng dẫn ông đến suy tàn: ông chống lại Đức Chúa, và Chúa tức giận khi thấy ông du nhập nhiều tôn giáo ngoại giáo, và Chúa đe dọa trừng phạt ông (I V 11:1-8). Dưới triều đại con ông là Rehoboam (Rơ-kháp-am) làm Vua, Đức Chúa thực hiện lời đe dọa của Chúa. “Thế là Ít-ra-en ly khai với nhà Đa-vít cho tới ngày nay” (I V 12:19).
Solo Spiritu
Solo Spiritu, Chỉ nhờ Thánh Thần. Là một trong các nguyên tắc bản lề của đạo Tin Lành, nhất là theo ngài Gioan Calvin, vì nguyên tắc chủ trương rằng có Chúa Thánh Thần là đủ cho con người trong việc nhận biết mặc khải của Chúa và giải thích được mặc khải này. Do đó không cần một Giáo hội phẩm trật để giúp con người nhận biết, hoặc giải thích ý nghĩa của lời Chúa được mặc khải.