St. Ann.
Đền thánh quốc gia thánh Anna. Được Tổng giám mục Antôn Blanc thành lập tại New Orleans năm 1852 với tên gọi là Nhà thờ thánh Anna. Ngày 18-5-1926, trong một đoản sắc, Đức Giáo hòang Piô XI ban cho nhà thờ tước hiệu Đền thánh quốc gia thánh Anna cho toàn nước Mỹ. Một văn phòng đền thánh được thành lập và tờ St. Ann's Herald trở thành bản tin chính thức. Hàng năm có khỏang 70.000 thư xin cầu nguyện và xin ơn được gửi tới đền thánh này.
St. Benedict Scapular
Bộ áo thánh Biển Đức. Là bộ áo của một phụng hội được thành lập tại Anh năm 1865, để giúp các thành viên chia sẻ vào công tác của Dòng thánh Biển Đức. Áo màu đen và thường có ảnh thánh Biển Đức một mặt. Bộ áo được Đức Giáo hòang Lêo XIII chuẩn thuận.
St. Benedict's Medal
Mề đay thánh Biển Đức. Là một mề đay thường kèm theo ân xá, và có ảnh thánh Biển Đức, ông tổ của đan tu Tây Phương. Ở tay phải của ngài là một thánh giá, gần đó có dòng chữ tắt “Crux Patris Benedicti" (Thánh giá của Cha Biển Đức). Bên tay trái là cuốn Luật Dòng Biển Đức. Ở chân ngài là ảnh một chén thánh và một con quạ, biểu tượng của chức linh mục và đời sống vị ẩn sĩ. Ở đường gờ của mề đay là dòng chữ tắt "Elius in Obitu Nostro Praesentia Muniamur" (Vào giờ chết chúng ta được củng cố bởi sự hiện diện của Ngài) qui chiếu đến Chúa Kitô. Ở mặt bên kia là một thánh giá và trên thanh đứng có lời cầu xin viết tắt "Crux Sancta Sit Mihi Lux" (Thánh giá là ánh sáng của con). Trên thanh ngang là dòng chữ tắt "Non Draco Sit Mihi Dux" (Đừng để con rồng dẫn đường con đi), nhắc đến Satan. Chung quanh mề đay là các chữ tắt khác nói lên các câu Latinh khác. Ở trên đỉnh mề đay thường là chữ Pax (An bình), phương châm của thánh Biển Đức; hoặc viết tắt là IHS, ba mẫu tự đầu tiên bằng tiếng Hi Lạp của tên Chúa Giêsu.
St. Blaise Blessing
Chúc lành của thánh Blaise. Là nghi thức chúc lành cho cổ họng vào ngày lễ thánh Blaise (ngày 3-2), thánh Giám mục tử đạo của giáo phận Sebaste ở Armenia (qua đời khỏang năm 316). Theo truyền thuyết, ngài là một thầy thuốc đã bị người ngọai giáo bắt vào tù, thời bách hại đạo triều Hoàng đế Licinius. Ngài đã chữa lành một em bé khỏi chết vì bị hóc xương cá. Kể từ đó, thánh Blaise được kêu cầu chữa chứng hóc xưong cá. Ngài được tôn vinh như là một trong “14 vị thánh hằng giúp đỡ giáo hữu.” Vào ngày lễ của Ngài, giáo hữu nhận Phúc lành của thánh Blaise, do một linh mục ban cho, khi linh mục cầm hai cây nến ngang với cổ họng, và đọc: “Nhờ lời cầu bầu của thánh Blaise, Giám mục Tử đạo, xin Chúa cho con khỏi chứng đau cổ họng và mọi điều xấu khác. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen."
St. Christopher Medal
Mề đay thánh Christopher. Là một trong các mề đay nổi tiếng nhất trong thời đại chúng ta. Thánh Christopher được vẽ hình cõng Chúa hài nhi trên vai. Chuyện kể rằng vị thánh ở thế kỷ thứ ba có thân hình to lớn, nên phục vụ Chúa và đồng loại bằng cách cõng người qua một con sông nguy hiểm, vốn đã làm nhiều người thiệt mạng. Trong số những người được Ngài cõng có chính Chúa Kitô, khi vào một lần nọ Chúa hiện ra với Chrsitopher (chữ Hi Lạp là “Người mang Chúa Kitô”) dưới hình một em bé. Ngài là thánh bổn mạng đặc biệt và người giúp đỡ các du khách, nhất là những người đi máy bay và ôtô. Do đó có tập tục mừng lễ ngài vào ngày 25-7 hàng năm, và danh tánh ngài vẫn có trong lịch Giáo hội ở một số miền. Hiện nay lễ của ngài không xuất hiện trong lịch Công giáo hoàn vũ, bởi vì việc mừng kính ngài (cũng như nhiều vị thánh khác) không bắt nguồn từ truyền thống phụng vụ của thành phố Roma, không như các vị thánh trước ngài, như các thánh nữ Agatha, Agnes, và Cecilia. Nhưng Giáo hội không loại bỏ ngài ra khỏi sự mừng kính của giáo hữu đối với ngài như một vị thánh.
St. Dominic Scapular
Bộ áo thánh Đa Minh. Là bộ áo màu trắng, thường có ảnh thánh Đa Minh một bên và Á thánh Reginald một bên. Được Dòng Đa Minh cổ vũ, bộ áo được Thánh Giáo hòang Piô X chuẩn thuận.
Sainte-Anne-De-Beaupré
Đền thánh Sainte-Anne-de-Beaupré. Là một đền thánh ở Canada dâng kính thân mẫu của Đức Mẹ, cách thành phố Quebec 27 dặm (43 km) về phía đông bắc trên sông St.Lawrence. Hàng năm có hàng trăm ngàn người bệnh và tật nguyền tuôn đến đền thánh, nơi người ta nói rằng các bệnh tật được chữa lành khi này khi khác. Theo lời truyền lại, nhà nguyện ban đầu được xây dựng năm 1658 bởi các thủy thủ để tạ ơn, vì họ được cứu sống trong một cơn bão. Tuy nhiên, khi cơn bão qua đi, họ được đưa vào gần bờ. Một nhà nguyện lớn hơn được xây dựng năm 1662, nhưng bị phá hủy do sai lầm trong sự chỉ đạo năm 1876. Vương cung thánh đường kiểu Roman hiện nay là nhà thờ thứ tư, và được dâng hiến cho thánh Anna của Đồng cỏ đẹp.
St. James, Rite Of
Lễ nghi thánh Giacôbê. Là một trong các Lễ nghi Đông Phương của Giáo hội Công giáo, thuộc về nhóm các Lễ nghi Antioch (Antiôkia), cùng với Lễ nghi Antioch chính gốc, các Lễ nghi Chaldean, Malabar, Byzantine, và Armenia. Cùng với Lễ nghi thánh Giacôbê, có các Lễ nghi Hi Lạp, Syria và Maronite. Lễ nghi thánh Giacôbê được gán theo truyền thống cho vị Tông đồ mang tên này, đó là thánh Giacôbê Hậu, tác giả của một thư trong Tân Ước, là Giám mục tiên khởi của Jerusalem, chịu tử vì đạo khi bị ném từ tháp nhọn cao của Đền thờ xuống đất.
St. John Chrysostom, Rite Of
Lễ nghi thánh Gioan Chrysostom, Lễ nghi thánh Gioan Kim Khẩu. Đôi khi được đồng hóa cách lỏng lẻo với Lễ nghi Byzantine. Thực ra vai trò của thánh Gioan trong việc cải tổ Lễ nghi trước đó của thánh Basil chỉ là một sự phát triển sau đó. Đặc biệt, thánh Chrysostom được cho là “đã có một giải quyết lớn và rút ngắn lại mọi hình thức” của phụng vụ thánh Basil. Động cơ của ngài là “làm cho không ai giữ khỏang cách với định chế tông truyền và do Chúa lập ra" (De Traditione Divinae Missae, PG 65:8 51).
St. John Lateran
Đại vương cung thánh đường thánh Gioan Lateran. Là một trong năm Đại vương cung thánh đường ở Roma, và là nhà thờ mẹ của mọi nhà thờ. Nhà thờ này được Hoàng đế Constantine (khỏang năm 274-337) xây dựng gần Điện Lateran, được ông tặng cho Đức Giáo hòang Sylvester làm Tòa giám mục của Ngài, và được mọi Giáo hòang sử dụng cho đến năm 1309, khi Giáo hòang dời về Avignon. Nhà thờ được dâng hiến cho Chúa Cứu Thế, và trở thành nhà thờ trưởng của thế giới Kitô giáo. Các kinh sĩ của nhà thờ này có ưu vị hơn kinh sĩ của Đền thờ thánh Phêrô. Nhà thờ nguyên thủy bị tàn phá bởi trận động đất năm 898. Nhà thờ tái thiết cũng bị cháy phần nào năm 1308, và được tái xây dựng. Bên trong nhà thờ trông khá giản dị, nhưng phong phú về các tỉ lệ của nó. Các cột đôi, với các hốc ở giữa có các tượng khổng lồ của các thánh Tông đồ, đầy tượng ở hai bên lòng nhà thờ, trong khi ở phía trên cao là các bức tranh nổi về các câu chuyện lấy từ Cựu Ước và Tân Ước. Vẫn ở trên cao là các huy chương lớn có ảnh các Ngôn sứ đưa mắt nhìn lên trần nhà đồ sộ, với vô số các huy hiệu Giáo hòang và biểu tượng cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Hậu cung, được Đức Giáo hòang Lêô XIII tái thiết, chứa nhiều đồ khảm của thế kỷ 13 mô tả sự hiệp nhất của vương quốc trần gian và thiên đàng trong Bí tích Rửa tội. Bàn thờ chính có nhiều thánh tích, trong đó có thủ cấp của thánh Phêrô và thánh Phaolô, và bàn thờ nhỏ của thánh Phêrô lấy từ hang toại đạo. Được gìn giữ ở đây còn có cái bàn bằng gỗ tuyết tùng mà theo truyền thuyết là bàn được dùng ở Bữa Tiệc Ly. Trong suốt thời gian các Đức Giáo hòang cư ngụ tại Điện Lateran, Đại vương cung thánh đường Lateran chứng kiến nhiều lễ đăng quang và nhiều lễ tang của các Đức Giáo hòang, và là nơi họp của bốn Công đồng chung vào các năm 1123, 1129, 1179, và 1215. Liên kết với Đại vương cung thánh đường nổi tiếng là Giếng Rửa tội Lateran, là giếng duy nhất tại Roma trong thời gian lâu dài, và là kiểu mẫu cho mọi giếng Rửa tội khác. Hoàng đế Constantine được rửa tội năm 337 ít lâu trước khi ông băng hà, tại giếng bằng đá pócphia vẫn còn lưu giữ hiện nay.
St. Joseph's Oratory
Nhà nguyện thánh Giuse. Là một đền thánh, tọa lạc ở Montréal (Canada), tôn vinh thánh Giuse là cha nuôi chăm sóc thời thơ ấu của Chúa Kitô. Nhà thờ chính tòa kiểu Phục hưng cổ điển đứng gần đỉnh núi Royal, nhìn xuống thành phố lớn nhất của Canada. Việc xây dựng nhà thờ này là nhờ công lao của Tu sĩ André (1845-1937), một thành viên của Dòng Thánh Giá, vốn có lòng sùng mộ mãnh liệt đối với thánh Giuse. Ngài phục vụ Dòng làm người giữ cửa trong nhiều năm, và luôn mơ ước xây dựng một đền đài lớn cho vị thánh Ngài yêu mến. Một nhà nguyện nhỏ bằng gỗ được xây dựng năm 1904, và tiếng đồn lan khắp nơi rằng các bệnh nhân được lành bệnh khi vị tu sĩ từ bỏ mình sờ chạm vào vết thương. Nhiều cái nạng và bảng tạ ơn đặt vào nơi có nhiều phép lạ phần hồn phần xác xảy ra. Hiện nay các thang máy đưa người cao tuổi và người bệnh lên tới mái vòm, và nhà thờ chính tòa lớn có một thư viện, nơi lưu giữ các sách vở hoặc tài liệu nào có liên quan đến thánh Giuse, một đài phát thanh, một bộ sưu tập phim ảnh về thánh Giuse.
St. Joseph Scapular
Bộ áo thánh Giuse. Là bộ áo màu tím với băng trắng. Ở mỗi bên là một hình vuông vải màu vàng. Một bên có ảnh thánh Giuse với dòng chữ: “Thánh Giuse, Bổn mạng của Giáo hội, cầu cho chúng con." Bên kia là mũ và chìa khóa Giáo hoàng, với dòng chữ: “Thánh thần Chúa hướng dẫn Ngài." Áo này do Dòng Anh Em Hèn Mọn nhánh Lúp Vuông cổ vũ và được Đức Giáo hòang Lêô XIII chuẩn thuận.
St. Lawrence Outside The Walls
Đại vương cung thánh đường thánh Lôrensô Ngọai thành. Là thứ năm trong năm Đại vương cung thánh đường ở Roma. Hoàng đế Constantine xây một nhà thờ tại địa điểm này vào năm 330 trên mộ thánh Lôrensô và thánh Cyriaca. Nhà thờ này được sửa lại trong thế kỷ thứ sáu, và lần khác trong thế kỷ 13, và phần mái cổng được thêm vào. Nhiều tranh vẽ hiện đại giống như các đồ khảm trang điểm cho mặt tiền. Phần tiền sảnh có nhiều quan tài bằng đá với các trang trí chạm nổi cao tô điểm chúng, và các tranh tường mô tả cuộc đời thánh Lôrensô, thánh Têphanô, và thánh Hippolytus. Gác chuông xuất hiện từ thế kỷ 12. Trong nhà thờ, gian giữa và gian cánh được xây trong thế kỷ 13 - đồ sộ với 22 cột cổ, có nhiều tranh hiện đại của thánh Lôrensô và thánh Têphanô, và sàn nhà khảm đẹp. Hầm nhà thờ chứa thi hài của thánh Lôrensô, Justin, và Têphanô dưới bàn thờ chính, với mái che thật đẹp. Gần đó khách hành hương nhìn xem một cột cao, trên đó có tượng thầy phó tế tử vì đạo.
Saintliness
Thánh thiện tính. Là sự thực thi nhân đức thánh thiện mà tín hữu thường liên kết với các vị được Giáo hội tôn phong là thánh nhân.
St. Michael Scapular
Bộ áo thánh Mi-ca-e. Bộ áo được thiết kế như một cái khiên, một miếng màu xanh và một miếng màu đen, và có dây nối hai miếng là màu xanh và đen. Mỗi miếng có ảnh tượng thánh Micae đang giết con rồng, với câu: “Ai giống Chúa?”. Đây là bộ áo của Phụng hội thánh Micae. Áo đã được Đức Giáo hòang Lêô XIII chuẩn thuận.
St. Paul'S Outside The Walls
Đại vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngọai thành. Là một trong năm Đại vương cung thánh đường ở Roma. Được Hoàng đế Valentinian II (372-92) xây năm 386, và được hoàn tất bởi hoàng đế kế vị Flavius Honorius, trên địa điểm của nhà thờ mà Hoàng đế Constantine xây dựng trên mộ thánh Phaolô. Nhà thờ này bị cháy gần hết trong vụ hỏa hoạn năm 1823. Được tái xây dựng với kích thước y như ban đầu với sự trợ giúp của nhiều miền trên thế giới, và nhà thờ được Đức Giáo hòang Piô IX cung hiến năm 1854. Bên trong nhà thờ là gian giữa thật đồ sộ, 80 cột bằng đá granit lấy từ Hồ Maggiore về, phân chia các cánh bên cạnh và phần giữa của nhà thờ. Trên các vòm là huy chương lớn có ảnh nổi các Đức Giáo hoàng cho đến Đức Giáo hòang Biển Đức XV. Bàn thờ chính có nhà tạm Arnolfo di Cambio nổi tiếng, các tranh nổi bên ngoài diễn tả các sự tích lấy từ Cựu Ước. Bốn cột bằng thạch cao tuyết hoa Đông Phương nâng đỡ vòm che trên đó. Dưới vòm là chiếc hòm thật đẹp chứa di hài của thánh Phaolô. Vòm chiến thắng, ở cuối hậu cung, đã được cứu khỏi hỏa hoạn cùng với các tranh khảm nổi thế kỷ 15 về dung nhan của Chúa Kitô, được tập trung trong vinh quang và chung quanh có 24 vị trưởng lão, và bên dưới là tượng thánh Phêrô và thánh Phaolô.
St. Peter'S Cross
Thánh giá thánh Phêrô. Là một trong các biểu tượng của thánh Phêrô –thánh giá Latinh đảo ngược trên đó thánh Tông đồ tử đạo theo yêu cầu của Ngài; biểu tượng này có từ thế kỷ thứ tư. Biểu tượng này, cùng với hai chìa khóa chéo, là đặc trưng của vị Giáo hòang tiên khởi.
Saints
Các thánh. Là danh từ trong Tân Ước để gọi các Kitô hữu nói chung (Cl 1:2), nhưng sớm dành nói các người có sự thánh thiện nổi bật. Trong một nghĩa chặt hơn, các thánh là người xuất sắc về nhân đức anh hùng trong cuộc sống, và được Giáo hội tôn phong là thánh, hoặc qua huấn quyền phổ quát thông thường của Giáo hội, hoặc qua một định nghĩa long trọng, gọi là lễ phong thánh. Việc Giáo hội chính thức nhìn nhận sự thánh thiện hàm ý rằng những vị ấy hiện nay đang ở thiên đàng, và các vị có thể được cầu bầu công khai ở khắp nơi, và rằng nhân đức trong cuộc sống các vị hoặc cuộc tử đạo của các vị là chứng tá và gương sáng cho các tín hữu Kitô giáo. (Từ nguyên Latinh sanctus, thánh thiện, thánh thiêng.)
Sal
Sal, Salus, salutis—cứu độ, cứu chuộc, của sự cứu độ.
Salem
Salem, thành Sa-lem. Là một thành trì do Vua Melchizedek (Men-ki-xê-đê) cai trị. Khi ông Abraham (Áp-ra-ham) trở về sau chiến thắng trước Vua xứ Elam, Melchizedek, vừa là tư tế vừa là vua thành Salem, đã chúc phúc cho Abraham. Đổi lại Abraham biếu một phần mười chiến lợi phẩm cho vị tư tế (St 14:17-20). Trong sự kiện nhỏ bé này, Giáo hội tìm thấy mối quan hệ giữa Melchizedek, vị vua tư tế, và Chúa Kitô, vị vua tư tế của Tân Ước.
Salesians
Dòng Sa-lê-diêng, Dòng Don Bosco. Là Dòng thánh Phanxicô thành Sales (1567-1622), được thánh Gioan Bosco (1815-88) thành lập gần Turin (Ý) năm 1859. Mục đích chính của Dòng này là giáo dục giới trẻ trong trường học, và các trường dạy nghề hay học viện huấn nghệ. Dòng cũng tích cực họat động trong việc truyền giáo và tham gia lĩnh vực truyền thông xã hội. Luật Dòng được Đức Giáo hòang Piô IX phê chuẩn năm 1874. Thánh Gioan Bosco cũng lập một Dòng nữ mang tên Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ năm 1872 ở Mornese, Ý.
Salic Law
Luật Xalic. Nguyên thủy là bộ luật đầy đủ của Vua Clovis (466-511), vị vua đầu tiên cai trị vùng Salians. Nhưng từ ngữ này thường chỉ nhắc đền một điều khỏan của luật là không cho phụ nữ làm Nữ hòang.
Salmant
Salmant, Salmanticenses—các thần học gia ở Salamanca, Tây Ban Nha.
Salome
Salome, Sa-lô-mê 1. là con gái của tiểu vương Herod (Hê-rô-đê) Philip và bà Herodias (Hê-rô-đi-a). Sử gia Josephus cung cấp tên này, bởi vì trong Kinh thánh cô gái này chỉ được gọi là “con gái bà Herodias." Việc cô múa nhảy giỏi trong lễ mừng sinh nhật của vua Herod làm vua hài lòng, đến nỗi vua hứa ban cho cô những gì cô xin với vua. Theo gợi ý của thân mẫu, cô gái xin cái đầu của ông Gioan Tẩy Giả. Herod miễn cưỡng làm theo lời thỉnh cầu của cô (Mt 14:3-11); 2. là tên của một trong các phụ nữ chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá (Mc 15:40). Bà có lẽ là vợ của ông Zebedee (Dê-bê-đê, Mt 27:56). Vào buổi sáng Phục sinh, bà cùng đi với các bà khác đến mồ Chúa Kitô, và chỉ thấy mồ trống mà thôi (Mc 16:1).
Salt
Muối. Muối được sử dụng trong phụng vụ bằng nhiều cách. Muối được làm phép và bỏ vào nước thánh bình thường, và nước thánh Gregorian (dùng trong lễ cung hiến). Cho đến việc duyệt lại các nghi thức Rửa tội (1969), một lượng nhỏ muối được đặt vào lưỡi của người sắp rửa tội với lời đọc: “Con hãy nhận muối sự khôn ngoan; nó sẽ giúp xá tội cho con, dẫn đưa vào sự sống đời đời.”
Salus Populi Romani
Đền thánh Đức Mẹ Salus Populi Romani, Đền thánh Đức Mẹ “Phần rỗi của dân Roma”. Là Đền thánh Đức Bà bảo vệ thành Roma, còn gọi là vương cung thánh đường Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore.) Vương cung thánh đường nguyên thủy của Đức Trinh Nữ được xây dựng khoảng năm 350, và được gọi là nhà thờ Đức Bà Xuống Tuyết (Santa Maria ad Nives) do truyền thuyết rằng đây là nơi được xác định là tuyết rơi xuống Đồi Esquiline vào một ngày mùa hè. Vật quí nhất của nhà thờ hiện nay là tượng ảnh phép lạ của Đức Bà ẳm Hài nhi Giêsu, được gán cho tác giả là thánh Luca, và được cho rằng do thánh nữ Helena mang về từ Đất Thánh. Các sử gia nói bức ảnh có niên đại ít là 1.500 năm. Công dân Roma tuôn chạy đến vương cung thánh đường mỗi khi thành phố bị lâm nguy. Năm 597, Đức Giáo hòang Gregory I rước ảnh tượng long trọng đến Đền thờ thánh Phêrô, khi Roma đang bị bệnh Dịch Đen; và khi Anzio, chỉ cách xa Roma khỏang 20 dặm (32km), bị ném bom trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đền thánh chật ních tín hữu cả ngày lẫn đêm. Nhà thờ gốc được xây dựng trong thế kỷ thứ tư. Khi Đức Giáo hòang Sixtus III tái xây dựng nhà thờ trong thế kỷ thứ năm, Ngài ban cho đền thánh một tước hiệu nữa là Đức Bà Máng Cỏ (Santa Maria ad Praesepe), vì có một phần của máng cỏ thật ngày xưa ở Bethlehem (Bê-lem) trong hầm của vương cung thánh đường. Đức Giáo hòang Piô XII đã dâng Thánh lễ mở tay của ngài trước bàn thờ Đức Bà trong vương cung thánh đường, và năm 1939 ngài dâng Thánh lễ đại triều để tạ ơn cũng tại bàn thờ này.
Salutary Act
Hành động sinh ích cứu độ. Là hành vi con người được thực hiện dưới ảnh hưởng của ân sủng, và dẫn dắt tích cực người ấy đến vận mệnh thiên đàng. Ân sủng của hành động sinh ích cứu độ phải ít nhất là ơn hiện sủng, dù người ấy đang ở trong tình trạng ân sủng hay là không. Nếu một người đang ở trong tình trạng ân sủng, hành động ấy không chỉ sinh ích cứu độ mà còn là đáng thưởng. Trong khi Giáo hội không chính thức tuyên bố về vấn đề này, giáo huấn chung nói rằng người công chính hóa cũng đòi hỏi ơn hiện sủng cho sự thực hiện hành động sinh ích cứu độ. (Từ nguyên Latinh salus, sức khỏe, hạnh phúc.)
Salutation, Mass
Lời chào đầu thánh lễ. Là lời chào của linh mục với tín hữu sau điệp ca nhập lễ trong Thánh lễ. Lời chào này và câu đáp của tín hữu diễn tả mầu nhiệm của Giáo hội được chính thức qui tụ lại với nhau.
Salvation
Cứu độ, cứu chuộc. Trong ngôn ngữ Kinh thánh, là sự giải thóat khỏi các hòan cảnh cay nghiệt hay sự áp bức bởi sự dữ, tới một tình trạng tự do và an tòan. Vì tội lỗi là sự dữ lớn nhất, sự cứu chuộc là giải thoát chủ yếu khỏi tội lỗi và hệ quả của chúng. Sự giải thoát có thể là bằng cách gìn giữ, hoặc bằng cách cung cấp phương tiện giải thóat, hoặc bằng cách cất đi sự dữ đè nén hay sự khó khăn, hoặc bằng cách thưởng công cho nỗ lực đã có trong sự cộng tác với ân sủng để được giải thóat. Cả bốn khía cạnh này của cứu chuộc đều có trong Kinh thánh và được Giáo hội dạy bảo. (Từ nguyên Latinh salvare, cứu.)
Salve Regina
Kinh Salve Regina, Kinh Lạy Nữ vương Mẹ nhân lành. Là một trong các điệp xướng cổ nhất về Đức Mẹ Maria trong Kitô giáo Tây Phương, được sử dụng từ nhiều thế kỷ trong Kinh Nhật Tụng. Tác giả chưa được biết, nhưng chắc có lẽ là Hermannus Contractus (qua đời năm 1054). Các chữ cuối “Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh," được gán cho tác giả là thánh Bernard, được tìm thấy trong nhiều bản viết tay trước thời ngài, và do đó dường như thuộc về bản kinh gốc. Tòan văn kinh là: “Lạy Nữ vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh.” Một tiểu xá được ban cho mỗi lần đọc kinh này.
Salvific Will
Ý định cứu độ. Là ước muốn của Chúa rằng toàn thể nhân loại được cứu độ. Ý Chúa phổ quát là cứu chuộc nhân loại với điều kiện một người qua đời trong tình trạng ân sủng. Nó được gọi là ý định cứu độ đi trước và có điều kiện của Chúa. Ý Chúa đặc biệt sẽ cứu xét tình trạng luân lý của từng người vào lúc người ấy từ trần. Ở đây Chúa mong muốn một cách vô điều kiện sự cứu độ của tất cả những ai rời cuộc đời này trong tình trạng ân sủng. Nó được gọi là ý định cứu độ hệ quả và tuyệt đối. Nó trùng hợp với sự tiền định. Vì là hệ quả, ý muốn vô điều kiện của Chúa qui chiếu đến sự trục xuất một người khỏi hạnh phúc thiên đàng, và điều này gọi là sự đày xuống hỏa ngục (reprobation.)
Samaria, District Of
Vùng Samaria, Vùng Sa-ma-ri. Vào thời Chúa Kitô, Palestine gồm có ba miền, miền bắc là Galilee (Ga-li-lê), miền trung là Samaria, và miền nam là Judea (Giu-đê-a). Samaria kéo dài từ phía tây của sông Jordan (Gio-đan) đến Địa Trung Hải. Thời Cựu Ước, khi 12 Chi tộc thừa hưởng các vùng đất Canaan, Ephraim (Ép-ra-im) và Manasseh (Ma-na-sê) chiếm phần lớn miền sẽ là Samaria. Sau thời vua Solomon (Sa-lô-môn), Samaria trở thành Vương quốc miền Bắc, hoặc là Israel, để phân biệt với Vương quốc miền Nam, hoặc là Judah (Giu-đa). Trong nhiều triều đại vua, --nhất là các vua Saul (Sa-un), David (Đa-vít), và Solomon—hai vương quốc hợp nhất thành một Vương quốc. Nhưng phần lớn các năm trước thời Chúa Kitô, Samaria và Judah là hai láng giềng thù địch. Nhiều người Do thái cảm thấy bị sốc khi thấy Chúa nói chuyện với người Samaria (Ga 4:8-9). Thời kỳ thịnh vượng nhất trong lịch sử của Samaria là thế kỷ thứ tám trước Chúa Kitô. Tuy nhiên, sau đó, người Assyria (Át-sua) xâm chiếm và làm mất độc lập cho nước này, đưa lưu đày nhiều người lãnh đạo của Samaria. Một sự xâm nhập của người nước ngòai xảy ra, và Samaria không bao giờ lấy lại được quy chế mà mình đã được hưởng. Hiện nay Samaria là miền tây bắc của nước Jordan.
Samaritans
Người Samaria, người Sa-ma-ri. Là người dân xứ Samaria, họ nguyên gốc là người Do Thái nhưng đã kết hôn với người ngọai giáo Assyria (Át-sua), sau khi người Assyria xâm chiếm Israel (Ít-ra-en) năm 622 trước Công nguyên (II V 18:9-12). Họ phát triển một dạng thức mới của Do Thái giáo, chủ yếu dựa vào bộ Ngũ thư, vốn là phần duy nhất của Cựu Ước mà người Samaria chấp nhận. Họ có đền thờ riêng trên Núi Gerizim (Ga-ri-dim) và họ bị người Do thái khinh miệt thậm tệ (Ga 4:9, 20). Người Samaria được kể trong ba trình thuật của Tin Mừng: người Samaria tốt lành (Lc 10:33), mười người phong hủi (Lc 17:16), và người phụ nữ Samaria (Ga 4:5-42).
Sampietrini
Sampietrini, đội Sampietrini, những người trông nom Đền thờ Phêrô. Là một nhóm thợ chuyên môn trong nhiều ngành nghề, cùng với các người giúp việc khác, phụ trách chăm sóc Vương cung thánh đường thánh Phêrô.
Sampson
Sampson, ông Sam-sôn. Là một anh hùng của chi tộc Dan (Đan). Ông là con trai của ông Manoah (Ma-nô-ác), ông này đã nhận một sứ điệp từ thiên sứ của Đức Chúa trước khi Sampson ra đời, nói rằng Sampson được chọn “để sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Philistine (Phi-li-tinh)" (Tl 13:5). Không có bằng chứng rõ ràng rằng ông thành công trong việc này. Một số sự kiện có liên quan đến sức mạnh phi thường của ông. Trong một lần ông xé xác con sư tử bằng tay không (Tl 14:6). Khi đánh chống lại người Phi-li-tinh, ông nổi lửa đốt đồng lúa chín và vườn nho (Tl 15:5). Nhưng sức mạnh luân lý của ông không tương hợp với sức mạnh thể xác của ông, nhất là trong các mối quan hệ với phụ nữ. Chuyện tình của ông với một phụ nữ tên là Delilah (Đa-li-la) chứng minh điều sai trái của ông. Người Philistine mua chuộc nàng hỏi bí mật sức mạnh của Sampson. Họ bắt ông cầm tù và làm ông mù mắt, nhưng trong lần chứng tỏ cuối cùng về sức mạnh của mình, ông đã làm sập tòa nhà và ông chết cùng với các kẻ bắt giữ ông tại đó (Tl 16).
Samuel
Samuel, ngôn sứ Sa-mu-en. Là một người xứ Ephraimite (Ép-ra-im), con trai của ông Elkanah (En-ca-na) và bà Hannah (An-na). Là người rất đạo đức, ông “càng lớn lên và đẹp lòng cả ĐỨC CHÚA lẫn người ta. . . " (I Sm 2:26). “Toàn thể Ít-ra-en, từ Dan (Đan) tới Beersheba (Bơ-e Se-va), biết rằng ông Sa-mu-en được ĐỨC CHÚA tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người" (I Sm 3:20). Tiếp sau thất bại thảm hại của người Do thái trước người Philistine (Phi-li-tinh), Samuel qui tụ dân bị nhục của mình, và làm cho mình được công nhận là một thủ lĩnh và là một ngôn sứ (I Sm 7:6). Ông xức dầu cho Saul (Sa-un) vì Saul được Chúa chọn làm một thủ lĩnh của dân, và uy thế của ông với người dân đã bảo đảm việc Saul được đưa lên làm vua (I Sm 11:12-14). Nhưng, mặc dầu có nhiều chiến thắng quân sự, Saul làm mất lòng Chúa do sự không vâng lời của ông, và Samuel chống lại Saul và ủng hộ chàng thanh niên David (Đa-vít, I Sm 15:10-35). Sợ David ngày càng được lòng dân, Saul cố gắng nhiều lần giết chết David nhưng thất bại, vì Đức Chúa bảo vệ David (I Sm 19, 23). Samuel bí mật xức dầu tấn phong cho David như là vua tương lai của Israel (I Sm 16:12-13), và ngay sau khi Saul qua đời, David lên kế vị. Như vậy, Samuel là dụng cụ của Đức Chúa trong việc đặt lên ngai vàng hai vị vua trị vì hơn 60 năm. Là một thủ lĩnh biết truyền cảm hứng và vị tha, Samuel được toàn dân kính trọng sâu sắc trong suốt đời ông. Hai sách trong Kinh thánh được đặt theo tên của ông (I Sm và II Sm).
Samuel, Books Of
Sách Samuel, Sách Sa-mu-en (Sm). Đây là tên tiếng Do thái cổ của hai cuốn sách mà bản Phổ thông (Vulgate) gọi là Sách Vua 1 (1 V) và Sách Vua 2 (2 V.) Hai sách này kể tiểu sử của ngôn sứ Samuel và hai vua là Vua Saul (Sa-un) và Vua David (Đa-vít), được ông xức dầu tấn phong. Hai sách này là nguồn đầu tiên cho lịch sử của Israel trong những năm quan trọng của thế kỷ 11 và thế kỷ 10 trước Chúa Kitô. Ba bài thơ nổi tiếng nằm trong các sách này là: bài ca của bà Hannah (An-na) (I Sm 2:1-10), văn tế của David khóc vua (II Sm 1:19-27), và thánh vịnh của vua David (II Sm 22).
Sanating Grace
Ơn chữa lành. Là ơn Chúa trong chức năng chữa lành (sanare, chữa lành) các tàn phá của tội, tội tổ tông và tội riêng, trong bản tính con người. Tiến trình chữa lành ảnh hưởng đến cả ý chí lẫn tâm trí. Ân sủng chữa lành ý chí bằng cách ban sức mạnh để mong ước và chấp nhận ý Chúa, và vui mừng khi thực thi ý Chúa.
Sanation
Điều trị tại căn. Là quá trình giáo luật nhờ đó một hôn phối vô hiệu được có hiệu lực hồi tố, trở lại vào thời khi khế ước hôn nhân được thực hiện lần đầu. Việc nhắc lại lời thề ước là không bắt buộc, khi các ngăn trở đã được miễn chuẩn. Như vậy, qua một thứ hư cấu theo luật, hôn phối sẽ được xem là có hiệu lực hồi tố từ thuở đầu. Điều này đặc biệt là hữu ích trong việc hợp thức hóa các con cái đã sinh ra. Điều trị tại căn có thể là bất toàn, do đó không hồi tố lại vào thời khi khế ước hôn nhân được thực hiện lần đầu.
Sance Bell
Chuông Thánh. Là chuông Sanctus (Thánh, thánh, thánh), lúc ban đầu là cái chuông treo ở vòm nhỏ của cung thánh, được giật bằng cái dây gần vị trí của người giúp lễ. Chuông rung ba lần lúc đọc “Thánh, Thánh, Thánh”, một lần lúc đọc Hanc Igitur (Vì thế, chúng con nài xin) ngay trước Truyền phép, ba lần vào mỗi lần nâng Mình Thánh và Máu thánh, ba lần lúc đọc Domine non sum dignus (Lạy Chúa con không đáng) trước khi linh mục rước lễ, và ở một số địa phương, thêm ba lần trước khi tín hữu rước lễ, khi lời Domine non sum dignus được tín hữu đọc.
Sanctification
Sự thánh hóa. Là làm cho nên thánh. Sự thánh hóa thứ nhất diễn ra trong phép Rửa tội, nhờ đó Chúa Thánh Thần ban tình yêu của Chúa cho người rửa tội (Rm 5:5). Người mới được rửa tội là thánh, bởi vì Chúa Ba Ngôi bắt đầu ngự trong linh hồn họ và họ làm vui lòng Chúa. Sự thánh hóa thứ hai là quá trình cả đời, trong đó một người đã ở trong tình trạng ân sủng sẽ tăng trưởng trong sự sở hữu ơn Chúa, và nên giống như Chúa, bằng cách trung thành đi theo các linh hứng của Chúa. Sự thánh hóa thứ ba xảy ra khi một người lên thiên đàng, và trở thành hoàn tòan kết hiệp với Chúa trong việc chiêm ngắm Chúa. (Từ nguyên Latinh sanctificare, thánh hóa.)
Sanctifying Grace
Ơn thánh hóa. Là tình trạng siêu nhiên của hữu thể được Chúa ban cho, và thường xuyên ở trong linh hồn. Nó là một nguyên lý quan trọng của đời sống siêu nhiên, cũng như linh hồn là nguyên lý quan trọng của đời sống tự nhiên của con người. Nó không phải là một chất thể, nhưng là một phẩm chất thật sự, trở thành một phần của bản chất linh hồn. Mặc dầu thường được liên kết với sự sở hữu đức mến, ơn thánh hóa vẫn phân biệt với nhân đức này. Đức mến thuộc về ý chí, trong khi ơn thánh hóa thuộc về tòan thể linh hồn, tâm trí, ý chí và tình cảm. Nó được gọi là ơn thánh hóa bởi vì nó thánh hóa những người có ơn này, bằng cách ban cho họ tham dự vào sự sống của Chúa. Nó là zo_ (sự sống), mà Chúa Kitô dạy rằng Ngài có sự sống này chung với Chúa Cha, và những ai sống trong tình trạng ân sủng được chia sẻ sự sống này.
Sanction
Thưởng phạt, hình phạt, chế tài. Nói chung, là cách thức để không vi phạm luật, dù là thiên luật, nhân luật, giáo luật hay dân luật. Nói đúng hơn, là các biện pháp được dùng để làm cho luật không thể bị vi phạm. Đây có thể là các biện pháp tự nhiên, và bao gồm mọi lợi ích và hình phạt, cá nhân hay xã hội, cho người giữ luật hay người vi phạm luật. Hoặc chúng có thể là biện pháp siêu nhiên, vốn chỉ được biết là hiện hữu bởi vì chúng được Chúa mặc khải. Các chế tài tích cực được đặt ra bởi quyền hợp pháp trong Giáo hội hay Nhà Nước, và để có tính hiệu lực, chúng phải phù hợp với lý trí đúng và mặc khải. Mọi hình phạt chỉ có tác dụng nếu chúng được biết, dù là trong hành động như sự kích thích (trong phần thưởng được hứa) hoặc như sự răn đe (trong sự trừng phạt bị đe dọa) nhằm làm cho người ta tuân giữ luật. Các trừng phạt có thể là tạm thời hay là vĩnh viễn, tùy vào kỳ gian của chúng. Chúng cũng có thể là để điều trị hay trừng trị, tùy vào mục đích của chúng: hành xử như thuốc chữa cho các vi phạm luật, hoặc tái lập trật tự luân lý và đấu tranh cho công lý chống lại các kẻ vi phạm luật. (Từ nguyên Latinh sanctio, quyết định một sự gì là thánh, sắc lệnh, hình phạt.)
Sanctity
Thánh thiện, Đấng Thánh. Trong nghĩa tuyệt đối, là Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Chúa là tòan thể sự siêu việt của Chúa, hoặc sự khác biệt hoàn tòan của Chúa. Chính trong nghĩa này mà Giáo hội cầu nguyện trong Kinh Vinh Danh của Thánh lễ, “chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao.” Còn mọi sự thánh thiện khác là dự phần vào thánh thiện của Chúa, do đó một thụ tạo có sự thánh thiện khi chia sẻ trong Thiên tính. Chủ yếu sự thánh thiện này gồm có sự sở hữu ơn thánh hóa, mặc dầu từ ngữ này thường áp dụng cho những người thực thi cao hơn nhân đức bình thường, nhất là lòng mến Chúa yêu người trổi vượt.
Sanctuary
Cung thánh, nơi tôn nghiêm, thánh điện. Cung thánh là phần nhà thờ có bàn thờ. Nếu có nhiều bàn thờ, cung thánh là chỉ cho bàn thờ chính. Trong truyền thống Byzantine, cung thánh được ngăn bằng bình phong ảnh tượng, hoặc cái ngăn cung thánh. Đây là nơi trung tâm của các nghi thức phụng vụ, để phân biệt với gian chính của nhà thờ. (Từ nguyên Latinh sanctuarium, nơi thánh, cung thánh.)
Sanctuary, Right Of
Quyền trú ngụ, quyền tỵ hộ. Là quyền bảo vệ và che chở cho những người bỏ trốn vì công lý hoặc trốn sự bách hại. Quyền này dựa vào sự bất khả xâm phạm liên kết với đồ thánh. Mặc dầu thường dành cho nội vi nhà thờ, quyền cũng được mở rộng cho khu vực chung quanh nhà thờ nữa. Thường có một vòng sắt hoặc búa gõ cửa nơi cửa nhà thờ, việc nắm búa này ban cho một người có quyền trú ngụ. Tuy nhiên quyền này không ban cho người có tội phạm thánh, hay người mưu phản.
Sanctuary Lamp
Đèn chầu. Là một đèn nến, thường có vỏ che bằng thủy tinh màu đỏ, thắp sáng cả đêm lẫn ngày, khi nào Mình Thánh Chúa được lưu giữ trong nhà thờ hay nhà nguyện Công giáo. Đây là một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu của Chúa Kitô, và nhắc nhở cho các tín hữu hãy đáp trả tình yêu này bằng việc thờ lạy Chúa.
Sanctum Sanctorum
Sanctum sanctorum, Nơi cực thánh. Là nơi lưu giữ Hòm Bia Giao ước. Cũng áp dụng cho bất cứ nơi nào được hiến dâng cho Chúa, và nơi dành riêng và không thể bị tấn công.
Sanctus
Sanctus, “Thánh, Thánh, Thánh”. Là phần thứ tư của Phần Chung thánh lễ, hoặc phần cố định của thánh lễ.
Sanctus Pontifex
Tuyên ngôn Sanctus Pontifex. Tuyên ngôn của Thánh Bộ Giáo sĩ và Kỷ luật Bí tích về Xưng tội lần đầu và Rước lễ lần đầu. Văn kiện này nói rằng cần chấm dứt việc thử nghiệm cho Rước lễ lần đầu mà không xưng tội lần đầu; rằng các thử nghiệm này cần chấm dứt vào ngày kết thúc năm học 1972-73 (tức ngày 24-5-1973). Bốn năm sau (ngày 31-3-1977) một văn kiện khác cùng một chủ đề được ban hành bởi Thánh bộ Giáo sĩ, Bí tích và Phượng tự, tuyên bố rằng mọi thử nghiệm như thế “phải chấm dứt để cho kỷ luật của Giáo hội được tái lập.”